23/09/2014
Giáo trình Lý luận nhà nước và pháp luật - ĐH Luật Hà Nội năm 2013 - Chương XIX - Pháp chế xã hội chủ nghĩa
CHƯƠNG XIX

PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA


Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những vấn đề quan trọng nhất của pháp luật xã hội chủ nghĩa mà lí luận về nhà nước và pháp luật nghiên cứu. Việc nghiên cứu pháp chế xã hội chủ nghĩa vừa có giá trị lí luận sâu sắc, vừa có ý nghĩa thực tiễn to lớn. Về lí luận, nó giúp chúng ta nhận thức một cách toàn diện, đầy đủ, sâu sắc hơn những yếu tố hợp thành nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa và nền dân chủ xã hội chủ nghĩa, trên cơ sở đó góp phần hình thành, củng cố, vận dụng, phát triển tư duy chính trị-pháp lí mới trong xây dựng, hoàn thiện nhà nước và pháp luật nhằm phục vụ công cuộc cải cách, đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa. Về thực tiễn, nghiên cứu pháp chế xã hội chủ nghĩa sẽ tạo tiền đề lí luận và thực tiễn để đề xuất các quan điểm khoa học và những giải pháp khả thi về tăng cường sự tôn trọng và thực hiện pháp luật trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội, nhằm xây dựng thành công nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

I. KHÁI NIỆM PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Trong khoa học pháp lí nước ta, pháp chế xã hội chủ nghĩa được nghiên cứu từ nhiều góc độ khác nhau cho nên có nhiều định nghĩa khác nhau về khái niệm này, điều đó càng làm giàu thêm nhận thức của chúng ta về nội dung và hình thức biểu hiện của pháp chế xã hội chủ nghĩa – một trong những hiện tượng phức tạp nhất của đời sống pháp luật xã hội chủ nghĩa. Đồng thời, qua những kết quả nghiên cứu đó có thể thấy dù được định nghĩa như thế nào đi nữa thì bản chất và nội dung (hay hạt nhân, cốt lõi) của pháp chế xã hội chủ nghĩa cũng chỉ có một – đó là sự tôn trọng và thực hiện pháp luật xã hội chủ nghĩa một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội. Điều đó cũng có nghĩa là ở đâu và khi nào pháp luật xã hội chủ nghĩa được tôn trọng và thực hiện một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất thì ở đó , khi ấy có pháp chế xã hội chủ nghĩa và ngược lại thì không có pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Tuy vậy, nếu chỉ có sự tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất bằng những hành vi tích cực của các chủ thể thôi thì chưa thể có pháp chế xã hội chủ nghĩa. Để thiết lập nền pháp chế xã hội chủ nghĩa đầy đủ, thống nhất, ngoài điều kiện cần là sự tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất bằng những hành vi tích cực của các chủ thể, còn điều kiện đủ nữa là kết quả của sự tôn trọng và thực hiện pháp luật ấy mà thông thường người ta nói đó là  “trật tự, kỉ cương” trong xã hội (đương nhiên, trật tự, kỉ cương xã hội còn được tạo ra bởi nhiều loại quy phạm xã hội khác chứ không chỉ bằng pháp luật), còn khoa học pháp lí gọi đó là “trật tự pháp luật” mà nhờ đó người dân được hưởng lợi một cách ổn định và an toàn. Điều này hoàn toàn phù hợp với ý chí và nguyện vọng của nhà nước xã hội chủ nghĩa khi ban hành pháp luật và tổ chức thực hiện pháp luật. Giữa tôn trọng, thực hiện pháp luật và trật tự pháp luật có mối quan hệ chặt chẽ, tác động qua lại lẫn nhau: tôn trọng, thực hiện pháp luật là cơ sử, nguồn gốc tạo nên trật tự pháp luật và nó luôn luôn phát triển cùng với sự pháp triển của pháp luật, ý thức pháp luật và xã hội; còn trật tự pháp luật là hệ quả tất yếu của tôn trọng, thực hiện pháp luật , là điều kiện quan trọng cho sự tồn tại, phát triển của tôn trọng, thực hiện pháp luật và nó cũng thường xuyên được củng cố, hoàn thiện bằng những nhân tố mới phù hợp với trình độ phát triển của pháp luật và xã hội trong mỗi nước xã hội chủ nghĩa. Chính mối quan hệ thống nhất biện chứng này đã tạo nên tính năng động và phát triển của pháp chế xã hội chủ nghĩa trong điều kiện cải cách, đổi mới, phát triển bền vững và hội nhập quốc tế ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất không chỉ là yêu cầu, đòi hỏi của bản thân pháp luật mà còn là nghĩa vụ pháp lí, lương tâm và đạo đức của mọi cá nhân, bởi vì pháp luật luôn luôn thể hiện ý chí và bảo vệ lợi ích của giai cấp công nhân và nhân dân lao động, được xây dựng, củng cố, phát triển, hoàn thiện trên cơ sở kinh tế, chính trị, văn hóa, xã hội, đạo đức của xã hội xã hội chủ nghĩa. Như vậy, giữa pháp chế xã hội chủ nghĩa và pháp luật xã hội chủ nghĩa có mối quan hệ chặt chẽ với nhau, tác động qua lại lẫn nhau nhưng không đồng nhất với nhau và cũng không thể thay thế nhau được: pháp luật xã hội chủ nghĩa là cơ sở để hình thành pháp chết xã hội chủ nghĩa, pháp chế xã hội chủ nghĩa là điều kiện tồn tại và phát triển của pháp luật xã hội chủ nghĩa.

Với ý nghĩa và tầm quan trọng của mình, ở các nước xã hội chủ nghĩa, pháp chế đều được nâng lên thành nguyên tắc hiến pháp và được coi là một trong những cơ sở quan trọng nhất cho việc tổ chức và hoạt động của nhà nước và xã hội nói chung (ví dụ Điều 12 Hiến pháp Việt Nam năm 1992).

Như trên đã nói, pháp chế xã hội chủ nghĩa là hiện tượng pháp lí phức tạp cho nên nếu chỉ hiểu nó là sự tôn trọng và thực hiện pháp luật xã hội chủ nghĩa một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội và kết quả của sự tôn trọng và thực hiện pháp luật ấy thì e rằng chúng ta chưa hiểu hết nội dung, thực chất và tác dụng của pháp chế xã hội chủ nghĩa. Điều đó cũng có nghĩa vụ là phải xem pháp chế xã hội chủ nghĩa như là khái niệm đa diện, đa nghĩa, đa chiều. Tính chất đa diện, đa nghĩa, đa chiều của pháp chế xã hội chủ nghĩa được thể hiện như sau:

- Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc cơ bản hco việc tổ chức và hoạt động của bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa

Xuất pháp từ bản chất, nhiệm vụ, mục tiêu của mình, bộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa phải được tổ chức và hoạt động theo nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa với những yêu cầu chủ yếu là: từng cơ quan nhà nước và cả bộ máy nhà nước được tổ chức và hoạt đọng theo đúng quy định của pháp luật; cán bộ, viên chức nhà nước luôn luôn tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất và đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau khi vi phạm pháp luật; mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lí theo pháp luật; căn cứ vào các tiêu chuẩn do pháp luật quy định để đánh giá mức độ hiệu lực của bộ máy nhà nước; công cuộc cải cách xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân được tiến hành dựa trên những quy định của pháp luật. Việc quán triệt cà thực hiện đầy đủ, nghiêm chỉnh những yêu cầu này của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa sẽ bảo đảm cho vộ máy nhà nước xã hội chủ nghĩa sẽ bảo đảm cho bộ máy nhà nước có cơ cấu tổ chức chặt chẽ; nhiệm vụ, chức năng, thẩm quyền của các cơ quan nhà nước được rõ ràng, cụ thể; kỉ luật nhà nước được tăng cường; phẩm chất và năng lực của cá nbooj, viên chức nhà nước được giữ vững và phát huy; hiệu lực và hiệu quả hoạt đông của cả bộ máy nhà nước được nâng cao.

- Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc chủ yếu cho việc tổ chức và hoạt động của các tổ chức phi nhà nước.

Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, các tổ chức phi nhà nước đều là những tổ chức do nhân dân thành lập theo các nguyên tắc tự nguyện, tự quản nhằm góp phần thực hiện đúng đắn và đầy đủ quyền lực của nhân dân. Mỗi tổ chức phi nhà nước được tổ chức theo mô hình nhất định và hoạt động theo những hình thức, nguyên tắc và bằng các phương pháp nhất định nhằm đạt được mục tiêu chung và mục tiêu riêng của mình. Thế nhưng, dù được tổ chức theo mô hình nào chăng nữa và hoạt động dưới hình thức, theo nguyên tắc và bằng phương pháp nào chăng nữa thì tất cả các tổ chức đó đều phải tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác nghiêm chỉnh, đầu đủ và thống nhất, bởi vì: thành viên của các tổ chức đó đều là những công dân do nhà nước quản lí bằng pháp luật; các tổ chức đó đã và đang tham gia vào nhiều quan hệ xã hội quan trọng được nhà nước điều tiết bằng pháp luật, nhất là trong điều kiện phát triển nền kinh tế hàng hóa nhiều thành phần, vận động theo cơ chế thị trường và hội nhập quốc tế hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa.

Nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa có những yêu cầu như sau đối với các tổ chức phi nhà nước:  tổ chức phải tôn trọng và thực hiện đúng các quy định pháp luật về thể thức thành lập và nội dung, hình thức, phương pháp, mục tiêu hoạt động; điều lệ tổ chức và hoạt động của tổ chức vừa phải phù hợp với vị trí, vai trò, tính chất, đặc điểm, tôn chỉ, mục đích của tổ chức, vừa không được trái với những nguyên tắc chung của pháp luật; tổ chức và thành viên tổ chức phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ luật định một các đúng đắn và đầy đủ khi tham gia quản lí nhà nước và thực hiện các hoạt động khác; tổ chức và thành viên tổ chức phải chịu trách nhiệm pháp lí khi vi phạm pháp luật. Việc thực hiện đúng các yêu cầu này vừa đem lại lợi ích thiết thực cho tổ chức và từng thành viên tổ chức, vừa góp phần quan trọng vào việc củng cố mối quan hệ qua lại giữa nhà nước với các tổ chức, tăng cường khối đại đoàn kết toàn dân trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa.

- Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất trong xử sự giữa các công dân với nhau

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, pháp luật là công cụ chủ yếu và quan trọng nhất để điều chỉnh quan hệ giữa các công dân với nhau nhằm bảo đảm xã hội ổn định, phát triển nhan và bền vững, làm cho mọi công dân đều được bảo đả man toàn bề tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản, có cuộc sống ấm no, tự do, hạn phúc, có điều kiện phát triển toàn diện cá nhân. Muốn vậy, trong xử sự với nhau, mọi công dân đều phải thực hiện đúng và đầy đủ các yêu cầu của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa: mọi công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đều được bình đẳng trước pháp luật; đều được hưởng quyền và thực hiện nghĩa vụ như nhau; đều tôn trọng quyền, lợi ích chính đáng của nhau và tạo điều kiện cho nhau phát triển toàn diện đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau khi vi phạm pháp luật. Thực hiện tốt nguyên tắc xử sự này là điều kiện quan trọng để tiến tới xây dựng xã hội giàu có, ổn định, thật sự công bằng, dân chủ và văn minh.

- Pháp chế xã hội chủ nghĩa là một trong những nguyên tắc quan trọng nhất của việc bảo đảm và phát huy dân chủ xã hội chủ nghĩa

Dưới chế độ xã hội chủ nghĩa, dân chủ luôn luôn gắn liền với pháp luật, pháp chế, kỉ luật và trách nhiệm cá nhân đối với hành vi của mình. Quyền pháp lí và nghĩa vụ pháp lí luôn luôn đi đôi với nhau. Quyền do pháp luật quy định là khả năng của chủ thể được thực hiện những hành vi nhất định để đáp ứng, thỏa mãn những đòi hỏi, nhu cầu, lợi ích chính đáng của mình hoặc của chủ thể khác, do đó pháp luật yêu cầu tất cả cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân đều phải sử dụng quyền pháp lí một cách đúng đắn, không để vượt quá giới hạn cho phép của pháp luật. Nghĩa vụ do pháp luật quy định là sự cần thiết bắt buộc phải thực hiện những hành vi nhất định nhằm đáp ứng, thỏa mãn những đòi hỏi, nhu cầu, lợi ích hợp pháp của một hay nhiều chủ thể khác, bởi thế pháp luật yêu cầu tất cả cơ quan nhà nước, tổ chứ kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân phải thực hiện nghĩa vụ pháp lí không đầy đủ đều bị xử lí theo pháp luật. Đó chính là những yêu cầu của nguyên tắc pháp chế xã hội chủ nghĩa đối với việc bảo đảm dân chủ trong bộ máy nhà nước bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội, Trong điều kiện dân chủ hóa xã hội hiện nay ở các nước xã hội chủ nghĩa, những yêu cầu của nguyên tắc pháp chế là cơ sở để bảo vệ và phát huy quyền làm chủ về mọi mặt của nhân dân, thu hút nhân dân tham gia ngày càng đông đảo vào quản lí nhà nước, quản lí xã hội, góp phần quan trọng vào việc củng cố nhà nước của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân.

Từ những phân tích ở trên, có thể định nghĩa pháp chế xã hội chủ nghĩa là sự tôn trọng và thực hiện pháp luật xã hội chủ nghĩa một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất thông qua những hành vi tích cực của tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân và kết quả hiện thực của sự tôn trọng và thực hiện pháp luật ấy trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội.

II. NHỮNG YÊU CẦU CƠ BẢN CỦA PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

- Triệt để tôn trọng hiệu lực pháp lí cao nhất của hiến pháp: Yêu cầu này được quy định trong hiến pháp các nước xã hội chủ nghĩa (ví dụ: Điều 146 Hiến pháp Việt Nam năm 1992). Hiến pháp do cơ quan quyền lực nhà nước cao nhất ban hành và là luật cơ bản của nhà nước, Hiến pháp điều chỉnh những quan hệ xã hội cơ bản nhất và quan trọng nhát của xã hội liên quan tới việc xác định chế độ chính trị, chế độ kinh tế, cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước, chính sách đối nội và đối ngoại của nhà nước, quan hệ giữa nhà nước với công dân và những vấn đề khác, Hiệu lực pháp lí cao nhát của hiến pháp được thể hiện trong xây dựng pháp luật và thực hiện pháp luật. Trong xây dựng pháp luật, hiến pháp là nền móng để xây dựng toàn bộ hệ thống pháp luật; mọi văn bản quy phạm pháp luật nào, chế định pháp luật nào, văn bản quy phạm pháp luật nào đã được ban hành trái với hiến pháp thì bị hủy bỏ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc cá nhân có thẩm quyền. Khi thực hiện pháp luật nếu phát hiện quy phạm pháp luật nào, chế định pháp luật nào, văn bản quy phạm pháp luật nào trái với hiến pháp thì thực hiện các quy định của hiến pháp và kịp thời thông báo cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền biết để đình chỉ hiệu lực của chúng, sau đó hủy bỏ chúng; mọi văn bản áp dụng pháp luật đều được ban hành phù hợp với hiến pháp, nếu trái với hiến pháp sẽ bị hủy bỏ bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền hoặc các nhân có thẩm quyền.

- Pháp luật phải được nhận thức thống nhất và thực hiện thống nhất trong các cấp, các ngành và trên phạm vi cả nước: Nhận thức thống nhất về pháp luật là cơ sở để thực hiện pháp luật một cách thống nhất và thực hiện pháp luật một các thống nhất là điều kiện bảo đảm cho nhận thức thống nhất về pháp luật. Khái niệm “thực hiện pháp luật” ở đây được hiểu theo nghĩa rông, không chỉ là tuân thủ pháp luật, chấp hành pháp luật, sử dụng pháp luật, áp dụng pháp luật mà còn là hoạt động xây dựng và ban hành các văn bản quy phạm pháp luật. Bởi thế cho nên yêu cầu có tính nguyên tắc này có nội dung bao quát rất rộng, tác động mạnh mẽ tới tư tưởng, tình cảm, suy nghĩ và hành động của tất cả cán bộ, viên chức nhà nước và mọi công dân với những biểu hiện cụ thể là : mọi cá nhân đều hiểu đúng, hiểu rõ nội dung và hình thức của pháp luật một cách thống nhất; văn bản quy phạm pháp luật và văn bản áp dụng quy phạm pháp luật của cơ quan nhà nước cấp dưới hay của cá nhân có thẩm quyền ở cấp dưới phù hợp với văn bản quy phạm pháp luật cửa cơ quan nhà nước cấp trên hoặc của cá nhân có thẩm quyền cấp trên; lợi ích của từng ngành, từng địa phương phù hợp và thống nhất với lợi ích của cả quốc gia; cac cơ quan nhà nước ở trung ương và ở địa phương khi ban hành văn bản quy phạm pháp luật, văn bản áp dụng quy phạm pháp luật cũng như khi thực hiện các văn bản đó luôn luôn tính tới những đặc điểm riêng hay sự khác biệt của mỗi ngành, mỗi vùng, miền; kiêm quyết đấu tranh chống chủ nghĩa tự do vô chính phủ, chủ nghĩa cục bộ địa phương và tính hẹp hòi, ích kỉ dân tộc.

- Các cơ quan nhà nươc , tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân đều tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất; tích cực đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác; bài trừ thói quan liêu, hách dịch, cửa quyền, tham những, lãng phí trong bộ máy nhà nước và các tệ nạn xã hội.

- Các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân luôn luôn được bảo đảm, bảo vệ và mở rộng: Các quyền và lợi ích hợp pháp của công đân là một trong những thành tựu vĩ đại nhất của cách mạng dân tộc dân chủ nhân dân và cách mạng xã hội chủ nghĩa, do đó nhà nước có nghĩa vụ tạo mọi điều kiện thuận lợi để công dân thật sự được hưởng các quyền, lợi ích đó; bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu chính đáng ngày càng lớn của công dân.

- Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; nhà nước bảo đảm các quyền của công dân, công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà nước cà xã hội: Trong xã hội chủ nghĩa, không có công dân nào chỉ được hưởng quyền mà không phải làm nghĩa vụ, cũng như không có ai chỉ phải thực hiện nghĩa vụ mà không được hưởng quyền. Nội dung của yêu cầu này là khi công dân được hưởng quyền, lợi ích hợp pháp của công dân khi chúng bị xâm hại; mở rộng các quyền và lợi ích hợp pháp của công dân phù hợp với trình độ phát triển của kinh tế, văn hóa, xã hội và nhu cầu chính đáng ngày càng lớn của công dân.

- Quyền của công dân không tách rời nghĩa vụ của công dân; nhà nước bảo đảm các quyền của công dân công dân phải làm tròn nghĩa vụ của mình đối với nhà nước và xã hội: Trong xã hội xã hội chủ nghĩa, không có công dân nào chỉ được hưởng quyền mà không phải làm nghĩa vụ, cũng như không có ai chỉ phải thực hiện nghĩa vụ mafkhoong được hưởng quyền. Nội dung của yêu cầu này là khi công dân được hưởng quyền, lợi ích hợp pháp thì đồng thời phải làm đầy đủ nghĩa vụ đối với nhà nước và xã hội; khi công dân hoàn thành tốt nghĩa vụ đối với nhà nước  và xã hội thì đồng thời được hưởng quyền và lợi ích chính đáng của mình; công dân sử dụng quyền không đúng đắn và trốn tránh nghĩa vụ hoặc thực hiện nghĩa vụ không đầy đủ sẽ phải chịu trách nhiệm pháp lí trước nhà nước.

- Mọi công dân đều bình đẳng trước pháp luật: Sự bình đẳng trước pháp luật của mọi công dân cũng là một trong những thành quả vĩ đại nhất của cách mạng mà người dân được hưởng. Nội dung của yêu cầu này là: mọi công dân, không phân biệt dân tộc, nam nữ, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình đọ văn hóa, nghề nghiệp, thời hạn cư trú, đều được hưởng quyền như nhau và đều phải làm nghĩ vụ như nhau; khi vi phạm pháp luật thì họ đều phải chịu trách nhiệm pháp lí như nhau, không có ngoại lệ. Tuy vậy, bình đẳng trước pháp luật không đồng nghĩa với “cào bằng” trước pháp luật mà khi xây dựng pháp luật và thực thi pháp luật, nhà nước và xã hội cung tính tới những đặc điểm riêng của trưng cá nhân hay nhóm cá nhân trong ã hội để bảo đảm tính hợp lí, hợp tình trong việc thực hiện yêu cầu này của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Mọi vi phạm pháp luật đều bị xử lí kịp thời, nghiêm chỉnh, nhanh chóng theo pháp luật: Đây là trách nhiệm của tất cả các cơ quan nhà nước nhưng trước hết và chủ yếu là những cơ quan chuyên trách bảo vê pháp luật. Hiện nay ở cá nước xã hội chủ nghĩa, nhiệm vụ tăng cường pháp chế xã hội hcur nghĩa đang đòi hỏi cán bộ các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật phải thường xuyên trau dồi phẩm chất, đạo đức, đặc biệt là đạo đức nghề; nâng cao tinh thần trách nhiệm trong xử lí vi phạm pháp luật; đổi mới hình thức, phương pháp hoạt động để đạt hiệu quả cao trong công tác; không ngừng học tập để nâng cao trình độ chuyên môn, nghiệp vụ; có tinh thần phê bình, tự phê bình và đấu tranh chống các tiêu cực trong nội bộ ngành;…

III. CÁC BẢO ĐẢM CỦA PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Để cho tất cả các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân luôn luôn tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ và thống nhất nhằm tạo ra trật tự pháp luật ổn định và phát triển, đem lại ngày càng nhiều ích lợi cho xã hội thì cầ có những điều kiện cần thiết về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, giáo dục, xã hội và pháp luật. Toàn bộ các điều kiện quan trọng đó được gọi là những bảo đảm của pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Bảo đảm về kinh tế: Đó là sự phát triển nhanh, bền vững, có tính hội nhập quốc tế cao của nên kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa, vận động theo cơ chế thị trườn, có sự quản lí của nhà nước. Nhờ những thành quả của nền kinh tế năng động đó mà cơ sở vật chất-kĩ thuật của chủ nghĩa xã hội được hình thành, củng cố, phát triển; đời sống vật chất và văn hóa của cán bộ và nhân dân không ngừng được cải thiện và nâng cao; an ninh; quốc phòng được củng cố và tăng cường; niềm tin của cán bộ và nhân dân vào chế độ xã hội chủ nghĩa nói chung, vào pháp luật xã hội chủ nghĩa nói riêng được củng cố và phát huy. Tất cả những lợi ích có được từ sự phát triển kinh tế ấy vừa là động lực, vừa là mục tiêu của sự tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất trong cán bộ và nhân dân, làm cho pháp chế xã hội chủ nghĩa thường xuyên được củng cố và tăng cường.

- Bảo đảm về chính trị: Đó là sự ổn định và chính trị, tính tổ chức, tính kỉ luật và hiệu quả hoạt động của các tổ chức thành viên của hệ thống chính trị xã hội chủ nghĩa trong việc bảo đảm, phát huy quyền làm chủ của nhân dân, hoàn thiện nền dân chủ xã hội chủ nghĩa. Các nhân tố chính trị tích cực ấy không chỉ góp phần hình thành mà còn củng cố, nâng cao lòng tin của cán bộ và nhân dân vào chế dộ chính trị xã hội chỉ nghĩa, bào con đường đi lên chủ nghĩa xã hội của dân tộc, từ đó hình thành ở họ ý thức tự giác tôn trọng và thực hiện pháp luật, tham gia tích cực vào việc xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật, kiên quyết đấu tranh chống mọi vi phạm pháp luật và các tiêu cực khác trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội.

- Bảo đảm về tư tưởng: Sự tôn trọng và thực hiện pháp luật của mọi cá nhân và tổ chức trong xã hội xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chủ nghĩa Mác-Lênin và những quan điểm xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân. Chủ nghĩa Mác-Lênin và đường lối, chính sách của các đảng cộng sản chỉ đạo việc xây dưng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật; xác lập và nâng cao nhận thức khoa học về pháp luật nói chung, pháp luật đúng đắn cho cán bộ và nhân dân, nhờ đó họ luôn luôn có được những hành vi hợp pháp trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội. Bên cạnh đó, công tác giáo dục tư tưởng, đạo đức cách mạng cũng góp phần nâng cao nhận thức và phẩm chát của cán bộ, nhân dân trong quá trình thực hiện pháp luật, củng cố và tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa.

- Bảo đảm về văn hóa, giáo dục: Nền văn hóa tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc, kế thừa và phát huy những giá trị của nền văn hiến các dân tộc, tiếp thu tinh hoa văn hóa nhân loại; nền giáo dục xã hội chủ nghĩa có tính nhân dân, dân tộc, khoa học, hiện đại, được thực hiện theo những nguyên lí: học đi đôi với hành, giáo dục kết hợp với lao động sản xuất, lí luận gắn liền với thực tiễn, giáo dục nhà trường kếp hợp với giáo dục gia đình  và giáo dục xã hội là cơ sở để nâng cao dân trí nói chung, văn hóa pháp lí nói riêng cho cán bộ và nhân dân, làm cho họ thường xuyên có suy nghĩ đúng và hành động đúng theo những yêu cầu của pháp luật, góp phần tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa trên phạm vi toàn xã hội.

- Bảo đảm về xã hội: Đó là hệ thống các quan hệ tốt đẹp giữa người với người có tính ổn định, phát triển; những hình thức và biện pháp có tính khả thi của cá tổ chức xã hội và các đoàn thể quần chúng trong việc phòng ngừa và chống các vu phạm pháp luật; giáo dục, cải tạo những người lầm lỡ; hòa giải những tranh chấp giữa các cá nhân công dân trong xã hội; quan tâm mọi mặt tới những người đi cải tạo về; kiểm tra, giám sát việc tôn trọng và thực hiện pháp luật trong các cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và công dân.

- Bảo đảm pháp lí: Hiệu quả hoạt động pháp luật của nhà nước trong xây dựng pháp luật, tổ chức thực hiện pháp luật và bảo vệ pháp luật cũng góp phần to lớn vào vuệc củng cố và tăng cường pháp chế  xã hội chủ nghĩa. Để bảo đảm cho ba loại hoạt đông này ngày càng có hiệu quả hơn thì đối với các nước xã hội chủ nghĩa, việc cải cách toàn diện bộ máy nhà nước theo hướng nahf nước pháp quyền xã hội chủ nghĩa của nhân dân, do nhân dân, vì nhân dân có ú nghĩa quyết định, gồm: đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan dân cử trực tiếp, cải cách tổ chức và hoạt động của bộ máy hành chính nhà nước, kiện toàn tổ chức và nâng cao hiệu quả hoạt động của các cơ quan tư pháp và bổ trợ tư pháp.

IV. SỰ CẦN THIẾT PHẢI TĂNG CƯỜNG PHÁP CHẾ XÃ HỌI CHỦ NGHĨA VÀ CÁC BIỆN PHÁP PHÁP LÍ CHỦ YẾU NHẰM TĂNG CƯƠNG PHÁP CHẾ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA

Sự nghiệp xây dựng chủ nghĩa xã hội và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, nhất là công cuộc cải cách, đổi mới và hội nhập quốc tế hiện nay của các nước xã hội chủ nghĩa đòi hỏi phải thường xuyên tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa, vì những lí do khách quan sau đây:

Một là nền kinh tế hàng hóa xã hội chủ nghĩa, vân động theo cơ chế thị trường trong xu thế toàn cầu hóa luôn luôn cần có sự quản lí của nhà nước bằng pháp luật, nếu không những mục tiêu kinh tế-xã hội mà đảng cộng sản đề ra sẽ không thể đạt được. Hơn nữa, nền kinh tế thị trường, một mặt, đem lại nhiều lợi ích cho xã hội, mặt khác, cũng làm nảy sinh nhiều vấn đề kinh tế-xã hội phức tạp như cạnh tranh không lành mạnh, làm hàng giả, hàng nhái, hàng kém chất lượng, buôn lậu, gian lận thương mại, trộm cắp tài sản xã hội chủ nghĩa, tham ô, lãng phí, phân tầng xã hội, phân hóa giàu nghèo, thất nghiệp v.v.. Muốn giả quyết được những vấn đề đó phải sử dụng công cụ pháp luật là chủ yếu và đòi hỏi các chủ thể có liên quan cần tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách nghiêm chỉnh.

Hai là chế độ chính trị – xã hội chủ nghĩa là chế độ xã hội tốt đẹp, trong đó nhân dân lao động thật sự làm chủ nhà nước, làm chủ xã hội, làm chủ bản thân mình nhưng đồng thời nó cũng là đối tượng phá hoại của các lực lượng thù địch. Do đó, tăng cường pháp chế xã hôi chủ nghĩa sẽ góp phần quan trọng  vào việc giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, bảo vệ những thành quả của cách mạng, bảo vệ tính mạng, thân thể, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tài sản của công dân, bảo vệ các quyền và lợi ích hợp pháp của các tổ chức.

Ba là sự nghiệp phát triển văn hóa, giáo dục, khoa học, công nghệ và giải quyết những vấn xã hội cấp bách theo phương châm tất cả từ con người, cho con người, vì con người đang đòi hỏi nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân vừa phải luôn luôn tôn trọng và thực hiện pháp luật về các lĩnh vực đó một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất, vừa cần dựa vào pháp luật để đấu tranh chống lại những biểu hiện lệch lạc tỏng văn hóa và giáo dục, những vi phạm pháp luật trong hoạt động khoa học và công nghệ, các thói hư tật xấu trong xã hội.

Bốn là mục tiêu của nền dân chủ xã hội chủ nghĩa là bảo đảm và phát huy quyền làm chủ của nhân dân lao động trên tất cả các lĩnh vực xã hội; bảo đảm, bảo vệ và mở rộng các quyền tự do, dân chủ của công dân phù hợp với sự phát triển của xã hội và của thời đại; thực hiện công bằng xã hội; tạo ra bầy không khí xã hội dân chủ, cởi mở để huy động trí tuệ, sức sáng tạo của mọi tầng lớp xã hội chi sợ nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc… Để đạt được những mục tiêu đó nhất thiết cần có sự điều chỉnh của pháp luật và sự tôn trọng, thực hiên pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất của mọi cá nhân, tổ chức trong xã hội, nếu không sự nghiệp dân chủ hóa xã hội sẽ không thành công.

Năm là đói với các nước xã hội chủ nghĩa, xây dựng nhà nước pháp quyền xã hội còn mới mẻ và có nhiều thách thức do những nguyên nhân chủ quan, khách quan. Bởi vậy, đòi hỏi tất cả cơ quan nhà nước, tổ chức kinh tế, tổ chức xã hội và mọi công dân không những cần đổi mới, củng cố nhận thức về pháp luật cà pháp chế xã hội chủ nghĩa mà còn luôn luôn tôn trọng và thực hiện pháp luật một cách tự giác, nghiêm chỉnh, đầy đủ, thống nhất; phải biết sử dụng pháp luật, dựa vào pháp luật để đấu tranh phòng ngừa và chống các vi phạm pháp luật trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội.

Sáu là tình hình quốc tế hiện nay còn đang diễn biến phức tạp. Bên cạnh thuận lợi là những thách thức lớn đối với các dân tộc và các quốc gia tỏng cuộc đấu tranh vì thế giới hòa bình, ổn định công bằng, tiến bộ và phát triển. Bởi thế cho nên đối với các nước xã hội chủ nghĩa, tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa chính là điều kiện quan trọng để thực hiện thành công chính sách đối ngoại hòa bình, hữu nghị, hợp tác với tất cả các nước trên thế giới, không phân biệt chế độ chính trị và xã hội khác nhau nhằm tạo mội trường quốc tế thuận lợi để bảo vệ độc lập dân chủ, chủ quyền quốc gia và toàn vẹn lãnh thổ; giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội; phát triển kinh tế văn hóa, xa hội ở trong nước.

Ngoài những biện pháp về kinh tế, chính trị, tư tưởng, văn hóa, xã hội… cần áp dụng các biện pháp pháp lí chủ yếu dưới đây để tăng cường pháp chế xã hội chủ nghĩa:

- Xây dựng và hoàn thiện pháp luật đạt được các tiêu chuẩn: toàn diện, đồng bộ, khoa học, thực tiễn. Muốn vậy, ở mỗi nước xã hội chủ nghĩa nhất thiết phải xây dựng chiến lược dài hạn phát triển và hoàn thiện pháp luật phục vụ sự nghiệp xây dựng và bảo vệ tổ quốc xã hội chủ nghĩa, sau đó cụ thể hóa chiến lược đó bằng các chương trình, kế hoạch xây dựng pháp luật phù hợp với các chương trình, kế hoạch phát triển kinh tế-xã hội trong từng giai đoạn phát triển; điều tra, khảo sát thực tế trước khi lên phương án, kế hoạch xây dựng pháp luật; tránh chủ quan, nóng vội và khắc phục sự trì trệ, bảo thủ, chậm trễ trong xây dựng pháp luật; xã hội hóa xây dựng pháp luật nhằm phát huy trí tuệ của toàn dân trong sáng tạo pháp luật; tổng kết công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật.

- Tổ chức thực hiện pháp luật: Đây là công tác lớn, phức tạp, bao gồm các mặt hoạt động như: phổ biến, giải thích và giáo dục pháp luật; đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ chuyên làm công tác phổ biến, giáo dục pháp luật; giải thích pháp luật chính thức và giải thích pháp luật không chính thức; đổi mới và bổ sung nội dung, hình thức và phương pháp giáo dục pháp luật cho các đối tượng; bồi dượng kiến thức pháp luật và kiến thức quản lí nhà nước bằng pháp luật cho cán bộ, viên chức nhà nước, trước hết là cán bộ, công chức hành chính nhà nước; xã hội hóa công tác tổ chức thực hiện pháp luật; kiểm tra, giám sát việc thực hiện pháp luật; tổng kết công tác tổ chức thực hiện pháp luật.

- Bảo vệ pháp luật: Công tác quan trọng này bao gồm các mặt hoạt động như: xã hội hóa bảo vệ pháp luật nhằm huy động sức mạnh của toàn dân vào việc phòng ngừa, phát hiện, tố giác và xử lí vi phạm pháp luật trong bộ máy nhà nước và ở ngoài xã hội; xử lí mọi vi phạm pháp luật một cách kịp thời, nghiêm minh và nhanh chóng; kiểm tra, giám sát việc xử lí các vi phạm pháp luật; đổi mới tổ chức và hoạt động của các cơ quan chuyên trách bảo vệ pháp luật và các tổ chức hỗ trợ tư pháp trong việc bảo vệ pháp luật; giáo dục chính trị, tư tưởng, đạo đức nghề cho cán bộ chuyên trách bảo vệ pháp luật; thưởng, phạt kịp thời, nghiêm minh đối với cán bộ chuyên trách bảo vệ pháp luật; khen thưởng và biểu dương kịp thời những có nhân, tổ chức, địa phương có nhiều thành tích xuất sắc trong công tác bảo vệ pháp luật; phê bình kịp thời, công khai những cá nhân, tổ chức, địa phương chưa làm tốt công tác bảo vệ pháp luật; tổng kết công tác bảo vệ pháp luật.


No comments:

Post a Comment