24/08/2014
Hãy xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung - Bài tập học kì Luật hôn nhân và gia đình
A.Đặt vấn đề

Tình trạng nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng kí kết hôn là một hiện tượng đã và đang tồn tại trong xã hội ta như một hiện thực khách quan. Hiện tượng này phát sinh và tồn tại trước hết chịu sự tác động bởi các ảnh hưởng của nền kinh tế thị trường, của lối sống phương tây, của quan niệm tự do các nhân trong thế hệ trẻ, của trình độ dân trí và ý thức pháp luật trong một bộ phận nhân dân. Trên thực tế, việc “kết hôn” không đăng kí sẽ làm nảy sinh nhiều vấn đề phức tạp như sau một thời gian chung sống, các bên đã có con chung, tài sản chung thì giữa họ phát sinh mâu thuẫn và yêu cầu ly hôn. Vì vậy em lựa chọn đề tài “ Hãy xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung” để nghiên cứu.

B.Giải quyết vấn đề

I.Khái quát chung về nam nữ chung sống như vợ chồng

1.Khái niệm về nam nữ chung sống như vợ chồng

Hiện nay, tồn tại nhiều cách hiểu về “nam nữ chung sống như vợ chồng”.Theo quy định tại điểm d mục 2 Thông tư liên tịch của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm 0sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp số 01/2001/TTLT-TANDTC-VKSNDTC-BTP ngày 03 tháng 1 năm 2001 thì “ được coi là nam nữ chung sống như vợ chồng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau

- Việc nam nữ về chung sống với nhau được gia đình ( một trong hai bên) chấp nhận

- Việc nam nữ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến

- Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”

Dưới góc độ pháp lí thì:

“ Nam nữ chung sống như vợ chồng” là trường hợp nam nữ có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng không đăng kí kết hôn. Về nguyên tắc pháp luật không công nhận trường hợp này là vợ chồng. Tuy nhiên, trên thực tế, các bên nam nữ vẫn chung sống với nhau như vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội.

2. Đặc điểm của nam nữ chung sống như vợ chồng

- Nam nữ có đủ điều kiện kết hôn nhưng chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn

Trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng, hai bên nam nữ có đủ điều kiện kết hôn. Theo quy định tại Điều 9 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì nam nữ kết hôn với nhau phải tuân thủ các điều kiện sau:

Thứ nhất là điều kiện về tuổi kết hôn. Trên cơ sở sự phát triển tâm sinh lí của con người, các điều kiện kinh tế xã hội ở nước ta, pháp luật hôn nhân và gia đình quy định nam từ hai mươi tuổi trở lên, nữ từ mười tám tuổi trở lên.


Thứ hai là phải có sự tự nguyện của các bên. Việc kết hôn do nam và nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được éo buộc, lừa dối bên nào; không ai được cưỡng ép hoặc cản trở.

Thứ ba là việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn như cấm kết hôn với người đang có vợ hoặc có chồng; người mất năng lực hành vi dân sự; giữa những người cùng dòng máu về trực hệ, giữa những người có họ trong phạm vi ba đời; giữa cha, mẹ nuôi với con nuôi; giữa người đã từng là cha, mẹ nuôi với con nuôi, bố chồng với con dâu, mẹ vợ với con rể. bố dượng với con riêng của vợ, mẹ kế với con riêng của chồng; giữa những người cùng giới tính

Tuy nhiên xuất phát từ một vài lí do mà các bên không tiến hành đăng kí kết hôn. Ví dụ như ở các tỉnh miền núi, do phong tục tập quán,kết hôn chỉ cần sự chứng kiến của già làng nên việc đăng kí kết hôn khi lấy vợ lấy chồng vẫn chưa được người dân biết đến và quan tâm. Hoặc ở thành phố với lối sống “ nhà nào biết nhà đấy” và do sự ảnh hưởng mạnh mẽ của tư tưởng tự do cá nhân đã tạo điều kiện cho việc nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng kí kết hôn diễn ra phổ biến. Đây chính là một đặc điểm cơ bản để phân biệt với trường hợp nam nữ không đủ điều kiện kết hôn trái pháp luật. 

Đối với các trường hợp nam nữ không đủ điều kiện kết hôn hoặc kết hôn trái pháp luật, các bên nam nữ đều không đủ điều kiện kết hôn có thể là về độ tuổi, về ý chí tự nguyện hoặc vi phạm điều cấm của xã hội mà không thế đăng kí kêt hôn hoặc mặc dù có đăng kí kết hôn nhưng cũng không được công nhận là vợ chồng. Còn trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng, hai bên nam nữ không hề vi phạm những điều kiện về kết hôn theo quy định của pháp luật. Về nội dung giữa hôn nhân hợp pháp với và nam nữ chung sống như vợ chồng không có sự khác nhau. Chính vì vậy, hành vi chung sống như vợ chồng của hai bên là hoàn toàn không vi phạm pháp luật.

Về mặt hình thức, nam nữ chung sống như vợ chồng là trường hợp nam nữ chung sống nhưng giữa họ không có Giấy chứng nhận kết hôn do cơ quan đăng kí kết hôn cấp. Điều đó có nghĩa là giữa họ trong quan hệ hôn nhân không có chứng cứ về mặt pháp lí để khẳng định họ là vợ chồng. Theo quy định của pháp luật, nam nữ chung sống như vợ chồng không được công nhận là vợ chồng. Nếu đem so sánh với hôn nhân có đăng kí thì đây là điểm khác biệt cơ bản.

-Trong thời gian chung sống như vợ chồng , hai người thực sự coi nhau là vợ chồng. Đây là điểm có thế giúp ta phân biệt với trường hợp nam nữ chung sống tạm bợ. Như đã nói ở trên,về mặt pháp lí, nam nữ chung sống như vợ chồng không đăng kí kết hôn không được pháp luật công nhận là vợ chồng. Nhưng trên thực tế bản thân họ đã và đang chung sống với nhau như vợ chồng, thực sự coi nhau là vợ chồng và thực hiện đầy đủ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau. Tuy nhiên để đánh giá việc hai người có coi nhau là vợ chồng hay không là thực sự phức tạp. Bởi lẽ đây là vấn đề thuộc ý thức chủ quan của con người. Để nhận biết điều đó thực sự là rất khó khăn. Đã có không ít trường hợp sau một thời gian chung sống, một trong hai người không muốn tiếp tục sống chung rồi đi chung sống hoặc kết hôn với người khác. Biện minh cho hành vi của mình, họ cho rằng họ chưa  bao giờ coi người kia là vợ là chồng, cuộc sống trước đây chỉ là tạm bợ.Do đó, chỉ có tình cảm và cách cư xử trong cuộc sống của họ với nhau khi chung sống mới là cơ sở để khẳng định điều đó.

-Khi bắt đầu chung sống, hai người muốn chung sống lâu dài và ổn định. Đây là đặc diểm đề phân biệt với khái niệm “ hôn  nhân thử nghiệm” mà trong những năm gần đây chúng ta có thể nghe thấy ở rất nhiều nơi. Đối với những cuộc “hôn nhân thử nghiệm” , trước khi chung sống, các bên thỏa thuận sẽ  “ thử” chung sống như vợ chồng, “ thử” thực hiện các quyền và nghĩa vụ là vợ chồng. Nếu sau một thời gian chung sống, các bên thấy phù hợp thì sẽ tiến hành đăng kí kết hôn, nếu không hợp thì các bên “ đường ai nấy đi”. Còn trong trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng, do hai bên mong muốn xây dựng một gia đình hạnh phúc nên ngay từ khi bắt đầu chung sống, họ đã có ý định gắn bó lâu dài với nhau. Song trên thực tiễn, việc xác định sự khác nhau về mặt tâm lí và mục đích của hôn nhân thử nghiệm và trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng là không đơn giản. Do đó cần căn cứ vào hoàn cảnh trong từng tình huống cụ thế.

II. Quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung

1.Trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 3/1/1987 ( ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực)

Theo quy định tại điểm a khoản 3 Nghị quyết số 35/2000/QH10 thì đối với quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03-01-1987 mà chưa đăng kí kết hôn thì được khuyến khích đăng kí kết hôn. Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi trong viêc đăng kí kết hôn, không hạn chế về mặt thời gian và được miễn lệ phí đăng kí kết hôn.

Trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì Tòa án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.

-Quyền và nghĩa vụ về nhân thân:

Theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm hai bên nam nữ chung sống với nhau, họ phải gắn bó với nhau bằng các quy định của pháp luật về quyền và nghĩa vụ nhân thân giữa vợ chồng. Họ phải chung thủy, thương yêu, chăm sóc, quý trọng lẫn nhau, giúp đỡ nhau cùng tiến bộ, cùng nhau xây dựng gia đình ấm no, hạnh phúc. Một trong hai bên không được phép kết hôn hoặc chung sống với người khác.Nếu giữa họ phát sinh mâu thuẫn và yêu cầu chấm dứt quan hệ hôn nhân thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn để giải quyết.


-Quyền và nghĩa vụ về tài sản
Theo quy định của pháp luật, kể từ thời điểm hai bên nam nữ chung sống với nhau giữa họ phát sinh quyền sở hữu chung hợp nhất về tài sản. Tài sản chung của vợ chông gồm tài sản do vợ hoặc do chồng tạo ra, thu nhập về nghề nghiệp và những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng trong thời kì hôn nhân, tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc được cho chung. Theo đó, kể từ thời điểm bắt đầu cuộc sống chung vợ chồng, mọi thu nhập về nghề nghiệp không phân biệt mức thu nhập của người này cao, mức thu nhập của người kia thấp, mọi tài sản mà vợ hoặc chồng tạo ra, những thu nhập hợp pháp khác của vợ chồng, những tài sản mà vợ chồng được tặng cho chung, được thừa kế chung, những tài sản riêng mà vợ, chồng nhập vào khối tài sản chung,,, đều là tài sản chung của vợ chồng, Vợ chồng bình đẳng với nhau trong việc chiếm hữu, sử dụng, định đoạt tài sản chung. Trên cơ sở đó, trong trường hợp phải chia tài sản chung hợp nhất thì vợ chồng đều bình đẳng, được hưởng phần tài sản ngang bằng nhau trong khối tài sản chung.

-Đối với vấn đề cấp dưỡng: Trong trường hợp vợ chồng yêu cầu ly hôn thì vấn đề cấp dưỡng được đặt ra khi thỏa mãn các điều kiện của cấp dưỡng. Nếu một bên túng thiếu yêu cầu cấp dưỡng thì bên kia phải cấp dưỡng theo khả năng của mình. Như vậy, cấp dưỡng là nghĩa vụ gắn liền với nhân thân vợ chồng, không thể chuyển giao cho người khác.


-Quyền và nghĩa vụ đối với con chung

Cha mẹ có đầy đủ nghĩa vụ đối với con chung theo quy định của pháp luật. Cha mẹ bình đẳng với nhau trong mối quan hệ với con. Cha mẹ có nghĩa vụ chăm sóc yêu thương nuôi dưỡng, giáo dục các con trở thành những người công dân có ích cho xã hội. Trong trường hợp cha, mẹ không trực tiếp nuôi con thì phải có nghĩa vụ đóng phí tổn nuôi con. Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền quản lý tài sản của con, chịu trách nhiệm về những hành vi trái pháp luật của con, phải bồi thường thiệt hại cho con theo quy định của pháp luật. Trong mối quan hệ giữa cha mẹ và con, pháp luật không có quy định nào khác biệt giữa trường hợp hôn nhân hợp pháp và hôn nhân trái pháp luật bởi vì con cái không phải chịu trách nhiệm về những hành vi vi phạm của cha mẹ chúng trong việc xác lập quan hệ hôn nhân. Mặt khác, xuất phát từ nguyên tắc bảo vệ quyền lợi cha mẹ và con, các quy định về quyền lợi và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con không thể hiện sự phân biệt đối xử giữa con trong giá thú và con ngoài giá thú.

2. Trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001

Trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 3/1/1987 đến ngày 1/1/2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 thì có nghĩa vụ đăng kí kết hôn trong thời hạn hai năm kể từ ngày Luật Hôn nhân và gia đình có hiệu lực cho đến ngày 01/01/2003.

Trong thời hạn này mà họ không đăng kí kết hôn nhưng có yêu cầu ly hôn thì Tòa án áp dụng các quy định về ly hôn để giải quyết. Từ sau ngày 01/01/2003 mà họ không đăng kí kết hôn thì pháp luật không công nhận là vợ chồng.Kể từ sau ngày 01/01/2003 họ mới đăng kí kết hôn thì quan hệ vợ chồng của họ được xác lập kể từ ngày họ đăng kí kết hôn.Nếu sau đó có yêu cầu ly hôn thì Tòa án giải quyết theo thủ tục ly hôn ( Mục 2 điểm c Thông tư liên tịch số 01/2000/TTLT – TANDTC – VKSNDTC – BTP ngày 03/01/2001)

Như vậy, khác với trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng trước ngày 3-1-1987 từ ngày 3-1-1987 các bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà vi phạm thủ tục đăng kí kết hôn thì “buộc phải đăng kí kết hôn” và đăng kí “ trong thời hạn hai năm kể từ ngày 01/01/2001  đến ngày 01/01/2003”. Trong thời hạn các bên nam nữ có nghĩa vụ đăng kí kết hôn, chúng ta vẫn thừa nhận quan hệ  “hôn nhân thực tế” cho các trường hợp chưa đăng kí kết hôn. Đây cũng chính là cách giải quyết linh động nhằm bảo vệ quyền lợi cho các bên nam nữ song vẫn đảm bảo tính thống nhất của quy định “ buộc các bên phải đăng kí kết hôn”. Bởi vì nếu hết thời hạn quy định nói trên mà họ không đăng kí kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng.

3. Trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng kể từ ngày 01/01/2001 trở đi

Nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn kể từ ngày 01/01/2001.Theo điểm 3 khoản c Nghị quyết số 35 của Quốc hội:

Kể từ ngày 01/01/2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì tòa án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; Nếu có yêu cầu về con cái, tài sản thì áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.
Như vậy, theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 việc kết hôn không đăng kí không được thừa nhận. Điều này, thể hiện thái độ kiên quyết của nhà nước ta trong việc chấm dứt tình trạng “ hôn nhân thực tế”.Quy định này là đúng đắn và phù hợp bởi vì mọi quy định của pháp luật đều phải được tuân thủ một cách chặt chẽ, có như vậy mới đảm bảo tính pháp chế xã hội chủ nghĩa.
Về hậu quả pháp lý của việc xác lập quan hệ hôn nhân không đăng kí kết hôn.

Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 không thừa nhận việc kết hon không đăng kí. Theo đó, trường hợp các bên xác lập quan hệ vợ chồng nhưng không đăng kí khi có yêu cầu ly hôn Tòa án sẽ thực hiện biện pháp:
“Tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng”. Đây là một điểm khác so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986. Bởi vì, theo Luật Hôn nhân và gia đình 1986 các bên xác lập quan hệ vợ chồng mà không đăng kí kết hôn thì khi có yêu cầu tòa án áp dụng biện pháp xử hủy việc kết hôn trái pháp luật. Nhưng theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, kết hôn trái pháp luật là trường hợp các bên nam nữ kết hôn có đăng kí nhưng vi phạm điều kiện kết hôn theo luật định. Vì thế, Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định hậu quả pháp lý của việc kết hôn trái pháp luật. Tòa án áp dụng quy định này để giải quyết vấn đề tài sản và con chung cho các bên nam nữ xác lập quan hệ hôn nhân không đăng kí khi có yêu cầu.

Như vậy, từ ngày 01/01/2001 nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn hoặc theo nhưng trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng sau ngày 01/01/1987 đến ngày Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 có hiệu lực mà không đăng kí kết hôn theo quy định của pháp luật thì quan hệ hôn nhân của họ không có giá trị pháp lý. Nếu có yêu cầu giải quyết vấn đề ly hôn tòa án sẽ áp dụng các quy định của pháp luật hiện hành và giải quyết như sau:

-Về mặt nhân thân: Tòa án sẽ tuyên bố không công nhận họ là vợ chồng kể từ thời điểm đó họ phải chấm dứt việc chung sống như vợ chồng.

-Về tài sản:

Nếu các bên yêu cầu giải quyết vấn đề tài sản, tòa áp dụng khoản 3 Điều 17 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết như sau:

Tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc về người đó, đương nhiên người có tài sẵn có nghĩa vụ chứng minh tài sản đó thuộc sở hữu riêng của mình. Trên cơ sở đó tòa án sẽ giải quyết việc bảo vệ quyền lợi cho người có tài sản riêng.

Đối với tài sản chung, tài sản chung được chia theo sự thỏa thuận của các bên. Trong trường hợp này, Tòa án sẽ công nhận sự thỏa thuận của các đương sự. Khi các bên không thỏa thuận được và yêu cầu tòa án giải quyết, Tòa án sẽ chia tài sản chung cho hai bên có tính đến “ công sức đóng góp của mỗi bên”. Rõ ràng, tài sản chung của hai bên nam nữ ở trong trường hợp này không phải là “ chia đôi một cách bình đẳng” mà “ dấu hiệu” về mặt công sức đóng góp của hai bên vào khối tài sản chung là căn cứ quan trọng để chúng ta giải quyết việc chia. Tuy nhiên không chỉ căn cứ vào công sức đóng góp của mỗi bên mà phải xem xét đến nguyên tắc bảo vệ quyền và lợi ích chính đáng của phụ nữ và con: Theo quy định của Điều 17 khoản 3 thì quyền lợi của phụ nữ và con được  “ưu tiên” bảo vệ.

-Đối với con chung 

Khoản 2 Điều 17 quy đinh: “ Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn”.

Theo đó, đối với trường hợp xác lập quan hệ vợ chồng nhưng không đăng kí kết hôn thì quyền lợi của các con cũng được pháp luật bảo vệ giống như khi cha mẹ ly hôn. Vì vậy, khi hai bên nam nữ bị Tòa án tuyên không công nhận là vợ chồng thì họ vẫn phải có nghĩa vụ đối với con chung. Hai bên có thể thỏa thuận về việc nuôi dưỡng con, đóng phí tổn nuôi con. Nếu hai bên không thỏa thuận được tòa án sẽ quyết định giao đứa trẻ cho một trong hai người trực tiếp nuôi dậy, người kia phải đóng phí tổn nuôi con theo quy định của pháp luật. Trường hợp con nuôi dưới 3 tuổi, Tòa án sẽ giao cho người mẹ nuôi.

Như vậy, có thể nói giải quyết về mặt pháp luật vấn đề “ hôn nhân thực tế” là quy định quan trọng và cần thiết, tạo cơ sở pháp lý để chúng ta bảo vệ quyền lợi cho các bên đương sự khi phát sinh tranh chấp. Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000.


C.Kết thúc vấn đề

Nam nữ chung sống như vợ chồng đang là vấn đề rất phổ biến ở nước ta hiện nay. Việc hiểu rõ quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản trong trường hợp này càng cần thiết, đặc biệt trong trường hợp nam nữ muốn chấm dứt việc chung sống này. Do còn hạn chế về kiến thức nên bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót, mong nhận được ý kiến đóng góp từ thầy cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn. 

Em xin chân thành cảm ơn!

Danh mục tài liệu tham khảo

1. Giáo trình Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Trường Đại học Luật Hà Nội,Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội – 2009

2. Bộ môn Luật Hôn nhân và gia đình, “Giải quyết “hôn nhân thực tế” theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000”, Đề tài khoa học cấp trường, Trường Đại học Luật Hà Nội, 2003

3. Vấn đề nam nữ chung sống như vợ chồng dưới góc độ bảo vệ phụ nữ và trẻ em, Khóa luận tốt nghiệp, Lê Thị Thu Trang.

No comments:

Post a Comment