25/06/2014
Sự phù hợp của nội dung trong Điều lệ công ty so với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005 - Bài tập nhóm Luật Thương mại 1
ĐỀ BÀI :

Anh, chị hãy tư vấn cho các thành viên công ty hợp danh VK về sự phù hợp của nội dung trong Điều lệ công ty họ so với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005. Được biết Điều lệ công ty hợp danh VK có một số nội dung sau:

1. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.

2. Thành viên công ty hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên của công ty hợp danh khác.

3. Thành viên hợp danh được chia lợi nhuận, chịu lỗ ngang nhau không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp vào công ty.

4. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên hợp danh. Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết.

5. Giám đốc công ty hợp danh là người duy nhất có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành công ty. Công ty hợp danh có thể thuê Giám đốc.


ĐẶT VẤN ĐỀ.

Công ty hợp danh là một trong số những loại hình công ty được ghi nhận trong Luật Doanh nghiệp năm 2005. Công ty hợp danh với những đặc trưng của nó luôn có những ưu điểm và nhược điểm khi lựa chọn. Để làm rõ những đặc điểm pháp lý cũng như quyền và lợi ích liên quan của thành viên công ty hợp danh, sau đây nhóm 2 xin lựa chọn nghiên cứu đề số 1. Trong quá trình làm bài, còn nhiều sai xót vậy nên chúng em rất mong nhận được sự góp ý của thầy cô và các bạn để bài làm được hoàn thiện hơn!

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

1. Thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp.

Trả lời: Điều lệ này công ty Vk đã quy định rất phù hợp với quy định của pháp luật hiện hành.

Giải thích: Ở đa số các nước trên thế giới, công ti hợp danh được pháp luật ghi nhận là một loại hình đặc trưng của công ti đối nhân, trong đó có ít nhất 2 thành viên ( đều là cá nhân hoặc thương nhân) cùng tiến hành hoạt động thương mại (theo nghĩa rộng) dưới một hãng chung ( hay hội danh) và cùng liên đới chịu trách nhiệm vô hạn về mọi khoản nợ của công ti. Căn cứ vào tính chất thành viên và chế độ chịu trách nhiệm tài sản, thì công ti hợp danh theo Luật Doanh nghiệp có thể chia làm 2 loại. Loại thứ nhất là những công ti giống với công ti hợp danh theo pháp luật các nước, tức là chỉ bao gồm những thành viên hợp danh ( chịu trách nhiệm vô hạn về các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản của công ti). Loại thứ 2 là những công ti có cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn, thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn.

Công ti VK là công ti hợp danh có  nội dung của Điều lệ phù hợp với quy định của pháp luật, trong đó có viết: thành viên góp vốn chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ti trong phạm vi vốn đã góp vào công ti. Điều lệ cũng là điểm c khoản 1 Điều 130 Luật Doanh nghiệp 2005( LDN).

Thành viên góp vốn có thể là tổ chức hoặc cá nhân. Thành viên góp vốn chỉ phải chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp, gọi là chịu trách nhiệm hữu hạn. Chủ nợ hay các thành viên hợp danh khác của công ty không có quyền đòi thành viên góp vốn trả toàn bộ số nợ cho mình hoặc chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của họ nếu số nợ đó lớn hơn phạm vi chịu trách nhiệm của thành viên này. Khi  tham gia quản lý công ty: với tư cách là thành viên của công ty đối nhân nhưng thành viên góp vốn hưởng chế độ trách nhiệm tài sản như một thành viên công ty đối vốn, những thành viên góp vốn chỉ góp vốn vào công ty hợp danh để hưởng phần trăm lợi nhuận tương ứng với số vốn góp, họ chỉ quan tâm tới lợi nhuận mà không có quan hệ gì với các thành viên hợp danh. Tất nhiên đến lúc làm ăn thua lỗ, thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm trong phạm vi số vốn đã góp, đồng nghĩa với việc công ty làm ăn thua lỗ đến mức nào đi nữa thì thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm cao nhất là bằng giá trị số vốn đã góp vào kinh doanh. Một trong những lý do có quy định như vậy của LDN là vì thành viên góp vốn không có quyền trong việc quan lý công ty, điều hành hoạt động hay vạch hướng phát triển của công ty.

Đồng thời theo quy định của Luật Doanh nghiệp 2005, thì chỉ có thành viên hợp danh mới phải chịu trách nhiệm vô hạn, nghĩa là phải chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình đối với các khoản nợ và các nghĩa vụ tài chính của công ty. Khi công ti làm ăn thua lỗ hoặc dẫn tới phá sản, tài sản công ti không đủ trả nợ, thành viên hợp danh sẽ phải dùng tài sản dân sự của mình để trả cho hết số nợ đó cho chủ nợ.

Ví dụ: ông A là thành viên góp vốn của công ti hợp danh ABC chiếm 30% vốn điều lệ. Bà K là thành viên góp vốn của công ti. Sau 5 năm hoạt động, công ti bị thua lỗ dẫn đễn phá sản. Hiện tài sản của công ti chỉ còn 3 tỉ, trong khi còn nợ ngân hàng những 6 tỉ. Vì ông B là thành viên hợp danh nên phải chịu trách nhiệm vô hạn với các khoản nợ của công ti nên ông sẽ phải dùng 900 triệu tài sản cá nhân tương ứng với 30% số vốn đã góp vào công ti ( điểm e khoản 2 Điều 134 Luật Doanh nghiệp 2005) đem ra trả nợ cho công ti. Còn bà K chỉ phải chịu trách nhiệm hữu hạn đối với công ti nên chỉ chịu trách nhiệm cao nhất bằng số vốn đã góp vào công ti. Có thể bà K sẽ mất hết số vốn góp đó nhưng hoàn toàn không phải dùng tới tài sản cá nhân để trả nợ cho công ti.

2. Thành viên công ty hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên của công ty hợp danh khác.

Trả lời: Sự quy định của công ty VK là phù hợp với quy định của pháp luật      Giải thích:

Trước hết, theo khoản 1, điều 130 Luật Doanh Nghiệp 2005 quy định thành viên của công ty hợp danh bao gồm:  thành viên hợp danh và có thể có thành viên góp vốn.

“b) Thành viên hợp danh phải là cá nhân, chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình về các nghĩa vụ của công ty;

c) Thành viên góp vốn chỉ chịu trách nhiệm về các khoản nợ của công ty trong phạm vi số vốn đã góp vào công ty.”

Như thế, công ty hợp danh sẽ có hai loại thành viên bao gồm: thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Ta chia làm hai trường hợp:

Thứ nhất, thành viên hợp danh của công ty hợp danh VK không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên của công ty hợp danh khác.

Quy định về nội dung của công ty là hợp lý so với quy định của LDN năm 2005.

Cơ sở pháp lý của LDN năm 2005 quy định về vấn đề này như sau: căn cứ vào khoản 1 Điều 133. Hạn chế đối với quyền của thành viên hợp danh

“Thành viên hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác, trừ trường hợp được sự nhất trí của các thành viên hợp danh còn lại.”

Tại sao quy định trong nội dung trong điều lệ của công ty hợp danh VK khác so với khoản 1 Điều 133 LDN mà khẳng định là phù hợp, nhóm em xin giải thích như sau:

Việc pháp luật có quy định về trường hợp ngoại lệ đó là thành viên hợp danh có thể trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác nếu có sự nhất trí của thành viên hợp danh khác bởi lý do chịu trách nhiệm vô hạn và liên đới của thành viên hợp danh. Khi đó nếu có sự thỏa thuận là một trong các thành viên hợp danh có thể đứng ra bảo đảm chịu toàn bộ rủi ro của công ty bằng tài sản của mình thì thành viên hợp danh khác có thể trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân hoặc thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác. Như vậy, khi các thành viên hợp danh khác đồng ý cho một thành viên làm chủ sở hữu doanh nghiệp thì vẫn có thể đảm bảo khả năng chịu trách nhiệm vô hạn bằng mọi tài sản của thànhviên còn lại đối với mọi khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, đồng thời vẫn đảm bảo được niềm tin cũng như uy tín đối với khách hàng.

Trở lại với nội dung trong điều lệ của công ty hợp danh. Trước hết, điều lệ công ty có thể hiểu là một cam kết được đồng ý bởi các chủ sở hữu công ty, giữa những người sáng lập với nhau cũng như giữa những người sáng lập với những người góp vốn (thành viên hợp danh, thành viên góp vốn vào công ty hợp danh, thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, cổ đông) nhằm xác lập các nội dung về danh tính công ty, cách thức thành lập, góp vốn, bộ máy tổ chức, quản lý, hoạt động của công ty, cách thức công ty chấm dứt tồn tại và những nội dung khác. Như vậy, việc quy định nội dung điều lệ của công ty hợp danh đã có sự thỏa thuận bàn bạc, thống nhất của tất cả thành viên hợp danh trong công ty. Thiết nghĩ sẽ không còn có trường hợp ngoại lệ khác.

Thứ hai: Thành viên góp vốn của công ty hợp danh không được làm chủ doanh nghiệp tư nhân và thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác.

Quy định này trong nội dung điều lệ của công ty VK là hợp lý so với quy định của LDN năm 2005. Theo luật doanh nghiệp năm 2005 tại điểm c, khoản 1 Điều 130 và điểm a, điểm b khoản 2 điều 140 có quy định: “ thành viên góp vốn chịu trách nhiệm hữu hạn đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty, đồng thời họ không được tham gia quản lí công ty”. Bên cạnh đó, cũng không có điều luật nào quy định cấm thành viên góp vốn không được làm chủ sở hữu doanh nghiệp tư nhân hoặc là thành viên hợp danh của công ty hợp danh khác. Mặt khác, ta thấy nội dung của điều lệ của công ty là sự thỏa thuận của tất cả thành viên công ty do đó tất cả các thành viên phải tuân theo quy định nội dung của Điều lệ đã đề ra. Căn cứ vảo quy định về quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn( điểm h, khoản 1 và điểm d, khoản 2 Điều 140 LDN) thì các thành viên góp vốn có quyền và nghĩa vụ phải tuân theo quy định của Luật và Điều lệ công ty.

3. Thành viên hợp danh được chia lợi nhuận, chịu lỗ ngang nhau không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp vào công ty.

Trả lời : Điều lệ này phù hợp với quy định của Luật Doanh nghiệp 2005.

Giải thích :

Công ty hợp danh bắt buộc phải có thành viên hợp danh (ít nhất là hai thành viên), và phải là cá nhân. Trách  nhiệm tài sản của các thành viên hợp danh đối với nghĩa vụ của công ty là trách nhiệm vô hạn và liên đới. Chủ nợ có quyền yêu cầu bất kì thành viên hợp danh nào thanh toán các khoản nợ của công ty đối với chủ nợ. mặt khác, các thành viên hợp danh phải bằng toàn bộ tài sản của mình (tài sản đầu tư vào kinh doanh và tài sản dân sự) chịu trách nhiệm về các nghĩa vụ của công ty.

Thành viên hợp danh là những người quyết định sự tồn tại và phát triển của công ty về mặt pháp lý và thực tế. Trong quá trình hoạt động các thành viên hợp danh được hưởng những quyền cơ bản, quan trọng của thành viên công ty đồng thời phải thực hiện những nghĩa vụ tương xứng để bảo vệ quyền lợi của công ty và những người liên quan. Các quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định trong Luật doanh nghiệp và điều lệ công ty

Quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh được quy định tại Điều 134 Luật doanh nghiệp :

1. Thành viên hợp danh có các quyền sau đây:

e) Được chia lợi nhuận tương ứng với tỷ lệ vốn góp hoặc theo thoả thuận quy định tại Điều lệ công ty;
g) Khi công ty giải thể hoặc phá sản, được chia một phần giá trị tài sản còn lại theo tỷ lệ góp vốn vào công ty nếu Điều lệ công ty không quy định một tỷ lệ khác;

2. Thành viên hợp danh có các nghĩa vụ sau đây:

e) Chịu lỗ tương ứng với phần vốn góp vào công ty hoặc theo thoả thuận quy định tại Điều lệ công ty trong trường hợp công ty kinh doanh bị lỗ;…”

Như vậy việc công ty công ty hợp danh VK quy định “Thành viên hợp danh được chia lợi nhuận, chịu lỗ ngang nhau không phụ thuộc vào tỷ lệ vốn góp vào công ty”  là phù hợp với Luật doanh nghiệp vì Luật cho phép các thành viên tự thỏa thuận với nhau về tỷ lệ chia lợi nhuận, việc chịu lỗ khi công ty làm ăn có lãi cũng như mức độ chịu lỗ của các thành viên khi xảy ra rủi ro trong quá trình kinh doanh.

4. Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên hợp danh. Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết.

4.1 Hội đồng thành viên bao gồm tất cả các thành viên hợp danh.

Trả lời: Điều lệ này của công ty VK không trái với quy định của pháp luật nhưng không hoàn toàn hợp lý so với quy định của LDN năm 2005

Giải thích:

Như chúng ta đã biết ở Việt Nam không có quy định cụ thể hai loại hình của công ty hợp danh đơn giản và công ty hợp danh hữu hạn mà quy định gọi chung la công ty hợp danh. Căn cứ vào quy đinh tại khoản 1 Điều 135:

“1. Tất cả thành viên hợp lại thành Hội đồng thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh làm Chủ tịch Hội đồng thành viên, đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty nếu Điều lệ công ty không có quy định khác.”

“Tất cả các thành viên được hiểu là bao gồm cả thành viên hợp danh và thành viên góp vốn. Như vậy chúng ta cần chia làm hai trường hợp:

Trường hợp 1: Nếu công ty hợp danh chỉ có thành viên hợp danh thì quy định đó hoàn toàn hợp lý. Bởi bản chất của công ty hợp danh là đối nhân, các thành viên thường có quan hệ mật thiết về nhân thân với nhau nên việc quản lý công ty hợp danh chịu rất ít sự ràng buộc của pháp luật. Về cơ bản, các thành viên có quyền tự thỏa thuận về việc quản lý, điều hành công ty.

Trường hợp 2: Nếu thành viên công ty VK gồm thành viên hợp danh và thành viên góp vốn thì quy định trong nội dung điều lệ của công ty chưa bảo đảm được quyền lợi của các thành viên góp vốn trong công ty. Theo quy định tại điểm a khoản 1 Điều 140 LDN năm 2005 thành viên góp vốn được “tham gia họp, thảo luận và biểu quyết tại Hội đồng thành viên về việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, sửa đổi, bổ sung các quyền và nghĩa vụ của thành viên góp vốn, về tổ chức lại và giải thể công ty và các nội dung khác của điều lệ công ty liên quan trực tiếp đến quyền và nghĩa vụ của họ”. Vì vậy, công ty VK cần có sự cân nhắc trong quy định ở nội dung điều lệ của công ty.

4.2 Mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết.

Trả lời: Quy định của công ty hoàn toàn phù hợp với quy định của LDN năm 2005

Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 134 quy định về các quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp danh có “mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết hoặc có số phiếu biểu quyết khác quy định tại Điều lệ công ty”. Do đó, điều lệ công ty quy định rằng mỗi thành viên hợp danh có một phiếu biểu quyết là phù hợp với quy định của LDN hiện hành. Việc quy định như vậy của công ty hợp danh thể hiện sự bình đẳng của các thành viên trong công ty không phụ thuộc vào số vốn nhiều hay ít. Quy định này của LDN năm 2005 của Việt Nam về công ty hợp danh khác so với quy định về công ty hợp danh ở Pháp, Đức, Thụy Điển các thành viên có quyền tự quyết định các giao dịch của công ty và các thành viên khác phải chịu trách nhiệm hậu quả pháp lý của giao dịch đó.

5 Giám đốc công ty hợp danh là người duy nhất có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành công ty. Công ty hợp danh có thể thuê Giám đốc

5.1 Giám đốc công ty hợp danh là người duy nhất có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành công ty.

Trả lời: Quy định này của công ty VK là chưa phù hợp với quy định của LDN năm 2005.

Giải thích:

Xuất phát từ bản chất của công ty hợp danh là công ty đối nhân nên tính an toàn pháp lý đối với công chúng cao, mặt khác các thành viên thường có quan hệ mật thiết về nhân thân. Vì vậy, trong quá trình hoạt động của công ty, các thành viên hợp danh có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành hoạt động kinh doanh của công ty. Thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhận các chức danh quản lí và kiểm soát công ty; khi một số hoặc tất cả các thành viên cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì công việc được quyết định thông qua theo đa số.

Trong công ty hợp danh, hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty bao gồm tất cả các thành viên. Hội đồng thành viên bầu một thành viên hợp danh là Chủ tịch đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng Giám đốc(nếu điều lệ công ty không có quy định khác.

Tại Điểm đ, Khoản 4 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:

“4. Chủ tịch Hội đồng thành viên, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc có các nhiệm vụ sau đây:

đ) Đại diện cho công ty trong quan hệ với cơ quan nhà nước; đại diện cho công ty với tư cách là bị đơn hoặc nguyên đơn trong các vụ kiện, tranh chấp thương mại hoặc các tranh chấp khác;”

Như vậy, theo luật định về công ty hợp danh, cũng như về bản chất của loại hình doanh nghiệp này, chúng ta có thể thấy, cả Chủ tịch Hội đồng thành viên cũng như Giám đốc hoặc Tổng giám đốc đều có quyền đại diện theo pháp luật cho công ty, trừ khi là có vị trí Chủ tịch Hội đồng thành viên kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc, thì trong trường hợp này người đại diện trước pháp luật của công ty sẽ chỉ là một người.

Tuy nhiên, theo Khoản 3 Điều 135 luật Doanh nghiệp 2005:

“Hội đồng thành viên có quyền quyết định tất cả công việc kinh doanh của công ty. Nếu Điều lệ công ty không quy định thì quyết định các vấn đề sau đây phải được ít nhất ba phần tư tổng số thành viên hợp danh chấp thuận:
a) Phương hướng phát triển công ty;
b) Sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty;
c) Tiếp nhận thêm thành viên hợp danh mới;
d) Chấp nhận thành viên hợp danh rút khỏi công ty hoặc quyết định khai trừ thành viên;
đ) Quyết định dự án đầu tư;
e) Quyết định việc vay và huy động vốn dưới hình thức khác, cho vay với giá trị bằng hoặc lớn hơn 50% vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;
g) Quyết định mua, bán tài sản có giá trị bằng hoặc lớn hơn vốn điều lệ của công ty, trừ trường hợp Điều lệ công ty quy định một tỷ lệ khác cao hơn;
h) Quyết định thông qua báo cáo tài chính hàng năm, tổng số lợi nhuận được chia và số lợi nhuận chia cho từng thành viên;
i) Quyết định giải thể công ty.

Và tại Khoản 2 Điều 137 Luật Doanh nghiệp 2005 có quy định:

“Trong điều hành hoạt động kinh doanh của công ty, thành viên hợp danh phân công nhau đảm nhiệm các chức danh quản lý và kiểm soát công ty.

Khi một số hoặc tất cả thành viên hợp danh cùng thực hiện một số công việc kinh doanh thì quyết định được thông qua theo nguyên tắc đa số.”

Như vậy, từ quy định của Khoản 3 Điều 135 và Khoản 2 Điều 137  Luật Doanh nghiệp 2005 đã nêu trên, thì Điều lệ “Giám đốc công ty hợp danh là người duy nhất có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành công ty.” của công ty hợp danh VK là không hợp lý và trái với luật định, cũng như là đi ngược lại ý chí ban đầu khi thành lập công ty hợp danh. Quyền quyết định về các vấn đề về điều hành cũng như quản lý công ty hợp danh, không thể do một mình cá nhân nào đó, kể cả là Chủ tịch hội đồng thành viên kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc. Điều này chúng ta có thể dễ dàng suy ra từ bản chất nghĩa “hợp danh” trong loại hình công ty hợp danh, khi “danh nghĩa được hợp lại” thì quyền quyết định hay làm chủ trong công ty cũng phải được “ hợp lại” .

Để giải quyết vấn đề này, nếu như công ty VK vẫn muốn giữ nguyên Điều lệ“Giám đốc công ty hợp danh là người duy nhất có quyền đại diện theo pháp luật và tổ chức điều hành công ty.” thì nên chuyển loại hình công ty từ công ty hợp danh thành loại hình Doanh nghiệp tư nhân hoặc Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên, thì Điều lệ trên là hoàn toàn phù hợp.

Hoặc nếu như Công ty VK vẫn muốn giữ nguyên loại hình công ty là công ty hợp danh, thì rõ ràng, bản thân Điều lệ trên là không phù hợp, nó sẽ phải thay đổi nội dung.

Ví dụ: Công ty VK có thể thay đổi Điều lệ trên thành “Các thành viên bầu ra một thành viên hợp danh làm Chủ tịch hội đồng thành viên đồng thời kiêm Giám đốc hoặc Tổng giám đốc công ty, chịu trách nhiệm về giám sát các thành viên, nhân viên, đưa ra phương hướng hoạt động, đại diện cho công ty trước pháp luật”. Nó sẽ phù hợp với luật định và bản chất của công ty hợp danh.

5.2 Công ty hợp danh có thể thuê giám đốc

Công ty hợp danh không thể thuê Giám đốc, trong Luật doanh nghiệp 2005, không có đề cập đến việc cấm Công ty hợp danh thuê Giám đốc. Bởi lẽ,  chức vụ giám đốc được bầu ra từ thành viên hợp danh trong Hội đồng thành viên, kiêm luôn cả Chủ tịch Hội đồng thành viên, trừ trường hợp Điều lệ công ty ghi khác, và người đó tất nhiên phải là thành viên hợp danh sáng lập công ty, chỉ có thành viên trong công ty mới đáp ứng được những yêu cầu mà công ty đề ra. Từ  điều trên, ta có thể nhận ra là chức vụ Giám đốc trong công ty hợp danh khó có thể là người ngoài được thuê vào.

Phương hướng hoàn thiện pháp luật: công ty hợp danh hiện nay ngày càng phát triển và bộ máy ngày càng cồng kềnh..ví dụ có thể thấy như các công ty tư vấn luật. Do đó việc cần 1 giám đốc có trình độ chuyên môn về quản lý và điều hành là rất cần thiết… Vậy nên pháp luật cùng cần mở rộng và cho phép công ty hợp danh có thể thuê giám đốc.

KẾT THÚC VẤN ĐỀ.

Như vậy, với tình huống đề bài đưa, nhóm đã áp dụng những quy định của bộ Luật Doanh nghiệp năm 2005 để giải quyết những vấn đề thực tiễn. Tuy vậy, Luật doanh nghiệp còn rất nhiều những quy định chưa thực sự thống nhất  gây ra sự áp dụng pháp luật không thống nhất và đồng bộ đồng thời những khó khăn trong việc nghiên cứu lý luận. Như vậy. để khắc phục những hạn chế trên, cần có những nghiên cứu sửa đổi Luật Doanh nghiệp nói riêng và hệ thống văn bản pháp luật nói chung để phù hợp hơn với những quan hệ pháp luật đang thay đổi nhanh theo sự phát triển kinh tế xã hôi

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Giáo trình Luật thương mại, tập 1 trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb.CAND.
2. Luật doanh nghiệp 2005.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment