28/06/2014
Mối quan hệ giữa thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất với việc duy trì ổn định chính trị - xã hội - Bài tập học kỳ Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng
Bài tập Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng có đáp án.


Trong những năm gần đây, vấn đề thu hồi đất, bồi thường, giải phóng mặt bằng gặp rất nhiều vấn đề khó khăn, phức tạp. Trong nhiều trường hợp, người dân do không đồng tình với phương án bồi thường của Nhà nước đã không chịu bàn giao đất. Thậm chí do không đồng thuận với phương án bồi thường, người bị thu hồi đất tiến hành khiếu kiện kéo dài, tụ tập đông người gây mật trật tự an ninh xã hội và khiếu kiện vượt cấp gây mất ổn định về chính trị, trật tự an toàn xã hội. Vấn đề này xuất phát một phần từ vấn đề áp dụng pháp luật giải phóng mặt bằng trong thực tiến. Vì vậy giữa thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất với việc duy trì ổn định chính trị - xã hội có một mối quan hệ sâu sắc, từ đó cần có những nhận thức rõ ràng hơn về điều này. Sau đây em xin trình bày vài nét về vấn đề “Phân tích mối quan hệ giữa thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất với việc duy trì ổn định chính trị - xã hội?”


B.NỘI DUNG

I. Khái quát chung về bồi thường, giải phóng mặt bằng

1. Khái niệm bồi thường, giải phóng mặt bằng

Theo Khoản 5 Điều 4 Luật đất đai năm 2003 quy định: “Bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là việc nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi”. Như vậy người bị thu hồi đất nếu đáp ứng được một số điều kiện sẽ được nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng với diện tích đất bị thu hồi.

Còn giải phóng mặt bằng tuy pháp luật không đưa ra khái niệm cụ thể nhưng có thể hiểu đây là hoạt động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thực hiện sự di chuyển người dân đang sinh sống, di chuyển nhà ở, các công trình xây dựng và các tài sản khác gắn liền với đất…tại những nơi mà đất đai thuộc diện tích thu hồi để phục vụ mục đích quốc phòng an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng, phát triển kinh tế. Trong đó, Vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng chủ yếu bao gồm các vấn đề: Thu hồi đất và vấn đề bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

2. Thu hồi đất và hậu quả pháp lí của việc thu hồi đất

Về khái niệm: Thu hồi đất là văn bản hành chính của cơ quan nhà nước có thẩm quyền nhằm chấm dứt một quan hệ pháp luật đất đai để phục vụ lợi ích của Nhà nước, của xã hội hoặc xử lý hành chính hành vi vi phạm pháp luật đất đai của người sử dụng đất. 

Về các trường hợp thu hồi đất, Luật đất đai 2003 đã xác định rõ những trường hợp bị thu hồi đất, theo đó thu hồi đất được chia làm ba trường hợp cụ thể: Một là thu hồi đất do nhu cầu nhà nước , Hai là thu hồi đất do người sử dụng vi phạm pháp luật đất đai, Ba là nhà nước thu hồi đất vì lí do đương nhiên.

Về thẩm quyền thu hồi đất bao gồm: Một là UBND tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương thu hồi đất của tổ chức, cơ sở tôn giáo, người Việt Nam định cư ở nước ngoài, tổ chức cá nhân nước ngoài sử dụng đất tại Việt Nam; Hai alf UBND cấp quận, huyện thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân, cộng đồng dân cư sử dụng đất…

Hậu quả của việc thu hồi đất gồm: Đối với nhà nước, đáp ứng nhu cầu sử dụng đất và tạo quỹ đất cần thiết để sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Còn đối vơi người bị thu hồi sẽ bị thiệt hại về vật chất và tinh thần. Tuy họ sẽ nhận được sự bồi thường, hỗ trợ, tái định cư nhưng phải có những điều kiện nhất định, điều này không thể bù đắp được những thiệt hại về vật chất và tinh thần của họ.

3. Bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất

Cơ sở của chế định bồi thường,hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là dựa trên cở sở quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo hộ, đồng thời thể hiện sự tôn trọng, bảo hộ của nhà nước với lợi ích chính đáng của nhân dân; mặt khác xuất phát từ bản chất nước ta là Nhà nước của dân, vì dân nên luôn đặt lợi ích hợp pháp của nhân dân lên hàng đầu.

Về khái niệm như đã trình bày bên trên thì Bồi thường khi nhà nước thu hồi đất là việc nhà nước trả lại giá trị quyền sử dụng đất đối với diện tích đất bị thu hồi cho người bị thu hồi. Còn hỗ trợkhi nhà nước thu hồi đất là việc nhà nước giúp đỡ người bị thu hồi đất thông qua đào tạo nghề mới, bố trí việc làm mới, cấp knih phí để di dời đến địa điểm mới. Còn Tái định cư có thể hiểu là việc nhà nước bố trí, sắp xếp chỗ ở mới một cách tập trung cho những người có đất bị nhà nước thu hồi mà phải di chuyển chỗ ở và người bị thu hồi đất không có khả năng tự lo được chỗ ở.

Về ý nghĩa, việc bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thi hồi đất thể hiện vai trò và trách nhiệm của nhà nước với tư cách là đại diện chủ sở hữu toàn dân; Đảm bảo quyền về tài sản hợp pháp  của công dân mà Hiến pháp và Bộ luật dân sự đã ghi nhận; Đồng thời đảm bảo chia sẻ lợi ích và bù đắp thiệt hại cho các chủ thể sử dụng đất, đồng thời nhanh chóng ổn định đời sống, sản xuất tạo việc làm ổn định cho người bị thu hồi đất.

II. Mối quan hệ giữa thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất với việc duy trì ổn định chính trị-xã hội.

Qua thực tiễn những năm gần đây cho thấy vấn đề áp dụng pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất và vấn đề duy trì ổn định chính trị-xã hội là hai vấn đề có mối quan hệ mật thiết,qua lại, tác động lẫn nhau. Đặc biệt là trong bối cảnh, nước ta trong giai đoạn thực hiện chính sách kinh tế thị trường-định hướng xã hội chủ nghĩa, thì vấn đề đất đai là vấn đề có ý nghĩa rất quan trọng và nhạy cảm đối với quyền lợi và đời sống người dân, vì vậy muốn đảm bảo cho chính trị-xã hội được ổn định cần đảm bảo tốt cho quyền lợi và đời sống của nhân dân. Có thể nói vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất trong thực tiễn ảnh hưởng, tác động rất lớn tới tình hình chính trị- xã hội theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực và ngược lại ở một mức độ nào đó tình hình chính trị xã hội cũng tác động ngược trở lại việc áp dụng pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực tiễn. 

Nếu quy định pháp luật phù hợp với thực tiễn và áp dụng đúng đắn, tuân thủ triệt để pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất sẽ góp phần đảm bảo duy trì ổn định chính trị-xã hội. 

Có thể thấy hiện nay bên cạnh những hạn chế thì chính sách pháp luật về bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất đã dần hoàn thiện, đáp ứng, quan tâm đến lợi ích của người bi thu hồi , Đối tượng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư ngày càng được xác định đầy đủ, phù hợp với tình hình thực tiễn của địa phương từng dự án, công trình và của đất nước; giúp cho công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng, hỗ trợ tái định cư được nâng cao và ngày càng hoàn thiện; Mức bồi thường, hỗ trợ tái định cư ngày càng cao, tạo điều kiện cho người dân bị thu hồi đất có thể khôi phục lại chỗ ở ổn định đẻ tiếp tục sinh sống, lao động, học tập...Với chính sách pháp luật phù hợp với thực tiễn và lợi ích của người dân như vậy nếu được áp dụng nghiêm túc, triệt để sẽ đảm bảo quyền lợi cho ngươi dân và đảm bảo ổn định chính trị-xã hội.

Tuy chính sách pháp luật phù hợp nhưng sẽ không phát huy được hiệu quả nếu không được áp dụng trong thực tiễn. Vì vậy vấn đề thực tiễn áp dụng đúng đắn, tuân thủ triệt để pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất trở nên hết sức quan trọng và đóng vai trò chính tác động tích cực đến việc giữ gìn ổn định chính trị xã hội. Vì có như vậy lợi ích của Nhà nước, Chủ doanh nghiệp và lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất mới được bảo đảm tuyệt đối. Khi mà lợi ích các bên được dung hòa và đảm bảo sẽ không thể phát sinh mâu thuẫn từ đó giảm thiểu mâu thuẫn về đất đai trong xã hội, đồng thời tạo quỹ đất để xây dựng cơ sở hạ tầng, phục vụ mục đích kinh tế, cũng như góp phần chuyển đổi cơ cấu nền kinh tế, ổn định đời sống sản xuất cho người có đất bị thu hồi…những điều này đều sẽ góp phần làm tình hình chính trị-xã hội trong nước ổn định. 

Tuy nhiên, việc áp dụng đúng đắn pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt trong thực tiễn là chưa đủ để đảm bảo hết quyền lợi cho người dân và dung hòa quyền lợi của các bên.Vì công tác giải tỏa đền bù giải phóng mặt bằng là một nhiệm vụ quan trọng, phức tạp, khó khăn và cũng rất nhạy cảm. Nếu chỉ dùng biện pháp hành chính không thôi thì không được, thậm chí là không thành công. Vì vậy bên cạnh việc tuân thủ triệt để quy định của pháp luật cần phải biết vận dụng linh hoạt , mềm dẻo quy định của pháp luật để đảm bảo lợi ích cho người dân, đặc biệt là cần phải biết lắng nghe và tạo được sự đồng thuận giữa chính quyền, chủ đầu tư và người dân bị thu hồi.

Ví dụ: Tại Đà Nẵng ngoài việc thành lập các Hội đồng giải phóng mặt bằng, thành phố đã thành lập 03 đơn vị chuyên trách đền bù, giải toả và 13 đơn vị chủ đầu tư là các ban quản lý dự án và công ty quản lý đầu tư cơ sở hạ tầng thực hiện bồi thường, hỗ trợ và bố trí tái định cư theo quy định. Nhờ vậy, công tác giải phóng mặt bằng của thành phố được thực hiện thuận lợi, tình trạng khiếu kiện giảm đáng kể, tạo tâm lý an tâm cho các doanh nghiệp trong và ngoài nước đến đầu tư, đồng thời quyền lợi của nhân dân được đáp ứng thỏa đáng. Công tác đền bù giải toả đã tác động đến cuộc sống của hơn 100.000 hộ dân, nhưng thành phố đã không để xảy ra điểm nóng, không có khiếu kiện đông người, đây là một thành công lớn của công tác vận động quần chúng. Quan tâm đến đời sống người dân hậu giải tỏa, thành phố ban hành và tích cực triển khai Đề án về hỗ trợ chuyển đổi ngành nghề, giải quyết việc làm, ổn định đời sống đối với đối tượng trong diện thu hồi đất sản xuất, di dời, giải toả trên địa bàn thành phố. Triển khai từ năm 2006 đến nay, thành phố đã hỗ trợ đào tạo nghề cho hơn 6.525 lao động với tổng kinh phí trên 5,5 tỷ đồng; trên 90% lao động qua đào tạo có việc làm ổn định  … Như vậy có thể thấy công tác đền bù, giải phóng mặt bằng tại thành phố Đà Nẵng có những thành tưu đáng kể nhờ việc áp dụng triệt để, đúng đắn quy định của pháp luật nhưng cũng đồng thời biết vận dụng linh hoạt, biết lắng nghe ý kiến của người dân và biết dung hòa lợi ích của các bên. Chính sự áp dụng thực tiễn đúng đắn đó mà ở Đà Nẵng tình trạng khiếu kiện giảm đáng kể, không để xảy ra điểm nóng, không có khiếu kiện đông người, không có tình trạng tụ tập đông người gây rối trật tự xã hội như ở các địa phương khác. Điều này cho thấy đã có tác động tích cực, đảm bảo ổn định chính trị-xã hội tại Đà Nẵng.

Nếu quy định pháp luật không phù hợp và thực tiễn áp dụng pháp luật về bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất bộc lộ hạn chế bất cập sẽ gây mất  ổn định chính trị-xã hội. 

Trong thực tiễn hiện nay, ở một số địa phương mà chủ yếu ở khu vực phía bắc vấn đề này đang trở nên gay gắt. Bên cạnh những ưu điểm trong quy định của pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng thì còn nhiều bộc lộ nhiều hạn chế, bất cập gây ảnh hưởng đến quyền lợi của người dân như: Một là giá đất để tính bồi thường cho người bị thu hồi chưa hợp lí, hai là cơ chế bồi thường chưa thỏa đáng, ba là trình tự thủ tục và giải quyết khiếu nại về bồi thường, tái định cư chưa phù hợp…Chính những hạn chế này đã ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của người bị thu hồi đất, khiến họ phải chịu nhiều thiệt thòi nên gây bức xúc đối với người bị thu hồi đất.

Đồng thời trong thực tiễn, việc áp dụng pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất tại nhiều nơi có sự vi phạm nghiêm trọng về trình tự thủ tục cũng như các quy định khác của pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng gây ảnh hưởng lớn đến lợi ích chính đáng của người bị thu hồi đất, không điều hòa được lợi ích của nhàn ước, chủ đầu tư và người bị thu hồi, từ đó gây nhiều bức xúc, phản ứng mạnh từ phía người dân. Vì họ không chỉ bị mất quyền sử dụng đất hiện đang có, đổi lại một mức đền bù chưa thỏa đáng mà c̣òn buộc phải di chuyển chỗ ở, việc làm, cuộc sống bị đảo lộn rất nhiều. 

Chính những lí do trên đã làm người bị thu hồi đất thường có phản ứng gay gắt, quyết liệt thông qua việc biểu tình trái phép, tụ tập đông người, khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài gây mất trật tự an ninh, thậm chí ở một vài nơi còn xảy ra xô sát giữa người dân và các lực lượng chức năng... Chính những điều này đã, đang là nguyên nhân gây bất ổn về xã hội, nếu không sớm được giải quyết ngay thì đây sẽ là nguy cơ tiềm tàng gây bất ổn cả về chính trị. Từ đó đặt ra yêu cầu cấp bách cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật và chỉnh đốn, kiểm soát chặt chẽ thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất.


Ví dụ: Sai phạm nghiêm trọng trong việc thu hồi đất ở Xã Tiên Hiệp, huyện Duy Tiên, Tỉnh Hà Nam. Ngày 11-5-2010, ông Trần Xuân Lộc khi đó là Chủ tịch UBND tỉnh Hà Nam kí Công văn số 555/UBND-GTXD: “Đồng ý về chủ trương cho Cty TNHH Nam Sơn được nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/2000 và lập quy hoạch chi tiết xây dựng tỉ lệ 1/500 khu đất phía Nam Quốc lộ 38 thuộc xã Duy Minh và xã Duy Hải, huyện Duy Tiên...”. Ngày 10-9-2010, ông Trần Xuân Lộc kí liền hai quyết định số 960/QĐ-UBND phê duyệt nhiệm vụ thiết kế điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 và số 961 phê duyệt điều chỉnh quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 (cùng Khu đô thị Đồng Văn Xanh). Ngày 23-9-2010, ông Vũ Hữu Song, Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường tỉnh Hà Nam kí Công văn số 637/STN&MT-GĐ-ĐGĐ, gửi UBND tỉnh Hà Nam đề nghị cho thu hồi toàn bộ diện tích đất theo quy hoạch phân khu tỉ lệ 1/2000 Khu đô thị Đồng Văn Xanh... giao UBND huyện Duy Tiên ra thông báo thu hồi đất...Chỉ sau bốn ngày, ngày 27-9-2010 UBND tỉnh Hà Nam có ngay Văn bản số 99/TB-UBND, do Phó Chủ tịch Nguyễn Xuân Đông kí, đồng ý chủ trương thu hồi đất, giao UBND huyện Duy Tiên ra thông báo thu hồi đất và quyết định thu hồi đất  . Có thể thấy vụ việc này đã có sự sai phạm nghiêm về trình tự thủ tục thu hồi đất như: dự án chưa được phê duyệt và chưa có quyết định thu hồi tổng thế và chưa có quyết định giao đất của UBND tỉnh, huyện Duy Tiên và các xã Duy Minh, Duy Hải đã tiến hành thu hồi đất nông nghiệp của các hộ dân, lại áp giá đền bù theo quyết định phê duyệt giá đất hằng năm của UBND tỉnh, đã gây thiệt hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của ngừoi bị thu hồi đất. Sự sai phạm này đã dẫn đến tình trạng người dân bị thu hồi đất đã tụ tập đông người, khiếu kiện đông người, khiếu kiện vượt cấp, kéo dài gây mất trật tự an ninh…

Như vậy, ở nhiều địa phương việc giải quyết không thoả đáng quyền, lợi ích hợp pháp của người có đất bị thu hồi sẽ dễ dàng dẫn đến những vụ khiếu kiện, đặc biệt là những khiếu kiện tập thể, làm cho tình hình chính trị - xã hội ở địa phương mất ổn định, điều này là rất đáng lo ngại vì khi lòng tin của người dân và chính quyền địa phương, ảnh hưởng tiêu cực đến đời sống chính trị - xã hội của địa phương. Từ đó đặt ra vấn đề cần sớm hoàn thiện quy định pháp luật và chỉnh đốn, kiểm soát chặt chẽ thực tiễn áp dụng pháp luật về vấn đề bồi thường, giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất.

Mặt khác, việc duy trì chính trị-xã hội ổn cũng tác động tới việc áp dụng quy định pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thực tiến. Vì việc áp dụng quy định của pháp luật cũng cần phải dựa trên một số điều kiện nhất định. Trong đó tình hình chính trị- xã hội ổn định cũng là một yếu tố tác động đến việc áp dụng quy định của pháp luật trong thực tiễn. Nếu quy định pháp luật phù hợp và áp dụng đúng đắn nhưng cũng không thể áp dụng trên thực tiễn một cách hiệu quả nếu tình hình chính trị-xã hội bất ôn định.

III. Giải pháp nâng cao hiệu quả thực tiễn áp dụng pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Một là sử đổi các quy định chưa hợp lí của pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng. Đồng thời ban hành thêm các văn bản quy phạm pháp luật nhằm hướng dẫn cụ thể chi tiết các quy định của pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng hiện hành nhằm tạo thuận lợi trong việc áp dụng quy phạm pháp luật trong thực tiễn, tránh gấy vướng mắc cho người áp dụng.

Hai là nâng cao số lượng và năng lực trình độ chuyên môn, nghiệp vụ của các cán bộ,ban, ngành ở địa phương và các đơn vị tư vấn, cũng như tinh thần trách nhiệm, sự tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, của cán bộ thực thi việc kiểm kê, kiểm đếm, lập phương án bồi thường. Từ đó xây dựng được một đội ngũ cán bộ “dày về lượng, mạnh về chất” trong hoạt động giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất nói chung.

Ba là giải pháp về kinh tế xã hội : Về mặt kinh tế cần tăng cường đầu tư kinh phí cũng như cơ sở vật chất, phương tiện kỹ thuật phục vụ hoạt động áp dụng pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng; đồng thời cần cải thiện thu nhập cho cán bộ tham gia vào công tác để họ tiến hành nhiệm vụ của mình một cách khách quan , tập trung và hiệu quả. Đồng thời cần đẩy manh công tác tuyên truyển, phổ biến đường lối, chủ chướng, chính sách pháp luật tái định cư của Đảng và nhà nước cho người dân. Từ đó nâng cao trình độ hiểu biết,ý thức chấp hành pháp luật của người dân.

Bốn là công khai hóa, minh bạch hóa quá trình thực thi pháp luật về hỗ trợ, tái định cư đồng thời với việc xác lập cơ chế đảm bảo tuân thủ đúng trật tự, thủ tục hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

Năm là cần đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra trong thực tiễn thi hành pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng. Công tác thanh tra, kiểm tra về đất đai cần được tiến hành thường xuyên, đặc biệt là ở các địa phương có những điểm nóng về khiếu nại đất đai. Đồng thời cần kịp thời phát hiện, ngăn chặn các hành vi vi phạm pháp luật và cần xử lí nghiêm khắc những hành vi vi phạm đó.

C.KẾT LUẬN

Tóm lại, vấn đề áp dụng pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất và vấn đề duy trì ổn định chính trị-xã hội là hai vấn đề có mối quan hệ qua lại, tác động, mật thiết với nhau. Vấn đề bồi thường giải phóng mặt bằng khi nhà nước thu hồi đất trong thực tiễn ảnh hưởng, tác động rất lớn tới tình hình chính trị- xã hội theo cả hai chiều tích cực và tiêu cực và ngược lại ở một mức độ nào đó tình hình chính trị xã hội cũng tác động ngược trở lại việc áp dụng pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực tiễn. Qua đó, cần trú trọng công tác áp dụng pháp luật bồi thường, giải phóng mặt bằng trong thực tiễn nhằm bảo đảm lợi ích hợp pháp của người dân bị thu hồi đất và điều hòa lợi ích giữa nhà nước, chủ đầu tư và của người dân bị thu hồi. Qua đó giảm thiểu các mâu thuẫn trong xã hội, góp phần duy trì ổn định chính trị-xã hội.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo tŕnh Luật Đất đai, NXB.CAND, Hà Nội, 2008.
2. Luật Đất đai năm 2003, sửa đổi, bổ sung năm 2009.
3. Thực trạng và giải pháp hoàn thiện pháp luật về bồi thường, hỗ trợ khi nhà nước thu hồi đất : Khoá luận tốt nghiệp / Trần Cao Hải Yến ; Người hướng dẫn: ThS. Phạm Thu Thuỷ , Hà Nội, 2012
4. website :
http://canbotre.danang.vn/home/view.php?t=2932
http://cadn.com.vn/News/Chinh-Tri-Xa-Hoi/TP-Da Nang/2013/3/13/93694.ca
http://tailieu.vn

http://www.baomoi.com/Huyen-Duy-Tien-tinh-Ha-Nam-Thu-hoi-dat-trai-luat-dan-keu-chua-thau-den-Troi/148/9568466.epi

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lý Tầm Hoan - K35 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment