15/08/2014
Đánh giá chính sách pháp luật nhà Tây Chu - Bài tập học kỳ - Lịch sử Nhà nước và Pháp luật thế giới
Trong thời cổ đại phương Đông xuất hiện bốn trung tâm văn minh lớn và Trung Quốc cũng được đánh giá là một trong bốn cái nôi của nên văn minh loài người. Với bất kì một quốc gia nào, pháp luật cũng là một trong những yếu tố quan trọng nhất góp phần làm nên diện mạo dân tộc, củng cố, phát triển đất nước và giúp nhà nước quản lí xã hội. Đặc biệt khi nói đến nhà nước Trung Quốc cổ đại, pháp luật trở thành một yếu tố không thể thiếu mà pháp luật nhà Chu đóng góp một phần vô cùng quan trọng, nổi bật là nhà Tây Chu. Để hiểu rõ hơn những ưu điểm cũng như những hạn chế của chính sách pháp luật của triều đại này, nội dung bài tập lớn của em sẽ đi sâu vào phân tích và làm sáng tỏ chủ đề: “Đánh giá chính sách pháp luật của nhà Tây Chu”

NỘI DUNG

I. Khái quát chung về nhà Tây Chu

Sau khi đem quân tiêu diệt triều Thương, nhà Chu đóng đô ở Cào Kinh (phía Tây lưu vực Hoàng Hà), nên thời kì nhà Chu đóng đô ở đây, gọi là Tây Chu. Ông vua sáng lập ra triều Tây Chu là Cơ Phát, tên hiệu là Vũ Vương. Triều Tây Chu đã trải qua 12 đời vua.

1.Những nét sơ lược về chế độ chính trị

Về chế độ chính trị, nổi bật trong thời kì này là chế độ tông pháp. Chế độ này dựa trên cơ sở quyền thừa kế về tước vị và tài sản kết hợp với quyền tế tự tổ tiên. Cụ thể là Thiên tử, khanh, trượng phu chỉ được lập người con trưởng để kế thừa chức vị và tước vị. Có sự phân chia làm đại tông và tiểu tông, đại tông phải phục tùng tiểu tông. Chế độ tông pháp cha truyền con nối có vai trò quan trọng củng cố đặc quyền quý tộc Và đặc biệt, chế độ tông pháp đặt nền móng cho nhà Chu thực hiện chế độ phân phong đất đai và ban tước vị.

2.Những nét sơ lược về tổ chức bộ máy nhà nước

Bộ máy quan lại Trung ương: Bộ máy quan lại triều đình đi vào quy củ, phát triển nhất với cơ cấu Tam công, Lục khanh. Tam công bao gồm ba chức quan lớn theo thứ tự cao thấp: Thái sư, Thái phó, Thái bảo. Lục khanh bao gồm: Thái tể, Tư đồ, Tông bá, Tư mã, Tư khấu, Tư không. Giúp việc cho Lục khanh là các Tòng quan. Song song với Lục khanh có Thái sử liêu gồm Tả sử (ghi chép lời nói của vua); Hữu sử (ghi chép lại những sự kiện lớn của quốc gia).

Bộ máy quan lại ở địa phương: Cấp hành chính trực tiếp dưới trung ương, do chính sách phân phong nên nhà Tây Chu có thêm một cấp địa phương là các nước chư hầu, đây là cấp địa phương cao nhất. Bộ máy chính quyền của chư hầu là hình ảnh thu nhỏ của chính quyền Trung ương.Chính quyền cấp cơ sở thì thôn trưởng vẫn do công xã bầu ra, nhưng phải được chính quyền cấp trên phê chuẩn.

II.Chính sách pháp luật của nhà Tây Chu

Vào thời kì nhà Tây Chu, pháp luật gồm hai bộ phận khá rõ ràng, đó là lễ và hình và được thực hiện dựa trên nguyên tắc: “ Lễ không xuống đến thứ dân – Hình không lên đến đại phu”.

1.Các quy định về lễ của nhà Tây Chu

Lễ bắt nguồn từ tập quán tế tự của xã hội nguyên thủy, đến xã hội có nhà nước, lễ phát triển thành chuẩn mực hành vi điều chỉnh mối quan hệ giữa người với người, giữa kẻ dưới với người trên. Lễ nhà Tây Chu do Chu Công Đán chế định, là một chế độ pháp luật điều chỉnh đối tượng đó là giai cấp quý tộc nhằm thiết lập trật tự nhà nước trong quá trình tiến hành cai trị. Nội dung của lễ bao gồm các chế độ luật lệ, quy phạm hành vi và nghi thức lễ tiết của các mặt chính trị, kinh tế, quân sự, pháp luật, hôn nhân gia đình, đạo đức, luân lý, phong tục tập quán...Hệ thống Lễ gồm 5 loại, gọi là Ngũ Lễ: Cát lễ (lễ tế các thần linh); Cung lễ (lễ cúng tế, ma chay, mất mùa); Quân lễ (lễ ra quân); Tân lễ (lễ tiếp đón các chư hầu); Gia lễ (lễ hôn nhân, lễ đặt con trưởng). Nguyên tắc cơ bản của lễ là “thân thân tôn tôn” (tức thân với người thân, tôn với người tôn quý). Khi vi phạm lễ, có thể là thất lễ (không cống nạp lễ theo quy định) hoặc tiếm lễ (vượt quyền được vua trao cho) thì sẽ có hai hình phạt đưa ra: một là cử quan đến trách phạt, hai là liên quân với nước chư hầu khác để tiêu diệt. Mục đích của lễ là nhằm “kinh lý quốc gia, ổn định xã tắc, đưa nhân dân vào vòng trật tự, làm lợi cho việc nỗi dõi về sau”.

2.Các quy định về hình của nhà Tây Chu

Hình được áp dụng cho giai cấp thứ dân, có vai trò giáo dục cho con người những đức tính tốt và trừng trị những kẻ phạm tội. Hệ thống hình phạt của nhà Tây Chu kế thừa Ngũ hình của nhà Thương: Mặc (thích chữ vào trán rồi bôi mực); Tỵ (cắt mũi); Phị(chặt chân hoặc tróc bỏ xương bánh chè); Cung (nam thì bị thiến, nữ bị nhốt vào buồng kín); Đại tịch (Tử hình có nhiều hình thức như: chém đầu, chém ngang lưng, thiêu đốt, róc thịt, khoét thịt,..) và bổ sung thêm bốn hình phạt nữa là “Cửu hình”. Bốn hình phạt bổ sung là: tiên (đánh bằng roi); phốc (đánh giữa chợ); lưu (đi đày) và thục (chuộc tội). Đến vương triều thứ năm là Chu Mục Vương, đặt ra Lữ hình. Lữ hình là Cửu hình được bổ sung và sửa đổi, thể hiện tư tưởng pháp luật “Minh đức thận phạt” (làm sáng tỏ đức, thận trọng khi dùng hình phạt). Đó là giảm thiểu những điều khoản hình phạt nặng; mở rộng phạm vi của Thục hình, người bị tuyên phạt hình có liên quan đến Ngũ hình, được phép dùng tiền chuộc để miễn hình phạt. Số lượng tiền chuộc có quy định cụ thể. Đối tượng của việc chuộc tiền miễn tội hình hạn chế ở tội đang còn hiềm nghi. Mặt khác khi định tội, lượng hình cần phải phân biệt lầm lỡ với cố ý, phạm tội nhất thời với tái phạm nhiều lần. Tội tuy nhỏ nhưng cố ý hoặc tái phạm thì nghiêm trị, tội lớn nhưng do lầm lỡ hoặc nhất thời thì có thể xử nhẹ.

 Ngoài ra, về tố tụng, Lữ hình còn quy định “Ngũ thính” nhằm phòng ngừa quan lại xử án lạm dụng pháp luật. “Ngũ thính” gồm: Xét xử phải dùng chứng cứ; quan sát sắc mặt để phân biệt khẩu cung thật hay giả; giám sát quan tòa xét xử án; các vụ trọng án phải do Chu Vương xét hỏi; quan xử án nếu sợ quyền thế, đền ơn trả oán, ăn hối lộ, nhận nhờ vả thì cũng tội như kẻ phạm tội.

III. Đánh giá chính sách pháp luật của nhà Tây Chu

1.Những ưu điểm trong chính sách pháp luật của nhà Tây Chu

Trong chính sách pháp luật của nhà Tây Chu, có một số những ưu điểm mà chúng ta cần phải ghi nhận, đó là:

Thứ nhất, bên cạnh áp dụng hình phạt, nhà Tây Chu đã chú trọng đến việc thực hành lễ trị. Lễ là sự thể hiện danh phận của các đẳng cấp trong giai cấp thống trị nhà Chu, là phản ánh sự kết hợp quan hệ tông pháp và tổ chức chính quyền nhà nước. Việc đề cao lễ trị đã có ảnh hưởng rất lớn đến hiệu quả của việc thực hiện những hành vi phù hợp với ý chí nhà nước của người dân. Bởi lễ là những quy tắc xử sự mang tính đạo đức, dễ khiến con người hiểu và tự nguyện thực hiện, và khi những xử sự đó trở thành thói quen, thành văn hóa thì càng dễ dàng hơn trong việc quản lí xã hội. Có thể nói nhà Tây Chu đã rất khéo léo và sáng suốt khi đưa Lễ trở thành một trong hai phương pháp quan trọng nhất để điều chỉnh các quan hệ xã hội. 

Thứ hai, nhà Tây Chu đã rút kinh nghiệm sự thất bại của nhà Thương do vua Trụ dùng hình phạt quá nặng nề nên nhà Chu đã đề ra nguyên tắc “Minh đức thận phạt” – đó là làm sáng tỏ đức và thận trọng khi dùng hình phạt. Điều này có ý nghĩa rất lớn trong việc hạn chế sự lạm quyền, xét xử bừa bãi và tùy tiện áp dụng hình phạt. Đặc biệt Lữ hình do Chu Mục Vương biên soạn đã có nhiều tiến bộ trong việc đưa ra các hình phạt bớt hà khắc hơn, giảm thiểu những hình phạt nặng, được phép dùng tiền chuộc để miễn hình phạt đối với những tội đang còn hiềm nghi. Điều này đã cho thấy một đột phá trong tư tưởng của những nhà lãnh đạo thời kì này. Họ đã bắt đầu có sự phân chia các loại tội và sắp xếp các hình phạt phù hợp nhất với từng loại tội. 

2.Một số hạn chế trong chính sách pháp luật của nhà Tây Chu

Mặc dù có rất nhiều điểm tiến bộ so với những triều đại trước đó nhưng chính sách pháp luật của nhà Tây Chu vẫn còn một vài hạn chế. 

Điểm hạn chế lớn nhất mà có thể coi là đặc trưng của pháp luật của các triều đại Trung Quốc thời kì cổ đại. Đó là sử dụng những đạo luật hà khắc, dã man để nghiêm trị những kẻ coi vi phạm pháp luật, xâm phạm nghiêm trọng đến các điều cấm mà nhà Vua đặt ra để quản lí và điều hành đất nước. 

Điểm hạn chế thứ hai trong chính sách pháp luật nhà Tây Chu đó là sử dụng một nguyên tắc mang tính giai cấp rất rõ ràng : “Lễ không xuống đến thứ dân, hình không lên đến đại phu”. Điều này đã thể hiện sự bất bình đẳng giữa các tầng lớp trong xã hội. Với những người có quyền có thế, Vua Chu dùng lễ để điều chỉnh, hình phạt được áp dụng cũng phần nào đó bớt khắc nghiệt hơn những hình phạt mà thứ dân phải chịu khi phạm tội.

Nhìn chung với chính sách pháp luật của mình, nhà Tây Chu đã đạt được những thành công nhất định trong việc quản lí một đất nước Trung Quốc rộng lớn.

KẾT LUẬN

Như vậy, nhìn một cách tổng thể, chính sách pháp luật của nhà Tây Chu tuy những hình phạt được áp dụng vẫn còn mang nặng tính chất hà khắc, dã man nhưng đã có rất nhiều tiến bộ so với các triều đại trước, đặc biệt việc sử dụng kết hợp hai hình thức lễ và. Và đó cũng là lí do mà pháp luật Tây Chu chiếm một vị trí vô cùng quan trọng trong pháp luật Trung Quốc cổ đại nói riêng và lịch sử nhà nước và pháp luật Trung Quốc nói chung.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Giáo trình Lịch sử Nhà nước và pháp luật thế giới 2012 – Trường Đại học Luật Hà Nội – NXB Công an nhân dân. 
2. Website: http://sinhvienluat.vn/
                  http://tailieu.vn/

No comments:

Post a Comment