15/06/2014
Hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên - Bài tập nhóm Luật Hôn nhân và gia đình
Ngày 20-11-1989, Đại Hội đồng Liên hiệp quốc đã thông qua Công ước Quốc tế về quyền trẻ em. Việt Nam là nước thứ hai và là đầu tiên của châu Á phê chuẩn công ước này vào ngày 20-2-1990. Đến nay đã 20 năm trôi qua, đủ cho 1 đứa trẻ được thai nghén và trưởng thành, trở thành công dân có ích cho đất nước. Để có 1 công dân phát triển đầy đủ cả về trí lực và thể lực, trách nhiệm của bậc làm cha, mẹ là rất lớn. Chính vì thế quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với con, đặc biệt là con chưa thành niên được Nhà nước đặc biệt quan tâm và ghi nhận trong Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Tuy nhiên trong thực tế hiện nay, tình trạng trẻ em bị xâm phạm nghiêm trọng tới các quyền và lợi ich cơ bản diễn ra ngày càng nhiều. Điều đáng lo ngại hơn, những kẻ nôẫn tâm tước bỏ những quyền đó lại chính là những bậc sinh thành – cha mẹ của các em. Những hành vi đó không chỉ trái với đạo đức, luân lý mà còn trái với pháp luật, cụ thể là Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam. Để hạn chế những hành vi nói trên của cha mẹ, Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam đã quy định về việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên.

Để hiểu rõ hơn cơ sở pháp lý cũng như ý nghĩa của quy định này, chúng em xin chọn đề tài “Cơ sở pháp lý và ý nghĩa của qui định hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên” cho bài tập nhóm 2.

Bài làm của chúng em còn nhiều hạn chế, kính mong thầy cô góp ý để bài viết của chúng em hoàn thiện hơn.

Chúng em xin chân thành cảm ơn.

NỘI DUNG

1.Khái quát chung:

Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên

Nghĩa vụ và quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên được quy định tại các điều 34, 36, 37, Luật hôn nhân gia đình năm 2000. Cha mẹ, không phân biệt cha mẹ đẻ hay bố dượng, mẹ kế đều phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ với con chưa thành niên như nhau (Điều 38 Luật hôn nhân gia đình năm 2000).


Theo đó, “Cha mẹ có nghĩa vụ và quyền yêu thương, trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của con, tôn trọng ý kiến của con; chăm lo việc học tập và giáo dục để con phát triển lành mạnh về thể chất, trí tuệ và đạo đức, trở thành người con hiếu thảo của gia đình, công dân có ích cho xã hội” (khoản 1 điều 34 Luật hôn nhân gia đình năm 2000). 


Khoản 2, điều 34 cũng quy định : “Cha mẹ không được phân biệt đối xử giữa các con, ngược đãi, hành hạ, xúc phạm con; không được lạm dụng sức lao động của con chưa thành niên; không được xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”

Trong đó, ta cần chú ý, “không phân biệt đối xử” bao gồm không phân biệt đối xử giữa con đẻ, con nuôi, con trai, con gái, con ngoài giá thú cũng như con trong giá thú, như quy định tại Điều 4 Luật Bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em: “Trẻ em không phân biệt gái trai, con trong giá thú, con ngoài giá thú, con đẻ, con nuôi, con riêng, con chung […]đều được bảo vệ, chăm sóc và giáo dục, được hưởng những quyền theo quy định của pháp luật”. Luật quy định vậy nhưng trong thực tế có thể thấy trẻ em bị hành hạ, bị phân biệt đối xử không phải là ít. Một phần cũng do sự vô tâm của cha mẹ, phần xót xa vì sự nghèo nàn mà phải làm những việc trái lương tâm, đạo đức…

Bên cạnh nghĩa vụ và quyền chăm sóc, nuôi dưỡng con (Điều 36), cha mẹ còn có nghĩa vụ và quyền giáo dục con (Điều 37). Đó là những quyền và nghĩa vụ mà bất cứ người làm mẹ nào cũng phải thực hiện. Bởi chúng ta đều biết, không phải đứa trẻ nào sinh ra là có thể phát triển bình thường ngay được, khỏe mạnh, thông minh… Chính môi trường gia đình và tình cảm thời thơ ấu là chìa khóa tạo nên một đứa trẻ khỏe mạnh, phát triển đầy đủ cả về thể chất và trí tuệ. Người cha, người mẹ khi sinh con ra phải yêu thương, chăm sóc, giáo dưỡng con nên người, và phải chăng một con người có thể lớn lên và vững vàng trong cuộc sống tương lai đều nhờ có tình thương yêu của cha mẹ. Con chưa thành niên càng cần phải quan tâm nhiều hơn, như có người từng nói “muốn cho cây tốt thì phải ươm mầm thơm”. Do vậy mà quy định trong điều 34 không chỉ hợp với đạo lý làm người mà còn phù hợp với quy luật phát triển của xã hội.  

Khái niệm “ Hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên”

Tuổi trẻ chính là tương lai của đất nước, là mầm non cần được chăm sóc và bảo vệ. Do đó, pháp luật không chỉ quy định trách nhiệm của cha mẹ với con cái mà còn quy định những biện pháp xử lí khi trẻ bị xâm phạm đến các quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Đặc biệt khi cha mẹ không đảm bảo thực hiện đúng nghĩa vụ và quyền hạn của mình đối với con chưa thành niên, có thể bị xử phạt hành chính (Điều 17, 20 Nghị định 114/2006/NĐ-CP ngày 3/10/2006), xử lí hình sự (Điều 104, 100, 110 bộ Luật hình sự). Ngoài ra ở mức độ cao hơn còn có thể bị hạn chế quyền cha mẹ.

Để hiểu rõ cơ sở pháp lý cũng như ý nghĩa của quy định hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên, chúng ta cần phải nắm được một số khái niệm cơ bản sau đây:

Thứ nhất là khái niệm “con chưa thành niên: Điều 18 Bộ luật Dân sự 2005 quy định: “Người từ đủ mười tám tuổi trở lên là người thành niên. Người chưa đủ mười tám tuổi là người chưa thành niên”. Theo quy định của điều luật này, tất cả mọi công dân đủ 18 tuổi trở lên mới được coi là thành niên. Ví dụ: Em A sinh ngày 1/1/1990 thì đến ngày 1/1/2007 em A bước sang tuổi 18 nhưng vẫn chưa được coi là người thành niên, phải đến 1/1/2008 em A mới được đủ 18 tuổi, mới chính thức được coi là người thành niên.

Sở dĩ các nhà làm luật chọn độ tuổi 18 là vì: Về tâm sinh lí, các em từ 18 tuổi trở lên mới có độ ổn định chín chắn. Về tri thức thì các em 18 tuổi trở lên mới đảm bảo được trang bị những kiến thức phổ thông cần thiết. Chính sự ổn định cần thiết về tâm sinh lý, có kiến thức nhất định, tính trách nhiệm cao về hành vi của mình, do vậy tuổi 18 đảm bảo sự trưởng thành cả hướng nội, lẫn hướng ngoại. Do đó công dân chưa đủ 18 được xác định là “chưa thành niên” là hợp lí và cần được sự chăm sóc, bảo vệ. 

Thứ hai là khái niệm “Hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên”. Theo Từ điển Tiếng Việt, “hạn chế” được định nghĩa là “Giữ lại, ngăn lại trong một giới hạn nhất định, không để cho vượt qua”. Như vậy có thể hiểu “hạn chế quyền cha mẹ” là thu hẹp quyền của cha mẹ trong một giới hạn nhất định, và ngăn không cho cha mẹ thực hiện những quyền vượt qua giới hạn cho phép đó. Cũng có thể hiểu “hạn chế quyền cha mẹ” là tước bỏ một số quyền mà cha mẹ đã vi phạm đối với con, nhưng không phải là tước bỏ hoàn toàn quyền cha mẹ.

Như vậy, có thể khái quát khái niệm “Hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên” là việc Tòa án xem xét tước bỏ một số quyền của cha mẹ đối với con chưa đủ 18 tuổi khi có những hành vi xâm phạm tới quyền và lợi ích của con bao gồm những hành vi được quy định tại điều 41 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.

2.Cơ sở pháp lý của qui định hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên

Các trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

Dựa vào Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em; Điều 151, 152 Bộ luật hình sự năm 1999 của Nhà nước ta, Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 đã quy định về những trường hợp cha mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, bao gồm các tội được quy định tại điều 41:

- Cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con.

- Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con.

- Phá tán tài sản của con.

- Có lối sống trụy lạc, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội.

Như vậy, khi cha mẹ có hành vi như trên đối với con chưa thành niên sẽ bị Tòa tuyên bố hạn chế quyền cha mẹ. Cụ thể các trường hợp vi phạm như sau:

Cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con

Trong những hành vi xâm phạm của cha mẹ có thể bị hạn chế quyền thì hành vi “Cố ý xâm phạm sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con” được coi là nghiêm trọng hơn cả. Bởi xét theo pháp luật thì hành vi này không chỉ vi phạm Điều 14 Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004: “ Quyền được tôn trọng, bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm và danh dự” mà còn vi phạm Điều 71 Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1992 “ Công dân có quyền bất khả xâm phạm về thân thể, được pháp luật bảo vệ về tính mạng, sức khỏe, danh dự và nhân phẩm … Nghiêm cấm mọi hình thức truy bức nhục hình, xúc phạm danh dự, nhân phẩm của công dân”, Điều 32 Bộ luật Dân sự năm 2005 về “Quyền được bảo đảm an toàn về tính mạng, sức khỏe, thân thể”. Huống chi xét trên phương diện đạo đức, tình cảm gia đình, hành vi làm tổn hại sức khỏe, nhâm phẩm, danh dự của chính những người người trong cùng một mái ấm, lại là con cái của mình thật khó để tha thứ.

Xã hội ngày càng phát triển, con người ngày càng văn minh thì dường như tình cảm gia đình ngày bị mai một, nạn bạo lực gia đình ngày càng có xu hướng gia tăng. Nạn nhân trực tiếp lại chính là những đứa trẻ vô tội, non nớt. Hãy cũng xem những kiểu hành hạ tàn bạo mà những bậc làm cha làm mẹ nỡ làm với con mình:

Có người cha ở Tây Ninh hễ rượu vào là bắt trói hai con nhỏ vào gốc cây và đánh liên tục, thậm chí còn thắt cổ bọn trẻ rồi quẳng xuống ao. 

Có người chồng ở Lạng Sơn nghi ngờ vợ ngoại tình, trong cơn tức giận liền lấy con dao thái thịt đâm nhiều nhát vào người con gái mới bốn tuổi khiến cháu bé nhập viện trong tình trạng hoảng loạn, nghe ai nhắc đến tên cha là bật khóc. 

Có người bố dượng ở Hải Phòng cũng thường xuyên hành hạ con riêng của vợ, vũ khí của y rất đa dạng khi thì li thủy tinh, khi thì dây điện và hậu quả là thân thể của cháu bé chỉ mới hai tuổi mang đầy thương tích .

Có cháu bé sáu tuổi ở Đồng Nai bị chính mẹ ruột và cha dượng đánh đập đến thâm tím, kết quả cháu bị thương tật tới 19% và thị lực chỉ còn 5/10.

Ngoài cách hành hạ trực tiếp cơ thể trẻ, nhiều ông bố bà mẹ còn áp dụng “đòn tâm lí” để làm nhục con. Bà L (Đồng Nai) rất bực mình vì hai cậu con trai mải mê chơi game, bà phạt các con bằng cách lột trần bọn trẻ ra cho mặc độc chiếc quần nhỏ rồi xích chúng vào chiếc cột ngoài lề đường cho thiên hạ “nhìn chơi”.

Chắc chắn rằng trên thực tế, số vụ việc cha mẹ xúc phạm đến nhân phẩm, danh dự, hành hạ con cái không chỉ có thế. Vụ việc có thể trôi qua nhưng hậu quả nặng nề để lại cho con trẻ về cả thể xác và tinh thần là vô cùng lớn. Hành vi đó của cha mẹ không những vi phạm nghiêm trọng luật Dân sự Việt Nam, vi phạm Luật bảo vệ, chăm sóc và giáo dục trẻ em năm 2004, có thể bị “phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi đánh đập hoặc có hành vi bạo lực xâm phạm thân thể trẻ em làm cho trẻ em đau đớn về thể xác và tinh thần” (Nghị định 114/2006/N Đ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em), mà thậm chí còn cấu thành tội “đối xử tàn ác với người lệ thuộc vào mình” tại điều 110 Bộ luật hình sự 1999. 

Chính vì thế mà ở mức độ cao hơn, pháp luật còn quy định hạn chế quyền cha mẹ từ 1 đến 5 năm đối với những hành vi xâm phạm nghiêm trọng tới sức khỏe, danh dự, nhân phẩm của con tại điều 41 Luật Hôn nhân gia đình Việt Nam năm 2000. Quy định như vậy là hợp lí bởi có như vậy mới bảo vệ được trẻ em khỏi nạn bạo lực gia đình đang trở nên ngày càng nghiêm trọng .

2.1.2. Có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con

Có thể chia hành vi vi phạm của cha mẹ trong trường hơp này thành hai nhóm hành vi như sau: Thứ nhất, hành vi xâm phạm nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con; Thứ hai, hành vi xâm phạm nghĩa vụ giáo dục con. 

* Xâm phạm quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con

Nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con của cha mẹ được thể hiện ở những khía cạnh sau: Cha mẹ không được từ chối việc chăm sóc, trông nom, nuôi dưỡng con. Vi phạm nghĩa vụ này, trong trường hợp sự vi phạm có tính chất nghiêm trọng, cha mẹ có thể bị hạn chế quyền đối với con. Hành vi vi phạm quyền và nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng con của cha mẹ chưa thành niên có thể bao gồm những hành vi sau đây:  

Trốn tránh trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc con, hoặc thực hiện trách nhiệm một cách hời hợt, không chu đáo khiến con có cuộc sống vật chất, tinh thần phát triển không đầy đủ, lành mạnh, chậm phát triển. Thậm chí, có cha mẹ đùn đẩy nhau việc chăm sóc con dẫn đến con bị bỏ mặc, không ai nuôi dưỡng, dễ rơi vào nhiều cạm bẫy của xã hội. Khi con cái ốm đau, cha mẹ không chăm nom, lo chữa bệnh cho con, đó chính là hành vi rất thiếu trách nhiệm của bậc làm cha, làm mẹ. Còn có nhiều cha mẹ bỏ mặc con cái của mình mà chỉ lo làm ăn, kiếm sống. Họ cho rằng đi làm kiếm được nhiều tiền chu cấp cho con cuộc sống xa hoa, đầy đủ vật chất là đã thực hiện nghĩa vụ trông nom, nuôi dưỡng con mà không biết rằng đứa trẻ thiếu bàn tay chăm sóc của cha mẹ sẽ phát triển không đầy đủ, có thể mắc nhiều chứng bệnh như trầm cảm, tự kỉ. 

* Xâm phạm quyền và nghĩa vụ giáo dục con

Giáo dục được hiểu theo nghĩa rộng nhất, tức là tập hợp các biện pháp mà cha mẹ có quyền và có nghĩa vụ thực hiện nhằm mục đích thúc đẩy sự phát triển lành mạnh của con về trí tuệ, tài năng và nhân cách. Theo luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 37 khoản 1, cha mẹ có nghĩa vụ và quyền giáo dục con, chăm lo và tạo điều kiện vật chất cho việc giáo dục con, bao gồm những nghĩa vụ sau:

Nghĩa vụ lựa chọn trường học: Cha mẹ có quyền và nghĩa vụ lựa chọn trường nơi con theo học phù hợp với điều kiện đi lại, sinh hoạt của các thành viên trong gia đình cũng như với năng khiếu của con. Cha mẹ theo dõi, kiểm tra việc học tập của con, một cách độc lập tại gia đình hoặc có hợp tác với nhà trường thông qua tổ chức hội phụ huynh học sinh. Tất nhiên, khi đã có khả năng nhận thức nhất định, con có quyền có ý kiến với cha mẹ về việc lựa chọn nơi học tập, cha mẹ chỉ tham gia ý kiến với tư cách cố vấn.

Những hành vi bị coi là vi phạm nghĩa vụ lựa chọn trường học cho con bao gồm: Cha mẹ quá thờ ơ với việc lựa chọn cho con một ngôi trường phù hợp dẫn đến con không được tới trường khi đến tuổi hoặc phải thôi học nửa chừng, xâm phạm nghiêm trọng đến quyền được học tập của trẻ em. Trái ngược lại, có những vị phụ huynh không hề thờ ơ thậm chí lại rất quan tâm đến việc lựa chọn cho con một ngôi trường thật tốt, thật hợp ý mình dẫn đến ép buộc con theo học trường mà con không có đủ năng lực, không phù hợp với nguyện vọng của con, không lắng nghe ý kiến của con về ngôi trường mà con mong muốn dẫn đến hậu quả trẻ học hành sa sút, luôn bị ức chế về tinh thần, trẻ thậm chí có thể bị rối loạn thần kinh, mắc bệnh tự kỉ, trầm cảm.

Nghĩa vụ giáo dục đạo đức : “cha mẹ tạo điều kiện cho con được sống trong môi trường gia đình đầm ấm, hòa thuận, làm gương tốt về mọi mặt” (Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Trẻ em sinh ra có quyền được yêu thương, có quyền được chăm sóc và có quyền được sống chung với cha mẹ, không ai có quyền buộc trẻ em phải cách li với cha mẹ, trừ trường hợp có quy định khác vì lợi ích của trẻ. Tuy nhiên, trong những năm gần đây, mặt trái của nền khinh tế thị trường, sự phân hóa giàu nghèo, luồng tư tưởng và lối sống ngoại nhập đã tác động tiêu cực đến quan hệ hôn nhân và gia đình. 

Cách suy nghĩ thực dụng, lối sinh hoạt tùy tiện, thiếu gương mẫu của cha mẹ trong cách hành xử hằng ngày đã làm giảm vai trò của họ trong giáo dục con cái, gây cho đứa trẻ tâm lí thất vọng, chán nản về cuộc sống. Con cái có thể chịu ảnh hưởng từ lối sống của cha mẹ dẫn đến những hậu quả không tốt sau này.

Nghĩa vụ hướng nghiệp: “Cha mẹ hướng dẫn cho con chọn nghề” (Điều 37 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Song cha mẹ phải tôn trọng quyền chọn nghề của con (cùng điều luật). Cần lưu ý rằng, trong khung cảnh của pháp luật lao động hiện hành, con đủ tuổi để giao kết hợp đồng lao động thì có thể tự mình giao kết và không cần sự đồng ý của cha mẹ. 

Nếu cha mẹ không thực hiện đúng nghĩa vụ hướng nghiệp cho con, để con làm những việc làm không phù hợp với con, vi phạm pháp luật, ảnh hưởng đến tâm lí cũng như sức khỏe của con; xúi giục, bắt ép con làm những việc quá nặng nhọc, nguy hiểm thì đã là vi phạm nghĩa vụ giáo dục con, có thể bị hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên của mình.

Ngoài ra, quyền và nghĩa vụ giáo dục, trong chừng mực nào đó, thể hiện dưới hình thức quyền và nghĩa vụ giám sát: Cha mẹ, theo tục lệ, có quyền cho phép hoặc không cho phép con chưa thành niên lui tới những nơi nào đó, giao tiếp với những người nào đó, kiểm soát thư từ của con cái…Các quyền này không được ghi nhận trong luật viết, có lẽ do chúng không phù hợp với tinh thần của nguyên tắc tôn trọng quyền trẻ em; nhưng nếu cha mẹ có thực hiện thì pháp luật cũng chỉ can thiệp có chừng mực.

Tóm lại, cha mẹ là người thầy đầu tiên và quan trọng nhất đối với sự trưởng thành của con cái. Tuy nhiên, trong cuộc sống, nhiều nơi, nhiều lúc những giá trị vật chất được coi trọng hơn những giá trị đạo đức, nhiều bậc cha mẹ, quan tâm lo lắng đến sự phát triển nhân cách của con em mình, ngược lại khônh ít bậc cha mẹ lại tỏ ra thờ ơ, coi nhẹ trách nhiệm và các quy định của pháp luât. Nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con chưa thành niên bị vi phạm nghiêm trọng. Đây là những hành vi cần phải được xem xét và có biện pháp ngăn chặn, trừng trị kịp thời, bảo đảm cho các em được sống trong một môi trường giáo dục tốt để có thể phát triển lành mạnh và toàn diện từ thể chất đến trí tuệ, đạo đức…

2.1.3. Phá tán tài sản của con

“ Phá tán tài sản của con ” là một trong những hành vi nếu được thực hiện bởi cha mẹ đứa trẻ có tài sản riêng đó sẽ bị Tòa án quyết định hạn chế quyền cha mẹ trong một thời gian nhất định từ 1 năm đến 5 năm. Tòa án cũng có thể xem xét rút ngắn thời hạn này tùy vào mức độ xâm phạm.

Đề cập đến vấn đề “phá tán tài sản của con” , trước tiên chúng ta cần phải tìm hiểu thế nào là “tài sản của con” ? con có quyền có tài sản riêng hay không? Tài sản riêng đó được sử dụng, định đoạt như thế nào? 

* Quyền có tài sản riêng của con (Điều 44)

Quyền có tài sản riêng của con là hệ quả của việc thừa nhận năng lực pháp luật của cá nhân trong lĩnh vực tài sản : ngay từ khi sinh ra, các cá nhân đã có thể có quyền sở hữu đối với tài sản. Hệ thống pháp luật của Nhà nước ta cũng quy định theo nguyên tắc cha mẹ và con đều có quyền độc lập về tài sản. Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định : “Các con còn ở chung với cha mẹ dù đã thành niên hay chưa thành niên đều có quyền có tài sản riêng. Tài sản riêng của con bao gồm tài sản được thừa kế riêng, được tặng cho riêng, thu nhập do lao động của con, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng của con và các thu nhập hợp pháp khác” ( Điều 44 ). Ví dụ: Một em bé 9 tuổi được ông viết di chúc cho một khoản tiền thừa kế. Mặc dù số tiền đó lớn và em bé cũng chưa có khả năng quản lí nhưng về mặt pháp lí, đó là tài sản riêng của em theo quy định của Luật hôn nhân gia đình.

* Quản lý tài sản riêng của con ( Điều 45 )

Bên cạnh việc quy định quyền có tài sản riêng của con, Điều 45 Luật hôn nhân và gia đình 2000 quy định “con từ đủ 15 tuổi trở lên có thể tự mình quản lý tài sản riêng hoặc nhờ cha mẹ quản lý”. Điều này phù hợp với hệ thống các quy định trọng luật dân sự và luật lao động khi người đủ 15 tuổi trở lên đã có thể tự mình tham gia các giao dịch dân sự thông thường, hoặc có thể tham gia vào quan hệ lao động trong các công việc đơn giản. Luật cũng quy định “tài sản riêng của con dưới mười lăm tuổi, con mất năng lực hành vi dân sự thì do cha mẹ quản lý”. 

Theo đó cha mẹ chỉ có quyền quản lí tài sản của con chưa thành niên chứ không được quyền sở hữu. Khi quản lí tài sản riêng của con, cha mẹ phải có trách nhiệm bảo quản, giữ gìn cẩn trọng. Đối với tài sản có thể sinh lợi như tiền hay vườn cây, … cha mẹ có thể tận dụng, phát triển khả năng đó để làm tăng giá trị tài sản như gửi tiền ngân hàng để lấy lãi, chăm sóc vườn cây để thu hoạch hoa quả. Đối với tài sản như đồ đạc, máy móc thì cha mẹ có trách nhiêm phải sữa chữa hay bảo dưỡng thường kì.

Tuy nhiên, cha mẹ cũng không có quyền quản lí tài sản riêng của con trong trường hợp “người tặng cho tài sản hoặc để lại tài sản thừa kế theo di chúc cho người con đã chỉ định người khác quản lý tài sản đó hoặc những trường hợp khác theo quy định của pháp luật”. 

* Định đoạt tài sản riêng của con chưa thành niên ( Điều 46 )

“1. Trong trường hợp cha mẹ quản lý tài sản riêng của con dưới 15 tuổi thì có quyền định đoạt tài sản đó vì lợi ích của con, có tính đến nguyện vọng của con, nếu con từ đủ 9 tuổi trở lên. 
2. Con từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi có quyền định đoạt tài sản riêng; nếu định đoạt tài sản có giá trị lớn hoặc dùng tài sản để kinh doanh thì phải có sự đồng ý của cha mẹ”

Theo đó, trong trường hợp con dưới 15 tuổi có tài sản riêng do cha mẹ quản lí thì quyền và nghĩa vụ của cha mẹ đối với khối tài sản riêng đó gắn liền với nhau nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của con cái. Khi quản lí tài sản của con, cha mẹ chỉ được phép sử dụng tài sản đó cho những nhu cầu thiết yếu, hợp lí của con (như học hành, ăn mặc, đi lại). Khi đứa trẻ đủ 9 tuổi trở lên, việc sử dụng tài sản riêng của con phải tính đến nguyện vọng của con cái, không được tùy tiện lấy tài sản riêng của con để mua bán. Đứa trẻ từ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi thì được quyền định đoạt tài sản riêng của mình. Tuy nhiên đối với tài sản có giá trị lớn hoặc để kinh doanh thì cần phải có sự đồng ý của cha mẹ. Trường hợp cha mẹ không những không quản lý được tài sản của con mà còn có hành vi “ phá tán ”, nếu bị phát hiện hoặc bị tố cáo ra tòa sẽ bị kết án hạn chế quyền cha mẹ trong một thời gian từ 1 năm đến 5 năm tùy theo mức độ. 

* Phá tán tài sản của con chưa thành niên

Vậy thì chúng ta phải hiểu như thế nào là “ phá tán tài sản của con chưa thành niên”? Hiện nay luật pháp nước ta chưa có một khái niệm cũng như định nghĩa cụ thể về nó. Tuy nhiên, những nhà làm luật cũng như những người thi hành luật có thể hiểu “phá tán tài sản của con chưa thành niên” là hành vi sử dụng tài sản của con trái với nhu cầu, lợi ích, nguyện vọng của con, gây hậu quả nghiêm trọng đối với tài sản riêng của con chưa thành niên.

Tuy nhiên để xác định chính xác hành vi nào là “phá tán tài sản của con chưa thành niên” không phải là việc đơn giản mà cần phải nhìn nhận vấn đề dưới nhiều khía cạnh khác nhau. Cụ thể, muốn xác định hành vi của cha mẹ có phải là “phá tán tàn sản của con” không chúng ta phải trả lời được 3 câu hỏi sau:

- Thứ nhất: Tài sản mà cha mẹ sử dụng có vì lí do chính đáng hay không, có sự đồng ý của con hay không ? 

- Thứ hai: Tài sản đó chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong khối tài sản mà đứa con có ?

- Thứ ba: Việc sử dụng tài sản đó ảnh hưởng thế nào đến đứa con?

Đối với những hành vi có dấu hiệu “phá tán” rõ ràng như: dùng tài sản của con chi dùng cho mục đích sai trái ( mua trang sức, tiêu xài hoang phí); dùng tài sản của con với mục đích kinh doanh bất hợp pháp; có hành vi phá hoại tài sản của con ( đối với tài sản như máy móc, hiện vật); có hành vi chiếm đoạt tài sản của con, khi con có nhu cầu chính đáng thì không đáp ứng thì chúng ta có thể dễ dàng xác định hành vi vi phạm của cha mẹ là “ phá tán tài sản của con chưa thành niên”.

Tuy nhiên, đối với những hành vi mà dấu hiệu “phá tán” không rõ ràng hoặc khó xác định thì chúng ta cần có những căn cứ cụ thể hơn. Với từng câu hỏi lại có rất nhiều trường hợp đưa ra khiến chúng ta phải sáng suốt khi giải quyết. 

Với câu hỏi đầu tiên, tài sản mà cha mẹ sử dụng có vì lí do chính đáng hay không, có sự đồng ý của con hay không ?, chúng ta có thể đưa ra một ví dụ như sau: Trong gia đình, đứa con lớn có một số tài sản riêng. Khi đứa em ốm, phải cấp cứu đi viện, cha mẹ không đủ tiền để trả viện phí, thay vì đi vay người khác, cha mẹ lại “ vay tạm ” đến tài sản của đứa lớn ( tài sản có thể là tiền mặt/ thẻ ATM/ hiện vật..). Việc làm này của cha mẹ được xác định là chính đáng hay không? Bởi dù họ đã sử dụng tài sản của con không vì lợi ích của chính đứa trẻ đó nhưng lại vì mục đích chính đáng là chữa bệnh cho đứa em. Do đó, việc làm của họ chưa thể bị coi là “ phá tán tài sản của con ” được. Tuy nhiên, việc làm này cũng cần hỏi đến nguyện vọng của đứa trẻ nếu đứa trẻ đã đủ 9 tuổi.

Thế nhưng, ngược lại hoàn toàn với tình huống trên, nếu cha mẹ chúng sử dụng tiền của con vì lô đề, cờ bạc, nghiện ma túy, đầu tư kinh doanh những mặt hàng mà pháp luật cấm vì lợi nhuận phi pháp như thuốc lắc, rượu giả, thuốc lá giả… thì việc sử dụng đó mang tính “ phá tán ” là đương nhiên bởi hành vi đó là vì mục đích không chính đáng. Thế nhưng cũng có ý kiến trái chiều cho rằng những việc làm phi pháp của họ là chính đáng vì kiếm tiền nuôi con thì sao ?

Với câu hỏi thứ hai, số tiền đó chiếm tỉ lệ bao nhiêu trong khối tài sản mà đứa con có ? Cũng với ví dụ đã nêu ở trên: Cha mẹ sử dụng số tiền của đứa con lớn để chữa bệnh cho đứa em, đó là vì một mục đích chính đáng. Giả sử cha mẹ chỉ sử dụng 10% trong số tài sản của con là 10 triệu đồng, tức là 1 triệu đồng thì vẫn được coi là chính đáng. Đến đây thì chúng ta lại phải đắn đo, nếu cha mẹ không chỉ dùng 10% mà tới 90 thậm chí 100% số tiền của con thì sao?  Hành vi đó tuy vì mục đích chính đáng  nhưng rất có thể cha mẹ không có khả năng bù lại số tiền lớn đó cho đứa con. Trong trường hợp này cha mẹ có bị coi là “phá tán tài sản của con” hay không? Và trong những trường hợp trên thì liệu chúng ta có nên dựa vào mức thu nhập cũng như mức sống của xã hội để xác định khả năng hoàn trả của cha mẹ hay không ? ví dụ như có nơi mức thu nhập thấp, 10 triệu đã là một khoản tiền quá lớn, nhưng ở thành phố 100 triệu vẫn chưa phải là khoản tiền lớn thì sao ?

Như vậy, chúng ta có thể xác định xem cha mẹ có phải là “phá tán tài sản của con” không căn cứ vào khả năng hoàn trả tài sản đã sử dụng của con. 

Với câu hỏi thứ ba, việc sử dụng tài sản đó ảnh hưởng thế nào đến đứa con?

Tiếp tục phân tích ví dụ ở trên: Trong trường hợp số tiền mà cha mẹ lấy của đứa con lớn để chữa bệnh cho đứa em là số tiền đáng lẽ sẽ được chi trả cho một lí do chính đáng, thiết yếu khác của đứa trẻ ( như trả học phí, mua sách vở). Nay số tiền đó lại bị cha mẹ dùng cho mục đích khác, như thế một cách gián tiếp, cha mẹ đã làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của con. Việc làm đó có thể gây ảnh hưởng đến đứa con, nếu số tiền dùng để trả học phí thì đứa trẻ có thể phải thôi học, ngoài ra còn gây tâm lí không tốt cho con. Hành vi trên của cha mẹ có bị coi là “ phá tán” hay không? 

Rõ ràng, việc cha mẹ có phạm phải tội “ phá tán tài sản riêng của con ” hay không vẫn còn đang là bài toán khó cho những nhà làm luật cũng như những người thi hành luật khi mà nó vẫn còn thiếu sót những văn bản dưới luật hướng dẫn việc thi hành và xử phạt…

2.1.4. Có lối sống trụy lạc, xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội

Trẻ chưa thành niên còn rất non nớt lại sống gần cha mẹ nên rất dễ bị ảnh hưởng bởi hành vi, lối sống của cha mẹ mình. Trẻ lại chưa có khả năng tự bảo vệ bản thân, chưa phân biệt được đúng sai nên dễ bị lôi kéo, xúi giục thậm chí ép buộc làm những điều sai trái mà bản thân chưa nhận thức được. Do đó, nếu cha mẹ có lối sống trụy lạc hay có hành vi xúi giục, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội sẽ bị Tòa yêu cầu hạn chế quyền đối với con chưa thành niên.

* Cha mẹ có lối sống trụy lạc

Có thể hiểu cha mẹ có “lối sống trụy lạc”  là cha mẹ có lối sống buông thả, thiếu lành mạnh; Cha mẹ nghiện chất kích thích, ham mê cờ bạc, rượu chè, trai gái; Cha mẹ tang trữ, sử dụng, mua bán văn hóa phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; Cha mẹ thường xuyên về khuya vì tiệc tùng, thường xuyên tiếp xúc với con cái sau khi say rượu; Cha mẹ có những mối quan hệ ngoài hôn nhân…

Cha mẹ có lối sống trụy lạc sẽ không thể chăm sóc, nuôi dưỡng con, không thể giáo dục con thành một công dân có ích cho xã hội bởi bản thân mình cũng không phải là một tấm gương để con noi theo. Con cái lại vốn rất dễ bắt chước hành vi của cha mẹ, bởi vậy nếu cha mẹ có lối sống trụy lạc đứa con cũng rất dễ hư hỏng, buông thả, dễ rơi vào nhiều cạm bẫy của xã hội. Con cái cũng có thể bị ảnh hưởng về tâm lí như sợ hãi cha mẹ, cảm thấy xấu hổ với bạn bè, cảm thấy bị bỏ rơi, chán nản, đau buồn. 

*Cha mẹ xúi giục, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức xã hội

Căn cứ vào các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 điều 7 Luật Giáo dục, bảo vệ, chăm sóc trẻ em, có thể xác định những hành vi sau của cha mẹ là “xúi giục, ép buộc con làm những điều trái pháp luật, trái đạo đức xã hội”: 

“2. Dụ dỗ, lôi kéo trẻ em đi lang thang; […]

3. Dụ dỗ, lừa dối, ép buộc trẻ em mua, bán, vận chuyển, tàng trữ, sử dụng trái phép chất ma tuý; lôi kéo trẻ em đánh bạc; […]

4. Dụ dỗ, lừa dối, dẫn dắt, chứa chấp, ép buộc trẻ em hoạt động mại dâm; […]

5. Lợi dụng, dụ dỗ, ép buộc trẻ em mua, bán, sử dụng văn hoá phẩm kích động bạo lực, đồi trụy; […] 

6. […]; lợi dụng trẻ em vì mục đích trục lợi; xúi giục trẻ em thù ghét cha mẹ, người giám hộ hoặc xâm phạm tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự của người khác”.

Ngoài ra còn có những hành vi như cưỡng ép con phải kết hôn khi chưa đủ tuổi; xúi giục con vi phạm giao thông; xúi giục con có hành vi hủy hoại tài sản của người khác, phá hoại của công; xúi giục con trộm cắp, lừa gạt, dối trá; xúi giục con tự sát, hủy hoại thân thể mình…

Những hành vi trên của những bậc làm cha làm mẹ có thể cấu thành tội phạm hình sự với những tội như :“Tội xúi giục hoặc giúp người khác tự sát” (Điều 101); “Tội hiếp dâm trẻ em” (Điều 112); “Tội cưỡng dâm trẻ em” (Điều 114); “Tội giao cấu với trẻ em” (Điều 115); “Tội dâm ô với trẻ em” (Điều 116); “Tội cưỡng ép kết hôn” (Điều 146); “Tội cưỡng bức, lôi kéo người khác sử dụng trái phép chất ma túy” (Điều 200); “Tội dụ dỗ ép buộc hoặc chứa chấp người chưa thành niên phạm pháp” (Điều 252); “Tội truyền bá văn hóa phẩm đồi trụy” (ĐIều 253); “Tội mua dâm người chưa thành niên” (Điều 256),

Chính vì tính chất nghiêm trọng của nó mà đối với từng trường hợp cụ thể, Tòa án có thể yêu cần hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên để trả lại cho những đứa trẻ sự trong sáng, hồn nhiên của lứa tuổi, trả lại cho trẻ môi trường sống lành mạnh để xoa dịu, hàn gắn những vết thương mà cha mẹ các em đã gây ra.

2.2. Những người có quyền yêu cầu Toà án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên:

Toà án nào cũng có thể tự mình hạn chế quyền ra quyết định không cho cha mẹ thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình với con ngoài nghĩa vụ nuôi dưỡng con. Theo khoản 4 điều 28 và điểm b khoản 2 Điều 33 Bộ luật tố tụng dân sự, Toà án nhân dân cấp huyện, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (toà án cấp huyện) đều có quyền ra quyết định hạn chế quyền đối vời cha mẹ có con chưa thành niên. Tuy nhiên, để Tòa án có thể thực thi quyền hạn này, pháp luật cũng quy định những đối tượng có quyền yêu cầu tòa án hạn chế quyền cha mẹ với con chưa thành niên. Theo điều 42 Luật hôn nhân gia đình,những đối tượng có quyền yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên bao gồm:

Thứ nhất: Cha, mẹ, người thân thích của con chưa thành niên theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Khi cha hoặc mẹ đứa trẻ có hành vi như được liệt kê tại Điều 41 Luật hôn nhân gia đình thì người cha, mẹ còn lại hơn ai hết là người có khả năng nhận biết sớm nhất hành vi này, cũng là người có trách nhiệm lớn nhất trong việc yêu cầu Tòa án hạn chế quyền cha, mẹ của người kia. Ngoài ra, nếu cha, mẹ đứa bé không yêu cầu thì quyền đó được trao cho những người ruột thịt còn lại trong gia đình như ông bà, anh chị,cô chú,…của đứa trẻ chưa thành niên. Bởi dựa trên quan hệ pháp luật nảy sinh nghĩa vụ và quyền lợi giữa các thành viên trong gia đình thì đây là những đối tượng có nghĩa vụ và trách nhiệm cao nhất, gần nhất được yêu cầu hạn chế quyền đối với người có hành vi vi phạm với đưa con chưa thành niên của mình. 

Thứ hai: Viện kiểm sát theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự.

Viện kiểm sát là cơ quan được giao chức năng kiểm sát việc tuân theo pháp luật nói chung, thực hành quyền công tố và kiểm sát các hoạt động tư pháp,chức năng thực hành quyền công tố nói riêng. Nên, với nhứng chức năng như trên, viện kiểm sát là cơ quan thực thi sớm nhất, giám sát và thi hành hạn chế quyền cha, mẹ với con chưa thành niên. Căn cứ vào Điều 8 và Điều 28 khoản 1 Pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự năm 1989, thì trong trường hợp xâm phạm nghiêm trọng quyền và lợi ích của người chưa thành niên, nếu không có ai khởi kiện thì Viện kiểm sát có quyền khởi tố.

Thứ ba: Cơ quan, tổ chức sau đây theo quy định của pháp luật về tố tụng dân sự:

a, Uỷ ban bảo vệ và chăm sóc trẻ em ;

b, Hội liên hiệp phụ nữ.

Với những chức năng của mình, hai cơ quan trên đủ tư cách và có trách nhiệm phải thực hiện quyền yêu cầu hạn chế quyền cha mẹ đối với con cái chưa thành niên  như bổn phận công việc của họ, là công việc họ phải làm và thực thi. Trong xã hội còn tồn tại nhiều vấn đề bạo lực tinh thần và thể xác trong gia đình như hiện nay, hai cơ quan trên với tư cách những người bảo vệ trẻ chưa thành niên khỏi nạn bạo lực gia đình  có nhiệm vụ thường xuyên giám sát và yêu cầu hạn chế quyền cha mẹ với trẻ chưa thành niên trong những trường hợp cần thiết.

Thứ tư: Cá nhân, cơ quan, tổ chức khác .

Có thể khẳng định rằng, bất kì một cá nhân, cơ quan, tổ chức nào chứng kiến những hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông non, chăm sóc, nuôi dưỡng ,giáo dục con…đều phải có trách nhiệm báo cáo, phát giác, yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền xem xét và hạn chế quyền của cha mẹ vi phạm pháp luật.

Nghĩa vụ của người phát hiện hành vi xâm phạm của cha mẹ với con chưa thành niên được quy định tại Điều 18, 19 Luật Phòng chống bạo lực gia đình: Người phát hiện bạo lực gia đình phải kịp thời báo tin cho cơ quan công an nơi gần nhất hoặc Uỷ ban nhân dân cấp xã hoặc người đứng đầu cộng đồng dân cư nơi xảy ra bạo lực, khi phát hiện hoặc nhận được tin báo về bạo lực gia đình có trách nhiệm kịp thời xử lý hoặc kiến nghị, yêu cầu cơ quan, người có thẩm quyền xử lý; giữ bí mật về nhân thân và trong trường hợp cần thiết áp dụng biện pháp bảo vệ người phát hiện, báo tin về bạo lực gia đình. Người có mặt tại nơi xảy ra bạo lực gia đình tuỳ theo tính chất, mức độ của hành vi bạo lực và khả năng của mình có trách nhiệm thực hiện các biện pháp quy định.

Từ đó, ta thấy trách nhiệm và những việc làm tiếp theo của những người được chứng kiến là vô cùng quan trọng. Hoặc sẽ tiếp tay cho những hành vi xâm phạm khác nặng nề và nguy hiểm hơn. Hoặc sẽ ngăn chặn và góp phần dập tặt những hành vi trái pháp luật và trái đạo đức đó.

Trường hợp biết hành vi của cha mẹ đứa trẻ xâm phạm nghiêm trọng đến con cái mình mà không báo cho các cơ quan chức năng có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự. Vì đây là một hành vi có thể đựoc xét vào tội không tố cáo tội phạm. Tuỳ vào điều kiện cũng như mức độ nghiêm trọng của mỗi sự việc mà xử phạt theo pháp luật.

2.3. Hậu quả pháp lý của cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên

Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Ðiều 43 quy định về hậu quả pháp lý của cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con chưa thành niên như sau:

“1. Trong trường hợp một trong hai người bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên, thì người còn lại thực hiện các quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục con, quản lý tài sản riêng của con và đại diện theo pháp luật cho con; 

2. Trong trường hợp cả cha và mẹ đều bị Tòa án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên, thì việc  trông nom, chăm sóc, giáo dục con và việc quản lý tài sản của con chưa thành niên được giao cho người giám hộ theo quy định của Bộ luật dân sự và Luật này.

3. Cha, mẹ đã bị Toà án hạn chế quyền đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con”.

Luật đã qui định khá rõ ràng về hậu quả pháp lý của từng trường hợp cha hoặc mẹ bị hạn chế  và trường hợp cả hai cùng bị hạn chế một số quyền đối với con chưa thành niên.

Trường hợp một trong hai người bị hạn chế quyền thì người còn lại sẽ thực hiện các quyền đối với con, bao gồm quyền trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục, quản lí tài sản của con và đại diện theo pháp luật của con. Đây là điều đương nhiên, bởi căn cứ vào điều 39 Luật hôn nhân gia đình, cha mẹ là người đại diện đương nhiên của con chưa thành niên. 

Trường hợp cả hai người cùng bị pháp luật hạn chế quyền thì quyền này sẽ được giao cho người giám hộ của con theo qui định của Bộ luật Dân sự 2005 và luật hôn nhân và gia đình 2000. Hiện nay Nhà nước có chế độ, chính sách hỗ trợ đối với người sẽ giám hộ, nuôi dưỡng trẻ chưa thành niên với mức thấp nhất là 270.000 đ/tháng/trẻ.

Người giám hộ đương nhiên của con chưa thành niên được xác định theo Điều 61 Luật Dân sự 2005, bao gồm: Anh, chị cả đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ của em chưa thành niên; nếu anh cả, chị cả không đủ điều kiện làm người giám hộ thì người tiếp theo đã thành niên có đủ điều kiện phải là người giám hộ. Trong trường hợp không có anh, chị, em ruột hoặc anh, chị, em ruột không có đủ điều kiện làm người giám hộ thì ông, bà nội, ngoại có đủ điều kiện phải là người giám hộ của trẻ chưa thành niên. 

Trong trường hợp không có ai trong số những người trên có thể là người giám hộ đương nhiên cho trẻ thì Ủy ban nhân dân cấp xã nơi trẻ cư trú có trách nhiệm cử người giám hộ hoặc đề nghị một tổ chức đảm nhận việc giám hộ cho trẻ (Điều 63 Luật Dân sự 2005).

Tuy nhiên, Luật cùng qui định người bị hạn chế quyền của cha mẹ đối với con chưa thành niên vẫn phải thực hiện nghĩa vụ nuôi dưỡng con (cùng điều luật khoản 3). Ðây không phải là một chế tài đối với người bị hạn chế quyền của cha mẹ mà chỉ là hệ quả của việc tước một phần quyền của cha mẹ: ta biết rằng quyền của cha mẹ trong khung cảnh của luật thực định là một quyền đồng thời là một nghĩa vụ; việc hạn chế quyền của cha mẹ có tác dụng treo quyền nhưng không treo nghĩa vụ. 

Thời hạn hạn chế quyền của cha mẹ không ngắn hơn 1 năm và không dài hơn 5 năm. Theo câu chữ của luật viết, có thể nghĩ rằng, khi thời hạn hạn chế quyền của cha mẹ đã hết, thì việc khôi phục quyền cha mẹ là đương nhiên chứ không cần thủ tục xóa án như đối với án tích về hình sự. Riêng trong trường hợp cần rút ngắn thời hạn hạn chế quyền của cha, mẹ, Luật có ghi nhận vai trò xem xét của Toà án. Hiện nay, ở Việt Nam không qui định việc tước quyền cha, mẹ mà chỉ dừng lại ở hạn chế. Điều này xuất phát từ những điều kiện thực tế cũng như truyền thống đạo đức của dân tộc ta. Tuy nhiên, điều này khó có thể bảo vệ được đứa trẻ khi thời hạn hạn chế chấm dứt và đứa trẻ lại bị trả lại cho cha, mẹ. Nhưng trong thực tế, kể từ khi Luật hôn nhân và gia đình có hiệu lực (ngày 1-1-2001) đến nay, đã có nhiều trường hợp cha mẹ bạo hành con trẻ, mức độ nhẹ thì bị xử lý hành chính, gây hậu quả nghiêm trọng cho sức khỏe, tính mạng của con thì bị xử lý hình sự nhưng chưa có ai bị tòa tuyên hạn chế quyền làm cha mẹ với con. Đó cũng là một vấn đề thực tế đặt ra rất đáng lưu tâm nhằm bảo vệ quyền lợi cho trẻ em.

Một điều cần lưu tâm nữa là: Việc hạn chế quyền cha mẹ trước hết là nhằm đảm bảo quyền và lợi ích chính đáng của con. Do đó, Tòa án cần thận trọng, chỉ xem xét hạn chế quyền cha mẹ nếu như điều đó là thật sự cần thiết vì lợi ích của con. Nếu đứa con trên 9 tuổi Tòa án cần tham khảo ý kiến của đứa con xem có cần thiết phải tước bỏ những quyền này của cha mẹ với đứa con đó hay không. 

Ngoài ra, hành vi vi phạm với đứa con nào thì chỉ tước quyền của cha, mẹ đối với đứa con đó mà thôi. Tuy nhiên, nếu người cha, mẹ đó đã có hành vi vi phạm với một đứa con thì nguy cơ những đứa con còn lại cũng bị vi phạm trong tương lai là rất cao. Vì vậy, Tòa án cần lưu tâm xem xét kĩ càng những trường hợp này, tránh để tình trạng những đứa con còn lại bị vi phạm rồi Tòa mới lại xử lí.

3. Thực trạng việc áp dụng quy định hạn chế quyền cha mẹ ở Việt Nam.

Sự việc của bé Dung – gọi theo tên mẹ (em bé bị bỏ rơi trong Bệnh viện Nhi Đồng II suốt 8 tháng qua) được cha mình, anh Nguyễn Đức Trọng lên tiếng nhận lại, những tưởng giờ đây em sẽ được sống trong hạnh phúc. Nhưng đau lòng hết sức khi một lần nữa bé Dung bị chính người cha ruột này nhẫn tâm bỏ rơi lần thứ hai. Không kiếm chác được gì trước số tiền hỗ trợ của những người hảo tâm dành cho bé, hắn nỡ phủi trách nhiệm như mình là người vô can vậy... Dư luận thì cứ râm ran, nhưng nhân vật chính thì vẫn dửng dưng. Trước đó liên tục xảy ra các trường hợp cha mẹ bạo hành con cái. Sự phẫn nộ đã làm dấy lên câu hỏi có thể tước quyền làm cha mẹ của những kẻ đã bạo hành con cái mình không?  Câu trả lời là “có” mà “không”. “Có” là vì đã có nhiều điều luật quy định, còn “không” vì trên thực tế sau khi các bậc cha mẹ bạo hành bị xử lý, trẻ vẫn bị trả về gia đình, phải tiếp tục sống với người đã bạo hành mình. 

Hiện nay, chưa có biện pháp thật sự hữu hiệu hạn chế sự lạm quyền của cha mẹ với trẻ em( chỉ khi vi phạm đã trở nên nghiêm trọng thì xã hội mới can thiệp, còn bình thường lại rất thờ ơ). Thực tế, việc tước quyền cha mẹ của những kẻ hành hạ trẻ em là không dễ. Trước những vụ bạo hành con cái, các cơ quan chức năng định ra quyết định xử phạt vi phạm hành chính đối với cha, mẹ của những em bị bạo hành, nhưng thường thì cả hai( hoặc cha,mẹ) cam kết sẽ không đánh đập bé nữa nên thôi. Một phần cơ quan chức năng cũng ngại nếu xử phạt thì có thể những phụ huynh này sẽ trút cơn giận lên đầu đứa trẻ. Hơn nữa, theo Luật phòng chống bạo hành gia đình (có hiệu lực từ 1-7-2008), Uỷ ban nhân dân xã có quyền ra quyết định cấm người bạo hành tiếp xúc với nạn nhân trong vòng ba ngày nhưng phải có đơn đề nghị của nạn nhân, người giám hộ hoặc cơ quan, tổ chức có thẩm quyền. Luật cũng quy định nạn nhân bị bạo hành gia đình có thể được đưa vào cơ sở trợ giúp (nơi tạm lánh, chăm sóc, cấp cứu, khám chữa bệnh... cho nạn nhân). Tòa án có thể ra quyết định cấm người có hành vi bạo hành tiếp xúc với nạn nhân trong thời gian tối đa là bốn tháng. Tuy nhiên, có trường hợp chính quyền địa phương mời người có hành vi bạo hành lên làm việc, giáo dục hoặc thậm chí xử phạt hành chính nhưng rồi vẫn phải giao đứa trẻ bị bạo hành lại cho cha mẹ chăm sóc vì không biết giao cho ai. Việc các bé có tiếp tục bị bạo hành nữa hay không tùy tâm của những bậc cha mẹ này. Ngoài ra cũng có thể do chưa có hướng dẫn cụ thể cơ quan, tổ chức xã hội nào có trách nhiệm nhận nuôi, dạy người chưa thành niên trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền. 

Theo luật sư Nguyễn Thị Hồng Liên, người từng tham gia bảo vệ quyền lợi cho rất nhiều trẻ em trong các vụ bị bạo hành cho biết tại các quốc gia phát triển có quy định rõ thế nào là hành vi bạo hành (kể cả về tinh thần) đối với trẻ em, cha mẹ có hành vi bạo hành đến mức độ nào thì bị áp dụng biện pháp hạn chế quyền đối với con chưa thành niên. Trường hợp phải giao trẻ cho người giám hộ nuôi dưỡng, người giám hộ phải có đủ điều kiện cần thiết bảo đảm cho việc chăm sóc, giáo dục trẻ em. Nếu không có người giám hộ, trẻ sẽ được đưa vào những cơ sở xã hội có đủ điều kiện nuôi dạy trẻ.

Hy vọng trong tương lai, nếu các cơ quan thực thi pháp luật triển khai đầy đủ, kịp thời những nội dung của luật thì có lẽ sẽ giảm đáng kể những trường hợp trẻ bị bạo hành một cách thương tâm, phải gánh chịu hậu quả nặng nề không chỉ về thể chất mà cả tinh thần.

4. Ý nghĩa của việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên.

4.1. Đối với đứa trẻ

Gần đây, vấn đề nạn bạo hành trẻ em xảy ra rất nhiều và gây ra nhiều bức xúc cho xã hội. Vì vậy, pháp luật cần phải can thiệp để làm giảm bớt hiện tượng này. 

Pháp luật Việt Nam mong muốn các quyền cơ bản của trẻ em phải được thực thi và được bảo vệ, mong muốn đem lại rất nhiều nụ cười, niềm hạnh phúc và tương lai tốt đẹp cho trẻ em. Tuy nhiên, trên thực tế, đối với người thân thích, giám hộ của trẻ mà vi phạm nghĩa vụ phải thực hiện đối với trẻ thì lại chưa có những biện pháp đúng đắn. Các cơ quan chức năng chỉ xử phạt ở góc độ hành chính hoặc hình sự chứ không đề nghị tòa tước hay hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con chưa thành niên. Vì vậy, cần triển khai thực hiện tốt các quy định này trên thực tế để có đủ sức răn đe cho những người làm cha, làm mẹ không thực hiện tôt nghĩa vụ của mình.

Việc pháp luật Việt Nam có quy định về việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên là để bảo vệ lợi ích cho đứa trẻ. Quy định này có ý nghĩa như biện pháp chế tài của luật hôn nhân và gia đình. Quy định này khẳng định trách nhiệm của cha, mẹ, bảo đảm để cha, mẹ thực hiện tốt các nghĩa vụ đối với con nhằm bảo vệ quyền lợi của con nói chung và của con chưa thành niên nói chung. Cha mẹ vốn là người có quyền và nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nhưng nếu cha mẹ không làm được điều này thì việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con là cần thiết. Nếu không sẽ không thể đảm bảo cho đứa trẻ được phát triển toàn diện về mọi mặt, thậm chí là nguy hại tới tính mạng của trẻ. Thật vây, nếu cha mẹ có hành vi vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trông nom, chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con cái thì liệu có đảm bảo được lợi ích cho trẻ¬? Chắc chắn là không, trẻ sẽ không có được sức khỏe, tinh thần và môi trường thuận lợi để phát triến. Việc cha mẹ thường xuyên đối xử tồi tệ về ăn, mặc, ở và các sinh hoạt hàng ngày trong khi có điều kiện tốt hơn, nhục mạ mắng chửi con cái sẽ làm cho con bị dày vò về về tình cảm, đau khổ về tinh thần, không thể phát triển bình thường về thể chất, tổn hại tới sức khỏe. Nếu đối xử tàn nhẫn sẽ gây cho con nỗi khiếp sợ. 

Hiện nay, dưới sự tác động của nhiều yếu tố tiêu cực trong xã hội, không ít những bậc cha mẹ có lối sống thực dụng, vụ lợi, vô trách nhiệm đã quên đi lợi ích tương lai của con mình mà có hành vi lạm dụng sức lao động của con cái, ép buộc con làm những việc trái pháp luật, trái đạo đức xã hội nhằm phục vụ cho mục đích của mình như bán dâm, trộm cắp, buôn bán, vận chuyển ma túy. Lúc này cha mẹ không thể giúp con cái nhìn nhận cuộc sống một cách đúng đắn, lành mạnh và phù hợp với lứa tuổi. Do vậy, hạn chế quyền cha mẹ trong trường hợp này là để bảo vệ sự phát triển lành mạnh của trẻ.

Hay việc cha mẹ có lối sống đồi trụy cũng vậy. Bình thường, cha mẹ là tấm gương cho con cái học tập và noi theo. Sự phát triển tâm lý của trẻ chịu ảnh hưởng rất lớn của môi trường mà người gần gũi với trẻ nhất lại là cha mẹ. Do vậy, lối sống đồi trụy của cha mẹ sẽ có tác động theo chiều hướng xấu đến suy nghĩ, tư tưởng của trẻ. Hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên trong giai đoạn này là hợp lý, đảm bảo cho đứa trẻ có tinh thần thoải mái, suy nghĩ,tư tưởng trong sáng, tránh ảnh hưởng lối sống không tốt của cha, mẹ chúng.

Tóm lại, việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên cũng là vì lợi ích hợp pháp của trẻ, đảm bảo cho trẻ được chăm sóc, nuôi dưỡng, được phát triển bình thường, bảo vệ tính mạng, thân thể, danh dự, nhân phẩm của trẻ em. Trẻ cần có được một môi trường thuận lợi nhất cho sự phát triển của chúng. Chúng cần được vui chơi, giải trí, học tập, tham gia những hoạt động phù hợp với lứa tuổi và giới tính của chúng để phát triển đầy đủ và toàn diện.

4.2. Đối với xã hội

Với từng vụ bạo hành, vi phạm quyền trẻ em, các cơ quan chức năng cần xử lý toàn diện, tận gốc. Việc xét xử lưu động các vụ án cha mẹ vi phạm nghĩa vụ của mình đối với con cái, đồng phạm (giúp sức...) với những người khác bạo hành con mình cần được thực hiện thường xuyên nhằm mục đích phòng ngừa chung đối với xã hội. Việc hạn chế quyền cha mẹ của người này sẽ làm những người làm cha, làm mẹ khác cần nhìn vào đó để có hành vi đúng mực đối với con cái, tránh gây bất bình đối với quần chúng xung quanh. Cũng cần để dư luận xã hội can thiệp vào việc này để trẻ em được bảo vệ quyền lợi, gia đình hạnh phúc, xã hôi ổn định.

Không chỉ có ý nghĩa đối với trẻ em mà việc hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên còn có ý nghĩa đối với xã hội, bởi vì trẻ em là nhân tố quan trọng góp phần vào sự phát triển của đất nước trong tương lai. Trẻ em có được phát triển đầy đủ,toàn diện thì tương lai của đât nước, của xã hội mới tươi sáng.

KẾT LUẬN

Qua việc tìm hiểu về cơ sở pháp lý cũng như ý nghĩa của qui định hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên, chúng em có thể rút ra kết luận như sau:

Qui định hạn chế quyền cha mẹ đối với con chưa thành niên là một qui định đúng đắn của pháp luật Việt Nam. Nó không chỉ là hành lang pháp lí để bảo vệ quyền lợi của trẻ em mà còn là công cụ răn đe, xử phạt đối với những bậc cha mẹ có hành vi xâm hại tới con cái ở mức độ nghiêm trọng về cả nhân thân và tài sản. Nó đảm bảo cho trẻ em được phát triển khỏe mạnh, đầy đủ cả về thể lực và trí tuệ để trở thành những công dân tương lai có ích cho xã hội, đúng như lời Chủ tịch Hồ Chí Minh đã dạy “Vì lợi ích mười năm trồng cây, vì lợi ích trăm năm trồng người”.

Quy định về hạn chế quyền cha mẹ cũng đảm bảo cho việc thực thi Công ước về quyền trẻ em mà Việt Nam đã kí kết, đảm bảo xây dựng một xã hội lành mạnh, an toàn cho trẻ em – Một xã hội không còn bạo lực gia đình, không còn tiếng khóc của con trẻ.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Trườg đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, Hà Nội, 2009
2.Khoa Luật Đại học Cần thơ, Giáo trình luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam tập 1 Giáo trình luật Dân sự, Trường đại học luật Hà Nội 2009
3.Nguyễn Văn Cừ và Ngô Thị Hường, Một số vấn đề lí luận và thực tiễn về Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, Nxb. Chính trị quốc gia Hà Nội, 2002.
4.Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000
5.Luật Dân sự Việt Nam năm 2005
6.Luật Hình sự Việt Nam năm 1999
7.Luật bảo vệ, chăm sóc giáo dục trẻ em năm 2004
8.Luật phòng chống bạo lực gia đình năm 2007
9.Nghị định 114/2006/NĐ-CP về xử phạt vi phạm hành chính về dân số và trẻ em.
10.Từ điển Tiếng Việt , Nxb. Chính trị quốc gia, 2000
11.“Tước quyền cha mẹ của những kẻ bạo hành: quá khó”, báo điện tử Dân trí
12.“Tòa án có quyền hạn chế quyền nuôi dưỡng của cha mẹ bé Nhân Ái”, báo điện tử Dân trí, Vũ Văn Tiến (thực hiện)
13.“Sự việc liên quan đến quyền lực cha mẹ và liên lạc, tiếp xúc với con cái”, familylaw.pl

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thùy Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment