15/06/2014
Tội phạm xâm phạm quyền sở hữu và an toàn, trật tự công cộng - Bài tập học kỳ Luật Hình sự 2
Trong quá trình thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước và hội nhập kinh tế quốc tế, nước ta đã gặt hái được nhiều thành công. Bên cạnh sự phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục,… là sự gia tăng của các tội phạm. 

Qua các phương tiện thông tin đại chúng, có thể dễ dàng nhận thấy tình hình các loại tội phạm xâm phạm quyền sở hữu và an toàn, trật tự công cộng đang ngày một gia tăng nhanh chóng về số lượng, tinh vi và đa dạng dưới nhiều hình thức. Đây là loại tội phạm có mức độ nguy hiểm cao cho xã hội, gây mất trật tự trị an, ảnh hưởng đến cuộc sống gia đình, công tác của cá nhân và hoạt động bình thường của xã hội. 

Nhận thức được tầm quan trọng của loại tội phạm trên, với bài tập lớn học kỳ môn Luật Hình sự Việt Nam 2, em xin chọn đề bài số 6:

A, B, C bàn nhau kiếm tiền bằng cách tổ chức trò chơi đỏ đen trên xe khách liên tỉnh. Ngày 20 tháng 1 năm 2008 chúng giả làm hành khách đi xe tuyến Hà Nội – Vinh và dụ dỗ hành khách cùng chơi. Sau một vài ván biểu diễn thử trò chơi làm cho khách trên xe tò mò và thấy dễ thắng mà tham gia, chúng đã dụ dỗ được M và N tham gia chơi. Khi thấy M đặt cược 5 triệu đồng, chúng dùng thủ đoạn tráo bài để dành phần thắng. Để tìm cách gỡ số tiền bị mất, M tiếp tục đặt cược 3 triệu đồng và lại thua.

Hỏi:

1. A, B, C phạm tội gì? ( 4 điểm).

2. M, N có phạm tội không? Nếu phạm tội thì là tội gì? Tại sao? (3 điểm)


NỘI DUNG CHÍNH

1. A, B, C phạm tội gì?

Theo quan điểm của em A, B, C phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản  quy  định tại Điều 139 – BLHS năm 1999 sửa đổi, bổ sung năm 2009:

“ 1. Người nào bằng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng gây hậu quả nghiêm trọng hoặc đã bị xử phạt hành chính về hành vi chiếm đoạt hoặc đã bị kết án về tội chiếm đoạt tài sản, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt cải tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ sáu tháng đến ba năm.
1. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a. có tổ chức;
b. có tính chuyên nghiệp;
c. tái phạm nguy hiểm;
d. lợi dụng chức vụ, quyền hạn hoặc lợi dụng danh nghĩa cơ quan, tổ chức;
e. dung thủ đoạn xảo quyệt;
f. chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm mươi triệu đồng đến dưới hai trăm triệu đồng;
g. gây hậu quả nghiêm trọng;
2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ bảy năm đến mười lăm năm:
a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ hai trăm triệu đồng đến dưới năm trăm triệu đồng;
b. Gây hậu quả rất nghiêm trọng.
3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù hai mươi năm hoặc tù chung than:
a. Chiếm đoạt tài sản có giá trị từ năm trăm triệu đồng trở lên;
b. Gây hậu quả đặc biệt nghiêm trọng.
4. Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ mười triệu đồng đến một trăm triệu đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản, bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ một năm đến năm năm..”.

Khi xem xét để định tội danh chúng ta cần căn cứ vào các dấu hiệu cơ bản của cấu thành tội phạm như: Chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan của tội phạm. Xét hành vi phạm tội của A, B, C ta thấy:

Thứ nhất về mặt chủ thể: chủ thể của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là chủ thể thường, chỉ cần đủ độ tuổi theo quy định của pháp luật và không mắc các bệnh tâm thần hoặc là các bệnh khác làm mất khả năng nhận thức và điều khiển hành vi của mình đều trở thành chủ thể của tội phạm này. Trong tình huống này A, B, C đã đủ điều kiện trở thành chủ thể của tội phạm.

Thứ hai về khách thể: Cũng giống như khách thể của các tội có tính chiếm đoạt khác nhưng tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản không xâm phạm đến quan hệ nhân thân mà chỉ xâm phạm đến quan hệ sở hữu đây là một điểm khác biệt của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản so với các tội phạm khác ví dụ như tội cướp tài sản xâm phạm đến cả quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản bởi vì tội cướp tài sản có hai hành vi là dùng vũ lực hoặc đe dọa dùng vũ lực ngay tức khắc và chiếm đoạt tài sản,… Trong tình huống trên, hành vi phạm tội của A, B, C đã xâm phạm đến quan hệ sở hữu tài sản của M và N. Đối tượng tác động ở đây là khoản tiền trị giá 8 triệu đồng sau hai lần đặt cược.

Thứ ba về mặt khách quan của tội phạm: Theo quy định của điều luật thì hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản bao gồm hai hành vi là hành vi lừa dối và hành vi chiếm đoạt “ Người nào dùng thủ đoạn gian dối chiếm đoạt tài sản của người khác…”. Giữa hai hành vi này có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Hành vi lừa dối là điều kiện để hành vi chiếm đoạt có thể xẩy ra còn hành vi chiếm đoạt là kết quả và mục đích của hành vi lừa dối. Hành vi lừa dối là hành vi cố ý đưa ra những thông tin không đúng sự thật như dùng lời lẽ, dùng giấy tờ giả mạo,… nhằm để làm cho người khác tin đó là sự thật. Hành vi lừa dối trong tội chiếm đoạt tài sản được thực hiện là nhằm thực hiện việc chiếm đoạt tài sản. Những hành vi lừa dối nhằm mục đích khác dù có tình tư lợi cũng không phải là hành vi phạm tội của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Hành vi chiếm đoạt trong tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có hai hình thức thể hiện cụ thể:

Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang trong sự chiếm hữu của chủ tài sản thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi nhận tài sản từ người bị lừa dối.

Nếu tài sản bị chiếm đoạt đang nằm trong sự chiếm hữu của người phạm tội thì hình thức thể hiện cụ thể của hành vi chiếm đoạt là hành vi giữ lại tài sản đáng lẽ phải giao cho người bị lừa dối.

Hành vi lừa dối phải diễn ra trước hành vi chiếm đoạt mới được coi là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản, còn nếu hành vi chiếm đoạt có trước sau đó mới có hành vi lừa dối thì không phải là tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

Trong tình huống trên, A, B, C thực hiện hành vi gian dối đó là tổ chức trò chơi đỏ đen trên xe khách tuyến Hà nội – Vinh, lúc đầu thì cho hành khách thắng để cho họ tin rằng đây là trò chơi đánh bạc thật và nó chỉ phụ thuộc vào sự ngẫu nhiên, phụ thuộc vào sự đỏ đen của từng người chơi và dễ thắng nhưng sau đó thì A, B, C đã dung thủ đoạn tráo bài để dành phần thắng về mình để chiếm đoạt tài sản của M, N. A, B, C đã dùng hành vi lừa dối làm cho M và N tự nguyện giao tài sản của mình cho A, B, C.

Hậu quả của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản là thiệt hại về tài sản mà cụ thể ở đây là giá trị tài sản bị chiếm đoạt. Trong tình huống trên, hậu quả do hành vi của A, B, C gây ra là thiệt hại về tài sản cho M, N với tổng giắ trị là 8 triệu đồng qua hai lần đặt cược. Với những thủ đoạn gian dối của mình A, B, C đã chuyển quyền sở hữu tài sản từ M và N sang cho mình một cách bất hợp pháp.

Thứ tư về mặt chủ quan của tội phạm: Cũng giống như các tội có tính chất chiếm đoạt khác, tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước được hậu quả của hành vi đó và mong muốn hậu quả xẩy ra. Trong tình huống trên, A, B, C khi thực hiện hành vi lừa dối, chiếm đoạt tài sản của M, N đã nhận thức được hành vi của mình là nguy hiểm cho xã hội, khi thực hiện hành vi này sẽ gây thiệt hại về tài sản cho M và N nhưng vẫn mong muốn thực hiện đến cùng hành vi phạm tội đó.

Mục đích của người phạm tội là mong muốn chiếm đoạt đựợc tài sản. Mục đích chiếm đoạt tài sản của người phạm tội bao giờ cũng có trước khi thực hiện hành vi gian dối và hành vi chiếm đoạt tài sản của người khác. Nếu sau khi đã có tài sản một cách hợp pháp rồi mới có ý định chiếm đoạt thì không phải là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. Trong tình huống trên, A, B, C đã có mục đích chiếm đoạt tài sản của hành khách trước khi tổ chức trò chơi đỏ đen và thực hiện thủ đoạn đánh tráo bài trên xe khách. Qua đây có thể thấy mục đích chiếm đoạt tài sản là dấu hiệu bắt buộc của cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Có ý kiến cho rằng trong tình huống trên, A, B, C phạm tội Đánh bạc theo quy định tại Điều 248 – BLHS. Theo quan điểm của em thì ý kiến này không đúng bởi vì: Hành vi khách quan của tội Đánh bạc là hành vi đánh bạc trái phép. Trong đó, đánh bạc được hiểu là hành vi tham gia vào các trò chơi mà trong đó người thắng nhận được một khoản lợi ích vật chất từ người thua hoặc người tổ chức. Được coi là trò chơi khi việc thắng thua phụ thuộc vào khả năng của người chơi hoặc do ngẫu nhiên. Trong tình huống nêu trên việc thắng thua của M, N không phụ thuộc vào khả năng của M, N cũng như ngẫu nhiên mà là do có sự tác động của A, B, C. A, B, C đã dùng thủ đoạn tráo bài để dành phần thắng về mình. Cho nên không thể xem hành vi của A, B, C thực hiện là hành vi đánh bạc được mà đây là hành vi lừa đảo chiếm đoạt tài sản. 

Căn cứ vào những dấu hiệu cấu thành tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139 – BLHS và hành vi phạm tội của A, B, C có thể khẳng định rằng: A, B, C là đồng phạm cùng phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản.

2. M và N có phạm tội không? Nếu phạm tội thì là tội gì? Tại sao?

Trong tình huống trên M và N phạm tội Đánh bạc theo quy định tại Điều 248 – BLHS năm 1999 sửa đổi bổ sung năm 2009.

“ 1. Người nào đánh bạc trái phép dưới bất kỳ hình thức nào được thua bằng tiền hay hiện vật có giá trị từ hai triệu đồng đến dưới năm mươi triệu đồng hoặc dưới hai triệu đồng nhưng đã bị kết án về tội này hoặc tội quy định tại Điều 249 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà vẫn còn vi phạm, thì bị phạt tiền từ năm triệu đồng đến năm mươi triệu đồng, cãi tạo không giam giữ đến ba năm hoặc phạt tù từ ba tháng đến ba năm.
  2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ hai năm đến bảy năm:
a. Có tính chất chuyên nghiệp;
b. Tiền hoặc hiện vật dung đánh bạc có giá trị từ năm mươi triệu đồng trở lên;
c. Tái phạm nguy hiểm.
3. Người phạm tội có thể bị phạt tiền từ ba triệu đồng đến ba mươi triệu đồng”. 

Đánh bạc là việc tham gia trò chơi được thua bằng tiền hoặc hiện vật dưới bất kỳ một hình thức nào.

Xét hành vi của M và N chúng ta thấy:

Thứ nhất về mặt khách quan của tội phạm: Hành vi khách quan của tội đánh bạc là đánh bạc trái phép. Người phạm tội thực hiện hành vi đánh bạc bằng nhiều hình thức khác nhau như: tổ tôm, xóc đĩa, bài tây, chơi số đề, cá độ bóng đá, đua xe,… Trong đó đánh bạc được hiểu là hành vi tham gia vào các trò chơi mà trong đó, người thắng được nhận một khoản lợi ích vật chất từ người thua hoặc người tổ chức. Trong tình huống này, M và N đã tham gia trò chơi đỏ đen được thua bằng tiền do A, B, C tổ chức. M và N đã có hành vi tham gia trò chơi đỏ đen và đặc cược một khoản tiền trị giá 8 triệu đồng, 5 triệu đồng ở lần đặt thứ nhất và 3 triệu đồng ở lần đặt thứ hai.

Thứ hai về mặt chủ quan của tội phạm: Tội đánh bạc được thực hiện với lỗi cố ý. Người phạm tội nhận thức rõ hành vi mà mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội, thấy trước hậu quả của hành vi và mong muốn hậu quả đó xẩy ra. Ở đây, M và N thực hiện hành vi đánh bạc với lỗi cố ý, mong muốn thực hiện hành vi đánh bạc để nhằm thu lời bất chính. Mục đích của tội đánh bạc là nhằm thu lời bất chính.

Thứ ba về khách thể của tội phạm: Cũng giống như tội hành nghề mê tín, dị đoan, tội đánh bạc là tội phạm xâm phạm đến trật tự nếp sống văn minh của xã hội. Tội đánh bạc cũng là một tệ nạn xã hội phức tạp, gây mất trật tự trị an xã hội, ảnh hưởng đến cuộc sống của gia đình, công tác của cá nhân và hoạt động bình thường của xã hội.

Thứ tư về chủ thể của tội phạm: Chủ thể của tội này không phải là chủ thể đặc biệt, chỉ cần đến một độ tuổi nhất định và có năng lực trách nhiệm hình sự đều có thể là chủ thể của tội phạm này. Theo quy định tại Điều 12 Bộ luật hình sự thì người từ đủ 16 tuổi trở lên mới phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm này vì tội phạm này là tội phạm do cố ý và không có trường hợp nào là tội phạm rất nghiêm trọng hoặc đặc biệt nghiêm trọng. Nếu số tiền dung để đánh bạc có giá trị không lớn thì người có hành vi đánh bạc phải là người đã bị xử phạt hành chính về hành vi đánh bạc và hành vi tổ chức đánh bạc hoặc gá bạc hoặc đã bị kết án về một trong các tội phạm này, chưa được xóa án tích mà vẫn còn vi phạm thì mới là chủ thể của tội phạm này. Trong tình huống trên, M và N có đầy đủ điều kiện trở thành chủ thể của tội phạm này.

Đối với hành vi của M và N cũng có nhiều ý kiến cho rằng M và N không phạm tội, M và N chỉ là nạn nhân của tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản do A, B, C thực hiện. Tuy nhiên, chúng ta thấy rằng trong trường hợp này mặc dù hành vi tổ chức trò chơi đỏ đen trên xe khách của A, B, C là lừa đảo để nhằm chiếm đoạt tài sản của khách đi trên xe mà cụ thể ở đây là của M và N, trong trò chơi đó đã có sự tác động của A, B, C vào làm cho nó mất đi tính ngẫu nhiên của các trò chơi trong tội đánh bạc để chiếm đoạt tài sản của M và N. Nhưng trong ý thức, trong suy nghĩ của mình M và N vẫn nghĩ rằng đây là trò chơi đỏ đen. M và N tham gia trò chơi này với mục đích giành phần thắng về cho mình. Tội đánh bạc có hình thức lỗi là lỗi cố ý, người phạm tội nhận thức được hành vi của mình thực hiện là nguy hiểm cho xã hội thấy trước được hậu quả và mong muốn hậu quả đó xẩy ra. Trong tình huống này, M và N nhận thức được rõ hành vi mà mình thực hiện là hành vi đánh bạc, một hành vi trái pháp luật nhưng vẫn mong muốn thực hiện dù biết trước được hậu quả pháp lý mà mình phải gánh chịu khi thực hiện hành vi này. M và N đã thực hiện hành vi khách quan của tội đánh bạc đó là đánh bạc trái phép và có lỗi cố ý trong việc thực hiện hành vi đó. 

Như vậy, căn cứ vào những dấu hiệu chủ thể, khách thể, mặt khách quan, mặt chủ quan của tội đánh bạc được quy định tại Điều 248-BLHS và căn cứ vào hành vi mà M và N đã thực hiện có thể khẳng định rằng M và N phạm tội đánh bạc theo quy định tại Điều 248-BLHS

KẾT LUẬN

Trong thực tế tội đánh bạc và tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản có những dấu hiệu giống nhau và giống  với các tội phạm khác, rất dễ nhầm lẫn với nhau và khó phân biệt. Qua việc tìm hiểu tình huống trên, chúng ta hiểu sâu hơn những quy định của Bộ luật hình sự về tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản theo quy định tại Điều 139-BLHS và tội Đánh bạc theo quy định tại Điều 248-BLHS. Những dấu hiệu đặc trưng của hai tội để phân biệt hai tội với nhau và để phân biệt hai tội phạm này với nhau và phân biệt hai tội này với các tội phạm khác của Bộ luật hình sự.

Việc phát hiện, xử lý cũng như đấu tranh với các tội phạm này ra khỏi đời sống xã hội là việc làm hết sức khó khăn và phức tạp, đòi hỏi sự nghiêm minh hơn nữa của pháp luật và sự phối hợp chặt chẽ của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền liên quan.

Trên đây là toàn bộ bài tập học kỳ của em. Vì khuôn khổ bài tập học kỳ có hạn nên có thể bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm của em được hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hình sự Việt Nam tập 2, NXB CAND, Hà Nội 2010
2. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Tội phạm và Cấu thành tội phạm, NXB CAND, Hà Nội 2010
3. GS.TS.Nguyễn Ngọc Hòa, Mô hình Luật hình sự Việt Nam, NXB CAND, Hà Nội 2010
4. Đinh Văn Quế, Bình luận khoa học bộ luật hình sự phần các tội phạm tập II, IX Nhà xuất bản thành phố Hồ Chí Minh. 
5. Bộ luật Hình sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam năm 1999 (Đã được sửa đổi bổ sung ngày 19 tháng 6 năm 2009)
6. Các website:
http://diendanphapluat.vn
http://sinhvienluat.vn
http://luatvietnam.vn

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment