15/06/2014
Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học - Bài tập nhóm Luật Hôn nhân gia đình
Trong cuộc sống gia đình, con cái được coi như “chất kết dính”, yếu tố đảm bảo và duy trì hạnh phúc gia đình. Thế nhưng, xã hội càng hiện đại, những cặp vợ chồng bị vô sinh cũng như số lượng phụ nữ sống độc thân dường như có xu hướng ngày càng tăng lên. Không có con cái, không tiếng cười trẻ thơ, hạnh phúc gia đình bỗng trở nên thật mong manh. Khoa học phát triển, phương pháp sinh con khoa học ra đời đã cho phép các cặp vợ chồng vô sinh và những người phụ nữ độc thân có thể có con, niềm mong mỏi tha thiết của họ đã trở thành hiện thực. Tuy nhiên, việc sinh con theo phương pháp khoa học đã làm nảy sinh rất nhiều vấn đề, trong đó việc xác định cha, mẹ, con là đặc biệt quan trọng bởi nó liên quan mật thiết đến các quan hệ nhân thân, tài sản phức tạp. Do đó, ngày 12/02/2003, chính phủ nước ta đã ban hành nghị định số 12/2003/NĐ-CP về sinh con theo phương pháp khoa học, trở thành hành lang pháp lí cần thiết cho việc sinh con theo phương pháp khoa học nói chung và vấn đề xác định cha, mẹ, con theo trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học nói riêng. 

Để làm rõ hơn về vấn đề này nhóm chúng em xin chọn đề tài : “ Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học ” cho bài tập nhóm tháng 1.

Do điều kiện thời gian cũng như trình độ am hiểu về vấn đề còn hạn chế, nên bài viết chắc chắn không thể tránh khỏi những thiếu sót. Chúng em kính mong nhận được những ý kiến phê bình, đánh giá của các thầy cô giáo cũng như các bạn để đề tài này được hoàn thiện hơn và đem lại những kinh nghiệm quý báu cho chúng em trong những lần viết sau. Chúng em cũng xin chân thành cảm ơn các thầy cô giáo trong tổ bộ môn đã giảng giải trong các tiết học và trong các giờ tư vấn để giúp chúng em hoàn thành tốt bài tập này.

NỘI DUNG

1.Khái quát chung

Thế nào là sinh con theo phương pháp khoa học?

Sinh con theo phương pháp khoa học là khái niệm được sử dụng trong trường hợp người mẹ phải nhờ đến các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản để mang thai. Theo nghị định số 12/2003/NĐ – CP của Chính phủ ban hành ngày 12/2/2003 về sinh con theo phương pháp khoa học thì khái niệm “sinh con theo phương pháp khoa học” được hiểu là “Việc sinh con được thực hiện bằng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản như thụ tinh nhân tạo, thụ tinh trong ống nghiệm.” (Khoản 1 Điều 3).

Như vậy, để hiểu rõ hơn khái niệm sinh con theo phương pháp khoa học thì chúng ta cần biết thế nào là thụ tinh nhân tạo và thụ tinh trong ống nghiệm. Theo nghị định 12, “thụ tinh nhân tạo là thủ thuật bơm tinh trùng của chồng hoặc của người cho tinh trùng vào cổ tử cung của người phụ nữ có nhu cầu sinh con để tạo phôi” (Khoản 2 Điều 3); “thụ tinh trong ống nghiệm là sự kết hợp giữa noãn và tinh trùng trong ống nghiệm để tạo thành phôi” (Khoản 3 Điều 3).

Điều kiện áp dụng phương pháp sinh con theo phương pháp khoa học?

Theo Điều 4 Nghị định 12, đối tượng được áp dụng sinh con theo phương pháp khoa học gồm có: “Cặp vợ chồng vô sinh và người phụ nữ độc thân theo chỉ định của bác sĩ chuyên khoa”. Cặp vợ chồng vô sinh được xác định là “cặp vợ chồng sống gần nhau liên tục, không áp dụng biện pháp tránh thai nào mà không có thai trong vòng 01 năm”( Khoản 4 Điều 3 Nghị định 12). Nguyên nhân vô sinh có thể do người vợ, người chồng hoặc cả hai người dưới tác động của môi trường, hậu quả chiến tranh hoặc các vấn đề về sinh lý. 

Việc cho phép phụ nữ độc thân được sinh con theo phương pháp khoa học của Chính phủ Việt Nam đã bảo vệ quyền được mang thai của phụ nữ. Hiện nay trên thế giới có không nhiều quốc gia cho phép phụ nữ độc thân được sinh con theo phương pháp khoa học, có thể kể đến Canada, Isarel.

Theo quy định tại điều 4 nghị định 12, chỉ có những cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân được chỉ định của bác sĩ chuyên khoa mới được áp dụng biện pháp sinh con khoa học. Quy định như vậy, thứ nhất là để tránh những rủi ro có thể gặp trong quá trình thực hiện các biện pháp hỗ trợ sinh sản như: điều kiện sức khỏe của người mẹ không đảm bảo, người mẹ mắc các bệnh lây qua đường sinh sản có thể truyền cho đứa con như HIV – AIDS, các bệnh di truyền, tâm thần ,v..v.; thứ hai là đảm bảo cặp vợ chồng vô sinh có điều kiện khám và chữa trị vô sinh để có thể sinh con tự nhiên, trong trường hợp không đem lại kết quả mới áp dụng phương pháp sinh con khoa học bởi nhiều trường hợp vô sinh có thể chữa khỏi.

Ngoài ra, nghị định 12 cũng quy định điều kiện để áp dụng các kĩ thuật hỗ trợ sinh sản đối với đối tượng là công dân nước ngoài. Theo đó, “Công dân nước ngoài chỉ được phép áp dụng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản nếu được cơ sở y tế Việt Nam khám và xác định vô sinh, xác định tinh trùng của người chồng, noãn của người vợ đảm bảo chất lượng để thụ thai” (Khoản 1 Điều 5 Nghị định 12). Nghị định 12 cũng quy định “không thực hiện việc cho, nhận noãn; cho, nhận tinh trùng; cho, nhận phôi đối với người nước ngoài.” (Khoản 2 Điều 5 Nghị định 12). Điều này là để tránh việc mang thai hộ, đẻ thuê vốn bị nghiên cấm tạiViệt Nam nhưng lại được công nhận ở một số nước trên thế giới. 

Cũng để tránh hiện tượng mang thai hộ, đẻ thuê mà tại Điều 20 Nghị định 12 đã quy định “ Trẻ ra đời do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân”. Như vậy, đối tượng được mang thai khi thực hiện phương pháp sinh con khoa học bắt buộc phải là người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh và đích thân người phụ nữ độc thân mong muốn có con. 

Tuy nhiên, để được thực hiện phương pháp sinh con khoa học, các đối tượng trên còn phải đảm bảo các điều kiện sau (Điều 8 nghị định 12):

Thứ nhất là về độ tuổi của người phụ nữ nhận tinh trùng, phôi là “ Từ 20 đến 45 tuổi” phù hợp với quy định về độ tuổi kết hôn theo Luật hôn nhân gia đình nhằm đảm bảo người phụ nữ phát triển đầy đủ về mặt thể lực và trí tuệ, có thể đảm đương việc làm mẹ. 

Thứ hai, nhằm đảm bảo đứa con sinh khỏe mạnh, phát triển lành mạnh, nghị định 12 cũng đòi hỏi người mẹ “ Có đủ sức khỏe để thụ thai, mang thai và sinh đẻ, không mắc các bệnh lây qua đường tình dục, HIV/AIDS, bệnh tâm thần, bệnh truyền nhiễm hay các bệnh di truyền khác”. 

Thứ ba, “không được tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh của người cho”. Quy định này cũng được áp dụng đồng thời với người cho nhằm tránh những tranh hậu quả pháp lí về sau như việc tranh chấp tài sản, tranh chấp quyền nuôi con, v..v đồng thời tạo tâm lí thoải mái cho cả hai bên. 

Thứ tư – điều đặc biệt quan trọng – là phải có sự tự nguyện của cả vợ và chồng trong cặp vợ chồng vô sinh cũng như của người phụ nữ độc thân đồng ý thực hiện phương pháp sinh con khoa học (Điều 4 Nghị định 12). Điều này đảm bảo quyền lợi cho họ cũng như buộc họ phải có nghĩa vụ với nhau và với đứa trẻ.

Thứ năm, người vợ trong cặp vợ chồng vô sinh có thể mang thai bằng 3 con đường: sử dụng trứng cuả mình và tinh trùng của người chồng để thụ tinh trong ống nghiệm sau đó cấy phôi vào tử cung; có thể nhận trứng hoặc tinh trùng; cũng có thể nhận phôi. Thế nhưng, người phụ nữ độc thân chỉ được phép nhận tinh trùng mà không được nhận phôi, họ bắt buộc phải sử dụng trứng của mình để thụ tinh. Điều này là cần thiết bởi đứa con sinh ra cần phải có quan hệ huyết thống với người sinh ra mình và cũng để hạn chế hành vi lợi dụng việc mang thai để đẻ thuê. 

2. Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học

Để xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học chúng ta căn cứ vào Điều 63 Luật hôn nhân gia đình, Điều 20, 21 Nghị định 12/2003/NĐ – CP. Do đặc thù của phương pháp sinh con khoa học mà việc xác định cha, mẹ, con có nhiều điểm khác với việc xác định cha, mẹ, con theo quá trình sinh con tự nhiên. Do vậy, có thể dựa vào những căn cứ sau để xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học: 

1. Căn cứ vào thời kì hôn nhân của cặp vợ chồng vô sinh.
2. Căn cứ vào sự tự nguyện của cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân.
3. Căn cứ vào sự kiện sinh đẻ.

Theo đó, có hai trường hợp để xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học: Đối với cặp vợ chồng vô sinh và đối với người phụ nữ độc thân.

2.1. Đối với cặp vợ chồng vô sinh khi sinh con bằng phương pháp khoa học

Do tính chất đặc thù của việc sinh con theo phương pháp khoa học mà việc xác định cha, mẹ, con đối với cặp vợ chồng vô sinh có nhiều điểm đặc biệt. Do đó nghị định 12 đã dành hẳn 1 chương – chương V để xác đinh cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học, cụ thể là tại điều 20 và 21, chương V nghị định 12.

Điều 20 Nghị định 12 quy định:

“1. Trẻ ra đời do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân.
2. Những người theo quy định tại khoản 1 Điều này được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản”.

Điều 21 Nghị định 12 quy định:

“Con được sinh ra do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản không được quyền yêu cầu quyền thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, cho noãn, cho phôi”.

Trong những trường hợp cụ thể, việc xác định cha, mẹ, con được tiến hành như sau:

- Trường hợp con sinh ra trong giá thú:

Con trong giá thú là con mà cha mẹ là vợ chồng trước pháp luật. Như vậy đứa con sinh ra bằng phương pháp khoa học trong thời kì hôn nhân cũng được xác định là con trong giá thú. Điều 20 nghị định 12 quy định đứa con được sinh ra theo phương pháp khoa học sẽ có cha là người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh. Điều này hoàn toàn phù hợp với quy định tại điều 63 Luật hôn nhân gia đình về xác định cha, mẹ, con cho đứa con trong giá thú.

Thông thường khi nam nữ kết hôn với nhau, trở thành vợ chồng, trong thời kì hôn nhân mà người vợ sinh con thì con đó mặc nhiên được coi đó là con chung của hai vợ chồng theo nguyên tắc suy đoán được quy định tại điều 63 Luật Hôn nhân gia đình 2000“Con sinh ra trong thời kì hôn nhân hoặc do người vợ có thai trong thời kì đó là con chung của vợ chồng”.

Trong trường hợp đặc biệt, con được sinh ra theo phương pháp khoa học nhưng vẫn trong thời kì hôn nhân thì căn cứ vào Điều 63, đứa trẻ vẫn được xác định là “con chung” của vợ chồng tương tự như đứa con huyết thống. 

Cũng theo nguyên tắc đó, trong trường hợp hôn nhân chấm dứt trước thời điểm đứa trẻ được sinh ra (chồng chết hoặc li hôn), người vợ không đợi quá 300 ngày mà tiếp tục kết hôn và sinh con thì đứa con được xác định là con của người chồng sau cũng theo tinh thần của Điều 63 “ Con sinh ra trong thời kì hôn nhân là con chung của vợ chồng”.

- Trường hợp con sinh ra trong thời kì hôn nhân những không được cha thừa nhận:

Theo khoản 2 điều 63 Luật hôn nhân gia đình, khi người cha nghi ngờ đứa trẻ không phải là con mình thì có quyền yêu cầu giám định về gen để chứng minh đứa trẻ và mình không có cùng huyết thống. 

Thế nhưng với trường hợp đứa con được sinh ra theo phương pháp khoa học thì quan hệ cha, mẹ và con là tất yếu và không thể phủ nhận được, trong trường hợp cặp vợ chồng vô sinh người chồng đương nhiên là cha của đứa trẻ mà họ không được quyền yêu cầu xác định đứa trẻ đó không phải là con mình. Bởi vì khi làm đơn yêu cầu thực hiện biện pháp hỗ trợ sinh sản, cả hai vợ chồng đều phải thể hiện ý chí đồng thuận đồng nghĩa với việc người chồng thừa nhận mình là người chồng trong cặp vợ chồng vô sinh; do đó mối quan hệ cha, con với đứa trẻ được mặc nhiên thiết lập.

Như vậy, pháp luật không cho phép thực hiện việc xác định lại cha, mẹ, con đối với trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học.

- Trường hợp người vợ thụ tinh trong thời kì hôn nhân nhưng sinh con khi hôn nhân kết thúc:

Theo khoản 1 Điều 63 và Điều 21 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật hôn nhân và gia đình: “… con sinh ra trong vòng 300 ngày, kể từ ngày người chồng chết… thì được xác định là con chung của hai người”, nếu người vợ có thai nhờ kĩ thuật hỗ trợ sinh sản trong thời kì hôn nhân, nghĩa là kể từ khi hôn nhân chấm dứt trước pháp luật (ly hôn hoặc chồng chết), nếu trong hạn 300 ngày (người vợ chưa kết hôn với người khác) mà sinh con thì con đó vẫn được xác định là “con chung” của hai vợ chồng. 

Tuy nhiên, trường hợp con sinh ra theo phương pháp sinh khoa học lại vướng phải một rào cản pháp lí, ảnh hưởng đến việc xác định mối quan hệ cha – con của đứa trẻ sau này. Khoản 2 Điều 18 nghị định 12 quy định: “Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết, cơ sở lưu giữ tinh trùng phải hủy số tinh trùng của người đó”. Vậy nếu trong trường hợp số tinh trùng của người chồng đã được sử dụng không thể hủy mà người chồng chết,  và do đặc thù của phương pháp sinh con khoa học nên thời gian từ lúc thực hiện kĩ thuật đến thời điểm có thể thụ tinh và sinh con có thể kéo dài hơn thời hạn 300 ngày, thì đứa con sinh ra sẽ được xác định cha như thế nào? Do người vợ không mang thai trong thời kì hôn nhân nhưng lại được cấy ghép tinh trùng của người chồng sau khi hôn nhân chấm dứt, đứa con sinh ra có được xác định là “con chung” của vợ chồng hay không? 

Về vấn đề tại khoản 2 điều 18: “Trong trường hợp người gửi tinh trùng bị chết, cơ sở lưu giữ tinh trùng phải hủy số tinh trùng của người đó” thì chúng ta thấy nếu trong quá trình cặp vợ chồng vô sinh đang thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản mà người chồng chết và tinh trùng của người chồng đang được lưu giữ thì có nên huỷ tinh trùng của họ không ? Theo quan điểm của chúng em thì không thể huỷ tinh trùng của người đó được nếu không có sự đồng ý của người vợ vì trước đó cả hai vợ chồng đã thể hiện sự tự nguyện mong muốn thực hiện việc sinh con theo phương pháp khoa học, nếu sau khi người chồng chết mà người vợ vẫn muốn tiếp tục thực hiện việc sinh con đó thì phải bảo vệ quyền lợi chính đáng của họ. Trong trường hợp cụ thể này, đứa con sinh ra vẫn  nên được xác định là con chung của vợ chồng, mối quan hệ cha – con của đứa trẻ đối với người cha đã chết không có gì thay đổi.

Như vậy, việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con bằng phương pháp khoa học đối với cặp vợ chồng vô sinh thực tế vẫn còn nhiều tranh cãi. Vấn đề này cần được Nhà nước quan tâm và giải quyết triệt để nhằm đảm bảo quyền lợi của người mẹ và đứa trẻ sinh ra bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản.

2.2. Đối với người phụ nữ độc thân khi sinh con bằng phương pháp khoa học

Với lối sống hiện đại, độc lập về kinh tế, ưa thích cuộc sống tự do, không muốn ràng buộc với một người đàn ông, một số cô gái trẻ hiện nay đã quyết định thoả nỗi khát khao làm mẹ mà không cần đến chồng, họ đã tìm đến biện pháp có con bằng phương pháp khoa học. Các nhà xã hội học nhận định, đây là một hiện tượng của xã hội hiện đại. Việc xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học được áp dụng theo Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học và điều 63 Luật Hôn nhân và Gia đình 2000.

Quyền của người phụ nữ được đặc biệt bảo vệ trong trường hợp này. Đó là tạo ra một hành lang pháp lí giúp cho người phụ nữ thực hiện thiên chức của mình, bảo vệ hạnh phúc gia đình của họ khi họ không thể sinh con bằng con đường tự nhiên. Đối tượng được áp dụng trong trường hợp này ngoài cặp vợ chồng vô sinh còn có phụ nữ độc thân muốn sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản. Điều 20 Nghị định số 12/NĐ-CP quy định:

“1. Trẻ ra đời do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản phải được sinh ra từ người mẹ trong cặp vợ chồng vô sinh hoặc người phụ nữ độc thân. 

2. Những người theo quy định tại khoản 1 Điều này được xác định là cha, mẹ đối với trẻ sinh ra do thực hiện kĩ thuật hỗ trợ sinh sản”.

Như vậy việc xác định mối quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp người phụ nữ độc thân sinh con bằng phương pháp khoa học được áp dụng tương tự như trường hợp xác định cha, mẹ, con khi cha mẹ không có hôn nhân hợp pháp, trong trường hợp này chỉ có quan hệ giữa mẹ và con. Người phụ nữ độc thân được xác định là mẹ của đứa trẻ trong mọi trường hợp kể cả người mẹ này nhận tinh trùng hoặc phôi từ người khác. Giữa đứa trẻ và người cho tinh trùng, cho phôi không có mối quan hệ cha mẹ và con về mặt pháp lí. Chúng ta chỉ xác định được quan hệ mẹ - con mà không có quan hệ cha – con như trường hợp của cặp vợ chồng vô sinh. 

Mặt khác, pháp luật cũng quy định rất rõ một trong những nguyên tắc áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản là phải thực hiện nguyên tắc bí mật, nghĩa là không có bất kì người đàn ông nào được quyền nhận đứa trẻ là con đẻ của mình. Nếu trong trường hợp đặc biệt do thông tin rò rỉ hoặc do nguyên nhân khách quan, người phụ nữ độc thân biết được danh tính người cho tinh trùng hoặc ngược lại thì về mặt pháp lí, người đàn ông đó không có bất cứ mối quan hệ nào với người mẹ cũng như đứa con, đứa con cũng không có quyền “yêu cầu thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, trứng,…,, cho phôi” như quy định tại điều 21 nghị định 12. 

Tuy nhiên trong thực tế, chúng ta cũng có thể xác định được mối quan hệ cha – con cho đứa trẻ được sinh ra bằng phương pháp khoa học khi người mẹ độc thân sau khi mang thai lại kết hôn. Theo quy định tại khoản 1 điều 63 Luật hôn nhân gia đình: “Con sinh ra trong thời kì hôn nhân …là con chung của vợ chồng”. Như vậy, trong trường hợp người mẹ độc thân mang thai đứa con bằng phương pháp sinh con khoa học nhưng sau đó kết hôn và sinh con trong thời kì hôn nhân thì đứa con được xác định là “con chung” của vợ chồng, nghĩa là khi đó mối quan hệ cha – con được mặc nhiên thừa nhận cho dù đứa con không có cùng huyết thống với người chồng. 

Cũng theo khoản 1 điều 63 “ Con sinh ra trước ngày đăng kí kết hôn và được cha mẹ thừa nhận cũng là con chung vợ chồng”, nghĩa là trong trường hơp người mẹ độc thân mang thai và sinh con sau đó mới kết hôn thì đứa con cũng được xác định là “con chung” nếu người chồng thừa nhận (Nếu không được người chồng thừa nhận thì đứa trẻ được xác định là con riêng của vợ). Như vậy, khi người phụ nữ độc thân sinh con bằng phương pháp khoa học thì ngoài mối quan hệ mẹ - con, chúng ta cũng có thể xác định mối quan hệ cha – con cho đứa trẻ tương tự như trường hợp xác định con ngoài giá thú.

Riêng đối với trường hợp người mẹ độc thân mang thai đứa con bằng phương pháp khoa học, kết hôn nhưng lại sinh con sau khi hôn nhân đã kết thúc thì người phụ nữ đó vẫn được xác định là người phụ nữ độc thân. Do đó chỉ có mối quan hệ mẹ - con là duy nhất, không phát sinh mối quan hệ cha – con nào. Tuy nhiên, nếu người phụ nữ không đợi quá 300 ngày kể từ ngày hôn nhân chấm dứt ( li hôn hoặc chồng chết) mà tiếp tục kết hôn rồi sinh con thì người con lại được xác định là con của người chồng sau theo nguyên tắc suy đoán.

Hiện nay, Việt Nam là một trong số 3 nước được pháp luật thừa nhận việc người phụ nữ độc thân sinh con, ngoài Canađa và Israel. Trước hiện tượng này đang có chiều hướng gia tăng trong giới trẻ, các bậc lớn tuổi cho rằng, đây là sự lệch lạc về cách suy nghĩ, là suy tôn cá nhân quá lớn. Tuy nhiên, giờ không ai lên án việc không chồng mà sinh con, pháp luật đã thừa nhận quyền sinh con của phụ nữ bằng phương pháp khoa học...Tuy nhiên người phụ nữ sinh con và nuôi con một mình, điều đó thực sự là một khó khăn và thách thức đối với họ. Mặt khác, quyền lợi của đứa trẻ cũng phần nào bị ảnh hưởng. Do đó, về mặt xã hội, cần phải có những chính sách đặc biệt đối với trường hợp này.

3. Những điểm tích cực và hạn chế của quy định về xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học

3.1. Tích cực

Xác định cha, mẹ, con trong trường hợp sinh con theo phương pháp khoa học được áp dụng theo Nghị định số 12/NĐ-CP ngày 12/2/2003 của Chính phủ về sinh con theo phương pháp khoa học. Quyền của người phụ nữ được đặc biệt bảo vệ trong trường hợp này. Đó là tạo ra một hành lang pháp lí giúp cho người phụ nữ thực hiện thiên chức của mình, bảo vệ hạnh phúc gia đình cho họ khi họ không thể sinh con bằng con đường tự nhiên. Đối tượng được áp dụng trong trường hợp này là cặp vợ chồng vô sinh và phụ nữ độc thân muốn sinh con bằng kĩ thuật hỗ trợ sinh sản.

Có thể nhận thấy một điều đặc biệt mới của việc sinh con theo phương pháp khoa học là pháp luật cho phép người phụ nữ độc thân cũng được áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản và thừa nhận mối quan hệ mẹ - con hợp pháp. Đây là một quyền lợi rất chính đáng của người phụ nữ khi họ không muốn hoặc không có cơ hội kết hôn mà vẫn có thể thực hiện được thiên chức của mình. Nếu như trước đây, khi chưa có cơ sở pháp lí cho vấn đề này thì người phụ nữ độc thân vẫn có thể thực hiện được thiên chức của mình nhưng điều đó có thể ảnh hưởng đến hạnh phúc của một gia đình khác, đặc biệt là có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của người phụ nữ khác thì hiện nay, nếu áp dụng biện pháp hỗ trợ sinh sản họ sẽ thực hiện được thiên chức của mình mà không còn ảnh hưởng đến quyền lợi bất cứ ai. 

Ngoài ra, qui định này còn có mặt tích cực đó là giữ gìn thuần phong mỹ tục khi không cho phép mang thai hộ, sinh sản vô tính - những phương pháp đi ngược lại với truyền thống cũng như đạo đức của dân tộc ta.

3.2. Hạn chế và phương hướng giải quyết

Thứ nhất là về đối tượng áp dụng phương pháp sinh con khoa học: 

Theo chúng em, việc xác định đối tượng là cặp vợ chồng vô sinh mà không quy định rõ là cặp vợ chồng hợp pháp theo luật hôn nhân gia đình thì chưa đủ. Nếu chỉ quy định chung chung là “ cặp vợ chồng vô sinh” thì những đôi nam nữ chung sống như vợ chồng bị vô sinh cũng được quyền thực hiện phương pháp này. Điều này cần được quy định cụ thể là “cặp vợ chồng hợp pháp bị vô sinh” bởi đó chính là điều kiện pháp lí ràng buộc các quyền và nghĩa vụ của vợ chồng với nhau, với đứa con được sinh ra theo phương pháp khoa học.

Ngoài ra, chúng em cho rằng nên bổ sung thêm đối tượng được áp dụng phương pháp sinh con khoa học. Chúng em xin đưa ra 2 trường hợp có thể được áp dụng phương pháp sinh con khoa học sau: Thứ nhất, cặp vợ chồng sau khi kết hôn không có điều kiện được sống chung với nhau nhưng họ vẫn mong muốn có con ( người chồng công tác xa nhà lâu năm, người chồng phải chấp hành án phạt tù,v..v). Thứ hai, trường hợp khi kết hôn người chồng mắc bệnh nặng không thể giao hợp nhưng không phải cặp vợ chồng vô sinh. Nếu như có được sự đồng thuận cao giữa hai vợ chồng và điều kiện sức khỏe của người mẹ đảm bảo thì có nên cho phép những cặp vợ chồng này áp dụng phương pháp sinh con khoa học? 

Khi đó việc xác định cha, mẹ, con trở nên hết sức đơn giản, căn cứ vào nguyên tắc suy đoán mà có thể xác định đứa con là con chung của cặp vợ chồng.

Thứ hai là vấn đề quyền lợi của đứa con được sinh ra theo phương pháp khoa học:

Theo qui định của nghị định 12 thì “việc cho, nhận tinh trùng, phôi phải thực hiện theo nguyên tắc bí mật” ( Khoản 4 Điều 4), người cho, nhận “không được phép tìm hiểu về tên, tuổi, địa chỉ và hình ảnh” của nhau ( Khoản 4 Điều 7, Khoản 3 Điều 8). Điều đó có xâm phạm đến quyền được biết đến nguồn gốc của mình của đứa trẻ? Thực tế cho thấy có rất nhiều trẻ em sinh ra theo phương pháp khoa học khi đến tuổi trưởng thành mong muốn được biết về xuất xứ của mình. Ngoài ra, trong trường hợp đứa con mắc một số bệnh mà cần đến người có cùng huyết thống mới chữa được thì việc đứa con không biết được thông tin về cha của mình là một thiệt thòi rất lớn.

Khoản 2 Điều 20 đã quy định đứa trẻ “không được quyền yêu cầu thừa kế, quyền được nuôi dưỡng đối với người cho tinh trùng, trứng, cho noãn, cho phôi”. Vì thế có nên chăng cho phép đứa trẻ được quyền xác nhận nguồn gốc của mình thông qua hệ thống tư liệu điện tử mở như một số nước trên thế giới đã thực hiện? Điều này không làm ảnh hưởng gì đến việc xác định cha, mẹ, con bởi theo quy định người cho tinh trùng, noãn, phôi không có bất kì mối liên hệ pháp lí nào với đứa trẻ. Tuy nhiên, hiện nay pháp luật Việt Nam chưa có văn bản nào quy định cụ thể về vấn đề này. 

Thứ ba là về vấn đề mang thai hộ

Theo điều 6 nghị định 12 thì nghiêm cấm việc mang thai hộ và sinh sản vô tính thế nhưng trên thực tế trường hợp này vẫn tồn tại. Mang thai hộ là trường hợp sau khi thụ thai trong ống nghiệm, nếu người mẹ vì lý do sức khỏe hay vì điều kiện nào đó không thể mang thai, phải nhờ đến người phụ nữ khác mang thai và sinh đẻ.

Thực tiễn cho thấy, người mang thai hộ chỉ đóng vai trò là người hỗ trợ cần thiết cho sự ra đời của đứa trẻ ấy. Tuy nhiên pháp luật cũng quy định người mang thai và sinh con là mẹ của đứa trẻ căn cứ vào giấy chứng sinh. Như vậy, việc xác định mối quan hệ cha, mẹ, con trong trường hợp này hết sức phức tạp. Do đó, để tránh tranh chấp, chúng ta cần quy định rõ: Người mang thai hộ không có quyền và cũng không có trách nhiệm với đứa bé. Ngay cả cha mẹ đứa bé sau này đòi người mang thai hộ cùng nuôi phụ, hoặc đứa bé lớn lên tìm đến người mang thai hộ đòi chia gia sản cũng không được.

KẾT LUẬN

Qua quá trình nghiên cứu về đề tài trên chúng em có thể rút ra kết luận: Việc pháp luật cho phép sinh con theo phương pháp khoa học đã tạo ra cơ chế tốt nhất để cho người phụ nữ thực hiện quyền của mình đặc biệt trong việc thực hiện thiên chức làm mẹ và những quyền liên quan đến thiên chức đó. Những quy định trên đây của Nhà nước, nhất là việc cho phép người phụ nữ độc thân được sinh con theo phương pháp khoa học đã thể hiện bản chất tốt đẹp của chế độ xã hội chủ nghĩa, tính nhân đạo xã hội chủ nghĩa đối với “một hiện tượng xã hội” trong lĩnh vực hôn nhân gia đình, dựa trên nguyên tắc bảo vệ quyền lợi của bà mẹ và trẻ em. “Nhà nước, xã hội và gia đình có trách nhiện bảo vệ phụ nữ và trẻ em, giúp đỡ các bà mẹ thực hiện tốt chức năng cao quý của người mẹ” (khoản 6 Điều 5 Luật hôn nhân gia đình năm 2000). 

Tuy nhiên, việc sinh con theo phương pháp khoa học là vấn đề khá phức tạp, đặc biệt là về mặt pháp lí, bởi trong chừng mực nào đó nó đã làm thay đổi những quan niệm truyền thống về quan hệ huyết thống giữa cha mẹ và con… vì vậy cần có những văn bản pháp lí hướng dẫn cụ thể hơn về vấn đề này.

Bài viết của chúng em còn nhiều thiếu sót, mong thầy cô góp ý để bài làm được hoàn thiện hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam – trường đại học Luật Hà Nội., NXB. Công an nhân dân, 2009.
2. “Sinh con theo phương pháp khoa học và một số vấn đề pháp lí liên quan” , Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan – khoa luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội, tạp chí Luật học số 2/2003. 
3. “Xác định cha, mẹ, con dưới góc độ bình đẳng giới”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan – khoa luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội, tạp chí Luật học , tạp chí Luật học số 3/2006.
4. “Một số vấn đề pháp lí về mang thai hộ”, Trần Thị Hương, khoa luật Dân sự, Đại học Luật TP.Hồ Chí Minh.
5. “Vấn đề xác định quan hệ cha mẹ và con”, Thạc sĩ Nguyễn Thị Lan – khoa luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội, tạp chí Luật học.
6. “Quyền có con của phụ nữ”, Luật sư – Thạc sĩ Phan Đăng Thanh, http: phapluattp.vn
7. “Bàn về quyền xác định cha, mẹ cho con” , Tiến sĩ Lê Thu Hà, Học viện tư pháp, tạp chí nghề luật số 6/2006.
8. “Không thể xin tinh trùng, trứng, mang thai hộ vì thiếu Luật”, Báo pháp luật TP.Hồ Chí Minh.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thùy Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment