Trong quan hệ nghĩa vụ, hành vi của các chủ thể sẽ tác động vào một tài sản, một công việc cụ thể nào đó. Những tài sản, công việc này chính là đối tượng của việc thực hiện nghĩa vụ dân sự. Tùy thuộc vào tính chất và nội dung của từng quan hệ nghĩa vụ cụ thể mà đối tượng của nó có thể là một tài sản, một công việc phải làm hoặc một công việc không được làm.
Công việc không được thực hiện là đối tượng của nghĩa vụ trong những trường hợp, các bên thỏa thuận mà theo đó người có nghĩa vụ không được thực hiện công việc theo nội dung mà các bên đã xác định. Nếu các bên đã thỏa thuận một bên không thực hiện một công việc đã xác định mà bên có nghĩa vụ lại thực hiện công việc đó thì được coi là vi phạm nghĩa vụ.
Tình huống sau có thể giúp làm hiểu rõ hơn về một quan hệ nghĩa vụ có đối tượng là công việc không được thực hiện, để qua đó xác định được quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh.
Trần An là sinh viên trường Đại học Luật Hà Nội, thành phố Hà Nội. Do điều kiện gia đình ở xa, An phải thuê trọ tại nhà ông Nguyễn Tâm, trú tại thành phố Hà Nội. Ông Tâm có xây một khu nhà gồm 5 gian nhà nhỏ nằm liên tiếp nhau trên khu đất ông đứng tên chủ sở hữu để cho thuê, gian nhà chính gia đình ông Tâm ở cũng ngay cạnh đó, ngoài ra xung quanh còn có các hộ gia định khác. Trong bản hợp đồng thuê nhà giữa An và ông Tâm, ngoài những thỏa thuận về giá thuê nhà, thời hạn thuê nhà, thời gian nộp tiền thuê nhà, việc sử dụng điện, nước và một số thỏa thuận khác, ông Tâm còn đưa ra yêu cầu rằng An không được tụ tập bạn bè liên hoan, vui chơi sau 23h để tránh gây ồn ào, mất trật tự làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của gia đình ông Tâm, những người thuê xung quanh và hàng xóm; nếu An vi phạm ông Tâm hoàn toàn có quyền chấm dứt hợp đồng thuê nhà của An dù chưa hết hạn thuê theo hợp đồng. Cũng theo điều khoản này, An cũng yêu cầu ông Tâm không được đuổi An ra khỏi nhà trọ ngay khi thông báo chấm dứt hợp đồng, mà phải để An tiếp tục thuê 1 tháng có trả tiền theo giá thuê cũ để An có thời gian tìm nơi trọ mới. Hai người đồng ý thỏa thuận, bản hợp đồng thuê nhà được kí kết và có hiệu lực từ ngày An chuyển về trọ. Ngày 31/12/2010, An và bạn bè tụ tập liên hoan tại nhà trọ, vì mải vui nên bạn bè tụ tập đến hơn 23h vẫn chưa giải tán. Vì thấy ồn ào không ngủ được, lúc 23h15 ông Tâm có sang nhắc nhở An và đề nghị giải tán. An đã xin lỗi và lấy lí do hôm đó là sinh nhật mình nên có hơi ham vui, thấy vậy ông Tâm cũng bỏ qua sự việc này. Song sau đó, An lại tiếp tục tái phạm nhiều lần như thế nên ông Tâm quyết định chấm dứt hợp đồng thuê nhà với An, thông báo cho An việc ông không đồng ý cho An trọ tiếp dù thời hạn thuê nhà còn 2 tháng.
Xét tình huống trên hợp thành một quan hệ nghĩa vụ giữa ông Nguyễn Tâm là bên cho thuê nhà và Trần An là bên thuê nhà, quyền và nghĩa vụ các bên phát sinh thông qua bản hợp đồng thuê nhà được hai bên kí kết sau khi đã đồng ý các thỏa thuận đưa ra trong hợp đồng. Theo đó, quyền của ông Tâm sẽ phát sinh nghĩa vụ của An và ngược lại, quyền lợi của An sẽ làm phát sinh nghĩa vụ của ông Tâm.
- Đối tượng là công việc không được thực hiện trong tình huống trên đó là việc “không được tụ tập bạn bè liên hoan, vui chơi sau 23h để tránh gây ồn ào, mất trật tự làm ảnh hưởng tới cuộc sống riêng của gia đình ông Tâm, những người thuê xung quanh và hàng xóm” (đối với An) và “không được đuổi An ra khỏi nhà trọ ngay khi thông báo chấm dứt hợp đồng, mà phải để An tiếp tục thuê 1 tháng có trả tiền theo giá thuê cũ để An có thời gian tìm nơi trọ mới” (đối với ông Tâm).
- Theo tình huống trên, ông Tâm ngoài những quyền phát sinh từ việc cho thuê nhà (như quyền yêu cầu An trả tiền thuê đúng hạn, yêu cầu An không được tụ tập bạn bè từ sau 23h…) còn có quyền chấm dứt hợp đồng trước thời hạn nếu An vi phạm vào thỏa thuận không được tụ tập bạn bè gây ổn ào, mất trật tự sau 23h. Theo đó ông cũng có nghĩa vụ phải thông báo với An việc chấm dứt hợp đồng vì lí do vi phạm nghĩa vụ đã cam kết của An, đồng thời cũng có nghĩa vụ phải cho An thuê tiếp 1 tháng kể từ ngày ông thông báo để An có thời gian tìm nơi trọ mới theo như thỏa thuận đã kí kết trong hợp đồng.
- Cũng theo tình huống trên, An có nghĩa vụ phải tuân thủ theo thỏa thuận đã kí kết trong hợp đồng thuê nhà là không được tụ tập bạn bè gây ồn ào từ sau 23h nhưng An đã không làm đúng theo công việc không được thực hiện ấy thông qua hành vi nhiều lần tụ tập bạn bè sau 23h và gây mất trật tự, có nghĩa An đã vi phạm nghĩa vụ của mình. Theo đó, việc An bị ông Tâm yêu cầu dọn đi nơi khác là hoàn toàn đúng. Nhưng đồng thời, ngoài những quyền phát sinh từ vị trí là bên thuê nhà (như quyền yêu cầu ông Tâm sửa chữa là nhà nếu có sự cố ngoài ý muốn, đảm bảo nhu cầu điện, nước sinh hoạt như thỏa thuận trong hợp đồng…) An cũng có quyền yêu cầu ông Tâm cho thuê tiếp 1 tháng từ sau khi ông Tâm thông báo yêu cầu An dọn đi nơi khác, vì thỏa thuận này đã có nêu trong hợp đồng và được hai bên đồng ý.
Như vậy, các sự kiện của tình huống trên đã hợp thành một quan hệ nghĩa vụ có đối tượng là công việc không được thực hiện, để qua đó xác định được phần nào quyền và nghĩa vụ của các bên phát sinh trong tình huống ấy.
No comments:
Post a Comment