Bài tập nhóm Pháp luật về quyền con người có đáp án.
LỜI MỞ ĐẦU
Bảo vệ và thúc đẩy quyền con người trước hết là trách nhiệm, nghĩa vụ của các nhà nước, song cũng là quyền và trách nhiệm của mọi tổ chức, cá nhân. Cùng với việc xác định các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ của các chủ thể thì việc thiết lập các cơ chế cho việc thực thi các quyền, trách nhiệm và nghĩa vụ đó là rất cần thiết nhằm bảo vệ và thúc đẩy các quyền con người có hiệu quả nhất. Một trong những cơ chế đó là “cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát” gọi tắt là UPR” của LHQ. Nhằm mục đích để hiểu rõ hơn về cơ chế này nhóm đã chọn đề tài: “Bình luận về những điểm tích cực và hạn chế của cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR của Liên hợp quốc. Lý giải những nguyên nhân và đưa ra phương hướng giải quyết”
NỘI DUNG
I - Khái quát chung về Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR của LHQ
1.1. Sự ra đời và mục đích của UPR
Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát ( Universal Periodic Review UPR) viết tắt là UPR là quy trình độc nhất bao gồm kiểm điểm định kỳ những ghi nhận về nhân quyền của tất cả 193 thành viên LHQ (Liên Hợp Quốc). Quy trình UPR là một sáng kiến có ý nghĩa quan trọng của HĐNQ (Hội đồng Nhân Quyền) dựa trên việc đối xử bình đẳng với tất cả các quốc gia. Nó tạo cơ hội cho tất cả các quốc gia công bố những hành động mà họ đã thực hiện nhằm cải thiện tình tình nhân quyền ở đất nước mình và vượt qua các thách thức đối với việc thụ hưởng nhân quyền. Quy trình UPR còn bao gồm sự chia sẻ cách thực thi nhân quyền tốt nhất trên khắp thế giới. Hiện nay, không một cơ chế nào khác thuộc loại này tồn tại.
Quy trình UPR được HĐNQ LHQ thiết lập vào ngày 15 tháng 3 năm 2006 theo nghị quyết 60/251 của Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Ngày 18 tháng 6 năm 2007, một năm sau kỳ họp đầu tiên, các thành viên HĐNQ mới đã tán thành gói đề xuất xây dựng thể chế (A/HRC/RES/5/1), đưa ra một lộ trình giúp chỉ dẫn cho những hoạt động sắp tới của Hội đồng. Một trong những yếu tố chủ chốt của đề xuất này là quy trình Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát mới. Cơ chế này được hoàn thiện thêm trong suốt quá trình xem xét với nghị quyết 16/21 và quyết định 17/119. Hai văn kiện này đã đưa ra sự điều chỉnh cần thiết cho các phương thức kiểm điểm trong chu kỳ thứ hai và sau đó.
Mục đích cuối cùng của quy trình UPR là cải thiện tình trạng nhân quyền tại mỗi quốc gia với tác động đáng kể đối với người dân trên toàn cầu. Quy trình UPR được thiết kế nhằm khuyến khích, hỗ trợ và mở rộng việc thúc đẩy cũng như bảo vệ nhân quyền trong đời sống. Để đạt được điều này, quy trình UPR bao gồm việc đánh giá thành tích nhân quyền ở các quốc gia và giải quyết tình trạng vi phạm nhân quyền khi xảy ra ở bất cứ nơi đâu. Quy trình UPR cũng nhằm mục đích hỗ trợ chuyên môn cho các nước và nâng cao khả năng giải quyết một cách hiệu quả những đòi hỏi về nhân quyền, đồng thời chia sẻ những cách thực thi tốt nhất trong lĩnh vực nhân quyền giữa các quốc gia và các bên có liên quan khác.
1.2. Tiến trình hoạt động của UPR
Thay thế cho phương thức hoạt động của ủy ban nhân quyền trước đây là: Hàng năm, chọn ra các vụ việc nghiêm trọng nhất về quyền con người xảy ra ở các quốc gia trên thế giới để đưa ra xem xét, đánh giá, thì Hội đồng quyền con người tiến hành một thủ tục mới là đánh giá định kỳ chung (UPR). UPR sẽ đánh giá định kỳ việc tuân thủ các nghĩa vụ và cam kết về quyền con người của tất cả các quốc gia thành viên LHQ dựa trên các báo cáo từ các nguồn khác nhau.
Để thực hiện UPR, một Nhóm công tác (working group) về UPR do HRC thành lập sẽ tiến hành ba kỳ họp mỗi năm, mỗi kỳ họp kéo dài 2 tuần để đánh giá 16 quốc gia. Như vậy, mỗi năm UPR sẽ đánh giá đuợc 48 quốc gia và phải mất bốn năm để hoàn tất thủ tục này với toàn bộ 192 quốc gia thành viên của LHQ. Năm 2009 Việt Nam thực hiện báo cáo chu kỳ 1, và sẽ thực hiện báo cáo chu kỳ 2 vào đầu tháng 2-2014.
Tiến trình UPR về cơ bản bao gồm các bước như sau:
- Chuần bị thông tin làm cơ sở cho việc xem xét: Trong bước này, các tài liệu cần chuẩn bị bao gồm: (i) Báo cáo của quốc gia được xem xét (không quá 20 trang); (ii) Tổng hợp của Văn phòng Cao ủy LHQ về quyền con người về tình hình ở quốc gia được xem xét từ báo cáo của các cơ quan giám sát điều ước, các thủ tục đặc biệt và các tài liệu khác... (không quá 10 trang); (iii) Bản tóm tắt do Văn phòng Cao ủy LHQ về quyền con người thực hiện từ những báo cáo của các chủ thể liên quan khác (các tổ chức phi chính phủ, cơ quan nghiên cứu, cơ quan quyền con người quốc gia) (không quá 10 trang).
- Xem xét, đánh giá: Được thực hiện ở Geneva dưới dạng đối thoại trong ba giờ giữa quốc gia được xem xét với các thành viên Nhóm công tác về UPR, các quốc gia thành viên và quan sát viên của UNHRC (Hội đồng Nhân quyền) .
- Kết luận, đánh giá: Nhóm công tác về UPR sẽ thông qua văn bản kết luận (dưới hình thức một báo cáo) sau khi kết thúc việc xem xét, đánh giá, trong đó tóm tắt trình tự xem xét, các cam kết đưa ra bởi quốc gia liên quan và các kết luận, khuyến nghị với quốc gia đó. HRC sẽ cân nhắc và thông qua báo cáo này, thường là vào kỳ họp tiếp theo.
- Thực hiện các khuyến nghị: Quốc gia được xem xét sẽ áp dụng các khuyến nghị đã nêu trong báo cáo và thông báo về kết quả của việc áp dụng các khuyến nghị đó trong lần báo cáo định kỳ tiếp theo của nước mình.
II - Bình luận về những điểm tích cực và hạn chế của Cơ chế UPR
2.1. Những điểm tích cực của UPR
Kể từ khi ra đời vào tháng 5 năm 2006 Cơ chế Kiểm điểm Định kỳ Phổ quát UPR đã thể hiện vai trò quan trọng của mình trong việc bảo vệ và thúc đẩy quyền con người. Cơ chế đó đem lại nhiều tác động tích cực:
- Cơ chế UPR đảm bảo tính phổ quát, nghĩa là áp dụng rộng rãi đối với các quốc gia thành viên LHQ. UPR được kỳ vọng là sẽ “đảm bảo tính phổ quát của nhân quyền và đối xử bình đẳng giữa tất cả các quốc gia”. Nghị quyết 60/251 còn tuyên bố rằng UPR sẽ là “một cơ chế hợp tác, dựa trên đối thoại tương tác, với sự tham gia đầy đủ của nước liên quan và có xét đến các nhu cầu nâng cao năng lực của nước đó”. Nói vậy là bởi vì, UPR là cơ chế áp dụng đối với tất cả các nước thành viên của LHQ, nghĩa là gần như với cả thế giới. Từ các quốc gia phát triển như Mỹ, Tây Âu, đến các nước nghèo như Zimbabwe, Mozambique ở châu Phi, đến nước có thu nhập trung bình như Việt Nam, đều phải lần lượt ra báo cáo, điều trần về tình hình nhân quyền nước mình. Phiên UPR đầu tiên của chu kỳ UPR đầu tiên diễn ra từ ngày 7 đến ngày 18/4/2008, với việc kiểm điểm tình hình nhân quyền của 16 nước: Bahrain (Ba-ranh), Ecuador, Tunisia, Morocco (Ma-rốc), Indonesia, Phần Lan, Vương quốc Anh, Ấn Độ, Brazil, Philippines, Algeria, Ba Lan, Hà Lan, Nam Phi, CH Séc, và Argentina. Từ năm 2008 đến nay, quá trình “luân phiên làm kiểm điểm” hiện đã bước sang vòng thứ hai.
- Do có tính phổ quát nên cơ chế này bảo vệ và thúc đẩy việc thực hiện quyền con người ở mỗi quốc gia một cách hiệu quả nhất. Cho đến thời điểm hiện nay thì cơ chế UPR là cơ chế duy nhất - không một cơ chế nào khác thuộc loại này tồn tại. Thực tế đã cho thấy hiệu quả của cơ chế này đem lại là vượt xa so với cơ chế trước đây mà LHQ đã thiết lập là Ủy ban quyền con người (UNCHR) được thành lập từ năm 1946. Phương thức UNCHR tiến hành là hàng năm chọn ra các vụ việc nghiêm trọng nhất về quyền con người xảy ra ở các quốc gia trên thế giới để đưa ra xem xét, đánh giá. Với cơ chế như vậy thì sẽ không đảm bảo tình hình nhân quyền ở nhiều quốc gia khác, do chỉ chọn các vụ việc nghiêm trọng nhất mà bỏ qua nhiều vụ việc cũng vi phạm quyền con người mà không được xem xét. Xuất phát từ sự yếu kém trong hoạt động của UNCHR dẫn đến thất bại trong việc cải thiện tình hình và xử lý những vi phạm nghiêm trọng về quyền con người diễn ra ở nhiều khu vực và quốc gia trên thế giới, UNHRC đã ra đời. UNHRC với cơ chế UPR mang tính phổ quát và xét một cách tổng thể thì nó đảm bảo tính công bằng, không phân biệt đối xử giữa các quốc gia, góp phần khắc phục tình trạng phân biệt đối xử và áp dụng chuẩn mực kép trong xem xét, đánh giá tình hình quyền con người ở các quốc gia như UNCHR từng bị phê phán.
- Cơ chế UPR đảm bảo tính khách quan. Kết quả của tiến trình rà soát các báo cáo của các quốc gia thành viên sẽ được thể hiện một cách khách quan. Bởi vì, trong quá trình rà soát, bên cạnh các thông tin nhà nước cung cấp cho việc kiểm điểm như báo cáo của các quốc gia, HĐNQ còn căn cứ vào báo cáo của các chuyên gia độc lập và nhóm nhân quyền, các cơ quan được thành lập theo các hiệp ước, nhân quyền, và các cơ quan LHQ khác; thông tin từ các bên liên quan khác gồm các cơ quan nhân quyền quốc gia và các tổ chức phi chính phủ. Các tài liệu báo cáo, thông tin do các cơ quan, tổ chức này cung cấp chính là cơ sở cho việc kiểm điểm: “UPR được tiến hành trên cơ sở ba tài liệu gồm: báo cáo do quốc gia trong diện kiểm điểm tự chuẩn bị; tài liệu do Văn phòng Cao ủy nhân quyền LHQ chuẩn bị; bản tóm tắt từ các thông tin do các viện nhân quyền quốc gia (NHRIs), các tổ chức phi chính phủ (NGOs) và các tổ chức xã hội dân sự cung cấp” . Những cơ quan này hoàn toàn độc lập với nhau, do đó kết quả báo cáo rà soát luôn mang tính khách quan. Bởi vì, khi một báo cáo có sự không trùng khớp với các báo cáo của các cơ quan, tổ chức còn lại thì những báo cáo đó sẽ được xem xét lại về tính chính xác của thông tin được cung cấp.
- Cơ chế này khuyến khích các quốc gia cùng nhau hợp tác và đối thoại, do đó tăng cường thêm sự hiểu biết và hợp tác giữa các quốc gia: Vì khi thực hiện quá trình này, các quốc gia luôn phải chất vấn và đối thoại lẫn nhau. Chia sẻ kinh nghiệm với nhau về cách thực thi nhân quyền tốt nhất trên khắp thế giới. Các cuộc kiểm điểm diễn ra thông qua một cuộc thảo luận tương tác giữa quốc gia đang được kiểm kiểm với các quốc gia thành viên LHQ. Điều này này diễn ra trong một cuộc họp của Nhóm Công tác UPR. Trong quá trình thảo luận, bất kì quốc gia thành viên nào của LHQ đều có thể đặt ra câu hỏi, bình luận và đưa ra khuyến nghị cho quốc gia đang được kiểm điểm. Nhóm bộ tam có thể tập hợp chung các vấn đề hoặc câu hỏi để cùng chia sẻ với quốc gia đang được kiểm điểm nhằm bảo đảm đối thoại tương tác diễn ra suôn sẻ và theo trình tự.
- Cơ chế UPR đã tạo ra một diễn đàn mang tầm vóc quốc tế về vấn đề nhân quyền trên toàn cầu. Qua đó, khuyến khích sự tham gia của nhiều thành phần khác nhau tham gia đóng góp vào tiến trình này. Bởi với diễn đàn này, không chỉ các quốc gia thành viên được tham gia, mà phạm vi chủ thể được mở rộng ra các quốc gia không phải là thành viên, các tổ chức phi chính phủ… Các tổ chức quốc tế phi chính phủ (NGOs) hay còn gọi là khối xã hội dân sự, tham gia quy trình UPR bằng cách nộp những thông tin được thêm vào bản báo cáo của “các bên liên quan khác”, bản báo cáo này được xem xét trong quá trình kiểm điểm. Thông tin các NGO cung cấp có thể được tham khảo bởi bất kì quốc gia tham dự thảo luận tương tác trong quá trình kiểm điểm tại cuộc họp của Nhóm Công tác. Các NGO cũng có thể tham gia các phiên họp của Nhóm Công tác UPR và có thể phát biểu tại phiên họp thường kỳ của Hội đồng LHQ khi các kết quả của quốc gia được kiểm điểm được xem xét. Thông tin từ khối xã hội dân sự được coi như một nguồn đầu vào có giá trị để LHQ tham khảo. Tổ chức CHRI đánh giá rằng “mặc dù chỉ thỉnh thoảng thông tin của các bên liên quan mới được đề cập tới, nhưng trong một vài trường hợp nhất định, rõ ràng là đại đa số các vấn đề được đề cập trong báo cáo của khối xã hội dân sự thì cũng đã được các quốc gia nêu ra trong quá trình đối thoại tương tác” . Chính vì cơ chế mở rộng chủ thể tham gia đóng góp ý kiến của UPR đã đem đến những đánh giá một cách toàn diện nhất về tình hình nhân quyền của mỗi quốc gia.
- Với cơ chế UPR, đây chính là cơ sở để tất cả các quốc gia công bố những hành động mà họ đã thực hiện nhằm cải thiện tình tình nhân quyền ở đất nước mình và vượt qua các thách thức đối với việc thụ hưởng nhân quyền. Việc công bố rộng rãi những hành động này, không chỉ đối với các quốc gia trên thế giới mà còn có ý nghĩa khi công bố đối với công dân của chính quốc gia đó. Bởi vì, điều này có tác động đến nhận thức của người dân về vấn đề nhân quyền của quốc gia, về những quyền con người mà họ được hưởng. Ở Việt Nam, theo đánh giá của Giáo sư, Tiến sĩ Nguyễn Đăng Dung, vấn đề nhân quyền trong những năm gần đây và hiện nay đã đạt được một số tiến bộ nhất định, đặc biệt trong nhận thức của người dân, các giới, trong đó có các quan chức, chính quyền. Bởi người dân, cũng như mỗi con người, phải nhận biết được mình có quyền gì, và về phía nhà nước cũng thế, cũng phải nhận thức được người dân họ có những quyền gì, và nhà nước phải có trách nhiệm gì. Từ việc nâng cao nhận thức, vấn đề nhân quyền của mỗi quốc gia sẽ được bảo vệ và thúc đẩy một cách tốt nhất.
- Tham gia tiến trình UPR cũng là cơ hội để các quốc gia xem xét lại vấn đề nhân quyền của quốc gia, để từ đó thực thi vấn đề này một cách tốt hơn. Thứ nhất, đây là cơ hội để quốc gia đánh giá và nhìn lại vấn đề nhân quyền của chính quốc gia mình; nhìn lại những vấn đề đã làm được, những vấn đề còn thiếu sót, chưa hoàn thành cũng như chưa thực hiện về vấn đề nhân quyền của công dân. Thứ hai, đây cũng là cơ hội để các quốc gia khác tham gia đóng góp ý kiến, đưa ra những khuyến nghị để các quốc gia hoàn thiện cũng như tiếp thu những tư tưởng mới của thế giới. Góp phần tạo ra một cơ chế chung để bảo đảm và thực hiện vấn đề nhân quyền trên toàn thế giới một cách hiệu quả nhất .
2.2. Những điểm hạn chế của UPR
Bên cạnh những ưu điểm mà cơ chế UPR đã đem lại trong việc cải thiện tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia, thì cơ chế UPR vẫn còn một số điểm hạn chế nhất định.
- Việc mở rộng sự tham gia của các chủ thể khác trong cơ chế này, như cho phép khối xã hội dân sự tham gia ngoài mặt tích cực như đã nêu trên thì nó cũng mang lại một số điểm hạn chế nhất định. Đó chính là sự lợi dụng cơ chế UPR để một số tổ chức gồm nhiều phần tử xấu công kích và xuyên tạc tình hình nhân quyền của các quốc gia. Ví dụ điển hình là : “Năm nay (2014), Việt Nam thực hiện Báo cáo chu kỳ II. Phiên họp diễn ra vào ngày 05-02-2014 tại trụ sở HĐNQ ở Geneva (Thụy Sỹ)… Vào những ngày trước khi Việt Nam thực hiện Báo cáo tại phiên họp lần thứ 18 của HĐNQ, nhiều nhóm, cá nhân có “thành tích” kỳ thị, chống phá Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có cả tổ chức khủng bố như Đảng Việt Tân đã tụ tập ở Geneve (Thụy Sỹ) tổ chức nhiều hoạt động nhằm xuyên tạc tình hình nhân quyền ở Việt Nam, gây sức ép với HĐNQ của LHQ phủ nhận thành quả nhân quyền của Việt Nam. Chúng rêu rao rằng: quyền tự do ngôn luận, báo chí, tự do internet ở Việt Nam bị vi phạm nghiêm trọng;… Mục đích của chúng là nhằm hạ thấp uy tín của Việt Nam trong con mắt cộng đồng quốc tế; đồng thời, khuyến khích những hoạt động chống phá Việt Nam ở trong và ngoài nước. Không có quyền phát biểu trong Hội nghị, chúng tìm mọi cách tác động đến đại diện các quốc gia thành viên HĐNQ, kể cả Chủ tọa phiên họp.” . Mặc dù có những lực lượng chống phá, phiên trình bày Báo cáo quốc gia của Việt Nam trong khuôn khổ cơ chế UPR chu kỳ II đã thành công tốt đẹp. Thành công của Báo cáo cũng góp phần khẳng định vị thế của Việt Nam trong con mắt của cộng đồng quốc tế; đồng thời, bác bỏ có sức thuyết phục những luận điệu chống phá vô căn cứ, bịa đặt của các thế lực thù địch đối với những bước tiến vững chắc của Việt Nam.
- Có thể thấy điểm hạn chế cơ bản của cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR là không hề có các chế tài và các kiến nghị đưa ra không có tính ràng buộc.
Vì hạn chế này nên trong những buổi tọa đàm, đối thoại của UPR về kiểm điểm giữa các quốc gia về vấn đề nhân quyền vẫn còn mang nặng tính chủ quan. Có thể hình dung rằng nếu quốc gia nào có ý thức tốt, tư tưởng tiến bộ có thể nhận thức và tiếp thu ý kiến từ các quốc gia khác thì buổi tọa đàm UPR mới mang được đầy đủ ý nghĩa và tính chất vốn có của nó. Các quốc gia này sẽ tham gia và xây dựng trên tinh thần hợp tác và cùng phát triển. Ngược lại nếu một quốc gia cực đoan, bảo thủ với chính sách khắt khe về nhân quyền, không chịu tiếp thu ý kiến tích cực từ cộng đồng quốc tế, không có sự giao lưu tư tưởng với các quốc gia bạn bè khác thì kỳ kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR chỉ giống như một buổi họp thường niên, mang tính hình thức. Nếu họ vi phạm cũng không có một chế tài cụ thể khiến họ ràng buộc và có trách nhiệm hơn trong việc bảo vệ nhân quyền. Đơn cử trong một phiên đối thoại giữa LHQ và một quốc gia vi phạm nghiêm trọng nhân quyền, LHQ bày tỏ quan ngại sâu sắc về vấn đề trên nhưng do không có chế tài cụ thể nên mọi việc vẫn chỉ dừng lại ở vấn đề quan ngại. Đây là điểm hạn chế nhất có thể nhìn thấy ngay được của UPR.
- Không có cơ chế trừng phạt rõ ràng đối với các quốc gia thành viên bất hợp tác trong quá trình thực hiện cơ chế UPR, HĐNQ chỉ có những tuyên bố nêu chung chung rằng sẽ có cách giải quyết. Một trong những điểm sáng của cơ chế UPR, đó là tính phổ quát, tính chất giúp duy trì các tư tưởng quốc tế được trở nên phổ cập toàn thế giới. Tuy nhiên, việc các quốc gia lợi dụng việc không có chế tài trừng phạt để từ chối tham gia UPR sẽ làm phá vỡ tính phổ cập toàn cầu của cơ chế UPR. Họ không ý thức được lợi ích của việc tham gia và giá trị tầm quan trọng của việc đề cao nhân quyền của con người. Như vậy, điểm sáng lớn nhất của UPR đã mất đi ý nghĩa của nó, vì sự răn đe, trừng phạt là không có nên tầm ảnh hưởng của UPR đối với các quốc gia vi phạm vấn đề nhân quyền là rất hạn chế.
- Bên cạnh đó, tính hiệu quả của cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR chưa được cao. Trong một kỳ UPR, có những quốc gia có hàng trăm, hàng nghìn vụ việc vi phạm nhân quyền, với khối lượng lớn vụ việc vi phạm như vậy để giải quyết triệt để đối với LHQ là một vấn đề khó khăn, hay không muốn nói điều đó là không thể. Đơn cử cho ví dụ này là trường hợp của Syria, họ có quá nhiều vụ việc vi phạm, nếu để thông qua UPR mà LHQ muốn giải quyết hết được các vụ việc vi phạm nhân quyền ở quốc gia này thì LHQ sẽ không còn thời gian để quan tâm tới các quốc gia còn lại trên thế giới.
- Tốn kém thời gian và chi phí thực hiện đối với mỗi quốc gia.
Như đã trình bày, để thực hiện một tiến trình UPR thì “mỗi năm UPR sẽ đánh giá đuợc 48 quốc gia và phải mất bốn năm để hoàn tất thủ tục này với toàn bộ 192 quốc gia thành viên của Liên hơp quốc”. Như vậy, thời gian để hoàn thành báo cáo và đánh giá tất cả các thành viên thực hiện UPR là khá dài, điều này cũng là một trở ngại lớn. Bởi với khoảng thời gian đó, tình hình nhân quyền ở mỗi quốc gia thay đổi khác nhau, như vậy không tạo ra được sự đánh giá một cách đồng bộ giữa tất cả các quốc gia thành viên với nhau.
Vấn đề chi phí cao cũng là một điểm hạn chế và rào cản đối với các quốc gia đã tham gia, chưa tham gia và muốn tham gia UPR. Khi tham gia một kỳ UPR mỗi quốc gia sẽ mất rất nhiều chi phí. Như đã biết cơ chế hoạt động của UPR là LHQ sẽ tiếp nhận đơn và các thông số về nhân quyền ở một quốc gia từ chính phủ quốc gia đó nên khi các quốc gia tiến hành tổng hợp họ phải huy động tất cả các ban ngành lấy ý kiến, báo cáo… Nói chung phạm vi công việc rất rộng và mang tính bao quát trên toàn bộ tất cả các ban ngành. Ví dụ: “Ðể chuẩn bị Báo cáo quốc gia theo UPR, cuối năm 2012, … Việt Nam … thành lập Nhóm công tác liên ngành để soạn thảo Báo cáo với sự tham gia của 18 bộ, ngành, cơ quan Chính phủ và Quốc hội có liên quan…”. Để huy động được tất cả các ban ngành thì không phải một cuộc họp có thể giải quyết mà phải rất nhiều cuộc họp, rất nhiều phiên báo cáo, lấy số liệu mà khoản chi của nhà nước đối với mỗi cuộc họp cũng là một khoản chi không hề nhỏ. Chính vì vậy, để tiến hành một kỳ UPR các quốc gia phải huy động rất nhiều công sức và chi phí, đối với các nước chưa có điều kiện thì đây chính là rào cản để họ đẩy mạnh gia tăng bảo vệ nhân quyền của quốc gia mình
III - Nguyên nhân và phương hướng giải quyết
3.1. Nguyên nhân
Cơ chế UPR còn tồn tại hạn chế và chưa đạt được hiệu quả cao nhất xuất phát từ một số lý do sau:
- Xuất phát từ đặc điểm của luật quốc tế hình thành do sự thỏa thuận giữa các chủ thể. Cơ chế UPR nói riêng cũng như hệ thống LHQ nói chung không phải một hệ thống pháp lý, nó không mang tính cưỡng chế, ràng buộc bắt buộc. LHQ không có công an – cảnh sát, nhà tù để thi hành án. Khi kết thúc kiểm điểm, LHQ chỉ bày tỏ quan ngại, đưa ra các khuyến nghị. Quốc gia bị kiểm điểm không bị ràng buộc về mặt pháp lý để thực hiện. Bởi vậy, cơ chế UPR không có khả năng bảo đảm việc thay đổi về tình hình thực hiện nhân quyền ở quốc gia kiểm điểm.
- Chưa có một hệ thống các chế tài, cũng như cơ chế trừng phạt các quốc gia thành viên khi không thực hiện các khuyến nghị. Hoặc chưa có các biện pháp trừng phạt đính đáng các tổ chức phi chính phủ có những luận điệu sai trái về tình hình nhân quyền các quốc gia.
- Việc hoàn thành tiến trình cơ chế này còn chậm và tốn kém chi phí thực hiện, cũng là điều dễ hiểu. Bởi đây là quy trình đánh giá tình hình nhân quyền của nhiều quốc gia, phạm vi tiến hành là rất rộng, cùng với việc UPR có số lượng thành viên rất lớn, gần như là tất cả các quốc gia trên thế giới tham gia do đó để có được báo cáo của các quốc gia thì cần có nhiều thời gian và chi phí thực hiện.
3.2. Phương hướng giải quyết
Trong thực tiễn, cơ chế kiểm điểm định kì phổ quát UPR của Liên hợp quốc vẫn còn một số hạn chế. Để khắc phục những hạn chế này cần thực hiện một số phương hướng:
- Cần phải cải tổ cơ chế, xây dựng quy trình bắt buộc phải thực hiện cơ chế kiểm điểm định kì UPR của các thành viên LHQ. Bởi hiện nay UPR chưa có cơ chế trừng phạt các quốc gia không tham gia kiểm điểm tại UPR điều này sẽ tạo ra tiền lệ xấu để các nước khác từ chối thực hiện UPR.
- Đưa ra chế tài cũng như các hình thức trừng phạt cho các quốc gia không thực hiện đúng theo cam kết của mình, cũng như trừng phạt các tổ chức phi chính phủ có hành động vi phạm. Thực tế khi một quốc gia khi tham gia kiểm điểm tại UPR thì được các quốc gia khác đưa ra các khuyến nghị. Những khuyến nghị này sẽ được các quốc gia xem xét và lựa chọn thực hiện các khuyến nghị đó. Nhưng hiện nay chưa có chế tài nào để bắt buộc cũng như kiểm tra việc thực hiện các khuyến nghị đó của quốc gia mà chỉ có việc quốc gia sẽ báo cáo việc thực hiện khuyến nghị đó trong kì kiểm điểm tiếp theo. Vì vậy nên tiến tới quy định việc thực hiện khuyến nghị đối với các quốc gia là bắt buộc. Tuy nhiên đây cũng là điểm hạn chế khó thực hiện vì bản chất của Luật quốc tế được hình thành trên cơ sở là sự thỏa thuận giữa các quốc gia, các chủ thể của luật quốc tế.
Việt Nam là thành viên của HĐNQ quyền nhiệm kì 2014-2016. Ngày 20-6-2014, Hội đồng nhân quyền đã thông qua UPR của Việt Nam lần 2. Trong tổng số 227 khuyến nghị, Việt Nam đã chấp nhận 182 khuyến nghị, chiếm 80,17%. Đây là tỷ lệ cao thể hiện những nỗ lực cởi mở và quyết tâm của Việt Nam trong việc thúc đẩy và bảo vệ quyền con người. Tuy hiện nay, UPR chưa có cơ chế rằng buộc các quốc gia phải nghiêm túc thực hiện các cam kết, khuyến nghị nhưng Việt Nam luôn tích cực thực hiện đúng và đầy đủ thông qua các hành động cụ thể và luôn được đánh giá cao trong lĩnh vực nhân quyền.
KẾT LUẬN
Qua sự phân tích và bình luận của nhóm về cơ chế kiểm điểm định kỳ phổ quát UPR của LHQ, hi vọng đã phần nào giúp chúng ta hình dung ra mục đích, tiến trình hoạt động, cũng như những ưu nhược, điểm của nó. Nhóm cũng đưa ra một số lý giải cho những hạn chế của cơ chế này, và một số phương hướng kiến nghị để cơ chế này sẽ hoàn thiện hơn trong tương lai, góp phần vào việc bảo đảm và thúc đẩy quyền con người trong khu vực và trên thế giới.
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Khoa luật, Đại học quốc gia Hà Nội, Giáo trình lí luận và pháp luật về quyền con người, Nxb. CTQG, Hà Nội, 2009.
2. http://vietnamupr.com/ (Việt Nam UPR)
3. http://www.ohchr.org/ (Văn phòng Cao ủy Nhân quyền Liên Hiệp Quốc)
4. http://nhandan.com.vn (Báo Điện tử Nhân dân)
5. http://tapchiqptd.vn (Tạp chí Quốc phòng Toàn dân)
6. http://vov.vn/chinh-tri/hoi-dong-nhan-quyen-lien-hop-quoc-thong-qua-bao-cao-upr-cua-viet-nam-333832.vov
7. http://www.vnconsulosaka.gov.vn/vi/news_object_view?newsPath=/vnemb.vn/tinkhac/ns131210155936
No comments:
Post a Comment