27/07/2014
Giải pháp đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của chính quyền địa phương
Hệ thống CQĐP có vị trí, vai trò đặc biệt quan trọng trong cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước. Trong nhiều năm qua, vấn đề đổi mới tổ chức và phương thức hoạt động của CQĐP đã được Đảng và Nhà nước ta quan tâm, một số chủ trương lớn đã được đặt ra và tổ chức thực hiện như: chủ trương cải cách hành chính (về cả 4 nội dung: thể chế; thủ tục hành chính; đội ngũ cán bộ, công chức; tài chính công); phân cấp mạnh cho CQĐP trên một số lĩnh vực; thí điểm không tổ chức HĐND huyện, quận, phường… đã đạt một số kết quả nhất định, nhưng cũng đặt ra những vấn đề cần phải tiếp tục nghiên cứu, đưa ra phương hướng, giải pháp hợp lý.

Trong thời gian tới, cần tiếp tục đổi mới mô hình tổ chức và phương thức hoạt động của CQĐP để nâng cao hiệu lực, hiệu quả hoạt động, đáp ứng yêu cầu quản lý nhà nước và phát triển kinh tế - xã hội. Trong đó, cần tập trung vào hai nội dung cơ bản sau:

Một là: Sớm tiến hành tổng kết việc thí điểm không tổ chức HĐND quận, huyện, phường. Hiện nay, vẫn tồn tại song song hai quan điểm trái ngược nhau về chủ trương này. Loại ý kiến thứ nhất cho rằng, nghiên cứu đổi mới mô hình tổ chức CQĐP không nhất thiết phải tính đến việc bỏ HĐND huyện, quận, phường mà cần tăng cường năng lực (cả về mặt pháp lý và các điều kiện bảo đảm hoạt động) để HĐND các cấp phát huy tốt nhất vị trí, vai trò của cơ quan đại diện ở địa phương, phát huy quyền làm chủ của nhân dân thông qua cơ chế dân chủ đại diện. Loại ý kiến thứ hai thì nhất trí với chủ trương này nhằm cải cách bộ máy nhà nước theo hướng tinh gọn, bảo đảm thực quyền, phát huy được vai trò, hiệu lực, hiệu quả thực tế. Vì vậy, việc tổng kết thí điểm cần tiến hành sớm, làm sáng tỏ các vấn đề lý luận và thực tiễn để có cơ sở sửa đổi, bổ sung Hiến pháp 1992 và các văn bản pháp luật về CQĐP.

Hai là: Nghiên cứu sửa đổi, bổ sung Luật Tổ chức HĐND và UBND hiện hành hoặc ban hành mới Luật tổ chức CQĐP theo hướng:

- Cần có sự phân biệt CQĐP giữa các vùng lãnh thổ, giữa nông thôn và thành thị; căn cứ vào đặc điểm, tình hình, nguồn lực của từng địa phương mà quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn trên cơ sở các điều kiện thực tế;

- Đẩy mạnh kiện toàn cơ quan Thường trực HĐND và các Ban của HĐND ở cả ba cấp để bảo đảm đủ về số lượng, nâng cao chất lượng hoạt động; bố trí Trưởng ban, Phó Trưởng ban HĐND cấp tỉnh và Trưởng ban HĐND cấp huyện hoạt động chuyên trách;

- Mạnh dạn phân cấp, phát huy vai trò quyết định và khả năng chịu trách nhiệm trong các lĩnh vực kinh tế - xã hội, nguồn lực, ngân sách, biên chế cho CQĐP; giao đủ thẩm quyền và tạo cơ chế bảo đảm thực quyền của HĐND các cấp nhưng đồng thời tăng cường công tác kiểm tra, giám sát;

- Quy định đầy đủ và cụ thể hơn về hoạt động giám sát của HĐND, tiến tới ban hành Luật hoạt động giám sát của HĐND, trên cơ sở tách chương hoạt động giám sát trong Luật tổ chức HĐND và UBND, xác định rõ phạm vi, đối tượng, nguyên tắc, quy trình, cơ chế, chế tài để giám sát có hiệu lực, hiệu quả;

- Đưa chế định bỏ phiếu tín nhiệm đối với những người do HĐND bầu thành hoạt động thường xuyên hàng năm; bổ sung  phương thức đối thoại, đối chất trong hoạt động giám sát của HĐND khi Thường trực HĐND, Ban của HĐND nhận thấy cần thiết và khi có một tỷ lệ nhất định đại biều HĐND kiến nghị; cơ chế và quy trình chất vấn giữa hai kỳ họp;

- Nghiên cứu xây dựng và ban hành các văn bản mới, sửa đổi, bổ sung các văn bản pháp luật hiện hành bảo đảm thống nhất, đồng bộ, khả thi, nhất là các nội dung liên quan đến thẩm quyền quyết định của HĐND và UBND, tạo điều kiện thuận lợi để HĐND, UBND thực thi đầy đủ chức năng, nhiệm vụ, đạt chất lượng cao và có hiệu lực, hiệu quả.

Ngoài ra, cần nghiên cứu, sửa đổi Luật bầu cử đại biểu HĐND để hướng tới tính hiệu quả, tính chuyên nghiệp trong hoạt động của cơ quan dân cử, cần tăng cường chất lượng đại biểu, tăng tỷ lệ đại biểu hoạt động chuyên trách ở HĐND.

Nguồn tin: Viện Nghiên Cứu Lập Pháp

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment