15/06/2014
Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật - Bài tập học kỳ Luật Người khuyết tật
Như chúng ta đã biết, người khuyết tật là những người bất hạnh vì nhiều nguyên nhân khác nhau như bệnh tật, tai nạn hay bẩm sinh…Họ không có khả năng lao động chân tay hiệu quả như bao người khác. Áp lực tâm lý đối với những người khuyết tật cũng là rất lớn, đó là những mặc cảm, tự ti về khiếm khuyết trên cơ thể mình, là những gánh nặng mà họ đem đến cho gia đình và xã hội. Vì vậy, họ chính là đối tượng cần được tạo điều kiện trong cuộc sống hơn bình thường. Xuất phát từ điều đó, việc pháp luật quy định về nguyên tắc “Bình đẳng và không phân biệt đối xử” đối với người khuyết tật là việc làm cần thiết góp phần đảm bảo quyền và nghĩa vụ của họ. Trong phạm vi bài tập lớn học kì môn Pháp luật Người  khuyết tật, em xin được trình bài và làm rõ nguyên tắc trên qua đề bài: “Phân tích nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật. Nguyên tắc này được cụ thể hóa như thế nào trong pháp luật người khuyết tật? Liên hệ với thực tiễn”

NỘI DUNG CHÍNH

1. CƠ SỞ PHÁP LÝ CỦA NGUYÊN TẮC


Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật liên quan mật thiết đến khái niệm nhân phẩm. Nguyên tắc này xuất phát từ quan điểm cho rằng tất cả mọi người dù họ có sự khác nhau về thể lực, trí lực và các đặc điểm khác, đều có giá trị và tầm quan trọng ngang nhau: “Tất cả mọi người sinh ra đều được tự do và bình đẳng về nhân phẩm và quyền. Mọi con người đều được tạo hóa ban cho lý trí và lương tâm và cần phải đối xử với nhau trong tình bằng hữu” . (Điều 1 Tuyên ngôn toàn thế giới cả Liên hợp quốc về nhân quyền năm 1948) và “Tất cả  mọi người, không phân biệt chủng tộc, tín ngưỡng, hoặc giới tính đều có quyền được mưu cầu một cuộc sống vật chất đầy đủ, được phát triển tinh thần trong điều kiện tự do và đảm bảo nhân phẩm, trong điều kiện an ninh kinh tế và cơ hội bình đẳng”  (Tuyên bố của Tổ chức lao động thế giới tại Philadenphia năm 1944). Vì vậy họ có quyền được đối xử công bằng và không bị phân biệt trong mọi lĩnh vực của đời sống xã hội. Công ước về quyền của người khuyết tật năm 2006 cũng đã ghi nhận nguyên tắc này tại Điều 5 và Điều 12:


Điều 5: Bình đẳng và không phân biệt đối xử:
1. Các quốc gia thành viên công nhận tất cả mọi người đều bình đẳng trước pháp luật, tuân theo pháp luật và có quyền được pháp luật bảo vệ, được hưởng lợi từ pháp luật một cách bình đẳng mà không bị phân biệt đối xử.
2. Các quốc gia thành viên phải ngăn cấm mọi sự phân biệt đối xử do bị khuyết tật và đảm bảo tất cả mọi người khuyết tật được pháp luật bảo vệ một cách bình đẳng và hiệu của chống lại mọi hình thức phân biệt đối xử.
3. Để thúc đẩy sự bình đẳng và xóa bỏ phân biệt đối xử, các quốc gia thành viên sẽ thực hiện tất cả các bước phù hợp nhằm đảm bảo cung cấp sự điều chỉnh hợp lý.
4. Những biện pháp cụ thể cần thiết để nâng cao hay đạt được sự bình đẳng của người  khuyết tật sẽ không bị coi là sự phân biệt đối xử theo các điều khoản của công ước này. 

Điều 12: Công nhận bình đẳng trước pháp luật
1. Các quốc gia tham gia tái khẳng định rằng người khuyết tật có quyền được cộng nhận ở tất cả mọi nơi là những con người trước pháp luật;
2. Các quốc gia tham gia sẽ cộng nhận người khuyết tật có năng lực pháp lý, trên cơ sở bình đẳng như công dân khác, trong tất cả các mặt của đời sống;
3. Các quốc gia tham gia sẽ tiền hành các biện pháp thích hợp để người người khuyết tật có thể tiếp cận tới những hỗ trợ mà họ cần khi thực thi năng lực pháp lý của họ;
4. ……..” 

Pháp luật các nước trên thế giới ở những mức độ khác nhau cũng đã quy định vấn đề này trong các văn bản pháp luật. Về phương diện pháp lý, nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử có thể được tiếp cận với các khía cạnh khác nhau trong pháp luật và dẫn đến các hậu quả không giống nhau. Các quốc gia trên thế giới có luật pháp chung về chống phân biệt đối xử áp dụng cho mọi công dân, trong đó có đề cập người khuyết tật, ví dụ: Canada – Luạt nhân quyền năm 1985; Airơlen – Luật bình đẳng việc làm năm 1998; Namibia – Luật về việc làm ưu đãi năm 1998… Các quốc gia có luật pháo về chống phân biệt đối xử chỉ áp dụng với người khuyết tật, ví dụ: Hoa Kỳ - Luật người khuyết tật năm 1990, Costa Rica – Luật 7600 về cơ hội bình đẳng cho người khuyết tật năm 1996; Ghana – Luật về người khuyết tật năm 1993; Việt Nam – Luật Người khuyết tật 2010…

Mặt khác để có cơ sở xác định một hành vi có phải là bình đẳng hoặc phân biệt đối xử với người khuyết tật hay không cần có các tiêu chí xác định mang tính pháp lý được cơ quan có thẩm quyền quy định.

Công ước về quyền của Người khuyết tật 2006 quy định tại Điều 2 : “…Phân biệt đối xử do bị khuyết tật có nghĩa là bất cứ hình thức phân biệt, loại trừ hay hạn chế nào do bị khuyết tật, có mục đích hay ảnh hưởng làm giảm hay hủy bỏ sự công nhận, thụ hưởng, thực hiện trên cơ sở bìn đẳng với những người khác, tất cả các quyền con người và tự do cơ bản về chính trị, kinh tế, xã hội, văn hóa, dân sự hay bất cứ lĩnh vực nào khác. Nó bao gồm tất cả các hình thức phân biệt đối xử, bao gồm cả việc từ chối không tạo ra sự điểu chỉnh hợp lý”

Khoản 2 - Điều 2 Luật Người khuyết tật Việt Nam 2010 cũng quy định về kì thị:

“2. Kì thị người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó
  3.Phân biệt đối xử với người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ bang, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó”

Tuy không có điều luật cụ thể quy định về nguyên tắc này nhưng Luật Người khuyết tật 2010 cũng có các điều quy định xoay quanh nhằm đảm bảo nguyên tắc trên. Tại Khoản 2 – Điều 4 Luật Người khuyết tật 2010: “Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật” 

2. NỘI DUNG NGUYÊN TẮC

Một cách chung nhất, nguyên tắc bình đẳng ở đây được hiểu là sự ngang nhau trong việc tiếp cận các cơ hội về học tập, việc làm; chăm sóc sức khỏe, dịch vụ công…của người khuyết tật trong mọi điều kiện, hoàn cảnh, bao gồm: Bình đẳng trên danh nghĩa; Bình đẳng về cơ hội, Bình đẳng về kết quả. 

Nguyên tắc bình đẳng liên quan mật thiết đến khái niệm nhân phẩm. Nguyên tắc này xuất phát từ tư tưởng cho rằng tất cả mọi người, bất kể họ khác nhau về trí lực, thể lực và các đặc điểm khác, đều có giá trị và tầm quan trọng ngang nhau. Mỗi một con người đều có quyền được hưởng và cần được nhận sự quan tâm và tôn trọng như nhau. Điều này có nghĩa là tất cả mọi người, kể cả nam và nữ, cần được đối xử công bằng và có cơ hội bình đẳng để tham gia các hoạt động xã hội, kể cả thị trường lao động. Nguyên tắc bình đẳng, cũng như một sản phẩm mà nguyên tắc này đem lại là việc cấm phân biệt đối xử, có thể được thể hiện bằng nhiều cách khác nhau trong luật pháp.

Bình đẳng trên danh nghĩa

Theo quan điểm chính thống về sự bình đẳng, những người ở trong hoàn cảnh như nhau cần được đối xử giống nhau. Quan điểm này thường không tính đến sự khác biệt và bất lợi của từng cá nhân và hoàn cảnh cứ như thể những yếu tố này không có liên quan gì. Trong khi không cho phép đối xử người này hơn hoặc kém người kia, người ta lại không đặt ra về quy định phải có những điều chỉnh và cải thiện cần thiết. 

Bình đẳng về cơ hội

Khái niệm này quy định về sự bình đẳng trong cơ hội chứ không nhất thiết phải là bình đẳng về kết quả. Cách nhìn này, thừa nhận vai trò quan trọng của những khác biệt của cá nhân và tập thể đồng thời nhận diện những rào cản bên ngoài mà người khuyết tật gặp phải có thể cản trở họ tham gia vào xã hội. Định kiến và và môi trường không tiếp cận đều được coi là những vật cản đối sự tham gia toàn diện vào đời sống xã hội của người khuyết tật.

Bình đẳng về kết quả

Bình đẳng về kết quả là sự bảo đảm các kết quả là như nhau đối với tất cả mọi người. Nếu nhìn nhận sự bình đẳng theo góc độ này, sự khác biệt giữa các cá nhân và các nhóm đối tượng sẽ được thừa nhận. 

Trong thực tế, khái niệm bình đẳng về cơ hội được sử dụng nhiều nhất trong văn bản pháp luật ở các quốc gia. Ví dụ: Người khuyết tật cũng có những quyền lợi và nghĩa vụ cơ bản như những công dân khác như như quyền chính trị (quyền được ứng cử, bẩu cử, tham gia quản lý nhà nước, xã hội, thảo luận các vấn đề chung của cả nước và địa phương …), kinh tế (tự do kinh doanh, lao động …), giáo dục (quyền được học tập, nghiên cứu khoa học …) theo quy định tại Hiến pháp nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam và các văn bản pháp luật liên quan

Tuy nhiên nguyên tắc bình đằng không có nghĩa là bằng nhau hoặc như nhau, không có nghĩa việc người khuyết tật phải được hưởng các quyền và thực hiện nghĩa vụ giống tuyệt đối so với những người bình thường mới là bình đẳng. Ví dụ: Theo quy định tại Khoản 4 – Điều 125 Bộ luật Lao động nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam: “Thời giờ làm việc của người tàn tật không được quá 7 giờ một ngày hoặc 42 giờ một tuần” . Trong khi đó tại khoản 1 Điều 68 quy định về thời giờ làm việc đối với người bình thường là “không quá 8 giờ trong một ngày và 48 giờ trong một tuần” . Quy định trên không bị coi là phân biệt đối xử, hạn chế khả năng làm việc của người khuyết tật bởi lẽ, người khuyết tật được coi là đối tượng lao động đặc thù, họ không có sự phát triển hoàn thiện về sức khỏe, thể chất như những người bình thường dẫn đến những khó khăn nhất định trong quá trình lao động. Quy định như trên của pháp luật nhằm tạo điều kiện để người khuyết tật vẫn được tham gia lao động như những người bình thường khác, nhưng vẫn được đảm bảo về sức khỏe, thể chất. 

Hoặc tại Khoản 2 Điều 27 Luật Người Khuyết tật 2010 quy định về Giáo dục đối với Người khuyết tật:

“2. Người khuyết tật được nhập học ở độ tuổi cao hơn so với độ tuổi quy định đối với giáo dục phổ thông; được ưu tiên trong tuyển sinh; được miễn, giảm một số môn học hoặc nội dung và hoạt động giáo dục mà khả năng của cá nhân không thể đáp ứng; được miễn, giảm học phí, chi phí đào tạo, các khoản đóng góp khác; được xét cấp học bổng, hỗ trợ phương tiện, đồ dùng học tập” 

Quy định trên xuất phát từ việc đảm bảo lợi ích cho người khuyết tật, bởi họ là những người gặp phải những khó khăn nhất định trong quá trình học tập, cần phải có những ưu tiên để khuyến khích và tạo điều kiện giúp họ được tiếp cận với giáo dục một cách dễ dàng và hiệu quả hơn.

Tương tự, người khuyết tật gặp phải những dạng tật khác nhau và mức độ khuyết tật không giống nhau cần phải được sự bảo đảm khác nhau. Ví dụ: Một người bị khuyết tật đặc biệt nặng cần phải có sự bảo trợ hoàn toàn của xã hội, trong khi một người bị khuyết tật nhẹ thì không cần phải như vậy).

Bên cạnh đó, việc ngăn cấm phân biệt đối xử không có nghĩa là quy cho mọi hình thức phân biệt là trái pháp luật. Ví dụ: Trong quan hệ lao động, người sử dụng lao động có quyền yêu cầu người lao động phải có những kĩ năng và trình độ cần thiết mà công việc hoặc môi trường công việc đòi hỏi những yêu cầu này là chính đáng. Do đó, dẫn  đến khả  năng loại trừ một số người khuyết tật khỏi danh sách người tham gia làm việc nhưng những trường hợp như vậy không được coi là phân biệt đối xử. Chẳng hạn: Tiêu chuẩn để tuyển chọn phi công của hãng hàng không Vietnam Airline đặc biệt chú trọng đến những tiêu chuẩn về hình thức, sức khỏe, chiều cao, phản xạ…dẫn đến người khuyết tật (khiếm thính, khiếm thị…) không được vào làm việc. Những yêu cầu trong trường hợp như trên là hợp pháp và đúng mức, do vậy nó đơn thuần là yêu cầu mang tính nghề nghiệp và không bị coi là phân biệt đối xử

Pháp luật Việt Nam hiện nay thừa nhận “Bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật” là một trong các nguyên tắc cơ bản để xây dựng hệ thống pháp luật về Người khuyết tật. Các văn bản pháp lý liên quan khi ban hành cũng phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc trên

3. Ý NGHĨA CỦA NGUYÊN TẮC

Nguyên tắc bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật dc thể hiện xuyên suốt, từ Pháp lệnh Người tàn tật 1998 đến Luật Người khuyết tật 2010. Và  có thể nói, từ khi Luật Người khuyết tật 2010 ra đời, địa vị pháp lý và xã hội của Người khuyết tật đã được nâng lên đáng kể. Có thể nhận thấy ý nghĩa của nguyên tắc trên thông qua ba khía cạnh sau đây:

- Ý nghĩa pháp lý: Như đã nói ở trên, pháp luật Việt Nam thừa nhận nguyên tắc Bình đẳng và không phân biệt đối xử với người khuyết tật là một trong các nguyên tắc cơ bản. Các văn bản pháp luật khi ban hành phải đảm bảo thực hiện nguyên tắc trên. Đây có thể coi là hành lang pháp lý để các chủ thể khi tham gia quan hệ xã hội phải tuân thủ. Thiết nghĩ vẫn cần thêm các chế độ bảo hộ để nguyên tắc trên được đảm bảo thực hiện một cách triệt để.

- Ý nghĩa xã hội: Nguyên tắc trên góp phần giúp người khuyết tật vượt qua mặc cảm, tư ti để hòa nhập vào cuộc sống, để họ thấy họ được công nhận như những công dân bình thường, được hưởng các quyền và cũng phải thực hiện nghĩa vụ như mọi công dân khác.

- Ý nghĩa kinh tế: Người khuyết tật khi vượt qua được rảo cản tự ti họ sẽ tham gia vào lao động sản xuất như những người bình thường. Có rất nhiều người khuyết tật có những khả năng đặc biệt và thành đạt trong lĩnh vực của mình đang hàng ngày đóng góp sức lao động vào sự phát triển chung, tạo ra của cải vật chất cho xã hội.

Hiệp sĩ công nghệ thông tin Nguyễn Công Hùng

4. THỰC TIỄN THỰC HIỆN NGUYÊN TẮC “BÌNH ĐẲNG VÀ KHÔNG PHÂN BIỆT ĐỐI XỬ VỚI NGƯỜI KHUYẾT TẬT” TẠI VIỆT NAM

4.1 Ưu điểm và hạn chế

Về ưu điểm:

Hiện nay ở Việt Nam ước tính có khoảng 5,1 triệu người khuyết tật (chiếm khoảng 6% dân số), trong đó có 1,1 triệu người bị khuyết tật nặng. Năm 1998, Pháp lệnh về Người tàn tật được thông qua và sau đó đã có 2 nghị quyết và 19 luật chuyên ngành liên quan đến người tàn tật cùng hơn 200 văn bản hướng dẫn thi hành được ban hành. Trong thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã từng bước hoàn thiện hệ thống luật pháp và chính sách về người khuyết tật, triển khai các chương trình, đề án hỗ trợ người khuyết tật và huy động tối đa sự tham gia của xã hội trợ giúp người khuyết tật hòa nhập cộng đồng và phát triển. Luật Người khuyết tật được Quốc hội ban hành vào ngày 17 tháng 6 năm 2010 và có hiệu lực từ ngày 1/1/2011 đánh dấu một bước tiến lớn trong việc hỗ trợ pháp lý cho người khuyết tật ở Việt Nam. Thông tin, truyền thông, giáo dục nhằm thay đổi thái độ và hành vi về vấn đề khuyết tật; chống kỳ thị và phân biệt đối xử người khuyết tật là một trong những nội dung quan trọng được đưa vào Luật. Có thể nói, Luật Người khuyết tật và các văn bản pháp lý liên quan đã bước đầu thực hiện được đúng tinh thần của nguyên tắc.

Về hạn chế:

Nhận thức của cộng đồng đối Người khuyết tật chưa đúng đắn. Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội đã công bố một điều tra xã hội trên quy mô lớn về tình trạng của Người khuyết tật tại bốn địa phương có tỷ lệ Người khuyết tật cao là Thái Bình, Ðà Nẵng, Quảng Nam, Ðồng Nai. Qua điều tra 8.000 hộ gia đình được chọn ngẫu nhiên ở 49 phường, xã của bốn tỉnh, cho thấy sự thật đáng báo động về sự kỳ thị và thái độ phân biệt đối xử đối với Người khuyết tật 98% số người được hỏi cho rằng, Người khuyết tật là những người "đáng thương"; 40% số người cho rằng, Người khuyết tật có thói quen ỷ lại vào người khác; 66% cho rằng Người khuyết tật không thể có cuộc sống "bình thường"; 76% cho rằng nên gửi Người khuyết tật vào các Trung tâm bảo trợ xã hội. Người khuyết tật phải đối mặt với sự kỳ thị ở nhiều hoàn cảnh khác nhau: gia đình, cộng đồng, trường học, bệnh viện, nơi làm việc...

Hiểu biết của cộng đồng đối với pháp luật Người khuyết tật chưa cao, dẫn đến việc không đảm bảo được các quyền của Người khuyết tật theo quy định của pháp luật. Theo khảo sát của Viện Nghiên cứu Phát triển Xã hội, có đến 60% số người được hỏi chưa bao giờ nghe đến Luật Người khuyết tật, 23% từng nghe đến nhưng không biết về nội dung văn bản này.

Người khuyết tật vẫn bị kì thị, phân biệt đối xử ngay trong chính gia đình mình. Trong cuộc sống, Người khuyết tật phải gánh chịu nhiều thiệt thòi do tình trạng khuyết tật gây ra, từ việc thực hiện những công việc sinh hoạt hằng ngày, học tập, việc làm đến tiếp cận các dịch vụ y tế, kết hôn, sinh con và tham gia các hoạt động xã hội... Ðể khắc phục, Người khuyết tật chủ yếu dựa vào gia đình - chỗ dựa và là nguồn giúp đỡ chính đối với họ. Nhưng khó khăn càng trở nên trầm trọng hơn khi với nhiều Người khuyết tật, họ bị phân biệt đối xử ngay từ chính trong gia đình mình. Họ bị bố mẹ, anh chị em trong nhà coi là gánh nặng nên thường xuyên bị lăng mạ, sỉ nhục, thậm chí còn bị bỏ rơi, không chăm sóc. Số ít còn bị bố mẹ bắt đi ăn xin hoặc bị khóa xích trong nhà.

Tại cộng đồng, Người khuyết tật cũng thường bị chế nhạo, bị lăng mạ. Người ta thường xa lánh, tránh gặp Người khuyết tật trước khi làm việc gì đó quan trọng như đi công tác xa, đi du lịch, đi thi... Không chỉ có Người khuyết tật mà đôi khi cả gia đình họ cũng bị kỳ thị, xa lánh.

Ở Việt Nam vẫn chưa có một hệ thống đồng bộ về giao thông, công trình xây dựng, vệ sinh, hình ảnh… để người khuyết tật hòa nhập cộng đồng dễ dàng. Đường tiếp cận cho người dùng xe lăn, thiết bị hỗ trợ hướng dẫn bằng âm thanh cho người khiếm thị ở các hè phố, tòa nhà, bến xe, xe buýt là không có hoặc chỉ tính trên đầu ngón tay. Bộ Xây dựng đã ban hành bộ quy chuẩn xây dựng công trình để người khuyết tật dễ tiếp cận nhưng vì không có chế tài nên hầu hết các công trình đều không thực hiện. Rất nhiều công trình xây dựng trong nước đều xây dựng các bậc tam cấp cao, hoành tráng mà quên đi trách nhiệm đối với người khuyết tật.

4.2 Nguyên nhân và một số giải pháp 

Ðể thay đổi nhận thức, thái độ ứng xử của cộng đồng đối với vấn đề Người khuyết tật không phải là điều đơn giản, mà đòi hỏi những cố gắng to lớn từ tất cả các thành phần xã hội.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến sự kỳ thị và phân biệt đối xử với Người khuyết tật như:

Thứ nhất, nhận thức về khái niệm khuyết tật còn chưa đúng. Có ý kiến cho rằng, khuyết tật là vấn đề sức khỏe của một nhóm người bị thiệt thòi làm hạn chế khả năng đóng góp của họ mà không hiểu rằng khuyết tật là sản phẩm của xã hội, bất kỳ xã hội nào cũng có Người khuyết tật và bất kỳ ai cũng có thể trở thành khuyết tật. Vì thế, bất kỳ nỗ lực nào nhằm giúp đỡ Người khuyết tật đều phải dựa trên cơ sở tôn trọng và bảo vệ quyền của Người khuyết tật.

Thứ hai, do một phần do nhận thức chưa đầy đủ của xã hội về quyền của Người khuyết tật và chính sách của Nhà nước dành cho Người khuyết tật.

Thứ ba, trong giáo dục, nhận thức về nhu cầu học tập của Người khuyết tật còn chưa cao. Nhiều người cho rằng, Người khuyết tật, nhất là người khiếm thính, khiếm thị và thiểu năng trí tuệ không nên đi học, vì có học họ cũng chẳng tiếp thu được gì mà còn ảnh hưởng đến học sinh khác. Chính bởi nhận thức này mà nhiều Người khuyết tật không bao giờ được đến trường. Số được đến trường thì gặp nhiều khó khăn trong đi lại, giao tiếp, học tập, cơ sở vật chất thì thiếu thốn, nảy sinh tâm lý chán nản, dẫn tới bỏ học.

Thứ tư, Người khuyết tật cũng thường gặp nhiều khó khăn trong việc làm. Họ thường bị từ chối, hoặc có nhận vào làm thì chỉ được giao những công việc đơn giản, thu nhập thấp, không có cơ hội thăng tiến và phát huy chuyên môn, ít khi được đào tạo nâng cao trình độ, một số còn bị trả công thấp hơn so với người khác... 

Thứ năm, quan niệm Người khuyết tật không thể tự nuôi sống bản thân và sẽ làm tăng thêm gánh nặng cho gia đình là những suy nghĩ cố hữu mang tính thành kiến cản trở Người khuyết tật tiến tới hôn nhân với người mình yêu. Nếu như nam giới khuyết tật còn có nhiều cơ hội lấy được vợ không khuyết tật, thì phụ nữ khuyết tật lại có rất ít khả năng lấy được chồng không khuyết tật.

Giải pháp:

Thứ nhất, cần quy định cơ chế để Người khuyết tật khiếu nại, tố cáo tự bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình; Cần làm rõ chế tài và cơ chế xử lý đối với cá nhân, tổ chức không thực thi các quy định của luật, có hành vi phân biệt đối xử đối với Người khuyết tật

Thứ hai, cần phải có thái độ tích cực hơn, không đánh giá thấp chất lượng cuộc sống và tiềm năng của Người khuyết tật; tăng cường trợ giúp xã hội để giảm bớt những rào cản gây trở ngại cho Người khuyết tật trong quá trình hòa nhập; cung cấp thêm thông tin, tăng khả năng tiếp cận cho Người khuyết tật... điều chúng ta có thể làm để giúp Người khuyết tật có thể sống và hòa nhập là một công dân bình thường, chúng ta cần chú ý đến con người thay vì các khiếm khuyết của Người khuyết tật, đối xử với Người khuyết tật bình đẳng như với những người khác, tránh những kỳ thị liên quan tới vẻ bề ngoài của Người khuyết tật, tránh thái độ thương hại đối với Người khuyết tật. Điều đặc biết, bản thân những con người không bị khuyết tật như chúng ta cần nhận ra một điều rằng: Người khuyết tật không dũng cảm hơn những người khác, họ cũng lo sợ, cũng rất mặc cảm và tự ti về bản thân mình, cũng không mạnh mẽ hơn những người khác. Và những điều họ đạt được cũng không phải siêu phàm mà là hoàn toàn bình thường, họ có quyền được thành công như bao người khác.

Thứ ba, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố chủ quan, tồn tại trong chính bản thân Người khuyết tật. Họ cần lên tiếng để bảo vệ cũng như đòi quyền lợi cho chính mình. Mặt khác, Người khuyết tật cần được giúp đỡ, nhưng không vì vậy mà những người xung quanh cho rằng Người khuyết tật là một gánh nặng cho người khác, cho xã hội. Tuy nhiên, Người khuyết tật không nên có xu hướng ỷ lại quá nhiều vào sự giúp đỡ của người khác. 

Thứ tư, nâng cao quyền năng của Người khuyết tật và hướng dẫn họ tham gia vào xã hội thông qua nâng cao nhận thức về khả năng và quyền bình đẳng của họ.

Thực tế cuộc sống đã chứng minh, Người khuyết tật luôn khát khao sự vươn lên để hòa nhập, nhiều người trong số họ đã làm cho xã hội thay đổi cách nhìn nhận mình một cách bình đẳng như những người bình thường. Họ có thể làm được nhiều hơn những gì chúng ta nghĩ về họ, thậm chí họ có thể làm được những điều mà người lành lặn không ngờ tới. Rất nhiều tấm gương sáng, giàu nghị lực đã vượt lên khó khăn mà sự khuyết tật mang lại, để thành công trên nhiều lĩnh vực: học tập, lao động sản xuất, thể thao, văn hóa nghệ thuật... Không chỉ tự vươn lên, rất nhiều người khuyết tật còn giúp người đồng cảnh cùng vươn lên có được cuộc sống tốt đẹp hơn. 

KẾT LUẬN

Qua một thời gian học tập môn học Luật Người khuyết tật, được giao lưu cùng với một số Người khuyết tật, em nhận thấy việc hòa đồng, rũ bỏ thái độ kì thị, thái độ phân biệt đối xử với Người khuyết tật cũng không phải là vấn đề quá khó khăn. Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Người khuyết tật và chia sẻ những kinh nghiệm của Người khuyết tật sẽ giúp cho những người xung quanh có nhận thức khác, từ đó có một cái nhìn tiến bộ hơn về những Người khuyết tật. Xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh với các chế độ phúc lợi xã hội tốt hướng đến những người kém may mắn hơn, tạo cho họ một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể là trách nhiệm chung mà toàn cộng đồng cùng hướng tới.

Trên đây là toàn bộ nội dung chính trong bài làm của em. Vì khuôn khổ bài tập nhóm có hạn nên có thể bài làm của em không tránh khỏi những thiếu sót. Em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.  

Em xin chân thành cảm ơn!                                                         

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Người khuyết tật Việt Nam, Nxb CAND, Hà nội 2011
2. Công ước về quyền của Người khuyết tật 2006, Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, Nxb Lao đông-xã hội 2008
3. Công ước 159 của ILO về phục hồi chức năng lao động và làm việc của Người khuyết tật năm 1983
4. Pháp lệnh người tàn tật 1998
5. Luật Người khuyết tật năm 2010 của nước CHXHCN Việt Nam
6. Hướng tới cơ hội việc làm bình đẳng cho Người khuyết tật thông qua hệ thống pháp luật ( Tài liệu hướng dẫn của Văn phòng ILO)
7. Các website:
- http://www.ilo.org
- http://www.nguoikhuyettat.org

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment