16/06/2014
Vốn điều lệ của công ty cổ phần - Bài tập cá nhân Luật Thương mại 1
Đề bài : Nêu và nhận xét quy định về vốn điều lệ của công ty cổ phần trong Luật Doanh nghiệp (2005) và Nghị định 102/2010/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp (2005).

Bài làm

Luật Doanh nghiệp 2005 ra đời đã tạo ra một sự thay đổi lớn cho nền thương nghiệp nước ta. Sau ba năm thực hiện Nghị định 139/2007/NĐ-CP hướng dẫn thi hành một số điều của luật doanh nghiệp, ngày 01/10/2010 Chính phủ ban hành Nghị định 102/2010/NĐ-CP thay thế cho Nghị định 139. Được ban hành sau hơn bốn năm thực thi Luật Doanh nghiệp, Nghị định 102/2010/NĐ-CP mang đến niềm hi vọng sẽ có những hướng dẫn tích cực trong việc thi hành Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, trên thực tế, vấn đề tài chính của công ty, mà chủ yếu là vốn của công ty (trong đó có cả công ty cổ phần) được hướng dẫn bởi Nghị định vẫn cần phải được xem xét lại trên cả mặt lý luận và thực tiễn.

1. Vốn điều lệ của công ty cổ phần theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.

Vốn điều lệ của công ty cổ phần phải được xác định từ đầu và phải được ghi vào trong điều lệ của công ty. Cụ thể: Điều 84 Luật Doanh nghiệp quy định: “ Các cổ đông sáng lập phải cùng nhau đăng ký mua ít nhất 20% tổng số cổ phần phổ thông được quyền chào bán và phải thanh toán đủ số cổ phần đã đăng ký mua trong thời hạn chín mươi ngày, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh” 1 . Điều đó có nghĩa là, nếu như vốn điều lệ của công ty là mười tỷ đồng thì theo yêu cầu của Điều 84 Luật Doanh nghiệp, các cổ đông sáng lập chỉ cần góp hoặc cam kết góp 2 tỉ đồng mà không phải là toàn bộ số vốn điều lệ. Như vậy, sẽ có “khoảng trống” giữa số vốn điều lệ của công ty và phần vốn mà các cổ đông sáng lập đăng ký mua. Phần vốn còn thiếu trở thành một quyền đặc trưng của CTCP trong việc huy động vốn: quyền bán cổ phần có quyền chào bán. Có thể nói, các cổ đông sáng lập “kê khai” vốn của công ty là mười tỷ đồng và đã được cơ quan đăng ký kinh doanh ghi nhận điều này vào giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. 
Nếu các cổ đông không thực hiện hết thì phần vốn còn thiếu được nhìn nhận là một phần không tách rời của số vốn kê khai ở trên. Việc huy động phần vốn còn thiếu được quy định là ba năm kể từ ngày công ty được cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh. Sau ba năm mà công ty không huy động đủ số vốn đã đăng ký thì công ty phải giảm vốn điều lệ tương ứng với phần vốn mà công ty thực tế huy động được.

Điều đó tạo nên sự khác biệt về vốn điều lệ giữa CTCP và công ty TNHH. Xét về mặt lý thuyết, phải thừa nhận rằng CTCP là một công cụ huy động nguồn vốn nhàn rỗi trong xã hội. Điều đó được thể hiện ở chỗ mệnh giá cổ phần thường là rất thấp (đối với các công ty niêm yết là 10 ngàn đồng). Vì vậy, nhiều người có thể dễ dàng đầu tư vào CTCP thông qua việc mua một hoặc một số cổ phần tuỳ theo khả năng tài chính của họ. Đồng thời, nguyên tắc tách bạch giữa sở hữu và quản lý trong công ty tạo nên sự tính chuyên nghiệp cũng như hiệu quả kinh tế cao trong việc sử dụng vốn của công ty. Điều đó được thể hiện thông qua quá trình điều hành doanh nghiệp, cổ đông là người thành lập công ty nhưng việc quản lý thì được giao cho giám đốc và hội đồng quản trị, những người chuyên nghiệp trong quản trị hoặc có kiến thức sâu về lĩnh vực hoạt động của công ty. Trong quá trình hoạt động của công ty, hội đồng quản trị sẽ là người biết rõ về nhu cầu vốn của công ty cũng như khả năng thu hút vốn đầu tư của công ty sẽ quyết định việc phát hành cổ phần có quyền chào bán để đáp ứng cho nhu cầu về vốn đó.

Quy định “mở” như trên là phù hợp với bản chất của CTCP. Về nguyên tắc, cổ đông sáng lập có quyền quyết định số vốn điều lệ của công ty. Mặt khác, họ chỉ góp vốn vào công ty dựa trên khả năng tài chính của các cổ đông hiện hữu và nhu cầu về vốn của công ty. Do đó, việc thừa nhận cổ phần có quyền chào bán tạo nên sự thuận lợi cho CTCP khi thực hiện việc huy động vốn từ công chúng mà không cần phải thông qua các thủ tục hành chính với cơ quan đăng ký kinh doanh. Việc huy động vốn cổ phần từ công chúng của một công ty mới thành lập dường như là một yêu cầu không khả thi. Thời gian ba năm cho cổ phần có quyền chào bán cũng là khoảng thời gian cần cho công ty trong việc gây dựng niềm tin cho các nhà đầu tư để thu hút vốn đầu tư từ họ.

2. Vốn điều lệ của CTCP theo quy định của Nghị định 102/2010/NĐ-CP.

Như đã phân tích ở trên, Luật Doanh nghiệp 2005 thừa nhận tình trạng vốn “ảo” của CTCP trong thời hạn ba năm đầu kể từ ngày doanh nghiệp được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp. Nhưng đến hướng dẫn của Nghị định 102/2010/NĐ-CP, theo khoản 4 Điều 6, đã có sự khác biệt khá lớn với những gì mà chúng ta vừa đề cập ở trên: “Vốn điều lệ của CTCP là tổng giá trị mệnh giá số cổ phần đã phát hành. Số cổ phần đã phát hành là số cổ phần mà các cổ đông đã thanh toán đủ cho công ty. Tại thời điểm đăng ký kinh doanh thành lập doanh nghiệp, vốn điều lệ của CTCP là tổng giá trị mệnh giá các cổ phần do các cổ đông sáng lập và các cổ đông phổ thông khác đã đăng ký mua và được ghi trong Điều lệ công ty; số cổ phần này phải được thanh toán đủ trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp” 2 . Theo đó, sẽ không còn tình trạng nợ 80% vốn điều lệ theo quy định của Luật Doanh nghiệp. Hướng dẫn này tạo nên hai mâu thuẫn về mặt lý luận:

Thứ nhất: Hướng dẫn này trái với quy định của Điều 84 Luật Doanh nghiệp, thừa nhận tình trạng nợ 80% vốn điều lệ của loại hình CTCP.

Thứ hai: Với hướng dẫn này, Nghị định 102/2010/NĐ-CP xoá đi ranh giới phân định sự khác biệt đặc trưng giữa công ty TNHH và CTCP. Vì trong công ty TNHH, vốn điều lệ của công ty hình thành trên cơ sở số vốn thành viên công ty góp hoặc cam kết góp, chủ sở hữu phần vốn này đã được xác định ngay từ khi cam kết góp. Nhưng ở CTCP, vốn điều lệ do các cổ đông sáng lập tự thỏa thuận và ghi vào điều lệ của công ty. Các cổ đông sáng lập có thể mua hoặc không mua hết vốn điều lệ. Theo đó, vốn điều lệ của CTCP, trong trường hợp cổ đông sáng lập chỉ đăng ký con số tối thiểu là 20% cổ phần phổ thông theo quy định của Luật Doanh nghiệp, bao hàm cả phần sở hữu được xác định cụ thể cho từng cổ đông sáng lập và một phần (lớn) chưa được xác định hay còn gọi là cổ phần có quyền chào bán. Khi đó, bất cứ ai không rơi vào các trường hợp bị cấm góp vốn vào doanh nghiệp thì cũng có quyền được mua số cổ phần có quyền chào bán này một khi công ty quyết định bán cổ phần để huy động vốn. Đó cũng là đặc trưng của CTCP hay thường gọi là “công ty mở”.

Kết luận

Trong suốt một thời gian dài thực thi Luật Doanh nghiệp, sự ra đời của Nghị định 102/2010/NĐ-CP đã mang theo rất nhiều sự trông đợi. Bên cạnh những điểm tiến bộ, Nghị định 102/2010/NĐ-CP vẫn còn những tồn tại như trên. Nhìn từ Điều 84 của Luật Doanh nghiệp, cổ đông sáng lập CTCP không cần phải mua hoặc đăng ký mua hết 100% vốn điều lệ công ty. Chính điều này tạo nên sự khác biệt độc đáo so với loại hình công ty TNHH. Nếu như thừa nhận sự đa dạng trong quy chế pháp lý giữa các mô hình kinh doanh, thì không có lý gì lại xoá đi ranh giới giữa các mô hình kinh doanh được luật thiết lập, bởi một quy định của nghị định hướng dẫn. Theo đó, nên bỏ quy định tại khoản 4 Điều 6 Nghị định 102/2010/NĐ-CP mà nên thừa nhận việc nợ 80% vốn như quy định của Luật Doanh nghiệp.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật Doanh nghiệp 2005;
2. Nghị định 102/2010/NĐ-CP về hướng dẫn chi tiết thi hành Luật doanh nghiệp (2005) ;
3. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật thương mại (tập 1), Nxb. CAND, Hà Nội, 2006;
4. Nguyễn Thị Khế, Pháp luật về các hình thức tổ chức kinh doanh, Nxb. Tư pháp, 2007;
5. Chuyên đề "Pháp luật doanh nghiệp Việt Nam - Những vấn đề cần hoàn thiện", Tạp chí luật học, số 9/2010.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment