04/09/2014
Đề bài tập nhóm tháng 2 - Luật Lao động - K37 ĐH Luật Hà Nội - Kì 1 năm học 2014 - 2015
Cảm ơn bạn Vũ Thị Hoài Thu đã chia sẻ tài liệu này!

BÀI 1:

Ngày 16/5/2013, tàu TP của công ty K đi từ Hải Phòng vào thành phố Hồ Chí Minh bị đắm. thủy thủ đoàn trên tàu có 20 người đều ký HĐLĐ không xác định thời hạn. Thực tế, lương theo bảng lương ký nhận của mỗi thủy thủ vào tháng 04/2013 trung bình là 20.000.000 đồng; lương theo sổ BHXH trung bình là 5.000.000 đồng và công ty thỏa thuận đóng toàn bộ tiền BHXH cho người lao động.

Công ty K đã tổ chúc tìm kiếm, cứu nạn cho đến ngày 25/7/2013. Trong só 30 thủy thủ của tàu TP, cứu sống được 15 người, 2 người đã chết và tìm thấy thi thể, còn lại 13 người không có tin tức gì.

Cho rằng 13 thủy thủ trên đã mất tích nên ngày 5/8/2013, công ty K gửi đến thân nhân của 13 người thủy thủ quyết định chấm dứt HĐLĐ, yêu cầu thân nhân ký vào quết định chấm dứt HĐLĐ thì công ty sẽ làm thủ tục ứng trước tiền bảo hiểm của Bảo Việt và PJICO (mỗi hợp đồng trị giá 5.000 USD và sẽ được thanh toán khi thủy thủ chết/ hoặc mất tích), đồng thời sẽ giải quyết chế độ, quyền lợi khi chấm dứt hợp đồng lao động cho người lao động.

Hỏi:

1. Nhận xét về việc trả lương và đóng BHXH cho người lao động của công ty K? (3 điểm)

2. Việc giải quyết chấm dứt HĐLĐ của công ty K với 13 thủy thủ có hợp pháp không? Tại sao? (3 điểm)

3. Hãy giải quyết chế độ cho 2 người chết theo quy định của pháp luật lao động hiện hành? (4 điểm)

BÀI 2:

Ông Nguyễn Văn H ký HĐLĐ xác định thời hạn và bắt đầu làm việc tại công ty A từ ngày 06/10/2005. Đến ngày 01/04/2006, ông H và công ty đã ký kết HĐLĐ mới không xác định thời hạn, với công việc là kỹ thuật viên vô tuyến điện, mức lương cơ bản là 9.800.000 đồng/tháng và làm việc trực tiếp tại giàn khai thác Lan Tây (ngoài biển).

Trong quá trình công tác, ông H luôn được công ty đánh giá là nhân viên có trình độ, trách nhiệm cao trong công việc. cuối năm 2013, ông H với tư cách là thành viên BCH công đoàn có khiếu nại với công ty về điều kiện vật chất, tinh thần và sự an toàn của ông và các nhân viên khác nhưng công ty đã không xem xét, giải quyết dứt điểm việc khiếu nại. Đã thế công ty còn khiển trách ông H bằng miệng; đánh giá ông H là nhân viên không đạt năm 2013 và áp dụng việc điều chỉnh mức tăng lương thấp hơn so với nhân viên khác cùng làm.

Sau khi nhận được thông báo về mức lương. Ông H cho rằng công ty đối xử không công bằng với ông và ông đã tuyệt thực. ông H cũng đã thông báo cho công ty biết về việc tuyệt thực của mình. Trong thời gian tuyệt thực, ông H vẫn tiếp tục làm việc và không để xảy ra sai sót gì ảnh hưởng tới công việc và các đồng nghiệp khác. Sau nhiều ngày tuyệt thực, ông H bị suy giảm nghiêm trọng về sức khỏe, công ty đã nhanh chóng tổ chức đưa ông về đất liền cấp cứu. Tổng chi phí cứu chữa là 10.000 USD và do công ty bỏ ra.

Ngày 23/7/2014, công ty đã tổ chức họp xử lý vi phạm kĩ thuật lao động đối với ông H và ra quyết định kỹ thuật sa thải trong ngày với lý do “hành vi tuyệt thực của ông H đã gây thiệt hại nghiêm trọng về lợi ích cho công ty”. Tại phiên họp có sự tham gia của đại diện ban chấp hành công đoàn cơ sở và ông H, song ông H không đồng ý ký vào biên bản.

Hỏi:

1. Nếu không đồng ý với quyết định sa thải, ông H có thể yêu cầu những chủ thể có thẩm quyền nào giải quyết? (2 điểm)

2. Quyết định sa thải của công ty đối với ông H là đúng hay sai? Tại sao? (4 điểm)

3. Giải quyết quyền lợi cho ông H theo quy định của PLLĐ hiện hành (4 điểm)

BÀI 3:

M là lái xe theo HĐLĐ không xác định thời hạn của công ty X có trụ sở chính tại Đà Nẵng từ năm 2005.

Ngày 10/05/2014, do nhu cầu công việc, giám đốc công ty ra quyết định điều chuyển M sang làm bảo vệ cho chi nhánh công ty đặt tại thành phố HCM trong thời gian 45 ngày, bắt đầu từ 15/5/2014.

Cho rằng việc điều chuyển của giám đốc là trái với chuyên môn và địa điểm ghi trong hợp đồng lao động nên trong thời gian làm việc tại chi nhánh thành phố HCM, M liên tục vi phạm kỹ thuật lao động. Cụ thể ngày 10/6/2014 M có những hành vi ứng xử không đúng với khách hàng lớn của công ty dẫn đến việc họ gửi thư từ chối mọi giao dịch với công ty; giám đốc phải xin lỗi mới khôi phục được mối quan hệ hai bên. Vì vậy, M bị xử lý kỷ luật lao động ở hình thức kéo dài thời hạn tăng lương 6 tháng.

Ngày 20/06/2014, trên đường đi làm về, M bị tai nạn giao thông phải vào viện điều trị 10 ngày. Sau khi ra viện, M được chuyển về trụ sở chính của công ty ở Đà Nẵng làm bảo vệ với lý do không đủ sức khỏe làm công việc cũ (lái xe). M không đồng ý, phản ứng gay gắt với giám đốc và tự ý nghỉ việc 3 ngày.

Trước tình hình đó, ngày 10/7/2014 giám đốc công ty triệu tập ban chấp hành công đoàn cơ sở tiến hành cuộc họp xử lý kỷ luật M (M có mặt tham dự phiên họp) và ra quyết định sa thải M vì lý do M tái phạm trong thời gian chưa được xóa kỷ luật. M không đồng ý với quyết định sa thải này nên đã làm đơn gửi đến cơ quan có thẩm quyền.

Hỏi:

1. Việc điều chuyển của giám đốc là đúng hay sai? (2điểm)

2. Tổ chức, cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu của M? (2 điểm)

3. Quyết định sa thải M của công ty X là đúng hay sai, tại sao? (3 điểm)

4. Giải quyết quyền lợi cho M theo quy định của pháp luật lao động hiện hành? (3 điểm)

BÀI 4:

Anh M vào làm việc tại công ty cơ khí x có trụ sở tại thành phố H, từ tháng 1/2007, mức lương là 3.000.000đ/tháng, sau đó được nâng lương lên 4.000.000đ/tháng, công việc là kiểm tra giám định chất lượng sản phẩm. tháng 1/2014, do yêu cầu công việc ở một cơ sở sản xuất của công ty, giám đốc công ty yêu cầu M đến huyện T làm việc 6 tháng với chức vụ tổ trưởng tổ giám định chất lượng sản phẩm. M đồng ý nhưng sau đố vì thấy đi lại quá vất vả nên M đề nghị được quay trở về thành phố H làm việc nhưng giám đốc không đồng ý. Sau 2 tháng, M không xuống huyện T làm nữa và yêu cầu được trở lại công ty làm việc vì cho rằng theo quy định cảu pháp luật lao động thì giám đốc chỉ có quyền điều chỉnh M đi làm việc ở địa điểm khác trong thời hạn 60 ngày. Do không có người quản lý giám định chất lượng sản phẩm nên công ty không kịp hoàn thành đơn hàng để bàn giao sản phẩm cho đối tác và phị phạt 15.000.000đ vì vi phạm hợp đồng mua bán hàng hóa.

Vì vậy, ngày 10/08/2014 giám đốc công ty ra quyết định kỷ luật khiển trách M, cách chức tổ trưởng của anh, đồng thời buộc anh phải bồi thường 15.000.000đ mà công ty bị phạt do vi phạm hợp đồng.

Hỏi:

1. Việc điều chuyển của công ty đối với anh M là đúng hay sai? Tại sao? (2 điểm)

2. Nhận xét về việc xử lý kỉ luật của công ty đối với anh M (3 điểm)

3. Anh M có phải bồi thường 15.000.000đ cho công ty X không? Tại sao? (3 điểm)

4. Nếu không đồng ý với quyết đinh của công ty, anh M có thể gửi đơn đến cơ quan, tổ chức nào để yêu cầu giải quyết? (2 điểm)

BÀI 5:

Ngày 10/02/2014 anh P bắt đầu vào thử việc tại công ty vệ sinh môi trường đô thị H, công việc là nạo vét bùn cống ngầm. Theo thỏa thuận, thời gian thử việc từ 10/02 - 09/05, tiền lương được trả bằng 70% mức lương của công việc.

Sau khi hết hạn thời gian thử việc, thấy đạt yêu cầu, công ty nhận anh vào làm. Ngày 15/5 giám đốc gọi anh lên để làm hợp đồng lao động, 2 bên thống nhất một số nội dung sau:

- Hợp đồng đầu tiên có thời hạn 3 tháng, do vậy 2 bên sẽ giao kết miệng.

- Tiền lương là 3.500.000đ/tháng (đã bao gồm 18% phí BHXH và 3% phí BHYT). Nếu làm việc tốt, anh sẽ được ký hợp đồng 1 năm, được tăng lương và được gia hạn hợp đồng lao động hằng năm.

- Thời gian làm việc là 8h/ngày, mỗi tuần được nghỉ 1 ngày vào thứ 2. Nếu do công việc mà anh P phải đi làm vào các ngày nghỉ hàng tuần, nghỉ lễ tết thì mức lương sẽ là gấp rưỡi so với ngày bình thường. do thời hạn hợp đồng ngắn nên anh P không được nghỉ hằng năm.

- Công việc mà người lao động sẽ làm là công việc độc hại nên người lao động phải tự trang bị bảo hộ cá nhân cho mình.

Bằng kiến thức pháp luật lao động anh (chị) hãy nêu ý kiến của mình về việc thử việc và những thỏa thuận giữa công ty H và anh P.

Bài 6:


Hãy nêu một vụ việc thực tế về việc đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động hoặc kỷ luật sa thải và nêu ý kiến nhận xét của mình về vụ việc trên (ở các phương diện căn cứ, thủ tục, giải quyết quyền lợi cho người lao động)

No comments:

Post a Comment