15/08/2014
Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách. Liên hệ thực tiễn - Bài tập lớn Tâm lí học
Từ xưa đến nay, khi đánh giá, xem xét một con người, chúng ta thường nhắc đến nhân cách của họ. Triết học Mac – Lenin đã cho rằng nhân cách là những “cá nhân con người với tính cách là sản phẩm của sự phát triển xã hội, chủ thể của lao động, của sự giao tiếp, của nhận thức, bị quy định bởi những điều kiện lịch sử - cụ thể của đời sống xã hôi”. Và nhân cách không phải ngay từ đầu đã có, sự hình thành và phát triển của nó được quy định bởi nhiểu yếu tố khác nhau. Để có cái nhìn rõ hơn về vấn đề này, em xin lựa chọn đề tài: “ Phân tích vai trò của các yếu tố đối với sự hình thành, phát triển nhân cách. Liên hệ thực tiễn). Trong quá trình làm bài, em còn có nhiều sai sót, mong các thầy cô góp ý để bài làm của em được hoàn thiện hơn.

NỘI DUNG

I/ Cơ sở lí luận


1, Khái niệm nhân cách: Nhân cách là tổ hợp những thuộc tính tâm lí của một cá nhân biểu hiện ở bản sắc và giá trị xã hội của người ấy. Nói thuộc tính tâm lí là nói hiện tượng tâm lí tương đối ổn định – kể cả phần sống động và phần tiềm tàng (nét, thói, tính tình) có tính quy luật chứ không phải xuất hiện một cách ngẫu nhiên.


2, Đặc điểm của nhân cách
-      Tính ổn định của nhân cách
-      Tính thống nhất của nhân cách.
-      Tính tích cực của nhân cách
-      Tính giao tiếp của nhân cách

3, Cấu trúc của nhân cách: Bao gồm bốn thuộc tính: xu hướng, năng lực, tính cách, khí chất.

Xu hướng cá nhân là một  hệ thống động cơ và mục đích định hướng thúc đẩy con người tích cực hoạt động nhằm thỏa mãn nhu cầu, hững thú hoặc vươn tới mục tiêu mà cá nhân lấy làm lẽ sống của mình. Trong cuộc sống hằng ngày của con người, xu hướng được biểu hiện ra bên ngoài ở nhu cầu, hứng thú, lí tưởng, thế giwosi quan, niềm tin.

Năng lực là tổng hợp những thuộc tính tâm lí độc đáo của cá nhân phù hợp với những yêu cầu đặc trưng của một hoạt động nhất định, đảm bảo cho hoạt động đó diễn ra có kết quả.

Tính cách là sự kết hợp độc đáo các đặc điểm tâm lí ổn định của con người, những đặc điểm này quy định phương thức hành vi điển hình của người đó trong những điều kiện và hoàn cảnh sống nhất định thể hiện thái độ của họ đối với thế giới xung quanh và bản thân.

Khí chất là một thuộc tính tâm lí gắn liền với kiểu hoạt động thần kinh tương đối bền vững của cá nhân, đặc trưng cho hoạt động tâm lí về cường độ, tốc độ, nhịp độ, thể hiện sắc thái riêng về hành vi và cử chỉ của người đó.

II/ Vai trò của những yếu tố đối với sự hình thành và phát triển nhân cách
Nhân cách không phải tự nhiên sinh ra đã có mà nó được bộc lộ dần từ các bản năng nguyên thủy, được hình thành và phát triển trong quá trình sống, giao tiếp, vui chơi, học tập, lao động... Như V.I.Lenin khẳng định: “ Cùng với dòng sữa mẹ, con người hấp thụ tâm lí, đạo đức của xã hội mà nó là thành viên”. Nhà tâm lí học A.N.Leonchev cũng chỉ ra rằng: nhân cách cụ thể là nhân cách của con người sinh thành và phát triển theo con đường từ bên ngoài chuyển vào nội tâm, từ các quan hệ với thế giới tự nhiên, thế giới đồ vật, nền văn hóa xã hội do các thế hệ trước tạo ra các quan hệ xã hội mà nó gắn bó. Sự hình thành và phát triển nhân cách phụ thuộc vào các yếu tố là: di truyền, hoàn cảnh sống, hoạt động, giao tiếp và giáo dục.

1, Di truyền
Bẩm sinh – di truyền đóng vai trò đáng kể trong sự hình thành phát triển tâm lí tính cách. Chính nó tham gia vào sự tạo thành cơ sở vật chất của các hiện tượng tâm lí – những đặc điểm giải phẫu và sinh lí của cơ thể, trong đó có hệ thần kinh. Như vậy, có thể khẳng định yếu tố di truyền có vai trò tiền đề đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Yếu tố bẩm sinh di truyền cùng những đặc điểm về thể chất sẽ tạo điều kiện thuận lợi hoặc gây những khó khăn nào đó trong quá trình hoạt động. Chẳng hạn, người có thính giác nhanh nhạy sẽ tạo điều kiện thuận lợi cho việc hình thành năng lực chơi âm nhạc hoặc hưởng thụ âm nhạc. Tuy nhiên, cần khẳng định vai trò không thể thiếu của yếu tố sinh học đối với sự hình thành và phát triển nhân cách. Thiếu đi một bộ phận cơ thể, khiếm khuyết mộ phần nào đó của hệ thần kinh cũng làm cho nhân cách không phát triển hoặc kém phát triển.

Mặt khác, sự tác động của yếu tố di truyền đối với từng giai đoạn phát triển lứa tuổi và đối với từng hoạt động cụ thể là khác nhau. Chẳng hạn, khả năng tiềm tàng của bộ máy phân tích âm thanh cần được phát triển và bồi dưỡng từ thưở ấu thơ. Nó là đặc điểm di truyền, khác với những đặc điểm khác của cơ thể. Bên cạnh đó, sự phát triển không bình thường của cơ thể con người cũng ảnh hưởng đếnsự phát triển tâm lí nhân cách. Ví dụ: người có dị tật thường nảy sinh tâm lí tự ti.

Chính vì vậy, các nhà giáo dục cần quan tâm đúng mức đến vai trò của yếu tố di truyền để phát hiện sớm các tài năng của học sinh. Tuy nhiên, không được quá đề cao hoặc quá xem nhẹ vấn đề này vì: nếu tuyệt đối hóa hoặc quá đề cao ảnh hưởng của yếu tố di truyền sẽ dẫn đến sai lầm về nhận thức luận, Nhưng nếu quá xem nhẹ, coi thường ảnh hưởng của yếu tố sinh học – yếu tố di truyền thì vô hình chung chúng ta đã bỏ qua yếu tố tư chất, yếu tố tiền đề  thuận lợi của sự phát triển.

2, Hoàn cảnh sống

2.1, Hoàn cảnh tự nhiên
Hoàn cảnh tự nhiên như vị trí địa lí, địa hình (sông, núi...), khoáng sản, khí hậu (nóng, lạnh...) đã quy định đặc điểm của phương thức hoạt động của con người trong tự nhiên và một số nét riêng trong phạm vi sáng tạo nghệ thuật. Qua đó quy định các giá trị vật chất và tinh thần ở một mức độ nhất định. Hay có thể nói tâm lí dân tộc mang dấu ấn của hoàn  cảnh tự nhiên thông qua khâu trung gian là phương thức sống. Ngay cả nhiều phong tục tập quán suy cho cùng cũng có nguồn gốc từ điều kiện và hoàn cảnh sống tự nhiên.

Nhân cách là một thành viên xã hội chịu ảnh hưởng của điều kiện tự nhiên thông qua những giá trị vật chất và tinh thần, qua phong tục tập quán của dân tộc, của địa phương và qua phương thức sống của chính bản thân nó.

Ví dụ như con người Việt Nam, sinh ra trong một đất nước đã từng trải qua các cuộc chiến tranh gian khổ để giành độc lập, một đất nước đi lên từ nền nông nghiệp lạc hậu nên con người Việt Nam là những con người kiên cường, cần cù... và chính điều đó đã làm nên nhân cách của họ.

Tuy nhiên, hoàn cảnh tự nhiên không giữ vai trò quan trọng quyết định trong sự phát triển tâm lí nhân cách, vì nó hoàn toàn có thể điều chỉnh, khắc phục được.

2.2, Hoàn cảnh xã hội
Nhân cách đó là một sản phẩm của xã hội, chịu ảnh hưởng nói chung bới sự phát triển của xã hội.

Điều kiện kinh tế - xã hội ảnh hưởng trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách con người. Điều kiện kinh tế - xã hội tác động trực tiếp đến mục tiêu và định hướng giá trị cho sự hình thành và phát triển nhân cách. Xu hướng kinh tế ngày càng phát triển, xã hội ngày càng đòi hỏi những người có năng lực thực sự; có đức, có tài; dám nghĩ dám làm, dám chịu trách nhiệm. Đặc biệt là nền kinh tế và xã hội thay đỏi tác động trực tiếp và tạo điều kiện tối đa cho sự phát triển nhân cách của con người.

Tâm lí nhân cách phụ thuộc vào quan hệ chính trị và pháp luật. Vị trí giai cấp của cá nhân sẽ kích thích tính tích cực của nó ở mức độ này hay mức độ khác trong vai trò xã hội. Nhu cầu, hứng thú, lí tưởng phụ thuộc không ít vào vai trò ấy. Sự phát triển nhân cách của con người không bó hẹp chỉ trong môi trường sinh hoạt, học tập, lao động của họ mà môi trường lớn xã hội cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự phát triển nhân cách của họ. Điều này được thể hiện rất rõ ở con người khi họ quan tâm đến tình hình chính trị, xã hội trong nước và thế giới.

Tất cả những mối quan hệ xã hội được nêu ở trên, nhân cách không chỉ là một khách thể mà còn là một chủ thể. Cá nhân là một tồn tại có ý thức, nó có thể lựa chọn phương thức sống của mình và do đó nó lựa chọn những phản ứng khác nhau trước tác đọng của hoàn cảnh xã hội.

Trong môi trường xã hội ta còn thấy những hiện tượng tâm lí xã hội quần chúng khác ảnh hưởng đến sự  phát triển tâm lí nhân cách. Dư luận và tâm trạng chung, đó là sự phán xét, đánh giá của đám đông về sự kiện đời sống xã hội. dư luận được hình thành thầm lặng hoặc có ý thức, có thể đóng vai trò tích cực hay tiêu cực trong cuộc sống (ví dụ như hiện tượng tẩy chay hàng Trung Quốc của đông đảo người dân Việt nam sau sự kiện biển Đông là tiêu cực... ).

3, Nhân tố giáo dục
Theo quan điểm của tâm lí học và giáo dục hiện đại thì giáo dục giữ vai trò chủ đạo trong sự phát triển nhân cách.

Giáo dục là một hoạt động chuyên môn của xã hội nhằm hình thành và phát triển nhân cách con người theo những yêu cầu của xã hội trong những giai đoạn lịch sử nhất định.

Vai trò chủ đạo của giáo dục đối với sự hình thành và phát triển nhân cách :
- Giáo dục vạch ra chiều hướng cho sự hình thành và phát triển nhân cách của học sinh và dẫn dắt sự hình thành và phát triển nhân cách cho học sinh sinh viên theo chiều hướng đó.
- Giáo dục có thể mang lại những cái mà các yếu tố bẩm sinh – di truyền hay môi trường tự nhiên không thể đem lại được. Chẳng hạn, đứa trẻ có năng lực cảm thụ âm nhạc tốt, nhưng nó chỉ có thể chơi các loại nhạc cụ sau khi đã đươc đi học.
- Giáo dục có thể bù đắp những thiếu hụt do bệnh tật đem lại cho con người. Ví dụ: bằng những phương pháp giáo dục đặc biệt trẻ em và những người lớn bị khuyết tật (câm, mù, điếc...) có thể được phục hồi những chức năng đã mấy, hoặc có thể phát triển tài năng và trí tuệ một cách bình thường chẳng hạn như nghệ sĩ ghita Văn vượng bị mù từ bé, nhưng nhờ có giáo dục mà trở thành tài năng âm nhạc.
- Giáo dục có thể uốn nắn những phẩm chất tâm lí xấu, do tác động tự phát của môi trường xã hội gây nên và làm cho nó phát triển theo chiều hướng mong muốn của xã hội. Ví dụ như hiện nay chúng ta có các trại giáo dưỡng, trại cải tạo cho nhưng người chưa thành niên pháp sống tốt hơn.
- Giáo dục có thể đi trước hiện thực, trong khi tác động tự phát của xã hội chỉ ảnh hưởng đến cá nhân ở một mức độ hiện có của nó. Chẳng hạn, mục tiêu giáo dục của chúng ta là xây dựng con người mới xã hội chủ nghĩa. Đây chính là tính chất tiên tiến của giáo dục.
- Những công trình nghiên cữu về tâm lí học và giáo dục học hiện đại đã chứng minh rằng, sự phát triển tâm lí của trẻ em chỉ có thể diễn ra một cách tốt đẹp trong những điều kiện của sự dạy học và giáo dục.

Như vậy, giáo dục giữ vai trò chủ đạo quyết định đến sự hình thành và phát triển nhân cách song không nên tuyệt đối hóa vai trò của giáo dục, cho rằng, giáo dục là “vạn năng”, xem đứa trẻ như tờ giấy trắng mà trên đó nhà giáo dục muốn vẽ sao thì vẽ mà cần phải tiến hành giáo dục trong các mối quan hệ hữu cơ với việc tổ chức hoạt động, tổ chức quan hệ giao tiếp, hoạt động cùng nhau trong các mối quan hệ xã hội, quan hệ nhóm và tập thể. Giáo dục không tách rời tự giáo dục, tự rèn luyện, tự hoàn thiện nhân cách ở mỗi cá nhân

4, Nhân tố hoạt động
Theo quan điểm của tâm lí học hiện đại, hoat động cá nhân đóng vai trò quyết định trực tiếp đến sự hình thành và phát triển nhân cách.

Với phương pháp nghiên cứu trẻ sinh đôi, các nhà tâm lí học và sinh lí học như T. Gacne, H Niumen... đã chỉ ra rằng những trẻ em sinh đôi cùng trứng có đặc điểm di truyền giống nhau, môi trường sống giống nhau nhưng chiều hướng phát triển nhân cách ở mỗi em lại hoàn toàn khác nhau. Điều đó chỉ có thể giải thích rằng hoạt động ở mỗi cá nhân khác nhau quy định chiều hướng phát triển nhân cách khác nhau của các cá nhân đó.

Hoạt động là phương thức tồn tại của con người, là nhân tố quyết định trực tiếp sự hình thành và phát triển nhân cách. Hoạt động của con người là hoạt động có mục đích, mang tính xã hội, cộng đồng, được thực hiện bằng những thao tác nhất định, với những công cụ nhất định

Tâm lí học hiện đại đã coi hoạt động là quá trình sáng tạo của con người (với tư cách là chủ thể) và là quá trình con người lĩnh hội toàn bộ những cái có trong thực tại xung quanh cần cho cuộc sống của chủ thể. Hai quá trình này trong hoạt động diễn ra đồng thời và thống nhất với nhau, chuyển hóa lẫn nhau, gọi là quá trình đối tượng hóa và quá trình chủ thể hóa
- Quá trình đối tượng hóa (quá trình khách thể hóa) là quá trình chủ thể của hoạt động chuyển những cái của mình thành sản phẩm của hoạt động. Nói cách khác, đây là quá trình chủ thể sử dụng trình độ tâm lí vốn có của ban thân như hiểu biết, tri thức, kĩ năng, kĩ xảo, thái độ, các chuẩn mực... tác động vào thế giới khách quan, làm ra các sản phẩm của hoạt động. Quá trình hoạt động cũng như sản phẩm của hoạt động chứa đựng những đặc điểm tâm lí của chủ thể đã tiến hành hoạt động. Như vậy, quá trình đối tượng hóa có thể hiểu là quá trình chuyển những cái của chủ thể thành những cái của đối tượng. Quá trình này còn gọi là quá trình xuất tâm.
- Quá trình chủ thể hóa là quá trình biến những cái từ bên ngoài hiện thức khách quan thành những cái của chủ thể. Hoạt động của con người rất đa dạng và phong phú. Mỗi hoạt động đòi hỏi ở chủ thể tiến hành những phẩm chất tâm lí nhất định. Để đạt được hiệu quả cao, chủ thể hoạt động phải trau dồi, rèn luyện các phẩm chất tâm lí phù hợp với yêu cầu của hoạt động mà họ tham gia. Hơn nữa, trong hoạt động, cá nhân khám phá những bản chât quy luật của đối tượng, tìm ra được những thao tác, kĩ năng, kĩ xảo cần thiết. Tất cả những cái đó từ hiện thực khách quan sẽ được cá nhân lĩnh hội, tái tạo và biến nó thành cái của chủ thể. Đó chính là quá trình chủ thể hóa, quá trình biến những cái bên ngoài thành tâm lí của chủ thể. Quá trình này còn được gọi là quá trình nhập tâm

Như vậy, hoạt động được xem như là sự vận động tạo thành tâm lí nhân cách – sự vận động gắn với chủ thể hoạt động với thế giới đối tượng xung quanh nó. Vì vậy, công tác giáo dục cần chú ý thay đổi làm phong phú nội dung, hình thức, cách tổ chức hoạt động sao cho lôi cuốn thực sự cá nhân tham gia tích cực, tự giác vào các hoạt động đó.

5, Yếu tố giao tiếp.
Nhà tâm lí học Xô Viết B.PH Lômôv cho rằng: “ khi chúng ta nghiên cứu lối sống của một cá nhân cụ thể, chúng ta không thể tự giới hạn ở sự phân tích xem nó làm cái gì và như thế nào, mà còn phải nghiên cứu xem nó giao tiếp với ai và như thế nảo”. Vì vậy, cùng với hoạt động có đối tượng, giao tiếp có vai trò cơ bản trong việc hình thành và phát triển nhân cách.

Giao tiếp là quá trình thiết lập và phát triển sự tiếp xúc giữa các cá nhân xuất phát từ nhu cầu phối hợp hành động.

Giao tiếp bao giờ cũng mang tính xã hội. Giao tiếp là hiện tượng xã hội. Hoạt động này xác lập và vận hành các quan hệ người – người. Giao tiếp làm nảy sinh quan hệ liên nhân cách và chỉ được thực hiện qua các quan hệ liên nhân cách.

Giao tiếp la điều kiện tồn tại của cá nhân và xã hội loài người. Nhu cầu giao tiếp là một trong những nhu cầu xã hội cơ bản, xuất hiện sớm nhất ở con người.C. Mác khẳng định: “ sự phát triển của một cá nhân được quy định bởi sự phát triển của tất cả các cá nhân khác mà nó giao tiếp trực tiếp hoặc gián tiếp với họ”. Thực tế chứng minh rằng trường hợp trẻ em do động vật nuôi đã mất bản tính người, mất nhân cách và chỉ còn lại đặc điểm tâm lí, hành vi của con vật. Đã có nhiều công trình nghiên cứu chỉ ra rằng sự giao tiếp quá hạn chế,nghèo nàn đã dẫn đến những hậu quả nặng nề là dễ mắc bệnh “ đói giao lưu do nằm viện lâu ngày” ( Hospitalism)

Nhờ giao tiếp, con người tham gia vào các mối quan hệ xã hội, lĩnh hội nền văn hóa xã hội, chuẩn mực xã hội, đồng thời thông qua giao tiếp, con người đóng góp năng lực của mình vào kho tàng chung của nhân loại.

Trong giao tiếp, con người không chỉ nhận thức người khác, nhận thức các quan hẹ xã hội, mà còn nhận thức được chính bản thân mình, tự đối chiếu, so sánh mình với người khác, với chuẩn mực xã hội, tự đánh giá bản thân mình như là một nhân cách.

Giao tiếp không chỉ làm thay đổi nhận thức, tình cảm của con người mà nó còn làm thay đổi hành vi của các chủ thể tham gia giao tiếp. Việc thay đổi hành vi được xem xét ở hai khía cạnh:
- Thứ nhất, thông qua giao tiếp, cá nhân có khả năng diều chỉnh hành vi của mình. Qua giao tiếp cá nhân biết và hiểu được từ nhận thức đến hành vi của đối tượng giao tiếp. Do vậy, cá nhân phải lựa chọn, điều chỉnh hành vi của bản thân (cử chỉ, điệu bô, hoạt động) để cho phù hợp với đối tượng giao tiếp, hoàn cảnh giao tiếp, môi trường giao tiếp.
- Thứ hai, thông qua giao tiếp, cá nhân có thể điều chỉnh hành vi của người khác. Giao tiếp có thể tác động đến động cơ, mục đích, chương trình và việc ra quyết định của hoạt động con người. – quá trình kích thích điều chỉnh lẫn nhau

III/ Liên hệ thực tiễn
Trên thực tế, các yếu tố trên không tác đọng một cách riêng rẽ mà chúng cũng tác động vào sự hình thành và phát triển nhân cách.

Trong môi trường xã hội hiện nay, khi mà nhà nước ta đang xây dựng một nền kinh tế thị trường theo định hướng xã hội chủ nghĩa , chúng ta có rất nhiều điều kiện thuận lợi để thúc đẩy quá trình hình thành và phát triển nhân cách. Hoàn cảnh xã hội hiện nay cần lắm những người công dân ưu tú có cả đức và tài cũng như Bác Hồ đã từng dạy: “ Có tài mà không có đức là vô dụng. Có đức mà không có tài thì làm việc gì cũng khó”. Vì vậy, để có một nhân cách hoàn thiện, chúng ta cần có sự tác động vào các yếu tố hình thành và phát triển nhân cách một cách thích hợp.

Mỗi chúng ta sau khi có hiểu biết về vai trò của yếu tố di truyền – bẩm sinh thì cần phái cố gắng phát huy những điểm mạnh, kiềm chế những  yếu tố không tốt về mặt bẩm sinh di truyền trong khả năng có thể. Đồng thời, chúng ta cũng cần tích cực tham gia vào xã hoạt động xã hội, tình nguyện,...để xác định những yêu cầu chuẩn mực của thời đại để có thể rèn luyện bản thân theo hướng đáp ứng tốt nhất những nhu cầu đó. Mặt khác, cần tích cực giao tiếp với bạn bè, thầy cô, những người xung quanh để tạo mối quan hệ rộng, tiếp thu được nhiều kiến thức có ích. Cần có sự năng động hoạt đọng trên nhiều lĩnh vực. Là một sinh viên luật, kiến thức chuyên môn là cần thiết nhưng nếu có thêm những khả năng như nhảy, múa, hát, kinh nghiệm đời sống thì càng đáng quý. Và chúng ta cũng luôn cần tự nhìn nhận lại bản thân, đánh giá những việc đã làm là đúng hay sai, đặt ra mục đích để vươn tới, đề ra phương hướng, và lên cho mình một kế hoạch tốt nhất, khoa học nhất

KẾT LUẬN

Như vậy, có năm yếu tố tác động đến sự hình thành và phát triển nhân cách của con người. Mỗi yếu tố có một vai trò khác nhau: yếu tố di truyền là cơ sở, nền tảng;  hoàn cảnh sống giữ vài trò quyết định; nhân tố giáo dục giữ vài trò chủ đạo;nhân tố hoạt động đóng vai trò quyết định trực tiếp và yếu tố giao tiếpcó vai trò cơ bản trong sự hình thành vá phát triển nhân cách nhưng giữa chúng lại có mối liên hệ mật thiết, hữu cơ với nhau. Việc phân tích, nghiên cứu vai trò của các yếu tố này có ý nghĩa vô cùng to lớn không chỉ ở phương diện lí luận, nghiên cứu tâm lí học mà còn là vấn đề áp dụng trong thực tế.

No comments:

Post a Comment