Là đối tượng, thực thể tồn tại trong đời sống xã hội, người khuyết tật có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tuy nhiên, do những khiếm khuyết không mong muốn về cơ thể mà người khuyết tật gặp phải nhiểu trở ngại, khó khăn trong cuộc sống, chính vì vậy, Nhà nước ta đã dành sự quan tâm đặc biệt đến đối tượng này với những chính sách, quy định của pháp luật về bảo trợ xã hội theo những nguyên tắc cụ thể đối với người khuyết tật nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Để rõ hơn về vấn đề này, em đi sâu tìm hiểu đề tài: “Phân tích các nguyên tắc của bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật. Các nguyên tắc đó được thể hiện như thế nào trong quy định của pháp luật bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật?”.
NỘI DUNG
Một số khái niệm và ý nghĩa bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật.
Khái niệm người khuyết tật.
Ngày 17/6/2010, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật người khuyết tật, có hiệu lực từ ngày 01/0/2011, chính thức sử dụng khái niệm “người khuyết tật” thay cho khái niệm “người tàn tật”, phù hợp với khái niệm và xu hướng nhìn nhận của thế giới về vấn đề khuyết tật. Theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật này thì “ Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn”.
Theo cách hiểu này thì người khuyết tật (NKT) bao gồm cả những người bị khuyết tật bẩm sinh, người bị khiếm khuyết do bệnh tật, tai nạn, thương binh, bệnh binh… Như vậy, Luật người khuyết tật Việt Nam đã đưa ra khái niệm NKT dựa vào mô hình xã hội, tuy nhiên còn chung chung so với khái niệm trong Công ước về quyền của người khuyết tật.
Thông qua quy định của các hệ thống pháp luật khác nhau cho thấy, để đưa ra khái niệm thuyết phục và thống nhất về NKT là không dễ dàng. Việc nghiên cứu để ban đưa ra định nghĩa quốc tế về NKT là thách thức do những mô hình của khuyết tật chịu ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa, điều kiện kinh tế - xã hội và các tiêu chí xác định khuyết tật. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng, định nghĩa về NKT, dù tiếp cận dưới bất kỳ góc độ nào, nhất thiết phải phản ánh thực tế là NKT có thể gặp các rào cản do yếu tố xã hội, môi trường hoặc con người khi tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, xã hội, chính trị. Họ phải được đảm bảo rằng, họ có quyền và trách nhiệm tham gia vào mọi hoạt động của đời sống như bất cứ công dân nào với tư cách là các quyền con người. Với cách tiếp cận đó, có thể đưa ra định nghĩa, khái niệm NKT như sau: “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng dẫn đến những hạn chế đáng kể và lâu dài trong việc tham gia của người khuyết tật vào hoạt động xã hội trên cơ sở binh đẳng với những chủ thể khác.”
Khái niệm bảo trợ xã hội và bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật.
Khái niệm bảo trợ xã hội.
Trong cuộc sống, không phải lúc nào con người cũng gặp may mắn,thuận lợi cho sự tồn tại và phát triển, trái lại họ thường xuyên phải đối mặt với những rủi ro, bất hạnh, biến cố… vì nhiều nguyên nhân khác nhau. Khi rơi vào những tình huống như vậy, nhu cầu khắc phục khó khăn, đảm bảo cuộc sống, vươn lên hòa nhập cộng đồng trở thành cấp thiết và mang tính nhân đạo sâu sắc. Do đó, có thể nhận thấy, bảo trợ xã hội (BTXH) là biện pháp tương trợ cộng đồng đầu tiên mà con người tìm đến để giúp nhau vượt qua những tình huống khó khăn. Đây là hình thức tương trợ cộng đồng đơn giản, phổ biến và giữ vai trò quan trọng trong hệ thống an sinh xã hội (ASXH) mỗi quốc gia.
Nhận thức được ý nghĩa và tầm quan trọng của BTXH, hầu hết các nước đều tổ chức thực hiện bảo trợ xã hội bằng cách xây dựng pháp luật và tổ chức thực hiện phù hợp với các điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội, phong tục, tập quán,… của mình. Theo thống kê của ILO trong các tài liệu về ASXH, trong số 172 nước thiết lập hệ thống ASXH thì chế độ BTXH đều được quan tâm thực hiện ngay từ đầu. Ở Việt Nam, mặc dù BTXH đã được thực hiện từ rất lâu với vai trò quan trọng của Nhà nước nhưng cho đến nay vẫn chưa có định nghĩa chính thức về BTXH trong các văn bản pháp luật. Theo cách hiểu thông thường thì đó là “sự giúp đỡ cho qua khỏi cơn nguy khốn” hay “giúp cho qua khỏi cơn nghèo ngặt”. Về ngữ nghĩa thì đa số các nhà khoa học cho rằng cùm từ này gồm hai nhóm từ ghép là “cứu trợ xã hội” và “trợ giúp xã hội”.
BTXH được tiếp cận với nhiều góc độ như kinh tế, đảm bảo quyền con người, tiếp cận dưới phạm vi rộng và hẹp với sự khác biệt về nội hàm khái niệm, tiếp cận dưới những quan điểm, phạm vi khác nhau nên cũng có những khái niệm khác nhau đề cập nội dung này, nhưng tóm lại, dựa trên quan điểm chung của ILO và riêng ở Việt Nam, có thể hiểu BTXH là sự giúp đỡ của Nhà nước, xã hội và cộng đồng bằng những biện pháp và cách hình thức khác nhau đối với các đối tượng gặp phải rủi ro, bất hạnh, nghèo đói… vì nhiều nguyên nhân dẫn đến không đủ khả năng tự lo liệu được cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình nhằm giúp họ tránh được mối đe dọa của cuộc sống thường nhật, giúp họ vượt qua khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Theo khái niệm này, đối tượng BTXH chính là những người gặp khó khăn, rủi ro, biến cố, bất hạnh trong cuộc sống vì nhiều nguyên nhân khác nhau cần có sự giúp đỡ. Những đối tượng được kể đến đầu tiên trong hầu hết các quy định pháp luật BTXH các quốc gia đều là nhóm NKT, người già, cô đơn, trẻ em mồ côi thiếu người nuôi dưỡng…
Về thể chế hóa chính sách xã hội mang đậm tính nhân đạo này, tùy thuộc vào các giai đoạn khác nhau của điều kiện kinh tế - xã hội, Nhà nước đã ban hành các văn bản pháp luật quy định cụ thể chế độ BTXH với phạm vi đối tượng, điểu kiện hưởng, mức hưởng,… và tổ chức thực hiện. Do vậy, có thể hiểu, dưới góc độ pháp luật, chế độ BTXH là tổng thể các quy phạm pháp luật có quan hệ chặt chẽ với nhau, xác định quyền và nghĩa vụ của Nhà nước, tổ chức, cá nhân trong việc hỗ trợ về vật chất và tinh thần cho các thành viên trong xã hội khi bị lâm vào hoàn cảnh bất hạnh, rủi ro, nghèo đói,... không đủ khả năng đảm bảo cuộc sống tối thiểu của bản thân và gia đình.
Đặc điểm bảo trợ xã hội.
Xuất phát từ những phân tích trên về khái niệm BTXH, có thể rút ra một số đặc điểm như sau:
Về đối tượng: Tham gia vào quan hệ BTXH bao gồm Nhà nước, các đối tượng BTXH và các chủ thể khác như tổ chức, cá nhân khá trong hoạt động chung mang tính nhân đạo này. Trong đó:
Đối tượng bảo trợ: là mọi người dân trong xã hội không phân biệt khi rơi vào hoàn cảnh khó khăn, rủi ro, bất hạnh cần có sự giúp đỡ để tồn tại. Dưới góc độ kinh tế thì đó là những thành viên có mức sống thấp hơn mức sống tối thiểu của xã hội hoặc gặp khó khăn, rủi ro cần có sự nâng đỡ về mặt vật chất. Dưới góc độ xã hội thì họ thuộc nhóm người “yếu thế” trong xã hội, với những nguyên nhân khác nhau mà bị rơi vào vị thế bất lợi, thiệt thòi, có ít cơ may trong cuộc sống như người binh thường và không có đủ khả năng tự lo liệu, đảm bảo cho cuộc sống của gia đình và bản thân. Ngoài ra, dưới góc độ nhân đạo, đó có thể là những đối tượng nghiện hút, mại dâm, lang thang xin ăn,…
Thứ hai là Nhà nước với tư cách là một chủ thể trong quan hệ BTXH, đã xác định được nghĩa vụ của mình và mối quan hệ hợp tác giữa các cơ quan, tổ chức, cá nhân,… trong hoạt động BTXH. Hoạt động BTXH, ngoài trách nhiệm của Bộ lao động – thương binh và xã hội, còn là trách nhiệm của các Bộ, Ban, Ngành khác như Bộ Y tế, Bộ Giáo dục,… và toàn thể các thành viên xã hội…
Về nội dung: Chế độ BTXH được xem xét dưới nhiều góc độ khác nhau. Theo quy định của pháp luật hiện hành, chế độ BTXH bao gồm hai nội dung chính là chế độ bảo trợ thường xuyên và chế độ bảo trợ đột xuất. VIệc phân loại này có ý nghĩa đưa ra các mức hưởng và hình thức bảo trợ cho phù hợp với từng nhóm đối tượng.
Về mụcđích: Mục đích của BTXH không nhằm bù đắp thu nhập thường xuyên bị giảm hoặc mất hay đảm bảo ổn định đời sống, suy tôn công trạng, đền ơn đáp nghĩa những người có công,… mà chỉ hỗ trợ, giúp đỡ cho những người lâm vào tình trạng thực sự khó khăn, túng quẫn, cần có sự giúp đỡ vật chất mới có thể vượt qua được hoàn cảnh hiện tại. Do đó, mức hưởng thường là thấp và linh hoạt, phụ thuộc vào khả năng tài chính của Nhà nước, khả năng huy động nguồn lực, và tình trạng thực tế của đối tượng,…
Khái niệm bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật.
Xuất phát từ khái niệm BTXH nói chung, BTXH đối với NKT được hiểu là tổng hợp các cơ chế, chính sách và các giải pháp của Nhà nước và cộng đồng xã hội nhằm trợ giúp và bảo vệ cho NKT, trước hết và chủ yếu là những khoản trợ cấp, hỗ trợ và các chi phí khác nhằm giúp cho đối tượng ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng. Theo đó, các nội dung của BTXH nói chung áp dụng với đối tượng hưởng là NKT khi thỏa mãn các điều kiện hưởng trong các chế độ trợ cấp, hỗ trợ.
Trên quan điểm tiến bộ, BTXH đối với NKT được tiếp cận từ góc độ nhân quyền với trách nhiệm của Nhà nước chứ không chỉ dừng lại ở mục đích nhân đạo, ban ơn, chiếu cố tới những thân phận khiếm khuyết về sức khỏe. Các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho cuộc sống của NKT được thực hiện như một sự phân phối lại lợi ích xã hội theo hướng công bằng, đảm bảo cho sự phát triển bền vững của mỗi quốc gia trong tương quan phát triển kinh tế và xã hội. Không chỉ dừng lại ở đó, việc nhìn nhận NKT như một dạng trong đa dạng các thành viên xã hội và khơi gợi khả năng lao động tiểm ẩn trong họ là một trong những tư tưởng tiến bộ để các khoản trợ cấp BTXH không còn ý nghĩa đơn thuần là gánh nặng cho ngân sách Nhà nước mà chính là động lực thúc đẩy phát triển kinh tế, với mục tiêu vì con người – trung tâm của sự phát triển.
Ý nghĩa của bảo trợ xã hội với người khuyết tật.
NKT luôn chiếm một tỉ lệ nhất định trong dân số mỗi quốc gia, ở Việt Nam, theo báo cáo của Bộ Lao động – Thương binh và xã hội, ước tính cả nước có khoảng 5,3 triệu NKT, chiếm 6,34% dân số cả nước. Xem xét về thể trạng và cơ hội tạo thu nhập đảm bảo cuộc sống cho thấy, đương nhiên với những khuyết tật của mình, nhóm đối tượng này đã trở thành yếu thế so với những người bình thường. Họ cần giúp đỡ, hỗ trợ để đảm bảo cuộc sống. Với trách nhiệm đảm bảo và chăm lo đời sống cho các thành viên xã hội, Nhà nước xác định trách nhiệm của mình đối với cuộc sống của NKT, trước hết và cơ bản là khoản trợ cấp, hỗ trợ nuôi dưỡng trong chế độ BTXH.
Từ những cách tiếp cận khác nhau về phạm vi nội dung rộng và hẹp cho thấy ý nghĩa của BTXH đối với các thành viên xã hội, đặc biệt là NKT có sự khác nhau nhất định. Trong phạm vi hẹp, với nội dung chủ yếu là các chế độ trợ giúp, hỗ trợ cho cuộc sống của NKT, BTXH đặc biệt có ý nghĩa đảm bảo nhân quyền, thể hiện trách nhiệm của Nhà nước đối với cuộc sống của NKT. Tuy nhiên, về cơ bản xuất phát từ quan điểm xem xét NKT như một đối tượng khác trong đa dạng cộng đồng dân chúng cần xem xét những nhu cầu của họ để thiết lập những chế độ BTXH phù hợp. Không chỉ dừng ở mục đích quan tâm tới những nhu cầu sinh sống thiết yếu của NKT mà các nội dung BTXH còn hướng tới mục đích tạo cơ hội hòa nhập, vươn lên tiếp cận và thích ứng với hoàn cảnh sống, phát huy được giá trị và khả năng của mình. Cũng chính vì vậy, xem xét ý nghĩa của BTXH đối với NKT không chỉ dừng lại ở ý nghĩa về kinh tế như một sự phân phối lại thu nhập xã hội một cách công bằng mà còn có ý nghĩa về mặt xã hội, chính trị và pháp luật. Có thể xem xét ý nghĩa cơ bản của BTXH đối với NKT:
Dưới góc độ kinh tế:
BTXH có ý nghĩa thiết thực với đời sống của NKT và gia đình họ thông qua khoản trợ cấp xã hội, góp phần đảm bảo cho nhu cầu sinh sống tối thiểu của NKT. Do những hạn chế về sức khỏe nên NKT có những khó khăn trong việc tạo thu nhập, đảm bảo cuộc sống. Cuộc sống của họ thường có sự lệ thuộc ở mức độ khác nhau vào thân nhân, gia đình. Hầu hết các quốc gia, NKT có mức sống thấp hơn so với tỉ lệ nhóm đối tượng khác trong cộng đồng. Đối với nhiều đối tượng khuyết tật, các nhu cầu sinh sống tối thiểu còn rất hạn chế, thậm chí vượt ra khỏi khả năng đảm bảo của họ. Nếu không có sự giúp đỡ, hỗ trợ thì không thể duy trì được mức sống tối thiểu và có nguy cơ không trụ được trong cuộc sống. Với tình thế đó, BTXH như “lưới đỡ” kinh tế cuối cùng về miếng cơm, manh áo cho sự tồn tại, giúp họ vượt qua khó khăn, túng quẫn của cuộc sống thường nhật. Không dừng lại ở đó, từ việc góp phần đảm bảo cuộc sống cho NKT. Các khoản trợ cấp của BTXH còn tạo cơ hội thuận lợi cho họ vươn lên đảm bảo và nâng cao đời sống. Các khoản trợ cấp xã hội đối với NKT còn có ý nghĩa là công cụ phân phối lại tiền bạc, của cải và dịch vụ có lợi cho các thành viên yếu thế, thu hẹp dần sự chênh lệch mức sống, giảm bớt bần cùng, nghèo đói. Phân phối lại thu nhập xã hội theo hướng công bằng, đảm bảo lợi ích xã hội đối với NKT nói riêng và toàn bộ dân chúng nói chung.
Dưới góc độ chính trị xã hội.
BTXH đối với NKT không chỉ thể hiện thái độ của Nhà nước đối với bộ phân dân chúng mà còn là biện pháp hỗ trợ tích cực của xã hội đối với mỗi thành viên của mình khi gặp rủi ro, hạn chế về sức khỏe. Trên phương diện xã hội, BTXH cho NKT còn làm giảm thiểu những bất ổn xã hội, góp phần ổn định xã hội, ổn định chính trị bởi lẽ khi rơi vào tình cảnh cùng quẫn, phân biệt đối xử, con người sẽ dễ nảy sinh những hành vi lệch lạc về chuẩn mực đạo đức. Trang bị cho nhận thức của mỗi cá nhân về sự đảm bảo cuộc sống khi khó khăn bằng những “lưới đỡ” BTXH khiến họ yên tâm và tin tưởng hơn trong cuộc sống, là yếu tố tạo nên sự hòa đồng giữa các thành viên xã hội không phân biệt giới tính, tôn giáo, địa vị... giúp NKT nhận thấy mình có giá trị, có địa vị chứ không hề bị “bỏ rơi” vì những khiếm khuyết sức khỏe, đây chính là là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế xã hội và chính trị mỗi quốc gia.
Dưới góc độ pháp luật.
BTXH đối với NKT là một trong những nội dung của pháp luật ASXH, điều chỉnh việc trợ giúp vật chất và tinh thần cho nhóm đối tượng có vị thế bất lợi, thiệt thòi, ít có cơ may trong cuộc sống như những người bình thường khác. BTXH cho NKT với các chế độ trợ cấp được thiết lập trên cơ sở đảm bảo quyền con người. Mỗi con người sinh ra trong xã hội đều có quyền được sống, được bình đẳng, được thương yêu, đùm bọc, che chắn, bảo vệ trước những biến cố bất lợi, đặc biệt là khi sự sống bị đe dọa. Quyền này đã được ghi nhận tại Điều 22 Tuyên ngôn nhân quyền của Liên hợp quốc ngày 10/12/1948: “mọi người đều có quyền được hưởng một mức sống đủ đảm bảo sức khỏe và nhu yếu của mình cùng gia đình, nhất là về ăn uống, nhà ở, thuốc men…” Tùy từng điều kiện kinh tế xã hội và những đặc thù riêng mà mỗi quốc gia đều luật hóa nội dung này ở những mức độ khác nhau để tổ chức thực hiện. Cũng từ đó, phải nhận thức rằng, BTXH đối với NKT không phải là sự ban ơn, chiếu cố đối với những thân phận thấp hèn, cùng cực vì những hạn chế, rủi ro về sức khỏe mà là quyền của mỗi thành viên xã hội và là trách nhiệm, nghĩa vụ của cả cộng đồng.
Nguyên tắc cơ bản của bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật.
Người khuyết tật có quyền được hưởng bảo trợ xã hội không có sự phân biệt theo tiêu chí nào.
Xuất phát từ việc đảm bảo quyền con người được quy định trong pháp luật quốc tế, các quốc gia đều nhận thức rõ vấn đề này và ghi nhận quyền hưởng BTXH cho công dân trong văn bản pháp luật quốc gia. Đối với NKT , quyền hưởng BTXH được ghi nhận tại Điều 67 Hiến pháp vàu cụ thể hóa trong các văn bản Luật, dưới luật…
Nguyên tắc thực hiện quyền hưởng bảo trợ xã hội đối với NKT không có sự phân biệt theo tiêu chí nào cũng chính là nội dung nguyên tắc cơ bản của Luật an sinh xã hội. Nội dung nguyên tắc thể hiện ở việc quy định phạm vi và đối tượng áp dụng. Theo đó, mọi thành viên xã hội bị khuyết tật đều có quyền được hưởng BTXH mà không có sự phân biệt về địa vị, kinh tế, tôn giáo, giới tính, thành phần xã hội,… Nói cách khác, rủi ro khuyết tật không loại trừ ai với tư cách là thành viên trong cộng đồng bất kể họ có sức khỏe, kinh tế hay công việc, vì vậy, sự phân biệt theo tiêu chí nào để loại bỏ quyền hưởng BTXH của NKT đều là bất hợp lí. Mặc dù vậy, đảm bảo thực hiện quyền này còn phụ thuộc nhiều vào điều kiện kinh tế xã hội của mỗi quốc gia khác nhau, thậm chí phụ thuộc vào từng giai đoạn phát triển khác nhau của từng quốc gia. Hơn nữa, cũng không thể coi trợ cấp BTXH là sự ban ơn đơn thuần hay sự cào bằng bình quân chủ nghĩa mà cần đảm bảo công bằng với đối tượng thụ hưởng có tính đến mức độ rủi ro khuyết tật. Vì vậy, pháp luật quy định cụ thể về điều kiện hưởng, mức lương các khoản trợ cấp, hỗ trợ cho NKT đảm bảo công bằng và phù hợp với từng giai đoạn phát triển nhất định. Điều này lí giải cho thực tế là mặc dù quyền hưởng BTXH cho NKT được áp dụng cho tất cả mọi đối tượng, không có sự phân biệt theo tiêu chí nào, nhưng để được hưởng các khoản trợ cấp, hỗ trợ của hệ thống BTXH, NKT còn phải đảm bảo các điều kiện hưởng cụ thể.
Mức trợ cấp bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không phụ thuộc vào sự đóng góp, thu nhập hoặc mức sống của họ mà chủ yếu phụ thuộc vào mức độ khuyết tật và nhu cầu thực tế của đối tượng.
Xuất phát từ nguyên nhân rủi ro là những khiếm khuyết về sức khỏe khiến nhiều NKT có những hạn chế nhất định so với những đối tượng khác trong cộng đồng, thậm chí, họ còn khó khăn trong việc đảm bảo sự tồn tại. Những rủi ro này có thể xuất hiện ngay từ khi họ sinh ra hoặc trong quá trình sống, vì vậy, đòi hỏi một khoản tích lũy đóng góp hay nghĩa vụ tài chính nào cho phần phụ hưởng trợ cấp sẽ khiến khoản trợ cấp này không còn vai trò “lưới đỡ” cuối cùng của người dân cho sự tồn tại và không còn ý nghĩa đảm bảo quyền sống của con người, đảm bảo phân phối lại lợi ích xã hội. Chỉ trong trường hợp cuộc sống thường nhật của họ bị đe dọa, hoặc cần có sự giúp đỡ, hỗ trợ để tồn tại, vấn đề trợ cấp mới được đặt ra.
Với mục đích không nhằm bù đắp hoặc thay thế thu nhập của đối tượng hay đảm bảo đời sống cho NKT với những yêu cầu định trước mà chỉ nhằm giúp đỡ, hỗ trợ cho đối tượng thoát khỏi tình trạng cuộc sống thường nhật bị đe dọa, tạo cơ hội cho họ vươn lên khắc phục rủi ro, hòa nhập cộng đồng, do vậy, các khoản trợ cấp BTXH cho NKT không gắn với bất cứ yêu cầu gì về nghĩa vụ tài chính cho việc thụ hưởng. Nói cách khác, để được hưởng trợ cấp BTXH, NKT không phải đóng góp tài chính đồng thời, mức thu nhập, mức sống của họ trước khi bị khuyết tật cũng không phải là tiêu chí xác định mức hưởng. Không phải trước khi bị khuyết tật, đối tượng nào có thu nhập cao, mức sống cao hơn thì hưởng trợ cấp cao hơn và ngược lại. Tiêu chí quan trọng để xác định mức hưởng trợ cấp cho NKT chính là mức độ rủi ro khuyết tật và hoàn cảnh sống thực tế của NKT. Chẳng hạn, với những mức độ khuyết tật khác nhau như nặng, đặc biệt nặng, khuyết tật trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ khuyết tật mang thai… hay thậm chí có cùng mức độ khuyết tật nhưng hoàn cảnh sống có sự khác nhau nhất định như có người chăm sóc, kinh tế gia đình khá giả hay không cũng là những căn cứ quan trọng để xác định mức trợ cấp, hỗ trợ cho phù hợp. Điều này phù hợp với ý nghĩa, mục đích của trợ cấp và đảm bảo công bằng cho người thụ hưởng.
Thực hiện bảo trợ xã hội cân đối giữa nhu cầu thực tế của người khuyết tật và phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội.
Nhu cầu BTXH của NKT và khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội là một bài toán mà hầu hết các quốc gia phải cân đối trong tương quan đảm bảo quyền của NKT và giải quyết các vấn đề xã hội, phát triển kinh tế. Thực tế cho thấy, với những đặc điểm riêng khác nhau mà số lượng và nhu cầu bảo trợ của NKT ở các quốc gia khác nhau có sự khác nhau nhất định. Ở Việt Nam, với tỉ lệ đối tượng NKT chiếm tới hơn 6% dân số cả nước, cộng với điều kiện kinh tế xã hội còn nhiều khó khăn khiến nhu cầu trợ giúp cho NKT là rất lớn. Để đảm bảo thực hiện BTXH cho NKT có hiệu quả, cần phải xác định được cụ thể nhu cầu của NKT và được chuyển tải bằng điều kiện hưởng trong các khoản trợ cấp, hỗ trợ. Nhu cầu này phải được đặt trong tương quan chung của điều kiện kinh tế xã hội với mức sống của người dân.
Việc đáp ứng nhu cầu bảo trợ của NKT phải được tính toán cân đối với khả năng đáp ứng và điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia trong từng giai đoạn, nếu không sẽ không đạt được mục đích của BTXH và ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế khác. Nếu trợ cấp quá cao so với khả năng đáp ứng thì thiếu tính khả thi, khó đảm bảo duy trì thực hiện và nếu thực hiện được, có thể sẽ tạo tâm lí ỷ lại, trông chờ vào nguồn tài chính trợ giúp, làm cản trở ý thức vươn lên, phát huy nội lực và kìm hãm sức phát triển của các cơ chế bảo vệ khác. Ngược lại, nếu mức trợ cấp, hỗ trợ cho NKT quá thấp sẽ không đảm bảo được ý nghĩa và mục đích của BTXH bởi xét cho cùng, đây là “lưới đỡ” kinh tế cận kề nhất với cuộc sống của NKT và cũng thể hiện rõ nét nhất thái độ của Nhà nước đối với nhóm người “yếu thế” trong xã hội. Mặc dù vậy, về cơ bản, việc cân đối giữa nhu cầu của NKT và khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế cũng phải hướng tới yêu cầu đảm bảo nhu cầu tối thiểu cần thiết nhằm duy trì cuộc sống cho NKT trước những khó khăn cuộc sống.
Đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật, phát huy khả năng vươn lên hòa nhập cộng đồng.
Nguyên nhân rủi ro dẫn đến tình trạng khuyết tật của con người là đa dạng, vì vậy, việc thực hiện BTXH đối với họ cũng cần phải xem xét đến mức độ, hình thức và biện pháp hợp lí. Ở phạm vi hẹp, BTXH cho NKT với những khoản trợ cấp, hỗ trợ nuôi dưỡng được thực hiện chủ yếu bằng tiền hoặc hiện vật, đáp ứng nhu cầu tối thiểu cuộc sống, song cần hướng tới phát huy đa dạng các hình thức, biện pháp bảo trợ nâng đỡ tinh thần, tâm lí, chăm sóc sức khỏe,… Thông qua những hoạt động bảo trợ này, đối tượng xóa đi mặc cảm, tạo cơ hội tự tin cho họ hòa nhập cộng đồng, phát huy những khả năng vươn lên đảm bảo cuộc sống. Thậm chí, từ cách tiếp cận mới mẻ về NKT, hiện nay đang hướng tới nhìn nhận NKT như một trong đa dạng đối tượng xã hội, là nguồn nhân lực tiềm ẩn cần có sự hỗ trợ khai thác.
Từ việc xác định trách nhiệm chính của Nhà nước đối với cuộc sống NKT thông qua các khoản trợ cấp, hỗ trợ từ tài chính công, Nhà nước cũng huy động sự tham gia của cả cộng đồng và bản thân NKT. Mỗi cá nhân trong cộng đồng đều có trách nhiệm với các thành viên khác và với chính mình trên cơ sở thương yêu, đùm bọc, che chở lẫn nhau. Đây trở thành nền tảng của xã hội hóa hoạt động BTXH đối với NKT. Trong điều kiện hiện nay, việc xã hội hóa thực hiện BTXH đối với NKT được nhìn nhận theo hướng tiến bộ. Không phải BTXH cho NKT chỉ dừng lại ở những khoản trợ cấp do Nhà nước thực hiện mang tính ban phát, bao cấp mà hướng tới việc huy động nguồn lực và sự quan tâm của cả cộng đồng nhằm đưa đến sự bảo vệ cao nhất cho NKT. Điều này thể hiện rõ trong những quy định mang tính tùy nghi, điều chỉnh hoạt động của các hiệp hội từ thiện, các trung tâm bảo trợ, chăm sóc NKT… và cả những mô hình chăm sóc thay thế hiện đang thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng.
Quy định của pháp luật thể hiện những nguyên tắc của bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật.
Với nguyên tắc Người khuyết tật có quyền được hưởng bảo trợ xã hội không có sự phân biệt theo tiêu chí nào.
Nguyên tắc thực hiện quyền hưởng bảo trợ xã hội đối với NKT không có sự phân biệt theo tiêu chí nào được thể hiện ở Khoản 1, 2 Điều 28 Công ước quốc tế về quyền của NKT mà Việt Nam đã ký cam kết tham gia năm 2007, quy định về bảo trợ xã hội:
“1. Các Quốc gia thành viên của Công ước này thừa nhận quyền của người khuyết tật được hưởng mức sống thích đáng cho bản thân và gia đình, bao gồm đủ ăn, đủ mặc, có nhà ở, và được cải thiện điều kiện sống thường xuyên; và cam kết thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo hộ và thúc đẩy việc thực hiện quyền này trên thực tế mà không có sự phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật.
2. Các Quốc gia thành viên của Công ước này thừa nhận quyền của người khuyết tật đối với bảo trợ xã hội và người khuyết tật được hưởng quyền này mà không bị phân biệt đối xử vì lý do khuyết tật; và cam kết thực hiện các biện pháp phù hợp để bảo đảm và thúc đẩy sự việc thực hiện quyền này trên thực tế...”
Và nguyên tắc tắc thực hiện quyền hưởng bảo trợ xã hội đối với NKT không có sự phân biệt theo tiêu chí nào cũng chính là nội dung nguyên tắc cơ bản của Luật an sinh xã hội. Nội dung nguyên tắc thể hiện ở việc quy định phạm vi và đối tượng áp dụng. Theo đó, mọi thành viên xã hội bị khuyết tật đều có quyền được hưởng BTXH mà không có sự phân biệt về địa vị, kinh tế, tôn giáo, giới tính, thành phần xã hội,…
Với nguyên tắc: “Mức trợ cấp bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật không phụ thuộc vào sự đóng góp, thu nhập hoặc mức sống của họ mà chủ yếu phụ thuộc vào mức độ khuyết tật và nhu cầu thực tế của đối tượng”.
Tại Điều 44 Luật Người khuyết tật 2010 quy định về trợ cấp bảo trợ xã hội như sau:
“1. Đối tượng hưởng trợ cấp xã hội hàng tháng bao gồm:
a) Người khuyết tật đặc biệt nặng, trừ trường hợp quy định tại Điều 45 của Luật này;
b) Người khuyết tật nặng.
2. Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng bao gồm:
a) Gia đình có người khuyết tật đặc biệt nặng đang trực tiếp nuôi dưỡng, chăm sóc người đó;
b) Người nhận nuôi dưỡng, chăm sóc người khuyết tật đặc biệt nặng;
c) Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này đang mang thai hoặc nuôi con dưới 36 tháng tuổi.
3. Người khuyết tật quy định tại khoản 1 Điều này là trẻ em, người cao tuổi được hưởng mức trợ cấp cao hơn đối tượng khác cùng mức độ khuyết tật.
4. Mức trợ cấp xã hội hàng tháng, mức hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng đối với từng loại đối tượng theo quy định tại Điều này do Chính phủ quy định.”
Như vậy, theo quy định của pháp luật, điều kiện để hưởng mức trợ cấp xã hội của NKT không hề phù thuộc vào sự đóng góp, thu nhập hoặc mức sống của họ mà phụ thuộc vào mức độ khuyết tật (nặng, nhẹ) và nhu cầu thực tế của họ. Các khoản trợ cấp BTXH cho NKT không gắn với bất cứ yêu cầu gì về nghĩa vụ tài chính cho việc thụ hưởng. Nói cách khác, để được hưởng trợ cấp BTXH, NKT không phải đóng góp tài chính đồng thời, mức thu nhập, mức sống của họ trước khi bị khuyết tật cũng không phải là tiêu chí xác định mức hưởng. Không phải trước khi bị khuyết tật, đối tượng nào có thu nhập cao, mức sống cao hơn thì hưởng trợ cấp cao hơn và ngược lại. Tiêu chí quan trọng để xác định mức hưởng trợ cấp cho NKT chính là mức độ rủi ro khuyết tật và hoàn cảnh sống thực tế của NKT.
Với nguyên tắc: “Thực hiện bảo trợ xã hội cân đối giữa nhu cầu thực tế của người khuyết tật và phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội”.
Việc xác định điều kiện hưởng trong các khoản trợ cấp được quy định tại Luật Khuyết tật 2010 như: đối tượng được hưởng trợ cấp hàng tháng; Đối tượng được hỗ trợ kinh phí chăm sóc hàng tháng; mức trợ cấp xã hội hàng tháng; điều kiện NKT được nuôi dưỡng trong cơ sở BTXH… cũng chính là việc thể hiện nguyên tắc thực hiện BTXH phải cân đối giữa nhu cầu của NKT để phù hợp với khả năng đáp ứng của điều kiện kinh tế xã hội. Việc đáp ứng nhu cầu bảo trợ của NKT phải được tính toán cân đối với khả năng đáp ứng và điều kiện kinh tế xã hội của quốc gia trong từng giai đoạn, nếu không sẽ không đạt được mục đích của BTXH và ảnh hưởng đến các chính sách kinh tế khác. Nếu trợ cấp quá cao so với khả năng đáp ứng thì thiếu tính khả thi, khó đảm bảo duy trì thực hiện và nếu thực hiện được, có thể sẽ tạo tâm lí ỷ lại, trông chờ vào nguồn tài chính trợ giúp, làm cản trở ý thức vươn lên, phát huy nội lực và kìm hãm sức phát triển của các cơ chế bảo vệ khác. Ngược lại, nếu mức trợ cấp, hỗ trợ cho NKT quá thấp sẽ không đảm bảo được ý nghĩa và mục đích của BTXH.
Với nguyên tắc: “Đa dạng hóa, xã hội hóa hoạt động bảo trợ xã hội đối với người khuyết tật, phát huy khả năng vươn lên hòa nhập cộng đồng.”
Không phải BTXH cho NKT chỉ dừng lại ở những khoản trợ cấp do Nhà nước thực hiện mang tính ban phát, bao cấp mà hướng tới việc huy động nguồn lực và sự quan tâm của cả cộng đồng nhằm đưa đến sự bảo vệ cao nhất cho NKT. Điều này thể hiện rõ trong những quy định mang tính tùy nghi, điều chỉnh hoạt động của các hiệp hội từ thiện, các trung tâm bảo trợ, chăm sóc NKT… và cả những mô hình chăm sóc thay thế hiện đang thu hút sự quan tâm của cả cộng đồng, ví dụ như:
“Điều 47. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật
1. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật là cơ sở nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật.
2. Cơ sở chăm sóc người khuyết tật bao gồm:
a) Cơ sở bảo trợ xã hội;
b) Cơ sở dịch vụ hỗ trợ người khuyết tật;
c) Trung tâm hỗ trợ người khuyết tật sống độc lập;
d) Cơ sở chăm sóc người khuyết tật khác.
3. Chính phủ quy định điều kiện thành lập, hoạt động, giải thể cơ sở chăm sóc người khuyết tật.
4. Nhà nước đầu tư cơ sở vật chất và bảo đảm kinh phí hoạt động cho cơ sở chăm sóc người khuyết tật công lập.
Điều 48. Trách nhiệm của cơ sở chăm sóc người khuyết tật
1. Tuân thủ điều kiện hoạt động của cơ sở chăm sóc người khuyết tật; thực hiện đầy đủ các quy chuẩn về nuôi dưỡng, cung cấp dịch vụ tư vấn, trợ giúp người khuyết tật tương ứng với từng loại cơ sở.
2. Thực hiện cải tạo, nâng cấp cơ sở vật chất chưa bảo đảm điều kiện tiếp cận đối với người khuyết tật.”
Bên cạnh những cơ sở công lập được đảm bảo hoạt động từ kinh phí Nhà nước, pháp luật cho phép và khuyến khích thiết lập các cơ sở BTXH ngoài công lập với những điều kiện nhất định hướng tới việc bảo đảm và nâng cao hơn chất lượng cuộc sống, khơi gợi khả năng tiềm ẩn của NKT, khắc phục những rào cản về ý thức, tâm lí cho NKT, giúp họ nhanh chóng hòa nhập cộng đồng.
KẾT LUẬN
Từ những quy định trên của pháp luật đã thể hiện sự quan tâm đặc biệt của Nhà nước ta đối với người khuyết tật, nhằm giúp họ khắc phục khó khăn, ổn định cuộc sống, hòa nhập cộng đồng, làm giảm thiểu những bất ổn xã hội, góp phần ổn định xã hội, ổn định chính trị, là nền tảng cơ bản thúc đẩy phát triển bền vững về kinh tế xã hội và chính trị mỗi quốc gia.
No comments:
Post a Comment