04/09/2014
Đề bài tập học kỳ - Luật Lao động - K37 ĐH Luật Hà Nội - Kì 1 năm học 2014 - 2015
Cảm ơn bạn Vũ Thị Hoài Thu đã chia sẻ tài liệu này!

BÀI 1: 

Câu1: Cuộc đình công có thể chấm dứt vào những thời điểm nào? Lý giải tại sao? (4 điểm)

Câu 2: Tháng 5/2013, anh Phan Trọng T và công ty taxi ABC ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn, công việc là lái xe taxi. Để ràng buộc anh T trong việc thực hiện hợp đồng và giữ gìn xe taxi, công ty đề nghị anh T ký vào bản cam kết với nội dung: Anh T phải đặt cọc cho công ty 10 triệu đồng. nếu anh T tự ý chấm dứt hợp đồng trước thời hạn thì phải nộp phạt cho công ty 20 triệu đồng. anh T đã đồng ý ký vào bản cam kết này.

Tháng 7/2013, nhằm nâng cao kỹ năng lái xe cho thành viên, công ty cử anh T đi học khóa đào tạo kỹ năng lái xe nâng cao tại công ty TOYOTA Việt Nam trong 10 ngày, chi phí hết 10 triệu đồng. hết khóa học, anh T được cấp giấy chứng nhận xuất sắc của công ty TOYOTA. Sau khi kết thúc khóa học, anh T tiếp tục làm việc tại công ty. Ngày 1/10/2014, anh T viết đơn xin chấm dứt hợp đồng lao động với lý do anh phải chăm mẹ ốm. Giám đốc công ty yêu cầu anh T phải nộp phạt 20 triệu đồng (số tiền anh đã cam kết khi giao kết hợp đồng) và nộp lại chứng chỉ cho công ty TOYOTA cấp vì cho rằng anh T có được chứng chỉ đó là do công ty bỏ tiền cho anh T đi học và buộc anh T phải hoàn trả khoản tiền do công ty đưa anh đi đào tạo. Anh T không đồng ý. Ngày 16/11/2014, anh T nghỉ việc.

Hỏi:

1. Việc công ty yêu cầu anh T đặt cọc là đúng hay sai? Tại sao? (1 điểm)

2. Việc chấm dứt hợp đồng lao động của anh T là đúng hay sai? Tại sao? (2 điểm)

3. Khi chấm dứt HĐLĐ anh T được hưởng những quyền lời gì? (1,5 điểm)

4. Nhận xét về những yêu cầu của giám đốc công ty với anh T khi không đồng ý để anh T chấm dứt hợp đồng lao động (1,5 điểm)

BÀI 2:

Câu 1: Tại sao thỏa ước lao động tập thể được coi là “luật” của các doanh nghiệp? (4 điểm)

Câu 2: Ngày 01/12/2013 bà Nguyễn Thị Y (thường trú tại quận Đống Đa, Hà Nội) được công ty TNHH sunsight (đóng tại quận Hoàn Kiếm, Hà Nội) nhận vào làm việc theo hợp đồng lao động có một số nội dung đáng chú ý sau:

- Thời hạn hợp đồng là 1 năm, kẻ từ ngày 1/12/2013 đến 30/11/2014;

- Công việc phải làm là nấu ăn, mức lương 4.000.000 đồng/tháng.

Ngày 10/5/2014 gữa bà Y và bà K (nhân viên tạp vụ) có xích mích và bà y đã đánh bà K tại phòng thay đồ. Ngày 11/5/2014 bà Y làm bản tường trình lại sự việc, thừa nhận hành vi này và cho rằng bà K đã xúc phạm bà nhiều lần. Căn cứ vào khoản 3 điều 5, khoản 9 điều 6 của nội quy lao động của công ty sunsight, ngày 13/5/2014 công ty đã thông báo sa thải bà Y qua email bà Y đã cung cấp khi giao kết hợp đồng. Quyết định sa thải không ghi ngày ra quyết định mà chỉ xác định sa thải bà Y kể từ ngày 15/5/2014. Ngày 15/5/2014, bà đến công ty nhưng bảo vệ không cho vào vì lý do bà đã bị sa thải. Ngày 18/5/2014 bà Y có làm đơn khiếu nại gửi lãnh đạo công ty. Ngày 20/5/2014 công ty đã tiến hành họp xử lý vi phạm kỷ luật lao động đối với bà Y. Tham dự cuộc họp này có sự tham gia của tổng giám đốc là ông andrew cheng, bà Y và trưởng bộ phận, giám đốc nhân sự. Cuộc họp đã kết luận việc sa thải bà Y là đúng. Cho rằng bị sai thải trái pháp luật, ngày 25/5/2014, bà Y làm đơn khởi kiện đến tòa án với yêu cầu:

- Công ty phải trả lương những ngày bà Y không được làm việc;

- Bồi thường 12 tháng lương để tìm việc làm mới;

- Cộng với 2 tháng tiền lương và phụ cấp lương;

- Trợ cấp thôi việc;

Hỏi:

1. Việc sa thải của công ty với bà Y có hợp pháp không? Vì sao? (2 điểm)

2. Tòa án có thẩm quyền giải quyết tranh chấp giữa bà Y và công ty không? Tại sao? (1 điểm)

3. Theo anh (chị) những yêu cầu nào của bà Y đối với công ty sunsight được tòa án chấp thuận và những yêu cầu nào không được chấp thuận? (1,5 điểm)

4. Xác định thời điểm bắt đầu tính thời hiệu khởi kiện trong vụ án trên? Giải thích tai sao? (1,5 điểm)

BÀI 3:

Câu 1: Phân biệt quyền chấm dứt hợp đồng lao động của người sử dụng lao động với quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động? (4 điểm)

Câu 2: Anh A làm việc cho công ty TNHH TVB có trụ sở tại quận X, thành phố Hà Nội theo thời hạn xác định thời hạn 02 năm từ 1/6/2013. Do gia đình anh chuyển vào thành phố Hồ Chí Minh sinh sống nên ngày 15/5/2014 anh đã thông báo đến công ty để thực hiện các thủ tục chấm dứt hợp đồng lao động. Tuy nhiên, khi đến công ty, Giám đốc lại trao cho anh quyết định sa thải A vì lí do anh đã nghỉ việc hơn 5 ngày liên tiếp trong tháng mà không có lí do chính đáng. Anh A không đồng ý nên đã gửi đơn đến các cơ quan có thẩm quyền để giải quyết tranh chấp.

Hỏi:

1. Việc sa thải của công ty đối với anh A là đúng hay sai? Tại sao? (2.5 điểm)

2. Anh A được hưởng những chế độ, quyền lợi gì? (1 điểm)

3. Anh A phải thực hiện những thủ tục gì để chấm dứt hợp đồng lao động đúng pháp luật trong trường hợp trên. (1.5 điểm)

4. Những cơ quan nào có thẩm quyền giải quyết tranh chấp lao động nói trên? (1 điểm)

BÀI 4:

Câu 1: Nêu những điểm mới về đình công trong BLLĐ 2012 so với Luật sửa đổi bổ sung BLLĐ năm 2006 (4điểm)

Câu 2: Công ty M có trụ sở đóng tại quận Thanh Xuân – Hà Nội. Tháng 10/2013, công ty tiến hành giải thể phòng bảo vệ (bao gồm 4 nhân viên đang làm việc theo chế độ hợp đồng lao động không xác định thời hạn) để kí hợp đồng bảo vệ với công ty bảo vệ Vinasun. Công ty đã hỗ trợ cho những người lao động này 1 tháng lương để đi tìm công việc mới. Những lao động này không đồng ý nên đã đồng loạt gửi đơn đến cơ quan có thẩm quyền yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Hỏi:

1. Việc chấm dứt hợp đồng của công ty với 4 người lao động nói trên có căn cứ pháp lí hay không? Tại sao? Hãy tư vấn cho công ty những thủ tục cần thiết để chấm dứt hợp đồng. (3 điểm)

2. Tranh chấp xảy ra là tranh chấp lao động cá nhân hay tranh chấp lao động tập thể? Vì sao? (1 điểm)

3. Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên? (1 điểm)

4. Gỉa sử trong trường hợp trên nếu người lao động tự viết đơn xin nghỉ việc thì có được coi là thỏa thuận chấm dứt hợp đồng không? Tại sao? (1 điểm)

BÀI 5:

Câu 1: (4 điểm) Tại sao bảo vệ người lao động là nguyên tắc cơ bản của Luật lao động? Nguyên tắc này được thể hiện như thế nào trong chế định hợp đồng lao động?

Câu 2: (6 điểm)

Trần B là kĩ sư điện, làm việc tại công ty M, đóng trên địa bàn tỉnh BD. Trước khi kí hợp đồng lao động, hai bên thỏa thuận thử việc trong thời gian là 90 ngày, từ ngày 1/9/2013 đến ngày 30/11/2013. Hết thời gian thử việc,mặc dù công ty M không kí hợp đồng lao động chính thức nhưng B vẫn đi làm và được giao công việc bình thường.

Do những khó khăn trong hoạt động kinh doanh, tháng 5/2014, công ty M sáp nhập với công ty X. Sau khi hoàn tất thủ tục sáp nhập, công ty X tiến hành sắp xếp lại nhân sự. Khi rà soát lại hợp đồng công ty X phát hiện B không kí hợp đồng lao động nên ngày 5/6/2014 công ty X triệu tập B đến và thông báo B nghỉ việc từ ngày 6/6/2014.

Hỏi:

1. Hợp đồng thử việc giữa Trần B và công ty M có hợp pháp không? Tại sao? (1.5 điểm)

2. Việc chấm dứt của công ty X với Trần B đúng hay sai?Tại sao? (2điểm)

3. Theo quy định hiện hành, quyền lợi của B được giải quyết như thế nào? (2.5 điểm)

BÀI 6:

Câu 1: (4điểm)

Tại sao nhà nước thống nhất quản lí về bảo hộ lao động? Nguyên tắc này được thể hiện như thế nào trong các quy định của pháp luật hiện hành?

Câu 2: (6 điểm)

Công ty N có trụ sở chính đóng tại quận TB, Thành phố Hồ Chí Minh. Tháng 5 năm 2008, giám đốc công ty kí HĐLĐ không xác định thời hạn với Lê A, công việc là cán bộ kĩ thuật dự án..Trong thời gian thực hiện hợp đồng, ngày 15/8/2013, Axin tạm hoãn HĐLĐ 6 tháng để đi chữa bệnh ở nước ngoài.

Hết thời hạn tạm hoãn, A quay trở lại làm việc, giám đốc dự án không bố trí công việc được cho A với lí do trong thời gian A tạm hoãn côn ty đã có thỏa thuận thay đổi về quy trình sản xuất với đối tác của dự án. Giám đốc dự án đề xuất A chủ động đi học nghề để tiếp tục làm việc nhưng A không đồng ý.

Ngày 25/2/2014, giám đốc công ty N ra quyết định chuyển A làm công việc cũ tại chi nhánh ở tỉnh BD. Sau 2 tuần làm việc tại BD, A nhận thấy những khó khăn tại chỗ làm mới nên tỏ thái đọ không hợp tác, thường xuyên đi làm muộn. Ngoài ra, trong tháng 4/2014, A đã tự nghỉ việc không lí do 8 ngày làm việc.

Ngày 15/5/2014, giám đốc công ty N quyết định sa thải A.

Hỏi: 

1. Việc A chuyển đến làm việc ở chi nhánh BD là điều chuyên hay thay đổi hợp đồng lao động? Tại sao? (1 điểm)

2. Lí do sa thải A của công ty N có hợp pháp không? Công ty N cần tuân thủ theo thủ tục nào để sa thải A hợp pháp? (3 điểm)

3. Để bảo vệ quyền lợi của mình, A có thể gửi đơn đến cơ quan, tổ chức nào? (1 điểm)

4. Giả sử khi sa thải A, công ty không thanh toán trợ cấp thôi việc cho A thì có hợp pháp không? Tại sao? (1 điểm)

BÀI 7:

Câu 1: (4 điểm)

Nội dung quyền quản lí lao động của người sử dụng lao động theo quy định của pháp luật lao động hiện hành?

Câu 2: (6 điểm)

Anh Minh vào làm việc tại công ty Y (công ty 100%) vốn nước ngoài có trụ sở tại quận I, Thành phố Hồ Chí Minh với HĐLĐ không xác định từ tháng 1/2008.

Ngày 10/7/2014, công ty họp xử lí kỉ luật anh Minh vì lí do anh đa tiết lộ bí mật kinh doanh của công ty, anh Minh có tham dự buổi họp nhưng giữa chừng anh đã bỏ về vì bất đồng quan điểm với giám đốc công ty, Tuy nhiên, cuộc họp vẫn được tiến hành theo quy định của pháp luật.

Ngày 12/7/2014, giám đốc công ty Y đã ra quyết định số 24/QĐ sa thải anh Minh nhưng không trao đổi với ban chấp hành công đoàn cơ sở. Quyết định có hiệu lực từ ngày 15/7/2014. Ngày 25/7/2014, anh Minh đã làm đơn gửi đến tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Hỏi:

1. Tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh có thụ lí đơn khởi kiện của anh Minh không? Tại sao? (1 điểm)

2. Thời điểm xác định thời hiệu khởi kiện của anh Minh là ngày nào? (1 điểm)

3. Quyết định sa thải anh Minh của công ty là đúng hay sai? Tại sao? (2 điểm)

4. Giả sử trong quá trình làm việc tại công ty Y, anh Minh được công ty cử đi học ở nước ngoài với cam kết sau khi học xong sẽ về làm việc cho công ty trong thời hạn 5 năm. Nhưng mới làm được 2 năm thì anh Minh đã bị công ty kỉ luật sa thải. Trong trường hợp đó anh Minh có phải hoàn trả chi phí đào tạo cho công ty không? Tại sao? (2 điểm)

BÀI 8:

Câu 1: (4 diểm)

Nêu và phân tích các điều kiện có hiệu lực của HĐLĐ?

Câu 2: (6 điểm)

1. Ngày 15/6/2014, tại phân xưởng X của công ty lien doanh sợi cáp quang (có trụ sở đóng tại quận Hoàng Mai) xảy ra sự việc như sau:

Do bất bình trước việc giám đốc công ty ra quyết định sa thải 2 công nhân trong phân xưởng chỉ vì hai công nhân này có hành vi vô lễ với giám đốc, nên cả tập thể lao động của phân xưởng đã đề nghị công doàn cơ sở cùng làm đơn yêu cầu giám đốc phải hủy quyết định sa thải và nhận hai người lao động này trở lại làm việc.

Tình huống trên có phải là tranh chấp lao động tập thể không? Tại sao? (2 điểm)

2. Nêu một vụ việc đình công xảy ra trong năm 2014 và bình luận tính hợp pháp của vụ việc đó.? (4 điểm)

BÀI 9:

Câu 1: Hậu quả pháp lí của việc NSDLĐ đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động? (4 điểm)

Câu 2: Anh H làm việc trong bộ phận chế tạo của công ty cơ khí HN đóng tại quận Thanh Xuân , Hà Nội theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn từ 20/1/2009. Ngày 3/5/2014, do sơ suất trong quá trình vận hành máy. H đã gây hậu quả sản phẩm của công ty bị lỗi kĩ thuật, giá trị thiệt hại của lô sản phẩm lên tới 35 triệu đồng. Trước sự việc này, công ty ra quyết định tạm đình chỉ công việc đối với anh H. Trong thời gian tạm đình chỉ, anh H được hưởng 40% lương. Sau 2 tháng tạm đình chỉ công việc, H được triệu tập đến để họp xử lí kỉ luật nhưng H không đến. Ngày 8/7/2014, sau 3 lần thông báo bằng văn bản mà H không đến công ty ra quyết định sa thải H với lí do H có hành vi gây thiệt hại nghiêm trọng đến tài sản của công ty đồng thời yêu càu H bồi thường toàn bộ thiệt hại của lô hàng. Quyết định này có hiệu lực từ ngày 9/7/2014. Tuy nhiên, đến ngày 25/7/2014 H mới nhận được quyết định. H đã làm đơn khởi kiện tòa án.

Hỏi:

1. Nhận xét về quyết định tạm đình chỉ công việc của công ty đối với H? (1.5 điểm)

2. Quyết định sa thải của công ty đối với H là đúng hay sai? Tại sao? (2điểm)

3. Xác định mức độ bồi thường thiệt hại của H trong vụ việc trên? (1.5 điểm)

4. Theo anh (chị) thời điểm xác định thời hiệu khởi kiện trong vụ việc trên là ngày nào? Tại sao? (1 điểm)

Bài 10:

Câu 1:

Điều kiện để thỏa mãn ước lao động tập thể có hiệu lực pháp luật ? (4 điểm)

Câu 2:

Ngày 10/3/2006 anh A vào làm việc tại công ty X đóng tại Huyện Từ Liêm – Hà Nội với HĐLĐ xác định thời hạn 3 năm. Khi hết thời hạn hợp đồng, hai bên lại ký tiếp hợp đồng thời hạn 2 năm. Ngày 16/5/2014, anh A bị người sử dụng lao động nhắc nhở bằng văn bản vì đã không hoàn thành công việc được giao. Ngày 25/5/2014 anh lại bị người sử dụng lao động tiếp tục nhắc nhở bằng văn bản vì lý do không hoàn thành công việc được giao. Ngày 20/6/2014, vẫn với lý do không hoàn thành công việc, A bị công ty nhắc nhở bằng văn bản. Trước tình hình đó, sau khi thông báo trước 45 ngày, tháng 8/2014 giám đốc công ty X đã ra quyết định đơn phương chấm dứt HĐLĐ đối với anh A với lý do anh đã thường xuyên không hoàn thành công việc được giao.

A đã làm đơn gửi lên cơ quan có thẩm quyền để yêu cầu giải quyết tranh chấp.

Hỏi:

1. Nhận xét về việc giao kết hợp đồng lao động của công ty đối với anh A (1 điểm)

2. Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết đơn yêu cầu của anh A (1 điểm)

3. Việc chấm dứt hợp đồng lao động của công ty đối với nah A là đúng hay sai ? Tại sao ? (2 điểm)

4. Hãy giải quyết quyền lợi cho anh A theo quy định của pháp luật hiện hành (1 điểm)

Bài 11:

Câu 1: Nêu những điều kiện để đảm bảo tính hợp pháp của quyền quyết định kỳ luật sa thải ? (4 điểm)

Câu 2: Ngày 10/9/2010, ông H được công ty Liên doanh Mercedes – Benz Việt Nam (sau đây gọi tắt là công ty, có trụ sở chính đặt tại Quận Gò Vấp,Tp Hồ Chí Minh) nhận vào làm việc theo hợp đồng lao động có thời hạn 3 năm, việc phải làm là Tổng quản lý các dự án kinh doanh quốc gia, mức lương một tháng là 2.000USD. Hết thời hạn hợp đồng mặc dù hai bên không ký hợp đồng mới nhưng ông H vẫn tiếp tục làm công việc cũ.

Ngày 20/5/2014, công ty tổ chức cuộc họp kỷ luật ông H vì lý do “tham ô” gây thiệt hại nghiêm trọng về tài sản của công ty, vi phạm Điều 6.3 và Điều 9.1.4 Nội quy lao động của công ty và Điều 126 Bộ luật lao động dù không có chứng cứ rõ ràng. Ông H tham gia cuộc họp nhưng đến giữa chừng thì bỏ về. Ngày 15/7/2014, công ty ban hành quyết định sa thải số 684/QĐ do Tổng giám đốc ký, quyết định có hiệu lực kể từ ngày ký. Ngày 25/9/2014, ông H làm đơn kiện đến tòa án với các yêu cầu như sau: 

- Yêu cầu Công ty hủy bỏ quyết định sa thải số 684/QĐ

- Yêu cầu công ty phải bồi thường một khoản tiền tương ứng với tiền lương trong những ngày không được làm việc từ ngày bị sa thải đến ngày tòa án xét xử vụ tranh chấp cộng với hai tháng tiền lương, tiền trợ cấp thôi việc và tiền bồi thường tổn thất tinh thần do bị sa thải trái pháp luật.

Hỏi:

1. Hợp đồng lao động giữa ông H và công ty trước khi xảy ra tranh chấp là loại hợp đồng lao động nào ? (1,5 điểm)

2. Quyết định sa thải của công ty đối với ông H là đúng hay sai ? Tại sao ? (2 điểm)

3. Cơ quan, tổ chức nào có thẩm quyền giải quyết vụ việc trên ? (1 điểm)

4. Các yêu cầu về bồi thường của ông H có được chấp nhận không ? Những yêu cầu nào được chấp nhận ? Những yêu cầu nào không được chấp nhận ? Tại sao ? (1,5 điểm)

Bài 12:

Câu 1: Nêu mối quan hệ giữa pháp luật lao động, thỏa ước lao động tập thể và hợp đồng lao động (4 điểm)

Câu 2: Anh A vào làm việc cho công ty X (có 100% vốn nước ngoài) đóng tại quận 4 thành phố HCM từ ngày 7/2007, công việc kế toán viên. Tháng 7/2013, giám đốc công ty ra quyết định chuyển A sang làm thủ kho (Quyết định không có thời hạn). Trong quá trình làm việc, A đã có một lần vi phạm kỷ luật và bị khiển trách vào tháng 5/2013 (vì lý do A đi muộn). Ngày 20/5/2014 khi A đang xuất hàng từ kho, giám đốc bất chợt xuống kiểm tra phát hiện thấy A xuất số lượng hàng hóa nhiều hơn so với hóa đơn xuất hàng được chuyển lên xe (số hàng xuất thừa trị giá khoảng 15 triệu đồng). Lúc đó, A đang trong tình trạng hơi say. Không cần tổ chức phiên họp xử lý kỷ luật, ngay lập tức giám đốc công ty X đã ra quyết định sa thải A với lý do tái phạm hành vi vi phạm kỷ luật và hành vi vi phạm của A đã gây thiệt hại nghiêm trọng cho công ty. Cho rằng mình bị sa thải trái pháp luật, A đã làm đơn khởi kiện ra tòa án. 

Hỏi:

1. Việc điều chuyển A sang làm thủ kho có phải là sự thay đổi hợp đồng lao động hay không ? (1,5 điểm)

2. Tòa án nào có thẩm quyền giải quyết đơn kiện của A ? (1,5 điểm)

3. Quyết định sa thải A của giám đốc công ty X là đúng hay sai ? Tại sao ? (2 điểm)


4. Giải quyết quyền lợi cho A theo quy định của pháp luật (1 điểm)

No comments:

Post a Comment