Như chúng ta đã biết, người khuyết tật là những người bất hạnh vì nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh tật, tai nạn hay bẩm sinh…Họ không có khả năng lao động chân tay hiệu quả như bao người khác. Áp lực tâm lý đối với những người khuyết tật cũng là rất lớn, đó là những mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể mình, là những gánh nặng mà họ đem đến cho gia đình và xã hội. Vì vậy, họ chính là đối tượng cần được tạo điều kiện trong cuộc sống hơn bình thường. Để đảm bảo quyền và lợi ích cho Người khuyết tật, việc hiểu thế nào cho đúng về khái niệm Người Khuyết tật là hết sức cần thiết. Trong khuôn khổ bài tập nhóm tháng thứ nhất môn Pháp luật Người Khuyết tật, chúng em xin đi sâu, làm rõ vấn đề này với đề bài “Phân tích khái niệm Người khuyết tật. So sánh quy định của Pháp luật Quốc tế với pháp luật Việt Nam về khái niệm Người khuyết tật”.
NỘI DUNG CHÍNH
1. Khái niệm Người khuyết tật
1.1 Cơ sở hình thành khái niệm Người Khuyết tật
Từ những thế kỷ trước đây người ta đã “rục rịch” để đưa ra một khái niệm về người khuyết tật. Trong giai đoạn từ những năm 1940-1960, những văn bản pháp luật quốc tế liên quan đến quyền con người đều không trực tiếp đề cập đến người khuyết tật. Đến năm 1970 ở Hoa Kì, vấn đề người khuyết tật cũng như các hiệp hội của họ đã xuất hiện và chứng mình sự tồn tại của người khuyết tật. Quan niệm về người khuyết tật, cũng như khái niệm về người khuyết tật bắt đầu có “manh mún”. Trong các văn bản quốc tế, hai từ tiếng Anh "disability" (khuyết tật hay tàn tật) và "handicap" (không hội nhập được) thường được dung để nói về Người khuyết tật. Tuy nhiên, hai từ "disability" và "handicap" thường được dùng không rõ ràng và nhiều khi lẫn lộn với nhau, vì thiếu mà nhiều khi đã dẫn đến sự dẫn hướng chưa được thích đáng cho phía hoạch định chính sách và thi hành chính sách. Cho đến năm 1980, Tổ chức y tế thế giới đã thông qua sự phân loại trên phạm vi quốc tế về các khái niệm "impairment" (khiếm khuyết), "disability"(khuyết tật hay tàn tật) và "handicap" (không hội nhập được), nó cho thấy có một sự tiếp cận vấn đề chuẩn xác hơn, nhằm sử dụng được một cách thỏa đáng trong nhiều lĩnh vực như phục hồi chức năng, giáo dục, thống kê, chính sách, lập pháp, điều tra dân số, xã hội học, kinh tế học và nhân học...
Đồng thời, những trải nghiệm thu nhận được từ việc thực hiện Chương trình hành động thế giới về Người khuyết tật và rất nhiều cuộc thảo luận được mở ra trong Thập kỉ Người khuyết tật của Liên hiệp quốc (1983-1992) đã khiến cho người ta có được những kiến thức sâu hơn và sự hiểu biết rộng hơn về vấn đề Người khuyết tật cùng những từ ngữ được dùng nói trên
1.2 Khái niệm Người khuyết tật
1.2.1 Khái niệm Người khuyết tật theo quan điểm của Pháp luật Quốc tế
Lịch sử phát triển của khái niệm Người khuyết tật cho thấy đã có các quan điểm khác nhau về khái niệm Người khuyết tật. Hiện có hai quan điểm chính: Quan điểm khuyết tật cá nhân và quan điểm khuyết tật xã xã hội
Quan điểm khuyết tật cá nhân (cá thể) hay quan điểm khuyết tật dưới góc độ y tế (y học): Cho rằng khuyết tật là do hạn chế cá nhân, là ở chính con người đó, chú trọng rất ít hoặc không để ý đến các yếu tố về môi trường xã hội và môi trường vật thể xung quanh người khuyết tật. Quan niệm này cho rằng người khuyết tật có thể hưởng lợi từ phương pháp khoa học như thuốc điều trị và các công nghệ cải thiện chức năng. Nhìn chung, mô hình cá nhân (cá thể) hay y tế nhìn nhận người khuyết tật như những người có vấn đề về thể chất và cần phải chữa trị. Điều này đã đẩy người khuyết tật vào thế bị động của người bệnh. Tiêu biểu cho quan điểm này là một số quốc gia như Trung Quốc, Ấn Độ, Phillipines… Theo đó:( )
+ Trung Quốc: Điều 2 Luật của nước Cộng hòa nhan dân Trung Hoa về bảo vệ Người khuyết tật ban hành năm 1990 quy định: “Người khuyết tật là một trong những người bị bất thường, mất mát của một cơ quan nhất định hoặc chức năng tâm lý hay sinh lý, hoặc trong cấu trúc giải phẫu và những người đã mất toàn bộ hoặc một phần khả năng tham gia vào các hoạt động một cách bình thường”
+ Ấn Độ: Luật về Người khuyết tật ban hành năm 1995 định nghĩa khuyết tật bao gồm những tình trạng bị mù, nghe kém, lành bệnh phong; thị lực kém, suy giảm khả năng vận động; chậm phát triển trí óc và mắc bệnh về tâm thần. Trong khi đó định nghĩa về Người khuyết tật lại được nêu: “một người bị bất kì một khuyết tật nào không dưới 40% theo xác nhận của cơ quan y tế có thẩm quyền”
+ Phillipines: Đạo luật 7227 với tên gọi Đạo luật tạo nên sự phục hồi chức năng tự phát triển và tự tin cho người khuyết tật vào xã hội và các mục đích khác quy định: “Người Khuyết tật – là người có sự khác biệt về khả năng và hạn chế do khiếm khuyết về giác quan, vận động, và tâm thần để thực hiện một hoạt động được coi là bình thường”
Quan điểm khuyết tật theo mô hình xã hội: Trong mô hình xã hội, khuyết tật đươc nhìn nhận là hệ quả bị xã hội loại trừ và phân biệt. Bởi vì xã hội được tổ chức không tốt nên những người khuyết tật phải đối mặt với một số phân biệt đối xử về thái độ, môi trường và thể chế. Mô hình xã hội về khuyết tật cho rằng nhiều người bị khiếm khuyết ở các cách khác nhau nhưng chỉ xã hội biến họ thành khuyết tật. Nói cách khác, mô hình xã hội huyết tật coi xã hội là vấn đề, giải pháp là phải thay đổi xã hội. Tiêu biểu cho quan điểm này là một số quốc gia như Đức, Nam Phi, Hoa Kỳ, Việt Nam…
+ Đức: sách số chín của Bộ luật xã hội định nghĩa người khuyết tật “là người có các chức năng về thể lực, trí lực, hoặc tâm lý tiến triển không bình thường so với người có cùng độ tuổi trong thời gian trên 6 tháng và sự không bình thường này là nguyên nhân dẫn đến việc họ bị hạn chế tham gia vào cuộc sống xã hội”
+ Nam Phi: Luật Bình đẳng về việc làm của Nam Phi định nghĩa “người khuyết tật là người bị suy giảm khả năng về thể lực hoặc trí lực trong một thời gian dài hoặc tiếp diễn nhiều lần, khiến người đó bị hạn chế đáng kể về khả năng tham gia hoặc phát triển trong nghề nghiệp”
+ Hoa Kỳ: Đạo luật về người khuyết tật của Hoa Kỳ năm 1990 (ADA - Americans with Disabilities Act of 1990) định nghĩa “Người khuyết tật là người có sự suy yếu về thể chất hay tinh thần gây ảnh hưởng đáng kể đến một hay nhiều hoạt động quan trọng trong cuộc sống”.
+ Bên cạnh đó, Khoản 1 Điều 1 Công ước số 159 của ILO về phục hồi chức năng lao động và việc làm của người khuyết tật năm 1983 quy định: “Người khuyết tật dung để chỉ một cá nhân mà khả năng có một việc làm không phù hợp, trụ lâu dài với công việc đó và thăng tiến với nó bị giảm sút đáng kể do hậy quả của một khiếm khuyết về thể chất và tâm thần được thừa nhận”
+ Điều 1 Công ước về quyền của Người khuyết tật của Liên hợp quốc năm 2006 quy định: “Người khuyết tật bao gồm những người bị suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác quan trong một thời gian dài, có ảnh hưởng qua lại với hàng loạt những rào cản có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của những người khuyết tật vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”
1.2.2 Khái niệm Người Khuyết tật theo quan điểm của Pháp luật Việt Nam
So với các nước trên thế giới, khái niệm Người Khuyết tật của Việt Nam nằm trong nhóm theo Quan điểm khuyết tật xã hội. Trước khi Luật Người khuyết tật năm 2010 có hiệu lực, pháp luật Việt Nam nhìn nhận người khuyết tật dưới góc độ “Người tàn tật”. Theo quy định của Pháp lệnh Người tàn tật năm 1998, “người tàn tật không phân biệt nguồn gốc gây ra tàn tật là người bị khiếm khuyết một hay nhiều bộ phận cơ thể hoặc chức năng biểu hiện dưới những dạng tật khác nhau, làm suy giảm khả năng hoạt động, khiến cho culao động, sinh hoạt, học tập gặp nhiều khó khăn.” Kế thừa các quy định của Pháp lệnh người tàn tật năm 1998, ngày 17/06/2010, Quốc hội Việt Nam đã thông qua Luật Người khuyết tật, có hiệu lực từ 01/01/2011 chính thức sử dụng khái niệm người khuyết tật thay cho khái niệm người tàn tật, phù hợp với khái niệm và xu hướng nhìn nhận của thế giới về vấn đề khuyết tật. Theo quy định tại khoản 1 điều 2 luật này, “Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật khiến cho lao động, sinh hoạt, học tập gặp khó khăn.” Như vậy, dựa theo định nghĩa về Người khuyết tật theo Luật người khuyết tật, ta có:
Thứ nhất, thuật ngữ “người tàn tật” đã được thay thế bằng thuật ngữ “người khuyết tật”. Đánh giá về mặt ngôn ngữ thì thuật ngữ “người tàn tật” nghe có vẻ mang lại cảm giác nặng nề hơn thuật ngữ “người khuyết tật”, tuy nhiên thì xét về mặt bản chất thì hai thuật ngữ này dường như đồng nhất. Sự thay đổi thuật ngữ này, như đã nói ở trên, mặc dù không thay đổi bản chất nhưng có vẻ nó cũng có tác động nhất định tới nhận thức của những người xung quanh.
Thứ hai, những người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật. Theo cách hiểu này thì người khuyết tật bao gồm cả những người bị khuyết tật bẩm sinh, người bị khiếm khuyết di bệnh tật, tai nạn, thương binh, bệnh binh… Như vậy, luật người khuyết tật Việt Nam đã đưa ra khái niệm người khuyết tật dựa vào mô hình xã hội, tuy nhiên còn chung chung so với khái niệm trong Công ước về quyền của người khuyết tật.
Thứ ba, lao động, sinh hoạt, học tập của người khuyết tật gặp khó khăn. Có thể thấy, cả trong định nghĩa “người tàn tật” và “người khuyết tật”, các hoạt động “gặp khó khăn” của người khuyết tật dường như bị giới hạn trong các hoạt động “lao động, sinh hoạt, học tập”. Như vậy, có thể thấy các hoạt động “lao động, sinh hoạt, học tập” nhìn chung đã bao quát đầy đủ các hoạt động của người khuyết tật gặp khó khăn, nhưng trên thực tế, người khuyết tật gặp khó khăn trên tất cả các lĩnh vực đời sống của xã hội chứ không chỉ riêng các hoạt động này.
Với cách tiếp cận đó, có thể đưa ra định nghĩa người khuyết tật theo quy định của Pháp luật Việt Nam như sau: Người khuyết tật là người bị khiếm khuyết một hoặc nhiều bộ phận cơ thể hoặc bị suy giảm chức năng dẫn đến những hạn chế đáng kể và lâu dài trong việc tham gia của người khuyết tật vào hoạt động xã hội trên cơ sở bình đẳng với những chủ thể khác.
1.3 Đặc điểm người Khuyết tật
Đặc điểm của người khuyết tật được xem xét dưới hai góc độ:
1.3.1 Đặc điểm của người khuyết tật dưới góc độ kinh tế - xã hội:
Người khuyết tật là nhóm cư dân đặc biệt phải chịu thiệt thòi về mặt kinh tế - xã hội và nhân khẩu học. Người khuyết tật và gia đình họ thường nghèo, học vấn không cao, khó xin việc hoặc thất nghiệp nên ảnh hưởng điều kiện sống của họ. Do khuyết tật nên người khuyết tật khó khăn trong việc sinh hoạt, học tập, kết hôn, sinh con… Ngoài ra, quan niệm của xã hội về người khuyết tật còn tiêu cực, dẫn đến sự kì thị và phân biệt đối xử. Hơn nữa, hoạt động hỗ trợ cho người khuyết tật còn rất hạn chế, thực tế, sự hỗ trợ của nhà nước và cộng đồng mang tính từ thiện nhiều hơn là phát triển con người.
1.3.2 Đặc điểm của người khuyết tật dưới góc độ dạng tật và mức độ khuyết tật:
Luật người khuyết tật Việt Nam quy định các dạng khuyết tật sau
Khuyết tật vận động: là người có cơ quan vận động bị tổn thương, gây khó khăn trong hoạt động di chuyển, cầm nắm…
Khuyết tật nghe, nói: là những người khó khăn nghe, nói, hạn chế trong giao tiếp, đọc viết, tiếp cận thông tin.
Khuyết tật nhìn: là những người có khuyết tật về mắt khiến họ không nhìn thấy hoặc nhìn không rõ.
Khuyết tật trí tuệ: là những người có chức năng trí tuệ dưới mức trung bình: chỉ số thông minh đạt gần 70 hoặc dưới 70 trên một lần thực hiện trắc nghiệm cá nhân. Họ bị thiếu hụt hoặc khiếm khuyết ít nhất hai trong số những hành vi thích ứng như giao tiếp, tự chăm sóc, sống tại gia đình, kỹ năng xã hội hoặc sử dụng tiện ích trong cộng đồng…Ngoài ra, tật xuất hiện trước 18 tuổi.
Khuyết tật khác: rối loạn hành vi cảm xúc, rối loạn ngôn ngữ, người đa tật, tự kỉ…
1.4 Ý nghĩa của Khái niệm Người Khuyết tật
Có thể thấy, mỗi quan điểm có những điểm mạnh và điểm yếu nhất định. Quan điểm khuyết tật cá nhân hoặc y tế có tác dụng tốt trong một số lĩnh vực cụ thể như y tế phục hồi chức năng và bảo đảm xã hội. Quan điểm khuyết tật theo mô hình xã hội là công cụ quan trọng để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của người khuyết tật bị tách biệt khỏi cuộc sống chung. Nhìn chung, khái niệm người khuyết tật có ý nghĩa là cơ sở pháp lý để công nhận ai là người khuyết tật và từ đó được bảo vệ bằng hệ thống liên pháp luật liên quan. Thông qua quy định của các hệ thống pháp luật khác nhau cho thấy để đưa ra khái niệm thuyết phục và thống nhất về người khuyết tật là không dễ dàng. Tuy nhiên, cũng cần khẳng định rằng định nghĩa về người khuyết tật dù tiếp cận dưới bất cứ góc độ nào, nhất thiết phải phản ánh thực tế là người khuyết tật có thể gặp các rào cản do yếu tố xã hội, môi trường hoặc con người khi tham gia vào mọi hoạt động của kinh tế, chính trị, xã hội. Họ phải được đảm bảo rằng họ có quyền và trách nhiệm khi tham gia vào mọi hoạt động của đời sống như bất cứ công dân nào với tư cách là quyền của con người.
2. So sánh quy định của pháp luật Quốc tế và pháp luật Việt Nam về khái niệm Người Khuyết tật
Khái niệm về người khuyết tật theo pháp luật quốc tế được quy định tại khoản 1 điều 1 Công ước 159 của ILO về phục hồi chức năng lao động và làm việc của người khuyết tật năm 1983 và Điều 1 Công ước về quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc năm 2006. Theo đó, “Người khuyết tật bao gồm những người bị suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác quan trong một thời gian dài, có ảnh hưởng qua lại với hàng loạt những rào cản có thể cản trở sự tham gia đầy đủ và hiệu quả của những người khuyết tật vào xã hội trên cơ sở bình đẳng với những người khác”
2.1 Giống nhau
Thứ nhất, theo xu hướng chung của pháp luật về người khuyết tật thế giới, khái niệm “người khuyết tật” của Việt Nam chính thức được ra đời theo quy định tại khoản 1 điều 2 Luật người khuyết tật 2010. Pháp luật Việt Nam và pháp luật quốc tế hiện nay (định nghĩa tại khoản 1 điều 1 Công ước 159; Điều 1 Công ước về quyền của người khuyết tật của Liên hợp quốc 2006) đều theo quan điểm xã hội – thể hiện “khuyết tật là lát cắt ngang các vấn đề xã hội và chính sách cơ bản làm thay đổi tình trạng và hoản cảnh mà người khuyết tật bị hạn chế hay ngăn cản tham gia đầy đủ như công dân bình thường”
Thứ hai, dù khái niệm người khuyết tật theo quy định của Việt Nam và pháp luật quốc tế có khác nhau nhưng đều hướng tới mục đích là phản ánh thực tế là người khuyết tật có thể gặp các rào cản do yếu tố xã hội, môi trường hoặc do con người khi tham gia vào mọi hoạt động kinh tế, chính trị, xã hội. Đồng thời khẳng định Họ phải được đảm bảo rằng họ có quyền và trách nhiệm tham gia vào mọi hoạt động của đời sống như bất cứ công dân nào với tư cách là các quyền của con người hay nói cách khác xây dựng khái niệm người khuyết tật thì bất cứ quốc gia, tổ chức nào đều hướng tới việc bình đẳng cho những người khuyết tật.
2.2 Khác nhau
2.2.1 Khái niệm người khuyết tật theo quy định của pháp luật Việt Nam hẹp hơn so với khái niệm người khuyết tật của quốc tế.
Có thể thấy khái niệm về người khuyết tật theo quy định của pháp luật quốc tế khá rộng. Pháp luật quốc tế xác định người khuyết tật được xác định rất cụ thể: đầu tiên người khuyết tật là người bị suy giảm về thể chất, thần kinh, trí tuệ hay giác quan trong thời gian dài. Và những khiếm khuyết này phải được thừa nhận. thứ hai, những suy giảm này là rào cản cản trở người khuyết tật tham gia vào xã hội.
Trong khi đó, theo quy định tại khoản 1 Điều 2 của Luật người khuyết tật. Với cách hiểu này thì người khuyết tật bao gồm cả những người bi khuyết tật bẩm sinh, người bị khiếm khuyết do bệnh tật, tai nạn, thương binh, bệnh binh,…Pháp luật quốc tế xác định sự suy giảm chức năng này gây cản trở cho việc người khuyết tật tham gia vào xã hội còn theo định nghĩa người khuyết tật của Việt Nam chỉ xác định người khuyết tật là người bị suy giảm chức năng gây khó khăn cho học tập, sinh hoạt. Ta thấy khi xác định khả năng tham gia vào xã hội sẽ rộng hơn, bao quát hơn rất nhiều.
2.2.2 Về tiêu chí xác định đối tượng theo quy định của pháp luật Việt Nam chưa cụ thể so với quy định của pháp luật quốc tế
Pháp luật Việt Nam xác định người khuyết tật theo hai tiêu chí: người đó bị khiếm khuyết bộ phận cơ thể hoặc là bị suy giảm chức năng được biểu hiện dưới dạng tật. Pháp luật Việt Nam quy định sáu dạng tật: khuyết tật vận động, khuyết tật nghe, nói; khuyết tật nhìn; khuyết tật thần kinh, tâm thần; khuyết tật trí tuệ; khuyết tật khác. Như vậy, nhìn chung pháp luật Việt Nam đã có những quy định khá phù hợp với pháp luật quốc tế đặc biệt với nội dung Công ước khi đề ra tiêu chí nhằm xác định đối tượng người khuyết tật.
Theo Đạo luật về người khuyết tật của Hoa Kỳ thì có đưa ra ví dụ cụ thể về khuyết tật bao gồm: khiếm khuyết về vận động, thị giác, nói và nghe, chậm phát triển tinh thần, bệnh cảm xúc và những khiếm khuyết cụ thể về học tập, bại não, động kinh, teo cơ, ung thư, bệnh tim, tiểu đường, các bệnh lây lan và không lây lan như bệnh lao và bệnh do HIV. Như vậy, pháp luật Việt Nam hiện tại vẫn còn những quy định khá chung chung và bó hẹp đối tượng người khuyết tật.
Thứ nhất, “Tự kỷ” chưa một lần được nhắc tên bất kỳ văn bản quy phạm pháp luật nào của Việt Nam từ trước đến nay, kể cả Luật Người khuyết tật 2010 mới ban hành. Luật NKT chỉ quy định 6 dạng khuyết tật là vận động, nghe-nói, nhìn, trí tuệ, thần kinh-tâm thần và khuyết tật khác. Dự thảo 3 Nghị định hướng dẫn thi hành có quy định cụ thể hơn các dạng này, nhưng cũng không có khái niệm tự kỷ. Điều này cũng dễ hiểu vì tự kỷ mới xuất hiện ở Việt Nam không lâu, mới chỉ tầm hơn 10 năm nay. Và trên thế giới, tuy tự kỷ đã xuất hiện đã được tầm dăm bảy chục năm và được nghiên cứu rầm rộ, vẫn chưa ai tìm ra nguyên nhân hay cách thức chữa trị dứt điểm.
Với bản chất là khiếm khuyết về giao tiếp, hành vi và xã hội, tự kỷ không giống bất kỳ dạng khuyết tật nào trong 5 dạng đã được kể tên. Thậm chí, vẫn còn được gọi là “bệnh tự kỷ”, tức là không phải mang tính suốt đời và không phải là khuyết tật.
Trong khi đó pháp luật của nhiều nước, tự kỷ cũng nhanh chóng được ghi nhận là một loại khuyết tật mới và riêng biệt, với định nghĩa rõ ràng, và có những chế độ chương trình can thiệp, điều trị cụ thể và cực kỳ tinh vi và mạnh mẽ, với thời lượng can thiệp lớn, tổng thể ở nhiều nếu không nói là toàn bộ lĩnh vực (tâm vận động, điều hoà giác quan, điều chỉnh hành vi, xây dựng quan hệ xã hội, v.v.).
Thứ hai, về chứng nói lắp, ở Việt Nam đây không được nhắc đến với khái niệm là một dạng tật nhưng trong pháp luật quốc tế đây có thể coi là một dạng tật vì nó dẫn đến suy giảm chức năng khi người đó nói mà không ai hiểu. Trong khi quy định của pháp luật Việt Nam chưa có những quy định cụ thế.
Như vậy, ta thấy so với sự tương thích pháp luật Việt Nam so với pháp luật quốc tế thì khái niệm người khuyết tật Việt Nam còn chung chung so với pháp luật quốc tế. Tuy nhiên, trong khi một số nước trên thế giới vẫn tiếp cận khái niệm người khuyết tật dưới các góc độ về y tế (nhìn nhận người khuyết tật là những người có vấn đề về thể chất và cần được chữa trị), thì pháp luật Việt Nam đã tiếp cận khái niệm này dưới góc độ xã hội, đây là một tiến bộ lớn của Việt Nam so với các nước khác trên thế giới. Theo đó, quan điểm khuyết tật theo mô hình xã hội phân biệt những rào cản khuyết tật và khuyếm khuyết nên nó tạo điều kiện cho người khuyết tật chỉ tập trung vào khả năng và những điều cần làm là loại bỏ yếu tố rào cản trợ giúp cho yếu tố khiếm khuyết và được đối xử như những người khác. Mô hình xã hội giúp người khuyết tật hiểu điều gì cần thực hiện để tiếp cận với công dân và quyền con người. Ở đây, chính người khuyết tật cũng phải nhận thức được đầy đủ các nghĩa vụ của mình với tư cách là công dân trong mọi đời sống kinh tế xã hội mà mình tham gia. Đây là công cụ quan trọng để giải quyết các nguyên nhân gốc rễ của người khuyết tật bị tách biệt khỏi cuộc sống nói chung và vấn đề phân biệt đối xử nói riêng.
KẾT LUẬN
Thông qua quy định của các hệ thống pháp luật khác nhau cho thấy để đưa ra khái niệm thuyết phục và thống nhất về người khuyết tật là không dễ dàng. Việc nghiên cứu đưa ra định nghĩa quốc tế về người khuyết tật là thách thức do những mô hình của khuyết tật chịu ảnh hưởng bởi yếu tố văn hóa, điều kiện kinh tế xã hội và các tiêu chí khác xác định người khuyết tật ( các tiêu chí này thường phụ thuộc vào các nước, các tổ chức khác nhau). Tuy nhiên, cần khẳng định rằng định nghĩa về người khuyết tật dù tiếp cận dưới góc độ nào, nhất thiết phải phản ánh thực tế là người khuyết tật có thể gặp rào cản do yếu tố xã hội môi trường hoặc con người khi tham gia vào mọi hoạt động kinh tế chính trị xã hội. Họ phải được đảm bảo rằng họ có quyền và trách nhiệm tham gia vào mọi hoạt động của đời sống.
Trên đây là toàn bộ nội dung chính trong bài tập nhóm tháng thứ nhất môn Luật Người khuyết tật của nhóm chúng em với đề tài: ““Phân tích khái niệm Người khuyết tật. So sánh quy định của Pháp luật Quốc tế với pháp luật Việt Nam về khái niệm Người khuyết tật”. Vì khuôn khổ bài tập nhóm có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 7 – Lớp N02 chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn./.
Chúng em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Người khuyết tật Việt Nam, Nxb CAND, Hà nội 2011
2. Công ước về quyền của người khuyết tật 2006, Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, Nxb Lao đông-xã hội 2008
3. Công ước 159 của ILO về phục hồi chức năng lao động và làm việc của người khuyết tật năm 1983
4. Pháp lệnh người tàn tật 1998
5. Luật Người khuyết tật năm 2010 của nước CHXHCN Việt Nam
6. Hướng tới cơ hội việc làm bình đẳng cho người khuyết tật thông qua hệ thống pháp luật ( Tài liệu hướng dẫn của Văn phòng ILO)
7. Các website:
- http://www.ilo.org
- http://www.nguoikhuyettat.org
Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment