27/07/2014
Những hạn chế trong tổ chức, hoạt động của chính quyền địa phương ở nước ta hiện nay
CQĐP (bao gồm HĐND và UBND) ở nước ta hiện nay được tổ chức và hoạt động trên cơ sở Hiến pháp năm 1992, Luật tổ chức HĐND và UBND năm 1994 được sửa đổi, bổ sung năm 2003, thể hiện quan điểm, chủ trương của Đảng về đổi mới tổ chức bộ máy nhà nước, đáp ứng yêu cầu xây dựng nền kinh tế thị trường theo định hướng XHCN.

CQĐP ở nước ta được tổ chức ở ba cấp tỉnh, huyện, xã (tính đến ngày 15.6.2011, cả nước có 63 đơn vị hành chính cấp tỉnh; 698 đơn vị cấp huyện và 11.112 đơn vị cấp xã). Bộ máy CQĐP gồm HĐND và UBND được thành lập đầy đủ ở cả 3 cấp. HĐND là cơ quan đại diện của nhân dân, cơ quan quyền lực nhà nước ở địa phương. UBND là cơ quan chấp hành của HĐND cùng cấp, cơ quan hành chính nhà nước ở địa phương.

Tổ chức của HĐND được kiện toàn một bước. Ở cấp tỉnh, huyện, HĐND có Thường trực HĐND và các ban của HĐND. Cấp xã có Thường trực HĐND, nhưng không tổ chức các ban chuyên môn. Các quyền hạn, nhiệm vụ của HĐND đã được quy định lại trên tinh thần cố gắng phân định nhiệm vụ, quyền hạn theo từng lĩnh vực ở từng cấp nhằm phát huy tính chủ động của địa phương. Bộ máy UBND cũng được đổi mới, tổ chức lại theo hướng thành lập các cơ quan quyên môn quản lý đa ngành, đa lĩnh vực. Chủ trương cải cách hành chính nhà nước thu được những kết quả nhất định. Quyền hạn, nhiệm vụ của Chủ tịch UBND có phần được đề cao và tách bạch với quyền hạn, nhiệm vụ của tập thể UBND. Chủ trương phân cấp được triển khai theo hướng “Phân cấp mạnh, giao quyền chủ động hơn nữa cho chính quyền địa phương, nhất là trong việc quyết định về ngân sách, tài chính, đầu tư, nguồn nhân lực, thực hiện nghĩa vụ tài chính đối với trung ương” nên CQĐP đã từng bước phát huy hiệu lực, hiệu quả trong quản lý, điều hành kinh tế - xã hội trên địa bàn.

Tuy nhiên, thực tế tổ chức và hoạt động của hệ thống CQĐP hiện nay bộc lộc nhiều hạn chế như: không phân biệt CQĐP theo vùng lãnh thổ, giữa nông thôn và thành thị; nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức CQĐP vẫn còn mang nặng dấu ấn hành chính quan liêu, cơ bản vẫn theo mô hình của nền hành chính công truyền thống, mang nặng tính thứ bậc, mệnh lệnh hành chính chặt chẽ, song trùng giữa cơ quan có thẩm quyền chung với cơ quan có thẩm quyền riêng dẫn đến sự thụ động, trông chờ và ỷ lại của cấp dưới đối với cấp trên; quan hệ giữa HĐND và UBND với cấp ủy địa phương chưa rõ ràng, thiếu các quy chế phối kết hợp giữa các thiết chế quyền lực địa phương; cách tổ chức của CQĐP còn rập khuôn, cơ bản giống các cơ quan ở trung ương, mặc dù điều kiện, đặc điểm, tính chất và nhiệm vụ quản lý ở mỗi cấp rất khác nhau; mối quan hệ giữa chính quyền trung ương và chính quyền địa phương vẫn nặng về cơ chế “xin cho, cấp phát”, làm hạn chế sự chủ động, sáng tạo của hệ thống CQĐP, hạn chế vai trò của pháp luật... Thực trạng đó cho thấy, việc tiếp tục nghiên cứu, làm rõ cơ sở lý luận và thực tiễn để đổi mới mô hình tổ chức bộ máy CQĐP vào thời điểm hiện nay là rất cần thiết nhằm xác lập rõ hơn về vị trí, vai trò, quyền hạn, nhiệm vụ của hệ thống CQĐP.

Nguồn tin: Viện Nghiên Cứu Lập Pháp

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment