28/06/2014
Bài tập nhóm Vị trí, vai trò giữa tổ chức phát triển quỹ đất với hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất
Bài tập Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng có đáp án.

Trong các nội dung mới của Luật Đất Đai 2003 thì vấn đề bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất được xã hội đặc biệt quan tâm. Mục đích của việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất để bù đắp những tổn thất mà người sử dụng đất phải gánh chịu, giải quyết các vấn đề KTXH là hậu quả của việc thu hồi đất gây ra nhằm ổn định chính trị, bảo đảm quyền và lợi ích hợp pháp của người sử dụng đất. Bảo đảm cho người dân nhanh chóng có chỗ ở mới, ổn định cuộc sống, giải quyết hài hòa lợi ích hợp pháp giữa người sử dụng đất, nhà nước và nhà đầu tư trong việc sử dụng đất vì lợi ích chung, bảo đảm an sinh xã hội. Đứng trước mục đích đó, tổ chức phát triển quỹ đất và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đấy đã ra đời. Nhóm chúng em xin trình bày bài tập nhóm của mình: “Phân biệt vị trí, vai trò giữa tổ chức phát triển quỹ đất với hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất? Việc ra đời tổ chức phát triển quỹ đất có ảnh hưởng như thế nào với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở nước ta hiện nay. Đưa ra một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất?”

II. PHÂN TÍCH

1. Sự khác nhau giữa vị trí của tổ chức phát triển quỹ đất và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất 

1.1, Vị trí của tổ chức phát triển quỹ đất.

Theo khoản 1, Điều 35 Nghị định số 69/2009 NĐ-CP ngày 13 tháng 08 năm 2009 của Chính phủ quy định bổ sung về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hộ trợ và tái định cư thì “tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp có thu, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập ở cấp tỉnh, cấp huyện”. Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị trực thuộc, chịu sự chỉ đạo trực tiếp của UBND cấp tỉnh, cấp huyện . Hoạt động của tổ chức phát triển quỹ đất là mô hình mới trong lĩnh vực quản lý Nhà nước về đất đai. Tổ chức này thay thế cho Văn phòng Đăng ký quyền sử dụng đất và Tổ chức phát triển quỹ đất cũ kể từ ngày 22-2-2010.

Về mặt quản lý, Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Nội vụ. Ở cấp huyện, Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Giám đốc Sở Nội vụ. 

Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần hoặc toàn bộ chi phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có trụ sở và con dấu  riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.

1.2  Vị trí của hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng

Hội đồng bồi thường GPMB trong thực hiện bồi thường hỗ trợ tái định cư khi nhà nước thu hồi đất là tổ chức được thành lập theo tình hình thực tế tại huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh (cấp huyện) được Ủy ban nhân dân cấp tỉnh nơi cần GPMB giao nhiệm vụ bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho nhân dân. 

Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư cấp huyện được thành lập đứng đầu là  Lãnh đạo Ủy ban nhân dân làm Chủ tịch và các thành viên: 

-  Đại diện cơ quan Tài chính - Phó Chủ tịch Hội đồng.

-  Chủ tịch đầu tư - Ủy viên thường trực ;

-  Đại diện cơ quan Tài nguyên Môi trường - Ủy viên; 

-  Đại diện Ủy ban nhân dân cấp xã có đất bị thu hồi - Ủy viên;  

-  Đại diện của những hộ gia đình bị thu hồi từ một đến hai người;

Một số thành viên khác do Chủ tịch Hội đồng bồi thường, hỗ trợ và tái định cư quyết định cho phù hợp thực tế ở địa phương.

Khi thành lập Hội đồng bồi thường, tái định cư phải có đầy đủ các thành viên đã nêu trên, mỗi bộ phận đều có nhiệm vụ riêng của mình phù hợp với nhiệm vụ, vai trò trong công tác triển khai bồi thường, tái định cư khi nhà nước, cơ quan địa phương thu hồi đất.

Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng, tái định cư được thành lập khi có đề nghị của Ủy ban nhân dân tỉnh nơi có quyết định giải phóng mặt bằng đối với những trường hợp cần thiết. Và sẽ tự giải thể sau khi kết thúc công tác giải phóng mặt bằng đối với địa phương nơi cần thực hiện công tác giải phóng mặt bằng. Các cán bộ của Hội đồng làm việc theo chế độ kiêm nhiệm được hưởng các chế độ, chính sách theo nhà nước quy định. Ngoài ra, để tiến hành thành lập cần có những điều kiện sau:

-  Có quyết định giao đất cho thuê đất hoặc quyết định giao nhiệm vụ chuẩn bị mặt bằng để thực hiện dự án đầu tư.

-  Dự án đầu tư cần được phê duyệt.

2. Sự khác nhau giữa vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất và hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất 

2.1. Vai trò của tố chức phát triển quỹ đất trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Căn cứ theo điều 1 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất, Tổ chức phát triển quỹ đất còn có chức năng như sau: 

“1. Tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập ở tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương (sau đây gọi chung là cấp tỉnh) và ở huyện, quận, thị xã, thành phố trực thuộc tỉnh (sau đây gọi chung là cấp huyện), có chức năng tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư; tạo quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất, phục vụ phát triển kinh tế - xã hội và ổn định thị trường bất động sản; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất; phát triển các khu tái định cư; đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên đất; đấu giá quyền sử dụng đất; đấu thầu dự án có sử dụng đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi, đã nhận chuyển nhượng, đã tạo lập, phát triển và thực hiện dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng.

2. Tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh là đơn vị trực thuộc Sở Tài nguyên và Môi trường, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường và Giám đốc Sở Nội vụ. Tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện là đơn vị trực thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện, do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh quyết định thành lập theo đề nghị của Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp huyện và Giám đốc Sở Nội vụ.

3. Tổ chức phát triển quỹ đất là đơn vị sự nghiệp có thu tự bảo đảm một phần hoặc toàn bộ chi phí hoạt động, có tư cách pháp nhân, có trụ sở và con dấu riêng; được mở tài khoản tại Kho bạc nhà nước và các tổ chức tín dụng để hoạt động theo quy định của pháp luật.” 

Căn cứ theo Khoản 1, Điều 2 Thông tư liên tịch số 01/2010/TTLT-BTNMT-BNV-BTC Hướng dẫn về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn, cơ cấu tổ chức và cơ chế tài chính của Tổ chức phát triển quỹ đất, vai trò của Tổ chức phát triển quỹ đất bao gồm: 

“Tổ chức phát triển quỹ đất có các nhiệm vụ sau: a) Tổ chức thực hiện việc bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất; b) Tạo quỹ đất và phát triển quỹ đất để đấu giá quyền sử dụng đất; phục vụ phát triển kinh tế - xã hội; phục vụ sự nghiệp giáo dục - đào tạo, dạy nghề, y tế, văn hóa, thể dục thể thao, môi trường và các nhu cầu khác của địa phương; ổn định thị trường bất động sản; c) Nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất của tổ chức, hộ gia đình, cá nhân theo quy định của pháp luật; d) Tổ chức phát triển các khu, điểm và nhà tái định cư phục vụ việc thu hồi đất thực hiện các dự án; đ) Tổ chức thực hiện đầu tư xây dựng kết cấu hạ tầng trên quỹ đất đã được giao quản lý để đấu giá; e) Quản lý quỹ đất đã được giải phóng mặt bằng; quỹ đất đã nhận chuyển nhượng; quỹ đất đã tạo lập và phát triển; quỹ nhà đất đã xây dựng để phục vụ tái định cư và quỹ đất thu hồi theo quy định tại các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7, 8, 9, 10, 11 và 12 Điều 38 của Luật Đất đai thuộc khu vực đô thị, khu vực có quy hoạch phát triển đô thị nhưng chưa giao dự án đầu tư hoặc chưa đấu giá quyền sử dụng đất; g) Tổ chức thực hiện đấu giá quyền sử dụng đất, đấu thầu dự án có sử dụng đất theo quy định của pháp luật; h) Lập phương án sử dụng quỹ đất được giao quản lý và các phương án, đề án, dự án đầu tư tạo lập và phát triển quỹ đất trình cơ quan có thẩm quyền quyết định; i) Cung cấp dịch vụ trong lĩnh vực bồi thường, giải phóng mặt bằng; cung cấp thông tin về địa điểm đầu tư, giá đất, quỹ đất cho các tổ chức, cá nhân theo yêu cầu; k) Tổ chức triển khai thực hiện nhiệm vụ theo chương trình, kế hoạch, phương án, dự án, đề án và các hoạt động dịch vụ phù hợp với nhiệm vụ, lĩnh vực chuyên môn được giao; l) Phối hợp với cơ quan, tổ chức, cá nhân có liên quan để triển khai thực hiện nhiệm vụ được giao; m) Thực hiện các nhiệm vụ khác theo quyết định của cấp có thẩm quyền.” 

Vậy, dựa trên các căn cứ trên, chúng em nhận thấy vai trò của tổ chức phát triển quỹ đất trong việc thực hiện bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất: 

- Điều tra, lập phương án đền bù, bồi thường, giải phóng mặt bằng các khu vực đã quy hoạch; 

- Chủ trì hoặc phối hợp với Hội đồng bồi thường, giải phóng mặt bằng tổ chức thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng; 

- Hỗ trợ và tái định cư các đối tượng trong diện giải phóng mặt bằng; Quản lý quỹ đất, nhà tái định cư; 

- Tổ chức phát triển các khu tái định cư  …  

2.2. Vai trò của hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng trong thực hiện bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi nhà nước thu hồi đất.

Còn đối với hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng lại có những nhiệm vụ, chức năng cụ thể như sau:

Thứ nhất, Hội đồng bồi thường, hỗ trợ tái định cư giúp ủy ban nhân dân cùng cấp lập và tổ chức thực hiện phương án bồi thường hỗ trợ và bố trí tái định cư. Hội đồng được làm việc theo nguyên tắc tập thể và quyết định theo đa số; trường hợp biểu quyết ngang nhau thì thực hiện theo phía có ý kiến của Chủ tịch Hội đồng. Bên cạnh đó, mỗi thành viên của Hội đồng bồi thường giải phóng mặt bằng có những nhiệm vụ khác nhau như: 

- Chủ tịch Hội đồng là người đứng đầu có nhiệm vụ chỉ đạo các thành viên hội đồng lập, trình duyệt và tổ chức thực hiện phương án để bồi thường hỗ trợ tái định cư cho nhân dân. Trong trường hợp, những dự án cần sự thẩm định của cơ quan thì sau khi có ý kiến của cơ quan thẩm định  Theo đó, dưới sự chỉ đạo của Ủy ban nhân dân Đảm bảo đầy đủ kinh phí để chi trả kịp thời tiền bồi thường và hỗ trợ tái định cư.

- Đại diện của những người thu hồi đất có trách nhiệm phải đưa được tâm tư, nguyện vọng của người bị thu hồi đất, người phải di chuyển chỗ ở để Hội Đồng xem xét và đưa ra những phương án, cách giải quyết hợp lý và hợp lòng dân. Bên cạnh đó, phải kết hợp với những tổ chức, ban ngành tuyên truyền, vận động cho những người bị thu hồi đất hiểu chính sách bồi thường, tái định cư và chấp nhận  thực hiện việc di chuyển; vận động các đối tượng bị thiệt hạ ít, đối tượng có khả năng tự lực, đối tượng được hưởng lợi từ công trình chấp nhân không đền bù hoặc đền bù một phần hoặc tham gia đóng góp kinh phí đền bù cùng nhà nước giúp việc thực hiện giải phóng mặt bằng đúng nhanh chóng và tiến độ . 

- Các thành viên khác thực hiện các nhiệm vụ theo sự phân công và chỉ đạo của Chủ tịch Hội đồng phù hợp với trách nhiệm của ngành.

Thứ hai, có nhiệm vụ phối hợp với ủy ban nhân dân các cấp thực hiện xác nhận đất đai, tài sản của người bị thu hồi và phải chịu trách nhiệm về tính chính xác của nó. Tiếp nhận, phối hợp các cơ quan chức năng có liên quan giải quyết các trường hợp thắc mắc, khiếu nại của các đối tượng bị thiệt hại; trường hợp vượt quá thẩm quyết thì hội đồng báo cáo và đề xuất hướng giải quyết với Chủ tịch Ủy ban nhân dân cùng cấp. 

Thứ ba, Hội đồng bồi thường hỗ trợ tái định cư có trách nhiệm về tính chính xác, hợp lý của số liệu kiểm kê, tính hợp pháp của đất đai, tài sản được bồi thường, hỗ trợ trong phương án bồi thường; hỗ trợ tái định cư, hỗ trợ và bố trí tái định cư cho người bị thu hồi đất và tạo điều kiện cho việc giải phóng mặt bằng.

3. Sự ảnh hưởng bởi sự ra đời tổ chức phát triển quỹ đất đối với công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở nước ta hiện nay. 

Tổ chức phát triển quỹ đất hoạt động theo loại hình đơn vị sự nghiệp có thu hoặc doanh nghiệp nhà nước thực hiện nhiệm vụ công ích do Ủy ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương quyết định thành lập để thực hiện bồi thường, giải phóng mặt bằng trong trường hợp thu hồi đất sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có dự án đầu tư; nhận chuyển nhượng quyền sử dụng đất trong khu vực có quy hoạch phải thu hồi đất mà người sử dụng đất có nhu cầu chuyển đi nơi khác trước khi Nhà nước quyết định thu hồi đất; quản lý quỹ đất đã thu hồi và tổ chức đấu giá quyền sử dụng đất theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với diện tích đất được giao quản lý. 

Tính đến ngày 20/1/2011, đã có 58/63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương thành lập tổ chức phát triển quỹ đất cấp tỉnh (5 tỉnh chưa thành lập là Bắc Kạn, Tuyên Quang, Lào Cai, Nghệ An, Quảng Trị). Tại cấp huyện, cả nước đã có 131 tổ chức phát triển quỹ đất được thành lập.

Việc ra đời tổ chức phát triển quỹ đất có ảnh hưởng rất lớn đến công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất ở nước ta hiện nay, nó góp phần hỗ trợ rất lớn cho công tác này được diễn ra nhanh chóng, hiệu quả hơn thông qua việc quy định cụ thể chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của tổ chức này trong công tác bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi nhà nước thu hồi đất. Như là lập lập phương án tổng thể về bồi thường, giải phóng mặt bằng trình Ủy ban nhân dân tỉnh; trình phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng; thực hiện việc bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với trường hợp thu hồi đất sau khi quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất được công bố mà chưa có dự án đầu tư…

Chính phủ mạnh tay giải phóng mặt bằng tại các khu vực trọng điểm

Tuy nhiên cũng có thể thấy, đã hơn 4 năm triển khai thi hành Luật Đất đai năm 2003, song vai trò và hoạt động của Tổ chức phát triển quỹ đất  còn rất mờ nhạt. Có nhiều tỉnh còn chưa thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất. Có tỉnh đã thành lập Tổ chức phát triển quỹ đất (kể cả Thủ đô Hà Nội) song chưa để lại dấu ấn đáng kể nào về sự tồn tại của Tổ chức này. Từ thực tế trên, để đẩy nhanh tiến độ thực hiện bồi thường, hỗ trợ tái định cư, giảm tình trạng khiếu kiện, góp phần cải cách thủ tục hành chính trong lĩnh vực bồi thường cần phải có những giải pháp nhất định nhằm nâng cao hiệu quả hoạt động của tổ chức trên. Tạo ra quỹ đất sạch, chủ động đáp ứng nhu cầu mặt bằng cho các dự án đầu tư là kết quả "nhìn thấy được" của các Tổ chức Phát triển quỹ đất ở nhiều địa phương. 

Tổ chức Phát triển quỹ đất hiện nay là cơ chế tài chính chưa rõ ràng. Được giao nhiệm vụ bồi thường, giải phóng mặt bằng, thu hồi đất sau khi có kế hoạch mà chưa có dự án đầu tư, nhưng chỉ có một số tổ chức được giao ngân sách thực hiện nhiệm vụ này. Lại là tổ chức sự nghiệp có thu nên không được vay vốn ngân hàng. Nguồn vốn hoạt động cũng như nguồn vốn đầu tư trở lại chưa rõ ràng, Tổ chức Phát triển quỹ đất khó có thể chủ động trong việc giải phóng mặt bằng, tạo quỹ đất sạch.

Ngay cả khi Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định 216 năm 2005 về Quy chế đấu giá quyền sử dụng đất để giao đất có thu tiền sử dụng đất hoặc cho thuê đất, giao Bộ Tài chính, UBND các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương ban hành văn bản hướng dẫn cụ thể, thì ở thời điểm cuối 2007, vẫn chưa có văn bản hướng dẫn này. Thực tế, Tổ chức này muốn phát triển và làm hết nhiệm vụ quyền hạn như Luật Đất đai quy định, vốn huy động phải lên tới hàng nghìn tỷ đồng. Trong tình cảnh ấy, những hạn chế đầu tư về nhân lực và trang thiết bị càng khiến các Tổ chức Phát triển quỹ đất khó thực hiện chức năng và nhiệm vụ thậm chí chỉ trở thành "tư vấn" cho nhà đầu tư. 

4. Giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả của tổ chức phát triển quỹ đất

Phát biểu tại Hội thảo về Tổ chức hoạt động Tổ chức Phát triển quỹ đất, do Bộ TN&MT tổ chức cuối tháng 12/2007, Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ Nguyễn Mạnh Hiển cho biết: “Vướng mắc cũng như kiến nghị xung quanh cơ chế tổ chức và hoạt động của Tổ chức Phát triển quỹ đất, Bộ TN&MT sẽ nghiên cứu giải quyết, phối hợp với các Bộ, ban, ngành sớm ra văn bản phù hợp. Cốt lõi của vấn đề là ở đó”.

Bên cạnh những thành tưu mà tổ chức phát triển quỹ đất đã đạt được trong quá trình Đổi mới, đã góp phần thúc đẩy phát triển mọi mặt của đời sống kinh tế - xã hội, văn hóa… Tuy nhiên  vẫn còn những điểm thiếu sót bất cập, như việc sử dụng lãng phí, kém hiệu quả các tài nguyên ở nhiều nơi đấtđai bị suy thoái, ô nhiễm, phá hoại đến mức báo động; tranh chấp, khiếu nại về đất đai vẫn là vấn đề nóng của xã hội; đóng góp cho nền kinh tế quốc dân chưa tương xứng với tiềm năng của tài nguyên đất và hoạt động quản lý đất đai. Một trong những nguyên nhân chủ yếu là hệ thống chính sách và pháp luật về đất đai chưa thực sự đồng bộ; chiến lược, quy hoạch tổng thể phát triển kinh tế - xã hội của cả nước, các ngành, các cấp, chưa kết hợp và lồng ghép có hiệu quả với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch sử dụng đất; hơn nữa chưa xác định được chiến lược phát triển ngành Quản lý đất đai.

Chiến lược phát triển ngành Quản lý đất đai Việt Nam giai đoạn 2010 - 2020 và định hướng đến 2030 phải được thực hiện đồng bộ, từng bước và có trọng điểm. Việc thực hiện Chiến lược vừa mang tính cấp bách vừa có tính lâu dài, góp phần quan trọng vào việc thực hiện sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Để thực hiện thành công và đảm bảo tính khả thi cần thực hiện các giải pháp chính sau:

4.1. Đối với chính các tổ chức phát triển quỹ đất

Một Tổ chức Phát triển quỹ đất chỉ được điều hành hữu hiệu và chỉ thực sự hiệu quả khi Tổ chức này có được cơ chế thu và chi rõ ràng, cũng như có những quy định cụ thể về phí, lệ phí trong quản lý đất đai. 

Tổ chức này cũng phải được cho phép làm dịch vụ tư vấn cho UBND cấp huyện trong việc điều tra, khảo sát, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với trường hợp đất thu hồi đã có dự án đầu tư. Theo đó, Tổ chức Phát triển quỹ đất sẽ phải thực hiện trình tự thủ tục lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và các yêu cầu khi xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật về đất đai. 

Muốn vậy, cần có quy định chính sách tạo nguồn vốn cho Tổ chức Phát triển quỹ đất, trong đó có việc cho phép được huy động các nguồn vốn nhàn rỗi để phát triển kết cấu hạ tầng, tạo quỹ đất sạch thu hút đầu tư. Hiện UBND tỉnh Tây Ninh đã cho phép Trung tâm Phát triển quỹ đất của tỉnh mình - tên gọi khác của Tổ chức Phát triển quỹ đất - thực hiện việc huy động này. 

Chỉ trên cơ sở chủ động về nguồn vốn, Tổ chức Phát triển quỹ đất mới có thể phát huy vai trò trong việc chủ động giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, tạo sẵn quỹ đất cho nhà đầu tư. Khắc phục có hiệu quả tình trạng ách tắc, kéo dài việc giải phóng mặt bằng. Khi không làm được thì chỉ có những Tổ chức Phát triển quỹ đất theo tên gọi, chứ chức năng và nhiệm vụ khó lòng phát huy. 

Ngoài ra các cơ quan chức năng cần phải hoàn chỉnh bộ máy tổ chức làm công tác bồi thường cấp huyện, cụ thể là: bố trí đủ nhân lực cho tổ chức phát triển quỹ đất cấp huyện đủ mạnh để giao cho đon vị này chủ động, tự chịu trách nhiệm trong việc lập và trình thẩm định phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư.

4.2. Giải pháp tuyên truyền, nâng cao nhận thức

Tuyên truyền phổ biến Chiến lược đến tất cả các cấp, các ngành, các địa phương dưới mọi hình thức để tạo sự đồng thuận trong tổ chức thực hiện Chiến lược. Lấy việc hoàn thành các nội dung, nhiệm vụ trong Chiến lược làm các chỉ tiêu phấn đấu thi đua hàng năm của Ngành và của địa phương.

4.3. Giải pháp tài chính và đầu tư

Nhà nước bảo đảm các nguồn lực đầu tư cần thiết bằng nguồn vốn của Trung ương và địa phương, đồng thời có chính sách huy động sự đóng góp của doanh nghiệp, cộng đồng và mở rộng hợp tác quốc tế để tăng cường đầu tư cho công tác quản lý và sử dụng đất, hoàn thiện hạ tầng kỹ thuật và thực hiện các chương trình, dự án phát triển Ngành. Ưu tiên đầu tư cho các nhiệm vụ, dự án có tính chất bản lề, then chốt để thúc đẩy thực hiện các nội dung, nhiệm vụ khác cùng phát triển.

4.4. Giải pháp khoa học và công nghệ

Đẩy mạnh ứng dụng tiến bộ khoa học, công nghệ, hiện đại hóa hệ thống quản lý đất đai; thường xuyên cập nhật và ứng dụng công nghệ tiên tiến trong lĩnh vực quản lý đất đai.

4.5. Giải pháp cải cách hành chính

Cải cách hành chính trong lĩnh vực quản lý đất đai theo định hướng tinh giản hóa quy trình và thủ tục hành chính và xã hội hóa cung cấp dịch vụ công trong lĩnh vực quản lý đất đai.

4.6. Giải pháp tăng cường hợp tác quốc tế

Mở rộng và tăng cường hợp tác quốc tế; tiếp tục duy trì và mở rộng các mối quan hệ hợp tác với các quốc gia và tổ chức quốc tế trong lĩnh vực quản lý đất đai.

III. KẾT LUẬN 

Một Tổ chức Phát triển quỹ đất chỉ được điều hành hữu hiệu và chỉ thực sự hiệu quả khi Tổ chức này có được cơ chế thu và chi rõ ràng, cũng như có những quy định cụ thể về phí, lệ phí trong quản lý đất đai. 

Tổ chức này cũng phải được cho phép làm dịch vụ tư vấn cho UBND cấp huyện trong việc điều tra, khảo sát, lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng đối với trường hợp đất thu hồi đã có dự án đầu tư. Theo đó, Tổ chức Phát triển quỹ đất sẽ phải thực hiện trình tự thủ tục lập phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng và các yêu cầu khi xây dựng phương án bồi thường, giải phóng mặt bằng theo đúng quy định của pháp luật về đất đai.


Chỉ trên cơ sở chủ động về nguồn vốn, Tổ chức Phát triển quỹ đất mới có thể phát huy vai trò trong việc chủ động giải phóng mặt bằng sau khi quy hoạch được cơ quan Nhà nước có thẩm quyền xét duyệt, tạo sẵn quỹ đất cho nhà đầu tư. Khắc phục có hiệu quả tình trạng ách tắc, kéo dài việc giải phóng mặt bằng. Khi không làm được thì chỉ có những Tổ chức Phát triển quỹ đất theo tên gọi, chứ chức năng và nhiệm vụ khó lòng phát huy.

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lý Tầm Hoan - K35 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment