07/10/2014
Tình huống về tội Trộm cắp tài sản - Bài tập nhóm Luật Hình sự 1
ĐẶT VẤN ĐỀ

Pháp luật hình sự là một trong những công cụ sắc bén, hữu hiệu của Nhà nước để đấu tranh phòng ngừa và chống tội phạm, góp phần đắc lực vào việc bảo vệ độc lập, chủ quyền, thống nhất và toàn vẹn lãnh thổ của tổ quốc Việt Nam xã hội chủ nghĩa, bảo vệ lợi ích của Nhà nước, quyền lợi ích hợp pháp của tổ chức và công dân, trật tự quản lý kinh tế, bảo đảm cho mọi công dân được sống trong một môi trường xã hội lành mạnh. Tuy nhiên, trong thực tế vẫn còn nhiều diễn biến phức tạp, tình hình tội phạm không giảm mà luôn có chiều hướng gia tăng đặc biệt là tội trộm cắp tài sản đã gây nhiều thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của Nhà nước. Tại điều 15 Hiến pháp năm 1992 quy định: “Nhà nước phát triển kinh tế hàng hóa nhiều thành phần theo cơ chế thị trường có sự quản lý của Nhà nước, theo định kinh doanh đa dạng dựa trên chế độ sở hữu toàn dân, sở hữu tập thể, sở hữu tư nhân, trong đó sở hữu toàn dân và sở hữu tập thể giữ vai trò nền tảng”. Quyền sở hữu đối với tài sản là quyền quan trọng được pháp luật bảo vệ. Vì vậy, đề tài mà nhóm em chọn để nghiên cứu là tội xâm phạm về sở hữu mà cụ thể là tội trộm cắp tài sản cụ thể ở đây là tình huống thứ nhất.


“Khoảng 18 giờ ngày 25/11/2008, C (19 tuổi) đi xe máy của gia đình chở H (17 tuổi) đi chơi rồi rủ nhau đi trộm cắp tài sản. Đến một quán bán đồ điện, C mua 01 chiếc tuốc nơ vít dài khoảng 30cm và 01 chiếc cà lê dài khoảng 17cm đưa cho H để phá khóa xe máy. C chở H đi long vòng một hồi thì
thấy có 2 chiếc xe máy dựng trước cửa nhà anh D. C dừng xe đợi ở ngoài, H vào dung tuốc nơ vít phá khóa xe máy Jupiter. Thấy có người lại gần, C sợ bị phát hiện bắt giữ nên phóng xe đi trước. Sau khi lấy được xe, H tháo gương, thay bằng biển số giả rồi đem chiếc xe trên đến gửi tại phòng trọ của T. Lúc đó T không biết chiếc xe là do H đã trộm cắp được. Ngày 27/11/2008, sau khi biết chiếc xe do H trộm cắp của người khác, T đã đem chiếc xe trên nộp cho Công an. Chiếc xe trị giá 19.000.000 đồng.”


GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

1. Theo phân loại tội phạm tại điều 8 BLHS, hãy xác định tội trộm cắp tài sản thuộc loại tội phạm gì?

Theo Điều 8 BLHS, tội phạm được định nghĩa như sau: “Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội, quyền, lợi ích hợp pháp của tổ chức, xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, tự do, tài sản, các quyền, lợi ích hợp pháp khác của công dân, xâm phạm những lĩnh vực khác nhau của trật tự pháp luật xã hội chủ nghĩa.”
Trong bộ luật hình sự hiện hành, tội phạm được phân loại theo mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội, theo tính chất lỗi của người thực hiện và theo nhóm quan hệ xã hội bị xâm phạm. Theo mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội, tội phạm được phân loại thành : tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đăc biệt nghiêm trọng. Theo tính chất có lỗi, tội phạm được phân thành: cố ý và vô ý. Và BLHS còn phân loại tội phạm theo nhóm quan hệ xã hội bị xâm hại đó là, chia toàn bộ phần các tội phạm thành 14 nhóm tội khác nhau và quy định trong 14 chương khác nhau như nhóm tội: phạm xâm phạm quyền sở hữu, xâm phạm an toàn công cộng, trật tự công cộng… Trong ba cách phân loại này, cách phân loại cơ bản, quan trọng và có ý nghĩa quan trọng nhất là cách phân loại tôi phạm theo mức độ của tính nguy hiểm cho xã hội. 

Dựa vào mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi phạm tội, khoản 3 Điều 8 BLHS 2009 quy định: “ Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội đặc biệt nghiêm  trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến hai mươi năm tù, tù chung thân hoặc tử hình.”
Vì vậy, khi phân loại tội phạm theo khoản 3 Điều 8 chúng ta phải căn cứ vào mức cao nhất của khung hình phạt chúng ta đang xem xét để xác định xem tội đó thuộc loại tội nào. Việc phân loại tội phạm chỉ được xác định theo hình phạt chính mà không áp dụng đối với hình phạt bổ sung. Chính vì thế, đối với tội trộm cắp tài sản ta căn cứ vào Điều 138 (BLHS 2009).

Tại khoản 1 Điều 138 BLHS 2009: “Người nào trôm cắp tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gậy hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến 3 năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm”. Mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù 3 năm. Vì vậy, kết hợp với khoản 3 Điều 8 BLHS 2009 thì tội phạm trong khoản 1 điều 138 là tội phạm ít nghiêm trọng.

Tại khoản 2 Điều 138: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a) Có tổ chức; 
b) Có tính chất chuyên nghiệp;
c) Tái phạm nguy hiểm;
d) Dung thủ đoạn xảo quyệt, nguy hiểm; 
e) Hành hung để tẩu thoát; 
f) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g) Gây hậu quả nghiêm trọng;”

Ở khoản 2 Điều 138 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 7 năm tù. Vì vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 8 (BLHS 2009) thì tội phạm trong trường hợp này là tội phạm nghiêm trọng.

Theo khoản 3 Điều 138: “Phạm tội trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ 7 năm đến mười lăm năm:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b) Gây hậu quả nghiêm trọng”.
Khoản 3 điều 138 quy định mức cao nhất của khung hình phạt là 15 năm. Vì vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS 2005 thì tội phạm trong trường hợp này là tội phạm rất nghiêm trọng.
Theo khoản 4 Điều 138: “Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây thì bị phạt tù từ mười hai năm đến hai mươi năm hoặc tù chung thân:
a) Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b) Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.”
 Theo đó thì mức cao nhất của khung hình phạt ở khoản 4 điều 138 BLHS là tù chung thân. Vì vậy, căn cứ vào khoản 3 Điều 8 BLHS thì tội phạm trong trường hợp này là tội đặc biệt nghiêm trọng.

2. C và H có bị coi là đồng phạm tội trộm cắp tài sản không?

Khoản 1 Điều 20 BLHS quy định: “ Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm.”

Muốn xác định C và H có bị coi là đồng phạm tội cướp tài sản hay không thì cần phải xét đến các dấu hiêu của đồng phạm. Theo nội dung của khoản 1 Điều 20 BLHS, đồng phạm đòi hỏi có những dấu hiệu sau:

Về mặt khách quan, đồng phạm đòi hỏi có hai dấu hiệu đó là:

Thứ nhất, có từ hai người trở lên và những người này có đủ điều kiện của chủ thể của tội phạm. 
Thứ hai, những người này phải cùng thực hiện tội phạm có nghĩa là người đồng phạm phải tham gia vào tội phạm với một trong bốn hành vi: hành vi thực hiện tội phạm, hành vi tổ chức thực hiện tội phạm, hành vi xúi giục người khác thực hiện tội phạm, hành vi giúp sức người khác thực hiện tội phạm.
Xét trong tình huống trên, C và H có đầy đủ những dấu hiệu về mặt khách quan của đồng phạm.

Về dấu hiệu thứ nhất: số lượng người tham gia vụ trộm được thực hiện bởi hai người là C và H. Cả C (19 tuổi) và H (17 tuổi) đều thỏa mãn điều kiện chủ thể của tội phạm có nghĩa là cả C và H đều có năng lực TNHS và đã đủ tuổi chịu TNHS theo quy định tại Điều 12 BLHS. 

Về dấu hiệu thứ hai: C và H đã cùng thực hiện một tội phạm đó là tội trộm cắp tài sản. C đã chở H bằng xe máy của gia đình đến một quán đồ điện. C mua một chiếc tuốc nơ vít dài 30cm và 1 chiếc cờ lê dài khoảng 17cm để với mục đích phá khóa xe máy. Sau khi tìm thấy mục tiêu là hai chiếc xe máy dựng trước của nhà anh D, H đã dùng dụng cụ vừa mua để phá khóa 1 chiếc xe Jupiter trị giá 19.000.000 đồng. Sau khi lấy được xe H đã tháo gương, thay biển số giả và mang đi gửi tại nhà T. Có thể thấy, H là người thực hành, tức là người trực tiếp thực hiện tội phạm với hàng loạt hành động: phá khóa xe, tháo gương, thay biển số, đem xe đi giấu. Trong khi đó, C đóng vai trò là người giúp sức – người tạo điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm. C đã cung cấp những phương tiện cho H phạm tội: chở H bằng xe máy của gia đình mình, mua tuốc nơ vít và cờ lê cho H phá khóa. Ngoài ra, C cũng là người góp ý vào kế hoạch ăn trộm (hai người rủ nhau trộm cắp tài sản, C chở H lòng vòng tìm mục tiêu) và cũng đã dừng xe đợi H thực hiện hành vi. Những hành động của C đã tạo thuận lợi cho H phạm tội, là khâu cần thiết trong quá trình phạm tội chung của 2 người.

Về mặt chủ quan, đồng phạm đòi hỏi những người cùng thực hiện tội phạm đều có lỗi cố ý. Vấn đề đồng phạm chỉ được đặt ra khi tội phạm được thực hiện với lỗi cố ý, có thể là cố ý trực tiếp (biết rõ hành vi là phạm tội nhưng vẫn làm) hay cố ý gián tiếp (biết hành vi phạm tội nhưng để mặc nó xảy ra). Như vậy, ở trong tình huống này, hành vi trộm cắp của C và H được thực hiện với lỗi cố ý trực tiếp với mục đích vụ lợi. Cả 2 đã cố ý cùng thực hiện việc ăn trộm tài sản là chiếc xe máy Jupiter trị giá 19.000.000 đồng. Dù biết rõ hành vi của mình là xâm phạm tới quyền sở hữu đối với tài sản của người khác nhưng hai người vẫn cố tình thực hiện. Hành vi này cũng không phải là do lòng tham nhất thời mà đã được tính toàn trước, từ việc chuẩn bị phương tiện đến việc đem giấu tài sản..
Từ sự phân tích trên cho thấy: C và H bị coi là đồng phạm tội trộm cắp tài sản.

3. C có được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt  việc phạm tội không?

C không được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. Vì theo Điều 19 BLHS quy định: “Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự ý mình không thực hiện hành vi phạm tội đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm; nếu hành vi thực tế đã thực hiện có đầy đủ yếu tố cấu thành của một tội khác, thì người đó phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.”

Chỉ được coi là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi thỏa mãn những dấu hiệu sau:
- Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải xảy ra khi tội phạm đang ở giai đoạn chuẩn bị hoặc ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành.
- Việc chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm phải là tự nguyện và dứt khoát.

Trong trường hợp của C thì C chỉ thỏa mãn được yếu tố một của tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội. C đã phóng xe máy đi trong khi H vào nhà anh D dùng tuốc nơ vít phá khóa chiếc xe Jupiter. Tức là C đã thôi không thực hiện trộm cắp tài sản (với vai trò là người giúp sức) khi tội phạm trộm cắp tài sản đang ở giai đoạn chưa đạt chưa hoàn thành. Như vậy đã thỏa mãn được một điều kiện.

Ở điều kiện thứ hai ta xét đến nguyên nhân mà C bỏ đi chấm dứt không thực hiện tiếp tội phạm. Tình huống có nói rõ rằng: “Thấy có người lại gần, sợ bị phát hiện bắt giữ nên phóng xe đi trước”. Vì vậy, nguyên nhân khiến C không thực hiện tiếp hành vi phạm tội của mình là do nguyên nhân khách quan chứ không phải do bản thân C muốn dừng hành vi phạm tội của mình. Như vậy C đã không đáp ứng được điều kiện hai.

Trong một vụ án đồng phạm, vấn đề tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm không giống như trường hợp phạm tội riêng rẽ. Chỉ có người thực hành là người trực tiếp thực hiện tội phạm mới được áp dụng lý luận về tự ý nửa chừng chấm dứt việc thực hiện tội phạm như trường hợp phạm tội riêng rẽ, còn những người khác như: người tổ chức, người xúi giục, người giúp sức thì phải có thêm những điều kiện khác ngoài hai điều kiện đã được quy định đối với người thực hành.

Xét thấy trong trường hợp của C, thứ nhất C không phải người trực tiếp thực hiện hành vi phạm tội mà chỉ đóng vai trò là người giúp sức. Thứ hai, hành động phóng xe đi trước của C xảy ra sau khi H bắt tay vào việc thực hiện tội phạm; hơn nữa C cũng không có hành động để ngăn ngừa tội phạm xảy ra.

4. Giả sử khi đến gửi xe tại phòng trọ của T, H có nói cho T biết đây là xe vừa trộm cắp được, T cho H gửi xe thì T có bị coi là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản với vai trò là người giúp sức không?

      Người giúp sức được định nghĩa tại khoản 2 điều 20 Bộ luật Hình sự năm 1999 ( sửa đổi bổ sung năm 2009 ) như sau : “ Người giúp sức là người tạo ra điều kiện tinh thần hay vật chất cho việc thực hiện tội phạm. ”

Có thể thấy, người giúp sức có thể là giúp sức về vật chất hoặc giúp sức về tinh thần. Giúp sức về vật chất là những hành vi cung cấp công cụ, phương tiện hoặc khắc phục những trở ngại… để tạo điều kiện cho người thực hành thực hiện tội phạm thuận lợi hơn.

Giúp sức về tinh thần là những hành vi không cung cấp vật chất nhưng tạo cho người thực hành thực hiện tội phạm có những điều kiện dễ dàng hơn như chỉ dẫn, góp ý kiến,…Áp dụng vào tình huống này, nếu khi đến gửi xe tại phòng trọ của T, H có nói cho T biết đây là xe vừa trộm cắp được, T cho H gửi xe thì thì T không bị coi là đồng phạm về tội trộm cắp tài sản với vai trò là người giúp sức. Bởi lẽ, hành vi giúp sức thực chất là việc tạo thêm điều kiện thuận lợi cho người khác vốn đã có ý định phạm tội hoặc làm cho người đó yên tâm thực hiện tội phạm. Vì vậy mà hành vi giúp sức chỉ có thể được thực hiện trước khi người thực hành bắt tay vào hành động hoặc khi tội phạm đang tiến hành. Trong khi đó, chỉ khi đến phòng trọ của T thì H mới cho T biết đây là chiếc xe máy vừa trộm cắp được. Trước đó T không biết gì về việc phạm tội của H. Lúc đến phòng trọ của T, H đã thực hiện xong tội phạm. Rõ ràng T không hề có một hành vi nào giúp sức về vật chất cho H cả. 

Việc T cho H gửi xe nhưng cũng không phải giúp sức tinh thần, vì trước đó và trong khi H thực hiện việc trộm cắp chiếc xe máy T không hề hứa hẹn trước là sẽ cho H gửi xe nếu như H trộm cắp được chiếc xe máy.

KẾT THÚC VẤN ĐỀ

Trong quá trình xây dựng chủ nghĩa xã hội, Nhà nước ta có nhiệm vụ bảo vệ quyền lợi ích hợp pháp của Nhà nước cũng như của nhân dân. Với vai trò là nền tảng kinh tế xã hội của quốc gia, chế độ sở hữu là một trong những vấn đề trọng yếu được Nhà nước bảo vệ bằng mọi biện pháp trong đó biện pháp pháp lý hình sự thể hiện kiên quyết nhất ý chí quyền lực Nhà nước trong xử lý các hành vi xâm phạm tới chế độ sở hữu. Trong số các tội xâm phạm sở hữu, tội trộm cắp tài sản là tội xâm phạm trực tiếp tới quyền sở hữu tài sản, nó xảy ra khá phổ biến. Ở mỗi giai đoạn phát triển, Nhà nước đều có những quy định về tội trộm cắp tài sản và biện pháp xử lý nhằm đấu tranh loại bỏ tội phạm khỏi đời sống xã hội. Để có thể giải quyết những vấn đề trên các cơ quan chức năng cần phải nghiên cứu, xem xét đặc điểm, hành vi của từng đối tượng phạm tội, nắm rõ tính chất của tội phạm để đề ra những giải pháp đấu tranh, phòng ngừa thật phù hợp nhằm hạn chế một cách tốt nhất tình hình tội phạm trong giai đoạn hiện nay.

No comments:

Post a Comment