Định Nghĩa: Tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là hành vi giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào
Việc đưa ra một định nghĩa chính xác cho hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trong giai đoạn hiện nay là một việc vô cùng khó khăn. Các cơ quan tiến hành tố tụng, các cơ quan nghiên cứu thực tiễn xét xử về tội phạm này cho đến nay vẫn còn nhiều quan điểm khác nhau về hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Thực tiễn xét xử loại tội phạm này cũng có nhiều trường hợp vướng mắc và có không ít trường hợp cùng hành vi phạm tội như nhau nhưng ở nơi này Toà án kết án bị cáo phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng ở nơi khác Toà án lại kết án bị cáo phạm tội sử dụng trái phép chất ma tuý. Hy vọng rằng, qua việc tổng kết thực tiễn xét xử các cơ quan nghiên cứu lý luận sẽ đưa ra một định nghĩa chính xác hơn và đầy đủ hơn.
Tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự là tội phạm đã được quy định tại Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985.
So với Điều 185i thì Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 có một số sửa đổi, bổ sung như:
Nếu điểm e khoản 2 Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ người khác hoặc gây cố tật nặng cho người khác” thì điểm e khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “ Gây tổn hại cho sức khoẻ người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” ;
Nếu điểm b khoản 3 Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “Gây tổn hại nặng cho sức khoẻ của nhiều người hoặc gây cố tật nặng cho nhiều người ” thì khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định ở hai điểm: điểm a quy định “ Gây tổn hại cho sức khoẻ người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên” ,điểm b quy định “Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%” và bổ sung điểm a khoản 4 quy định “Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên”;
Nếu điểm d khoản 3 và điểm a khoản 4 Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 2 diều này và Có nhiều tình tiết quy định tại khoản 3 điều này”thì khoản 3 và khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 không còn quy định hai tình tiết này nữa.
Về khung hình phạt quy định tại khoản 1, khoản 2 và khoản 3 của điều luật không có gì thay đổi, riêng khoản 4 Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt tù chung thân hoặc tử hình thì khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định hình phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình.
Về hình phạt bổ sung, nếu Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “bị phạt tiền từ hai mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng hoặc bị tich thu một phần hoặc toàn bộ tài sản; bị cấm đảm nhiệm chức vụ, làm những nghề hoặc công việc nhất định từ hai năm đến năm năm” thì khoản 5 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 quy định “có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm”.
A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM
1. Các dấu hiệu thuộc về chủ thể của tội phạm
Cũng như chủ thể của các tội phạm khác, chủ thể của tội Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy cũng phải đảm bảo các yếu tố (điều kiện) cần và đủ như: độ tuổi, năng lực trách nhiệm hình sự quy định tại các Điều 12, 13 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, đối với tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chỉ những người sau đây mới có thể là chủ thể của tội phạm này:
Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” quy định tại khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự, vì khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự là tội phạm nghiêm trọng và theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Chỉ người đủ 16 tuổi trở lên mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” theo khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự.
Người từ đủ 14 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 và khoản 4 của Điều 197 Bộ luật hình sự, vì các trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng.
2. Các dấu hiệu thuộc mặt khách thể của tội phạm
Khách thể của tội “tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy” là chế độ quản lý của Nhà nước về việc sử dụng chất ma tuý vào các mục đích chữa bệnh và vì vậy, quan hệ xã hội bị xâm phạm còn bao gồm cả tính mạng, sức khoẻ, trật tự an toàn xã hội. Tuy nhiên, chủ yếu vẫn là chế độ quản lý về việc sử dụng chất ma tuý.
Đối tượng tác động của tội phạm này chính là người sử dụng ma tuý, nếu không có người sử dụng chất ma tuý thì không thể có người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, người sử dụng chất ma tuý lại không phải là người bị hại mà ngược lại trong một số trường hợp nếu thoả mãn các dấu hiệu của tội sử dụng trái phép chất ma tuý thì họ còn là người phạm tội.
3. Các dấu hiệu thuộc mặt khách quan của tội phạm
a. Hành vi khách quan.
Khi nghiên cứu hành vi khách quan của tội phạm này, cũng có ý kiến cho rằng, người phạm tội thực hiện nhiều hành vi khách quan khác nhau, còn tổ chức chỉ là quy mô của tội phạm cũng như phạm tội có tổ chức là tình tiết là yếu tố định khung hình phạt trong nhiều tội phạm. Vì vậy, khi nghiên cứu hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cầ phân biệt với tình tiết phạm tội có tổ chức và người tổ chức trong vụ án có đồng phạm.
Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng tương tự như một số hành vi tổ chức phạm các tội như: tổ chức tảo hôn (Điều 148), tổ chức đánh bạc (Điều 249), tổ chức người khác trốn đi nước người hoặc ở lại nước ngoài trái phép (Điều 275). Khái niệm "tổ chức" trong tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng như các tội phạm cụ thể nêu ở trên là hành vi phạm tội.
Phạm tội có tổ chức, nhất thiết phải có từ hai người trở lên, là một hình thức đồng phạm có sự cấu kết chặt chẽ, có sự phân công trách nhiệm...còn tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, tổ chức đánh bạc, tổ chức tảo hôn, tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý... có thể chỉ có một người cũng thực hiện được hành vi phạm tội.
Người tổ chức trong đồng phạm, là người chủ mưu, cầm đầu chỉ huy việc thực hiện tội phạm, nói lên vai trò nhiệm vụ của một người trong một vụ án có đồng phạm, còn hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý không nhất thiết phải là người cầm đầu trong một vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Như vậy tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ có một hành vi khách quan là hành vi tổ chức. Hành vi này được thực hiện dưới nhiều hình thức khác nhau.
Theo Thông tư liên tịch SỐ 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5 tháng 8 năm 1998 của Toà án nhân dân tối cao-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ Công an hướng dẫn áp dụng một số quy định tại Chương VIIA về các tội phạm về ma tuý của Bộ Luật hình sự năm 1985 thì bị coi là có hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thuộc một trong các trường hợp sau: 37
- Chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.
Trường hợp phạm tội này, người phạm tội thực hiện hành vi của mình như người tổ chức trong vụ án có tổ chức, nhưng việc chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Người khác ở đây là người có nhu cầu sử dụng chất ma tuý. Để chỉ huy, phân công và điều hành được các hoạt động đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác thì người phạm tội phải có một vị trí nhất định và vụ án tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhất thiết phải là vụ án có tổ chức. Người phạm tội trong trường hợp này thường là những kẻ giấu mặt và việc tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý được chuẩn bị tương đối chặt chẽ, có người trực tiếp đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác, có người canh gác, có người chuyên dẫn giắt các con nghiện đến địa điểm sử dụng trái phép chất ma tuý... Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như hành vi tổ chức đánh bạc với quy mô lớn. Người phạm tội không chỉ chỉ huy, phân công, điều hành các hoạt động đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác mà còn cung cấp ma tuý, phương tiện, dụng cụ cho đồng bọn để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể cho người khác, do đó khi xem xét trách nhiệm hình sự của người phạm tội cần chú ý xem xét cả các hành vi phạm tội khác đối với họ như: hành vi tàng trữ, vận chuyển, mua bán trái phép chất ma tuý hoặc phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
- Thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý, cũng như tìm địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác
Muốn sử dụng trái phép chất ma tuý thì phải có địa điểm. Tuy nhiên địa điểm để sử dụng trái phép chất ma tuý cũng đa dạng như địa điểm đối với hành vi tổ chức đánh bạc. Có thể là những điểm tĩnh như: nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, khách sạn, nhà hàng, quán nước, vườn cây, chòi cá... nhưng cũng có thể trên các phương tiện giao thông như: máy bay, tầu thuỷ, tầu hoả, ô tô, thuyền, bè... Trong các địa điểm trên, có loại thuộc quyền quản lý của Nhà nước, của tập thể, của tổ chức... nhưng có loại thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của cá nhân.
Thực tiến xét xử cho thấy các con nghiện khi sử dụng trái phép chất ma tuý thường tìm những địa điểm kín đáo người khác khó phát hiện và những địa điểm này thường là nơi công cộng như: Nhà vệ sinh ở bến tàu, bến xe... Tuy nhiên, cũng không ít trường hợp người sử dụng trái phép chất ma tuý phải thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý, cũng như tìm địa điểm để làm nơi sử dụng trái phép chất ma tuý. Vì vậy, khi xác định hành vi phạm tội thuộc trường hợp này cần chú ý:
Nếu thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý, cũng như tìm địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể mình thì không phải là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Nhưng nếu ngoài việc đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể mình còn để cho người khác đưa chất ma tuý trái phép vào cơ thể của họ thì vẫn bị coi là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý.
Thuê địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác là dùng tiền hoặc tài sản để trả cho người có địa điểm để họ đồng ý cho người phạm tội dùng địa điểm đó để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Tuy nhiên, khi thuê địa điểm, người thuê chưa có ý định dùng địa điểm đã thuê để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác nhưng sau khi đã thuê được địa điểm mới sử dụng địa điểm đã thuê để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác thì vẫn bị coi là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng thuộc trường hợp sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Ví dụ: Vũ Khắc X thuê cửa hàng kinh doanh điện thoại di động. Thời gian đầu, X kinh doanh bình thường, nhưng được một thời gian X rủ bạn bè đến cửa hàng để tiêm chích ma tuý cho nhau.
Mượn địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác là bằng lời nói, cử chỉ hoặc bằng những thủ đoạn khác mà không phải đùng tiền hoặc tài sản để người khác đồng ý cho sử dụng địa điểm thuộc quyền sở hữu hoặc quản lý của họ, để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Ví dụ: Nguyễn Xuân H nói dối với ông Lê Văn T mượn ghe (thuyền) của ông để đi chở hàng, nhưng sau khi mượn được ghe, H đã rủ thêm Phạm Đức Q và Trần Công Đ cùng xuống ghe để tiêm chích ma tuý cho nhau, trong đó H tiêm chích cho Q và Đ.
Sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác là trường hợp người phạm tội sử dụng chính nhà ở, trụ sở cơ quan, trường học, khách sạn, nhà hàng, quán nước, vườn cây, chòi cá... nhưng cũng có thể trên các phương tiện giao thông như: máy bay, tầu thuỷ, tầu hoả, ô tô, thuyền, bè...thuộc quyền sở hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để đưa ma trái phép chất ma tuý vào người khác. Ví dụ: Đào Văn T có một chiếc xe khách 12 chỗ ngồi do chính T tự lái. Sau khi đã trả xong khách, T đánh xe đi ăn cơm. Tại quán cơm, T gặp Hoàng Trung A và Đỗ Đức Th là bạn cũ. Sau khi trò chuyện, A và Th rủ T hít Hêrôin, T đồng ý và đưa A và Th về xe của mình để hít Hêrôin. T dùng tờ giấy bạc cho Hêrôin vào rồi dùng bật lửa ga đốt ở dưới để A và Th hít trước, sau đó T hít thì bị bắt quả tang.
Tìm địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác là trường hợp không phải thuê, không phải mượn cũng không phải Sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác mà tìm một địa điểm thuận lợi để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác. Ví dụ: Ngô Xuân H, Đỗ Cao Th, Từ Văn Nh đều là con nghiện, thường xuyên tụ tập để mua Hêrôin hít. Ngày 20-3-2001, H rủ Th và Nh mua Hêrôin để hít. Khi dã mua được Hêrôin Th nói về nhà H để hít nhưng H không đồng ý vì sợ bố mẹ biết. H nói với Th và Nh để H tìm địa điểm khi nào tìm được H báo cho Th và Nh biết. Nói xong, H phóng xe đi, một lúc sau, H quay lại nói với Th và Nh là đã tìm được địa điểm kín đáo để hít Hêrôin, rồi H chở Th và Nh đến nhà vệ sinh công cộng để hít Hêrôin. H đang đốt Hêrôin cho Th và Nh hít thì bị bắt quả tang.
Khi xác định trường hợp thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý, cũng như tìm địa điểm để làm nơi đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác cần chú ý:
Nếu hành vi thuê địa điểm, mượn địa điểm, sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý, cũng như tìm địa điểm nhưng không nhằm mục đích đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác mà để tự đưa chất ma tuý vào cơ thể của mình thì không phải là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội tỏ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với tội sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự.
Nếu cho thuê, cho mượn hoặc sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý để cho người khác tự đưa chất ma tuý vào cơ thể của họ thì người cho thuê, cho mượn hoặc sử dụng địa điểm thuộc quyền chiếm hữu của mình hoặc đang do mình quản lý không phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà hành vi này là hành vi phạm tội “chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý” quy định tại Điều 198 Bộ luật hình sự. Đây cũng là dấu hiệu để phân biệt tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý với tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý.
- Cung cấp trái phép chất ma tuý (trừ hành vi bán trái phép chất ma tuý) cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý.
Đây là trường hợp người phạm tội có chất ma tuý dưới bất kỳ nguồn nào như: mua được, xin được, được cho, được gửi giữ, nhặt được... rồi đem chất ma tuý đó cung cấp cho người khác để họ sử dụng trái phép. Nếu bán chất ma tuý đó cho người khác để họ sử dụng trái phép thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội mua bán trái phép chất ma tuý.
Về lý luận trường hợp phạm tội này không khó xác định, nhưng thực tiễn xét xử lại có trường hợp phức tạp, việc xác định người phạm tội có cung cấp chất ma tuý cho người khác hay không, không đơn giản. Ví dụ: Vũ Văn T, Phạm Thanh V và Đỗ Xuân Đ đều là con nghiện bàn bạc sử dụng trái phép chất ma tuý. Vũ Văn T đem đặt chiếc xe đạp lấy 100.000 đồng giao cho V và Đ đi mua Hêrôin nhưng chỉ có Đ đi mua Hêrôin. Sau khi có Hêrôin T, V và Đ tìm địa điểm để sử dụng. Trong lúc đang hít Hêrôin thì bị bắt. Trong vụ án này, có ý kiến cho rằng T phải là người cung cấp ma tuý, vì T cung cấp tiền cho Đ và V đi mua Hêrôin, không có tiền của T thì không thể có ma tuý, cung cấp tiền cũng chính là một hình thức cung cấp ma tuý. Nhưng có ý kiến cho rằng, chính Đ mới là người cung cấp chất ma tuý, vì Đ là người trực tiếp mua ma tuý nếu không có hành vi mua Hêrôin của Đ thì dù T có cung cấp tiền cũng không thể có chất ma tuý. Tương tự như vậy, có nhiều trường hợp các con nghiện góp tiền để một con nghiện đi mua chất ma tuý về sử dụng chung, vậy người chịu trách nhiệm đi mua ma tuý có phải là người cung cấp chất ma tuý không, cũng đang còn ý kiến khác nhau. Vấn đề này, Toà án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ công an, Bộ tư pháp cũng đã thấy và đang xúc tiến việc ban hành thông tư hướng dẫn áp dụng Chương XVIII Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, qua thực tiễn xét xử các tội phạm về ma tuý, để thuận lợi cho việc áp dụng pháp luật thống nhất, chúng tôi đề nghị: Trong trường hợp các con nghiện rủ nhau góp tiền hoặc tài sản để mua hoặc đổi lấy chất ma tuý rồi cùng nhau sử dụng, chỉ nên coi là hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý, nếu có đủ dấu hiệu thf truy cứu trách nhiệm hình sự họ về tội sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 199 Bộ luật hình sự
- Chuẩn bị chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất...) nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp cung cấp trái phép chất ma tuý cho người khác để họ sử dụng trái phép ở chỗ người phạm tội có chất ma tuý dưới bất kỳ nguồn nào như: mua được, xin được, được cho, được gửi giữ, nhặt được... nhưng trường hợp phạm tội này người phạm tội không cung cấp cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý mà nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác, còn trường hợp phạm tội cung cấp chất ma tuý cho người khác thì chính người được cung cấp chất ma tuý tự đưa chất ma tuý vào cơ thể mình. Tuy nhiên, hướng dẫn này cũng có vấn đề cần trao đổi, đó là: Nếu người chuẩn bị chất ma tuý không trực tiếp đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác mà chỉ “nhằm”, còn việc đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác lại do chính người sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc là người khác thì người chuẩn bị chất ma tuý có phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý không ? Nếu coi là phạm tội thì cũng không khác gì trường hợp cung cấp trái phép chất ma tuý cho người khác để họ sử dụng trái phép chất ma tuý. Có lẽ để phân biệt hai trường hợp pham tội này, theo chúng tôi, nếu người cung cấp trái phép chất ma tuý cho người khác thì không cần xác định mục đích của người cung cấp có nhằm đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác không, còn người chuẩn bị chất ma tuý thì bắt buộc phải xác định mục đích của họ. Người chuẩn bị chất ma tuý có thể tự đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác, nhưng cũng có thể không trực tiếp đưa chất ma tuý vào cơ thể người khác mà có thể là chính người sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc người khác thực hiện hành vi đưa chất ma tuý vào cơ thể người mà người chuẩn bị chất ma tuý mong muốn.
- Tìm người sử dụng chất ma tuý cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể của người họ
Trường hợp phạm tội này là trường hợp đã có người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng vì những động cơ mục đích khác nhau nên người phạm tội đã tìm kiếm, rủ rê người có nhu cầu sử dụng chất ma tuý để cho người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể họ.
Nếu người tìm kiếm, rủ rê người khác nhưng không biết người này có nhu cầu sử dụng chất ma tuý hoặc biết họ có nhu cầu sử dụng chất ma tuý nhưng lại không biết có người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, thì không phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Ví dụ: Trịnh Văn C biết Phạm Văn K là con nghiện, K đặt vấn đề với C nhờ C giới thiệu với Đinh Quang H, vì K biết H là người có chất ma tuý chuyên cung cấp cho con nghiện và H là bạn của C, nhưng C không biết H là người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. C hỏi K gặp H có việc gì thì K trả lời để làm quên trong việc làm ăn. C tưởng K nói thật nên đã đưa K đến nhà H và nhờ H giúp đỡ, H tưởng C đưa K đến để sử dụng chất ma tuý nên đã cung cấp chất ma tuý cho K để K sử dụng.
Nếu biết người khác tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà tìm kiếm, rủ rê, mua chuộc người chưa sử dụng trái phép chất ma tuý bao giờ để người này đồng ý sử dụng chất ma tuý và giới thiệu với nười tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý để nhằm đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người này thì vẫn là hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý. Ví dụ: Mai Văn Q là con nghiện nhiều lần được Uông Văn T cung cấp chất ma tuý cho Q sử dụng. Mỗi lần T cung cấp chất ma tuý cho Q, T đều nói với Q tìm người sử dụng ma tuý cho T thì T sẽ thường xuyên cung cấp ma tuý cho Q. Q nhận lời nên đã đến rủ Trần Văn N là học sinh lớp 11. Q nói với N hít Hêrôin làm cho con người ta nâng nâng, học thông minh hơn, khoẻ mạnh hơn. Mặt dù chưa sử dụng ma tuý bao giờ nhưng nghe Q nói vậy, N đồng ý sử dụng thử và Q đã đưa N đến gặp T để T cung cấp Hêrôin cho N sử dụng.
- Chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý dưới bất kỳ hình thức nào (mua, xin, tàng trữ, sản xuất...), nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.
Trường hợp phạm tội này người phạm tội không chuẩn bị chất ma tuý mà chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý và dùng các phương tiện, dụng cụ này để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.
Việc xác định thế nào là phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý cũng giống như trường hợp phạm tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý quy định tại Điều 195 Bộ luật hình sự. Tuy nhiên, để xác định hành vi chuẩn bị phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý có là hành vi phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý hay không còn phải xác định người chuẩn bị các phương tiện dụng cụ đó có nhằm dùng chúng để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác hay không ?
Nếu người phạm tội không có mục đích dùng phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác, mà biết các phương tiện, dụng cụ đó dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng vẫn mua, xin, tàng trữ, sản xuất... thì thuộc trường hợp phạm tội quy định tại Điều 195 Bộ luật hình sự (tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển, mua bán các phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý).
Chỉ cần xác định người phạm tội có mục đích dùng phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác là người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà không phải xác định người phạm tội có trực tiếp phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sử dụng trái phép chất ma tuý để đưa trái phép chất ma tuý vào cơ thể người khác.
- Các hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý như: cho người khác tiền, cho người khác vay tiền để người đó mua chất ma tuý sử dụng trái phép, cho người khác tài sản, cho người khác vay tài sản không phải là tiền để người đó đổi lấy chất ma tuý sử dụng trái phép; giúp người khác hút, hít trái phép chất ma tuý; giúp người khác tiêm, chích trái phép chất ma tuý... nếu người thực hiện một trong các hành vi này đã:
Bị kết án về một trong các tội phạm về ma tuý được quy định trong Bộ Luật hình sự, nhưng chưa được xoá án;
Bị xử lý vi phạm hành vi về một trong các hành vi vi phạm về ma tuý được quy định trong Bộ Luật hình sự và được cụ thể hoá trong Thông tư liên tịch số 01/1998 và Thông tư này, nhưng chưa hết thời hạn được coi là chưa bị xử lý vi phạm hành chính;
Được cơ quan tiến hành tố tụng miễn trách nhiệm hình sự về một trong các hành vi vi phạm về ma tuý được quy định trong Bộ Luật hình sự và được cụ thể hoá trong Thông tư liên tịch số 01/1998 và Thông tư này, nhưng chưa quá thời hạn một năm, kể từ ngày được miễn trách nhiệm hình sự;
Được cơ quan nhà nước (như: Uỷ ban nhân dân hoặc công an từ cấp phường, xã, thị trấn trở lên, cơ quan nơi công tác...), tổ chức, đoàn thể (như: tổ dân phố, tổ chức đoàn thanh niên, phụ nữ...) cũng như những người có trách nhiệm ở cơ quan nơi công tác hoặc ở địa phương nơi cư trú (như: Thủ trưởng cơ quan, cảnh sát khu vực, đại diện Uỷ ban nhân dân các cấp, Tổ trưởng tổ dân phố...) giáo dục, nhưng chưa quá thời hạn một năm, kể từ ngày được giáo dục. Cần chú ý là phải có đầy đủ căn cứ để khẳng định rằng người thực hiện một trong các hành vi trên đây đã được giáo dục (như: biên bản cuộc họp; bản tự kiểm điểm hoặc bản cam đoan của người vi phạm; có việc triệu tập đến cơ quan nhà nước có thẩm quyền để giáo dục; người có trách nhiệm đến tận gia đình giáo dục...).
Đây là trường hợp khá phức tạp khi phải xác định người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, vì ngoài các trường hợp đã hướng dẫn thì trong thực tiễn còn nhiều trường hợp người phạm tội còn có những hành vi khác giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý như: cho người khác tiền, cho người khác vay tiền để người đó mua chất ma tuý sử dụng trái phép, cho người khác tài sản, cho người khác vay tài sản không phải là tiền để người đó đổi lấy chất ma tuý sử dụng trái phép; giúp người khác hút, hít trái phép chất ma tuý; giúp người khác tiêm, chích trái phép chất ma tuý... Tuy nhiên, các hành vi này không trực tiếp giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý nên phải kèm theo những điều kiện nhất định thì các hành vi này mới bị coi là hành vi phạm tội. Những điều kiện này cũng được hướng dẫn cụ thể, nhưng thực tiễn xét xử không ít trường hợp vướng mắc khi phải xác định hành vi giúp sức người khác sử dụng trái phép chất ma tuý, nhất là đối với những trường hợp nhiều người cùng là con nghiện rủ nhau, người góp tiền, người góp phương tiện, dụng cụ, người góp công để cùng nhau sử dụng trái phép chất ma tuý. Ví dụ: Nguyễn Hồng Ph, Chu Thành Q, Nguyễn Văn T và Vũ Văn N đều là con nghiện rủ nhau hít Hêrôin. Ph và Q là người có tiền, T là người có xe máy đưa cho N đi mua Hêrôin. Khi N mua được Hêrôin về thì Ph và Q đã mua kẹo cao su để lấy giấy bạc và bật lửa ga làm dụng cụ hít Hêrôin. N chia Hêrôin ra làm bốn phần để T bật lửa đốt cho từng người hít, đến lượt T đang hít thì bị bắt. Trong vụ án này, nếu xác định hành vi giúp người khác sử dụng trái phép chất ma tuý thì cả 4 người đều có, nhưng hành vi đó lại nhằm thoả mãn nhu cầu sử dụng ma tuý của mỗi người, nên rất khó xác định ai là người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, ai là người sử dụng trái phép chất ma tuý. Cũng chính vì thế mà có nhiều ý kiến cho rằng, trường hợp này chỉ nên xác định đó là hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý đối với cả 4 người.
b. Hậu quả
Hậu quả của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là những thiệt hại cho xã hội, trong đó trực tiếp gây ra những thiệt hại về trật tự an toàn xã hội, tính mạng, sức khoẻ của chính người sử dụng trái phép chất ma tuý. Tuy nhiên, hậu quả của tội phạm này không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. Nếu thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ có xẩy ra đối với người sử dụng trái phép chất ma tuý thì những thiệt hại đó là yếu tố định khung hình phạt. Ví dụ: Nếu tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà gây chết người thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự, còn nếu gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự.v.v...
4. Các dấu hiệu thuộc mặt chủ quan của tội phạm
Người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện hành vi phạm tội của mình do cố ý, tức là nhận thức rõ hành vi của mình bị pháp luật cấm, thấy trước được tác hại của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhưng vẫn thực hiện. Như vậy, đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy chỉ có thể được thực hiện do cố ý trực tiếp. Không có trường hợp nào do cố ý gián tiếp.
Mục đích của người phạm tội là dấu hiệu bắt buộc, tức là người phạm tội mong muốn đưa được chất ma tuý vào cơ thể người khác với nhièu động cơ khác nhau nhưng chủ yếu là vì vụ lợi. Vì vậy, các cơ quan tiến hành tố tụng phải chứng minh mục đích của người phạm tội. Nếu không chứng minh được mục đích của người phạm tội là mong muốn đưa chất ma tuý vào cơ thể của người khác thì không phải là phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội chứa chấp việc sử dụng trái phép chất ma tuý; tội sản xuất, tàng trữ, vận chuyển hoặc mua bán trái phép phương tiện, dụng cụ dùng vào việc sản xuất hoặc sử dụng trái phép chất ma tuý; tội sử dụng trái phép chất ma tuý...
B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ
1. Phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không có các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt
Là trường hợp tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của điều luật, là cấu thành cơ bản của tội phạm, được quy định tại khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự có khung hình phạt từ hai năm đến bảy năm tù, là tội phạm nghiêm trọng.
So với khoản 1 Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về tội phạm này, thì khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn, nhưng Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985, nên hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như đối với các tội phạm khác, khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 1 Điều 197 Bộ luật hình sự, Toà án phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự (từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng quy định tại Điều 48 Bộ luật hình sự, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất trong khung hình phạt ( dưới hai năm tù), nhưng không được dưới ba tháng tù. Nếu có đủ điều kiện quy định tại Điều 60 Bộ luật hình sự thì có thể cho người phạm tội được hưởng án treo. Tuy nhiên, việc cho người phạm tội được hưởng án treo phải rất thận trọng, vì tội phạm này là tội phạm nghiêm trọng, Đặc biệt, trong tình hình hiện nay, khi mà tệ nạn ma tuý đang là vấn đề nhức nhối cho xã hội thì việc cho người phạm tội hưởng án treo phải hết sức chặt chẽ. Thực tiẽn xét xử trong những năm vừa qua rất ít trường hợp Toà án cho người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý được hưởng án treo.
2. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự
a. Phạm tội nhiều lần
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như các trường hợp phạm tội nhiều lần khác.
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy nhiều lần là đã có tất cả hai lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trở lên mà mỗi lần phạm tội đều có đầy đủ yếu tố cấu thành tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, đồng thời trong số các lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đó chưa có lần nào bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
Nếu có hai lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó có một lần chưa tới mức bị truy cứu trách nhiệm hình sự thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần
Nếu có hai lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó đã có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật thì không coi là phạm tội nhiều lần, còn nếu có từ ba, bốn, năm... lần tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trong đó có một lần bị kết án hoặc được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt hoặc đã bị xử phạt hành chính hoặc xử lý kỷ luật, thì vẫn coi là phạm tội nhiều lần vì ít nhất cũng còn hai lần chưa bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
b. Đối với nhiều người
Tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy đối với nhiều người là trường hợp một lần tổ chức cho hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý. Nếu người phạm tội nhiều lần mà mỗi lần tổ chức cho hai người trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý, thì vừa thuộc trường hợp phạm tội nhiều lần vừa phạm tội đối với nhiều người. Ví dụ: Ngày 12-3-2001, Tô Văn M tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cho Trần Văn Q và Hoàng Văn N, đến ngày 18-3-2001, M lại tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cho Mai Ngọc C, Đỗ Văn B và Trịnh Văn T. Như vậy, M vừa phạm tội nhiều lần lại vừa đối với nhiều người.
c. Đối với người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên
Trường hợp phạm tội này là trường hợp tổ chức cho người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý.
Người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi (chưa đủ 18 tuổi), do đó người chưa thành niên từ đủ 13 tuổi trở lên là người từ đủ 13 tuổi đến dưới 18
Khi áp dụng tình tiét này cần phân biệt khái niệm người chưa thành niên với khái niệm trẻ em. Trẻ em cũng là người chưa thành niên, nhưng là người dưới 16 tuổi, còn người chưa thành niên là người dưới 18 tuổi.
Việc xác định tuổi của người sử dụng trái phép chất ma tuý không phụ thuộc vào ý thức chủ quan của người phạm tội mà căn cứ vào tuổi thật của người chưa thành niên. Đây không phải là tình tiết thuộc mặt chủ quan nên dù người phạm tội có nại rằng họ không biết người sử dụng trái phép là người chưa thành niên thì cũng không vì thế mà cho rằng không thuộc trường hợp phạm tội này.
Căn cứ để xác định tuổi thật của người sử dụng trái phép ma tuý là giấy khai sinh và các tài liệu về hộ khẩu, hộ tịch. Trong trường hợp các giấy tờ trên bị thất lạc hoặc không có thì các cơ quan tiến hành tố tụng phải xác minh, điều tra. Nếu sau khi xác minh mà vẫn không xác định được tuổi thật của người sử dụng trái phép chất ma tuý thì áp dụng nguyên tắc có lợi cho người phạm tột, cụ thể là:
Nếu chỉ biết tháng và năm sinh, thì lấy ngày đầu tiên của tháng đó. Ví dụ: A sinh vào tháng 5 năm 1987 thì lấy ngày 1 tháng 5 năm 1987 là ngày sinh của A.
Nếu chỉ biết năm sinh thì lấy ngày đầu tiên của tháng đầu tiên năm đó. Ví dụ: B sinh vào năm 1988 thì lấy ngày 1 tháng 1 năm 1988 là ngày sinh của B.
d. Đối với phụ nữ mà biết là đang có thai
Là trường hợp người phạm tội biết rõ người mình tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý là phụ nữ đang có thai (không kể tháng thứ mấy).
Nếu người phụ nữ sử dụng trái phép chất ma tuý có thai thật, nhưng có căn cứ để xác định người phạm tội không biết họ đang có thai thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Ví dụ: Triệu Quốc H thường xuyên tổ chức cho các con nghiện sử dụng trái phép chất ma tuý, trong đó có Đào Văn T. Một lần, T đưa Trần Thị M đến giới thiệu với H là bạn gái của T và xin H cho M hít Hêrôin. H hỏi M đã dùng ma tuý lần nào chưa, M trả lời là đã dùng một vài lần nhưng mới dùng thuốc phiện còn Hêrôin thì chưa dùng lần nào. H nói với M, Hêrôin mạnh lắm đấy, nhưng M vẫn yêu cầu cho dùng thử. Sau khi hít Hêrôin M bị xốc phải đưa vào Bệnh viện cấp cứu, Bác sỹ xác định M đang có thai tháng thứ 2. Trong trường hợp này, không thể buộc H phải biết M đang có thai vì cái thai ở tháng thứ hai mắt thường không thể biết được, hơn nữa không ai nói cho H biết là M đang có thai.
Ngược lại, trong trường hợp người phụ nữ sử dụng trái phép không có thai, nhưng người phạm tội tin lầm là có thai nên vẫn tổ chức cho họ sử dụng trái phép chất ma tuý thì vẫn bị coi là phạm tội đối với phụ nữ mà biết là có thai. Ví dụ: Nguyễn Thị Th là con nghiện nói dối với Trần Văn T là mình có thai tháng thứ hai, nghe người ta nói muốn phá thai thì dùng một liều ma tuý. T tưởng thật, đã cung cấp cho Th một tép Hêrôin và dặn cách sử dụng. Khi Th đang sử dụng thì bị bắt. Trong trường hợp này mặc dù Th không có thai, nhưng đối với Trần Văn T thì lại tin là Th có thai nên mới cung cấp chất ma tuý cho Th để phá thai, nhưng thực tế Th chỉ nói dối T để T cung cấp chất ma tuý cho M.
Đối với phụ nữ mà biết là có thai là dấu hiệu thuộc ý thức chủ quan của người phạm tội chứ không phải dấu hiệu khách quan như trường hợp phạm tội đối với phụ nữ có thai quy định ở một số tội phạm khác, hay tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự. Trường hợp quy định tại điểm h khoản 1 Điều 48 Bộ luật hình sự chỉ cần xác định người bị hại là phụ nữ có thai là đủ căn cứ xác định là tình tiết tăng nặng rồi không cần phải xác định người phạm tội có biết hay không biết rõ người phụ nữ có thai hay không.
đ. Đối với người đang cai nghiện
Trường hợp phạm tội này là trường hợp người phạm tội tổ chức cho người đang cai nghiện sử dụng trái phép chất ma tuý.
Người đang cai nghiện là người đã nghiện ma tuý đang được cai nghiện ở trong trung tâm cai nghiện hoặc cai nghiện tại nơi ở theo sự chỉ dẫn của cơ quan chuyên môn. Việc đưa người nghiện ma tuý vào các trung tâm cai nghiện có thể theo yêu cầu của gia đình người nghiện, sự tự nguyện của chính bản thân người nghiện hoặc theo quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền.
Người đang cai nghiện là người nghiện ma tuý bắt đầu cai nghiện và chưa kết thúc thời gian cai nghiện, nếu người nghiện ma tuý đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền đưa vào trung tâm cai nghiện nhưng vì lý do khách quan nên chưa vào trung tâm cai nghiện mà tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cho người này thì không thuộc trường hợp phạm tội đối với người đang cai nghiện. Ví dụ: Đinh Văn Th đã có quyết định vào trung tâm cai nghiện của thành phố Hà Nội đẻ cai nghiện, nhưng vì sắp đến tết nguyên đán, nên gia đình Th xin cho Th ở nhà ăn tết xong sẽ đi. Trong những ngày tết nguyên đán, Th và một số con nghiện khác đến nhà Nguyễn Hoàng Đ để tiêm chích ma tuý. Đ đã pha chế ma tuý để chích cho Th và các con nghiện khác. Hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý của Nguyễn Hòng Đ không thuộc trường hợp phạm tội đối với người đang cai nghiện.
Nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý không biết người mà mình đưa chất ma tuý vào cơ thể của họ là người đang cai nghiện thì cũng không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Hoàng Văn H đang cai nghiện tại trung tâm cai nghiện tỉnh L, nhưng H đã bỏ trốn khỏi trung tâm, đến nhà Đào Ngọc M để tiêm chích ma tuý. M không biết H đang cai nghiện ở trung tâm cai nghiện nên đã lấy ma tuý pha chế rồi tiêm chích cho H.
Nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý không cần biết người mà mình đưa chất ma tuý vào cơ thể của họ là người đang cai nghiện hay không miễn mà vẫn tổ chức cho họ sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng sau khi đã giúp họ sử dụng trái phép chất ma tuý mới biết họ đang cai nghiện, thì vẫn bị coi là phạm tội đối với người đang cai nghiện. Ví dụ: Nguyễn Văn X đang cai nghiện tại trung tâm cai nghiện đã bỏ trốn khỏi trung tâm và rủ thêm Nguyễn Văn Q và Khiếu Đức T đến nhà Nguyễn Thị Thu M để tiêm chích ma tuý. M đã lấy ma tuý pha chế và tiêm chích cho X và đồng bọn thì bị bắt. Khi bị bắt, M khai rằng, thị không cần biết ai đang cai nghiện, ai không miễn là có nhu cầu sử dụng chất ma tuý là thị cung cấp và giúp họ sử dụng.
e. Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%
Nói chung, hành vi sử dụng trái phép chất ma tuý dù ít hay nhiều đều gây tổn hại đến sức khoẻ của người sử dụng, nhưng những tổn hại đó khó có thể xác định được mất bao % sức khoẻ.
Trường hợp phạm tội này quy định người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% là trường hợp do tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, nên đã làm cho người sử dụng bị xốc thuốc, bị tai biến phải đưa đi cấp cứu dẫn đến tổn hại sức khoẻ cho người sử dụng. Ví dụ: Nguyễn Trường S là con nghiện đã rủ Nguyễn Quang H và Vũ Khắc T cũng là con nghiện về nhà mình để tiêm chích ma tuý vì H đã chuẩn bị được ma tuý. Q đã pha thuốc phiện và dùng xi lanh chích cho H và T. Nhưng sau khi chích cho T, thì T bị xốc thuốc phải đưa đi bệnh viện cấp cứu. Sau khi điều trị, sức khoẻ của T bị giám sút, giám định thương tật, T bị tổn hại sức khoẻ có tỷ lệ thương tật là 45%.
Khi xác định trường hợp phạm tội này cần chú ý: Nếu hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý không phải là nguyên nhân trực tiếp gây ra tổn hại đến sức khoẻ cho người khác thì không thuộc trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Hồ Thị Tr chiêm chích ma tuý cho Nguyễn Đức D. Sau khi tiêm xong, Tr bảo D nằm nghỉ một rồi hãy về, nhưng D không nghe mà cứ đi xe máy về. Khi ra khỏi nhà Tr được 100 m thì D ngã xe bị gẫy chân có tỷ lệ thương tật là 35%.
Nếu do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nhưng không gây tổn hại cho sức khoẻ cho người sử dụng mà gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác thì người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự trường hợp phạm tội này. Ví dụ: Đăng Xuân Đ pha chế ma tuý để tiêm chích cho con nghiện, nhưng do không thành thạo và không hiểu biết về hoá chất nên gây nổ làm bị thương cháu Đặng Xuân H (con của Đ) mới 6 tháng tuổi làm cháu H bị mù một mắt có tỷ lệ thương tật là 45%.
g. Gây bệnh nguy hiểm cho người khác
Đây là trường hợp do tổ chức sử dụng ma tuý mà người sử dụng hoặc người khác bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng.
Được coi là bệnh nguy hiểm là những bệnh không có khả năng cứu chữa, dễ dẫn đến tử vong hoặc tuy không dẫn đến tử vong nhưng cũng ảnh hưởng nghiêm trong đến sức khoẻ suôt đời. Ví dụ: Quàng Văn C tổ chức tiêm chích ma tuý cho Đỗ Văn Tr và Huỳnh Văn N. Do N bị nhiễm HIV nhưng C vẫn dùng chung kim tiêm cho Tr, nên Tr đã bị lây nhiễm HIV. Tuy nhiên, khi cần xác định người bị nhiễm bệnh và bệnh đó có phải là bệnh nguy hiểm không cần hỏi ý kién của của các cơ sở y tế chuyên khoa.
Khi xác định trường hợp phạm tội này, cần phân biệt với trường hợp lây truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 117 và trường hợp cố ý truyền HIV cho người khác quy định tại Điều 118 Bộ luật hình sự.
Nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý biết mình bị HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác bằng cách tiêm chích ma tuý thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 117 Bộ luật hình sự.
Nếu người tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý biết người khác bị HIV mà cố ý lây truyền bệnh cho người khác bằng cách tiêm chích ma tuý thì thuộc trường hợp quy định tại Điều 118 Bộ luật hình sự. 38
Bệnh nguy hiểm mà người phạm tội gây cho người khác là do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra nhưng về ý thức chủ quan của người phạm tội thì có thể họ không biết là hành vi của mình sẽ gây ra bệnh đó cho người sử dụng trái phép chất ma tuý. Trường hợp phạm tội này không phải là tình tiết thuộc mặt chủ quan mà là tình tiết thuộc mặt khách quan của tội phạm (tình tiết về hậu quả ) và hậu quả này người phạm tội không mong muốn nhưng có thể bỏ mặc hoặc có thể ngoài ý muốn chủ quan (không nhận thức được hậu quả ). Cũng chính vì thế mà nhà làm luật chỉ quy định “gây bệnh” và nếu chưa gây bệnh thì không bị coi là phạm tội trong trường hợp này.
Nếu cố ý gây bệnh ( không phải HIV) cho người khác bằng cách tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, thì ngoài tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, người phạm tội còn bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội cố ý gây tổn cho sức khoẻ của người khác quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự.
h. Tái phạm nguy hiểm
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự trường hợp tái phạm nguy hiểm quy định tại điểm k khoản 2 Điều 193, điểm p khoản 2 Điều 194, điểm g khoản 2 Điều 195, điểm g khoản 2 Điều 196 Bộ luật hình sự, chỉ khác ở chỗ người phạm tội tái phạm nguy hiểm trong trường hợp này là người đã bị kết án về tội rất nghiêm trọng, tội đặc biệt nghiêm trọng do cố ý, chưa được xoá án tích mà lại tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thuộc trường hợp quy định tại khoản 2, khoản 3 hoặc khoản 4 của Điều 197, hoặc đã tái phạm, chưa được xoá án tích mà lại phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy không phân biệt thuộc trường hợp quy định tại khoản nào của Điều 197 Bộ luật hình sự.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.
So với khoản 2 các Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn, nhưng Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985, nên hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 2 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới bảy năm tù nhưng không được dưới hai năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 2 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt (mười lăm năm tù).
3. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự
a. Gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên hoặc gây chết người
Trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật, chỉ khác ở chỗ tỷ lệ thương tật mà người phạm tội gây ra cho người khác là từ 61% trở lên.
Trường hợp gây hậu quả chết người cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác nhưng chỉ khác là hậu quả của hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra hậu quả chết người chứ không phải chỉ gây thương tích. Ví dụ: Phạm Thanh B và Trương Công V đều là con nghiện. Ngày 13-2-2001, V rủ B về nhà mình để tiêm chích ma tuý. Khi về tới nhà, V lấy Hê rô in đã chuẩn bị từ trước ra pha với thuốc Dolagang rồi chích cho B. V vừa rút kim tiêm ra khỏi tay của B thì thấy B sùi bọt mét, mắt trợn ngược, V hoảng hốt đưa B vào bênh viện cấp cứu nhưng trên đường đi B đã chết.
Cũng như đối với trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác, cái chết của nạn nhân là ngoài sự mong muốn của người phạm tội. Nếu người phạm tội mong muốn cho người mà mình tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chết thì hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chỉ là thủ đoạn giết người và người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội giết người quy định tại Điều 93 Bộ luật hình sự .39
b. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm e khoản 2 của điều luật, chỉ khác nhau ở chỗ phải có từ hai người bị tổn hại đến sức khoẻ mà mỗi người đều có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
Hai người trở lên bị tổn hại đến sức khoẻ đều do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 của điều luật. Nếu có hai người bị tổn hại đến sức khoẻ nhưng chỉ có một người do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây nên thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự theo điểm e khoản 2 của điều luật và thêm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự hoặc tội vô ý gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy dịnh tại Điều 108 hoặc 109 Bộ luật hình sự.
Vấn đề đặt ra cần giải quyết là: Vậy có nhiều người bị tổn hại đến sức khoẻ nhưng chỉ có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn những người khác có tỷ lệ thương tật dưới 31% hoặc trên 61% thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội như thế nào ?
Trước hết, đối với trường hợp chỉ có một người bị tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn những người khác cũng bị tổn hại đến sức khoẻ nhưng tỷ lệ thương tật dưới 31% thì người phạm tội không bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 của điều luật mà chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm e khoản 2 của điều luật.
Tuy nhiên, cũng có ý kiến cho rằng: Nếu chỉ có hai người bị tổn hại đến sức khoẻ, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% thì việc truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo điểm e khoản 2 của điều luật là đúng, nhưng nếu có từ 3 người trở lên bị tổn hại đến sức khoẻ, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn những người còn lại tuy tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 31% đến 60% thì người phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 của điều luật không ?
Đây là vấn đề khá phức tạp và chưa được các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền hướng dẫn cụ thể, nhưng theo chúng tôi, nếu có từ ba người trở lên bị tổn hại đến sức khoẻ, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn những người còn lại tuy tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 31% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 31% đến 60% thì người phạm tội phải bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 3 của điều luật. có như vậy thì mới bảo đảm tính công bằng của pháp luật.
Trường hợp có hai người bị tổn hại đến sức khoẻ, trong đó chỉ có một người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%, còn một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên thì người phạm tội cũng chỉ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 3 Điều 197. Tuy nhiên có ý kiến cho rằng, trong trường hợp này người phạm tội bị áp dụng 2 tình tiết là yếu tố định khung hình phạt đó là: điểm e khoản 2 và điểm a khoản 3 của điều luật. ý kiến này không sai, nhưng theo chúng tôi là không cần thiết vì hai điểm này quy định ở hai khung hình phạt khác nhau. Tuy nhiên, khi quyết định hình phạt thì Toà án cần phải cân nhắc cả trường hợp gây tổn hại đến sức khoẻ của người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%.
c. Gây bệnh nguy hiểm cho nhiều người
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây bệnh nguy hiểm cho người khác, chỉ khác ở chỗ trong trường hợp này có từ hai người trở lên bị gây bệnh nguy hiểm. Khác với trường hợp gây tổn hại đến sức khoẻ, nhiều người bị gây bệnh nguy hiểm là có từ hai người trở lên và tất cả đều bị gây bệnh nguy hiểm. Tuy nhiên nếu có từ ba người trở lên bị gây bệnh, thì chỉ cần có hai người bị gây bệnh nguy hiểm là người phạm tội đã bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm c khoản 3 của điều luật mà không nhất thiết phải tất cả đều bị gây bệnh nguy hiểm. Nếu có nhiều người bị gây bệnh nhưng chỉ có một người bị bệnh nguy hiểm thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại điểm g khoản 2 của điều luật. Trường hợp này không thể cộng các bệnh không nguy hiểm của nhiều người để thành bệnh nguy hiểm của một người được.
d. Đối với trẻ em dưới 13 tuổi
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp quy định tại điểm c khoản 2 của điều luật, chỉ cần xác định tuổi thật của người sử dụng chất ma tuý mà không cần phải xác định ý thức chủ quan của người phạm tội có biết người mà họ tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý dưới 13 tuổi hay không.
Theo Điều 1 Luật bảo vệ và chăm sóc trẻ em, thì trẻ em là người chưa thành niên dưới 16 tuổi, nhưng chỉ trẻ em dưới 13 bị tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm d khoản 3 của điều luật.
Việc xác định tuổi của người sử dụng trái phép chất ma tuý cũng tương tự như trường hợp quy định tại tại điểm g khoản 2 của điều luật. Nếu đã làm hết cách mà không xác định được tuổi thật của người sử dụng trái phép chất ma tuý thì xác định theo nguyên tắc có lợi cho người phạm tội.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù từ mười lăm năm đến hai mươi năm, là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. So với khoản 3 các Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn mà cũng không nặng hơn, nhưng Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985, nên hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới mười lăm năm tù nhưng không được dưới bảy năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 3 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt ( hai mươi năm tù).
4. Phạm tội thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự
a. Gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên
Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người mà tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% quy định tại điểm b khoản 3 của điều luật, chỉ khác nhau ở chỗ, tỷ lệ thương tật của nhiều người từ 61% trở lên.
Cũng như trường hợp quy định tai điểm b khoản 3 của điều luật, hai người trở lên bị tổn hại đến sức khoẻ có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên phải đều do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra thì người phạm tội mới bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo đipha a khoản 4 của điều luật. Nếu chỉ có một người bị tổn hại sức khoẻ có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây nên thì không thuộc trường hợp phạm tội này mà tuỳ trường hợp cụ thể người phạm tội bị truy cứu trách nhiệm hình sự hình sự theo điểm b khoản 3 của điều luật và thêm tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 104 Bộ luật hình sự hoặc tội vô ý gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác quy dịnh tại Điều 108 hoặc 109 Bộ luật hình sự.
Cũng như trường hợp quy định tại điểm b khoản 3 của điều luật, nếu chỉ có hai người bị tổn hại đến sức khoẻ, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trử lên, thì chỉ truy cứu trách nhiệm hình sự người phạm tội theo điểm b khoản 3 của điều luật, nếu có từ 3 người trở lên bị tổn hại đến sức khoẻ, trong đó có một người có tỷ lệ thương tật từ 61% trở lên, còn những người còn lại tuy tỷ lệ thương tật của mỗi người chưa đến 61% nhưng tổng tỷ lệ thương tật của nhiều người cộng lại từ 61% thì người phạm tội có bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm a khoản 4 của điều luật.
b. Gây chết nhiều người hoặc gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác.
Gây chết nhiều người là trường hợp do tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý mà gây chết từ hai người trở lên. Việc xác định có hai người trở lên bị chết do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cũng cần phân biệt hai trường hợp:
Trường hợp có hai người bị chết do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý đều là người do sử dụng trái phép chất ma tuý mà chết không khó khăn bằng trường hợp chỉ có một người chết do sử dụng trái phép chất ma tuý còn những người khác bị chết không phải vì họ sử dụng chất ma tuý.
Ví dụ: Trần Văn Đ tổ chức tiêm chích ma tuý cho Đinh Công H, Trần Ngọc S và Vi Văn D. Do không biết hết tính năng tác dụng của loại ma tuý nên sau khi Đ tiêm chích cho ba người, thì Đinh Công H bị xốc thuốc chết ngay tại chỗ, còn Trần Ngọc S và Vi văn D phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, trên đường đi bị tai nạn ô tô làm cho Vi Văn D bị chết, còn Trần Ngọc S bị thương nặng có tỷ lệ thương tật 50%.
Trong trường hợp trên, đối với cái chết của Đinh Công H rõ ràng là do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý của Trần Công Đ gây nên, nhưng đối với cái chết của Vi Văn D và thương tích của Trần Ngọc S, nếu lập luận rằng, do Trần Văn Đ tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nên D và S phải đi bệnh viện cấp cứu và vì phải đi cấp cứu nên mới bị chết và bị thương thì hành vi phạm tội của Trần Văn Đ thuộc trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật. Nhưng nếu lập luận nguyên nhân trực tiếp gây ra cái chết cho Vi Văn D, gây thương tích cho Trần Ngọc S là do tai nạn giao thông, còn hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý của Trần Văn Đ chỉ là điều kiện dẫn đến cái chết cho D và thương tích cho S, chứ không phải là nguyên nhân nên Đ không chịu trách nhiệm.
Chúng tôi đồng tình với quan điểm thứ hai, vì hành vi của Đ chỉ là điều kiện chức không phải nguyên nhân nên không phải chịu trách nhiệm về hậu quả gây ra. Vì vậy, khi xác định trường hợp phạm tội này cần chú ý: Chỉ những người chết do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý trực tiếp gây ra mới thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 4 điều luật. Tuy nhiên, nếu hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý chưa gây ra chết ngay cho ngường sử dụng chất ma tuý mà sau đó một thời gian người sử dụng chất ma tuý mới bị tử vong do chính hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, thì người phạm tội vẫn bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo điểm b khoản 4 của điều luật. Ví dụ: Trần Phương N tổ chức tiêm chích ma tuý cho Hoàng Công Th, Bùi Văn H và Triệu Sỹ B. Do dùng quá liều nên Bùi Văn H và Triệu Sỹ B bị xốc thuốc phải đưa vào bệnh viện cấp cứu, sau 10 ngay thì B bị chết và sau 15 ngày H cũng tử vọng.
Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác là trường hợp ngoài hậu quả chết hai người còn gây ra những hậu quả khác và hậu quả này được coi là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng. Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra được coi tương đương với hậu quả gây chết nhiều người, nên khi xác định hậu quả đặc biệt nghiêm trọng cũng cần phải đánh giá tương ứng với hậu quả gây chết hai người.
Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra có thể là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại khác cho xã hội.
Cho đến nay, chưa có hướng dẫn về tình tiết gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây ra, mặc dù đối với các tội phạm về ma tuý các cơ quan bảo vệ pháp luật ở trung ương đã có nhiều văn bản hướng dẫn, nhưng tình tiết này đến nay vẫn còn bỏ ngỏ. Mặt khác thực tiễn xét xử cũng chưa có trường hợp nào xảy ra cần phải xác định tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
Tuy nhiên căn cứ vào các quy định của pháp luật, đối chiếu với các tình tiết khác quy định tại Điều 197 Bộ luật hình sự, theo chúng tôi có thể coi các thiệt sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý gay ra:
- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của hai người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người trên 61%;
- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của một người có tỷ lệ thương tật trên 61% và hai người có tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60%;
- Làm chết một người và còn gây tổn hại cho sức khoẻ của bốn người mà tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;
- Tổ chức cho nhiều trẻ em dưới 13 tuổi sử dụng trái phép chất ma tuý hoặc rất nhiều người chưa thành niên từ 13 tuổi trở lên sử dụng trái phép chất ma tuý.
Ngoài những thiệt hại về về tính mạng, sức khoẻ có thể xác định được như đã nêu trên, còn những thiệt hại phi vật chất như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối, chính sách của Đảng và Nhà nước; gây ảnh hưởng rất xấu đến an ninh, trật tự an toàn xã hội; gây hoang mang cho rất nhiều người trên một địa bàn nhất định. v.v... Những thiệt hại phi vật chất, đòi hỏi cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng phải căn cứ vào từng vụ án cụ thể, trong một hoàn cảnh cụ thể, xảy ra ở một địa bàn cụ thể, mới có thể xác định được chính xác.
Phạm tội thuộc các trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự thì người phạm tội bị phạt tù hai mươi năm, tù chung thân hoặc tử hình, cũng là tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.
So với khoản 4 các Điều 185i Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 4 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 nhẹ hơn, vì khoản 4 Điều 185i có mức thấp nhất của khung hình phạt là chung thân, còn khoản 4 Điều 197 có mức thấp nhất của khung hình phạt là hai mươi năm tù, Mặt khác, Điều 197 so với Điều 185i là điều luật nhẹ hơn, vì vậy hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma túy xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới xử lý thì được áp dụng khoản 3 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.
Cũng như các trường hợp phạm tội khác, ngoài việc căn cứ vào các quy định của Bộ luật hình sự về quyết định hình phạt, nếu người phạm tội chỉ thuộc một trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật, có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, Toà án có thể phạt dưới hai mươi năm tù nhưng không được dưới mười lăm năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật. Nếu người phạm tội thuộc nhiều trường hợp quy định tại khoản 4 của điều luật, có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ, thì bị phạt mức cao của khung hình phạt ( tử hình). Thực tiễn xét xử trong những năm qua, chưa có trường hợp nào Toà án phạt tử hình đối với người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý, nhưng không phải vì vậy mà hình phạt tử hình không còn cần thiết đối với người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý nữa, vì trong tình hình hiện nay tệ nạn ma tuý ngày càng gia tăng và diễn biến rất phức tạp. Tuy chưa phát hiện được những vụ tổ chức sử dụng trái phép ma tuý lớn và gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng, nhưng đối với ma tuý thì không có chuyện gì mà không có thể xảy ra.
5. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội
Ngoài hình phạt chính người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý còn có thể bị phạt tiền từ năm mươi triệu đồng đến năm trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ một năm đến năm năm.
So với Điều 185(o) Bộ luật hình sự năm 1985 quy định hình phạt bổ sung đối với tội phạm này, nếu chỉ căn cứ vào mức tiền phạt, thì khoản 5 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 nặng hơn, vì mức phạt tiền quy định tại Điều 185(o) từ hai mươi triệu đến năm trăm triệu đồng, còn mức phạt tiền quy định tại khoản 5 Điều 197 là từ năm mươi triệu đến năm trăm triệu đồng. Tuy nhiên, việc áp dụng hình phạt bổ sung quy định tại Điều 185(o) là bắt buộc, còn khoản 5 Điều 197 việc áp dụng hình phạt bổ sung có thể áp dụng hoặc không áp dụng, Vì vậy, khi áp dụng hình phạt bổ sung đối với người phạm tội tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý cần chú ý:
Nếu áp dụng hình phạt tiền thì không được áp dụng khoản 5 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với hành vi phạm tội thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý, nhưng lại được áp dụng khoản 5 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 để quyết định việc có áp dụng hình phạt tiền đối với người phạm tội hay không ?
Đối với hình phạt quản chế hoặc cấm cư trứ thì được áp dụng khoản 5 Điều 197 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với hành vi tổ chức sử dụng trái phép chất ma tuý thực hiện trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sai 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới phát hiện và xử lý.
---
Chú giải
37 XemThông tư liên tịch SỐ 02/1998/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BCA ngày 5 tháng 8 năm 1998 của Toà án nhân dân tối cao-Viện Kiểm sát nhân dân tối cao-Bộ Công an hướng dẫn áp dụng một số quy định tại ChươngVIIA về các tội phạm về ma tuý của Bộ Luật hình sự năm 1985 (Phần phụ lục)
38 Xem Đinh Văn Quế“Bình luận Bộ luật hình sự .phần các tội phạm, Tập 1. các tội xâm phạm tính mạng,sức khoẻ,nhân phẩm, dannh dự của con người” NXB T.p Hồ Chí Minh năm 2002.
39 Xem Đinh Văn Quế “Bình luận Bộ luật hình sự .phần các tội phạm, Tập 1. các tội xâm phạm tính mạng,sức khoẻ,nhân phẩm, dannh dự của con người” NXB T.p Hồ Chí Minh năm 2002.
No comments:
Post a Comment