25/06/2014
Thủ tục để hợp pháp hóa sự thay đổi loại tài sản góp vốn - Bài tâp nhóm Luật Thương mại 1
Đề bài: 

Hưng, Tuấn Anh, Cường, Hiếu (là các cá nhân có quốc tịch Việt Nam) dự kiến thành lập 01 công ty TNHH có vốn điều lệ 1 tỷ đồng.  Ngày 04/9/2008, công ty đã được thành lập với tên gọi Công ty TNHH Hừng Sáng với các thành viên và mức vốn cam kết góp như sau:

Tên Tổng giá trị vốn góp (triệu đồng) Phần vốn góp
Hưng 200 20%
Cường 400 40%
Tuấn Anh 300 30%
Hiếu 100 10%

Do gặp khó khăn trong tài chính, Cường không có tiền mặt để góp vốn vào Hừng Sáng theo như cam kết nên đã đề nghị góp vốn bằng 01 oto Vios có giá trị tương đương với số vốn đã cam kết

Câu 1: Hãy tư vấn cho Hừng Sáng các thủ tục để hợp pháp hóa sự thay đổi loại tài sản góp vốn của Cường.

Câu 2: Đến thời điểm thực hiện cam kết góp vốn, Cường chính thức thông báo về việc không góp vốn theo cam kết, từ chối tiếp tục tham gia kinh doanh tại Hừng Sáng.

Hãy tư vấn các phương án xử lý phần vốn không được Cường đóng góp. Sau khi một trong các phương án xử lý phần vốn góp được thực hiện, Cường có mất tư cách thành viên tại Hừng Sáng không?

Câu 3: Không có tiền mặt trả nợ 1 tỷ đồng cho Thịnh theo hợp đồng mua bán nhà chung cư, Tuấn Anh dự kiến sử dụng một phần giá trị phần vốn góp của mình tại Hừng Sáng để trừ nợ. Tuy nhiên, Hưng – giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Hừng Sáng không đồng ý cho Tuấn Anh thực hiện giao dịch đó.

Tuấn Anh có thể thực hiện được dự định của mình hay không? Nếu Tuấn Anh vẫn cố tình thực hiện dự định của mình thì Hừng Sáng có quyền từ chối tư cách thành viên của Thịnh hay không?

Câu 4: Do phải tham dự một khóa đào tạo kéo dài 40 ngày về thương mại quốc tế tại Nhật, Hưng làm văn bản ủy quyền cho Tuấn – trưởng phòng kinh doanh của Hừng Sáng để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian Hưng vắng mặt. Tuy nhiên, Điều lệ Hừng Sáng quy định: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của Công ty vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật”

Văn bản ủy quyền của Hưng cho Tuấn có hợp pháp không? Vì sao?

Câu 5: Giả sử Chủ tịch Hội đồng thành viên của Hừng Sáng cũng đi học tại Nhật và Điều lệ không quy định cụ thể về trường hợp này

Hãy tư vấn cho Hừng Sáng phương án giải quyết như thế nào đối với trường hợp này?

Câu 6: Do nhu cầu hoạt động kinh doanh, Hừng Sáng muốn huy động vốn để mua thêm máy móc hiện đại. Hội đồng thành viên nhất trí với phương án này.Tư vấn các phương thức huy động vốn cho Hừng Sáng?

I.TRẢ LỜI

Câu 1: Hãy tư vấn cho Hừng Sáng các thủ tục để hợp pháp hóa sự thay đổi loại tài sản góp vốn của Cường.

Việc anh Cường đề nghị góp chiếc ô tô Vios của mình có giá trị tương đương với phần vốn mà anh cam kết góp vào công ty là sự thay đổi so với tài sản cam kết góp ban đầu khi thành lập công ty. Vì vậy, thủ tục để hợp pháp hóa sự thay đổi vốn góp này như sau:

Thứ nhất, theo quy định tại khoản 1, Điều 39- LDN 2005 về thực hiện góp vốn và cấp giấy chứng nhận phần vốn góp của công ty TNHH từ 2 thành viên trở lên (trích): "... Trường hợp thành viên thay đổi loại tài sản góp vốn đã cam kết thì phải được sự nhất trí của các thành viên còn lại; công ty thông báo bằng văn bản nội dung thay đổi đó đến cơ quan đăng ký kinh doanh trong thời hạn bảy ngày làm viêc, kể từ ngày chấp thuận sự thay đổi".Vì vậy:

Khi các thành viên công ty Hừng Sáng đã nhất trí về sự thay đổi loại tài sản góp vốn của anh Cường thì trong thời hạn bảy ngày làm việc, công ty phải thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh về sự thay đổi loại tài sản góp vốn.

Tiếp theo, khi tài sản góp vốn không phải là tiền Việt Nam, là ngoại tệ tự do chuyển đổi, vàng – phải được các thành viên, cổ đông sáng lập hoặc tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá. (theo khoản 1 điều 30 LDN). Vì vậy, chiếc xe ô tô Vios Cường góp vào công ty phải được định giá.

Việc định giá tài sản này có thể do các thành viên, cổ đông sáng lập công ty định giá trên nguyên tắc nhất trí và vào thời điểm định giá. Giá trị tài sản được định giá mà cao hơn so với giá thị trường thì các thành viên, cổ đông sáng lập công ty phải liên đới chịu trách nhiệm về phần định giá sai ấy khi có thua lỗ hay thiệt hại xảy ra. 

Hoặc việc định giá chiếc ô tô của Cường cũng có thể do tổ chức định giá chuyên nghiệp định giá trên nguyên tắc nhất trí của người có vốn góp và doanh nghiệp, đồng thời việc định giá giá trị tài sản sai thì trong trường hợp thua lỗ thì tổ chức định giá và người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp Hừng Sáng phải liên đới chịu trách nhiệm.

(Căn cứ theo quy định tại khoản 2  điều 30 về định giá tài sản vốn góp)

=> Như vậy thủ tục để giúp công ty Hừng Sáng hợp pháp hóa phần vốn góp của ông Cường gồm các bước: 1. Việc thay đổi tài sản vốn góp vào công ty so với vốn góp cam kết ban đầu phải được sự đồng ý của các thành viên trong công ty; 2. Sự thay đổi này phải được thông báo bằng văn bản đến cơ quan đăng ký kinh doanh; 3. Tiến hành định giá lại tài sản là chiếc oto hiệu Vios để nó trở thành tài sản hợp pháp của công ty, việc định giá ấy có thể được thông qua hai cách như đã nêu ở trên.

Câu 2: Hãy tư vấn các phương án xử lý phần vốn không được Cường đóng góp. Sau khi một trong các phương án xử lý phần vốn góp được thực hiện, Cường có mất tư cách thành viên tại Hừng Sáng không?

Đến thời điểm thực hiện cam kết góp vốn, Cường chính thức thông báo về việc không góp vốn theo cam kết và từ chối tiếp tục tham gia kinh doanh tại Hừng Sáng. Các phương án xử lý phần vốn chưa được Cường đóng góp có thể xử lý như sau:

2.1/ Phương án xử lý phần vốn không được Cường đóng góp..

Bởi Cường đã có thông báo chính thức về việc không góp vốn theo cam kết và từ chối tiếp tục tham gia kinh doanh tại Hừng Sáng, vì vậysố vốn chưa được góp của Cường có thể xử lý căn cứ theo quy định tại khoản 3, điều 39 về vấn đề sau thời hạn cam kết lần cuối mà vẫn có thành viên chưa góp đủ số vốn đã cam kết . Cụ thể:

- Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;

- Huy động người khác cùng góp vốn vào công ty;

- Các thành viên còn lại góp đủ số vốn chưa góp theo tỷ lệ phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty.

Các bước xử lý phần tài sản này được quy định cụ thể hơn tại khoản 5, điều 18 Nghị định 102/2010:

Trong thời hạn 90 ngày, kể từ ngày cam kết góp vốn lần cuối, số vốn chưa góp đủ được xử lý theo thứ tự ưu tiên như sau:

- Các thành viên còn lại nhận góp một phần hoặc toàn bộ số vốn chưa góp theo tỷ lệ số vốn đã góp vào công ty;

- Một hoặc một số thành viên nhận góp đủ số vốn chưa góp;

- Huy động thêm người khác góp đủ số vốn chưa góp.”

Như vậy phương án đầu tiên có thể thực hiện để quyết số vốn của Cường đó là: các thành viên còn lại: Hưng, Tuấn Anh, Hiếu sẽ tiến hành góp nốt phần vốn đó theo tỷ lệ vốn mà họ đã góp vào công ty.

Trong trường hợp mà 1 trong số 3 thành viên không có đủ khả năng để góp nốt số vốn còn thiếu trên thì một trong hai  thành viên còn lại (hoặc là cả hai sẽ nhận  góp đủ) số tiền 400 triệu mà Cường đã cam kêt góp nhưng sau đó không góp.

Còn nếu trong trường hợp mà cả ba thành viên còn lại không có khả năng góp đủ số vốn của Cường họ sẽ phải huy động thêm những người khác ở bên ngoài cùng góp vốn vào công ty để bù vào số tiền 400 triệu chưa Cường góp theo cam kết.

Đặc biệt nếu như trong trường hợp công ty không có khả năng huy động đủ số vốn trên ngay cả khi đã huy động các thành viên khác thì công ty TNHH Hừng Sáng sẽ phải làm thủ tục giảm vốn điều lệ.Thủ tục giảm vốn điều lệ được quy định tại khoản 1 điều 40, nghị định 43/2010/NĐ-CP về đăng ký doanh nghiệp.

2.2/ Sau khi một trong các phương án xử lý phần vốn góp được thực hiện, Cường có mất tư cách thành viên tại Hừng Sáng không?

Sau khi một trong các phương án xử lý phần vốn góp được thực hiện, Cường có thể mất tư cách thành viên tại Hừng Sáng. 

Khoản 3 điều 39 quy định “Sau khi số vốn còn lại được góp đủ theo quy định tại khoản này, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty”. Tuy nhiên, theo quy định tại khoản 3 điều 39 này có thể chia làm hai trường hợp: 

- Trường hợp 1: Đến thời hạn cam kết góp vốn, Cường chưa đóng góp được một phần vốn nào đó so với cam kết và Hưng, Tuấn Anh, Hiếu thỏa thuận góp thay thế số vốn đó thì lúc này, Cường sẽ đương nhiên không còn là thành viên công ty.

- Trường hợp 2: Nếu Cường cam kết góp vốn, đã đóng góp được một phần nhưng không có khả năng góp đủ số vốn đã cam kết thì sau khi các thành viên còn lại góp thay thế phần vốn thiếu đó, Cường vẫn sẽ là thành viên công ty nhưng công ty phải thông báo lại việc thay đổi tỷ lệ vốn góp của từng thành viên cho cơ quan đăng ký kinh doanh. Đồng thời có thể đưa ra biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm cam kết góp vốn của thành viên (quy định tại điều lệ công ty).

Trong trường hợp này, đến thời điểm góp vốn Cường đã có tuyên bố chính thức việc không góp vốn theo cam kết và từ chối tiếp tục tham gia kinh doanh tại Hừng Sáng. Vậy nên, khi số vốn Cường cam kết góp được góp đủ theo quy định của pháp luật, tư cách thành viên của Cường có thể chấm dứt tại Hừng Sáng.

Câu 3: Không có tiền mặt trả nợ 1 tỷ đồng cho Thịnh theo hợp đồng mua bán nhà chung cư, Tuấn Anh dự kiến sử dụng một phần giá trị phần vốn góp của mình tại Hừng Sáng để trừ nợ. Tuy nhiên, Hưng – giám đốc, người đại diện theo pháp luật của Hừng Sáng không đồng ý cho Tuấn Anh thực hiện giao dịch đó. Tuấn Anh có thể thực hiện được dự định của mình hay không?Nếu Tuấn Anh vẫn cố tình thực hiện dự định của mình thì Hừng Sáng có quyền từ chối tư cách thành viên của Thịnh hay không?

Với các yêu cầu đặt ra, có thể giải quyết như sau:

3.1/ Tuấn Anh có thể thực hiện được dự định của mình hay không?

Tuấn Anh có thể thực hiện được dự định của mình.Dựa trên căn cứ quy định tại Khoản 6 Điều 45 Luật Doanh nghiệp về trường hợp “Thành viên sử dụng vốn góp để trả nợ”, trong đó có quy định như sau: 

“Trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người nhận thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai cách sau đây:

a) Trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận;

b) Chào bán và chuyển nhượng phần vốn góp đó theo quy định tại Điều 44 của Luật này”.

Quy định này đã tạo ra một cơ sở mở, tức Tuấn Anh có thể thực hiện giao dịch của mình dù Hưng – giám đốc, người đại diện theo pháp luật của công ty Hừng Sáng không đồng ý. 

3.2/ Nếu Tuấn Anh vẫn cố tình thực hiện dự định của mình thì Hừng Sáng có quyền từ chối tư cách thành viên của Thịnh hay không?

Hừng Sáng có quyền từ chối tư cách thành viên của Thịnh.

Cụ thể với trường hợp người được nhận thanh toán từ vốn góp của thành viên công ty trả nợ, họ sẽ trở thành thành viên của công ty nếu được Hội đồng thành viên chấp thuận (tại điểm a khoản 6 điều 45).Trong trường hợp này, nếu Hừng Sáng không chấp nhận việc Thịnh sẽ trở thành thành viên của công ty, công ty có quyền từ chối tư cách thành viên của Thịnh.

Trong trường hợp công ty tư chối tư cách thành viên của mình, Thịnh có quyền chào bán và chuyển nhượng phần vốn đó cho các thành viên còn lại theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong công ty và chỉ được chuyển nhượng cho người không phải là thành viên nếu các thành viên còn lại của công ty không mua hoặc không mua hết trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày chào bán” (Điều 44 Luật doanh nghiệp).

Khi hết thời hạn 30 ngày, các thành viên còn lại không mua hoặc không mua lại, Thịnh có quyền chuyển nhượng cho người khác và lúc này, chủ thể nhận chuyển nhượng sẽ trở thành thành viên của công ty mà không cần phải có sự chấp thuận của Hội đồng thành viên.

Câu 4: Do phải tham dự một khóa đào tạo kéo dài 40 ngày về thương mại quốc tế tại Nhật, Hưng làm văn bản ủy quyền cho Tuấn – trưởng phòng kinh doanh của Hừng Sáng để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian Hưng vắng mặt. Tuy nhiên, Điều lệ Hừng Sáng quy định: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của Công ty vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật”. Văn bản ủy quyền của Hưng cho Tuấn có hợp pháp không? Vì sao?

Văn bản ủy quyền của Hưng cho Tuấn là không hợp pháp.

Theo Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2005(trích): “… Người đại diện theo pháp luật của công ty phải thường trú tại Việt Nam; trường hợp vắng mặt ở Việt Nam trên ba mươi ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho người khác theo quy định tại Điều lệ công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty.”

Và Điều lệ của Hừng Sáng quy định: “Trường hợp người đại diện theo pháp luật của Công ty vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày thì phải ủy quyền bằng văn bản cho Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật”.

Như vậy, Điều lệ công ty TNHH Hừng Sáng là hoàn toàn phù hợp với pháp luật, chỉ quy định rõ thêm chủ thể được ủy quyền trong trường hợp người đại diện của Công ty vắng mặt ở Việt Nam trên 30 ngày là Chủ tịch Hội đồng thành viên của Công ty.

Trong tình huống nêu trên, do phải tham dự một khóa đào tạo kéo dài 40 ngày về thương mại quốc tế tại Nhật, Hưng làm văn bản ủy quyền cho Tuấn – trưởng phòng kinh doanh của Hừng Sáng để thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình trong thời gian Hưng vắng mặt. 

Tuy nhiên, căn cứ vào Điều 46 Luật Doanh nghiệp 2005 và điều lệ công ty thì văn bản ủy quyền của Hưng cho Tuấn là trái với các quy định tại Điệu lệ công ty đã quy định. Vì vậy, sự ủy quyền này là không hợp pháp.

Câu 5: Giả sử Chủ tịch Hội đồng thành viên của Hừng Sáng cũng đi học tại Nhật và Điều lệ không quy định cụ thể về trường hợp này. Hãy tư vấn cho Hừng Sáng phương án giải quyết như thế nào đối với trường hợp này?

Với trường hợp đặt ra, giả sử Chủ tịch Hội đồng thành viên của Hừng Sáng cũng đi học tại Nhật và Điều lệ công ty không quy định chi tiết về vấn đề này, thì việc ủy quyền sẽ tuân theo quy định của pháp luật.

Khoản 5 Điều 49 có quy định về việc xử lý như thế nào khi Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt: “Trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt thì Chủ tịch Hội đồng thành viên ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty. Trường hợp không có thành viên được ủy quyền hoặc Chủ tịch Hội đồng thành viên không làm việc được thì các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời thực hiện quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.”

Trong trường hợp Chủ tịch Hội đồng thành viên của Hừng Sáng cũng đi học tại Nhật và Điều lệ không quy định cụ thể về thành viên được ủy quyền thực hiện quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên khi Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt. Như vậy, trước hết Chủ tịch Hội đồng thành viên sẽ ủy quyền bằng văn bản cho một thành viên thực hiện các quyền và nghĩa vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc quy định tại Điều lệ công ty.

Nếu nguyên tắc trong điều lệ công ty cũng không quy định cụ thể về việc phải ủy quyền cho ai, lúc này, các thành viên còn lại sẽ bầu một trong số các thành viên tạm thời thực hiện quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.

Do đề bài không đề cập đến Điều lệ của công ty trong việc quy định trình tự bầu ra người được ủy quyền Chủ tịch Hội đồng thành viên, nên ta coi như trình tự của việc bầu ra người được ủy quyền sẽ theo quy định của pháp luật. Cụ thể:

- Thành viên hoặc nhóm thành viên của công ty yêu cầu triệu tập họp Hội đồng thành viên theo quy định tại khoản 2 Điều 41 Luật Doanh nghiệp để giải quyết vấn đề bầu ra thành viên tạm thời thực hiện các quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên.

- Để chuẩn bị cho cuộc họp, Chủ tịch Hội đồng thành viên có nhiệm vụ chuẩn bị hoặc tổ chức việc chuẩn bị cho chương trình, chuẩn bị nội dung tài liệu và triệu tập họp Hội đồng thành viên. (khoản 1 Điều 50 Luật Doanh nghiệp). Phải thông báo triệu tập Hội đồng thành viên, nội dung thông báo phải nêu rõ thời gian, địa điểm và chương trình họp.Chương trình và tài liệu cho cuộc họp phải được gửi đến thành viên công ty trước khi cuộc họp diễn ra. (khoản 2 Điều 50 Luật Doanh nghiệp)

- Cuộc họp Hội đồng thành viên sẽ được tổ chức tại trụ sở chính của công ty và được tiến hành khi số thành viên dự họp đại diện ít nhất 75% vốn điều lệ công ty (khoản 1 Điều 51 Luật Doanh nghiệp)

- Tại cuộc họp, các thành viên công ty sẽ tiến hành biểu quyết để bầu ra người tạm thời thực hiện quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên theo nguyên tắc đa số quá bán.

- Cuộc họp Hội đồng thành viên phải được ghi vào sổ biên bản của công ty. Biên bản cuộc họp được làm xong và thông qua ngay trước khi cuộc họp kết thúc, trong đó ghi rõ những nội dung được quy định tại khoản 2 Điều 53 Luật Doanh nghiệp

Sau khi cuộc họp kết thúc, người được bầu chọn sẽ tạm thời thực hiện những quyền và nhiệm vụ của Chủ tịch Hội đồng thành viên trong thời gian Chủ tịch Hội đồng thành viên vắng mặt tại Việt Nam, trong đó đảm nhiệm cả quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật của công ty là anh Hưng mà trước đó Chủ tịch Hội đồng thành viên đã được ủy quyền.

Câu 6: Do nhu cầu hoạt động kinh doanh, Hừng Sáng muốn huy động vốn để mua thêm máy móc hiện đại. Hội đồng thành viên nhất trí với phương án này. Tư vấn các phương thức huy động vốn cho Hừng Sáng?

Khoản 1, 2 Điều 60 LDN năm 2005 quy định về tăng, giảm vốn điều lệ như sau:

“1. Theo quyết định của Hội đồng thành viên, công ty có thể tăng vốn điều lệ bằng các hình thức sau đây:

a) Tăng vốn góp của thành viên;

b) Điều chỉnh tăng mức vốn điều lệ tương ứng với giá trị tài sản tăng lên của công ty;

c) Tiếp nhận vốn góp của thành viên mới.

2. Trường hợp tăng vốn góp của thành viên thì vốn góp thêm được phân chia cho các thành viên theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty. Thành viên phản đối quyết định tăng thêm vốn điều lệ có thể không góp thêm vốn. Trong trường hợp này, số vốn góp thêm được chia cho các thành viên khác theo tỷ lệ tương ứng với phần vốn góp của họ trong vốn điều lệ công ty nếu các thành viên không có thỏa thuận khác”. 

Theo như quy định trên, thì công ty trách nhiệm hữu hạn Hừng Sáng có thể huy động vốn bằng 3 cách:

Một là, tăng phần vốn góp của mỗi thành viên (góp thêm)

Hai là, kết nạp thêm thành viên mới (nếu chưa đủ 50 thành viên) để tiếp nhận thêm phần vốn góp của các thành viên mới.

Thứ ba, công ty trách nhiệm hữu hạn Hừng Sáng có thể huy động vốn bằng cách phát hành trái phiếu ( do công ty TNHH theo quy định của pháp luật không được phát hành cổ phiếu).

II. Một số nhận xét và đánh giá.

Trong quá trình phân tích tình huống và sử dụng các quy định pháp luật liên quan để giải quyết tình huống, nhóm có một số nhận xét về các quy định pháp luật điều chỉnh các vấn đề liên quan như sau: 

Thứ nhất:tại khoản 3 Điều 39 quy định “Sau khi số vốn còn lại được góp đủ theo quy định tại khoản này, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty” là chưa hợp lý. Trên thực tế, vấn đề chưa góp vốn đúng với cam kết của thành viên như trên có thể được chia làm 2 trường hợp như sau:

- Trường hợp 1: khi thành lập doanh nghiệp, thành viên cam kết góp vốn nhưng đến thời hạn cam kết vẫn không góp được đồng vốn nào và các thành viên còn lại thỏa thuận góp thay thế số vốn đó thì khi đó, thành viên không góp vốn đương nhiên không còn là thành viên công ty.

- Trường hợp 2: thành viên cam kết góp vốn nhưng không có khả năng góp đủ số vốn đã cam kết thì sau khi các thành viên còn lại góp thay thế phần vốn thiếu đó, thành viên cam kết góp vốn vẫn sẽ là thành viên công ty nhưng công ty phải thông báo lại việc thay đổi tỷ lệ vốn góp của từng thành viên cho cơ quan đăng ký kinh doanh, đồng thời có thể đưa ra biện pháp chế tài đối với hành vi vi phạm cam kết góp vốn của thành viên (quy định tại điều lệ công ty).

Như vậy, ở đây quy định pháp luật chưa có sự phân định rõ ràng khi quy định về vấn đề xử lý đối với thành viên chưa góp vốn theo cam kết. Việc quy định một cách chung chung: “Sau khi số vốn còn lại được góp đủ theo quy định tại điều khoản này, thành viên chưa góp vốn theo cam kết đương nhiên không còn là thành viên của công ty và công ty phải đăng ký thay đổi nội dung đăng ký kinh doanh theo quy định này” có thể dẫn đến nhiều cách hiểu khác nhau và có thể ảnh hưởng đến quyền lợi của thành viên đã tham gia góp vốn.

Thứ hai, về quy định tại điều 44 và điểm b, khoản 6 điều 45 của Luật doanh nghiệp đối với trường hợp thành viên sử dụng vốn góp để trả nợ. 

Điều 44 quy định (trích): “ Trừ trường hợp quy định tại khoản 6 điều 45 của Luật này, thành viên công ty TNHH hai thành viên trở lên có quyền chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ phần vốn góp của mình cho người khác …”

Trong đó, điểm b khoản 6 điều 45 quy định về trường hợp thành viên sử dụng phần vốn góp để trả nợ thì người thanh toán có quyền sử dụng phần vốn góp đó theo một trong hai cách. Quy định khi chào bán và chuyển nhượng cố phần vốn góp đó được dẫn chiếu đến điều 44.

Như vậy, ta thấy rõ được sự mâu thuẫn trong hai điều khoản trên.Khi áp áp dụng vào giải quyết trong thực tế có thể dẫn đến nhiều hạn chế, tạo ra những cách hiểu và giải quyết vấn đề khác nhau.Trước hết là gây khó khăn trực tiếp cho người nhận thanh toán từ số vốn góp của một thành viên nào đó trong doanh nghiệp.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Thương Mại I.
2. Luật doanh nghiệp đã sửa đổi bổ sung năm 2009
3. Nghị định 102/2010/NĐ – CP “Nghị định hướng dẫn chi tiết thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp”
4. Luận văn Ths. Luật Kinh Tế, năm 2012 - Vũ Tuấn Anh: “Định đoạt phần vốn góp của thành viên trong công ty TNHH theo pháp luật Việt Nam”
5. “Bàn về một số hạn chế của Luật Doanh nghiệp năm 2005” - Ths. Lưu Thị Tuyết (Giảng viên Học viện Chính sách và Phát triển)

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Trà My - K3507 - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment