25/06/2014
Giải quyết phần vốn góp khi người góp vốn đột ngột qua đời - Bài tập nhóm Luật Thương mại 1
ĐỀ BÀI:

An, Bình và Cường cùng nhau thành lập công ty trách nhiệm hữu hạn An Thắng có ngành nghề kinh doanh là buôn bán vật liệu xây dựng, trụ sở tại  Hà Nội. Các thành viên dự định góp vốn như sau:

Ông An góp 500 triệu tiền mặt, ông Bình góp căn nhà của mình (được định giá là 1,2 tỷ) để làm trụ sở của công ty, ông Cường góp xe ô tô Innova (được định giá là 700 triệu) để làm xe chuyên dụng của công ty.

1. Với các loại tài sản trên, thủ tục góp vốn thành lập công ty của An, Bình và Cường được thực hiện như thế nào?

2. Tháng 12/2012, Công ty trách nhiệm hữu hạn An Thắng được thành lập. Theo điều lệ của công ty, An là giám đốc đồng thời là người đại diện theo pháp luật, Bình là chủ tịch Hội đồng thành viên. Các vấn đề khác của Điều lệ được quy định theo Luật doanh nghiệp( 2005). Sau một thời gian giữ chức vụ giám đốc, do ông An điều hành yếu kém, Chủ tịch Hội đồng thành viên ra quyết định bãi nhiệm An, đồng thời bổ nhiệm ông Cường làm giám đốc công ty. Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, em hãy nhận xét về tính pháp lý của các quyết định nói trên?


Ông Cường bị tai nạn và đột ngột qua đời, người thừa kế chỉ có vợ( đang giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội) và con gái 4 tuổi. Hỏi phần vốn góp của ông Cường sẽ được xử lý như thế nào?


ĐẶT VẤN ĐỀ.

Trong những năm gần đây, cùng với sự chuyển đổi của nền kinh tế snag cơ chế thị trường có sự quản lý của nhà nước, các công ty thương mại đã được Nhà nước công nhận và bảo vệ bằng pháp luật. Xu hướng này mở ra nhiều thuận lợi cho sự phát triển của doanh nghiệp. Nhiều hình thức pháp lý của doanh nghiệp, bao gồm doanh nghiệp tư nhân, công ty trách nhiệm hữu hạn( CTTNHH), công ty cổ phần và công ty hợp danh, đã hình thành và được khuyến khích hoạt động, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong nền kinh tế. Tuy nhiên, quyết định lựa chọn loại hình kinh tế nào cho phù hợp trước khi bắt đầu công việc kinh doanh là một vấn đề đặt ra hiện nay, đòi hỏi phải có sự hiểu biết sâu sắc về loại hình doanh nghiệp.

Hiện nay, công ty TNHH đang hoạt động khá phổ biến, đặc biệt là công ty TNHH hai thành viên trở lên.Để hiểu rõ hơn về loại hình công ty này, bài của nhóm sẽ giải đáp những vấn đề xung quanh tình huống trên.

Trong quá trình làm bài chắc chắn sẽ còn nhiều thiếu sót, nhóm tôi mong nhận được ý kiến đóng góp của giáo viên bộ môn và của các bạn để bài nhóm hoàn thiện hơn. Xin chân thành cảm ơn!

GIẢI QUYẾT VẤN ĐỀ.

1. Với các loại tài sản trên, thủ tục góp vốn thành lập công ty của An, Bình và Cường được thực hiện như thế nào?

Theo quy định tại khoản 4 Điều 4 LDN: Tài sản góp vốn có thể là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng, giá trị quyền sử dụng đất, giá trị quyền sở hữu trí tuệ, công nghệ, bí quyết kỹ thuật, các tài sản khác ghi trong Điều lệ công ty do thành viên góp để tạo thành vốn của công ty. Tài sản góp vốn của các thành viên là tiền mặt (của ông An), căn nhà (của ông Bình), xe ô tô Innova (của ông cường) đều thuộc loại tài sản được phép góp vốn mà pháp luật quy định. 

Việc thực hiện góp vốn để thành lập công ty TNHH An Thắng của các ông An, Bình, Cường được thực hiện theo quy định tại Luật doanh nghiệp.

Ông An góp vốn bằng số tiền mặt là 500 triệu tiền mặt như vậy ông sẽ không phải thực hiện thủ tục chuyển giao quyền sở hữu của mình cho công ty tuy nhiên, việc chuyển góp vốn của ông vào công ty cần có xác nhận bằng văn bản trong đó gồm :

“ Biên bản giao nhận phải ghi rõ tên và địa chỉ trụ sở chính của công ty; họ, tên, địa chỉ thường trú, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác, số quyết định thành lập hoặc đăng ký của người góp vốn; loại tài sản và số đơn vị tài sản góp vốn; tổng giá trị tài sản góp vốn và tỷ lệ của tổng giá trị tài sản đó trong vốn điều lệ của công ty; ngày giao nhận; chữ ký của người góp vốn hoặc đại diện theo uỷ quyền của người góp vốn và người đại diện theo pháp luật của công ty .”

Nếu việc góp vốn của ông An được thực hiện nhiều hơn một lần, thời hạn góp vốn lần cuối của ông An không vượt quá 36 tháng, kể từ ngày công ty được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc Giấy chứng nhận đăng ký bổ sung, thay đổi thành viên và mỗi lần góp vốn thành viên được cấp một giấy xác nhận số vốn đã góp của lần góp vốn đó.

Trong thời hạn 15 ngày sau mỗi đợt góp vốn theo cam kết, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả tiến độ góp vốn đến cơ quan đăng ký kinh doanh. Trường hợp người đại diện theo pháp luật không thông báo kết quả tiến độ góp vốn theo quy định, Chủ tịch Hội đồng thành viên hoặc Giám đốc (Tổng giám đốc) hoặc thành viên sở hữu phần vốn góp lớn nhất tại công ty có quyền nhân danh công ty thực hiện báo cáo kết quả tiến độ góp vốn.

Đối với ông Cường và Ông Bình góp vốn vào công ty bằng căn nhà, xe ô tô là những tài sản có đăng ký quyền sở hữu nên phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản cho công ty. Theo đó, việc chuyển đổi sẽ được thực hiện theo quy định tại Điều 29 Luật doanh nghiệp 2005:

“1. Thành viên công ty trách nhiệm hữu hạn, công ty hợp danh và cổ đông công ty cổ phần phải chuyển quyền sở hữu tài sản góp vốn cho công ty theo quy định sau đây:

a) Đối với tài sản có đăng ký hoặc giá trị quyền sử dụng đất thì người góp vốn phải làm thủ tục chuyển quyền sở hữu tài sản đó hoặc quyền sử dụng đất cho công ty tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Việc chuyển quyền sở hữu đối với tài sản góp vốn không phải chịu lệ phí trước bạ;…”

- Về thủ tục chuyển nhượng chiếc xe ô tô Innova và căn nhà sang tên công ty gồm:

Lập biên bản họp hội đồng thành viên để đánh giá chiếc ô tô, định giá ngôi nhà; lập biên bản góp vốn (hoặc hợp đồng góp vốn) của thành viên đó bằng giá trị xe ô tô, giá trị ngôi nhà kèm theo 1 bộ hồ sơ Hợp pháp của ôtô và Giấy chứng nhận quyền sở hữu nhà ở đó do thành viên góp vốn cung cấp; đến cơ quan thuế để làm tờ khai lệ phí trước bạ (trường hợp góp vốn không phải nộp lệ phí trước bạ nhưng vẫn phải tới cơ quan thuế để khai); làm thủ tục đăng ký chuyển nhượng xe ô tô mang tên Công ty tại cơ quan cảnh sát giao thông; thực hiện thủ tục đăng ký sang tên tại cơ quan đăng ký nhà đất có thẩm quyền (quận, huyện) nơi có bất động sản chuyển nhượng, mua hồ sơ kê khai đăng ký sang tên theo quy định. 

- Về việc định giá tài sản góp vốn, Điều 30 Luật Doanh nghiệp 2005 quy định:

“Tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. Tài sản góp vốn khi thành lập doanh nghiệp phải được các thành viên, cổ đông sáng lập định giá theo nguyên tắc nhất trí; nếu tài sản góp vốn được định giá cao hơn so với giá trị thực tế tại thời điểm góp vốn thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá…”

Như vậy với việc định giá căn nhà ông Bình góp là 1,2 tỷ để làm trụ sở của công ty, xe ô tô Innova ông Cường là 700 triệu để làm xe chuyên dụng của công ty cần có sự đồng ý của các cổ đông sáng lập hoặc tổ chức chuyên nghiệp định giá. Trong trường hợp sự định giá trị giá tài sản như trên là cao hơn giá trị thực tế thì các thành viên, cổ đông sáng lập liên đới chịu trách nhiệm đối với các khoản nợ và nghĩa vụ tài sản khác của công ty bằng số chênh lệch giữa giá trị được định và giá trị thực tế của tài sản góp vốn tại thời điểm kết thúc định giá. 

Sau khi các ông An, Cường, Bình góp vốn đầy đủ và đúng hạn bằng loại tài sản góp vốn như đã cam kết thì sẽ được cấp giấy chứng nhận phần vốn góp trong đó có các nội dung chủ yếu: Tên, địa chỉ trụ sở chính của công ty; Số và ngày cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh; Vốn điều lệ của công ty; Họ, tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số Giấy chứng minh nhân dân, Hộ chiếu hoặc chứng thực cá nhân hợp pháp khác đối với thành viên là cá nhân; tên, địa chỉ thường trú, quốc tịch, số quyết định thành lập hoặc số đăng ký kinh doanh đối với thành viên là tổ chức; Phần vốn góp, giá trị vốn góp của thành viên; Số và ngày cấp giấy chứng nhận phần vốn góp; Họ, tên, chữ ký của người đại diện theo pháp luật của công ty . Nếu bị mất, bị rách, cháy, hoặc bị thiêu hủy dưới bất kỳ hình thức nào thì thành viên được cấp lại Giấy chứng nhận phần vốn góp và phải trả chi phí do công ty quy định.

Trường hợp nếu có ai không góp đầy đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết góp thì số vốn chưa góp được coi là khoản nợ của thành viên đó với công ty và thành viên đó phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hạt phát sinh do không đủ và đúng hạn số vốn cam kết. 

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối, số vốn chưa góp đủ được xử lý theo thứ tự ưu tiên: 1- Các thành viên còn lại nhận góp một phần hoặc toàn bộ số vốn chưa góp theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty;  2- Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp; 3- Huy động thêm người khác góp đủ số vốn chưa góp.

Trong thời hạn 15 ngày, kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên, người đại diện theo pháp luật của công ty phải báo cáo kết quả tiến độ góp vốn và đăng ký thay đổi thành viên của công ty. Trường hợp thực hiện quy định trên, nhưng số vốn thực góp được thực hiện vẫn thấp hơn so với tổng số vốn cam kết góp, cơ quan đăng ký kinh doanh đăng ký số vốn đã góp là vốn điều lệ của công ty khi thực hiện thủ tục đăng ký thay đổi thành viên của công ty. Các thành viên chưa góp đủ vốn theo cam kết phải liên đới chịu trách nhiệm tương đương với số vốn chưa góp về các khoản nợ và nghĩa vụ tài chính khác của công ty phát sinh trước khi đăng ký thay đổi thành viên.

Người đại diện theo pháp luật của công ty, nếu không thực hiện đúng nghĩa vụ thông báo cho cơ quan đăng ký kinh doanh thì phải cùng thành viên chưa góp đủ vốn liên đới chịu trách nhiệm đối với công ty về phần vốn chưa góp và các thiệt hại phát sinh do không góp đủ và đúng hạn số vốn đã cam kết 

Công ty TNHH hai thành viên trở lên: sau khi góp đủ vốn của mình vào công ty, thành viên được công ty cấp Giấy Chứng nhận phần vốn góp. 

2. Căn cứ vào quy định pháp luật hiện hành, em hãy nhận xét về tính pháp lý của quyết định của Chủ tịch hội đồng thành viên?Phần vốn góp của ông Cường được giải quyết như thế nào khi ông chết?

 Quyết định bãi nhiệm An là giám đốc đồng thời là người đại diện của công ty và bổ nhiệm ông Cường làm giám đốc công ty là trái pháp luật.

Căn cứ vào điểm đ khoản 2 điều 47 Luật doanh nghiệp năm 2005 về quyền và nhiệm vụ của Hội đồng thành viên: “ Bầu, miễn nhiệm, bãi nhiệm Chủ tịch hội đồng thành viên; quyết định bổ nhiệm, cách chức,, ký và chấm dứt hợp đồng với Giám đốc hoặc Tổng giám đốc,…”  thì thẩm quyền ra quyết định bãi nhiệm đối với An đồng thời bổ nhiệm ông Cường làm giám đốc thuộc thẩm quyền của Hội đồng thành viên của công ty. Hội đồng thành viên là cơ quan quyết định cao nhất của công ty bao gồm tất cả các thành viên của công ty. Như vậy, Ông Bình là chủ tịch Hội đồng thành viên không có thẩm quyền ra quyết định bãi nhiệm An cũng như bổ nhiệm Cường. Theo quy định tại Khoản 2 Điều 49 Luật Doanh nghiệp 2005, ông Bình chỉ có quyền “triệu tập và chủ trì cuộc họp Hội đồng thành viên hoặc tổ chức việc lấy ý kiến các thành viên” cũng như “Giám sát hoặc tổ chức giám sát việc thực hiện các quyết định của Hội đồng thành viên” đồng thời “có thẩm quyền thay mặt cho Hội đồng thành viên kí các quyết định của Hội đồng thành viên” chứ không có quyền trực tiếp ra quyết định bãi nhiệm, bổ nhiệm như nêu trên.

Trong trường hợp A có năng lực yếu kém, không thể đảm đương công việc của mình. Hội đồng thành viên có thể được triệu tập họp để thông qua quyết định bãi nhiệm An đồng thời bổ nhiệm ông Cường làm giám đốc. Hội đồng thành viên thông qua quyết định của mình bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp hoặc lấy ý kiến bằng văn bản  hoặc hình thức khác do điều lệ công ty quy định. Trong đó, trường hợp cách chức An và bổ nhiệm giám đốc mới là ông Cường thuộc điểm c khoản 1 điều 52 Luật Doanh nghiệp năm 2005 nên quyết định này phải được thông qua dưới hình thức  biểu quyết tại cuộc họp hội đồng thành viên và phải có ít nhất 65% tổng số vốn góp của các thành viên dự họp chấp thuận; tỉ lệ cụ thể do điều lệ quy định (điểm a, khoản 2 điều 53 Luật Doanh nghiệp năm 2005). 

Vấn đề bãi nhiệm giám đốc và bổ nhiệm giám đốc mới là những vấn đề hết sức quan trọng, liên quan trực tiếp đến quyền lợi của các thành viên, đồng thời ảnh hưởng trực tiếp đến tình hình hoạt động của công ty. Do đó, pháp luật cũng có yêu cầu quyết định về các vấn đề trên phải là quyết định của tất cả các thành viên công ty. Đồng thời, vấn đề này phải  được thông qua bằng hình thức biểu quyết tại cuộc họp Hội đồng thành viên nhằm công khai hóa ý kiến và nâng cao trách nhiệm của các thành viên khi quyết định những vấn đề quan trọng của công ty. Có thể nói những quy định của Luật Doanh nghiệp năm 2005 đã quy định rõ ràng và cụ thể về vai trò và nhiệm vụ của các thành viên công ty. Qua đó thể hiện tính thống nhất cao trong nội bộ thành viên công ty, đồng thời quyền năng của thành viên công ty cũng được thể hiện một các đầy đủ khi quyết định các vấn đề quan trọng của công ty.

Ông Cường bị tai nạn và đột ngột qua đời, người thừa kế chỉ có vợ (đang giữ chức vụ Phó giám đốc Sở Công Thương thành phố Hà Nội) và con gái 4 tuổi. Hỏi phần vốn góp của ông Cường sẽ được xử lý như thế nào?

Quy định về xử lý phần vốn góp trong công ty TNHH được quy định tại khoàn 1 Điều 45 Luật doanh nghiệp 2005 như sau:

“Điều 45. Xử lý phần vốn góp trong các trường hợp khác

1. Trong trường hợp thành viên là cá nhân chết hoặc bị Toà án tuyên bố là đã chết thì người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật của thành viên đó là thành viên của công ty.…”

Như vậy, trong trường hợp này, ông Cường chết, người thừa kế có vợ và con gái 4 tuổi nên vợ và con gái sẽ trở thành thành viên của công ty.

Vợ ông Cường là Phó giám đốc Sở Công thương thành phố Hà Nội. Sở công thương có chức năng quản lý nhà nước về công thương, “ bao gồm: cơ khí, luyện kim; điện; năng lượng mới; năng lượng tái tạo; dầu khí( nếu có); hóa chất; vật liệu nổ công nghiệp; công nghiệp khai thác mỏ và chế biến khoáng sản; công nghiệp tiêu dùng, công nghiệp thực phẩm; công nghiệp chế biến khác; lưu thông hàng hóa trên địa bàn tỉnh; xuất khẩu, nhập khẩu; thương mại biên giới( nếu có); quản lí thị trường; quản lý cạnh tranh; xúc tiến thương mại; kiểm soát độc quyền; chống phá giá; chống trợ cấp, bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng; thương mại điện tử; dịch vụ thương mại;…”( quy định tại Thông tư lien tịch số: 07/2008/TTLT-BCT-BNV). Mặt khác, vợ ông Cường là đối tượng thuộc trường hợp quy định tại điểm b khoản 2 điều 13 Luật DN 2005 về những tổ chức cá nhân không được phép thành lập và quản lý doanh nghiệp ở Việt Nam: “Cán bộ, công chức theo quy định của pháp luật về cán bộ, công chức;” và khoản 2 Điều 37 Luật phòng chống tham nhũng 2005 thì: 
“Người đứng đầu, cấp phó của người đứng đầu cơ quan, vợ hoặc chồng của những người đó không được góp vốn vào doanh nghiệp hoạt động trong phạm vi ngành, nghề mà người đó trực tiếp thực hiện việc quản lý nhà nước”. Như vậy, vợ của ông Cường là phó giám đốc sở công thương thành phố Hà Nội, căn cứ vào những quy định của pháp luật nêu trên thì vợ ông Cường không thể trở thành thành viên của công ty trách nhiệm hữu hạn An Thắng có ngành nghề kinh doanh là buôn bán vật liệu xây dựng, trụ sở tại Hà Nội.  Do vậy chỉ có con gái của ông Cường mới có thể trở thành thành viên công ty. Tuy nhiên cháu bé mới 4 tuổi, là người không có năng lực hành vi dân sự, do vậy, các giao dịch sẽ được thực hiện thông qua người đại diện theo pháp luật là người mẹ (Điều 141 Bộ luật dân sự 2005). Cha, mẹ với tư cách là người đại diện theo pháp luật cho con chưa thành niên có quyền xác lập, thực hiện mọi giao dịch dân sự vì lợi ích của con, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác (Khoản 1 Điều 144 Bộ luật Dân sự).

Như vậy, phần di sản thừa kế vợ ông Cường được hưởng từ ông Cường được xử lý theo điều 43, 44 Luật Doanh nghiệp 2005: yêu cầu công ty mua lại, nếu công ty không mua lại có thể chuyển nhượng phần vốn góp cho người khác không phải là thành viên nếu sau 30 ngày công ty không mua hết hoặc không mua. Tuy nhiên, đây là một vấn đề bất cập chưa được quy định rõ ràng trong bộ luật Doanh nghiệp năm 2005, vì nếu vợ ông Cường không được thành lập, quản lý cũng như góp vốn vào doanh nghiệp thì việc xử lý phần di sản đó chưa đảm bảo được quyền và lợi ích của công ty.Do người vợ đó có quyền chuyển nhượng phần vốn cho người khác không phải là thành viên của công ty.Vì vậy, trong trường hợp này, có thể dựa vào điều lệ công ty để xử lý phần vốn góp là di sản thừa kế trên.

Còn với phần di sản thừa kế do con gái ông Cường được hưởng, người mẹ là đại diện theo pháp luật có thể xác lập các giao dịch vì lợi ích của con, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác. Như vậy, mặc dù là đối tượng thuộc trường hợp cấm tham gia quản lý doanh nghiệp, tuy nhiên, với tư cách là người đại diện theo pháp luật của con, người mẹ có quyền đại diện cho con quản lý phần vốn góp là di sản thừa kề của ông Cường, xác lập các giao dịch vì lợi ích của con cho đến khi người con đủ năng lực hành vi dân sự để tham gia quản lý doanh nghiệp (đủ 18 tuổi). 

KẾT THÚC VẤN ĐỀ.

Trong nền kinh tế nước ta hiện nay, công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên là một loại hình doanh nghiệp khá phổ biến do có nhiều ưu điểm về cơ cấu tổ chức cũng như vốn.Có thể nói, đây là mô hình lý tưởng để lựa chọn kinh doanh ở quy mô vừa và nhỏ. Đặc điểm, địa vị pháp lý của loại hình doanh nghiệp này được Luật Doanh nghiệp năm 2005 và các văn bản dưới luật quy định khá rõ rang. CTTNHH hai thành viên trở lên có nhiều ưu điểm, nhưng bên cạnh đó vẫn tồn tại nhiều nhược điểm hơn so với loại hình công ty khác.Vì thế chúng ta cần hiểu rõ được những vấn đề có liên quan đến loại hình công ty mà chúng ta muốn kinh doanh.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Luật Doanh nghiệp năm 2005.
2. Luật dân sự năm 2005.
3. Luật chống tham nhũng năm 2005.
4. http://giadinh.net.vn/phap-luat/thu-tuc-gop-nha-va-o-to-vao-tai-san-cua-cong-ty-20130403101252221.htm

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

1 comment:

  1. Cảm ơn bạn đã chia sẻ thông tin tổng hợp kiến thức.
    .....................................................
    Sunpo cung cấp các dòng máy nước nóng năng lượng mặt trời được liên doanh Úc & Israel cho ngôi nhà thân yêu của bạn.

    ReplyDelete