15/06/2014
Vai trò của gia đình đối với người khuyết tật - Bài tập nhóm Luật Người khuyết tật
Đề 7: Có 1 gia đình có con bị khuyết tật. Nhưng họ đối xử tệ bạc với người con này, biểu hiện bằng các hành vi: không cho đi học, cho ăn mặc rách rưới, chỗ ở tồi tàn so với những người con khác, dấu diếm không cho người khác biết, gạt người khuyết tật ra khỏi những quyết định quan trọng của gia đình…

1. Ý kiến của bạn với tình huống trên?
2. Hãy phân tích và bình luận quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến tình huống trên

Bài làm

Với tư cách là đối tượng, thực thể tồn tại trong đời sống xã hội, Người khuyết tật cũng có đầy đủ các quyền và nghĩa vụ cơ bản của công dân. Tuy nhiên, do những khiếm khuyết không mong muốn về cơ thể mà Người khuyết tật gặp phải nhiều trở ngại, khó khăn trong việc hòa nhập cộng đồng, cũng như thực hiện quyền và nghĩa vụ công dân.

Ở Việt Nam, Người khuyết tật bị xã hội loại trừ và phân biệt đối xử là một hiện tượng khá phổ biết, dễ nhận thấy trong cộng đồng có Người khuyết tật, thậm chí nơi gần gũi với Người khuyết tật nhất là gia đình cũng thể hiện thái độ sợ hãi, ghét bỏ, ruồng rẫy hay coi thường, ít kì vọng vào Người khuyết tật. Nhận thức được vấn đề trên, với bài tập nhóm tháng thứ 2 môn Pháp luật Người khuyết tật, nhóm 7 – Lớp N02 xin triển khai bài làm với đề bài số 7 liên quan trực tiếp đến các nội dung nêu trên.

NỘI DUNG CHÍNH

PHẦN I: Ý KIẾN, NHẬN XÉT CỦA NHÓM VỀ TÌNH HUỐNG

1. Vai trò của gia đình đối với Người khuyết tật

"Vượt qua một bậc thềm nhỏ đối với Người khuyết tật là cả nỗi gian nan. Chúng ta không ở vào hoàn cảnh đó để hiểu rằng những công trình xung quanh đầy rào cản, khiến Người khuyết tật không thể hòa nhập với cộng đồng" - theo thạc sĩ Võ Thị Hoàng Yến, giám đốc DRD. Vai trò của gia đình, người thân là không thể thiếu để giúp cho Người khuyết tật hòa nhập dễ dàng hơn với cuộc sống, xóa bỏ mọi rào cản, kỳ thị xã hội. Trên con đường hòa nhập với cuộc sống như những người bình thường khác Người khuyết tật cần có sự giúp đỡ của rất nhiều đối tượng khác nhau một trong số đó là gia đình.

Gia đình chứ không phải bất kì nơi nào khác, luôn luôn là vòng bảo vệ an toàn và ấm áp nhất cho những người sinh ra hoặc vì lý do nào đó chịu thiệt thòi hơn những người khác. Chính vì vậy gia đình đối với Người khuyết tật là chỗ dựa đặc biệt quan trọng. Chính sự cô lập của gia đình đối với Người khuyết tật càng làm họ bị tách rời và khó có thể hòa nhập với cộng đồng. Giúp đỡ, chăm sóc và tạo điều kiện cho họ được phát triển không chỉ là trách nhiệm của mỗi gia đình mà còn là tình cảm, tình yêu thương là truyền thống văn hiến hàng ngàn năm của dân tộc ta.

2. Nhận xét của nhóm về tình huống 

Từ việc nhận thức được vai trò của gia đình là rất quan trọng đối với những người khuyết tật, khi xem xét tình huống nêu ra ở đề bài nhóm em có một số nhận xét như sau:

2.1 Phía gia đình Người khuyết tật  đã không làm tròn trách nhiệm của mình.

Thứ nhất, hành động của gia đình đi ngược lại với truyền thống đạo đức của người Việt Nam. 

Theo truyền thống của người Việt Nam thì các thành viên trong gia đình phải biết yêu thương, quan tâm, chăm sóc lẫn nhau. Đối với người khuyết tật - những người chịu thiệt thòi về cuộc sống thì họ càng phải nhận được sự quan tâm, yêu thương hơn nữa từ gia đình. Như vậy, việc gia đình này đối xử tệ bạc với người khuyết tật là thành viên trong gia đình, cụ thể là cho ăn mặc rách rưới, dấu diếm không cho người khác biết…là những hành động đáng bị xã hội lên án. Hành động này đã đi ngược lại với những truyền thống tốt đẹp của dân tộc.

Thứ hai, hành động của gia đình đã thể hiện sự phân biệt đối xử đối với người khuyết tật.

Việc gia đình có người khuyết tật đã có những hành động đối xử với người khuyết tật như: không cho đi học, cho ăn mặc rách rưới, chỗ ở tồi tàn,… thể hiện sự phân biệt đối xử  đối với họ. Khoản 3 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về phân biệt đối xử Người khuyết tật như sau: “Phân biệt đối xử Người khuyết tật là hành vi xa lánh, từ chối, ngược đãi, phỉ báng, có thành kiến hoặc hạn chế quyền của Người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó.”  Ta thấy, con người sinh ra được quyền học tập, được đảm bảo những nhu cầu tối thiểu để sống, để sinh hoạt. Đối với người khuyết tật những quyền này được ghi nhận trong Công ước về quyền của người khuyết tật cũng như pháp luật Việt Nam (Hiến pháp 1992, Luật người khuyết tật 2010,…). Nhưng ở đây, gia đình này đã có những hành động phân biệt đối với người khuyết tật. Họ là người khiếm khuyết một phần cơ thể không có nghĩa là họ bị mất đi khả năng hưởng quyền của mình, cụ thể những quyền cơ bản của con người như trình bày ở trên. Việc gia đình này không cho họ đi học, cho ăn mặc rách rưới, chỗ ở tồi tàn,..đã vi phạm quy định của pháp luật quốc tế, pháp luật Việt Nam (khoản 3 Điều 2 Luật người khuyết tật) khi họ hạn chế quyền cơ bản của người khuyết tật, hạn chế họ tiếp cận với những điều kiện tối thiểu như học tập, ăn ở…

Ở tình huống này ta thấy gia đình người khuyết tật còn gạt người khuyết tật ra khỏi những quyết định của gia đình. Điều này là thể hiện việc đối xử không bình đẳng đối với người khuyết tật, hạn chế quyền được tham gia của họ. Họ cũng là thành viên trong gia đình nên hơn ai hết họ cũng phải có quyền được tham gia vào quyết định của gia đình. Việc quyền này bị hạn chế đã khiến cho người khuyết tật nghĩ mình là “người thừa” của gia đình.

Thứ ba, hành động của gia đình thể hiện sự kỳ thị đối với người khuyết tật.

Có thể thấy gia đình người khuyết tật đã dấu diếm người khuyết tật không cho người ngoài biết, không cho họ tham gia vào các quyết định quan trọng của gia đình là hành động thể hiện sự kỳ thị của gia đình đối với thành viên trong gia đình là người khuyết tật. Họ cho rằng người khuyết tật là “ tội vạ” của gia đình, việc gia đình mình có người khuyết tật là rất xấu hổ, họ không muốn ai biết về việc đó. Khoản 2 Điều 2 Luật Người khuyết tật năm 2010 quy định về kì thị Người khuyết tật như sau: “Kỳ thị Người khuyết tật là thái độ khinh thường hoặc thiếu tôn trọng Người khuyết tật vì lý do khuyết tật của người đó”.  

Thứ tư, hành động của gia đình đã vi phạm những quy định của pháp luật Việt Nam về trách nhiệm của gia đình người khuyết tật đối với người khuyết tật. Thể hiện ở chỗ gia đình này đã không tạo điều kiện để Người khuyết tật được chăm sóc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ cơ bản của mình; không tôn trọng ý kiến của Người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân Người khuyết tật và gia đình.

Kết luận: Như vậy có thể thấy từ việc những người trong gia đình đối xử tệ bạc với người con khuyết tật của họ, biểu hiện bằng các hành vi: không cho đi học, cho ăn mặc rách rưới, chỗ ở tồi tàn so với những người con khác, dấu diếm không cho người khác biết, gạt Người khuyết tật ra khỏi những quyết định quan trọng của gia đình… cho thấy phía gia đình của Người khuyết tật có sự kỳ thị, không tôn trọng, phân biệt đối xử  và đã hạn chế hầu như các quyền của Người khuyết tật nói trên. Hơn nữa, đối chiếu với những gì mà người con khuyết tật phải chịu trong tình huống trên, ta thấy, trước hết, quyền của người con khuyết tật này đã bị vi phạm nghiêp trọng. Thực ra, quyền được sống, quyền được đi học, được vui chơi, giải trí, được tham gia các hoạt động cộng đồng… là những quyền cơ bản của con người mà theo đó, bất cứ người nào cũng phải được đảm bảo. 

Những hành động này của gia đình người khuyết tật đã hạn chế quyền của họ, quyền được tiếp xúc với cuộc sống, với xã hội, thể hiện sự thờ ơ của người than. Điều này chính là rào cản trực tiếp để người khuyết tật hòa nhập vào cuộc sống. 

2.2 Đánh giá một số nguyên nhân dẫn đến việc gia đình có những hành động như vậy:  

Theo tình huống thì gia đình này có hành động phân biệt đối xử đối với những người con khuyết tật và không khuyết tật nên theo nhóm lý do gia đình này có những khó khăn về tài chính, về cuộc sống mà họ không đảm bảo được việc học tập và sinh hoạt cho người khuyết tật là không hợp lý. Rõ ràng ở đây họ đối xử phân biệt rõ ràng đối với những người con không khuyết tật và khuyết tật lý do tài chính không thể giải thích cho hành động này được. 

Nên trong tình huống này có thể lý giải nguyên nhân gia đình có những hành động như vậy có lẽ vì những quan điểm sai lệch về Người khuyết tật, coi họ là “ nghiệp chướng”, nghĩ họ không có ích gì đối với gia đình mà gia đình, thân nhân của Người khuyết tật trong tình huống trên đã không đảm bảo các quyền cho họ, không thực hiện đúng trách nhiệm của mình với Người khuyết tật, kéo theo là sự ngược đãi, phân biệt đối xử, thái độ kì thị với Người khuyết tật.

Để giải quyết tình trạng gia đình có hành động phân biệt, kỳ thị đối với người khuyết tật thì hiện tại pháp luật Việt Nam chưa có những quy định cụ thể về biện pháp xử lý. Điều này là tùy thuộc vào nhận thức của gia đình người khuyết tật. Hành động này của gia đình chỉ bị xã hội lên án. Giải pháp:

- Cán bộ địa phương hoặc những người xung quanh có thể gặp gỡ gia đình có người khuyết tật và giúp họ nhận thức rõ ràng về những người khuyết tật, họ cũng có những quyền cơ bản như những thành viên khác.

- Mọi người xung quanh, xã hội có những thái độ, lên án mạnh mẽ để gia đình này không hành động phân biệt đối xử với người khuyết tật.

PHẦN II: PHÂN TÍCH VÀ BÌNH LUẬN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH LIÊN QUAN ĐẾN TÌNH HUỐNG

1. Quy định của pháp luật hiện hành về trách nhiệm của gia đình đối với Người khuyết tật.

Có thể thấy rằng, tình huống trên là một tình huống có liên quan đến các quy định của pháp luật vềNgười khuyết tật. Cụ thể là về quyền của Người khuyết tật và trách nhiệm của gia đình cũng như của xã hội đối với những đối tượng này. Liên quan đến vấn đề này, pháp luật Việt Nam  đã có những quy định như thế nào, chúng ta hãy cùng tìm hiểu để thấy được những  điểm tiến bộ cũng như những bất cập và hạn chế, từ có đưa ra những giải pháp để khắc phục. Đi vào tìm hiểu những quy định này ta thấy: 

Tại Công ước về quyền của Người khuyết tật quy định Người khuyết tật có các quyền được đối xử bình đẳng, được tư do biểu đạt, chính kiến, quyền được bảo vệ , không bị bóc lột, bạo hành và lạm dụng…Cụ thể hóa những quy định về quyền của Người khuyết tật thì pháp luật Việt Nam cũng có những quy định cụ thể về quyền này. Muốn thực hiện được những quyền này thì trách nhiệm của gia đình là rất quan trọng. 

Điều 4 Luật Người khuyết tật quy định như sau:

“1. Người khuyết tật được bảo đảm thực hiện các quyền sau đây:
a) Tham gia bình đẳng vào các hoạt động xã hội;
b) Sống độc lập, hòa nhập cộng đồng;
c) Được miễn hoặc giảm một số khoản đóng góp cho các hoạt động xã hội;
d) Được chăm sóc sức khỏe, phục hồi chức năng, học văn hóa, học nghề, việc làm, trợ giúp pháp lý, tiếp cận công trình công cộng, phương tiện giao thông, công nghệ thông tin, dịch vụ văn hóa, thể thao, du lịch và dịch vụ khác phù hợp với dạng tật và mức độ khuyết tật;
đ) Các quyền khác theo quy định của pháp luật.
2. Người khuyết tật thực hiện các nghĩa vụ công dân theo quy định của pháp luật.” 

Có thể nói trong các gia đình Việt Nam, tư tưởng “lá lành đùm lá rách” từ lâu đã trở thành đạo lý truyền thống.Nhưng trong suy nghĩ của nhiều gia đình thì “ lá rách” ở đây thường được hiểu là những người gặp khó khăn về kinh tế, người nghèo đói, trẻ em mồ côi,… nhưng ở một mức độ nào đó, còn bao gồm cả những Người khuyết tật. Vì lòng tự trọng và mặc cảm tự ti nên nhiều Người khuyết tật đã tìm cách thoát li khỏi các hoạt động chung của xã hội. Chính vì vậy mà họ bị bỏ quên trong xã hội và không được gia đình chú ý.

Không chỉ trên phương diện đạo đức mà  Việt Nam đã ghi nhận trách nhiệm của gia đình đối với Người khuyết tật trong pháp luật để nhằm đảm bảo tốt hơn nữa quyền của Người khuyết tật.

1.1 Trách nhiệm của gia đình Việt Nam đối với Người khuyết tật

Trách nhiệm này được ghi nhận thành một điều khoản cụ thể: Điều 8: Trách nhiệm của gia đình:

“ Gia đình có trách nhiệm giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật; thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn thương tích, bệnh tật và nguy cơ khác dẫn đến khuyết tật”. 

Với quy định này Nhà nước đã xác định rất rõ trách nhiệm của các gia đình trong việc :

Giáo dục, tạo điều kiện để thành viên gia đình nâng cao nhận thức về vấn đề khuyết tật.

Chủ động thực hiện các biện pháp phòng ngừa, giảm thiểu khuyết tật bẩm sinh, khuyết tật do tai nạn…

Trong đó, quan trọng là vận dụng các biện pháp nhằm thay đổi tư duy và nhận thức chủ quan của từng thành viên trong gia đình về vấn đề khuyết tật. Ví dụ: cách nhìn nhận về Người khuyết tật như một sự chia sẻ, thông cảm và thân ái; cách đối xử với Người khuyết tật chân thành và công bằng để tránh gây những mặc cảm hoặc hiểu lầm đáng tiếc; cách hành động để tạo ra sự bình đẳng và hòa đồng giữa những Người khuyết tật và không khuyết tật…

1.2 Trách nhiệm của chính gia đình Người khuyết tật đối với Người khuyết tật

Đầu tiên, trách nhiệm này được ghi nhận trong khoản 1 Điều 4  pháp lệnh người tàn tật 1998. Tuy pháp lệnh này thì thuật ngữ “ Người khuyết tật” chưa được sử dụng nhưng có thể thấy rằng ngay từ khi ban hành văn bản đầu tiên quy định về Người khuyết tật thì các nhà làm luật Việt Nam đã nhận thức rõ  vai trò to lớn từ phía gia đình.

Điều 4: “Cha mẹ, các thành viên khác trong gia đình, người giám hộ của người tàn tật có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc, giúp đỡ người tàn tật phục hồi chức năng, học tập, lao động và tham gia sinh hoạt xã hội”. 

Nhận thức được tầm quan trọng của gia đình Người khuyết tật đối với chính Người khuyết tật trong gia đình, Điều 8 Luật Người khuyết tật quy định rất rõ về trách nhiệm này: 

Bảo vệ, nuôi dưỡng, chăm sóc Người khuyết tật;

Tạo điều kiện để cho Người khuyết tật được chăm soc sức khỏe và thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình;

Tôn trọng ý kiến của Người khuyết tật trong việc quyết định những vấn đề liên quan đến cuộc sống của bản thân Người khuyết tật và gia đình;

Thực hành quy định về giáo dục, nâng cao nhận thức của các thành viên trong gia đình về vấn đề khuyết tật.

Như vậy, có thể thấy 

Ngoài ra, gia đình Người khuyết tật còn có trách nhiệm: “tạo điều kiện và cơ hội thuận lợi để Người khuyết tật được học tập và phát triển theo khả năng của cá nhân” (Điều 28).

Điều 14 luật này quy định Những hành vi bị nghiêm cấm:

1. Kỳ thị, phân biệt đối xử Người khuyết tật.
2. Xâm phạm thân thể, nhân phẩm, danh dự, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp của Người khuyết tật.
3. Lôi kéo, dụ dỗ hoặc ép buộc Người khuyết tật thực hiện hành vi vi phạm pháp luật, đạo đức xã hội.
4. Lợi dụng Người khuyết tật, tổ chức của Người khuyết tật, tổ chức vì Người khuyết tật, hình ảnh, thông tin cá nhân, tình trạng của Người khuyết tật để trục lợi hoặc thực hiện hành vi vi phạm pháp luật.
5. Người có trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc Người khuyết tật không thực hiện hoặc thực hiện không đầy đủ trách nhiệm nuôi dưỡng, chăm sóc theo quy định của pháp luật.
6. Cản trở quyền kết hôn, quyền nuôi con của Người khuyết tật… 

2. Bình luận về quy định của pháp luật hiện hành liên quan đến tình huống trên 

Có thể thấy rằng, Luật Người khuyết tật năm 2010 được ban hành là một bước ngoặt lớn trong lịch sử phát triển của ngành luật này. Đây là một bước tiến quan trọng trong việc thể chế hoá đầy đủ và toàn diện các quan điểm, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước về Người khuyết tật nhằm tạo môi trường pháp lý, điều kiện, cơ hội bình đẳng, không rào cản đối với Người khuyết tật theo hướng xây dựng các chính sách đối với Người khuyết tật trên cơ sở tiếp cận và bảo đảm quyền của Người khuyết tật; quy định rõ trách nhiệm của Nhà nước, gia đình và xã hội trong việc xóa bỏ rào cản và bảo đảm các điều kiện để Người khuyết tật hòa nhập xã hội như những người bình thường khác. 

Cụ thể, về các quy định liên quan đến tình huống mà đề bài đưa ra. Trước hết chúng ta có thể thấy những mặt tiến bộ như sau: 

Luật khẳng định quyền và nghĩa vụ của Người khuyết tật, quy định đầy đủ và chi tiết về vai trò, nghĩa vụ của gia đình, xã hội đối với Người khuyết tật. Cụ thể, quy định nghĩa vụ của Người khuyết tật theo hướng tạo điều kiện để thực hiện bình đẳng quyền công dân và nhấn mạnh quyền, nghĩa vụ riêng biệt cũng như trách nhiệm của cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân trong việc bảo đảm để Người khuyết tật thực hiện quyền, nghĩa vụ của họ. Bản thân Người khuyết tật đã có những thay đổi tích cực, từ chỗ chỉ là “người nhận” trợ giúp một cách thụ động nay họ đã mạnh dạn nói lên nhu cầu của mình, đồng thời còn trở thành “người cho” - giúp người khác vươn lên. Không chỉ yêu cầu quyền lợi hợp pháp mà bây giờ Người khuyết tật còn cần phải hiểu và thực hiện nghĩa vụ của mình với gia đình, xã hội. Những chuyển biến đó xuất phát từ việc thay đổi cách nhìn, theo đó, tình trạng khuyết tật là một vấn đề xã hội chứ không chỉ là vấn đề y tế, đồng thời, xác lập sự dịch chuyển từ phương thức tiếp cận theo hướng nhân đạo sang hướng nhân quyền.

Điều này thể hiện tính nhân văn sâu sắc, sự quan tâm, giúp đỡ của toàn xã hội đối những Người khuyết tật, vốn là những người gặp nhiều khó khăn trong xã hội

Việc quy định những hành vi bị cấm là hành vi người nuôi dưỡng, chăm sóc không thực hiện đúng trách nhiệm của mình cũng nhằm tạo điều kiện sống tốt nhất cho Người khuyết tật, họ là những người kém may mắn hơn những thành viên bình thường trong gia đình. Vậy họ phải được gia đình quan tâm, giúp đỡ để bù đắp sự khiếm khuyết về cơ thể, từ đó họ mới hòa nhập hơn với xã hội .

Những quy định của pháp luật Việt Nam về quyền và nghĩa vụ của Người khuyết tật; những hành vi bị nghiêm cấm cũng như trách nhiệm của gia đình, xã hội đối với nhứng đối tượng này rất đầy đủ, cụ thể và chi tiết. Tuy nhiên, điều hạn chế, thiếu sót của pháp luật là luật còn thiếu nhiều chế tài...Đây là hạn chế của Luật Người khuyết tật năm 2010. 

Trên thực tế, xuất phát từ nhận thức lạc hậu của một số gia đình (chủ yếu do chủ gia đình - người cha - người chồng) nhiều gia đình có Người khuyết tật vẫn duy trì quan niệm coi Người khuyết tật là “tội vạ”, là nghiệp chướng của gia đình. Do đó, có cách đối xủa không công bằng và phân biệt đối vói các thành viên trong gia đình. Có thể hiện tượng này chỉ là cá biệt và không chiếm số đông trong các gia đình hiện nay. Như vậy, nếu không quy định chế tài, biện pháp xử phạt một cách chặt chẽ, đầy đủ thì sẽ không có tính răn đe và khó có thể đảm bảo triển khai luật trên thực tế. 

3. Giải pháp và kiến nghị hoàn thiện pháp luật để Người khuyết tật hòa nhập cộng đồng, hạn chế tình trạng kì thị, phân biệt đối xử

Trong thực tế, xảy ra rất nhiều những trường hợp người khuyết tật bị phân biệt đối xử như trường hợp của Người khuyết tật trong tình huống trên. Thông thường người dân là những người phát hiện ra các trường hợp bị ngược đãi, phân biệt đối xử và khi phát hiện ra thì thời gian các em bị ngược đãi, phân biệt đối xử đã rất dài. Vấn đề này đặt ra câu hỏi: Làm gì để nâng cao kĩ năng sống, kĩ năng tự bảo vệ mình cho Người khuyết tật? và làm thế nào để các cơ quan đoàn thể theo dõi một cách sát sao tình trạng sống của những Người khuyết tật này.

Thứ nhất, cần quy định cơ chế để Người khuyết tật khiếu nại, tố cáo tự bảo vệ quyền và nghĩa vụ của mình; Cần làm rõ chế tài và cơ chế xử lý đối với cá nhân, tổ chức không thực thi các quy định của luật; có quy định ngăn ngừa hành vi núp bóng các cơ sở bảo trợ để trục lợi.

Thứ hai, rất cần có sự tác động của cơ quan nhà nước có thẩm quyền thông qua các biện pháp chế tài nghiêm khắc để vừa răn đe, vừa giáo dục, vừa thuyết phục, vừa động viên những gia đình có người tàn tật để từng bước tiến tới hạn chế và xóa bỏ hạn chế này. 

Thứ ba, tuyên truyền cho các gia đình Người khuyết tật hiểu rõ về trách nhiệm của mình, cho họ hiểu rằng Người khuyết tật không phải là nghiệp chướng của gia đình từ đó họ có cái nhìn khác đối với Người khuyết tật trong gia đình mình…

Thứ tư, điều chúng ta có thể làm để giúp Người khuyết tật có thể sống và hòa nhập là một công dân bình thường, chúng ta cần chú ý đến con người thay vì các khiếm khuyết của Người khuyết tật, đối xử với Người khuyết tật bình đẳng như với những người khác, tránh những kỳ thị liên quan tới vẻ bề ngoài của Người khuyết tật, tránh thái độ thương hại đối với Người khuyết tật. Điều đặc biết, bản thân những con người không bị khuyết tật như chúng ta cần nhận ra một điều rằng: Người khuyết tật không dũng cảm hơn những người khác, họ cũng lo sợ, cũng rất mặc cảm và tự ti về bản thân mình, cũng không mạnh mẽ hơn những người khác. Và những điều họ đạt được cũng không phải siêu phàm mà là hoàn toàn bình thường, họ có quyền được thành công như bao người khác.

Thứ năm, điều quan trọng nhất vẫn là yếu tố chủ quan, tồn tại trong chính bản thân Người khuyết tật. Họ cần lên tiếng để bảo vệ cũng như đòi quyền lợi cho chính mình. Trong tình huống đã nêu, nếu người con khuyết tật này không lên tiếng, chắc chắn sẽ rất ít hoặc thậm chí là sẽ không ai biết rằng Người khuyết tật này bị gia đình đối xử tệ bạc: không cho đi học, cho ăn mặc rách rưới, chỗ ở tồi tàn… Mặt khác, Người khuyết tật cần được giúp đỡ, nhưng không vì vậy mà những người xung quanh cho rằng Người khuyết tật là một gánh nặng cho người khác, cho xã hội. Tuy nhiên, Người khuyết tật không nên có xu hướng ỷ lại quá nhiều vào sự giúp đỡ của người khác. 

KẾT LUẬN

Qua một thời gian học tập môn học Luật Người khuyết tật, được giao lưu cùng với một số Người khuyết tật, nhóm nhận thấy việc hòa đồng, rũ bỏ thái độ kì thị, thái độ phân biệt đối xử với Người khuyết tật cũng không phải là vấn đề quá khó khăn. Tích cực tuyên truyền, phổ biến pháp luật về Người khuyết tật và chia sẻ những kinh nghiệm của Người khuyết tật sẽ giúp cho những người xung quanh có nhận thức khác, từ đó có một cái nhìn tiến bộ hơn về những Người khuyết tật. Xây dựng một xã hội tiến bộ, văn minh với các chế độ phúc lợi xã hội tốt hướng đến những người kém may mắn hơn, tạo cho họ một cuộc sống tốt đẹp nhất có thể là trách nhiệm chung mà toàn cộng đồng cùng hướng tới.

Trên đây là toàn bộ nội dung chính trong bài làm của chúng em. Vì khuôn khổ bài tập nhóm có hạn nên có thể bài làm của chúng em không tránh khỏi những thiếu sót. Nhóm 07 – Lớp N02 chúng em rất mong nhận được sự góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn. Chúng em xin chân thành cảm ơn!                                                         

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Người khuyết tật Việt Nam, Nxb CAND, Hà nội 2011
2. Công ước về quyền của Người khuyết tật 2006, Văn phòng điều phối các hoạt động hỗ trợ người tàn tật Việt Nam, Nxb Lao đông-xã hội 2008
3. Công ước 159 của ILO về phục hồi chức năng lao động và làm việc của Người khuyết tật năm 1983
4. Pháp lệnh người tàn tật 1998
5. Luật Người khuyết tật năm 2010 của nước CHXHCN Việt Nam
6. Hướng tới cơ hội việc làm bình đẳng cho Người khuyết tật thông qua hệ thống pháp luật ( Tài liệu hướng dẫn của Văn phòng ILO)
7. Các website:
- http://www.ilo.org
- http://www.nguoikhuyettat.org

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment