21/08/2014
Giải quyết tình huống và đưa ra nhận xét pháp lí - Bài tập lớn học kì luật hình sự 1
ĐỀ BÀI: K có hành vi cướp giật tài sản của người khác có giá trị 50 triệu đồng. Hành vi phạm tội của K được quy định tại khoản 2 Điều 136 BLHS. K bị Tòa án xử phạt 3 năm tù. Anh (chị) hãy xác định:

1. Trường hợp phạm tội của K là loại tội gì theo sự phân loại tội phạm (khoản 3 Điều 8 BLHS). (1 điểm)
2. Hành vi phạm tội của K thuộc trường hợp CTTP cơ bản, CTTP tăng nặng hay CTTP giảm nhẹ? Tại sao? (1 điểm)
3. Nếu K mới 15 tuổi 6 tháng thì K có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?(2 điểm)
4. Nếu K đang bị mắc bệnh tâm thần thì K có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (2 điểm)
5. Có thể cho K hưởng án treo không? Tại sao? (1 điểm)

Bài làm

1. Trường hợp phạm tội của K là loại tội gì theo sự phân loại tội phạm (khoản 3 Điều 8 BLHS). (1 điểm)

Trả lời: Khẳng định tội mà K đã phạm là tội rất nghiêm trọng.

Tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, có lỗi, trái pháp luật hình sự  và phải chịu hình phạt. Khái niệm tội phạm được định nghĩa đầy đủ tại Điều 8 Bộ luật hình sự (BLHS).

Theo khoản 2 Điều 8 BLHS, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Việc phân loại tội phạm phụ thuộc vào mức độ nguy hiểm cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy theo quy định được ghi nhận ở khoản 2 Điều 8 BLHS như sau:

“Căn cứ vào tính chất và mức độ nguy hiểm cho xã hội của hành vi được quy định trong Bộ luật này, tội phạm được phân thành tội phạm ít nghiêm trọng, tội phạm nghiêm trọng, tội phạm rất nghiêm trọng và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng”.

Trong đó mỗi loại tội có mức độ nguy hại đối với xã hội và mức chịu hình phạt khác nhau. Cụ thể, khoản 3 Điều 8 BLHS quy định như sau:

“Tội phạm ít nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại không lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến ba năm tù; tội phạm nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại lớn cho xã hội mà mức cao nhất là của khung hình phạt đối với tội ấy là đến bảy năm tù; tội phạm rất nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại rất lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là đến mười lăm năm tù; tội phạm đặc biệt nghiêm trọng là tội phạm gây nguy hại đặc biệt lớn cho xã hội mà mức cao nhất của khung hình phạt đối với tội ấy là trên mười lăm năm tù, tù chung thân hoặc tử hình”.

Trường hợp phạm tội của K được quy định tại Khoản 2 Điều 136 Tội cướp giật tài sản: “ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a. Có tổ chức;

b. Có tính chất chuyên nghiệp;

c. Tái phạm nguy hiểm;

d. Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ. Hành hung để tẩu thoát;

e. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h. Gây hậu quả nghiêm trọng.

Theo như đề bài thì K có hành vi cướp giật tài sản của người khác có giá trị 50 triệu đồng. Có thể thấy trường hợp phạm tội của K có gây nguy hại rất lớn cho xã hội và mức cao nhất của khung hình phạt là phạt tù từ ba năm  đến “mười năm”, dựa vào Khoản 3 Điều 8 BLHS thì tội phạm mà K thực hiện quy định tại Khoản 2 Điều 136 BLHS thuộc loại tội phạm rất nghiêm trọng.

2. Hành vi phạm tội của K thuộc trường hợp CTTP cơ bản, CTTP tăng nặng hay CTTP giảm nhẹ? Tại sao? (1 điểm)

Trả lời: Hành vi phạm tôi của K thuộc trường hợp CTTP tăng nặng.

Hành vi phạm tội của K quy định tại Khoản 2 Điều 136 BLHS thuộc CTTP tăng nặng. Vì: Khoản 2 Điều 136 Tội cướp giật tài sản quy định: “ 2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba năm đến mười năm:

a. Có tố chưc;

b. Có tính chất chuyên nghiệp;

c. Tái phạm nguy hiểm;

d. Dùng thủ đoạn nguy hiểm;

đ. Hành hung để tẩu thoát;

e. Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sưc khỏe của người khác mà tỷ lệ thương tật từ 11% đến 30%;

g. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;

h. Gây hậu quả nghiêm trọng.”

Thứ nhất: CTTP cơ bản là CTTP chỉ có dấu hiệu định tội-dấu hiệu mô tả tội phạm và cho phép phân biệt tội này với tội khác. Như vậy trong điều 136 BLHS thì khoản 1 là CTTP cơ bản vì Khoản này quy định dấu hiệu cơ bản nhất “ cướp giật tài sản của người khác” để định tội và phân biệt với các tội khác. Trường hợp phạm tội của K ngoài những dấu hiệu định tội là có hành vi cướp giật tài sản của người khác được mô tả tại Khoản 1 Điều 136 BLHS còn có những dấu hiệu khác. Thêm vào đó, sau khi đã xác định được CTTP cơ bản của một tội cụ thể, ta có thể dựa vào khung hình phạt như là một dấu hiệu để xác định CTTP tăng nặng. Tuy nhiên, hành vi của K lại cấu thành tội cướp giật tài sản theo điểm g khoản 2 Điều 136 BLHS, ngoài các tình tiết để định tội là cướp giật tài sản, K còn có thêm tình tiết tăng nặng là “chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng” (cụ thể là 50 triệu đồng). Điều này phản ánh mức độ của tính nguy hiểm tăng lên rõ rệt so với các trường hợp cướp giật tài sản quy định tại khoản 1.

Những dấu hiệu có thêm trong trường hợp CTTP tăng nặng đối với hành vi của K cho phép chuyển khung hình phạt được áp dụng từ khung bình thường (mức cao nhất là năm năm – theo khoản 1 Điều 136 BLHS) lên khung tăng nặng (mức cao nhất là mười năm – theo khoản 2 Điều 136 BLHS).

Tóm lại, từ những phân tích ở trên, ta có thể khẳng định: hành vi phạm tội của K thuộc trường hợp CTTP tăng nặng.

3. Nếu K mới 15 tuổi 6 tháng thì K có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao?(2 điểm)

Trả lời: K có phải chị trách nhiệm hình sự về hành vi của mình.

Xuất phát từ đường lối của Nhà nước ta về xử lý đối với người chưa thành niên phạm tội cũng như xuất phát từ cơ sở cho rằng người trong độ tuổi năng lực TNHS chưa đầy đủ luôn luôn có thể nhận thức được tính chất xã hội của một số hành vi nguy hiểm cho xã hội nhất định, việc xử lý người phạm tội chưa thành niên có những quy định khác biệt so với người phạm tội đã thành niên nhằm mục đích giáo dục, răn đe cho mọi đối tượng trong xã hội. BLHS 1999 của nước ta đã có quy định cụ thể hơn về các độ tuổi phải chịu mức hình phạt hoặc không phải chịu hình phạt, căn cứ theo Điều 12 BLHS 1999:

Điều 12. Tuổi chịu trách nhiệm hình sự

1. Người từ đủ 16 tuổi trở lên phải chịu trách nhiệm hình sự về mọi tội phạm.

2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

Xét trong tình huống ta thấy tội phạm mà H đã phạm là tội rất nghiêm trọng( như đã phân tích ở trên). K là người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi( cụ thể là 15 tuổi 6 tháng). Theo quy định tại khoản 2 Điều 12: “2. Người từ đủ 14 tuổi trở lên, nhưng chưa đủ 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.”và căn cứ vào những phân tích về các điều kiện ở trên, ta xác định K phải chịu TNHS về hành vi phạm tội cướp giật tài sản này.

4. Nếu K đang bị mắc bệnh tâm thần thì K có phải chịu TNHS về hành vi của mình không? Tại sao? (2 điểm)

Điều 13. Tình trạng không có năng lực trách nhiệm hình sự

1.  Người thực hiện hành vi nguy hiểm cho xã hội trong khi đang mắc bệnh tâm thần hoặc một bệnh khác làm mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.

2. Người phạm tội trong khi có năng lực trách nhiệm hình sự, nhưng đã lâm vào tình trạng qui định tại khoản 1 Điều này trước khi bị kết án, thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, người đó có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.

Nếu K đang bị mắc bệnh tâm thần thì có thể chia làm 2 trường hợp. Do vậy, trường hợp trên chúng ta cần phân biệt rõ:

Trường hợp 1: Khi thực hiện hành vi phạm tội, K mất khả năng nhận thức hoặc khả năng điều khiển hành vi của mình, thì không phải chịu trách nhiệm hình sự; đối với người này, phải áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh.( tức là trườngg hợp tâm thần làm mất năng lực hành vi dân sự)

Trường hợp 2: Khi thực hiện hành vi phạm tội, K vẫn có khả năng nhận thức hoặc điều khiển hành vi nhưng đã lâm vào tình trạng quy định tại khoản 1 Điều 13 của Bộ luật Hình sự trước khi bị kết án thì cũng được áp dụng biện pháp bắt buộc chữa bệnh. Sau khi khỏi bệnh, K có thể phải chịu trách nhiệm hình sự.( trường hợp tâm thần làm hạn chế năng lực hành vi dân sự).

5. Có thể cho K hưởng án treo không? Tại sao? (1 điểm)

Trả lời: Có thể cho K hưởng án treo.

Khoản 1 Điều 60 BLHS quy định về Án treo:

1. Khi xử phạt tù không quá ba năm, căn cứ vào nhân thân của người phạm tội và các tình tiết giảm nhẹ, nếu xét thấy không cần phải bắt chấp hành hình phạt tù, thì Tòa án cho hưởng án treo và ấn định thời gian thử thách từ một năm đến năm năm.

Việc được hưởng án treo cần có đủ các đk sau ( Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP):

+ Bị xử phạt tù không quá 3 năm không phân biệt tội gì.Trong trường hợp người bị xét xử trong cùng một lần về nhiều tội mà khi tổng hợp hình phạt, hình phạt chung không quá 3 năm tù, thì cũng có thể cho hưởng án treo.

+ Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ các nghĩa vụ của công dân, chưa có tiền án, tiền sự, có nơi làm việc ổn định hoặc có nơi thường trú cụ thể rõ ràng;

+ Có từ hai tình tiết giảm nhẹ (Điều 46 BLHS) trở lên và không có tình tiết tăng nặng (Điều 48 BLHS), trong đó có ít nhất là một tình tiết giảm nhẹ quy định ở khoản 1 Điều 46 của BLHS. Trường hợp vừa có tình tiết giảm nhẹ, vừa có tình tiết tăng nặng, thì tình tiết giảm nhẹ phải nhiều hơn tình tiết tăng nặng từ hai tình tiết trở lên;

So với Nghị Quyết số 01/2013/NĐ-HĐTP được Hội đồng Thẩm phán Toà án nhân dân tối cao thông qua ngày 14 tháng 10 năm 2013 thì cũng đã có một số điều được sửa đổi và phù hợp hơn so với tình hình trong xã hội.

+ Bị xử phạt tù không quá 3 năm về tội ít nghiêm trọng, tội nghiêm trọng, tội rất nghiêm trọng theo phân loại tội phạm quy định tại khoản 3 Điều 8 của Bộ luật hình sự;

+ Có nhân thân tốt được chứng minh là ngoài lần phạm tội này họ luôn tôn trọng các quy tắc xã hội, chấp hành đúng chính sách, pháp luật, thực hiện đầy đủ nghĩa vụ của công dân nơi cư trú, công tác; không vi phạm các điều mà pháp luật cấm; chưa bao giờ bị kết án, bị xử lý vi phạm hành chính, bị xử lý kỷ luật.

Như vậy, nếu K bị xử phạt là 3 năm tù và với tội rất nghiêm trọng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt, có nhiều tình tiết giảm nhẹ ( có từ 2 tình tiết giảm nhẹ theo quy định tại Điều 64 BLHS), việc áp dụng án treo không ảnh hưởng đến công tác đấu tranh phòng ngừa tôi phạm thì mới có cơ hội được hưởng án treo.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Hình sự Việt Nam – NXB Công an nhân dân, trường Đại học Luật Hà nội.
2. Bộ Luật Hình sự năm 1999, sửa đổi bổ sung năm 2009.
3. Nghị quyết số 01/2007/NQ-HĐTP Hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật Hình sự về thời hiệu thi hành bản án, miễn chấp hành hình phạt, giảm thời hạn chấp hành hình phạt.
4. http://www.tand.hochiminhcity.gov.vn/web/guest/hinh-su1;
5. Bình luận khoa học bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II.
6. www.diendanphapluat.vn
7. www.dienankienthuc.net

No comments:

Post a Comment