27/11/2014
Đánh giá những nội dung cơ bản trong lĩnh vực hợp đồng của Bộ luật Hammurabi - Bài tập học kỳ Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới - 8 điểm
Nền kinh tế hang hóa ở Lưỡng Hà xuất hiện rất sớm và phát triển vào bậc nhất ở Phương Đông cổ đại. Điều đó đã tạo điều kiện thuận lợi để Lưỡng Hà cổ đại trở thành một trong những quốc gia cổ đại ở Phương Đông có pháp luật thành văn sớm. Với bộ luật nổi tiếng Hammurabi, quy định về tất cả các lĩnh vực trong xã hội, lĩnh vực hợp đồng là 1 trong những lĩnh vực được quan tâm nhất khi các nhà lập pháp soạn thảo ra bộ luật Hammurabi. Để hiểu rõ hơn về các quy định trong lĩnh vực hợp đồng thì e xin chọn đề tài 02: “ Đánh giá những nội dung cơ bản trong lĩnh vực hợp đồng của Bộ luật Hammurabi” làm đề tài cho bài tập học kỳ.

NỘI DUNG

I, Khái quát chung về Bộ luật Hammurabi và những nội dung cơ bản trong lĩnh vực hợp đồng:

1, Khái quát chung về Bộ luật Hammurabi:

Bộ luật Hammurabi được xây dựng trên cơ sở pháp điển hoá nhiều văn bản trước đó và trên cơ sở kế thừa luật lệ của người Xu-me, người Amôrít. Bộ luật được ghi bằng văn tự hình đinh xưa nhất trên tấm đá badan cao 2,25m và đường kính đáy gần 2mcó khắc hình vua Hammurabi đứng trước thần Samát (Thấn Mặt trời).  Bộ luật bao gồm ba phần: phần mở bài, phần nội dung và phần kết luận. Phần mở đầu nhà vua Hammurabi đã khẳng định quyền lực và công đức của nhà vua; Phần nội dung là phần chứa đựng các điều khoản của bộ luật điều chỉnh các mối quan hệ phát sinh trong xã hội, gồm 282 điều; Phần kết luận, nhà vua Hammurabi khẳng định lại mục đích ban hành Bộ luật và tuyên bố sẽ trừng phạt bất cứ ai vi phạm các điều khoản trong Bộ luật. Bộ luật chưa có sự phân chia thành các ngành luật nhưng các nhà làm luật đã có ý thức sắp xếp các điều khoản điều chỉnh một loại quan hệ pháp luật trong xã hội liền kề nhau.

2, Những nội dung cơ bản trong lĩnh vực hợp đồng:

Trong xã hội lúc bấy giờ, việc trao đổi, mua bán, vay mượn, thuê mướn hàng hóa, nhân công cũng như tài sản ở Lưỡng Hà phát triển rất mạnh đã làm cho những quan hệ có tính phức tạp dần phát sinh. Do đó, Bộ luật Hammurabi đã có những điều khoản điều chỉnh mối quan hệ này bằng khế ước hay hợp đồng. Thông qua các điều khoản quy định trong bộ luật, những loại hợp đồng thông dụng được đề cập đến là : hợp đồng mua bán tài sản, hợp đồng vay mượn, hợp đồng cho thuê tài sản. Nội dung của các loại hợp đồng này được quy định rải rác trọng Bộ Luật.

II,   Đánh giá những nội dung cơ bản trong từng loại hợp đồng thuộc lĩnh vực hợp đồng được quy định trong Bộ luật Hammurabi:

1, Hợp đồng mua bán tài sản:

- Hợp đồng mua bán tài sản là loại giao dịch dân sự phổ biến trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại.

- Trong Bộ luật Hammurabi đã đưa ra các điều kiện bắt buộc để hợp đồng mua bán có hiệu lực. Các điều kiện đó là :

+ Đối tượng của hợp đồng mua bán tài sản phải là tài sản hợp pháp. Khi đó, hợp đồng mua bán sẽ vô hiệu khi tài sản đem ra mua bán k rõ nguồn gốc hoặc là đồ ăn cắp (điều 8, 9, 10- Bộ luật).

+ Chủ thể tham gia quan hệ hợp đồng: Người tham gia mua bán phải là người có năng lực chủ thể và là chủ sở hữu hợp pháp hoặc là người được chủ sở hữu ủy quyền tham gia giao kết hợp đồng (điều 7, 117- Bộ luật).

+ Hình thức của hợp đồng: hợp đồng mua bán phải được thể hiện dưới hình thức thích hợp. Thông thường, việc giao kết hợp đồng phải được lập thành văn bản và có người làm chứng. Trong trường hợp, giao kết mà không có người làm chứng, nếu xuất hiện tranh chấp thì các bên tham gia quan hệ phải hoàn toàn chịu trách nhiệm (điều 9- Bộ luật).

- Ngoài ra, Bộ luật còn có những quy định riêng về trường hợp tài sản được đem ra mua bán là nô lệ. Về bản chất, nô lệ được coi là một loại hàng hóa đặc biệt được đem ra trao đổi, mua bán. Giá trị của nô lệ thường được thể hiện ở “sức lao động” của họ. Do đó, việc mua bán nô lệ mang tính rủi ro cao, các nhà lập pháp thường hướng tới bảo vệ quyền lợi của người mua hơn là người bán và nô lệ ( điều 278, 279- Bộ luật). Trong việc mua bán, người bán phải chịu trách nhiệm đối với đối tượng được đem ra giao dịch.

Nếu thiếu một trong ba điều kiện trên thì hợp đồng sẽ không có giá trị. Tuy nhiên, người vi phạm hợp đồng này sẽ bị xử phạt rất nặng, có khi phải đánh đổi cả mạng sống. Mặc dù vậy, có thể thấy được rằng, những quy định này rất tiến bộ và chặt chẽ, nhằm hướng tới mục đích bảo vệ quyền lợi của người mua và tránh gian lận trong buôn bán. Điều này thể hiện rõ giá trị thực tiến cao trong các quy định của bộ luật. Đây cũng là điểm tiến bộ hơn của bộ luật so với các bộ luật cùng thời kỳ.

2, Hợp đồng vay mượn tài sản:

- Hợp đồng vay mượn tài sản cũng là  loại hợp đông rất phổ biến trong xã hội Lưỡng Hà cổ đại. Đối với loại hợp đồng này, các nhà lập pháp Lưỡng Hà cổ đại đều chú ý đến quyền và nghĩa vụ của hai bên vay nợ, trước hết là quyền lợi của chủ nợ.

- Điều đáng quan tâm ở đây đó là để đảm bảo cho khoản vay được trả, chủ nợ thường buộc con nợ phải cầm cố ruộng đất hay các hình thức xiết nợ khác. Vấn đề được đặt ra đó là khi con nợ cầm cố ruộng đất, trong thời gian cầm cố ruộng đất đó thu được hoa lợi, vậy hoa lợi này sẽ thuộc về quyền sở hữu của con nợ hay chủ nợ?. Để giải quyết vấn đề này, các nhà lập pháp cũng đã đưa ra các quy định về vấn đề này trong Bộ luật Hammurabi, cụ thể là ở điều 49- Bộ luật.

Điểm tiến bộ đó là Bộ luật đã quy định mức lãi suất đối với hợp đồng vay mượn, bên cạnh đó, luật còn quy định mức lợi tức tối đa khác nhau đối với từng loại: vay tiền thì lợi tức tối đa là 20%, vay thóc thì lợi tức tối đa là 33%. Nếu người cho vay lấy lãi suất cao hơn mức quy định thì sẽ mất vật cho vay (điều 91- Bộ luật). Mặt khác, luật cũng quy định, khi cho vay dùng con người còn sống làm vật thế chấp để đảm bảo hợp đồng (điều 115, 116,117- Bộ luật). Đây là những quy định tiến bộ, một phần bảo vệ quyền lợi người đi vay, một phần bảo đảm cho việc vay mượn được diễn ra một cách công bằng, tránh hiện tượng cho vay nặng lãi, không phù hợp với giá trị của vật cho vay. 

3, Hợp đồng cho thuê mướn ruộng đất:

- Trong hợp đồng được ký kết bằng hình tức văn bản, quyền và nghĩa vụ do các bên thỏa thuận, nếu không có thỏa thuận thì sẽ theo quy định của pháp luật.

- Giá thuê ruộng được ấn định bằng tiền hoặc một phần hoa lợi (1/2 hay 1/3 tổng số thóc thu được) được quy định tại điều 45, 46- Bộ luật. Điều 42, 43, 44 của luật cũng quy định trách nhiệm của người lĩnh canh trong trường hợp lười biếng, bỏ hoang ruộng đất không canh tác. Trừ trường hợp hoàn cảnh khách quan gây ra (điều 45, 46- Bộ luật). Nếu không cày cấy mà để ruộng bỏ hoang, thì người này phải căn cứ theo người bên cạnh để nộp thóc cho chủ ruộng và còn phải cày bừa ruộng đã bỏ hoang cho bằng phẳng rồi trả lại cho ruộng. 

Quy định này đảm bảo cho sản xuất nông nghiệp được đều đặn, tránh hiện tượng láng phí ruộng đất, bởi sản xuất nông nghiệp là ngành kinh tế chủ đạo của không chỉ Lưỡng Hà mà còn của hầu hết các quốc gia cổ đại Phương Đông khác. Do đó, luật pháp cũng đã có nhiều quy định ddooid với những việc kiên quan đến phát triển sản xuất nông nghiệp. Ai cố tình vi phạm sẽ bị xử lý, bồi thường, nếu không có tài sản thì phải bán than để bồi thường thiệt hại do họ gây ra.

III, Nhận xét của cá nhân: 

Bên cạnh những điểm tiến bộ đã được phân tích ở trên thì những quy định của Bộ luật Hammurabi về lĩnh vực hợp đồng luôn có sự hình sự hóa các hình phạt, đây là hạn chế lớn nhất của Bộ luật. Mặc dù, những quy định về lĩnh vực hợp đồng có đối tượng là tài sản, nhưng những hình phạt đưa ra cũng có thể khiến những chủ thể tham gia quan hệ bị giết, chịu hậu quả pháp lý rất nặng nề. Những hình phạt xử lý vi phạm khá hà khắc và nghiêm ngặt như vậy vẫn được đặt ra để đảm bảo cho sự quản lý xã hội một cách chặt chẽ.

KẾT LUẬN

Tóm lại, như những đánh giá ở trên, Bộ luật Hammurabi đã được các nhà lập pháp kết hợp một cách hoàn chỉnh và thống nhất tạo nên sự chặt chẽ giữa thần quyền, vương quyền và pháp quyền, khiến cho bộ luật đạt được mục đích tối cao là giúp vua cai trị vương quốc. Bên cạnh đó, Bộ luật cũng đã giúp cho sự phát triển của xã hội Lưỡng Hà thời kỳ này đặc biệt là trong lĩnh vực hợp đồng. Cho đến ngày nay, Bộ luật Hammurabi được coi là một “giá trị lịch sử pháp lý” cần được tôn trọng và kế thừa nhưng giá trị phù hợp với xã hội hiện nay.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình lịch sử nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. CAND, Hà Nội- 2012.
2. Khoa luật- Đại học Quốc Gia Hà Nội, Giáo trình lịch sử  nhà nước và pháp luật thế giới, Nxb. Đại học Quốc Gia, Hà Nội- 1997.
3. Nguyễn Anh Tuấn, Khảo Lược Bộ luật Hammurabi của Nhà nước Lưỡng Hà cổ đại, Nxb. Chính Trị Quốc Gia, Hà Nội- 2008.
4. THs.Nguyễn Minh Tuấn, “Bộ luật Hammurabi- Bộ luật cổ xưa nhất của nhân loại”, Tạp chí luật học số 5/ 2005.

No comments:

Post a Comment