Định nghĩa: Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là hành vi chế tạo, cất giữ, chuyển dịch, bán hay mua để bán lại các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 196 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 185h Bộ luật hình sự năm 1985.
Tuy nhiên, Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định nhiều hành vi khác nhau với nhiều đối tượng, mục đích phạm tội khác nhau nên phải căn cứ vào từng trường hợp cụ thể để định tội danh cho chính xác. Có thể nói, nếu tách tội phạm này ra từng hành vi khác nhau ta có tới 16 tội danh như sau:
- Sản xuất phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Sản xuất dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Sản xuất phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Sản xuất dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Tàng trữ phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Tàng trữ phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Vận chuyển phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Vận chuyển dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Vận chuyển phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Vận chuyển dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Mua bán phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Mua bán dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Mua bán phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Mua bán dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nếu một người thực hiện cả 16 hành vi trên thì định tội danh đầy đủ là “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” (tội danh đầy đủ) và áp dụng một mức hình phạt theo điều khoản của Bộ luật hình sự mà người phạm tội bị áp dụng.
Nếu một người chỉ thực hiện một hoặc một số hành vi quy định tại điều luật thì chỉ định tội theo hành vi mà người đó thực hiện chứ không định tội danh đầy đủ như điều luật đã quy định.
Nếu một người thực hiện nhiều hành vi nhưng các hành vi không liên quan với nhau, thì phải định tội theo từng hành vi và áp dụng mức hình phạt riêng cho từng hành vi phạm tội rồi tổng hợp hình phạt theo quy định tại Điều 50 Bộ luật hình sự.
So với Điều 185h thì Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 không có sửa đổi, bổ sung lớn, chỉ bỏ hình phạt tiền là hình phạt chính mà khoản 1 Điều 185h Bộ luật hình sự năm 1985 có quy định và hình phạt bổ sung quy định ngay trong cùng điều luật. Tuy nhiên, nội dung hình phạt bổ sung cũng có những sửa đổi như:
Nếu Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc bị tich thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm” thì khoản 5 Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy”, chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, nếu người từ đủ 16 tuổi trở lên sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc phạm tội thì người dưới 16 tuổi vẫn không bị truy cứu trách nhiệm hình sự mà người sử dụng người dưới 16 tuổi vào việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy”
Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều 196 Bộ luật hình sự, vì trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội“sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy” là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sản xuất, cất giữ, vận chuyển, trao đổi phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng chất ma tuý.
Đối tượng tác động của tội phạm này là phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng chất ma tuý.
Cho đến nay, chưa có tài liệu nào công bố danh mục các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử các cơ quan tiến hành tố tụng (Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao và Bộ công an) đã hướng dẫn: “phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là các phương tiện dụng cụ được sản xuất ra với chức năng chủ yếu dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý hay tuy được sản xuất ra với mục đích thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý”36
Thực tiễn xét xử cho thấy hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý rất ít xảy ra mà chỉ có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng cũng chủ yếu là các phương tiện, dụng cụ như: bàn đèn, xi lanh (bơm tiêm) còn các phương tiện, dụng cụ khác rất ít gặp.
Khi xác định đối tượng phạm tội cần chú ý: đối với phương tiện được sản xuất ra với mục đích thông dụng trong cuộc sống hàng ngày, nhưng đã được sử dụng chuyên vào mục đích sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý thì phải xác định mục đích sử dụng của người phạm tội. Nếú người phạm tội không sử dụng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý thì không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Ví dụ: Chị Hoàng Kim D mua 10 xi lanh nhựa về để dùng vào việc tiêm thuốc theo đơn của Bác sĩ, nhưng chị mới dùng được 2 chiếc chỉ em trai là Hoàng Văn N đến chơi. N là con nghiện nhưng chị D không biết; thấy chị D có xi lanh N hỏi xin 5 cái để về tiêm cho vợ N. Chị D tưởng thật đã cho N 5 xi lanh. Sau khi xin được xi lanh, N rủ Nguyễn Văn H, Triệu Quốc B mua thuốc phiện về tiêm chích cho nhau. Khi bị bắt, N khai xi lanh xin của chị D. Mặc dù số xi lanh mà N cùng đồng bon dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý là của chị D cho nhưng vì chị D không biết N dùng số xi lanh trên vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý nên hành vi của chị D không cấu thành tội tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Hành vi khách quan của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy cũng tương tự như hành vi khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chiếm đoạt tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy quy định tại Điều 195 và hành vi khách quan của tội tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép hoặc chất ma tuý quy định tại Điều 194 Bộ luật hình sự. Riêng hành vi sản xuất cũng tương tự như hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý nhưng nội dung của hành vi sản xuất trái phép phương tiện hoặc dụng cụ vào viẹc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý khác với hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý.
Hành vi sản xuất phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý
Có thể nói, hành vi sản xuất thì như nhau nhưng có tới 4 nội dung khác nhau:
- Sản xuất phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Sản xuất dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Sản xuất phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Sản xuất dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Do đó, khi xác định hành vi sản xuất phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý cần chú ý đối tượng mà người phạm tội sản xuất là loại phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý hay dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Sản xuất là chế tạo ra phương tiện hoặc dụng cụ mà phương tiện hoặc dụng cụ đó dược dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý hoặc dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Nếu chế tạo ra phương tiện, dụng cụ chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý thì không cần xác định mục đích sử dụng phương tiện, dụng cụ đó, nhưng nếu chế tạo ra phương tiện, dụng cụ nhưng không phải là chuyên dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý thì cần phải xác định mục đích sử dụng của người phạm tội, vì phương tiện, dụng cụ đó còn có mục đích sử dụng trong cuộc sống hàng ngày.
Hành vi tàng trữ phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý
Cũng như hành vi sản xuất phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý, điều luật quy định 4 trường hợp tàng trữ phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý:
- Tàng trữ phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Tàng trữ phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Tàng trữ dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
Tàng trữ trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý là cất giữ bất hợp pháp phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý ở bất cứ nơi nào như: Trong nhà ở; phòng làm việc; trụ sở cơ quan, tổ chức; phương tiện giao thông; trong túi quần áo, túi xách... không nhằm mục đích mua bán hoặc vận chuyển từ nơi này đến nơi khác, mà chỉ nhằm mục đích để sản xuất hoặc để sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hành vi vận chuyển trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý
Cũng tương tự như hành vi sản xuất và tàng trữ, điều luật quy định 4 trường hợp vận chuyển:
- Vận chuyển phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Vận chuyển dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Vận chuyển phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Vận chuyển dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
Vận chuyển phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi chuyển dịch bất hợp pháp phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý từ nơi này đến nơi khác, từ vị trí này sang vị trí khác, từ người này sang người khác, từ quốc gia này sang quốc gia khác... bằng bất kỳ phương thức nào (trừ hình thức chiếm đoạt), nhưng đều không nhằm mục đích mua bán mà chỉ nhằm mục đích dùng phương tiện hoặc dụng cụ đó vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Hành vi mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý.
Cũng tương tự như các hành vi trên, hành vi mua bán cũng được quy định 4 trường hợp khác nhau:
- Mua bán phương tiện dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Mua bán dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý;
- Mua bán phương tiện dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
- Mua bán dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý;
Mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý là bán hay mua để bán lại; vận chuyển phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý để bán cho người khác; tàng trữ để bán lại nhằm dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý; hoặc dùng phương tiện, dụng cụ đó để đổi lấy hàng hoá hay dùng hàng hoá để đổi lấy phương tiện dụng, cụ đó.
Bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý cho người khác là dùng phương tiện, dụng cụ trên mà mình có dưới bất kỳ hình thức nào như: mua được, xin được, nhặt được, người khác gửi hoặc chiếm đoạt được để bán cho người khác lấy tiền hoặc lấy tài sản.
Mua phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác là dùng tiền hoặc tài sản để đổi lấy phương tiện, dụng cụ đó bán cho người khác lấy tiền hoặc tài sản. Chỉ khi nào xác định rõ mục đích của người phạm tội là nhằm bán lại thì mới là hành vi mua bán trái phép phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý. Việc xác định này, là trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, căn cứ vào các tình tiết của vụ án.
Xin phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác là bằng lời nói hoặc hành động để người khác cho mình phương tiẹn dụng cụ đó rồi đem bán cho người khác lấy tiền hoặc tài sản khác.
Tàng trữ phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm bán trái phép cho người khác là hành vi cất giữ trái phép phương tiện, dụng cụ đó rồi đem bán cho người khác.
Vận chuyển phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý để bán trái phép cho người khác cũng giống như hành vi vận chuyển trái phépcuphương tiện, dụng cụ, chỉ khác hành vi vận chuyển trái phép ở chỗ người phạm tội không chỉ vận chuyển mà còn bán phương iện dụng cụ mà mình vận chuyển cho người khác.
Nếu không chứng minh được người phạm tội có mục đích bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý cho người khác thì chỉ định tội là “vận chuyển trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý”, còn nếu chứng minh được người phạm tội có mục đích bán tiền chất mà họ vận chuyển trái phép thì định tội là “vận chuyển, mua bán trái phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý”.
Nếu hành vi vận chuyển phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý không trái phép và người vận chuyển lại chiếm đoạt phương tiện, dụng cụ đó bán cho người khác một cách trái phép thì phải định tội là “mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý”. Vì điều luật không quy định hành vi chiếm đoạt.
Cũng coi là hành vi mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý, nếu dùng phương tiện, dụng cụ đó để trao đổi, để thanh toán trái phép hoặc dùng tài sản (không phải là tiền) đem trao đổi, thanh toán lấy phương tiện để bán lại trái phép cho người khác.
Dùng phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý là dùng phương tiện hoặc dụng cụ để sản xuất ra một hoặc một số chất ma tuý. Thế nào là sản xuất ma tuý đã được phân tích ở tội sản xuất trái phép chát ma tuý tại Điều 193 Bộ luật hình sự. Muốn sản xuất được ma tuý, người sản xuất nhất thiết phải dùng phương tiện, dụng cụ như: máy móc, ống nghiệm, lò phản ứng... Hành vi dùng phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý không đòi hỏi người phạm tội đã hoặc đang sản xuất chất ma tuý, mà chỉ cần xác định người phạm tội dùng phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý là hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy đã hoàn thành.
Người dùng phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý không phải là chủ thể của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy mà là hành vi phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý.
Dùng phương tiện, dụng cụ vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý
Tương tự như trường hợp dùng phương tiện, dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, dùng phương tiện, dụng cụ vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi của người sử dụng trái phép chất ma tuý, còn thế nào là sử dụng trái phép chất ma tuý sẽ được phân tích ở tội sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự. Muốn sử dụng được ma tuý, người sử dụng ma tuý nhất thiết phải dùng phương tiện, dụng cụ như: bàn đèn, xi lanh, kim tiêm, giấy bạc, bật lửa...
Tuy nhiên, tại Thông tư liên tịch SỐ 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5 tháng 8 năm 1998 của Toà án nhân dân tối cao-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ Công an hướng dẫn áp dụng một số quy định tại ChươngVIIA về các tội phạm về ma tuý của Bộ Luật hình sự năm 1985 quy định: “Nếu người nào lần đầu sản xuất trái phép tàng trữ trái phép, vận chuyển trái phép, mua trái phép phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý để cho bản thân mình sử dụng trái phép chất ma tuý, thì chưa đến mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự, nhưng phải bị xử lý hành chính; nếu đã bị xử lý hành chính mà còn vi phạm, thì phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 185h Bộ Luật hình sự”. Quy định này theo chúng tôi là không chính xác, vì người sử dụng trái phép ma tuý nhất thiết phải có phương tiện, dụng cụ, nếu truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ mà chính họ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma túy là trái với nguyên tắc một hành vi phạm tội không bị xử lý hai lần. Hy vọng rằng khi hướng dẫn áp dụng Chương XVIII các cơ quan có thẩm quyền xem xét sửa đổi nội dung hướng dẫn trên.
Nếu người sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy có hứa hệ trước với người sản xuất trái phép chất ma tuý về việc cung cấp phương tiện hoặc dụng cụ vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý thì bị coi là đồng phạm với người sản xuất trái phép chất ma tuý với tội danh “sản xuất trái phép chất ma tuý” thuộc trường hợp quy định tại Điều 193 Bộ luật hình sự.
b. Hậu quả
Hậu quả của các tội phạm về ma tuý nói chung và hậu quả của tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nói riêng không phải là yếu tố bắt buộc để định tội. Những thiệt hại do hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy gây ra cho xã hội chính là những thiệt hại phi vật chất (chính sách quản lý của Nhà nước đối với phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy ). Riêng đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là tham gia vào quá trình làm tăng số lượng chất ma tuý trong xã hội hoặc tăng người sử dụng trái phép chất ma tuý trong xã hội.
Số lượng phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy mà người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép cũng được coi là hậu quả của tội phạm nhưng hậu quả này chỉ là những thiệt hại gián tiếp cho xã hội và đã là yếu tố định tội hoặc định khung hình phạt, số lượng càng lớn thì thiệt hại cho xã hội càng nhiều và người phạm tội bị phạt càng nặng.
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp. Không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc trong trường hợp phương tiện, dụng cụ được sản xuất ra sử dụng vào mục đích thông thường, nếu không chứng minh được người phạm tội biết dùng phương tiện, dụng cụ đó vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý thì không truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội “sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy”.
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt
Là trường hợp sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ một đến sáu năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.
So với khoản 1 Điều 185h Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì quy định tại khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì khoản 1 Điều 196 không quy định hình phạt tiền là hình phạt chính nữa, nên không được áp dụng khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự đối với hành vi phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý.
Tuy nhiên, cũng như đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 195 có ý kiến cho rằng, khoản 1 Điều 196 nhẹ hơn, vì khoản 1 Điều 185h có quy định hình phạt tiền là hình phạt chính, nay hình phạt này không còn quy định nữa và theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự, thì điều luật xóa bỏ một hình phạt thì không được áp dụng đối với người phạm tội. Quan điểm này cũng có nhân tố hợp lý, nhưng nếu so sánh điều luật Bộ luật hình sự năm 1999 với điều luật Bộ luật hình sự năm 1985 thì phải coi Điều 196 là điều luật nặng hơn vì mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 1 Điều 185h nhẹ hơn so với mức thấp nhất của khung hình phạt tại khoản 1 Điều 196. Còn việc nhà làm luật xoá bỏ hình phạt tiền là hình phạt chính tại khoản 1 Điều 195 chỉ là trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 7 Bộ luật hình sự. Nếu áp dụng khoản 1 Điều 185h đối với người phạm tội thì không được áp dụng hình phạt tiền là hình phạt chính, vì hình phạt này không còn quy định nữa.
Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 196 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt ( dưới một năm tù), nhưng không được dưới ba tháng tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng, vì tội phạm này là tội phạm nghiêm trọng, hơn nữa hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy bản thân nó đã mang tính nghiêm trọng và trong tình hình hiện nay, việc cho người phạm tội hưởng án treo phải hết sức chặt chẽ. Chỉ nên cho người phạm tội hưởng án treo trường hợp đối tượng phạm tội là phương tiện dụng cụ dùng vào viếc sử dụng trái phép mà đó là phương tiện dụng cụ bình thường dược sử dụng vào mục đích thông dụng nhưng vì nể nang nên đã để người khác dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 196 Bộ luật hình sự
a. Có tổ chức
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội có tổ chức khác.
Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức là trường hợp có nhiều người cố ý cùng bàn bạc, cấu kết chặt chẽ với nhau, vạch kế hoạch để thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, dưới sự điều khiển thống nhất của người cầm đầu, là một hình thức đồng phạm, có sự phân công, sắp đặt vai trò của những người tham gia, trong đó mỗi người thực hiện một hoặc một số hành vi và phải chịu sự điều khiển của người cầm đầu.
Ở nước ta, hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý ít xảy ra, nên cơ quan điều tra cũng ít phát hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma túy. Nhưng hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào sử dụng trái phép chất ma túy lại xẩy ra nhiều. Tuy nhiên, việc truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi này cũng không nhiều, vì phương tiện, công cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý chủ yếu người sử dụng trái phép chất ma tuý tự chế tạo hoặc tìm kiếm để sử dụng. Do đó, hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức cũng ít khi xảy ra.
Khi xác hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức, cần phân biệt với hành vi sản xuất trái phép chất ma tuý có tổ chức và hành vi sử dụng trái phép chát ma tuý có tổ chức mà người có hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy chỉ là người đồng phạm của tội sản xuất trái phép chất ma tuý có tổ chức hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý có tổ chức . Vì phương tiện, dụng cụ là vật không thể thiếu để sản xuất ra chất ma tuý hoặc sử dụng chất ma tuý, nếu người phạm tội cùng với người sản xuất trái phép chất ma tuý hoặc cùng với người sử dụng chất ma tuý sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì là đồng phạm tội sản xuất trái phép chất ma tuý hoặc tội sử dụng trái phép chất ma tuý.
Những người đồng phạm khác như: Người tổ chức, người thực hành, người xúi dục, người giúp sức cũng tương tự với trường hợp phạm tội có tổ chức khác, chỉ khác ở chỗ: hành vi phạm tội có tổ chức là hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy có tổ chức, có thể có tất cả những người đồng phạm, nhưng cũng có thể chỉ có người tổ chức và người thực hành. Nhưng nhất thiết phải có người thực hành và người tổ chức, nếu thiếu một trong hai người này thì không bị coi là phạm tội có tổ chức. Tuy nhiên, nếu đã có người tổ chức, người thực hành nhưng người thực hành chưa thực hiện hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì vẫn là phạm tội có tổ chức nhưng ở giai đoạn chuẩn bị phạm tội hoặc phạm tội chưa đạt.
b. Phạm tội nhiều lần
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội nhiều lần khác.
Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần là đã có tất cả hai lần trở lên sản xuất, hai lần trở lên tàng trữ, hai lần trở lên vận chuyển, hai lần trở lên mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội Sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý; đồng thời trong số các lần sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu có hai lần sản xuất, hai lần tàng trữ, hai lần vận chuyển, hai lần mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy trong đó có một lần chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần
Nếu có hai lần sản xuất, hai lần tàng trữ, hai lần vận chuyển, hai lần mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy, trong đó đã có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật thì không coi là phạm tội nhiều lần, còn nếu có từ ba, bốn, năm... lần sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy trong đó có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật, thì vẫn coi là phạm tội nhiều lần vì ít nhất cũng còn hai lần chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu người phạm tội có hai lần trở lên thực hiện hành vi phạm tội, nhưng mỗi lần thực hiện hành vi khác nhau thì không coi là phạm tội nhiều lần. Ví dụ: Một lần sản xuất, một tàng trữ, một lần vận chuyển, một lần mua bán, tổng cộng là 4 lần phạm tội nhưng vì mỗi lần thực hiện một hành vi phạm tội khác nhau nên không coi là phạm tội nhiều lầln, mà mối lần thực hiện hành vi phạm tội đó đã cấu thành tội độc lập và người phạm tội phải bị ktrc trách nhiệm hình sự theo từng tội danh riêng và áp dụng Điều 50 Bộ luật hình sự để tổng hợp hình phạt.
c. Lợi dụng chức vụ, quyền hạn
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội khác.
Lợi dụng chức vụ, quyền hạn để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện và hành vi phạm tội đó có liên quan trực tiếp đến chức vụ, quyền hạn của họ, nếu họ không có chức vụ, quyền hạn đó thì họ khó có thể thực hiện việc sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy; chức vụ, quyền hạn là điều kiện thuận lợi để người phạm tội thực hiện tội phạm một cách dễ dàng. Nếu hành vi sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy do họ thực hiện không liên quan gì đến chức vụ, quyền hạn của mình thì dù có chức vụ, quyền hạn thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này.
Thự tiễn xét xử cho thấy, ngoài việc lợi dụng chức vụ, quyền hạn người phạm tội còn lợi dụng nghề nghiệp để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy như: Kỹ sư, bác sỹ, dược sỹ, hộ lý, y tá, điều chế viên, kỹ thuật viên... Tuy nhiên, nhà làm luật chỉ quy định lợi dụng chức vụ, quyền hạn nên đối với người lợi dụng nghề nghiệp để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thì cũng bị coi là lợi dụng quyền hạn, vì nghề nghiệp của họ cũng cho phép họ những quyền hạn nhất định.
d. Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như những trường hợp lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để phạm tội khác.
Lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là trường hợp người phạm tội thông qua cơ quan, tổ chức mà mình là thành viên để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Thông thường, người phạm tội trong trường hợp này là thông qua các hợp đồng mua bán, hợp đồng vận chuyển, hợp đồng trông giữ tài sản để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy. Người phạm tội lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức thường là người lợi dụng chức vụ, quyền hạn. Tuy nhiên, trong một số trường hợp người phạm tội không phải là người có chức vụ, quyền hạn mà chỉ lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Nếu người phạm tội không phải là thành viên của cơ quan, tổ chức nhưng đã lợi dụng cơ quan, tổ chức để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy cũng bị coi là lợi dụng cơ quan, tổ chức để sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
đ. Vật phạm pháp có số lượng lớn
Trong các tội phạm về ma tuý thì chỉ có tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy mới quy định vật phạm pháp có số lượng lớn là yếu tố định khung hình phạt.
Căn cứ vào hướng dẫn tại Thông tư liên tịch SỐ 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5 tháng 8 năm 1998 của Toà án nhân dân tối cao-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ Công an hướng dẫn áp dụng một số quy định tại ChươngVIIA về các tội phạm về ma tuý của Bộ Luật hình sự năm 1985 thì, được coi là vật phạm pháp có số lượng lớn nếu có 5 dụng cụ, phương tiện trở lên, có thể là cùng loại, có thể là khác loại.
e. Vận chuyển, mua bán qua biên giới
Vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy là đưa phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy tuý từ nước này qua nước khác dưới bất kỳ hình thức nào.
Cũng tương tự như trường hợp vận chuyển, mua bán phép tiền chất dùng vào việc sản xuất trái phép chất ma tuý, nhà làm luật chỉ quy định “qua biên giới” mà không giới hạn qua biên giới Việt Nam với các nước có biên giới với Việt Nam, do đó khi xác định trường hợp phạm tội này, ngoài hành vi vận chuyển, mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy qua biên giới Việt Nam với các nước có biên giới với Việt Nam thì còn bao gồm hành vi vận chuyển, mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy từ nước một nước không phải là Việt Nam sang một nước thứ ba. Ví dụ: Vận chuyển từ Thái Lan sang Trung Quốc, từ My An Ma sang Phi Líp Pin v.v... Việc truy cứu trách nhiệm hình sự đối với những người vận chuyển, mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy trong trường hợp này phải căn cứ vào Điều 6 Bộ luật hình sự về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội ở ngoài lãnh thổ nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam.
Điều luật không quy định nhằm qua biên giới nên tình tiết này không phải là tình tiết thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội, do đó chỉ coi là vận chuyển, mua bán trái phép phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy qua biên giới khi người phạm tội đã vận chuyển, mua bán ma tuý qua được biên giới. Nếu người phạm tội có mục đích đưa chất ma tuý qua biên giới nhưng vì lý do nào đó mà người phạm tội chưa đưa được ma tuý qua biên giới thì không coi là vận chuyển, mua bán ma tuý qua biên giới.
g) Tái phạm nguy hiểm.
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm k khoản 2 Điều 193, điểm p khoản 2 Điều 194, điểm g khoản 2 Điều 195 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ người phạm tội tái phạm nguy hiểm trong trường hợp này là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 của Điều 196, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 196 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ năm năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
So với khoản 2 Điều 185h Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn, nhưng vì Điều 196 Bộ luật hình sự nặng hơn Điều 185h, nên hành vi phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán phương tiện hoặc dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì không được áp dụng khoản 2 Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 mà phải áp dụng khoản 2 Điều 185h Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới năm năm tù nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt (mười năm tù).
5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm.
So với Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, thì khoản 5 Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì mức phạt tiền quy định tại Điều 185(o) từ hai mươi triệu đến năm trăm triệu đồng; hình phạt cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ hai năm đến năm năm; việc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Điều 185(o) là bắt buộc, còn khoản 5 Điều 196 việc áp dụng hình phạt bổ sung có thể áp dụng hoặc không áp dụng, Vì vậy, Toà án được áp dụng khoản 5 Điều 196 Bộ luật hình sự năm 1999 để áp dụng hình phạt bổ sung đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý.
---
Chú giải
36 Xem Thông tư liên tịch sô 01/1998/TTLT/TANDTC-VKSNDTC-BNV ngày 2-1-1998 của Toà án nhân dân tối cao-Viện kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ nội vụ hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Bộ luật hình sự (Phàn khụ lục)
No comments:
Post a Comment