28/06/2014
Những vướng mắc trong việc thi hành các quy định về trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng - Bài tập học kỳ - Bài 2
Bài tập học kỳ Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng có đáp án.

Việc Nhà nước thu hồi đất đặt ra nhiều vấn đề kinh tế - xã hội cần phải giải quyết kịp thời và thỏa đáng. Bồi thường, giải phóng mặt bằng khi Nhà nước thu hồi đất là một công việc khó khăn, phức tạp và nếu giải quyết không thỏa đáng, không hợp lý có thể dẫn tới nhiều hệ lụy phát sinh vì bồi thường, giải phóng mặt bằng liên quan đến quyền lợi của Nhà nước, chủ đầu tư và người bị thu hồi đất. Thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước nổi lên nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án, công trình dây dưa, kéo dài hàng chục năm do khâu giải phóng mặt bằng nhùng nhằng, chậm trễ và hiện tượng khiếu nại, tố cáo của người có đất bị thu hồi vẫn gia tăng. Vậy tại sao lại có những hiện tượng như trên? 

Để giải thích một phần nguyên nhân của hiện tượng trên, em đã lựa chọn đề tài “Nêu những vướng mắc nổi cộm trong thi hành các quy định về trình tự, thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng? Đưa ra các giải pháp khắc phục” để nghiên cứu làm bài tập học kì cho mình.

B. NỘI DUNG

I. CÁC QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VỀ BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG:

1. Cơ sở pháp lý:

- Luật đất đai năm 2003;

- Nghị định số 181/2004/NĐ-CP ngày 29/10/2004 về thi hành Luật đất đai;

- Nghị định của Chính phủ số 197/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.

- Nghị định số 17/2006/NĐ-CP ngày 27/01/2006 về sử đổi, bổ sung một số điều của các nghị định hướng dẫn thi hành Luật đất đai và Nghị định sô 187/2004/NĐ-CP về việc chuyển công ti nhà nước thành công ti cổ phần.

- Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/05/2007 quy định bổ sung về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

- Nghị định số 123/2007/NĐ-CP ngày 27/07/2007 sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 188/2004/NĐ-CP ngày 16/11/2004 về phương pháp xác định giá đất và khung giá các loại đất.

- Nghị định của Chính phủ số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.

- Đính chính số 181/ĐC-CP ngày 23/10/2009 đính chính Nghị định số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định.

- Thông tư của Bộ tài nguyên và môi trường số 14/2009/TT-BTNMT ngày 01/10/2009 quy định chi tiết về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư và trình tự, thủ tục thu hồi đất, giao đất, cho thuê đất.

2. Quy định của pháp luật về trình tự, thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng:

2.1. Giới thiệu địa điểm và thông báo thu hồi đất:

Các công việc cụ thể được xác định như sau:

Thứ nhất, các chủ đầu tư hoặc cơ quan được giao nhiệm vụ chuẩn bị tiếp nhận hồ sơ đầu tư và nộp tại cơ quan tiếp nhận hồ sơ tại địa phương hoặc Ủy ban nhân dân cấp tỉnh để xem xét và giới thiệu địa điểm đầu tư. Cơ quan tiếp nhận hồ sơ căn cứ vào quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất đã được phê duyệt hoặc căn cứ vào tình hình quỹ đất thực tế của địa phương để giới thiệu địa điểm đầu tư cho các chủ thể đầu tư lựa chọn, quyết định.

Thứ hai, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh hoặc cấp huyện thông báo thu hồi đất ngay sau khi giới thiệu địa điểm đầu tư, trường hợp thu hồi đất theo quy hoạch thì việc thông báo thu hồi đất được thực hiện sau khi quy hoạch được xét duyệt và công bố. Việc thông báo được thực hiện trên các phương tiện thông tin đại chúng và niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã hoặc tại địa điểm sinh hoạt chung của khu dân cư nơi có đất thu hồi để người dân chủ động trong việc nắm bắt thông tin và có kế hoạch sử dụng đất hợp lý.

Thứ ba, chủ đầu tư được quyền tiến hành khảo sát, đo đạc và lập bản đồ khu vực dự án ngay sau khi được chấp thuận chủ trương đầu tư để phục vụ cho việc lập và trình duyệt quy hoạch chi tiết xây dựng, thu hồi đất và lập phương án bồi thường tổng thể, hỗ trợ, tái định cư. Ủy ban nhân dân cấp tỉnh chỉ đạo Ủy ban nhân dân cấp huyện hoặc tổ chức phát triển quỹ đất thành lập hồi đồng bồi thường, bỗ trợ và tái định cư phương án đào tạo, chuyển đổi nghề nghiệp.

Vai trò của Ủy ban nhân dân cấp xã:

Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã có trách nhiệm phối hợp với chủ đầu tư phổ biến kế hoạch khảo sát, đo đạc cho người sử dụng đất trong khu vực dự án và yêu cầu người sử dụng đất tạo điều kiện để chủ đầu tư thực hiện việc điều tra, khảo sát, đo đạc, xác định diện tích đất để lập dự án đầu tư.

Thời hạn ra văn bản giới thiệu địa điểm đầu tư; thông báo thu hồi đất; thành lập hồi đồng bồi thường, hỗ trợ, tái định cư không quá 30 ngày kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ về đầu tư hợp lệ.

2.2. Lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư:

- Tổ chức được giao làm nhiệm vụ bồi thường và giải phóng mặt bằng chỉ phải lập phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư ngay sau khi có ý kiến chấp thuận đầu tư của cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho chủ đầu tư và có thông báo về thu hồi đất.

- Với phương án được lập theo đúng nội dung, yêu cầu và tuân theo trật tự luật định, với sự đóng góp ý kiến của các cơ quan có liên quan, chủ đầu tư và những người có đất bị thu hồi. Từ đó, phương án được áp dụng chính thức.

- Để đảm bảo tính khả thi thì phương án về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư phải bảo đảm các yêu cầu sau:

Thứ nhất, nội dung của phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư thể hiện rõ ràng những nội dung cụ thể sau:

+ Chủ thể là tổ chức, hộ gia đình và cá nhân thuộc diện bị nhà nước thu hồi đất.

+ Thống kê cụ thể tổng diện tích đất bị thu hồi trên cơ sở xác định rõ vị trí, loại hạng đất, nguồn gốc đất.

+ Xác định giá trị đích thực của tài sản bị thiệt hại tại thời điểm thu hồi thông qua việc xác định số lượng, khối lượng và tỉ lệ phần trăm chất lượng còn lại của tài sản.

Tổ chức được giao thực hiện việc bồi thường phải đưa ra được:

+ Căn cứ để tính toán số tiền bồi thường, hỗ trợ dựa trên cơ sở giá đất, giá nhà và công trình bồi thường;

+ Số lượng nhân khẩu, số lao động trong độ tuổi, số lượng người được hưởng trợ cấp xã hội

Tổ chức lập phương án bồi thường cũng phải xác định:

+ Phương án di dời các công trình của nhà nước, của tổ chức, cơ sở tốn giáo, cộng đồng dân cư, di dời mồ mả (nếu có).

+ Xác định đối tượng thuốc diện thu hồi đất.

Thư hai, phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư phải được công khai hóa và tổ chức lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Cụ thể:

+ Phương án đó phải được niêm yết công khai tại Ủy ban nhân dân xã và tại các địa điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi;

+ Việc niêm yết phải được lập thành biên bản và có xác nhận của chính quyền địa phương và người có đất bị thu hồi. Mục đích của việc niêm yết là để người dân có đất bị thu hồi tham gia đóng góp ý kiến. Thời gian niêm yết và tiếp nhận ý kiến đóng góp ít nhất là 20 ngày. Hết thời hạn này, tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ và tái định cư tổng hợp ý kiến đóng góp bằng văn bản và nêu rõ đồng ý hay không đồng ý. Trường hợp còn nhiều ý kiến không tán thành thì tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường phải giải thích hoặc xem xét, điều chỉnh. Sau đó hoàn chỉnh và gửi phương án kèm theo bản tổng hợp ý kiến đóng góp đến cơ quan Tài nguyên và môi trường để thẩm định.

2.3. Quyết định thu hồi đất, phê duyệt và thực hiện phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư, giao đất, cho thuê đất:

- Sau khi tiếp nhận phương án, cơ quan Tài nguyên và môi trường sẽ thẩm định và chuẩn bị hồ sơ thu hồi đất trình Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện ra quyết định thu hồi đất.

- Sau khi ra quyết định thu hồi đất, Ủy ban nhân dân cấp tỉnh và Ủy ban nhân dân cấp huyện cũng thực hiện phê duyệt và công bố công khai phương án bồi thường.

- Trong thời hạn không quá ba (03) ngày, kể từ ngày nhận được phương án bồi thường, hỗ trợ và tái định cư đã được phê duyệt, Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng có trách nhiệm phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã phổ biến và niêm yết công khai quyết định phê duyệt phương án bồi thường tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã và địa điểm sinh hoạt khu dân cư nơi có đất bị thu hồi; gửi quyết định bồi thường, hỗ trợ và tái định cư cho người có đất bị thu hồi, trong đó nêu rõ về mức bồi thường, hỗ trợ, về bố trí nhà hoặc đất tái định cư (nếu có), thời gian, địa điểm chi trả tiền bồi thường, hỗ trợ và thời gian bàn giao đất đã bị thu hồi cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

- Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư hoặc Tổ chức phát triển quỹ đất thực hiện chi trả bồi thường, hỗ trợ, bố trí tái định cư.

- Trong thời hạn hai mươi (20) ngày, kể từ ngày Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng thanh toán xong tiền bồi thường, hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo phương án đã được xét duyệt thì người có đất bị thu hồi phải bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng.

Trường hợp việc bồi thường được thực hiện theo tiến độ thì chủ đầu tư được nhận bàn giao phần diện tích mặt bằng đã thực hiện xong việc bồi thường, hỗ trợ để triển khai dự án.

- Trường hợp chủ đầu tư và những người bị thu hồi đất đã thỏa thuận bằng văn bản thống nhất về phương án bồi thường về đất và tài sản gắn liền với đất hoặc khu đất thu hồi không phải giải phóng mặt bằng thì Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền ra quyết định thu hồi đất, giao đất hoặc cho thuê đất mà không phải chờ đến hết thời hạn thông báo thu hồi đất.

2.4. Cưỡng chế thu hồi đất:

- Việc cưỡng chế thu hồi đất theo quy định tại khoản 3 Điều 39 của Luật Đất đai chỉ được thực hiện khi có đủ các điều kiện sau đây:

Một là, thực hiện đúng trình tự, thủ tục về thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ, tái định cư quy định tại các Điều 27, 28, 29 và 38 Nghị định 69/2009/NĐ-CP;

Hai là, quá ba mươi (30) ngày, kể từ thời điểm phải bàn giao đất quy định tại khoản 6 Điều 29 Nghị định này mà người có đất bị thu hồi không bàn giao đất cho Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng;

Ba là, sau khi đại diện của Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, Ủy ban nhân dân và Ủy ban Mặt trận Tổ quốc cấp xã nơi có đất thu hồi đã vận động thuyết phục nhưng người có đất bị thu hồi không chấp hành việc bàn giao đất đã bị thu hồi cho Nhà nước;

Bốn là, có quyết định cưỡng chế của Ủy ban nhân dân cấp có thẩm quyền theo quy định của pháp luật đã có hiệu lực thi hành;

Năm là, người bị cưỡng chế đã nhận được quyết định cưỡng chế. Trường hợp người bị cưỡng chế từ chối nhận quyết định cưỡng chế thì Tổ chức làm nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng phối hợp với Ủy ban nhân dân cấp xã niêm yết công khai quyết định cưỡng chế tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất thu hồi.

- Sau mười lăm (15) ngày, kể từ ngày giao trực tiếp quyết định cưỡng chế hoặc ngày niêm yết công khai quyết định cưỡng chế quy định mà người bị cưỡng chế không bàn giao đất thì Ủy ban nhân dân cấp huyện chỉ đạo, tổ chức lực lượng cưỡng chế thu hồi đất theo quy định của pháp luật.

II. NHỮNG VƯỚNG MẮC NỔI CỘM TRONG THI HÀNH CÁC QUY ĐỊNH VỀ TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VỀ BỒI THƯỜNG, GIẢI PHÓNG MẶT BẰNG:

Thực tế, tại nhiều địa phương trên cả nước nổi lên nhiều vướng mắc, bất cập trong công tác bồi thường, giải phóng mặt bằng. Nhiều dự án, công trình dây dưa, kéo dài hàng chục năm do khâu giải phóng mặt bằng nhùng nhằng, chậm trễ. Nguyên nhân thì có nhiều nhưng không thể không nói đến những bất cập trong chính sách: Hệ thống các quy định liên quan còn nhiều chồng chéo, vừa thừa vừa thiếu; việc thực thi còn thiếu triệt để, nhiều lúc, nhiều nơi người thực hiện đã cố tình làm sai (sai mục đích, sai đối tượng…) hoặc còn có hiện tượng tiêu cực, tham nhũng. Nhiều nhà nghiên cứu cho rằng nguyên nhân chủ yếu chính là khâu thực thi chưa đúng, chưa đồng bộ, năng lực của cán bộ trực tiếp thực thi chính sách còn yếu, thậm chí cố tình vi phạm để trục lợi mà vụ Tiên Lãng là một ví dụ hết sức điển hình và đang được xem là “cao trào”. Một vấn đề cần phải thừa nhận là từ trước đến nay hầu như việc triển khai các dự án đều được làm theo cách cũ: Chính quyền ra quyết định thu hồi đất, sau đó định giá bồi thường, tiến hành giải tỏa, bàn giao mặt bằng, tiến hành xây dựng... Có không ít những vấn đề phát sinh từ cách làm này: Người dân không được tham gia ý kiến vào công việc có ảnh hưởng đến lợi ích thiết thân của họ, họ hoàn toàn bị động; cũng thế, chính quyền không nắm được những tâm tư, nguyện vọng từ phía người dân; người dân “không được biết, không được bàn, không được làm, không được kiểm tra”. Chung quy là người dân, đối tượng chịu tác động trực tiếp của dự án, không có vai trò gì ngoại trừ tuân thủ chấp hành (hoặc chịu cưỡng chế). Các vấn đề này đã và đang là điều kiện phát sinh các mâu thuẫn, xung đột về lợi ích, phát sinh những khiếu nại, chống đối.

Thực chất của vụ Tiên Lãng – Hải Phòng chính là việc chính quyền huyện Tiên Lãng tiến hành cưỡng chế thu hồi đất trong khi ông Đoàn Văn Vươn đang chờ đợi quyết định giải quyết công tâm, khách quan của cơ quan thứ ba là Tòa án. Có thông tin cho thấy phía chính quyền địa phương đã tiến hành thương lượng với gia đình ông Vươn để ông Vươn rút đơn kiện thì sẽ tiếp tục cho thuê đất nhưng sau đó lại tiến hành cưỡng chế, thu hồi diện tích hồ ao chưa hết hợp đồng. Đây chính là sự cộng hưởng của việc áp dụng các quy định chứa đựng sự bất bình đẳng giữa người bị thu hồi đất và cơ quan thu hồi và sự thiếu công tâm trách nhiệm của cán bộ chính quyền.

Nhà và tài sản của bị can Đoàn Văn Vươn đã bị phá hủy sau ngày cưỡng chế thu hồi đất. Ảnh: INTERNET

Có thông tin cho rằng, căn nhà hai tầng của ông Vươn bị cưỡng chế nằm ngoài diện tích đất thu hồi nhưng vẫn bị san phẳng với lí do là nơi ẩn nấp của người chồng đối. Đây là luận điểm bao biện của chính quyền huyện Tiên Lãng bởi nếu xác định căn nhà đó nằm ngoài diện tích thu hồi thì đó phải là tài sản thuộc quyền sở hữu, sử dụng hợp pháp của công dân, được bảo vệ chống lại mọi sự xâm phạm. Lấy một ví dụ ví von là nếu trong trường hợp ông Đoàn Văn Vươn cố thủ trong tòa nhà Keangnam – tòa nhà cao nhất Việt Nam và dùng súng bắn ra ngoài thì chính quyền cũng cho san phẳng tòa nhà này hay sao?

Từ góc độ vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng – Hải Phòng, có thể thấy một số vướng mắc nổi cộm trong các quy định pháp luật về trình tự, thủ tục bồi thường, giải phóng mặt bằng như sau:

1. Về việc giao quyết định thu hồi đất cho người có đất bị thu hồi:

Trước khi Nghị định 69/2009/NĐ-CP của Chính phủ được ban hành thì năm 2007, Chính phủ ban hành Nghị định số 84/2007/NĐ-CP ngày 25/5/2007 quy định về việc cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất, thu hồi đất, thực hiện quyền sử dụng đất, trình tự, thủ tục bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất và giải quyết khiếu nại về đất đai.

Khoản 3 Điều 53 Nghị định 84/2007 quy định rằng: “Quyết định thu hồi đất phải được gửi đến người có đất bị thu hồi và được niêm yết tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có đất bị thu hồi trong suốt thời gian kể từ ngày Ủy ban nhân dân cấp xã nhận được quyết định đến thời điểm kết thúc việc thu hồi”.

Được biết cơ quan nào thu hồi, lý do thu hồi là gì người dân có quyền khiếu nại nếu việc thu hồi đất là không đúng pháp luật về thẩm quyền hoặc về căn cứ thu hồi. Qua đó người dân thực hiện vai trò giám sát đối với cán bộ chính quyền trong việc thực hiện chính sách pháp luật về đất đai. Đây là quy định tích cực của chính phủ bảo vệ quyền của người sử dụng đất.

Nhưng, quy định tích cực trên đã bị bãi bỏ bởi Nghị định 69/2009 do Bộ tài nguyên môi trường là cơ quan soạn thảo. Nghị định 69/2009/NĐ-CP không còn quy định buộc cơ quan thu hồi đất phải giao quyết định thu hồi đất cho người dân nữa. Do vậy, người dân không còn được quyền khiếu nại về quyết định thu hồi đất.

Điểm c khoản 2 Điều 31 nghị định 69/2009/NĐ-CP quy định cơ quan thu hồi phải gửi quyết định bồi thường cho người dân. Như vậy trong việc thu hồi đất, theo quy định mới người dân không được có ý kiến (khiếu nại) về việc thu hồi đất nữa mà chỉ được quyền có ý kiến (khiếu nại) về phương án, mức giá đền bù mà thôi. Đây là điểm tối của Nghị định 69/2009 do Bộ Tài nguyên và môi trường là cơ quan soạn thảo trình Chính phủ ban hành.

2. Về việc bàn giao đất bị thu hồi:

Nghị định 84/2007/NĐ-CP (khoản 2 Điều 54) và Nghị định 69/2009/NĐ-CP (khoản 2 Điều 40) đều quy định: Trong khi chưa có quyết định giải quyết khiếu nại thì vẫn phải tiếp tục thực hiện quyết định thu hồi đất. Theo đó, khi người dân khiếu nại về việc thu hồi đất hoặc về phương án bồi thường thì đều phải bàn giao đất cho cơ quan thu hồi, nếu không bàn giao sẽ bị cưỡng chế. Ý nghĩa của quy định này là nhằm đảm bảo tiến độ cho việc triển khai thực hiện dự án. Xem qua thì tích cực nhưng xét kỹ thì quy định như vậy chính là tạo ra sự bất bình đẳng và sự thiệt thòi thuộc về phía người bị thu hồi đất. Quy định như hiện tại là mặc nhiên cho rằng việc thu hồi đất trong mọi trường hợp đều đúng. Như vậy thì không cần phải quy định rằng quyết định thu hồi đất là quyết định hành chính thuộc đối tượng được khiếu nại hay khởi kiện ra tòa nữa. Cần phải rạch ròi và rõ ràng để tránh sự mâu thuẫn và cần quy định sao cho có sự bình đẳng giữa ba chủ thể người thu hồi, người bị thu hồi và chủ đầu tư. Ra đến tòa án là phải bình đẳng, nếu quy định chứa đựng sự bất bình đẳng thì tòa án nào có ý nghĩa gì?

3. Thiếu cơ chế giám sát:

Các nghị định của Chính phủ đều có những quy định về việc thành lập và củng cố tổ chức làm công tác bồi thường, giải tỏa và tái định cư; quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và trách nhiệm của tổ chức và cá nhân làm công tác bồi thường; xác định trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân các cấp, đoàn thể trong việc triển khai, chỉ đạo, quản lý và kiểm tra việc thực hiện các chủ trương và chính sách về bồi thường hỗ trợ và tái định cư trên địa bàn thuộc phạm vi quản lý. Thế nhưng lại chưa có những quy định về cơ chế giám sát (đặc biệt là các tổ chức có chức năng giám sát độc lập) dẫn đến tình trạng làm qua loa, du di, mạnh ai nấy làm, cả nể, thậm chí lợi dụng sơ hở trong cơ chế kiểm soát, kiểm tra để trục lợi. Công tác bồi thường, hỗ trợ vốn đã khó, phức tạp, nhạy cảm do vậy lại càng khó khăn hơn, trì trệ hơn và nhiều khuất tất hơn.

III. CÁC GIẢI PHÁP KHẮC PHỤC:

Để tạo thuận lợi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; để người dân sau tái định cư thật sự an cư, có đất ở, đất sản xuất, an tâm làm ăn, nâng cao chất lượng sống, theo em, về mặt chính sách cần xử lý và hoàn chỉnh một số vấn đề sau (Theo Phạm Đi, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh):

1. Đảm bảo tính thống nhất, nhất quán trong chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng: (nhất quán về thời gian, quy định) tránh tình trạng mỗi địa phương, mỗi dự án, mỗi công trình có mức bồi thường và hỗ trợ khác nhau, từ đó làm nảy sinh ý tưởng so sánh quyền lợi từ phía người dân. Khẩn trương hoàn thiện các quy định của pháp luật, theo hướng dựa trên cơ sở thị trường để giải quyết vấn đề bồi thường cho người bị thu hồi đất theo hướng vừa chung (quy định chung của Nhà nước) vừa riêng (sự sáng tạo của địa phương): Thống nhất nhưng không đồng nhất (hay đánh đồng về đối tượng, địa phương), sáng tạo nhưng không vượt rào, nhất quán nhưng không duy ý chí (có sự sáng tạo từ thực tiễn của địa phương). Giao quyền tự quyết đối với một số hạng mục cho địa phương trên cơ sở quy định chung của Nhà nước.

2. Nâng cao chất lượng công trình quy hoạch tái định cư: Chú ý đến yếu tố văn hóa, tập quán, thói quen của đồng bào các dân tộc khi xây các khu tái định cư. Cần quy định cụ thể, rõ ràng về hoàn nguyên những giá trị văn hóa, văn vật của cư dân chịu tác động; những quy định cụ thể về bồi thường thiệt hại hữu hình và bồi thường thiệt hại vô hình.

3. Nâng cao năng lực thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng của các ban, ngành ở địa phương và các đơn vị tư vấn, cũng như tinh thần trách nhiệm, sự tuân thủ trình tự thủ tục theo quy định của pháp luật, của cán bộ thực thi việc kiểm kê, kiểm đếm, lập phương án bồi thường.

4. Có một kế hoạch dài hạn với nguồn tài chính đảm bảo trong nhiều năm để thực hiện bồi thường giải phóng mặt bằng. Khống chế một cách nghiêm chỉnh về quy mô thu hồi đất; xác định tiêu chuẩn bồi thường một cách hợp lý và hoàn thiện hơn nữa quy trình thu hồi đất.

5. Khắc phục những khó khăn trong việc xác định nguồn gốc đất dẫn đến sự khó khăn trong việc xác định điều kiện để được bồi thường giải phóng mặt bằng cho người dân bằng cách đưa vào những điều khoản để quy định rõ điều này.

6. Hoàn thiện chính sách về hậu tái định cư, cần có quy định rõ ràng về trách nhiệm của Nhà nước, các nhà đầu tư, chủ dự án về công tác hậu tái định cư tránh tình trạng “đem con bỏ chợ”, “nhóm dân cư bị bỏ rơi”; đảm bảo lợi ích thiết thân của người dân: Nhà ở, đất ở, đất sản xuất, việc làm, học hành, các dịch vụ công cộng, văn hóa, tâm linh… Có quy định về thành lập ban chuyên trách về hậu tái định cư. Ban chuyên trách này có trách nhiệm theo dõi, nguyên cứu, lượng hóa, báo cáo về đời sống xã hội của người dân trước và sau tái định cư và chịu trách nhiệm trước pháp luật.

7. Ban hành những chế tài đủ mạnh để xử lý những trường hợp lợi dụng chức vụ, quyền hạn để trục lợi bất chính khi thực thi chính sách bồi thường giải phóng mặt bằng. Cần phải rõ ràng, minh bạch trong việc thực hiện các bước quy hoạch và triển khai dự án, bàn bạc công khai, thông báo đầy đủ đến người dân về các khâu bồi thường, giải phóng mặt bằng.

8. Luật nên quy định hình thành những tổ chức trung gian trong việc đánh giá, giám sát thực thi công tác bồi thường cũng như xác định giá (đất, nhà, tài sản gắn liền với đất...) để tránh trường hợp làm sai quy trình (đang là hiện tượng khá phổ biến trong công tác bồi thường), bao biện, vừa đánh trống vừa thổi kèn như hiện nay.

9. Xã hội hóa trong công tác di dời, giải tỏa, bồi thường, tái định cư;không chỉ định thầu các công trình tái định cư (hoặc quy định các công trình có vốn đầu tư nhỏ mới chỉ định thầu), các công trình lớn có ảnh hưởng lớn, tác động lớn, nhóm ảnh hưởng lớn sẽ quy định đấu thầu công khai.

10. Luật cần quy định rõ về thời gian tối đa cho từng hạng mục bồi thường (chẳng hạn thời gian tối đa cho việc xác định thời điểm xây dựng, nguồn gốc đất, số nhân khẩu, lấy ý kiến người dân...) để tránh trường hợp cán bộ thực thi chính sách “vẽ bóng”, cố tình làm trái, câu kết móc nối để trục lợi. có quy định chi tiết về việc thưởng đối với những đối tượng giao đất đúng thời hạn và phạt đối với những đối tượng chây ì trong công tác di dời gây thiệt hại cho Nhà nước.

C. KẾT LUẬN:

Bài viết của em đã nêu lên được một sô điểm vướng mắc trong quy định của của pháp luật về về trình tự, thủ tục về bồi thường, giải phóng mặt bằng và cũng đã đề xuất một số giải pháp để hoàn thiện các quy định đó để tạo thuận lợi cho việc bồi thường giải phóng mặt bằng, phục vụ quá trình phát triển kinh tế-xã hội của đất nước; để người dân sau tái định cư thật sự an cư, có đất ở, đất sản xuất, an tâm làm ăn, nâng cao chất lượng sống. Do phạm vi nhận thức còn hạn chế nên bài viết không thể tránh khỏi những thiếu sót, em mong nhận được lời nhận xét từ thầy cô để bài viết được hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn!

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Luật đất đai năm 2003;
2. Nghị định của Chính phủ số 69/2009/NĐ-CP ngày 13/08/2009 quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư.
3. Một số văn bản pháp lý khác;
4. Bài viết: “Từ vụ Tiên Lãng: 10 giải pháp để xóa 4 không4 không đó là: Người dân "không được biết, không được bàn, không được làm, không được kiểm tra" trong giải tỏa, bồi thường để thực hiện dự án” của PHẠM ĐI, Học viện Chính trị-Hành chính quốc gia Hồ Chí Minh.

5. Bài viết: “Một số bất cập trong các quy định pháp luật về thu hồi đất từ góc độ vụ cưỡng chế thu hồi đất ở Tiên Lãng, Hải Phòng” trên Báo giáo dục Việt Nam điện tử.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Gia Thế - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment