16/10/2014
Hợp đồng dịch vụ - Tình huống minh họa - Luật dân sự
          Cùng với sự phát triển của kinh tế – xã hội, nhu cầu sử dụng dịch vụ của người dân cũng tăng theo, từ đó thúc đẩy mạng lưới dịch vụ phát triển mạnh mẽ.
          Trong BLDS, hợp đồng dịch vụ được qui định tại Điều 518: “Hợp đồng dịch vụ là sự thỏa thuận giữa các bên, theo đó bên cung ứng dịch vụ thực hiện công việc cho bên thue dịch vụ, còn bên thuê dịch vụ phải trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ.”
          Đặc điểm của hợp đồng dịch vụ:
          - Bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lí nhất định và giao kết cho bên thuê dịch vụ.
          - Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng có đền bù (bên thuê dịch vụ phải trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ, khi bên cung ứng dịch vụ đã thực hiện công việc và mang lại kết quả như đã thỏa thuận.).
          - Hợp đồng dịch vụ là hợp đồng song vụ (bên cung ứng dịch vụ phải thực hiện các hành vi pháp lí theo yêu cầu của bên thuê dịch vụ, bên thuê dịch vụ có nghĩa vụ tiếp nhận kết quả công việc và trả tiền công cho bên cung ứng dịch vụ).

          Đối tượng của hợp đồng dịch vụ là công việc có thể thực hiện được, không bị pháp luật cấm, không trái đạo đức xã hội (Điều 519 BLDS).

          Quyền và nghĩa vụ của các chủ thể (bên cung ứng dịch vụ và bên thuê dịch vụ) được qui định tại các Điều 520. Nghĩa vụ của bên thuê dịch vụ, Điều 521. Quyền của bên thuê dịch vụ, Điều 522. Nghĩa vụ của bên cung ứng dịch vụ, Điều 523. Quyền của bên cung ứng dịch vụ.

          Tình huống về hợp đồng dịch vụ sau đây sẽ phần nào khái quát hơn về hợp đồng dịch vụ, các mối quan hệ pháp luật trong tình huống cũng như xác định trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng thuê dịch vụ theo tình huống đó.

          Chị Nguyễn Giang có chiếc bàn gỗ bị hỏng, đã đem đến cửa hàng đồ gỗ của anh Phạm Tiến để sửa chữa. Sau khi kiểm tra sơ qua hỏng hóc của chiếc bàn, anh Tiến có khẳng định với chị Giang là có thể sửa chữa được, hai bên làm thỏa thuận và nhất trí anh Tiến sẽ sửa chữa chiếc bàn và giao hàng vào 5 ngày sau kể từ ngày chị Giang mang chiếc bàn gỗ đến cửa hàng của anh, giá cả hai bên nhất trí là 500 000 đồng. Chị Giang đặt cọc trước 200 000 đồng, số tiền còn lại sẽ hoàn trả đầy đủ khi anh Tiến giao hàng tận nhà chị Giang. Sau 5 ngày, anh Tiến có gọi điện cho chị Giang báo lại là chưa hoàn thiện được, hẹn thêm 2 ngày nữa sẽ trao trả hàng nhưng không thể trao tận nhà cho chị Giang được như đã thỏa thuận. Chị Giang yêu cầu anh Tiến phải đảm bảo chất lượng sửa chữa chiếc bàn và sau 2 ngày sẽ đến nhận lại nó, nhưng anh Tiến phải chi trả chi phí phát sinh từ việc chị Giang phải thuê xe để vận chuyển chiếc bàn từ nơi sửa chữa của anh về nhà chị.

          Phân tích tình huống trên:

          - Tình huống trên là hợp đồng địch vụ sửa chữa tài sản.
         
         - Đối tượng của hợp đồng là công việc sửa chữa lại chiếc bàn gỗ bị hỏng của chị Nguyễn Giang.
          
          - Các bên chủ thể:
         
          + Bên thuê dịch vụ: chị Nguyễn Giang, thuê sửa chữa chiếc bàn gỗ bị hỏng của mình.

          + Bên cung ứng dịch vụ: anh Phạm Tiến, nhận sửa chữa chiếc bàn gỗ bị hỏng của chị Giang.

          - Mối quan hệ pháp luật trong tình huống:

          + Chị Nguyễn Giang – bên thuê dịch vụ có quyền yêu cầu anh Tiến sửa chữa chiếc bàn gỗ bị hỏng để có thể tiếp tục sử dụng, trao hàng tận nhà đúng thời hạn như đã thỏa thuận và yêu cầu anh Tiến chi trả chi phí vận chuyển chiếc bàn từ cửa hàng anh về nhà chị. Đồng thời chị cũng có nghĩa vụ phải cung cấp thông tin về mức độ hỏng hóc của chiếc bàn cho anh Tiến (mang đến cửa hàng anh Tiến, anh Tiến đã kiểm tra sơ qua) và hoàn trả toàn bộ số tiền sửa chữa (500 000 đồng) như hai bên đã thỏa thuận.

          + Anh Phạm Tiến – bên cung ứng dịch vụ có quyền yêu cầu chị Giang cho kiểm tra chiếc bàn để đánh giá mức độ hỏng hóc, yêu cầu chị Giang chi trả toàn bộ số tiền công sửa chữa chiếc bàn sau khi đã trao hàng. Bên cạnh đó, anh Tiến có nghĩa vụ phải đảm bảo chất lượng sửa chữa chiếc bàn gỗ như đã thỏa thuận, trao hàng tận nhà và đúng thời hạn. Trong trường phát sinh mà anh Tiến không đảm bảo được theo như thỏa thuận, anh Tiến có nghĩa vụ bồi thường nếu chị Giang yêu cầu.

          - Trong tình huống trên, anh Tiến đã vi phạm hợp đồng (giao hàng không đúng hẹn và không thể trao hàng tận nhà như đã thảo thuận). Khi giải quyết vi phạm, chị Giang chấp nhận yêu cầu kéo dài thời hạn sửa chữa thêm 2 ngày của anh Tiến mà không đòi hỏi gì thêm, khi này hợp đồng dịch vụ sửa chữa giữa hai người tiếp tục được thực hiện dù thời hạn hợp đồng đã hết (theo qui định tại Điều 526 BLDS. Tiếp tục hợp đồng). Song, vì anh Tiến không thể giao hàng tận nhà như đã thỏa thuận, chị Giang chấp nhận tự vận chuyển chiếc bàn nhưng chi phí phát sinh từ việc vận chuyển sẽ do anh Tiến chi trả vì anh đã không làm đúng thỏa thuận (theo qui định tại khoản 4 Điều 524. Trả tiền dịch vụ). Anh Tiến có trách nhiệm chi trả khoản chi phí phát sinh này.

           Tình huống về hợp đồng dịch vụ sửa chữa tài sản trên là ví dụ về hợp đồng dịch vụ, qua phân tích tình huống có thể phần nào thấy rõ quan hệ pháp luật trong tình huống đó, cũng như xác định trách nhiệm của bên vi phạm hợp đồng theo tình huống được đưa ra.

No comments:

Post a Comment