09/09/2014
Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về giải thể doanh nghiệp
Bài tập học kỳ Luật Thương mại 1 có đáp án.

Trong thời buổi kinh tế thị trường hiện nay, tốc độ thành lập doanh nghiệp tăng nhanh một cách đáng kể. Có thể thấy đó là môt tín hiệu đáng mừng cho nền kinh tế nước ta. Tuy vậy bên cạnh đó, kinh tế cũng một ngày càng khó khăn và tính cạnh tranh ngày càng cao, nhiều doanh nghiệp đã không thích nghi và đáp ứng được dẫn đến tình trạng phải giải thể doanh nghiệp. Do đó, pháp luật về giải thể là một vấn đè cấp thiết đang rất được quan tâm hiện nay. 

Chính vì vậy, trong bài viết dưới dây em chọn đề tài: Bình luận các quy định của pháp luật hiện hành về giải thể doanh nghiệp, để qua đây trình bày những tìm hiểu của bản thân về vấn đề này.

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ

I. GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP

1. Khái niệm giải thể doanh nghiệp

Giải thể doanh nghiệp là việc chấm dứt sự tồn tại, hoạt động của doanh nghiệp. Giải thể doanh nghiệp trước hết là quyền của các thành viên doanh nghiệp. Mặt khác, doanh nghiệp còn bị giải thể trong những trường hợp do pháp luật quy định.

2. Các trường hợp giải thể

Điều 157 Luật doanh nghiệp năm 2005 quy định về giải thể như sau:  

“1. Doanh nghiệp bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

a) Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ti mà không có quyết đinh gia hạn;

b) Theo quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân; của tất cả thành viên hợp danh đối với công ti hợp danh; của Hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ti đối với công ti trách nhiệm hữu hạn; của Đại hội đồng cổ đông đối với công ti cổ phần;

c) Công ti không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của luật này trong thời hạn sau tháng liên tục;

d) Bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

2. Doanh nghiệp chỉ được giải thể khi bảo đảm thanh toán hết các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác”.

Như vậy, theo Luật doanh nghiệp, một doanh nghiệp sẽ bị giải thể trong các trường hợp sau đây:

- Kết thúc thời hạn đã ghi trong điều lệ công ti mà không có quyết định gia hạn. Khi thành lập công ti các thành viên đã thỏa thuận, kết ước với nhau. Sự thỏa thuận, kết ước được biểu hiện bằng điều lệ công ti. Điều lệ công ti là bản cam kết của các thành viên về thành lập, hoạt động của công ti trong đó đã thỏa thuận về thời hạn hoạt động. Khi hết thời hạn hoạt động đã ghi trong điều lệ (nếu các thành viên không muốn xin gia hạn hoạt động) thì công ti đương nhiên phải tiến hành giải thể. 

- Theo quyết định của hội đồng thành viên, chủ sở hữu công ti đối với công ti trách nhiệm hữu hạn, của đại hội đồng cổ đông đối với công ti cổ phần; của tất cả các thành viên, hợp danh đối với công ti hợp danh.

Đây là trường hợp các thành viên công ti xét thấy việc tham gia công ti không còn có lợi thì họ có thể thỏa thuận để yêu cầu giải thể công ti.

- Công ti không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của pháp luật trong thời hạn 6 tháng liên tục.

Có đủ số lượng thành viên tối thiểu là một trong những điều kiện pháp lí để công ti  tồn tại và hoạt động. Pháp luật quy định số lượng thành viên tối thiểu cho mỗi loại hình công ti là khác nhau. Khi không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu để tiếp tục tồn tại, công ti phải kết nạp thêm các thành viên cho đủ số lượng tối thiểu. Thời hạn để công ti thực hiện việc kết nạp thêm thành viên là 6 tháng kể từ ngày công ti khồn còn đủ số lượng thành viên tối thiểu. Nếu công ti không kết nạp thêm thành viên, dẫn đến công ti tồn tại không đủ số lượng thành viên tối thiểu trong 6 tháng liên tục thì công ti phải  giải thể.

- Bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là căn cứ pháp lý không thể thiếu cho sự tồn tại và hoạt động của các doanh nghiệp nói chung, công ti nói riêng. Khi công ti kinh doanh vi phạm các quy định của pháp luật và bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh thì công ti không thể tiếp tục tồn tại, hoạt động. Trong những trường hợp này công ti phải giải thể theo yêu cầu của cơ quan đăng ký kinh doanh ( theo khoản 2 Điều 165 Luật doanh nghiệp).

3. Thủ tục giải thể

Giải thể công ti dẫn đến sự chấm dứt tồn tại, hoạt động của công ti và thanh lí tài sản, thanh toán các khoản nợ. Vì vậy việc giải thể công ti phải tuân theo những thủ tục nhất định được quy định tại Điều 158 Luật doanh nghiệp.

- Thông qua quyết định giải thể công ti:

Theo quy định của luật doanh nghiệp, khi rơi vào một trong những trường hợp bị giải thể, để tiến hành việc giải thể, công ti phải thông qua quyết định giải thể công ti. Quyết định giải thể công ti phải có các nội dung chủ yếu theo quy định tại khoản 1 Điều 158 Luật doanh nghiệp. Sau khi thông qua quyết định giải thể, công ti phải gửi quyết định giải thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh, các chủ nợ, người lao động, người có quyền, nghĩa vụ, lợi ích liên quan. Quyết đinh giải thể phải được niêm yết công khai tại trụ sở chính của công ti và phải đăng ít nhất trên một tờ báo viết hoặc báo điện tử trong ba số liên tiếp. Khi gửi quyết định giải thể cho cac chủ nợ, công ti phải gửi kèm theo thông báo về phương án giải quyết nợ. Thông báo này phải ghi rõ họ tên, địa chỉ của chủ nợ, số nợ, thời hạn, địa điểm và phương thức thanh toán số nợ đó, cach thức và thời hạn giải quyết khiếu nại của chủ nợ.

- Thanh lí tài sản và thanh toán cac khỏa nợ của công ti:

Thanh lí tài sản và thanh toán các khoản nợ là vấn đề quan trọng, chủ yếu của công ti giải thể. Việc thanh toán các khoản nợ là rất phức tạp vì liên quan đến quyền lợi của nhiều người, do đó phải tiến hành theo trình tự, thủ tục nhất định. Trước hết phải thanh toán các khoản nợ cho các chủ nợ, sau đó tiến hành phân chia tài sản còn lai của công ti cho các thành viên. Phần hoàn lại cho các thành viên có thể nhiều hơn hoặc ít hơn phần vốn góp ban đầu, điều đó tùy thuộc vào tình trạng tài sản của công ti.

Sau khi thanh toán hết nợ của công ti, người đại diện theo pháp luật của công ti phải gửi hồ sơ về giải thể công ti đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Cơ quan đăng kí kinh doanh trong thời hạn 7 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ về giải thể công ti, phải xóa tên công ti trong số dăng kí kinh doanh. Công ti chấm dứt sự tồn tại với tư cách là một doanh nghiệp từ khi bị xóa tên trong sổ đăng kí kinh doanh.

- Trường hợp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.

Theo quy định của Luật doanh nghiệp, trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, doanh nghiệp phải giải thê trong thời hạn 6 tháng, kể từ  ngày bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Trình tự và thủ tục giải thể được thực hiện theo quy định tại Điều 158 Luật doanh nghiệp năm 2005.

Sau thời hạn 6 tháng mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng kí kinh doanh. Trường hợp này người đại diện theo pháp luật, các thành viên đối với công ti trách nhiệm hữu hạn, chủ sở hữu công ti đối với công ti trách nhiệm hữu hạn một thành viên, các thành viên Hội đồng quản trị đối với công ti cổ phần, các thành viên hợp danh đối với công ti hợp danh liên đới chịu trách nhiệm về các khoản nợ và các nghĩa vụ tài sản khác chưa thanh toán.

II. THỰC TRẠNG CỦA VIỆC GIẢI THỂ DOANH NGHIỆP Ở NƯỚC TA HIỆN NAY

1. Thực trạng

Ước tính năm 2013, tổng số doanh nghiệp đăng ký thành lập mới là 76.955 doanh nghiệp, tăng 10,1% so với năm 2012 với tổng vốn đăng ký là 398,7 nghìn tỷ đồng, giảm 14,7%. Theo báo cáo của Tổng cục thống kê tại buổi họp báo diễn ra ngày 23/12/2013 cho biết: số doanh nghiệp gặp khó khăn phải giải thể hoặc ngừng hoạt động năm 2013 là 60.737 doanh nghiệp, tăng 11,9 % so với năm trước. Trong đó, số doanh nghiệp đã giải thể là 9.818 doanh nghiệp, tăng 4,9%; số doanh nghiệp đăng ký tạm ngừng hoạt động là 10.803 doah nghiệp, tăng 35,7%; số doanh nghiệp ngừng hoạt động nhưng không đăng ký là 40.116 doanh nghiệp, tăng 8,6%.

Về hoạt động của các doanh nghiệp nà nước, theo kết quả điều tra tại thời điểm 1/1/2013 cả nước có 3.135 doanh nghiệp Nhà nước,bao gồm: 405 doanh nghiệp nông, lâm nghiệp và thủy sản,chiếm 12,9%; 1.401 doanh nghiệp công nghiệp và xây dựng, chiếm 44,7% và 1329 doanh nghiệp dịch vụ chiếm 42,4%.

Kết quả điều tra có 2.839 doanh nghiệp có 2.854 doanh nghiệp thực tế đang hoạt động, chiếm 98,7%; 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, chiếm 1,3%, bao gồm 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước và 15 doanh nghiệp vốn nhà nước trên 50%.

Trong số 24 doanh nghiệp có 100% vốn nhà nước ngừng hoạt động thì tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản là 41,7%; doanh nghiệp chờ sắp xếp lại là 29,2%, doanh nghiệp ngừng kinh doanh để đầu tư đổi mới công nghệ là 12,5 %, còn lại là nguyên nhân khác. Trong số 15 doanh nghiệp có trên 50% vốn nhà nước ngừng hoạt động, tỷ lệ doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản và chờ sắp xếp lại cùng chiếm 40%, còn lại là nguyên nhân khác. So với năm 2000, số doanh nghiệp nhà nước tại thời điểm 1/1/2013 bằng 54,4 % giảm 2.624 doanh nghiệp, tổng doanh thu năm 2012 gấp 6,9 lần năm 2000; tổng lợi nhuận trước thuế gấp 9,4 lần; tổng nộp ngân sách nhà nước gấp 8,1% lần. Trong tổng 39 doanh nghiệp ngừng hoạt động, số doanh nghiệp chờ giải thể, phá sản chiếm tỷ lệ cao nhất với 41%, số doanh nghiệp chờ sắp xếp lại chiếm 33,3%; số doanh nghiệp ngừng để đầu tư đổi mới công nghệ chiếm 10,3% và số doanh nghiệp ngừng vì lý do khác chiếm 15,4%.

2. Nguyên nhân

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến việc giải thể doanh nghiệp ở nước ta. Về khách quan, có thể nói, cuộc khủng hoảng kinh tế - tài chính năm 2008 khiến cho kinh tế thế giới đến nay phục hồi chưa mạnh mẽ và vững chắc. Sự suy giảm về tăng trưởng và xuất khẩu xảy ra hầu như ở tất cả các quốc gia, các khu vực. 

Về các nguyên nhân nội tại, có thể phân biệt nguyên nhân tổng thể và nguyên nhân cụ thể trực tiếp. Về nguyên nhân cụ thể trực tiếp, thì thực trạng kinh tế và những khó khăn hiện nay của doanh nghiệp ở một mức độ đáng kể là hệ quả của các chính sách kiểm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô được áp dụng từ đầu năm 2012. Các giải pháp đó là: cắt giảm đầu tư công, bố trí lại vốn đầu tư công theo hướng tập trung hơn, trọng điểm hơn, ưu tiên bố trí vốn cho những công trình dự kiến hoàn thành trong năm 2012 và 2013; cắt giảm và khống chế hạn mức tăng trưởng tín dụng, mức tăng tổng phương tiện thanh toán đối với nền kinh tế nói chung và một số ngành “phi sản xuất” nói riêng. Hàng nghìn dự án đầu tư công đã bị đình hoãn; mức tăng tín dụng đã giảm từ hơn 30% trong nhiều năm trước 2011 đã giảm xuống còn 14% năm 2012; và 8 tháng đầu năm 2012, tín dụng chỉ tăng 1,2% so với cuối tháng 12 năm 2011. Cũng tương tự như vậy đối với tổng phương tiện thanh toán của nền kinh tế. Lãi suất cao, nợ xấu gia tăng, thanh khoản yếu v.v… cũng là những hệ quả của những chính sách kiềm chế lạm phát, ổn định kinh tế vĩ mô kết hợp với những yếu kém, hay lệch lạc của cơ cấu kinh tế hiện tại.

Về nguyên nhân tổng thể và gián tiếp, cũng có một số nguyên nhân.

Đó trước hết là nền kinh tế đang bước vào thời kỳ chuyển đổi và tái cơ cấu. Những yếu tố tăng trưởng theo chiều rộng đã dần đến tận khai; và không thể tiếp tục duy trì cách thức tăng trưởng nhờ vào mở rộng và gia tăng số lượng các nhân tố sản xuất như trước. Nói cách khác, tại điểm bước ngoặt hay giao thời này, các điều kiện kinh doanh bên ngoài sẽ thay đổi, và có tác động không thuận đến các doanh nghiệp hiện có. Trong khi nền kinh tế ở vào bước ngoặt của quá trình chuyển đổi, những chính sách phát triển và điều hành kinh tế không được thay đổi tương ứng. Thay vì thực hiện các chính sách điều chỉnh cơ cấu, thay đổi động lực tăng trưởng ở vi mô, thì các chính sách kích thích kinh tế vĩ mô lại được ưu tiên áp dụng. Vì vậy, tăng trưởng tín dụng, tăng trưởng M2 và đầu tư luôn ở mức cao, tạo ra những dòng vỗn dễ dãi, tạo nên bong bóng thị trường vào trong suốt thời gian khá dài. Chính những chính sách hỗ trợ tăng trưởng theo mô hình cũ là nguyên nhân chủ yếu và trực tiếp dẫn tới lạm phát cao và bất ổn vĩ mô. Bên cạnh đó, sư tiêu dùng và đầu tư thiếu thận trọng, quá mức thu nhập thực của nền kinh tế đã dẫn đến sai lệch về phân bố nguồn lực trên phạm vi toàn bộ nền kinh tế và ở cả từng doanh nghiệp. Chính sự đầu tư thái quá, thiếu tầm nhìn, thiếu nền tảng và thiếu thận trọng nhằm tìm kiếm địa tô của một bộ phận doanh nghiệp cũng là một trong những nguyên nhân làm nên khó khăn và dẫn đến giải thể của doanh nghiệp. Đồng thời, một trong những lý do giải thể, ngừng hoạt động quan trọng là do bản thân doanh nghiệp sản xuất thua lỗ kéo dài, năng lực quản lý, điều hành hạn chế. Ngoài ra, một số nguyên nhân khác như thiếu vốn sản xuất kinh doanh, không tìm kiếm được thị trường hoặc đang thuộc diện bán hoặc chờ sắp xếp lại.

3.  Giải pháp

Trước mắt để giúp doanh nghiệp thoát khỏi những khó khăn, tránh phải đi đến giải thể cần giảm chi phí đầu vào, nhất là giảm lãi suất, qua đó, hỗ trợ doanh nghiệp giảm chi phí, giảm giá thành sản xuất; hỗ trợ doanh nghiệp giải quyết khó khăn về vốn lưu động, và tiếp cận vốn tín dụng ngân hàng; và hỗ trợ doanh nghiệp tiêu thụ sản phẩm, giảm tồn kho v.v…

Đồng thời, doanh nghiệp cần thực hiện những giải pháp để bản thân phát triển bền vững, lâu dài đó là: phải tập trung vào năng cao hiệu quả, nâng cao năng suất, nâng cao năng lực cạnh tranh thay vì tiếp tục tập trung mở rộng quy mô về lượng; tạo ra năng lực sản xuất mới, nguồn cung mới phù hợp với nhu cầu thực tế của xã hội, thay vì tập trung vào khai thác nguồn cung dư thừa hiện nay, hay chỉ chú ý đến hoàn thành đầu tư dở dang tạo ra nguồn cung không còn phù hợp; huy động và phân bố lại nguồn lực ở vi mô, thay vì chỉ tập trung những tính toán đơn giản (tín dụng, M2, lãi suất, tổng đầu tư, thâm hụt ngân sách v.v…) ở tầm vĩ mô v.v… Trọng tâm của các giải pháp tập trung vào thay đổi cơ bản các thể chế để thay đổi, sửa đổi lại hệ thống động lực thay đổi hành của các tổ chức, doanh nghiệp và cá nhân. Đó là những giải pháp đổi mới thể chế hạn chế và loại bỏ dư dịa và cơ hội “chạy theo và lợi dụng các mối quan hệ thân hữu, xin cho để trục lợi”, loại bỏ cơ chế xin – cho, loại bỏ cơ chế “ngăn cấm, hạn chế” tạo nên kém minh bạch và không minh bạch trong tiếp cận các nguồn lực và cơ hội kinh doanh; phải thay đổi tư duy về vai trò của nhà nước và doanh nghiệp nhà nước, đổi mới cách thức đổi mới quản trị doanh nghiệp nhà nước, hạn chế và kiểm soát có hiệu quả nguy cơ lạm dụng vị thế độc quyền hoặc vị thế thống lĩnh thị trường để trục lợi, tạo nên bất bình đẳng về quyền, cơ hội kinh doanh và thiệt hại về lợi ích đối với các doanh nghiệp thuộc thành phần kinh tế khác. 

Về quản lý đầu tư công, phải thiết lập cơ chế mới về phân bố và sử dụng đầu tư công. Ngoài việc đổi mới, định vị lại vai trò của đầu tư nhà nước, xác dịnh danh mục lĩnh vực ưu tiên đầu tư, thì phải thiết lập được cơ chế quản lý đảm bảo các dự án có hiệu quả kinh tế - xã hội cao nhất trong các lĩnh vực ưu tiên đầu tư sẽ được lựa chọn và thực hiện đầu tư một cách có hiệu quả nhất, hạn chế và khắc phục lối đầu tư phục vụ nhóm lợi ích với tầm nhìn và tư duy lợi ích nhiệm kỳ.

III. NHỮNG HẠN CHẾ VÀ KIẾN NGHỊ SỬA ĐỔI LUẬT DOANH NGHIỆP VỀ VẤN ĐỀ GIẢI THỂ 

1. Hạn chế

Giải thể doanh nghiệp là một thủ tục mang tính chất hành chính, hậu quả của nó là chấm dứt hoạt động của doanh nghiệp trên thực tế. Giải thể trước hết là quyền của doanh nghiệp trên thực tế. Giải thể trước hết là quyền của doanh nghiệp. Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp năm 2005 còn quy đinh trường hợp giải thể bắt buộc, trường hợp này thì giải thể là một nghĩa vụ. Đó là khi doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh, và khi công ti không còn đủ số lượng thành viên tối thiểu theo quy định của luật này trong thời hạn 6 tháng liên tục. Quy định về trường hợp giải thể bắt buộc là cần thiết, thể hiệ tính chất cưỡng chế của nhà nước đối với những doanh nghiệp có sự vi phạm luật dẫn đến bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và không có đủ số lượng thành viên tối thiểu để duy trì hoạt động. Có thể thấy rằng có sự khác biệt rất rõ giữa giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc; một trường hợp do doanh nghệp quyết định, còn một trường hợp do cơ quan nhà nước có thẩm quyền quyết định bắt buộc doanh nghiệp phải giải thể vì kinh doanh vi phạm các cá quy định của pháp luật. Tuy nhiên, Điều 158 Luật doanh nghiệp 2005 lại quy định một tủ tục giải thể cchung cho tất cả các trường hợp giải thể doanh nghiệp dù bản chất của 2 trường hợp giải thể doanh nghiệp có sự khác nhau.

Các quy định về giải thể và dừng hoạt động của doanh nghiệp quy định trong Luật doanh nghiệp chưa rõ ràng, thiếu hiệu quả và còn phức tạp đã khiến cho doanh nghiệp cố tình lảng tránh thực hiện việc đăng ký giải thể theo quy định (theo thống kê, hiện có hơn 135.000 doanh nghiệp dừng hoạt động mà không đăng ký với các cơ quan quản lý nhà nước), còn các cơ quan quản lý nhà nước rơi vào tình trạng khó quản lý và giám sát doanh nghiệp cũng như không xử lý được vấn đề. Ví dụ, quy định doanh nghiệp bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên trong sổ đăng ký kinh doanh trong các trường hợp sau đây: Không hoạt động tại trụ sở đăng ký trong thời hạn 6 tháng liên tục, kể từ ngày được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc chứng nhận thay đổi trụ sở chính (điểm d, khoản 2, Điều 165). Theo quy định trên thì doanh nghiệp chỉ cần không hoạt động trong 6 tháng liên tục tại trụ sở đã đăng ký thì sẽ bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh và bị xóa tên. Hoặc tại Khoản 6, Điều 158 Luật doanh nghiệp quy định: Sau thời hạn 6 tháng... mà cơ quan đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ giải thể doanh nghiệp thì doanh nghiệp đó coi như đã được giải thể và cơ quan đăng ký kinh doanh xóa tên doanh nghiệp trong sổ đăng ký kinh doanh. Với các quy định đó thì doanh nghiệp chẳng dại gì làm thủ tục giải thể cho tốn thời gian và kinh phí mà “tự giải thể”.

Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp hiện hành chưa có chế tài đủ sức răn đe với các giới chủ, người đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy định về giải thể, phá sản (hiện chỉ có quy định xử phạt từ 1 đến 3 triệu với hành vi không đăng ký tạm ngừng hoạt động).

Ngoài ra, các quy định của luật doanh nghiệp 2005 về giải thể chỉ phù hợp với các trường hợp giải thể tự nguyện, khó áp dụng trong trường hợp giải thể bắt buộc do bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc theo quyết định cả tòa án, chưa quy định cách thức xử lý doanh nghiệp đã ngừng hoạt động và không làm thủ tục giải thể.

2. Kiến nghị sửa đổi Luật doanh nghiệp về vấn đề giải thể

Đến nay tình hình kinh tế - xã hội và môi trường kinh doanh đã có nhiều thay đổi so với thời kỳ ban hành Luật doanh nghiệp 2005. Cụ thể là: kinh tế - xã hội đã có sự phát triển lên tầm cao hơn (từ một nước có thu nhập thấp trở thành nước có thu nhập trung bình, GDP bình quân đầu người năm 2012 là 1749 USD và năm 2013 ước đạt khoảng 1914 USD); hiện nay nước ta đã chuyển từ giai đoạn thực hiện công nghiệp hóa, hiện đại hóa sang giai đoạn đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa, tức là thời kỳ tăng tốc, nâng cao chất lượng và đổi mới mô hình tăng trưởng kinh tế với mục tiêu đến năm 2020 cơ bản đưa nước ta trở thành nước công nghiệp theo hướng hiện đại; Mức độ hội nhập khu vực và toàn cầu sâu rộng hơn... 

Luật  doanh nghiệp năm 2005 ra đời với mục tiêu hình thành một khung pháp lý thống nhất đảm bảo sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp thuộc mọi thành phần kinh tế à tạo điều kiện đón nhận luồng gió mới của các nhà đầu tư nước ngoài đầu tư thành lập doanh nghiệp tại Việt Nam để hoạt động kinh doanh. Trong quá trình thực thi đến nay, bận cạnh những thành tựu đạt được, Luật doanh nghiệp đã lộ rõ nhiều tồn tại, mbaast cập, đồng thời không đáp ứng kịp thời với sự biến đổi của nền kinh tế, sự đổi mới của các cơ chế quản lý nhà nước và nhu cầu phát triển nhanh, manh của cộng đồng doanh nghiệp.  Từ tình hình thực tế đó đòi hỏi cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời để các quy định của luật doanh nghiệp nói chung và vấn đề giải thể nói riêng phù hợp hơn với thực tiễn hiện nay. Cụ thể:

- Do có sự khác nhau về tính chất giữa giải thể tự nguyện và giải thể bắt buộc, vì vậy cần có quy định riêng về thủ tục giải thể đối với trường hợp giải thể bắt buộc. Việc giải thể bắt buộc đối với doanh nghiệp cần có sự can thiệp của nhà nước, cần có sự quy định cụ thể về tính cưỡng chế nhà nước trong trường hợp này. Cụ thể, có thể quy định theo hướng: cơ quan ra quyết định giải thể bắt buộc sẽ thành lập tổ thanh lý tài sản để tiến hành thanh lý tài sản và thanh lý các khoản nợ của doanh nghiệp.

Ngoài ra theo quy định của luật doanh nghiệp, đối với trường hợp giải thể bắt buộc thì doanh nghiệp buộc phải giải thể trong thời hạn 6 tháng, kể từ ngày bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Như vậy nếu hết thời hạn 6 tháng mà doanh nghiệp chưa thanh toán hết nợ, không thanh lý được các hợp đồng thì sẽ giải quyết như thế nào. Do đó, cần có quy định cụ thể, ví dụ như: trong trường hợp doanh nghiệp không đủ tài sản để thanh toán nợ và các nghĩa vụ tài sản khác thì giải quyết theo quy định của Luật phá sản. Đối với trường hợp giải thể bắt buộc, nếu doanh nghiệp cố tình không thực hiện các nghĩa vụ tài chính của mình, gây khó khăn cho quá trình giải thể, ảnh hưởng đến quyền lợi của các chủ nợ, thì phải có biện pháp cưỡng chế, bắt buộc các doanh nghiệp thực hiện nghĩa vụ giải thể. 

- Theo quy đinh hiện hành của Luật doanh nghiệp thì chưa có chế tài đủ sưc răn đe đối với giới chủ, đại diện theo pháp luật không chịu chấp hành các quy đinh về giải thể. Do đó, cần sửa đổi Luật doanh nghiệp theo hướng tăng chế tài xử phạt. Cụ thể, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp “treo” không thực hiện đăng ký ngừng hoạt động hoặc phá sản, giải thể, có mức nợ thuế nhà nước lớn sẽ không được quyền thành lập và quản lý doah nghiệp cho đến khi tuân thủ quy định.

- Bên cạnh đó, Luật doanh nghiệp quy định điều kiện thu hồi giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh là cần xác định doanh nghiệp không hoạt động tại trụ sở 6 tháng liên tục.

- Đồng thời nên giãn thủ tục thanh lý hợp đồng và thanh toán các khoản nợ của doanh nghiệp từ 6 tháng lên 9 tháng, kể từ ngày thông qua quyết định giải thể. Trường hợp đặc biệt có thể gửi thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh xin gia hạ nhưng không quá 12 tháng.
KẾT LUẬN

Luật doanh nghiệp được Quốc hội thông qua ngày 29 tháng 11 năm 2005 và có hiệu lực từ ngày 1 tháng 7 năm 2006 thay thế Luật doanh nghiệp năm 1999. Đã hơn 7 năm kể từ khi Luật doanh nghiệp có hiệu lực, không thể phủ nhận những giá trị to lớn kể từ khi văn bản này ra đời, tuy nhiên cùng với sự thay đổi, phát triển của nền kinh tế - xã hội trong nước, cũng nhưu những biến chuyển của quy định pháp lý trong và ngoài nước thời gian qua thì dường như có không ít các quy định của văn bản này đã trở nên lỗi thời, lạc hậu hoặc nội dung quy định không rõ ràng gây khó khăn trong quá trong quá trình áp dung luật. Việc nghiên cứu về thực tiễn thi hành luật doanh nghiệp cũng như hướng hoàn thiện đạo luật này nói chung và hoàn thiện các quy định về vấn đề giải thể nói riêng trở nên hết sức câp thiết, đặc biệt là trong giai đoạn hiện nay, khi chúng ta đang cố gắng để hội nhập với nền kinh tế thế giới. Bằng việc làm sáng tỏ hươn khía cạnh lý luận và thực tiễn của việc thi hành Luật doanh nghiệp năm 2005 về vấn đề giải thể, hi vọng bài viết sẽ góp phần nhỏ bé vào quá trình hoàn thiện quy định về vấn đè giải thể nói riêng và pháp luật doanh nghiệp nói chung.
DANH  MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật doanh nghiệp năm 2005
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 1 và tập 2), Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2006.
3. Nguyễn Thị Dung (chủ biên), Đoàn Trung Kiên, Vũ Phương Đông, Trần Quỳnh Anh, Nguyễn Như Chính, Hỏi và đáp luật thương mại, Nxb. Chính trị-hành chính, 2011.

No comments:

Post a Comment