24/08/2014
Hãy xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung - Bài tập học kì luật hôn nhân và gia đình
MỞ BÀI

Ngày nay, các mối quan hệ ngày càng được mở rộng, các quan niệm xã hội cũng thoáng hơn vì vậy mà xuất hiện hiện tượng nam – nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khá phổ biến. Vấn đề phát sinh đó là việc xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản như thế nào cho thỏa đáng và đúng theo luật định khi hai bên nam – nữ mong muốn chấm dứt việc sống chung. Xuất phát từ nhận thức ấy, em xin trình bày bài tập lớn học kì với đề tài: “Hãy xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung”.

NỘI DUNG

I. Tìm hiểu chung về vấn đề nam - nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn

1. Khái niệm kết hôn

Hôn nhân là cơ sở hình thành gia đình - tế bào của xã hội. “Gia đình tốt thì xã hội mới tốt, xã hội tốt thì gia đình càng tốt hơn” . Để củng cố chế độ hôn nhân và đề ra những biện pháp nhằm làm ổn định quan hệ này, Nhà nước ta đã quy định tại Điều 64 Hiến pháp năm 1992: “Nhà nước bảo hộ hôn nhân và gia đình...” Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định rõ: “Kết hôn là việc nam nữ xác lập quan hệ vợ chồng theo quy định của pháp luật về điều kiện kết hôn và đăng kí kết hôn” . Có thể hiểu một cách đơn giản, hôn nhân là hai người nam – nữ đủ điều kiện theo quy định của pháp luật lấy nhau và có đăng kí kết hôn. Các điều kiện kết hôn hợp pháp được quy định tại Điều 9 của Luật Hôn nhân và gia đình: Trước hết về độ tuổi kết hôn, nam là từ 20 tuổi trở lên, nữ từ 18 trở lên. Bên cạnh đó, việc kết hôn do nam - nữ tự nguyện quyết định, không bên nào được ép buộc, lừa dối bên nào; không ai có quyền cưỡng ép hoặc cản trở. Cuối cùng là việc kết hôn không thuộc một trong các trường hợp cấm kết hôn quy định tại Điều 10 Luật Hôn nhân và gia đình. Việc đăng kí kết hôn là nghi thức duy nhất làm phát sinh quan hệ hôn nhân. Chỉ khi đăng kí kết hôn ở cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo quy định của pháp luật thì hôn nhân ấy mới được công nhận.

2. Vấn đề nam - nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn

Khái niệm: Vấn đề nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn diễn ra rất phức tạp. Hiện nay có rất nhiều nhận thức khác nhau về vấn đề này.

Một số quan điểm cho rằng: “ Nam nữ sống với nhau không làm hôn thú, nhưng bà con, làng xóm, gia đình hai bên đều công nhận hai người thường xuyên sống chung một nhà và con cái do họ sinh ra là của hai người….thì được xem là sống chung như vợ chồng.”

Có quan điểm khác lại cho rằng: “ chung sống như vợ chồng là việc người đang có vợ, có chồng chung sống với người khác hoặc người chưa có vợ, chưa có chồng lại chung sống với người khác mà mình biết rõ họ đang có chồng, có vợ một cách công khai hoặc không công khai nhưng cùng sinh hoạt chung như một gia đình. Việc chung sống như vợ chồng thường được chứng minh bằng việc có con chung, được hàng xóm và xã hội xung quanh coi như vợ chồng, có tài sản chung đã được gia đình cơ quan, đoàn thể giáo dục mà vẫn duy trì quan hệ đó…”
Một vài ý kiến khác cho rằng: “ chung sống như vợ chồng có nghĩa là:  Phải chung sống thực tế, thường xuyên trong một mái nhà, thường xuyên qua đêm công khai và được nhiều người biết đến thì mới được gọi là chung sống như vợ chồng”.

Trong xã hội hiện nay có rất nhiều cách hiểu về vấn đề: “ nam nữ chung sống như vợ chồng”. Theo quy định tại điểm d mục 2 thông tư liên tịch của Tòa án nhân dân tối cao, Viện kiểm sát nhân dân tối cao, Bộ tư pháp số 01/2001/ TTLT -TANDTC – VKSNDTC – BTP ngày 03 tháng 01 năm 2001 thì “ được coi là nam nữ chung sống như vợ chồng khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Có tổ chức lễ cưới khi về chung sống với nhau;

-Việc nam nữ về chung sống với nhau được gia đình  ( một trong hai bên) chấp nhận;

-Việc nam nữ về chung sống với nhau được người khác hay tổ chức chứng kiến.

- Họ thực sự chung sống với nhau, chăm sóc, giúp đỡ nhau, cùng nhau xây dựng gia đình”

Dưới góc độ pháp lí thì “ Nam nữ chung sống như vợ chồng” là trường hợp nam nữ đều có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của pháp luật nhưng không đăng kí kết hôn. Về nguyên tắc, pháp luật không công nhận trường hợp này là vợ chồng. Tuy nhiên trên thực tế họ chung sống với nhau như vợ chồng và thực hiện các quyền và nghĩa vụ của vợ chồn, với gia đình và xã hội.

Bản chất : Theo quy định của pháp luật thì nam nữ muốn trở thành vợ chồng phải đăng kí kết hôn tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền. Điều này được khẳng định ngay trong quy định của điều 11 luật hôn nhân và gia đình 1959: “ Việc kết hôn được ủy ban hành chính cơ sở nơi trú quán của bên người con trai hoặc bên người con gái được công nhận và ghi vào sổ kết hôn.
Mọi nghi thức kết hôn khác đều không có giá trị về mặt pháp luât”

Trên cơ sở kế thừa và phát triển với sự thay đổi của xã hội, do tác động của chiến tranh, do phong tục tập quán,…. Nên nhà nước ta đã công nhận  hôn nhân trước năm 1987 là hôn nhận thực tế.

Về nguyên tắc, không đăng kí kết hôn thì không được coi là hôn nhân nhưng thực tế có những trường hợp không đăng kí kết hôn vẫn được thừa nhận là hôn nhân hợp pháp, làm phát sinh các quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản giữa hai bên. Cụ thể là tại Điều 3 Nghị quyết số 35/2000/QH của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình quy định: 

“3.Việc áp dụng quy định tại khoản 1 Điều 11 của Luật này được thực hiện như sau: a) Trong trường hợp quan hệ vợ chồng được xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, ngày Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 có hiệu lực mà chưa đăng ký kết hôn thì được khuyến khích đăng ký kết hôn; trong trường hợp có yêu cầu ly hôn thì được Toà án thụ lý giải quyết theo quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; b) Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật này thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn trong thời hạn hai năm, kể từ ngày Luật này có hiệu lực cho đến ngày 01 tháng 01 năm 2003; trong thời hạn này mà họ không đăng ký kết hôn, nhưng có yêu cầu ly hôn thì Toà án áp dụng các quy định về ly hôn của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng; c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 để giải quyết.”

Theo quy định tại Điều 2 Nghị định 77/2001/NĐ-CP ngày 22/10/2001 của chính phủ quy định chi tiết về đăng ký kết hôn theo Nghị quyết số 35/2000/QH của Quốc hội về việc thi hành Luật hôn nhân và gia đình thì:

“Những trường hợp quan hệ vợ chồng xác lập trước ngày 03 tháng 01 năm 1987, mà chưa đăng ký kết hôn, thì được Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện thuận tiện cho đăng ký kết hôn. Việc đăng ký kết hôn đối với những trường hợp này không bị hạn chế về thời gian. Nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001 mà có đủ điều kiện kết hôn theo quy định của Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì có nghĩa vụ đăng ký kết hôn. Từ sau ngày 01 tháng 01 năm 2003 mà họ không đăng ký kết hôn, thì pháp luật không công nhận họ là vợ chồng”.

Như vậy, đối với các trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng từ trước ngày 03/01/1987, hai bên dù không đăng kí kết hôn vẫn được pháp luật công nhận là vợ chồng, gọi là chung sống như vợ chồng có giá trị pháp lí. Trường hợp nam và nữ chung sống với nhau như vợ chồng từ ngày 03 tháng 01 năm 1987 đến ngày 01 tháng 01 năm 2001, hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không đăng kí kết hôn, không vi phạm điều kiện kết hôn nhưng không thuộc trường hợp pháp luật thừa nhận, gọi là chung sống với nhau như vợ chồng không có giá trị pháp lí. Từ ngày 01/01/2001, hai bên nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng, không đăng kí kết hôn và vi phạm điều kiện kết hôn gọi là chung sống trái pháp luật.
Bản chất thực sự nam nữ chung sống như vợ chồng nhằm chỉ quan hệ vợ chồng mà quan hệ đó không được xác lập theo thủ tục và trình tự pháp lí nhất định nhưng lại đã và đang tồn tại trên thực tế. Hai bên chugn sống như vợ chồng, thực sự coi nhau là vợ chồng và thực tế đủ các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với gia đình và với xã hội. Vì vậy, trường hợp nam nữ chung sống như vợ chồng và hôn nhân có đăng kí kết hôn về bản chất là giống nhau

II. Xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung 

Khi nam nữ sống chung như vợ chồng muốn chấm dứt việc chung sống này thì giải quyết quyền về nhân thân và tài sản phụ thuộc vào thời điểm hai bên muốn chấm dứt sống chung như vợ chồng. 
Với những trường hợp muốn chấm dứt trước ngày 01/01/2001 thì quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản xảy ra theo hai hướng: Nếu là xử sơ thẩm thì sẽ xác định quyền nhân thân và tài sản theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000; nếu trước đó hai người đã được Tòa án xử sơ thẩm theo Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 thì khi xử phúc thẩm sẽ xử theo Luật năm 1986. 
Với trường hợp sau ngày 01/01/2001 sẽ không được giải quyết như đối với vợ chồng. Sau đây chúng ta sẽ đi vào từng trường hợp cụ thể.

1. Trường hợp giải quyết theo Luật hôn nhân và gia đình 1986

Trường hợp này chỉ được áp dụng khi hai bên nam nữ muốn chấm dứt sống chung như vợ chồng trước ngày 03/01/1987 hoặc trước ngày 01/01/2001 nhưng trước đó đã xử sơ thẩm mà Tòa áp dụng Luật hôn nhan và gia đình năm 1986. Trong trường hợp này việc chấm dứt chung sống của hai người được pháp luật công nhận giải quyết như đối với vợ chồng nên tạm coi nam nữ ở đây là vợ chồng giải quyết li hôn, việc xác định các quyền được quy định tại chương VII Luật hôn nhân và gia đình 1986.
Tại Điều 42 Luật quy định về rất cụ thể về quyền và nghĩa vụ về tài sản của vợ chồng: Việc chia tài sản do hai bên tự thỏa thuận phải được Tòa án công nhận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án quyết định theo nguyên tắc tài sản riêng bên nào thuộc sở hữu bên ấy (Điểm a); tài sản chung được chia đôi (Điểm b); nếu vợ chồng sống chung với gia đình mà không xác định được tài sản của bản thân vợ chồng thì việc chia một phần trong khối tài sản đó căn cứ vào công sức người đó đóng góp như thế nào vào khối tài sản trong quá trình sống chung (Điểm c) và quyền lợi của người vợ và con chưa thành niên phải được bảo vệ (Điểm d).
Về quyền nhân thân, lợi ích của người vợ được chú trọng trước hết ở Điều 42: “Trong trường hợp vợ có thai, chồng chỉ có thể xin ly hôn sau khi vợ đã sinh con được một năm. Điều hạn chế này không áp dụng đối với việc xin ly hôn của người vợ.” Tuy vợ chồng đã li hôn nhưng vẫn phải có “mọi nghĩa vụ và quyền đối với con chung” (Điều 44). Vấn đề cấp dưỡng cũng được quy định cụ thể ai là người cấp dưỡng, khoản cấp dưỡng, thời gian cấp dưỡng... tại Điều 43. Việc con chưa thành niên ở với ai phải căn cứ vào mọi mặt của con, nguyên tắc là con còn bú mẹ sẽ do người mẹ nuôi giữ...

2. Trường hợp giải quyết theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000

Trường hợp này áp dụng khi hai bên nam nữ muốn chấm dứt sống chung sau ngày 03/01/1987 nhưng trước ngày 01/01/2001 mà chưa từng xử sơ thẩm. Khi ấy pháp luật không công nhận hôn nhân của hai người nhưng nếu muốn chấm dứt chung sống như vợ chồng thì cũng được xét xử như đối với ly hôn của vợ chồng. Quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản của hai bên được quy định trong chương X của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
Quyền và nghĩa vụ về tài sản được quy định từ Điều 95 đến Điều 99 của Luật. Theo đó, việc chia tài sản trước hết do các bên tự thỏa thuận, nếu không thỏa thuận được thì Tòa án sẽ giải quyết. Nguyên tắc là tài sản riêng của ai thì thuộc sở hữu của người ấy, tài sản chung thì chia đôi nhưng có xem xét hoàn cảnh mỗi bên, công sức đóng góp... Đặc biệt chú ý bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người vợ và con chưa thành niên, hoặc đã thành niên nhưng bị tàn tật, không có khả năng lao động và không có tài sản để tự nuôi mình. Ngoài ra còn vấn đề chia tài sản trong trường hợp hai người sống chung với gia đình mà ly hôn; chia quyền sử dụng đất của vợ, chồng; chia nhà thuộc sở hữu chung của vợ, chồng... 
Về nhân thân, Luật quy định về việc trông nom, chăm sóc, giáo dục, nuôi dưỡng con sau khi ly hôn (Điều 92); thay đổi người trực tiếp nuôi con sau khi ly hôn (Điều 93); quyền thăm nom con sau khi ly hôn (Điều 94). Nhìn chung các quyền này đều xuất phát từ mục đích bảo vệ lợi ích cho người con sau khi cha mẹ ly hôn.

3. Trường hợp đặc biệt

Đây là trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn muốn chấm dứt việc sống chung này mà thời điểm chấm dứt là sau ngày 01/01/2001. Pháp luật không thừa nhận mối quan hệ sống chung này là vợ chồng nên không thể áp dụng Luật hôn nhân và gia đình. Vì vậy khi hai người muốn chấm dứt sống chung thì việc xác định quyền và nghĩa vụ về nhân thân và tài sản là rất phức tạp. 

Tuy nhiên, dù hai người không được pháp luật công nhận là vợ chồng nhưng vẫn có thể gửi đơn ra Tòa án nhân dân để yêu cầu Tòa án không công nhận quan hệ vợ chồng giữa hai người, đồng thời yêu cầu tòa án phân chia tài sản theo quy định tại điểm c khoản 3  Nghị quyết số 35/2000/QH của Quốc hội. Cụ thể tại điểm c khoản 3  Nghị quyết số 35/2000/QH của Quốc hội có nội dung như sau: 
“c) Kể từ ngày 01 tháng 01 năm 2001 trở đi, trừ tr¬ường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 3 của Nghị quyết này, nam và nữ chung sống với nhau như  vợ chồng mà không đăng ký kết hôn, đều không được pháp luật công nhận là vợ chồng; nếu có yêu cầu ly hôn thì Toà án thụ lý và tuyên bố không công nhận quan hệ vợ chồng; nếu có yêu cầu về con và tài sản thì Toà án áp dụng khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000 để giải quyết”.
Theo đó, vấn đề về con và tài sản sẽ được áp dụng theo khoản 2 và khoản 3 Điều 17 của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000: 

“2. Quyền lợi của con được giải quyết như trường hợp cha mẹ ly hôn.

3. Tài sản được giải quyết theo nguyên tắc tài sản riêng của ai thì vẫn thuộc quyền sở hữu của người đó; tài sản chung được chia theo thoả thuận của các bên; nếu không thoả thuận được thì yêu cầu Toà án giải quyết, có tính đến công sức đóng góp của mỗi bên; ưu tiên bảo vệ quyền lợi chính đáng của phụ nữ và con.”

Như vậy, về vấn đề con chung của hai người sẽ được xác định như trường hợp cha mẹ ly hôn (đã trình bày ở mục II.2). Về việc xác định tài sản thì tài sản riêng vẫn áp dụng nguyên tắc của ai thì vẫn thuộc sở hữu của người ấy, còn tài sản chung thì thỏa thuận giữa hai bên, nếu không thỏa thuận được thì yêu cầu Tòa giải quyết vẫn ưu tiên bảo vệ quyên lợi chính đáng của người phụ nữ và con.

III. Đánh giá và kiến nghị về vấn đề xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung

1. Đánh giá

Với trường hợp giải quyết việc chấm dứt chung sống trước 01/01/2001 thì đã được luật quy dịnh rõ ràng và việc áp dụng cũng khá dễ dàng. Tuy nhiên với trường hợp nam nữ sống chung như vợ chồng muốn chấm dứt sống chung sau 01/01/2001 thì việc xác định tài sản gặp rất nhiều khó khăn. Thực tế tình huống này không hề hiếm trong xã hội hiện nay, một phần là do quan niệm sống “cởi mở” của một bộ phận thanh thiếu niên trong xã hội. Việc này đã dẫn tới tình trạng khi hai bên không còn tình cảm muốn chấm dứt chung sống thì lại dẫn tới tranh chấp về tài sản do hai bên không thể thỏa thuận việc chia tài sản chung. Tài sản nếu do một người đứng tên thì rất khó có cơ sở để người còn lại yêu cầu Tòa buộc người kia chia phần cho mình theo quy định của Luật hôn nhân và gia đình về tài sản chung hình thành trong hôn nhân ngoại trừ trường hợp có các giấy tờ, văn bản chứng minh có đóng góp vào khối tài sản đó. Trường hợp không chứng minh được sự đóng góp của mình vào những tài sản hình thành trong giai đoạn sống chung thì cách tốt nhất là nên thỏa thuận về vấn đề phân chia tài sản với nhau trước khi tiến hành đưa vụ việc ra tòa án. Nếu không thỏa thuận được thì việc “mất trắng” hoàn toàn có thể xảy ra. 

Thiết nghĩ các bạn trẻ ngày nay nên cẩn trọng hơn nữa trong việc sống chung như hôn nhân với nhau mà không đăng ký kết hôn, đặc biệt khi góp chung tiền bạc và tài sản để phục vụ cho cuộc sống chung không đăng ký kết hôn này. Trong trường hợp không đăng ký kết hôn, các bạn cần lưu giữ tất cả các giấy tờ cần thiết liên quan đến việc góp tiền bạc và tài sản để tránh thiệt thòi khi xảy ra tranh chấp. Đừng ngại mất lòng trước được lòng sau. Tuy nhiên, nếu cả hai người đều có ý định gắn bó lâu dài để đạt được một cuộc sống hôn nhân hạnh phúc thì chúng ta cũng nên đăng ký kết hôn một cách hợp pháp vì cuộc sống chung giữa nam và nữ nếu muốn bền lâu thì cũng phải được pháp luật bảo vệ, bởi nếu sống mà trong tâm trạng dè chừng thì cũng rất khó để đạt được hạnh phúc bền lâu.

2. Kiến nghị

Thực tế, dù không được pháp luật công nhận, nhưng khi hai người nam nữ chung sống như vợ chồng với nhau, nhất là những trường hợp có làm đám cưới theo phong tục tập quán thì đã mặc nhiên được họ hàng, người thân xem là một cặp vợ chồng. Và trong suy nghĩ của nhiều người, tài sản giữa những cặp đôi này sẽ là tài sản chung của vợ chồng, con đẻ giữa họ sẽ là con chung của vợ chồng, mà không biết rằng, để có được quyền lợi rất "bình thường" đó của các cặp vợ chồng, họ còn thiếu việc đăng ký kết hôn! Vì vậy, nhiều ý kiến cho rằng, Luật hôn nhân và gia đình sắp tới sửa đổi phải đưa ra các quy định về vấn đề hôn nhân thực tế như giải quyết hậu quả pháp lý của các vấn đề này, hoặc cân nhắc xem xét, thừa nhận hôn nhân thực tế của các trường hợp chung sống như vợ chồng trong các trường hợp đặc thù về mặt lịch sử hoặc đặc thù về phong tục tập quán.

Những cặp vợ chồng "thờ ơ" với thủ tục đăng ký kết hôn lại cho rằng, quan trọng là họ có yêu thương nhau hay không mới mang tính "ràng buộc" lâu dài chứ không phải cứ có đăng ký kết hôn mới là hôn nhân bền vững. Thực ra, cái nhìn này rất thiếu "khách quan", bởi thủ tục đăng ký kết hôn rất đơn giản. Việc họ cứ sống chung mà không đăng ký kết hôn đã khiến nhiều rắc rối phát sinh khi có con chung mà khai sinh lại phải khai là con ngoài giá thú (nếu không làm thủ tục nhận cha con), có tài sản chung nhưng không được công nhận, hai người cũng không mặc nhiên được đại diện cho nhau như vợ chồng trong các quan hệ dân sự, nhân thân… Thực ra, với những trường hợp này, nếu không thừa nhận giữa họ tồn tại quan hệ "hôn nhân thực tế", thì cũng rất khó gọi đó là các quan hệ dân sự "thông thường"!

Nhiều nước trên thế giới đã qui định về "hợp đồng hôn nhân" - xem các cuộc hôn nhân là một dạng hợp đồng giữa hai người nam và nữ khi có ý muốn sống chung với nhau. Pháp luật cho phép những cặp đôi chưa muốn ràng buộc nhau bằng đăng ký kết hôn nhưng lại muốn sống chung với nhau (sống thử) thì có thể ra chính quyền đăng ký. Những ý kiến ủng hộ "hợp đồng hôn nhân" cho rằng, việc pháp luật thừa nhận "sống thử" là một cách để bảo vệ quyền lợi hợp pháp cho hai bên, xuất phát từ nguyện vọng, nhu cầu thực tế của họ. Chính quyền sẽ ghi nhận việc "chung sống như vợ chồng nhưng không phải là vợ chồng" này bằng một bản đăng ký. Trên cơ sở bản đăng ký "sống thử", khi giữa hai người có con thì sẽ được thừa nhận là con chung của vợ chồng, đồng thời tài sản họ làm ra trong thời kỳ sống chung nếu không đăng ký là tài sản riêng cũng sẽ được xem là tài sản chung của hai người khi giải quyết tranh chấp nếu có…

Song, việc các cặp đôi này “tự nguyện” ra đăng ký rất ít, mà phần lớn phải qua vận động vì họ nghĩ đã chung sống với nhau nhiều năm rồi thì không cần thiết phải có đăng ký, mà không hiểu thủ tục đó là một quyền lợi của công dân được pháp luật bảo vệ. Nếu bây giờ luật lại “mở cửa” với tình trạng này, chắc chắn sẽ phát sinh ngày càng nhiều cặp đôi sống chung mà không đi đăng ký, vì đăng ký hay không thì quyền lợi về tài sản, con cái giữa họ sau này cũng được pháp luật thừa nhận và bảo vệ như các cặp vợ chồng có đăng ký kết hôn ngay từ khi bắt đầu chung sống!

Nhiều ý kiến khác, xét về lối sống và phong tục tập quán của Việt Nam, càng không nên thừa nhận hôn nhân thực tế vì hôn nhân là kết quả của một quá trình tìm hiểu, chấp thuận gắn kết cuộc sống giữa nam và nữ. Nếu cho phép “sống thử”, cho phép tồn tại hôn nhân thực tế thì rất dễ trở thành "phong trào" xấu, dẫn đến nhiều hệ lụy rắc rối sau này. 

Thực tế, rất nhiều cặp đôi sau khi “sống thử” không thể tiến tới "sống thật" với nhau đã khiến người con gái không còn cơ hội tìm hạnh phúc mới vì ai cũng cho rằng họ đã "có chồng", đấy là chưa kể nếu có con chung thì họ còn vất vả để chứng minh ai là cha đứa trẻ để khai sinh và đòi quyền cấp dưỡng cho con… Vì vậy, không nên thừa nhận quan hệ hôn nhân của tình trạng "sống thử", nhưng Luật HNGĐ sửa đổi nên có các qui định giải quyết hậu quả pháp lý phát sinh của tình trạng này, đặc biệt là bảo vệ quyền lợi cho người phụ nữ và trẻ em. Cho phép "sống thử", thừa nhận quan hệ hôn nhân thực tế hay không là vấn đề lớn của đời sống xã hội.  Để Ban soạn thảo Luật hôn nhân và gia đình sửa đổi đưa ra được các qui định khả thi, phù hợp với thực tế cuộc sống, rất cần sự góp ý không chỉ của các cơ quan, tổ chức mà còn của mọi người dân!

KẾT BÀI

Vấn đề xác định quyền và nghĩa vụ nhân thân và tài sản của các bên nam nữ chung sống như vợ chồng mà không đăng kí kết hôn khi họ mong muốn chấm dứt việc sống chung mang tính chất phức tạp và còn nhiều điểm bất cập. Hi vọng rằng sắp tới đây Luật hôn nhân và gia đình sẽ được sửa đổi cho phù hợp với tình hình thực tiễn và việc áp dụng sẽ thuận lợi hơn. Do vẫn còn hạn chế về mặt nhận thức cũng như khả năng trình bày nên bài viết không thể tránh khỏi thiếu sót, rất mong thầy, cô giáo thông cảm và góp ý giúp em hoàn thiện kiến thức về vấn đề này. Em xin chân thành cảm ơn!


DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Trường đại học Luật Hà Nội, nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009.

2. Luật hôn nhân và gia đình năm 1986.

3. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

4. Các trang web tham khảo:
http://www.gocluatsu.com/VN/Default.aspx?case=detail&cate=11&type=2&id=322.
http://phapluatxahoi.vn/2012072909080210p1002c1022/chung-song-nhu-vo-chong-se-duoc-luat-hoa.htm.

1. Trường hợp nam nữ chugn sống với nhau như vợ chồng trước ngày 03/01/1987.

2. Trường hợp nam nữ chung sống với nhau như vợ chồng không có đăng kí kết hôn kể tử ngày 01/01/2001

No comments:

Post a Comment