25/08/2014
Các tội phạm khác về chức vụ - Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi - (Điều 291) - Bình luận khoa học Bộ luật Hình sự năm 1999 - Tập 5
14. TỘI LỢI DỤNG ẢNH HƯỞNG ĐỐI VỚI NGƯỜI CÓ CHỨC VỤ QUYỀN HẠN ĐỂ  TRỤC LỢI  
Điều 291. Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để  trục lợi  

1. Người nào trực tiếp hoặc qua trung gian nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, để dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm, thì bị phạt tù từ  một năm  đến năm năm.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ ba  năm đến mười năm:
a) Phạm tội nhiều lần;
b) Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi  triệu đồng trở lên;
c) Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

3. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi. 

Định nghĩa: Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là hành vi dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn nhằm thúc đẩy người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. 

Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là tội phạm đã được quy định tại Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985. So với Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985, thì Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 có nhiều thay đổi như: Quy định ranh giới giữa hành vi phạm tội với hành vi chưa phải là tội phạm; thêm các dấu hiệu là yếu tố định khung hình phạt tại khoản 2 của điều luật; hình phạt bổ sung được quy định ngay trong cùng một điều luật 

A. CÁC DẤU HIỆU CƠ BẢN CỦA TỘI PHẠM 

 Tội phạm này có dấu hiệu của tội nhận hối lộ nhưng không phải là nhận hối lộ vì người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất của người khác, nhưng không có hành vi làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của mình hoặc làm một việc không được phép làm, mà hành vi này lại do người có chức vụ, quyền hạn thực hiện do bị thúc đẩy. Có thể nói, trong vụ án lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, có người đưa hối lộ nhưng lại không có người nhận hối lộ, vì người nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác không phải người phạm tội nhận hối lộ; không có hành vi nhận hối lộ trong vụ án lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để  trục lợi.

Trong xã hội hiện nay, loại tội phạm này tương đối phổ biến và thường xảy ra trong trường hợp người phạm tội là người có ảnh hưởng lớn đối với người có chức vụ, quyền hạn; họ thường là những người đang có chức vụ, quyền hạn hoặc đã từng là người có chức vụ, quyền hạn là thủ trưởng, cấp trên của người đang có chức vụ, quyền hạn; nếu không phải là người đã từng có chức vụ, quyền hạn thì họ người thân thích của người có chức vụ, quyền hạn hoặc có mối quan hệ xã hội có ảnh hưởng lớn đến người có chức vụ, quyền hạn như là ân nhân, là thấy giáo, cô giáo, bạn học...

1. Các dấu hiệu về chủ thể của tội phạm

Chủ thể của tội phạm này không phải là chủ thể đặc biệt, người phạm tội không nhất thiết phải là người có chức vụ, quyền hạn và cũng không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để phạm tội, mà chỉ lợi dụng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi. Việc nhà làm luật quy định tội phạm này trong chương “các tội phạm về chức vụ” là vì khách thể của tội phạm chứ không phải vì chủ thể của tội phạm. Tuy nhiên, người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi cũng có thể là người có chức vụ, quyền hạn và lợi dụng chức vụ, quyền hạn của mình để lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, nhưng không phải là bắt buộc đối với tội phạm này.

Người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi có thể là người đang có chức vụ, quyền hạn, nhưng họ không lợi dụng chức vụ, quyền hạn để làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác, mà họ chỉ lợi dụng chức vụ, quyền hạn để chi phối người có chức vụ, quyền hạn khác làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Cũng có trường hợp người phạm tội chỉ là người đã giữ những chức vụ, quyền hạn nên có ảnh hưởng nhất định đối với người đang có chức vụ, quyền hạn và người đang có chức vụ, quyền hạn vì nể, thậm chí sợ người này mà làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Ví dụ: Nguyễn Trọng M, nguyên là chủ tịch Uỷ ban nhân dân huyện đã nghỉ hưu. Trước khi nghỉ hưu, M đã giới thiệu ông Hoàng Ngọc H lúc đó là Phó chủ tịch để thay M, nên giữa ông H và M có mối quan hệ và M có ảnh hưởng rất lớn đối với ông H. Đỗ Xuân Đ  là cháu M vừa tốt nghiệp đại học thuỷ lợi được phân công lên mièn núi công tác, Đ không muốn lên miền núi nên đã đến nhờ M tác động với ông H để ông H nhận Đ về Uỷ ban nhân dân huyện. M nhận lời và đã tác động với ông H xincho Đ vào công tác ở Uỷ ban nhân dân huyện, vì nể M nên ông H đồng ý nhận Đ vào công tác ở Uỷ ban nhân dân huyện. Để trả ơn M, Đỗ Xuân Đ đã biếu M một dàn máy DC gồm một màn hình 21 in, một bộ âm ly và hai chiéc loa thùng trị giá 2.500 USD.

Ngoài những người đang hoặc đã có chức vụ, quyền hạn, chủ thẻ của tội phạm này còn gồm những người khác như: Người có quan hệ thân thích với người có chức vụ, quyền hạn ( ông, bà, cha, mẹ, anh, chị em ruột, con, cô, dì, chú, bác...); người có quan hệ lệ thuộc với người có chức vụ, quyền hạn ( thầy giáo đối với học sinh, bác sỹ đối với người bệnh, người nuôi dưỡng với người được nuôi dưỡng, chủ nợ với con nợ...); bạn bè, đồng đội... 

Nếu tiền hoặc tài sản mà người phạm tội được lợi dưới 500.000 đồng thì phải kèm theo điều kiện đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm mới bị coi là phạm tội.

Đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này là đã bị xử lý kỷ luật về hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi bằng một trong những hình thức kỷ luật theo quy định của Nhà nước hoặc theo quy định trong Điều lệ của tổ chức và chưa hết thời hạn được xoá kỷ luật, nay lại có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ, quyền hạn để trục lợi thì mới cấu thành tội phạm. Nếu trước đó người phạm tội tuy có bị xử lý kỷ luật, nhưng về hành vi khác không phải là hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, thì cũng chưa cấu thành tội phạm này. 

Việc nhà làm luật chỉ quy định đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm chỉ phù hợp với người phạm tội là người đang có chức vụ, quyền hạn trong các cơ quan, tổ chức nhưng không phù hợp với người phạm tội là người thân thích, là người có quan hệ lệ thuộc với người có chức vụ, quyền hạn hoặc họ chỉ là bạn bè của người có chức vụ, quyền hạn. Phải chăng, nhà làm luật chỉ giới hạn chủ thể của tội phạm này là cán bộ, công chức ? Đây là vấn đề cả về lý luận và thực tiễn cần phải làm rõ.

Người có hành vi dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn, trong thực tế không chỉ có người có chức vụ, quyền hạn mới dùng ảnh hưởng của mình đối với người có chức vụ, quyền hạn mà có nhiều trường hợp họ chỉ là người thân của người có chức vụ, quyền hạn. Ví dụ: Trần Thị H là nhân tình của ông Bùi Văn N, giám đốc Công ty dịch vụ, thương mại thành phố Q; thị H chỉ là người làm nghề buôn bán tự do không phải là cán bộ, công chức, cũng không phải là thành viên trong bất cứ tổ chức nào. Nhưng vì là tình nhân của N nên thị H đã dùng ảnh hưởng của mình tác động ông N, để ông N nhận Nguyễn Thị Kim Th một sinh viên mới ra trường vào làm việc tại Công ty do N làm giám đốc và thị H đã nhận của chị Th nhiều lần với tổng só tiền là 3.000.000 đồng. Rõ ràng trong trường hợp này thị H không phải là người có chức vụ, quyền hạn hoặc là cán bộ, công chức, nếu thị H nhiều lần nhận dưới 500.000 đồng thì không cấu thành tội phạm vì không thể xử lý kỷ luật thị H được, mà chỉ có thể xử phạt hành chính, nhưng điều luật chỉ quy định đã bị xử lý kỷ luật dẫn đến việc trong thực tễ có một số đối tượng không bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi phạm tội này.

Để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật, không bỏ lọt người phạm tội, chúng tôi thiết nghĩ khi có điều kiện sửa đổi bổ sung Bộ luật hình sự, nhà làm luật thì nên bổ sung trường hợp người phạm tội nhận tiền dưới 500.000 đồng đã bị xử phạt hành chính về hành vi này mà còn vi phạm thì cũng bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội phạm này.

Dù là người có chức vụ, quyền hạn hay người không có chức vụ, quyền hạn thì họ chỉ trở thành chủ thể của tội phạm này trong những trường hợp sau:

Người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi chỉ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự, vì trường hợp phạm tội này là tội phạm rất nghiêm trọng. 

Người dưới 16 tuổi không phải chịu trách nhiệm hình sự về trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự mà chỉ những người đủ 16 tuổi trở lên mới chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này, vì theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 14 tuổi đến dưới 16 tuổi phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm rất nghiêm trọng do cố ý và tội phạm đặc biệt nghiêm trọng. Đối với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi quy định tại khoản 1 của điều luật chỉ là tội phạm nghiêm trọng.

2. Các dấu hiệu thuộc về khách thể của tội phạm 

Khách thể của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi cũng tương tự như khách thể của tội nhận hối lộ hoặc tội đưa hối lộ, đó là hoạt động đúng đắn của cơ quan, tổ chức; làm cho cơ quan, tổ chức bị suy yếu, mất uy tín, mất lòng tin của nhân dân vào chế độ; làm cho cán bộ, công chức ở cơ quan, tổ chức bị thoái hoá biến chất. 

3. Các dấu hiệu về mặt khách quan của tội phạm 

a. Hành vi khách quan

Người phạm tội có hai hành vi khách quan: Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn và hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào. 

Dùng ảnh hưởng của mình thúc đẩy người có chức vụ quyền hạn là lợi dụng mối quan hệ giữa mình với người có chức vụ, quyền hạn để yêu cầu, thúc dục, chi phối người này làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm. Biểu hiện của hành vi thúc đẩy có thể là trực tiếp yêu cầu; viết thư, gọi điện thoại; thông qua người khác để yêu cầu... Việc yêu cầu này có thể là một lần, nhưng có thể là nhiều lần cho đến khi yêu cầu đó được đáp ứng. Nội dung của yêu cầu mà người phạm tội đưa ra là vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người mà người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác.

Người có chức vụ, quyền hạn bị thúc đẩy thực hiện yêu cầu của người phạm tội tương tự như hành vi khách quan của người nhận hối lộ. Tuy nhiên, họ làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm là vì người phạm tội chứ không vì người được hưởng lợi ích do người có chức vụ, quyền hạn đem lại. Nhưng người có chức vụ, quyền hạn khi làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm biết rõ sẽ đem lại lợi ích cho ai, nhưng họ vẫn làm để vừa lòng người phạm tội. 

Người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội lợi dụng chức vụ, quyền hạn trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 281 Bộ luật hình sự hoặc tội lạm quyền trong khi thi hành công vụ quy định tại Điều 282 Bộ luật hình sự, nếu họ không nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác. Tuy nhiên, nếu người có chức vụ, quyền hạn làm đúng, còn việc thúc đẩy của người dùng ảnh hưởng chỉ là điều kiện để người có chức vụ, quyền hạn làm nhanh hơn thì hành vi của người có chức vụ, quyền hạn không phải là hành vi phạm tội. 

Hành vi nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác dưới bất kỳ hình thức nào là hành vi của người nhận hối lộ trong tội nhận hối lộ.69 Họ là người trực tiếp hoặc qua trung gian để nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác của người “nhờ” người phạm tội.

Hành vi của người đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác cho người phạm tội có thể là hành vi phạm tội đưa hối lộ hoặc có thể chỉ là người bị hại trong vụ án lừa đảo nếu người nhận tiền không có hành vi thúc đẩy người có chức vụ, quyền hạn làm hoặc không làm một việc thuộc trách nhiệm của họ hoặc làm một việc không được phép làm.

b. Hậu quả

Hậu quả không phải là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm, vì số tiền mà người phạm tội nhận không phải là hậu quả của tội phạm này mà nó chỉ là hành vi khách quan (hành vi nhận tiền), còn số tiền bao nhiêu lại là phương tiện thực hiện tội phạm, còn hậu quả của tội phạm này chỉ là những thiệt hại về tài sản, tinh mạng, sức khoẻ và những thiệt hại nghiêm trọng khác do hành vi phạm tội gây ra.

Tuy nhiên, nếu tiền hoặc tài sản mà người phạm tội nhận chưa đến 500.000 đồng thì hậu quả nghiêm trọng lại là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội phạm. 

Tiền hoặc tài sản mà người phạm tội nhận chưa đến 500.000 đồng và không thuộc trường hợp gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm thì chưa cấu thành tội phạm, vì chưa thoả mãn dấu hiệu khách quan của cấu thành tội phạm chứ không phải vì chưa có hậu quả xảy ra.

Hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi là những thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ, nhân phẩm, danh dự, tài sản của con người; những thiệt hại về tài sản, uy tín của cơ quan, tổ chức và những thiệt hại phi vật chất khác.

Cũng như đối với một số tội phạm khác trong chương này, tuy chưa có hướng dẫn thế nào là gây hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra, nhưng tham khảo hướng dẫn của liên ngành về các tội xâm phạm sơ hữu, thì có thể coi hậu quả nghiêm trọng do hành vi làm môi giới hối lộ gây ra nếu:

 - Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.70

4. Các dấu hiệu về mặt chủ quan của tội phạm 

Tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi, người thực hiện hành vi phạm tội do cố ý.

Mục đích của tội phạm này lại là dấu hiệu bắt buộc, nếu người phạm tội không có mục đích trục lợi thì người có hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn không cấu thành tội phạm này. Dấu hiệu trục lợi quy định trong cấu thành tội phạm này không phải là động cơ mà là mục đích. Còn động cơ của người phạm tội trước hết là vì tư lợi, ngòi ra có thể vì động cơ khác. Nhà làm luật không quan tâm đến động cơ của người phạm tội mà chỉ quy định mục đích (để trục lợi). 

B. CÁC TRƯỜNG HỢP PHẠM TỘI CỤ THỂ

1. Phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi không có các tình tiết định khung hình phạt 

Đây là trường hợp phạm tội quy định tại khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự, là cấu thành cơ bản của tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi.

So với tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi quy định tại khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985, thì khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 1 Điều 228 và khoản 1 Điều 291 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn. Tuy nhiên, khoản 1 Điều 291 có quy theo hướng có lợi cho người phạm tội như: tiền hoặc tài có giá trị từ năm trăm nghìn đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới năm trăm nghìn đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng, đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm, mà khoản 1 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 không quy định. Vì vậy, đối với hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000  mới phát hiện, xử lý thì được áp dụng khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

Khi áp dụng khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng, phạm tội lần đầu, có nhân thân tốt có thể được áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới một năm tù) hoặc cho người phạm tội được hưởng án treo. Nếu người phạm tội có nhiều tình tiết tăng nặng, không tình tiết giảm nhẹ hoặc nếu có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể thì có thể bị phạt tới năm năm tù.

2. Lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi thuộc các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự 

a. Phạm tội nhiều lần

Phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi nhiều lần là có từ hai lần lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi trở lên và mỗi lần lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi đều đã cấu thành tội phạm, không phụ thuộc vào khoảng cách thời gian từ lần phạm tội trước với lần phạm tội sau. Tuy nhiên, chỉ coi là phạm tội nhiều lần nếu tất cả những lần phạm tội đó chưa bị xử lý (kỷ luật, phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự). Nếu trong các lần phạm tội đó đã có lần bị xử lý kỷ luật, bị phạt hành chính hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự thì không được tính để xác định là phạm tội nhiều lần. 

b. Nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi  triệu đồng trở lên;

Đây là trường hợp người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi mà người phạm tội nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên. Nếu không phải là tiền mà là tài sản thì giá trị tài sản đó là giá thị trường vào thời điểm người phạm tội nhận hoặc đã yêu cầu người khác phải đưa, vì trách nhiệm hình sự là trách nhiệm của một người khi thực hiện hành vi phạm tội. Trong trường hợp các cơ quan tiến hành tố tụng không tự mình xác định được giá trị tài sản thì phải trưng cầu giám định (định giá).

Điều luật quy định nhận tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên, chứ không quy định người phạm tội đã nhận, nên chỉ cần xác định người phạm tội có ý định nhận hoặc đã có hành vi yêu cầu người khác phải đưa tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên là thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự, còn đã nhận được hay chưa, không phải là dấu hiệu bắt buộc. Nếu chưa nhận được hoặc nhận chưa đủ ssos tiền đã thoả thuận hoặc đã yêu cầu thì thuộc trường hợp phạm tội chưa đạt nhưng vẫn thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 của Điều 291 Bộ luật hình sự.

c. Gây hậu quả nghiêm trọng, rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng khác.

Cũng tương tự như đối với một số tội phạm khác, nhà làm luật quy định ba mức hậu quả khác nhau trong cùng một khung hình phạt, nên các cơ quan tiến hành tố tụng cần phải xác định từng loại hậu quả trên cơ sở đó để cá thể hoá mức hình phạt đối với người phạm tội. 

Gây hậu quả nghiêm trọng

Trường hợp phạm tội này cũng tương tự như trường hợp phạm tội gây hậu quả nghiêm trọng quy định ở khoản 1 của điều luật, chỉ khác ở chỗ trường hợp phạm tội này là hậu quả nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi từ 500.000 đồng đến dưới 10.000.000 đồng. 

Nếu dưới 500.000 đồng mà gây hậu quả nghiêm trọng thì chỉ thuộc trường hợp quy định tại khoản 1 của điều luật. Được coi là gây hậu quả nghiêm trọng nếu do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi mà:

- Làm chết một người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 61% đến 100%, trong đó không có người nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật từ 31% đến 60% và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 30 triệu đồng đến dưới 50 triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng.

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra đã là nghiêm trọng chưa.71 

Gây hậu quả rất nghiêm trọng

Hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra là những thiệt rất nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. 
Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả rất nghiêm trọng do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra:

- Làm chết hai người;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của ba đến bốn người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm đến bảy người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

- Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 101% đến 200%, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

- Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 500 triệu đồng đến dưới một tỷ năm trăm triệu đồng;

- Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản thuộc hai đến ba trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng. Ví dụ: Làm chết một người và còn làm bị thương hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của một đến hai người với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên; Làm chết một người và còn gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ 50 triệu đồng đến dưới 500 triệu đồng. v.v...

- Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng rất xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là rất nghiêm trọng.72 

Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng

Hậu quả đặc biệt nghiêm trọng khác do hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra là những thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng đến tính mạng, sức khoẻ, tài sản và những thiệt hại phi vật chất cho xã hội. Có thể coi các thiệt hại sau là hậu quả đặc biệt nghiêm trọng do hành vi làm lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi gây ra:

Làm chết ba người trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của năm người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 61% trở lên;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của tám người trở lên với tỷ lệ thương tật của mỗi người từ 31% đến 60%;

Gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của nhiều người với tổng tỷ lệ thương tật của tất cả những người này từ 201% trở lên, trong đó không có trường hợp nào có tỷ lệ thương tật từ 31% trở lên;

Gây thiệt hại về tài sản có giá trị từ một tỷ năm trăm triệu đồng trở lên;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc bốn trường hợp được coi là hậu quả nghiêm trọng;

Gây thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản mà hậu quả thuộc hai trường hợp được coi là hậu quả rất nghiêm trọng;

Ngoài các thiệt hại về tính mạng, sức khoẻ và tài sản, thì thực tiễn cho thấy có thể còn có hậu quả phi vật chất, như ảnh hưởng xấu đến việc thực hiện đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước, gây ảnh hưởng về an ninh, trật tự, an toàn xã hội... Trong các trường hợp này phải tuỳ vào từng trường hợp cụ thể để đánh giá mức độ của hậu quả do tội phạm gây ra là đặc biệt nghiêm trọng.72

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự thì người phạm tội sẽ bị phạt tù từ ba năm đến mười năm, là tội phạm rất nghiêm trọng.

So với khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985, nếu chỉ căn cứ vào khung hình phạt thì khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 không nhẹ hơn và cũng không nặng hơn khoản 2 Điều 228, nhưng khoản 2 Điều 291 quy định các tình tiết là yếu tố định khung hình phạt cụ thể hơn, trong khi khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 chỉ quy định một trường hợp, đó là: “phạm tội trong trường hợp nghiêm trọng”. Mặt khác, trong thực tiễn xét xử chưa có trường hợp nào áp dụng khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 nên cũng chưa có hướng dẫn như thế nào là phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi trong trường hợp nghiêm trọng. Vì vậy, phải coi quy định tại khoản 2 Điều 291 là quy định mới, nên hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thuộc trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999, thì áp dụng khoản 2 Điều 228 Bộ luật hình sự năm 1985 đối với người phạm tội.

Khi quyết định hình phạt đối với người phạm tội theo khoản 2 Điều 291 Bộ luật hình sự, Toà án cũng phải căn cứ vào các quy định về quyết định hình phạt tại Chương VII Bộ luật hình sự ( từ Điều 45 đến Điều 54). 
Nếu người người phạm tội chỉ gây hậu quả nghiêm trọng và có từ hai tình tiết giảm nhẹ trở lên quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, không có tình tiết tăng nặng hoặc có nhưng mức độ tăng nặng không đáng kể, người phạm tội có nhân thân tốt, không có tiền án tiền sự, đáng được khoan hồng, thì Toà án có thể áp dụng dưới mức thấp nhất của khung hình phạt (dưới ba năm tù) nhưng không được dưới một năm tù, vì theo quy định tại Điều 47 Bộ luật hình sự thì khi có ít nhất hai tình tiết giảm nhẹ quy định tại khoản 1 Điều 46 Bộ luật hình sự, Toà án có thể quyết định một hình phạt dưới mức thấp nhất của khung hình phạt, nhưng phải trong khung hình phạt liền kề nhẹ hơn của điều luật ( khung hình phạt nhẹ hơn liền kề của khoản 2 là khoản 1 Điều 291 Bộ luật hình sự ). Nếu người phạm tội gây hậu quả rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng và có nhiều tình tiết tăng nặng, không có tình tiết giảm nhẹ hoặc tuy có nhưng mức độ giảm nhẹ không đáng kể, là người có nhân thân xấu, thì có thể bị phạt tới mười năm tù.

3. Hình phạt bổ sung đối với người phạm tội lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục 
lợi

Ngoài hình phạt chính, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ một lần đến năm lần số tiền hoặc giá trị tài sản đã trục lợi. 

So với Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định về hình phạt bổ sung đối với tội phạm này thì khoản 3 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định hình phạt tiền mà không quy định hình phạt tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản. Mặt khác, khoản 3 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 chỉ quy định “có thể bị phạt...”, còn Điều 229 Bộ luật hình sự năm 1985 quy định “thì bị phạt...” Vì vậy, đối với hành vi lợi dụng ảnh hưởng đối với người có chức vụ quyền hạn để trục lợi xảy ra trước 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mà sau 0 giờ 00 ngày 1-7-2000 mới bị phát hiện xử lý thì áp dụng khoản 3 Điều 291 Bộ luật hình sự năm 1999 đối với người phạm tội.

No comments:

Post a Comment