14/06/2014
Phí và chi phí thi hành án dân sự - Bài tập học kỳ Luật thi hành án dân sự
Hoạt động thi hành án dân sự đều cần một nguồn kinh phí nhất định. Sự chi trả cho số kinh phí này được trích từ nhiều nguồn như ngân sách nhà nước, phí của các đối tượng thi hành án phải nộp... Quy định về phí và chi phí thi hành án được quy định trong Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 đến Luật thi hành án dân sự 2008, trong các nghị định và thông tư hướng dẫn.

Để tìm hiều khái quát hơn về phí và chi phí thi hành án, bài viết dưới đây trình bày đề tài: “Phí và chi phí thi hành án dân sự”.

Nội dung

1. Phí thi hành án dân sự

1.1. Khái niệm phí thi hành án dân sự

Khoản 7 Điều 3 Luật thi hành án dân sự (LTHADS) 2008 quy định về cách hiểu phí thi hành án như sau: “Phí thi hành án là khoản tiền mà người được thi hành án phải nộp khi nhận được tiền, tài sản theo bản án quyết định.”


Phí thi hành án dân sự cũng là một loại phí trong lĩnh vực Tư pháp được ban hành kèm theo Pháp lệnh về phí và lệ phí 2001. Do đó, về bản chất, phí thi hành án cũng là khoản tiền để bù đắp một phần chi phí đầu tư, quản lý của tổ chức, cá nhân đã cung cấp cho người thụ hưởng, tức là phí thi hành án là khoản tiền mà người thi hành án phải nộp khi được nhận các lợi ích vật chất từ hoạt động của cơ quan thi hành án dân sự. Việc thu phí mang tính hoàn trả trực tiếp và ngang giá nên cần lưu ý rằng, chỉ khi nào người được thi hành án nhận được các lợi ích vật chất, lợi ích này phải định lượng được bằng tiền mới phải nộp phí.


Việc thu phí thi hành án có ý nghĩa quan trọng cả về phương diện pháp lí và tài chính. Khoản phí này vừa làm cho các đương sự có ý thức trách nhiệm cao hơn trong việc thi hành án, vừa buộc họ phải cân nhắc kĩ lưỡng trước khi quyết định yêu cầu thi hành án. Từ đó, dẫn đến thực tế có thể làm giảm một lượng công việc có thể phải làm nếu không thu phí thi hành án cho cơ quan thi hành án. Đồng thời, khoản phí này góp phần tăng ngân sách nhà nước, kinh phí chi cho cơ quan thi hành án dân sự cũng tăng.

1.2. Đối tượng nộp phí thi hành án dân sự

Căn cứ Điều 60 và khoản 7 Điều 3 LTHADS 2008 thì người được thi hành án phải nộp phí thi hành án dân sự. Người được thi hành án là cá nhân, cơ quan, tổ chức được hưởng quyền, lợi ích trong bản án, quyết định được thi hành.

Trước đây, đối tượng phải nộp phí thi hành án quy định tại Điều 20 Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004: “Người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án phải nộp phí thi hành án đối với khoản thi hành án có giá ngạch trên giá trị tài sản mà người đó thực nhận”. Như vậy, theo quy định này thì chỉ có người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án mới là đối tượng phải nộp phí. Tuy nhiên, tại điểm c khoản 2 Mục II Thông tư liên tịch 68/2008/TTLT-BTC-BTP quy định chi tiết chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án có quy định: “Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế; chia tài sản trong li hôn; vụ việc mà các bên vừa có quyền, vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thì hành (chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án), người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên”. Theo quy định trên thì sẽ có trường hợp người được thi hành án chưa làm đơn hoặc không làm đơn yêu cầu thi hành án những vẫn phải nộp phí thi hành án. Như vậy có thể thấy hai quy định được trích dẫn này đã trái ngược nhau. Đây là một vướng mắc của Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004 đã đc LTHADS giải quyết.

Về nguyên tắc, người được thi hành án và người phải thi hành án đều có quyền làm đơn yêu cầu thi hành án; nhưng dù là chủ thể nào thì cơ quan thi hành án tổ chức thi hành án vẫn vì quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án. Do vậy, việc thu phí thi hành án trước hết được xác định theo nguyên tắc người được thi hành án có đơn yêu cầu thì họ phải nộp phí thi hành án đối với các khoản thi hành án có giá ngạch tính trên giá trị tài sản hoặc số tiền mà người đó thực nhận.

1.3. Mức phí thi hành án dân sự

Xuất phát từ mục đích nhằm bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người được thi hành án, việc tổ chức thi hành án dân sự sẽ khôi phục được quyền và lợi ích hợp pháp mà người được thi hành án bị xâm phạm. Do đó, về nguyên tắc, cơ sở đề tính số phí thi hành án sẽ được thu dựa trên giá trị tài sản hoặc số tiền mà người được thi hành án thực nhận.

Theo quy định tại Điều 33 Nghị định 58/2009/NĐ-CP và Điều 2 Thông tư liên tịch số 144/TTLT-BTC-BTP, mức thu phí thi hành án được tính bằng 3% trên số tiền hoặc giá trị tài sản thực nhận nhưng tối đa không được vượt quá 200 triệu đồng/01 đơn yêu cầu thi hành án. Trường hợp người được thi hành án không có đơn yêu cầu thi hành án nhưng được nhận tiền, tài sản thì vẫn phải chịu phí theo mức quy định nhưng tối đa không quá 200 triệu/01 vụ việc.

Đối với các vụ việc chia tài sản chung, chia thừa kế, tài sản trong li hôn, vụ việc mà các bên vừa có quyền vừa có nghĩa vụ đối với tài sản được thi hành án, chỉ cần một trong các bên có đơn yêu cầu thi hành án, người nhận tài sản phải nộp phí thi hành án tương ứng giá trị tài sản thực nhận tính trên tổng số tiền phí thi hành án phải nộp của các bên. Thí dụ, tòa án xử li hôn giữa A và B, trong phần chia tài sản li hôn, B nhận được nhà trị giá 500 triệu và phải thanh toán cho ông A 200 triệu. Trong trường hợp này, số phí thi hành án của A phải nộp là: 3% x 200 triệu = 6 triệu; số phí thi hành án của B phải nộp là: 3% x 300 triệu = 9 triệu.

Đối với những vụ việc người được thi hành án có đơn yêu cầu thi hành án nhưng sau đó các đương sự lại tự nguyện thi hành án thì không thu phí nếu người được thi hành án không đơn rút đơn để hai bên tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án chưa có quyết định cưỡng chế thi hành án và cũng chưa thu được tiền, tài sản để chi trả cho đương sự. Nếu người được thi hành án không có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án để hai bên tự nguyện thi hành án, cơ quan thi hành án đã có quyết định cưỡng chế thi hành án thì vẫn thu phí theo quy định tại Thông tư liên tịch số 144/TTLT-BTC-BTP.

Đối với vụ việc người được thi hành án có đơn rút đơn yêu cầu thi hành án thì tùy theo từng trường hợp đương sự có hay không có thỏa thuận bằng văn bản, hoặc người được thi hành án có hay không có văn bản yêu cầu cơ quan thi hành án không tiếp tục việc thi hành án theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 50 LTHADS mà cơ quan thi hành án sẽ không thu phí; thu 1/3 số phí thi hành án như của trường hợp không rút đơn hoặc vẫn thu phí như bình thường theo hướng dẫn tại khoản 4 Điều 2 Thông tư liên tịch số 144/TTLT-BTC-BTP.

Đối với những việc theo bản án, quyết định của Tòa án, người được thi hành án được thi hành án hoặc chi yêu cầu thi hành án với số tiền, tài sản có giá trị từ 2 lần mức lương tối thiểu trở xuống thì không phải nộp phí thi hành án.

Trong trường hợp người được thi hành án có yêu cầu thi hành án nhiều lần với tổng số tiền, tài sản có giá trị trên 2 lần mức lương tối thiều thì phí thi hành án được tính trên tổng số tiền hoặc giá trị tài sản được nhận. Trường hợp này phí thi hành án nộp thành nhiều lần, mỗi lần tương ứng với số tiền, giá trị tài sản được thi hành theo cách tính tại khoản 2 Điều 2 Thông tư liên tịch 144/TTLT-BTC-BTP.

1.4. Miễn, giảm phí thi hành án dân sự

Theo hướng dẫn tại Điều 5 Thông tư liên tịch 144/TTLT-BTC-BTP, người được thi hành án được miễn, giảm phí thi hành án như sau:

- Giảm 80% phí thi hành án đối với người được thi hành án là người có khó khăn về kinh tế. Người có khó khăn về kinh tế được giảm phí thi hành án là người thuộc chuẩn nghèo theo quy định của pháp luật hiện hành. 

- Miễn phí thi hành án đối với các đối tượng được quy định tại Điều 2 Pháp lệnh ưu đãi người có công với cách mạng 2006 và các văn bản hướng dẫn thi hành.

- Miễn phí thi hành án đối với người được thi hành án là người thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài theo quy định của pháp luật hiện hành.

- Miễn phí thi hành án đối với trường hợp tòa án xác định không có giá ngạch và không thu án phí có giá ngạch khi xét xử như trường hợp đòi nhà cho thuê, đòi nhà cho ở nhờ...

Thủ tục xin, xét miễn, giảm phí thi hành án được thực hiện theo hướng dẫn tại khoản 5 Thông tư liên tịch 144/TTLT-BTC-BTP.

Ngoài ra, Điều 34 của Nghị định 58/2009/NĐ-CP cũng quy định cụ thể những trường hợp không phải chịu phí thi hành án.

1.5. Thủ tục thu, nộp phí thi hành án dân sự

Cơ quan thu phí thi hành án là cơ quan thi hành án nơi tổ chức thi hành vụ việc. Người ra quyết định thu phí thi hành án là Thủ trưởng cơ quan thi hành án khi chi trả tiền hoặc tài sản cho người được thi hành án. Đối với việc phải thu phí nhiều lần thì mỗi lần thu phí thủ trưởng cơ quan thi hành án ra một quyết định thu phí thi hành án. Khi thu phí, cơ quan thu phí phải lập và cấp biên lai thu cho đối tượng nộp phí theo quy định của pháp luật hiện hành. Thời điểm người được thi hành án phải nộp phí là khi nhận được tiền hoặc tài sản thi hành án, không phải khi nộp đơn yêu.

Cơ quan thi hành án có quyền trích lại số tiền phi thi hành án mà người được thi hành án phải nộp khi chi trả tiền cho người được thi hành án. Đối với trường hợp thi hành án giao tài sản thì cơ quan thi hành án phải thông báo thu phí cho người được thi hành án để họ nộp trong thời hạn không quá 15 ngày làm việc trước ngày dự kiến giao tài sản. Trường hợp cơ quan thi hành án đã thi hành được tiền, tài sản nhưng phải chi trả cho người được thi hành án thành nhiều lần thì số phí thu từng lần theo mức quy định tại khoản 1 Điều 2 Thông tư liên tịch 144/2009/TTLT-BTC-BTP.

Trường hợp có sự nhầm lẫn về số phí thi hành án phải nộp thì phí thi hành án được tính toán lại theo quy định và người được thi hành án phải nộp thêm nếu số phí đã nộp thấp hơn số phí đã được xác định lại hoặc được trả lại phần thừa nếu số phí đã nộp cao hơn số phí đã được xác định lại. Cơ quan thu phí có trách nhiệm bổ sung khoản phí mà người được thi hành án nộp còn thiếu hoặc làm thủ tục hoàn trả khoản phí thi hành án nộp thừa. Nếu người được thi hành án không tự nguyện nộp khoản phí còn thiếu thì cơ quan thi hành án dân sự có quyền áp dụng biện pháp cưỡng chế thi hành án để thu bổ sung khoản phí còn thiếu.

Trường hợp tòa án không tuyên giá trị của tài sản hoặc có tuyên nhưng không còn phù hợp (thay đổi quá 20%) so với giá thị trường tại thời điểm thu phí thì cơ quan thu phí tổ chức định giá tài sản để xác định phí thi hành án phải nộp của người được thi hành án. Căn cứ vào kết quả định giá tài sản của hội đồng định giá do cơ quan thi hành án có thẩm quyền thu phí lập ra, cơ quan thi hành án tính số phí thi hành án phải nộp. Chi phí định giá do cơ quan thi hành án chi trả từ nguồn phí thi hành án được để lại.

Nếu giao tài sản mà người được thi hành án chưa nộp phí thi hành án, cơ quan thi hành án có thể kê biên, phong tỏa tài sản đã giao và ấn định một thời hạn phù hợp không quá 15 ngày kể từ ngày giao tài sản để người được thi hành án nộp phí thi hành án. Nếu quá thời hạn đó, họ không nộp phí thi hành án thì cơ quan thi hành án có quyền áp dụng các biện pháp cưỡng chế để thu phí thi hành án, bao gồm cả việc bán đấu giá tài sản đã giao. Việc định giá, định giá lại và bán đấu giá tài sản để thu hồi tiền phí thi hành án được thực hiện theo quy định pháp luật về định giá, bán đầu giá tài sản để thi hành án. Chi phí định giá, bán đấu giá tài sản do người được thi hành án chi trả.

Trường hợp ủy thác thi hành án liên quan đến thu phí thi hành án, cơ quan ủy thác thi hành án phải ủy thác cả nội dung thu phí thi hành án, tron đó ghi rõ số phí thi hành án đã nộp, số phí thi hành án còn phải thu (nếu có).

2. Chi phí thi hành án dân sự

2.1. Khái niệm chi phí thi hành án dân sự

Chi phí thi hành án dân sự là những khoản tiền chi trả chi việc tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự. Để có thể tổ chức cưỡng chế thi hành án dân sự, cơ quan thi hành án dân sự cần phải tiến hành một số hoạt động nhằm chuẩn bị và thực hiện việc cưỡng chế thi hành án. Những hoạt động này cần phải có kinh phí để thực hiện. Vì thế bên cạnh việc quy định về thu phí thi hành án dân sự thì pháp luật thi hành án dân sự còn có những quy định về chi phí thi hành án dân sự.

2.2. Đối tượng phải chịu chi phí thi hành án dân sự

Theo Điều 73 LTHADS 2008 và Điều 31 Nghị định 58/2009/NĐ-CP, chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự được xác định như sau:

- Người phải thi hành án chịu các chi phí cưỡng chế tại khoản 1 Điều 73 LTHADS như chi phí thông báo cưỡng chế, chi phí mua nguyên liệu, thuê phương tiền, cần thiết cho việc cưỡng chế, chi phí cho việc định giá, giám định tài sản, ...

- Người được thi hành án phải chịu các chi phí cưỡng chế thi hành án dân sự được quy định tại khoản 2 Điều 73 LTHADS như chi phí cho việc xác minh, chi phí định giá lại tài sản trừ trường hợp định giá lại do vi phạm quy định về giá, một phần hoặc toàn bộ chi phí xây ngăn, phá dỡ, trong trường hợp bản án, quyết định đã quyết định người được thi hành án phải chịu chi phí xây, ngăn, phá dỡ...

- Ngoài quy định buộc người được thi hành án, người phải thi hành án phải chịu các chi phí cưỡng chế thi hành án, khoản 3 Điều 73 LTHADS còn quy định một số chi phí cưỡng chế thi hành án do ngân sách nhà nước trả như chi phí định giá lại tài sản khi có vi phạm quy định về định giá, chi phí xác minh điều kiện thi hành án trong trường hợp chủ động thi hành án, các chi phí cần thiết khác như chi phí họp bàn cưỡng chế do chấp hành viên tổ chức hợp với các cơ quan liên quan trước khi cưỡng chế, chi phí cưỡng chế trong trường hợp không thu được tiền của người phải thi hành án... Người có lỗi trong việc vi phạm thủ tục về định giá tài sản, trong việc ra quyết định miễn, giảm chi phí cưỡng chế sai quy định có trách nhiệm bồi hoàn khoản tiền đó cho ngân sách nhà nước.

2.3. Miễn, giảm chi phí thi hành án dân sự

Xuất phát từ mục đích nhân đạo và để đảm bảo cho quyền lợi của đương sự trong thi hành án, pháp luật thi hành án đã quy định một số trường hợp miễn, giảm chi phí thi hành án dân sự. Theo Điều 32 Nghị định 58/2009/NĐ-CP, việc miễn, giảm chi phí thi hành án dân sự cho đương sự là cá nhân có thể được thực hiện trong những trường hợp sau đây:

- Có thu nhập không đảm bảo mức sinh hoạt tối thiểu để sinh sống bình thường hoặc lâm vào hoàn cảnh kinh tế đặc biệt khó khăn do thiên tai, hỏa hoạn. Mức thu nhập tối thiểu được xác định theo quy định chuẩn nghèo của Nhà nước trong từng thời kì.

- Thuộc diện gia đình chính sách, có công với cách mạng. Đối với trường hợp này, đương sự được xét miễn chi phí cưỡng chế thi hành án còn lại nếu đã thi hành được ít nhất ½ chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp.

- Thuộc diện neo đơn, tàn tật, ốm đau kéo dài. Mức được xét giảm trường hợp này là 50% số tiền chi phí cưỡng chế thi hành án phải nộp.

* Thủ tục miễn, giảm chi phí thi hành án:

Để được miễn, giảm chi phí thi hành án, đương sự phải làm đơn đề nghị xét miễn, giảm phí thi hành án và các tài liệu liên quan.

- Đương sự có khó khăn về kinh tế phải có xác nhận của UBND cấp xã, cơ quan tổ chức nơi người đó cư trú, làm việc hoặc xác nhận của thủ trưởng cơ quan, tổ chức nơi người đó nhận thu nhập.

- Đương sự là gia đình chính sách, có công với cách mạng phải có giấy tờ do cơ quan thẩm quyền cấp để chứng minh.

- Đuơng sự bị tàn tật, ốm đau kéo dài thì phải có xác nhận của hội đồng giám định y khoa hoặc cơ quan y tế cấp huyện trở lên.

Nơi nhận đơn đề nghị được miễn, giảm phí thi hành án và các tài liệu liên quan nếu có phải nộp cho cơ quan thi hành án dân sự có thẩm quyền thu phí thi hành án. Thủ trưởng cơ quan thi hành án có thẩm quyền thu phí thi hành án có quyền xem xét, ra quyết định miễn, giảm phí thi hành án dân sự. Trường hợp người làm đơn không được miễn, giảm phí thi hành án thì cơ quan thu phí phải có thông báo cho đương sự biết và nêu rõ lí do của việc không được miễn, giảm phí thi hành án.

3. Một số thực trạng về phí và chi phí thi hành án dân sự

Các quy định về phí và chi phí thi hành án dân sự đã hướng tới mục đích xã hội hóa công tác thi hành án dân sự, góp phần nâng cao hiệu quả của hoạt động thi hành án. Nhưng khi áp dụng thực tiễn, vẫn có những bất cập còn dễ gây tranh cãi.

Thứ nhất, về đối tượng nộp phí hay chi trả cho các chi phí thi hành án dân sự, luật chưa đề cập đến chủ thể người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan. Trên thực tế, có những trường hợp chủ thể này là người được nhận toàn bộ hoặc phần lớn số tiền hay tài sản mà người được thi hành án nhận được.

Thứ hai, việc thu phí thi hành án dân sự trong trường hợp chia tài sản chung, chia thừa kế mà có nhiều người được thi hành án còn gặp phải tình huống lúng túng. Chẳng hạn, thu phí thi hành án của A, B, C được chia tài sản thừa kế, A phải trả cho B, C 100 triệu, song B không yêu cầu phải trả mà cho A 100 triệu đó. Nếu theo quy định, cả A, B, C đều phải nộp phí thi hành án. Nhưng về mặt lý luận, B không nhận được lợi ích vật chất từ hoạt động của cơ quan thì hành án, vậy thu phí thi hành án của B có phải là thỏa đáng? Các mối quan hệ xã hội phức tạp như này vẫn khiến việc áp dụng quy định về phí thi hành án còn nảy sinh tranh cãi.

Thứ ba, thủ tục xét miễn, giảm phí hay chi phí thi hành án phải làm nhiều lần gây phiền hà cho đương sự, tốn thời gian, công sức của Chấp hành viên mà không có giá trị thực tiễn vì: một là, hiện nay pháp luật về thi hành án dân sự chưa quy định cụ thể số lần tiến hành xét miễn, giảm phí thi hành án đối với từng vụ việc hay cũng không quy định việc xét miễn, giảm này được tiến hành trước hay sau khi giao tiền, tài sản cho đương sự dẫn đến việc phải thực hiện một công việc nhiều lần; hai là, mỗi lần làm đơn đề nghị miễn, giảm, các đương sự thuộc trường hợp cụ thể luật định đều phải có xác nhận của các cơ quan có thẩm quyền liên quan (như UBND xã chứng thực chuẩn nghèo, hội đồng giám định y khoa xác minh tình trạng sức khỏe...).

Trên đây chỉ là một số những bất cập được phản ánh nhiều trên thực tế khi áp dụng các quy định về phí và chi phí thi hành án dân sự. Để khắc phục những bất cập này, một số đề xuất cũng được đưa ra đều nhằm một mục đích chung là hoàn thiện pháp luật thi hành án, giúp hoạt động này được thực thi hiệu quả và dễ dàng.

Kết luận

Phí và chi phí thi hành án dân sự có ý nghĩa quan trọng cả về phương diện pháp lý lẫn tài chính trong hoạt động tổ chức thi hành án dân sự. Do đó, việc hiểu về phí và chi phí thi hành án cũng như các vấn đề pháp lý liên quan là cần thiết, góp ích cho việc hiểu luật và áp dụng luật vào thực tiễn.

Tài liệu tham khảo

1. Trường Đại Học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật thi hành án dân sự Việt Nam, nxb CAND, Hà Nội – 2011;
2. Luật thi hành án dân sự 2008;
3. Pháp lệnh thi hành án dân sự 2004;
4. Nghị định số 58/2009/NĐ-CP của Chính phủ ngày 13/7/2009 quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật thi hành án dân sự về thủ tục thi hành án dân sự;
5. Thông tư liên tịch số 144/TTLT-BTC-BTP ngày 22/9/2010 hướng dẫn về chế độ thu, nộp, quản lý và sử dụng phí thi hành án dân sự.
6. Website:
http://moj.gov.vn/TongCucThiHanhAn/News/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=412
http://www.moj.gov.vn/TongCucThiHanhAn/News/Lists/NghienCuuTraoDoi/View_Detail.aspx?ItemID=419
http://dongnghieptha.ucoz.com/publ/nghi_p_v_thi_hanh_an/ban_lu_n_v_phi_thi_hanh_an/2-1-0-18

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Giang Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment