23/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương XVIII - Pháp luật xã hội chủ nghĩa
CHƯƠNG XVIII

PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


I. SỰ RA ĐỜI, BẢN CHẤT VÀ ĐẶC ĐIỂM PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


1. Sự ra đời và tồn tại của pháp luật xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan

Để giải phóng mình khỏi mọi sự áp bức, bóc lột nhân dân lao động, dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản phải tiến hành cách mạng xã hội chủ nghĩa, nhanh chóng đạp tan bộ máy nhà nước cũ đồng thời cũng phải từng bước hủy bỏ pháp luật cũ, phải xây dựng hệ thống pháp luật mới để ghi nhận, củng cố, bảo vệ và phát triển những thay đổi cơ bản của xã hội về kinh tế, chính trị-xã hội từ phương diện pháp lí. Những quan điểm, tư tưởng cho rằng có thể xóa bỏ nhà nước và pháp luật ngay hoặc sau thời gian ngắn để chỉ thực hiện các nguyên tắc dân chủ thuần túy khi mà quyền lực đã thuộc về nhân dân lao động là số đông trong xã hội đều không có cơ sở lí luận và thực tiễn.

Sự ra đời và tồn tại của pháp luật trong xã hội xã hội chủ nghĩa là tất yếu khách quan vì những lí do cơ bản sau: Thứ nhất, xã hội xã hội chủ nghĩa được thoát thai từ chính xã hội cũ do đó về mọi phương diện như kinh tế, đạo đức và tinh thần… vẫn còn mang dấu vết của xã hội cũ mà từ đó nó đã sinh ra nên vẫn cần pháp luật để hạn chế, loại bỏ những hình thức kinh tế tư hữu, tác động làm xuất hiện và phát triển những hình thức kinh tế mới, chuyển đổi, cải tạo xã hội cũ, xây dựng, phát triển xã hội mới tốt đẹp hơn…; thứ hai, xã hội xã hội chủ nghĩa vẫn là xã hội có giai cấp nên vẫn cần phải được quản lí bằng pháp luật, cần phải dùng pháp luật để giữ gìn trật tự xã hội, giải quyết những xung đột, tranh chấp trong xã hội…
Như vậy, về mặt vật chất, pháp luật vẫn còn tồn tại vs tư cách là yếu tố điều tiết (quyết định) việc phân phối sản phẩm và định mức lao động giữa những thành viên trong xã hội; về mặt xã hội, vẫn cần có pháp luật để củng cố và hình thành những nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa, quy định quyền, nghĩa vụ, trách nhiệm cho các tố chức và các cá nhân, thiết lập trật tự trong các quan hệ xã hội, trong quan hệ gia đình, trong đời sống sinh hoạt cộng đồng, bảo vệ chế độ xã hội, chế độ nhà nước, những thành quả của cách mạng… Về mặt tinh thần, nhu cầu cần tồn tại pháp luật đã được  V.I Lênin nhấn mạnh: “nếu không rơi vào không tưởng thì không thể nghĩ rằng sau khi lật đổ chủ nghĩa tư bản, người ta sẽ tức khắc có thể làm việc cho xã hội mà không cần phải có tiêu chuẩn pháp luật nào cả, hơn nữa, việc xóa bỏ chủ nghĩa tư bản không thể đem lại ngay được những tiền đề kinh tế cho một sự thay đổi như vậy”.Như vậy, do đòi hỏi của cuộc đấu tranh giai cấp, nhu cầu cải tạo, tổ chức, xây dựng và quản lí xã hội mới, giai cấp công nhân và nhân dân lao động vẫn phải cần tới pháp luật.

Tuy nhiên, việc xóa bỏ pháp luật cũ và xây dựng pháp luật mới phải được tiến hành từng bước phù hợp, không nên vội vàng, nôn nóng. Cách mạng không xóa bỏ toàn bộ những quy định pháp luật cũ mà kế thừa tất cả những gì tiến bộ của pháp luật cũ, đặc biệt là pháp luật tư sản. Chẳng hạn những chế định pháp luật về chế định bầu cử phổ thông, về các quyền, tự do dân chủ… Hơn nữa, xã hội cũ hay xã hội mới thì cũng là xã hội loài người nói chung cho nên luôn có những điểm giống nhau nhất định, vì vậy có rất nhiều hiện tượng xã hội luôn có sự đánh giá giống nhau ở các xã hội. Chẳng hạn, hành vi giết người, trộm cắp… đều bị coi là vi phạm pháp luật; những quy định về quan hệ dân sự, về đời sống cộng đồng xã hội ở xã hội nào cũng có đặc điểm giống nhau. Những gì liên quan đến tính xã hội của pháp luật ở mỗi kiểu pháp luật về tác dụng xã hội có thể khác nhau nhưng những biểu hiện bên ngoài thì giống nhau nên chúng có thể được kế thừa, hoàn thiện và phát triển cho phù hợp với xã hội mới. Thực tiễn cách mạng ở nhiều nước đã cho thấy sau khi giành được chính quyền, nhân dân lao động vẫn sử dụng nhiều quy định, văn bản pháp luật cũ. Ví dụ: Ở Việt Nam ngày 2/9/1945 Chủ tịch Hồ Chí Minh đã tuyên bố xóa bỏ pháp luật thực  dân phong kiến, thay thế bằng pháp luật mới nhưng đến ngày 10/10/1945, Nhà nước Việt Nam lại ban hành Sắc luật số 47-SL cho tạm thời giữ lại một số luật lệ cũ nếu xét thấy “không trái vs nguyên tắc độc lập của nước Việt Nam và chính thể dân chủ cộng hòa”. Vấn đề xóa bỏ pháp luật cũ, xây dựng pháp luật mới ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa khác nhau thì diễn ra khác nhau tùy theo nhận thức và tình hình, điều kiện của mỗi nước. Cùng với nhà nước, pháp luật xã hội xn sẽ tồn tại, phát triển và không ngừng hoàn thiện trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội.

2. Bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa

Pháp luật xã hội chủ nghĩa mang đầy đủ những thuộc tính của pháp luật nói chung, nó cũng là : Hệ thống các quy tắc xử sự chung do nhà nước ban hành; được thể hiện dưới những hình thức phấp lí nhất định; được nhà nước đảm bảo thực hiện bằng nhiều biện pháp; vừa có tính khách quan vừa có tính chủ quan; vừa mang tính xã hội vừa mang tính giai cấp; là công cụ điều chỉnh các quan hệ xã hội nhằm duy trì trật tự xã hội, vì sự tồn tại, phát triển nhanh, bền vững của xã hội… Nhưng do được hình thành và phát triển trên cơ sở chế độ kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội và tư tưởng mới  nên bản chất của pháp luật xã hội chủ nghĩa có nhiều khác biệt so vs các kiểu pháp luật trước đây. Điều này được thể hiện ở những điểm cơ bản sau:

- Pháp luật xã hội chủ nghĩa có tính xã hội rất rộng lớn

Nền kinh tế xã hội chủ nghĩa hình thành và phát triển trên cơ sở  của chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa về những tư liệu sản xuất cơ bản trong xã hội, với mục đích là thỏa mãn ngày càng tốt hơn những nhu cầu vạt chất và tinh thần của nhân dân bằng cách không ngừng phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động trên cơ sở nền khoa học và kĩ thuật hiện đại. Với cơ sở kinh tế- xã hội mới đã làm cho pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện tính xã hội rộng lớn hơn bất kì kiểu pháp luật nào khác. Điều này trước hết biểu hiện ở phạm vi điều chỉnh của pháp luật xã hội chủ nghĩa rộng hơn so vs các pháp luật trước đây. Có thể nói, ở các nc xã hội chủ nghĩa việc quản lí các lĩnh vực quan trọng khác nhau của đời sống xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội… không thể thiếu được pháp luật và không công cụ quản lí xã hội nào có thể thay thế cho pháp luật xã hội chủ nghĩa trong việc quản lí có hiệu quả xã hội hiện nay. Mục đích điều chỉnh của pháp luật xã hội chủ nghĩa là vì lợi ích của nhân dân (công nhân, nông dân, trí thức và những người lao động khác), đáp ứng ngày một tốt hơn những nhu cầu, đòi hỏi của mỗi cá nhân cũng như của toàn xã hội, vì xã hội giàu manh, công bằng, dân chủ và văn minh. Cùng với sự phát triển của xã hội phạm vi diều chỉnh của pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày càng được mở rộng, vai trò của nó trong đời sống xã hội ngày càng được nâng cao, tính xã hội của pháp luật càng có điều kiện để thể hiện trong thực tế.

- Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động

Nếu như các pháp luật khác đều thể hiện ý chí nhà nước của các giai cấp bóc lột là thiểu số dân cư thì pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ý chí nhà nước của giai cấp công nhân và nhân dân lao động là số đông dân cư trong xã hội. Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện nguyện vọng và mang lại lợi ích cho nhân dân lao động, biểu hiện mối quan hệ hợp tác, giúp đỡ lẫn nhau giữa những người lao động. Nó mang lại và bảo vệ lợi ích cho nhân dân lao động, thực hiện những mục đích mà nhà nước và nhân dân đặt ra, trong đó mục đích cao cả nhất là xây dựng chủ nghĩa xã hội, đưa lại tự do, dân chủ, công bằng, hạnh phúc, văn minh cho người lao động.

Bằng việc quy định và bảo vệ chính quyền nhân dân, pháp luật xã hội chủ nghĩa đã đưa người lao động từ địa vị bị thống trị lên địa vị thống trị xã hội, được quyền tự quyết định vận mệnh của mình. Nhân dân lao động trực tiếp nắm giữ quyền lực nhà nước, cùng nhau sử dụng những tư liệu sản xuất đã được xã hội hóa để phục vụ lợi ích của cả xã hội cũng như của mỗi người. Với việc ghi nhận những tư liệu sản xuất cơ bản trong xã hội là tài sản chung, pháp luật xã hội chủ nghĩa đã đảm bảo cho người lao động khả năng thực tế để tham gia vào các lĩnh vực hoạt động xã hội như kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội… Bảo vệ lợi ích cho người lao động, pháp luật xã hội chủ nghĩa đã ghi nhận và bảo đảm các quyền tự do dân chủ thực sự cho nhân dân như quyền có việc làm, quyền nghỉ ngơi, quyền học tập,… đáp ứng ngày càng nhiều hơn, tốt hơn những nhu cầu vật chất và tinh thần của người lao động, mang lại tự do thực sự cho cả cộng đồng và cho mỗi người.

- Pháp luật xã hội chủ nghĩa phụ thuộc vào điều kiện kinh tế xã hội chủ nghĩa

Thể hiện ý chí nhà nước của nhân dân lao động nhưng nhân dân của pháp luật xã hội chủ nghĩa do điều kiện kinh tế-xã hội của đất nước ở mỗi thời kì phát triển quyết định. Trong pháp luật xã hội chủ nghĩa mới chỉ quy định được nguyên tắc “làm theo năng lực, hưởng theo lao động” mà chưa thể quy định được nguyên tắc “làm theo năng lực hưởng theo nhu cầu”, vì vậy, tình trạng chênh lệch về mặt của cải vật chất giữa các thành viên trong xã hội xã hội chủ nghĩa chưa thể xóa bỏ. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là công cụ để nhà nước quản lí kinh tế, thực hiện các chính sách kinh tế, là công cụ để các tổ chức và cá nhân thực hiện các mục tiêu kinh tế và xử lí các hoạt động tiêu cực trong các hoạt động kinh tế. Do vậy, pháp luật xã hội chủ nghĩa có ảnh hưởng rất lớn tới sự ổn định và phát triển của nền kinh tế xã hội chủ nghĩa, dù là kinh tế tập trung hay kinh tế thị trường thì các tổ chức, cá nhân khi tiến hành các hoạt động sản xuất, kinh doanh, phân phối, trao đổi… cũng đều phải dựa trên cơ sở các quy định pháp luật.

- Pháp luật xã hội chủ nghĩa thể chế hóa đường lối, chủ trương của đảng cộng sản

Nội dung và phương hướng phát triển của pháp luật xã hội chủ nghĩa chịu sự chỉ đạo, định hướng của đường lối, chủ trương chính sách của đảng cộng sản – lực lượng lãnh đọa nhà nước và xã hội trong các nước xã hội chủ nghĩa. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là hình thức biểu hiện tập trung nhất đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng và biến chúng thành hiện thực.

Ngoài ra, pháp luật xã hội chủ nghĩa còn liên hệ chặt chẽ với các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác trong chủ nghĩa xã hội như đạo đức, tập quán, quy định của các tổ chức xã hội khác… Trong các mối quan hệ đó, pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn giữ vai trò tối thượng, nó bảo vệ, tạo điều kiện cho những quy định phù hợp phát triển đồng thời tìm cách loại trừ những quy định lạc hậu, ảnh hưởng tới lợi ích của nhân dân và công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Tóm lại, pháp luật xã hội chủ nghĩa là hệ thống các quy tắc xử sự chung, do nhà nước  xã hội chủ nghĩa ban hành và đảm bảo thực hiện, thể hiện ý chí nhà nước của nhân dân lao động, là nhân tố điều chỉnh các quan hệ xã hội vì lợi ích và mục đích của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

3. Những đặc điểm của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Ghi nhận và củng cố chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, bảo vệ và phát triển nền kinh tế xã hội chủ nghĩa.

Quy luật xây dựng chủ nghĩa xã hội là phải từng bước xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân, thiết lập và củng cố chế độ công hữu đối với những tư liệu sản xuất cơ bản trong xã hội, pháp luật xã hội chủ nghĩa từng bước tạo ra sự cân bằng trong quan hệ đối với tư liệu sản xuất giữa những người lao động. Đây cũng là một trong những điều kiện quan trọng để xóa bỏ tình trạng người bóc lột người và bất bình đẳng trong xã hội. Tuy nhiên, việc xóa bỏ chế độ tư hữu, thiêt lập chế độ công hữu về tư liệu sản xuất cần được tiến hành từng bước phù hợp với những điều kiện phát triển kinh tế-xã hội của mỗi nước trong suốt quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Cần tránh hiện tượng nóng vội, mong muốn thiết lập ngay chế độ công hữu đối với toàn bộ tư liệu sản xuất mà không tính đến hiệu quả kinh tế-xã hội của việc làm đó. Pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn bảo vệ và tạo điều kiện cho nền kinh tế xã hội chủ nghĩa tồn tại và sự phát triển, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu vật chất và tinh thần của nhân dân bằng cách giải phóng mọi năng lực sản xuất, mọi tiềm năng của các thành phần kinh tế để không ngừng phát triển sản xuất, tăng năng suất lao động, vì cuộc sống ấm no, hạnh phúc của nhân dân.

- Luôn đề cao chủ quyền nhân dân, vì lợi ích của nhân dân.

Sự nghiệp cách mạng ở các nước xã hội chủ nghĩa là của nhân dân do dân và vì nhân dân. Trong chủ nghĩa xã hội nhân dân là chủ thể của quyền lực, trong đó quyền lực nhà nước là biểu hiện tập trung nhất của quyền lực nhân dân, đồng thời cũng là phương tiện hữu hiệu nhất để thực hiện chủ quyền nhân dân. Chủ tịch Hồ Chí Minh đã khẳng định: “…bao nhiêu lợi ích đều vì dân, bao nhiêu quyền hạn đều của dân…”.  Do vậy, trong hiến pháp và pháp luật của tất cả các nước xã hội chủ nghĩa đầu quy định nguyên tắc tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Nhân dân sử dụng quyền lực nhà nước thông qua hệ thống các cơ quan đại biểu do nhân dân trực tiếp bầu ra và chịu trách nhiệm trước nhân dân; mọi công việc lớn, có ý nghĩa quan trọng phải do nhân dân quyết định; các thiết chế chính trị trong xã hội do nhân dân trực tiếp hoặc gián tiếp lập ra và phải chịu sự kiểm tra giám sát của nhân dân. Các tổ chức này đều được thành lập và hoạt động để thực hiện quyền lực của nhân dân vì lợi ích của nhân dân.

Thông qua pháp luật, nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn tạo điều kiện để nhân dân tham gia quản lí nhà nước và quản lí xã hội; ghi nhận và mở rộng nhiều thiết chế dân chủ, những hình thức thực hiện dân chủ trong xã hội; xác lập mối quan hệ đúng đắn giữa các tổ chức chính trị trong xã hội trên cơ sở nền dân chủ xã hội chủ nghĩa; công khai hóa các hoạt động nhà nước và xã hội, thực hiện chủ trương: “dân biết, dân bàn, dân làm, dân kiểm tra”; mở rộng các quyền, tự do dân chủ cho nhân dân; trừng trị nghiêm minh mọi hành vi xâm hại tới các quyền tự do, dân chủ của nhân dân.

- Thể hiện tinh thần nhân đạo xã hội chủ nghĩa, thực hiện việc giải phóng con người khỏi áp bức, bóc lột, bất công và những lệ thuộc khác, không ngừng phát triển, hoàn thiện vì các mục tiêu công bằng, dân chủ vì hạnh phúc con người.

Một trong những giá trị cao cả và cũng là mục tiêu của pháp luật xã hội chủ nghĩa là tôn trọng và bảo vệ con người, giải phóng con người khỏi mọi hiện tượng áp bức, bóc lột, xóa bỏ mọi sự bất công và phân biệt đối xử, thực hiện công bằng xã hội vì hạnh phúc con người.

Pháp luật thực hiện giải phóng người lao động trên cả ba lĩnh vực quan trọng là kinh tế, chính trị và tinh thần, đưa người lao động lên địa vị làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân. Điều này được thể hiện thông qua việc củng cố và bảo vệ nền độc lập dân tộc, từng bước xóa bỏ chế độ chiếm hữu tư nhân về tư liệu sản xuất, xóa bỏ các giai cấp bóc lột tiến tới xóa bỏ mọi hiện tượng áp bức, bóc lột con người; từng bước xây dựng chế độ công hữu về tư liệu sản xuất, thúc đẩy sự phát triển lực lượng sản xuất; tạo điều kiện cho sự phát triển toàn diện của con người, phấn đấu vươn lên làm chủ thiên nhiên, làm chủ xã hội và làm chủ bản thân mình; mang lại cho mỗi người lao động khả năng như nhau trong cống hiến và hưởng thụ bằng chính năng lực, sự lao động và cống hiến của bản thân…

Pháp luật xã hội chủ nghĩa ngoài việc giải phóng con người còn ghi nhận sự tôn trọng và bảo vệ con người, đảm bảo cho các quyền con người về chính trị, dân sự, kinh tế, văn hóa và xã hội được thực hiện, tạo ra những điều kiện thuận lợi để nhân dân có thể tham gia tích cực, phát huy tới mức tối đa tài năng, trí tuệ và sinh lực của mình vào các công việc của nhà nước  và xã hội theo lí tưởng cộng sản là “sự phát triển tự do của mỗi người là điều kiện phát triển tự do của mọi người”.

Trong pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn có sự kết hợp giữa giáo dục, thuyết phục và cưỡng chế trong các cách thức tác động pháp luật lên các quan hệ xã hội. Các biện pháp trách nhiệm pháp lí đối với những chủ thể vi phạm pháp luật được pháp luật xã hội chủ nghĩa quy định không có mục đích gây đau khổ về thể xác, hành hạ con người hoặc hạ thấp nhân phẩm của họ mà vừa đảm bảo sự trừng phạt phù hợp với những hậu quả mà họ đã gây ra cho xã hội, vừa đảm bảo sự giáo dục, cải tạo chủ thể vi phạm pháp luật để họ có thể trở lại với cuộc sống lương thiện trong tình thân ái, đoàn kết, giúp đỡ lẫn nhau cùng tiến bộ.

Trong chủ nghĩa xã hội con người là giá trị cao quý nhất, mọi cố gắng của nhà nước và xã hội đều phải nhằm mục đích phục vụ con người, vì lợi ích và hạnh phúc của con người. Do vậy, các quy định pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn không ngừng hoàn thiện và phát triển vì các mục tiêu công bằng, dân chủ, nhân đạo vì hạnh phúc của con người. Trong hoạt động xây dựng, thực hiện và áp dụng pháp luật, nhà nước xã hội chủ nghĩa luôn đảm bảo nguyên tắc là mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật. Pháp luật thực hiện việc bảo vệ tính mạng, danh dự, sức khỏe và nhân phẩm cho mỗi người và cho tất cả mọi người. Tạo mọi điều kiện để mỗi người có thể phát huy cao nhất và tốt nhất những khả năng của mình, tự quyết định hạnh phúc của mình. Không ngừng nâng cao đời sống vật chất và tinh thần của mọi thành viên trong xã hội.

Với tinh thần quốc tế vô sản, pháp luật xã hội chủ nghĩa còn góp phần vào sự nghiệp đấu tranh chung của nhân dân thế giới vì sự nghiệp giải phóng con người.

- Dưới sự lãnh đạo của đảng cộng sản, luôn củng cố khối đại đoàn kết toàn dân vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và chủ nghĩa xã hội.

Sự lãnh đạo của đảng cộng sản luôn là bảo đảm cao nhất cho chế độ xã hội chủ nghĩa bởi mục đích của đảng là xd chủ nghĩa xã hội, đem lại cho cuộc sống ấm no, hạnh phúc cho nhân dân. Đảng cộng sản không có lợi ích nào khác ngoài việc phụng sự cho tổ quốc, phục vụ nhân dân. Sự nghiệp cách mạng mà nhân dân tiến hành sẽ không thể thắng lợi nếu không có vai trò của đảng. Vì lẽ đó pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn ghi nhận, củng cố bảo đảm sự lãnh đạo của đảngcộng sản đối vd nhà nước và xã hội.

Thực hiện chính sách của đảng và nhà nước xã hội chủ nghĩa, nội dung pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn hướng tới việc củng cố khối đại đoàn kết toàn dân, đoàn kết các dân tộc, tập hợp mọi lực lượng, phấn đấu vì sự nghiệp dân giàu, nước mạnh; kết hợp lợi ích cá nhân, lợi ích tập thể và lợi ích toàn xã hội; tôn trọng những ý kiến khác nhau không trái với lợi ích chung của dân tộc, xóa bỏ mặc cảm, định kiến, phân biệt đối xử về quá khứ, giai cấp, thành phần, nghề nghiệp, vị trí xã hội; xây dựng tinh thần cởi mớ, tin cậy lẫn nhau, hướng tới tương lai; thực hiện chính sách đối ngoại hòa bình, hợp tác và hữu nghị với tất cả các nước; trung thành với chủ nghĩa quốc tế của giai cấp công nhân, đoàn kết với các nước xã hội chủ nghĩa, với tất cả các lực lượng đấu tranh vì hòa bình, độc lập dân tộc, dân chủ và tiến bộ xã hội trên thế giới.

- Có tính thống nhất nội tại cao.

Mô hình phát triển xã hội theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Leenin là sự đoàn kết và nhất trí cao của những người lao động trong xã hội trên cơ sở thống nhất về lợi ích, do vậy xã hội xã hội chủ nghĩa là xã hội có tính thống nhất nội tại cao. Sự thống nhất của xã hội đòi hỏi hệ thống các quy phạm pháp luật phải có tính thống nhất nội tại cao hơn bất kì kiểu pháp luật nào khác. Điều đó được quyết định một cách khách quan bởi sự thống nhất của toàn bộ hệ thống các quan hệ xã hội xã hội chủ nghĩa, trong đó đặc biệt là sự thống nhất của các quan hệ kinh tế xã hội chủ nghĩa. Sự thống nhất đó thể hiện ở bản chất, nội dung, chức năng của pháp luật xã hội chủ nghĩa, ở sự lien kết trong cấu tạo của chúng, ở mối quan hệ hữu cơ, giữa các quy phạm pháp luật với những nguyên tắc của pháp luật, ở xu hướng loại trừ dần những mâu thuẫn hình thức giữa chúng…

-Luôn đề cao nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa.

Việc quản lí nhà nước và quản lí xã hội trong chủ nghĩa xã hội luôn được thực hiện bằng pháp luật, trên cơ sở pháp luật. Cả bộ máy nhà nước nói chung, từng cơ quan nhà nước nói riêng đều được tổ chức theo đúng quy định của pháp luật và hoạt động phù hợp với pháp luật; nhà nước quản lí các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội bằng pháp luật, xử lí nghiêm minh mọi vi phạm pháp luật theo pháp luật. Củng cố và không ngừng tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những điều kiện và nhu cầu không thể thiếu của quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội. Thực hiện tốt nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa sẽ là cơ sở đảm bảo cho hoạt động của bộ máy nhà nước được thống nhất, nhịp nhàng đồng bộ, phát huy hiệu lực của nhà nước và đảm bảo công bằng xã hội. Nghiêm chỉnh thực hiện các yêu cầu của pháp chế sẽ tạo cho đời sống xã hội có trật tự, kỉ cương cần thiết, đảm bảo cho hoạt động của toàn xã hội thống nhất, đồng bộ nhịp nhàng theo quy định của pháp luật để xã hội tồn tại và phát triển vì hạnh phúc của nhân dân.

Trong chủ nghĩa xã hội, pháp chế và trật tự pháp luật là cơ sở của đời sống xã hội có tổ chức cho nên củng cố pháp chế không chỉ là nhiệm vụ của nhà nước mà còn là nhiệm vụ chung của tổ chức đảng, của các tổ chức chính trị-xã hội khác. Các tổ chức chính trị-xã hội và các đoàn thể quần chúng được thành lập hợp pháp và hoạt động phù hợp với pháp luật, trong phạm vi mà pháp luật cho phép. Điều lệ, nghị quyết và các vb của các tổ chức chính trị-xã hội không được trái với pháp luật. Trong trường hợp có mâu thuẫn giữa văn bản của các tổ chức, đoàn thể xã hội với pháp luật thì phải thực hiện theo pháp luật.

Có thể nói pháp chế xã hội chủ nghĩa vừa là nhu cầu, vừa là kết quả khách quan và là điều kiện quan trọng để củng cố và xây dựng xã hội xã hội chủ nghĩa. Nó hình thành, phát triển cũng với sự hình thành, phát triển của nhà nước và pháp luật xã hội chủ nghĩa.

- Có phạm vi điều chỉnh rộng và hiệu quả điều chỉnh cao.

Phạm vi điều chỉnh rộng của pháp luật xã hội chủ nghĩa xuất phát từ chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Trong chủ nghĩa xã hội nhà nước quản lí hầu hết các mặt quan trọng của đời sống xã hội từ kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội và gia đình… nên pháp luật phải mở rộng phạm vi điều chỉnh, tác động của mình lên nhiều quan hệ xã hội mới, quan trọng như các quan hệ lao động, phân phối… Với hình thức chủ yếu là văn bản quy phạm pháp luật, lại có quan hệ mật thiết và cùng chiều với các quy phạm xã hội khác, cùng với những điều kiện kinh tế, chính trị, xã hội của xã hội xã hội chủ nghĩa đã làm cho vai trò và giá trị xã hội của pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày càng được nâng cao, điều chỉnh các quan hệ xã hội ngày càng hiệu quả. Phản ánh một cách khoa học những đòi hỏi của sự phát triển xã hội. Trong sự phát triển tích cực, sáng tạo của mình pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày càng phát huy vai trò to lơn của mình trong đời sống xã hội.

- Có vai trò năng động sáng tạo.

Theo quan điểm của chủ nghĩa Mác-Leenin, pháp luật chỉ ra đời, tồn tại khi trong xã hội xuất hiện chế độ tư hữu về tư liệu sản xuất, có sự phân hóa giai cấp, do vậy, khi mà những cơ sở kinh tế-xã hội cho sự tồn tại của pháp luật không còn nữa thì nó sẽ tiêu vong. Cụ thể là khi mà lao động không còn chỉ là phương tiện sinh sống mà bản thân nó trở thành nhu cầu bậc nhất của cuộc sống. Khi cùng với sự ot toàn diện của các cá nhân thì cả những lực lượng sản xuất cũng phát triển và tất cả các nguồn của cải của xã hội tuôn ra tràn đầy thì pháp luật trở thành tập quán, thói quen và những quy tắc đơn giản của cộng đồng. Với vai trò năng động sáng tạo, pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn phát triển đáp ứng những nhu cầu, đòi hỏi của sự phát triển xã hội, nó sẽ tiêu vong khi thế giới bước vào giai đoạn cộng sản chủ nghĩa.

II. CÁC NGUYÊN TẮC CỦA PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Nguyên tắc xã hội chủ nghĩa được hiểu là những tư tưởng chỉ đạo nội dung, quá trình xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật. Các nguyên tắc của pháp luật làm thành bộ khung “xương sống” để nâng đỡ cho toàn bộ hệ thống pháp luật, làm cho các quy định pháp luật luôn có sự gắn kết chặt chẽ và thống nhất nội tại với nhau, thể hiện sâu sắc bản chất dân chủ, nhân đạo của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Các nguyên tắc của pháp luật xã hội chủ nghĩa hình thành và phát triển trên cơ sở của chủ nghĩa Mác-Leenin và tư tưởng của các vị lãnh đạo ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa, do vậy, chúng là những tư tưởng chỉ đạo mang tính khoa học, phản ánh những quy luật khách quan của công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội ở mỗi nước trong các giai đoạn phát triển. Những nguyên tắc của pháp luật được thể hiện trong nội dung đường lối chính sách của Đảng cộng sản, nội dung, tinh thần các chính sách pháp luật, các quy định, văn bản pháp luật, trong đó tập trung nhất là trong hiến pháp và các văn bản luật quan trọng của Nhà nước.

Việc xác định và thực hiện đúng đắn, chính xác các nguyên tắc pháp luật sẽ làm cho hệ thống pháp luật có hiệu quả cao, công cuộc xd chủ nghĩa xã hội đạt được nhiều thành tích, quyền, lợi ích của nhân dân được mở rộng và được đảm bảo thực hiện trên thực tế. Ngược lại, nếu xác định nội dung của chúng không chính xác hoặc việc thực hiện không tốt sẽ có ảnh hưởng xấu đến các hoạt động xây dựng, thực hiện và bảo vệ pháp luật và xét đến cùng sẽ ảnh hưởng không tốt đến sự phát triển kinh tế, chính trị-văn hóa, xã hội của đất nước và đời sống của nhân dân. Các nguyên tắc của pháp luật cần được áp dụng linh hoạt trong mỗi lĩnh vực, mỗi thời kì sao cho phù hợp với hoàn cảnh, điều kiện của mỗi nước.

Pháp luật xã hội chủ nghĩa có nhiều nguyên tắc nên cũng có nhiều cách phân chia chúng thành các nhóm khác nhau và đương nhiên sự phân chia đó cũng chỉ mang tính chất tương đối.

- Theo phạm vi chỉ đạo của các nguyên tắc có các nguyên tắc chung; các nguyên tắc liên ngành; các nguyên tắc của ngành luật.

+  Các nguyên tắc chung là những nguyên tắc liên quan đến toàn bộ hệ thống pháp luật, các hoạt động pháp luật ở bất kì lĩnh vực nào. Chẳng hạn, nguyên tắc pháp chế, nguyên tắc công bằng, nguyên tắc nhân đạo, nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa…

+ Các nguyên tắc liên ngành là những nguyên tắc liên quan đến hai hoặc một số ngành luật. Chẳng hạn, nguyên tắc việc xét xử ở tòa án do thẩm phán và hội thẩm nhân dân thực hiện; nguyên tắc khi xét xử các thẩm phán và hội thẩm nhân dân độc lập, chỉ tuân theo pháp luật…

+ Các nguyên tắc của ngành luật là những nguyên tắc chỉ liên quan tới ngành luật nhất dịnh. Chẳng hạn, nguyên tắc hôn nhân một vợ, một chồng; nguyên tắc tự nguyện kết hôn trên cơ sở tình yêu chỉ liên quan đến luật hôn nhân và gia đình…

- Theo lĩnh vực của đời sống xã hội mà pháp luật điều chỉnh có các nguyên tắc kinh tế; chính trị; đạo đức; xã hội; tư tưởng; pháp lí.

+ Các nguyên tắc chính trị bao gồm: Nguyên tắc tất cả quyền lực thuộc về nhân dân; nguyên tắc dân chủ xã hội chủ nghĩa; nguyên tắc bảo đảm sự lãnh đạo của đảng; bảo vệ hệ thống chính trị, bảo đảm ổn định an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; xác lập và củng cố các quyền, tự do chính trị cho nhân dân, củng cố quyền bình đẳng của công dân và các dân tộc; các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước…

+ Các nguyên tắc kinh tế bao gồm: Nguyên tắc xác lập và bảo vệ chế độ sở hữu xã hội chủ nghĩa, thúc đẩy quá trình xã hội hóa tư liệu sản xuất, không ngừng nâng cao đời sống của nhân dân lao động; nguyên tắc làm theo năng lực, hưởng theo lao động; nguyên tắc bảo đảm lợi ích của người lao động; xác định về mặt pháp lí tính kế hoạch trong phát triển nền kinh tế quốc dân; nguyên tắc bảo đảm chế độ thanh tra giám sát, chống lại hiện tượng tham nhũng, lãng phí và các hiện tượng tiêu cực khác trong lĩnh vực kinh tế…

+ Các nguyên tắc xã hội bao gồm: Nguyên tắc bảo vệ quyền, tự do, lợi ích chính đáng của người lao động, bảo đảm an toàn cho mỗi người, tôn trọng quyền con người, tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển toàn diện của mỗi cá nhân; không ngừng nâng cao đời sống của người lao động, tôn trọng nhân phẩm và danh dự của mỗi người; bảo đảm công bằng xã hội; thúc đẩy làm mất đi sự khác nhau cơ bản giữa thành thị với nông thôn, giữa người lao động trí óc với người lao động chân tay, xóa bỏ dần sự khác biệt về giai cấp, củng cố tính cộng đồng giữa những người lao động…

+ Các nguyên tắc đạo đức bao gồm: Nguyên tắc nhân đạo xã hội chủ nghĩa; bảo đảm sự thống nhất hài hòa về quyền và nghĩa vụ; củng cố tinh thần quốc tế vô sản, tình yêu tổ quốc, lòng tự hào dân tộc, bảo vệ gia đình; giáo dục để làm cho lao động trở thành nhu cầu bậc nhất trong đời sống của mỗi người…

+ Các nguyên tắc tư tưởng bao gồm: Nguyên tắc tôn trọng những di sản văn hóa-tư tưởng của dân tộc và thời đại; tôn trọng tự do tư tưởng, tự do tín ngưỡng; xây dựng thế giới quan khoa học cộng sản chủ nghĩa trong pháp luật và trong các hoạt động pháp luật, chống mọi quan điểm cực đoan, giáo điều, xa rời thực tiễn và những quan điểm chóng chủ nghĩa xã hội…

+ Các nguyên tắc pháp lí bao gồm: Nguyên tắc thể hiện đầy đủ ý chí, nguyện vọng, lợi ích của nhân dân; bảo đảm tính kịp thời đồng bộ, phù hợp của hệ thống pháp luật và tính khả thi của các quy định pháp luật; nguyên tắc mọi người đều bình đẳng trước pháp luật. Phân định hợp lí các quyền và nghĩa vụ, bảo đảm sự thống nhất giữa các quyền và nghĩa vụ. Công bằng trong khen thưởng và trừng phạt; nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa…

III. HÌNH THỨC CỦA PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Cũng như các kiểu pháp luật khác, hình thức của pháp luật xã hội chủ nghĩa rất phong phú đa dạng, chúng có thể là văn bản quy phạm pháp luật, tập quán pháp, tiền lệ pháp… Tuy nhiên, bản chất mới của xã hội chủ nghĩa đòi hỏi hình thức biểu hiện của pháp luật cũng phải có sự phát triển cho phù hợp, vì thế văn bản quy phạm pháp luật là hình thức chủ yếu của pháp luật xã hội chủ nghĩa. Sở dĩ như vậy là vì văn bản quy phạm pháp luật là hình thức pháp luật tiến bộ nhất thể hiện tính ưu việt của mình ở những điểm cơ bản sau: Văn bản quy phạm pháp luật được hình thành trực tiếp từ hoạt động sáng tạo pháp luật của nhà nước xã hội chủ nghĩa với sự tham gia của đông đảo các cơ quan nhà nước, các tổ chức xã hội, các tầng lớp nhân dân thông qua những quy trình khoa học, chặt chẽ và dân chủ, vì vậy, có khả năng thể hiện đầy đủ nhất ý chí, nguyện vọng của nhân dân. Văn bản quy phạm pháp luật có tính khái quát, năng động, có khả năng phù hợp cao với thực tiễn khách quan, việc cá biệt hóa các quy định của văn bản vào những tình huống cụ thể của cuộc sống thuận lợi và chính xác. Văn bản quy phạm pháp luật do được trình bày dễ hiểu, dễ thực hiện nên khi áp dụng trong thực tế thường mang lại hiệu quả cao. Văn bản quy phạm pháp luật thể hiện một cách chính xác ý chí nhà nước, lại có quá trình hình thành, sửa đổi, hủy bỏ tiện lợi, đáp ứng kịp thời sự phát triển và những thay đổi nhanh chóng của các quan hệ xã hội và nhu cầu điều chỉnh pháp luật đối với các quan hệ xã hội trong xã hội xã hội chủ nghĩa. Các loại văn bản quy phạm pháp luật do nhà nước xã hội chủ nghĩa ban hành rất đa dạng và thường được chia thành hai loại là các văn bản luật và văn bản dưới luật. Văn bản luật do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất, cơ quan đại biểu cao nhất của nhân dân ban hành như hiến pháp, luật, bộ luật. Văn bản dưới luật do các cơ quan khác ở trung ương và các cơ quan chính quyền địa phương ban hành như pháp lệnh, nghị định, nghị quyết, quyết định, thông tư…

Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, nguồn của pháp luật xã hội chủ nghĩa được sử dụng đa dạng hơn, nhà nước xã hội chủ nghĩa đã chú ý  nhiều hơn tới tiền lệ pháp, đáp ứng nhu cầu phát triển phức tạp, đa dạng, năng động của các quan hệ xã hội hiện nay, nhất là những quan hệ xã hội có yếu tố nước ngoài như quan hệ dân sự, lao động, thương mạii, hôn nhân và gia đình…

IV. VAI TRÒ CỦA PHÁP LUẬT XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong xã hội chủ nghĩa, pháp luật có vai trò to lớn, nó là phương tiện, công cụ không thể thiếu để duy trì, bảo vệ trật tự xã hội, tạo điều kiện và định hướng cho sự phát triển xã hội. Là nhân tố điều chỉnh các mối quan hệ xã hội, pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn tác động và ảnh hưởng rất lớn tới các mối quan hệ xã hội nói chung, các yếu tố của hạ tầng cơ sở. Mức độ tác động và ảnh hưởng của pháp luật đối với mỗi loại quan hệ xã hội, các đối tượng khác nhau thì khác nhau. Do vậy, có thể xem xét vai trò và những giá trị xã hội của pháp luật trên nhiều bình diện khác nhau.

Ở giác độ chung, cũng giống như các kiểu pháp luật khác, pháp luật xã hội chủ nghĩa là công cụ chuyên chính giai cấp, là phương tiện để bảo vệ lợi ích cho giai cấp công nhân và nhân dân lao động, thực hiện những mục đích mà nhà nước và nhân dân đề ra; mặt khác, pháp luật là công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội mang tính quy phạm và tính bắt buộc chung để tổ chức, quản lí các mặt khác nhau của đời sống xã hội vì sự tồn tại và phát triển của mỗi người và của cả xã hội; ngoài ra, pháp luật còn là công cụ để bảo vệ công lí, thực hiện công bằng xã hội.

Ở giác độ chủ thể pháp luật thì pháp luật xã hôi chủ nghĩa là phương tiện thông qua đó đảng cộng sản thực hiện sự lãnh đạo đối với xã hội; là phương tiện để nhà nước quản lí các mặt quan trọng của đời sống xã hội, thực hiện chức năng của mình; là phương tiện để nhân dân phát huy và thực hiện quyền làm chủ của mình.

Tuy nhiên, để đánh giá một cách chính xác, vai trò và những giá trị xã hội của pháp luật xã hội chủ nghĩa thì cần phải xem xét nó ở giác độ cụ thể, nghĩa là gắn nó với việc thực hiện các chức năng của nhà nước xã hội chủ nghĩa và nhu cầu điều chỉnh bằng pháp luật các quan hệ xã hội, Ở giác ngộ này có thể nhận thấy vai trò của pháp luật xã hội chủ nghĩa thể hiện ở những mặt cơ bản sau đây:

1. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là phương tiện chính trị để nhân dân lao động chống lại các lực lượng phản cách mạng, giữ vững an ninh, trật tự an toàn xã hội, tiến hành xây dựng chủ nghĩa xã hội.

Trong xã hội chủ nghĩa, các lực lượng thù địch, phản cách mạng vẫn không ngừng phản kháng chống lại nhân dân lao động, cản trở tiến trình xây dựng xã hội chủ nghĩa, do vậy pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn là phương tiện chính trị mà nhân dân lao động dùng để chống lại các lực lượng thù địch, phản cách mạng, giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, ghi nhận, củng cố và phát triển chính quyền nhân dân, Pháp luật xã hội chủ nghĩa cũng là công cụ để cải tạo xã hội cũ trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội…, định hướng cho xã hội phát triển theo con đường xã hội chủ nghĩa, đưa lại tự do, hạnh phúc cho nhân dân.

2. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là phương tiện thông qua đó đảng cộng sản lãnh đạo xã hội

Ở các nước xã hội chủ nghĩa đảng cộng sản là lực lượng lãnh đạo nhà nước và xã hội. Đảng lãnh đạo xã hội bằng đường lối chính sách nhưng đường lối chính sách của đảng lại được nhà nước xã hội chủ nghĩa thể chế hóa thành pháp luật, do vậy pháp luật xã hội chủ nghĩa được coi là một trong những phương tiện thông qua đó đảng ãnh đạo xã hội. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là hình thức biểu hiện tập trung nhất đường lỗi, chính sách của đảng và đưa đường lối chính sách của đảng vào đời sống xã hội, biến chúng thành hiện thực. Pháp luật thể hiện đường lối, chính sách của đảng một cách chi tiết, đặc thù dưới dạng các quy tắc xử sự mang tính bắt buộc chung đối với toàn xã hội và được đảm bảo thực hiện bằng nhà nước, trong đó có các biện pháp cưỡng chế nhà nước rất nghiêm khắc. Dưới hình thức pháp luật, đường lối, chính sách của đảng được triển khai thực hiện nhanh, chính xác và có hiệu quả cao trên quy mô toàn xã hội.

Các hoạt động pháp luật thực tiễn còn là cơ sở để kiểm nghiệm tính đúng đắn, kịp thời của đường lối, chính sách của đảng. Nếu đường lối chính sách của đảng đúng thì pháp luật sẽ phát huy được vai trò và tính hiệu quả của mình, ngược lại, nếu trong chính sách của đảng có những sai lầm thì sẽ dẫn đến sự kém hiệu quả của pháp luật. Đường lối chính sách của đảng và pháp luật của nhà nước có quan hệ rất mật thiết vs nhau, chúng luôn hỗ trợ cho nhau nhưng không thể thay thế nhau.


3. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là cơ sở pháp lí để bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa tổ chức và hoạt động

Nhà nước xã hội chủ nghĩa không thể tồn tại thiếu pháp luật, nó cần tới pháp luật để tổ chức bộ máy của mình, quy định thẩm quyền của các cơ quan nhà nước, xác định mối quan hệ giữa các cơ quan nhà nước với nhau, giữa nhà nước với các tổ chức xã hội và với nhân dân. Việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước theo pháp luật sẽ đảm bảo được tính chặt chẽ, chính xác, thống nhất trong tổ chức và thực hiện quyền lực nhà nước đồng thời cũng thể hiện tầm quan trọng của hoạt động quản lí nhà nước và tạo ra sức mạnh tổng hợp, có tổ chức của bộ máy nhà nước. Bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt động theo pháp luật cũng tránh được hiện tượng chồng chéo, mâu thuẫn hoặc tùy tiện, lạm quyền, tạo ra cơ chế đồng bộ thực hiện có hiệu quả quyền lực nhân dân. Do vậy, bên cạnh những quy định của hiến pháp, mỗi cơ quan trong bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa đều được tổ chức và hoạt động theo những văn bản pháp luật nhất định.

Hầu hết các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội xã hội chủ nghĩa như kinh tế, chính trị, văn hóa-xã hội đều được nhà nước xã hội chủ nghĩa quản lí bằng pháp luật. Như vậy, pháp luật có vai trò là phương tiện để nhà nước quản lí xã hội và chỉ quản lí bằng pháp luật trên các lĩnh vự quan trọng đó của đời sống xã hội thì mới đạt được mục đích và việc quản lí mới có hiệu quả cao. Pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn được tác động, hỗ trợ, tạo tiền đề cho sự tồn tại và phát triển của nhà nước xã hội chủ nghĩa. Việc nhận thức đúng đắn vai trò, tác dụng của pháp luật xã hội chủ nghĩa sẽ có ý nghĩa rất lớn trong việc xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân.


4. Pháp luật xã hội chủ nghĩa là phương tiện quản lí có hiệu quả đời sống kinh tế-xã hội

Là công cụ quản lí xã hội quan trọng nhất hiện nay, pháp luật xã hội chủ nghĩa được sử dụng để phối hợp, quy tụ những hoạt động của các cá nhân trong xã hội nhằm đạt được những mục đích mong muốn, duy trì đời sống cộng đồng xã hội.

Trong lĩnh vực kinh tế, pháp luật có vai trò rất lớn trong tổ chức và quản lí kinh tế, thông qua pháp luật nhà nước đề ra các kế hoạch và chính sách phát triển kinh tế; xác định cơ cấu, các thành phần kinh tế của nền kinh tế quốc dân; quy định địa vị pháp lí của các đơn vị, tổ chức kinh tế, tổ chức quản lí quá trình sản xuất, kinh doanh; quy định chế độ tài chính, các biện pháp kiểm tra giám sát trong quá trình sản xuất, kinh doanh; đưa ra các biện pháp hữu hiệu để xử lí những hiện tượng tiêu cực trong các hoạt động kinh tế-xã hội… Như vậy, pháp luật xã hội chủ nghĩa là phương tiện để quản lí kinh tế, thực hiện các chính sách kinh tế, các mục tiêu kinh tế của nhà nước và của xã hội, nó có ảnh hưởng rất lớn tới sự phát triển của kinh tế đất nước. Pháp luật khi phản ánh đúng, đầy đủ, kịp thời tình hình kinh tế của đất nước nó sẽ thúc đẩy, tạo điều kiện thuận lợi cho kinh tế phát triển, ngược lại, khi pháp luật được ban hành không đúng, được xây dựng quá cao hoặc quá thấp so với sự phát triển của kinh tế, nó sẽ kìm hãm sự phát triển của kinh tế, thậm chí còn có thể mang lại những tác hại nhất định cho nền kinh tế. Tương tự như vây, pháp luật còn là phương tiện để quản lí chính trị, quản lí văn hóa-giáo dục, khoa học-công nghệ, quản lí y tê, xã hội và các lĩnh vực hoạt động xã hội khác vì sự tiến bộ xã hội và hạnh phúc nhân dân.

Do vậy, khi xây dựng, hoàn thiện và thực hiện pháp luật cần xuất phát từ những điều kiện kinh tế-xã hội thực tế của đất nước, đặc biệt là trong điều kiện toàn cầu hóa kinh tế, các nhà nước xã hội chủ nghĩa đã và đang thực hiện chính sách mở cửa, hội nhập, tiến hành xây dựng nền kinh tế thị trường và xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân thì càng cần phải sửa đổi, bổ sung hoàn thiện hệ thống pháp luật và không ngừng tăng cường pháp chế trong đời sống kinh tế-xã hội.

5. Pháp luật xã hội chủ nghĩa có vai trò thiết lập, bảo đảm công băng xã hội, thực hiện dân chủ xã hội chủ nghĩa 

Công bằng và dân chủ là ước muốn ngàn đời của nhân dân lao động, dưới chế độ xã hội chủ nghĩa nó được thực hiện chủ yếu thông qua pháp luật. Bằng pháp luật nhà nước quy định các quyền, tự do dân chủ cho nhân dân, xác định địa vị pháp lí của các tổ chức xã hội, xác định mối quan hệ giữa nhà nước và các tổ chức xã hội như quan hệ giữa nhà nước với tổ chức công đoàn, với tổ chức đoàn thanh niên… Pháp luật còn góp phần giải quyết những tranh chấp, mâu thuẫn, điều hòa lợi ích giữa các lực lượng, các nhóm xã hội khác nhau trong xã hội. Dựa vào pháp luật nhân dân thực hiện quyền làm chủ của mình trên các lĩnh vực khác nhau của đời sống xã hội.

6.Pháp luật xã hội chủ nghĩa là phương tiện giáo dục con người mới

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa pháp luật là một trong những phương tiện để giáo dục con người mới năng động, sáng tạo, có niềm tự hào dân tộc, có ý chí vươn lên góp phần làm cho dân giàu nước mạnh, đáp ứng yêu cầu của sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc. Bằng chính những quy định của mình pháp luật xã hội chủ nghĩa giáo dục cán bộ, nhân dân trách nhiệm của người công dân, ý thức sống, làm việc theo hiến pháp và pháp luật, giữ gìn thuần phong mĩ tục của dân tộc, xây dựng gia đình văn hóa, hạnh phúc, tôn trọng các quy tắc của đời sống cộng đồng với tinh thần “mỗi người vì mọi người, mọi người vì mỗi người”. Pháp luật xã hội chủ nghĩa còn giáo dục công dân yêu lao động, yêu tổ quốc, trung thành với tổ quốc, yêu chế độ xã hội chủ nghĩa, có tinh thần quốc tế chân chính, đoàn kết, hữu nghị và hợp tác với các dân tộc khác trên thế giới vì hòa bình và tiến bộ xã hội.

Ý nghĩa giáo dục to lớn của pháp luật xã hội chủ nghĩa còn thể hiện ở việc quy định những biện pháp khen thưởng và trừng phạt phù hợp với các hành vi pháp luật của các tổ chức và các cá nhân trong xã hội.

7. Pháp luật xã hội chủ nghĩa tạo ra môi trường pháp lí thuận lợi cho việc hình thành những quan hệ mới trong xã hội, đồng thời củng cố, mở rộng các mối quan hệ hợp tác quốc tế

Với vai trò định hướng, pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn hướng tới việc thúc đẩy hình thành những quan hệ xã hội mới thể hiện sự bình đẳng, hợp tác giúp đỡ lẫn nhau giữa những người lao động trong xã hội. Vai trò định hướng của pháp luật cũng thể hiện khả năng sáng tạo, vượt trước của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Đấu tranh và hợp tác với nhau là quy luật chung trong mối quan hệ giữa các quốc gia, các dân tộc, việc đấu tranh và hợp tác với nhau giữa các quốc gia tỏng thời đại văn minh luôn phải dựa trên cơ sở pháp luật. Vì vậy, một trong những vai trò quan trọng của pháp luật xã hội chủ nghĩa là tạo ra môi trường cho sự hiểu biết, tin tưởng lẫn nhau, hợp tác với nhau, củng cố, mở rộng các mối quan hệ giữa nhà nước xã hội chủ nghĩa với các nước khác và với các tổ chức quốc tế vì một thế giới hòa bình, hữu nghị và phát triển, đồng thời cũng là cơ sở pháp lí để đấu tranh với những hiện tượng tiêu cực trong quan hệ quốc tế, bảo vệ lợi ích của đất nước mình.

8. Pháp luật xã hội chủ nghĩa có vai trò bảo vệ

Bảo vệ lợi ích của giai cấp thống trị là một trong những nhiệm vụ của pháp luật. Pháp luật xã hội chủ nghĩa có nhiệm vụ bảo vệ lợi ích của nhân dân lao động, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ tính mạng, tài sản, danh dự của công dân, bảo vệ hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa. Pháp luật còn ngăn ngừa, xử lí các hiện tượng tiêu cực trong đời sống xã hội, thiết lập và bảo vệ trật tự có lợi trong các quan hệ xã hội vì cuộc sống xã hội hạnh phúc, yên bình của nhân dân, vì sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội.

9. Pháp luật xã hội chủ nghĩa bảo vệ, tạo điều kiện cho những công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác phát triển vì xã hội công bằng, văn minh, tốt đẹp hơn

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, ngoài pháp luật còn có những công cụ khác như đạo đức, tập quán, quy định của các tổ chức xã hội khác... cùng điều chỉnh các quan hệ xã hội, vì xã hội ổn định, tiến bộ và phát triển. Giữa pháp luật và những công cụ điều chỉnh đó luôn có mối quan hệ gắn bó chặt chẽ, thống nhất với nhau trong việc quản lí đời sống xã hội, giáo dục nhân cách, phẩm chất và ý thức sống vì cộng đồng cho công dân.

Với cai trò định hướng sự phát triển và ngăn chặn sự lệch lạc trong nội dung các quy định của các tổ chức xã hội, pháp luật xã hội chủ nghĩa luôn thể hiện tính tối cao của mình so với các quy định của các tổ chức xã hội. Pháp luật xã hội chủ nghĩa một mặt ngăn cấm, loại trừ dần những quy định của các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác trái với pháp luật, không tiến bộ, đi ngược với lợi ích nhân loại, không phù hợp với xã hội xã hội chủ nghĩa văn minh. Mặt khác, pháp luật củng cố, bảo vệ những quy tắc của các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác tiến bộ phù hợp với sự phát triển của xã hội xã hội chủ nghĩa. Trong những trường hợp cần thiết, nhiều quy tắc đạo đức, tập quán… còn có thể được nhà nước xã hội chủ nghĩa pháp luật hóa. Ngoài ra, pháp luật xã hội chủ nghĩa còn tác động để hình thành trong xã hội những quy tắc đạo đức, tập quán… mới đáp ứng nhu cầu, đòi hỏi của xã hội mới. Trong công cuộc xây dựng chủ nghĩa xã hội cần phải chú trọng không chỉ xây dựng và hoàn thiện pháp luật mà cần phải nâng cao vai trò của các công cụ điều chỉnh quan hệ xã hội khác, kết hợp một cách hài hòa các công cụ này để phát huy những ưu thế của mỗi công cụ nhằm tạo dựng xã hội ngày càng hạnh phúc, tươi đẹp hơn.

Tóm lại, cùng với sự phát triển của nhà nước và xã hội, vai trò của pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày càng được củng cố, mở rộng và nâng cao, những giá trị xã hội của pháp luật được thừa nhận và phát huy. Điều này thể hiện ở phạm vi điều chỉnh của pháp luật xã hội chủ nghĩa ngày càng mở rộng, hiệu quả điều chỉnh ngày càng cao. Có thể nói pháp luật xã hội chủ nghĩa là công cụ quan trọng để quản lí, giữ gìn trật tự xã hội, để giải quyết các xung đột trong xã hội và còn là phương tiện để chuyển đổi xã hội, biến những lí tưởng cộng sản cao đẹp thành hiện thực.




No comments:

Post a Comment