Bài tập học kỳ Pháp luật bồi thường giải phóng mặt bằng có đáp án.
II. NỘI DUNG CHI TIẾT
1. Khái quát pháp luật về đền bù, GPMB hiện hành
Pháp luật về đền bù, GPMB ở nước ta đã được hình thành từ rất sớm. Trong giai đoạn hiện nay, do yêu cầu của công cuộc đổi mới, trước những vấn đề bức xúc liên quan đến đất đai, chế định pháp luật về bồi thường thiệt hại không ngừng được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện cho phù hợp với tình hình phát triển kinh tế - xã hội của đất nước. Nhiều địa phương đã có những quy định mới về đền bù thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất nhằm làm giảm số lượng các vụ tranh chấp, khiếu kiện liên quan đến vấn đề này.
Ngày 26/11/2003, Quốc hội khóa XI kỳ họp thứ 4 đã ban hành Luật đất đai 2003 thay thế cho Luật đất đai năm 1993; trong đó có các quy định mới về bồi thường thiệt hại, hỗ trợ tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất. Tiếp đó, ngày 3/12/2004, Chính phủ ban hành Nghị định số 197/2004/NĐ – CP về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất và Bộ Tài chính ra Thông tư số 116/2004/TT – BTC ngày 7/12/2004 hướng dẫn thực hiện Nghị định này. Các quy định hiện hành về bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất đã có những sửa đổi, bổ sung cơ bản để đáp ứng yêu cầu của cuộc sống. Gần đây nhất, Chính phủ đã cho ban hành Nghị định 69/2009/NĐ – CP ngày 13/8/2009 quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư nhằm bổ sung, thay thế một số điều, khoản của Nghị định 197/2004/NĐ – CP và tiến tới hoàn thiện hệ thống pháp luật về vấn đề này.
2. Những vướng mắc nổi cộm trong trình tự, thủ tục bồi thường, GPMB.
Pháp luật về bồi thường, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất không ngừng được sửa đổi, bổ sung đã góp phần quan trọng vào việc thực thi nhanh chóng việc thu hồi đất sử dụng vào mục đích quốc phòng, an ninh, lợi ích quốc gia, lợi ích công cộng và phát triển kinh tế. Đa số người bị thu hồi đất đã tự nguyện di chuyển, trả lại đất cho Nhà nước, đảm bảo việc triển khai thực hiện các dự án đúng tiến độ đề ra. Tuy nhiên, thực tiễn triển khai công tác bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất vẫn gặp không ít khó khăn, phức tạp; việc khiếu kiện liên quan đến giá đất được xác định bồi thường thiệt hại từ phía người dân đang có xu hướng gia tăng. Từ thực tiễn thực hiện công tác bồi thường, GPMB cho thấy cơ chế thực thi vẫn còn nhiều bất cập và tập trung ở những khía cạnh cơ bản sau:
2.1. Giá đất để tính bồi thường thiệt hại chưa phù hợp
Việc xác định giá đất là hết sức cần thiết trong quản lý nhà nước đối vơi đất đai về phương diện kinh tế trong điều kiện kinh tế thị trường; bởi vì giá đất là công cụ để giải quyết mối quan hệ về lợi ích kinh tế giữa Nhà nước với người dùng đất trong giao đất, cho thuê đất, bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất…
Việc quy định giá đất bồi thường khi Nhà nước thu hồi đất căn cứ vào giá đất do UBND cấp tỉnh quy định như hiện nay ảnh hưởng không nhỏ đến quyền lợi của người bị thu hồi đất. Mặc dù, Luật đất đai năm 2003 quy định các nguyên tắc cơ bản để UBND cấp tỉnh xác định giá đất cho phù hợp: “Giá đất do Nhà nước quy định phải sát với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường trong điều kiện bình thường; khi có chênh lệch lớn so với giá chuyển nhượng quyền sử dụng đất thực tế trên thị trường thì phải điều chỉnh cho phù hợp”; tuy nhiên trên thực tế cho thấy, giá đất do UBND cấp tỉnh quy định thường thấp hơn so với giá chuyển nhượng quyền sử đất trên thị trường, có trường hợp tỉ lệ chênh lệch này khá cao. Vì thế, dẫn đến việc người bị thu hồi đất không đồng ý với phương án bồi thường do Hội đồng đền bù đưa ra, không tự nguyện thực hiện quyết định thu hồi đất. Mặt khác, ngoài tiền bồi thường theo khung giá đất, pháp luật cũng quy định việc hỗ trợ cho người bị thu hồi đất theo từng dự án. Các dự án không giống nhau nên số tiền (bao gồm tiền bồi thường và tiền hỗ trợ) mà người bị thu hồi đất được nhận có sự chênh lệch nhau giữa các dự án. Thực tế cho thấy, thường là những dự án có vốn đầu tư nước ngoài, thì số tiền bồi thường mà người bị thu hồi đất nhận được cao hơn so với dự án không có vốn đầu tư nước ngoài. Thậm chí trong cùng một dự án – nhất là những dự án về giao thông công cộng, qua nhiều tỉnh, thành phố trực thuộc trung ương, thì giá đất bồi thường ở các địa phương lại khác nhau, mỗi nơi một kiểu, áp dụng hkung giá đất riêng dẫn đến thắc mắc, khiếu kiện trong dân cư ở những địa bàn giáp ranh giữa tỉnh này với tỉnh kia.
2.2. Cơ chế thực hiện bồi thường chưa thỏa đáng.
Công tác GPMB, bồi thường thiệt hại là công tác hết sức phức tạp không thể giải quyết nhanh gọn vì nó động chạm tới nhiều quyền lợi của dân. Có nhiều dự án do không làm tốt công tác bồi thường, GPMB nên không thể triển khai được ảnh hưởng lớn đến sự phát triển kinh tế - xã hôi của đất nước. Sự chậm trễ về tiến độ thực hiện các dự án phần nào có nguyên nhân ở khâu chuẩn bị, hầu hết chủ đầu tư thường chỉ quan tâm đến việc xây dựng dự án cho công trình, việc xây dựng phương án GPMB thường làm sau và chỉ thực hiện khi dựa án chuẩn bị bước vào giai đoạn thi công, mà vấn đề này có thể nói rất nhạy cảm, liên quan đến nhiều yếu tố như: con người, tiền đền bù, đất tái định cư, chính sách khác… Chính vấn đề này mà khi gặp phải một sự cố, một ách tắc ở giai đoạn GPMB sẽ kéo theo sự chậm trễ ở các hạng mục tiếp theo.
Ngoài ra, chúng ta còn phải kể đến cơ chế thi hành quá nhiều ban bệ. Đây là vấn đề ai cũng biết và nó tồn tại quá lâu tạo nên sức ỳ lớn không chỉ riêng đối với công tác GPMB xây dựng mà cả các mặt khác của đời sống xã hội, lam việc gì cũng phải có Ban chỉ đạo. Văn bản nào, Ban chỉ đạo nào cũng nói đến tham mưu, tư vấn và trách nhiệm nhưng khi vào việc cụ thể và khi xảy ra sự cố chẳng ai chịu trách nhiệm, cuối cùng vẫn là người dân gánh chịu.
2.3. Cơ quan tổ chức bồi thường, GPMB chưa tuân thủ đúng pháp luật.
Công tác bồi thường, GPMB bình thường đã rất phức tạp, việc cơ quan chức năng mập mờ trong quy hoạch, kế hoạch và tổ chức thực hiện đã gây ra nhiều khó khăn trong công tác GPMB, ảnh hưởng tới sự phát triển kinh tế - xã hội của đất nươc, đồng thời gây ra nhiều bức xúc trong dư luận nhân dân.
Vấn đề lỗi trong công tác GPMB xảy ra ở nhiều địa phương và mang tính hệ thống. Hiện trạng này có thể xuất phát từ sự yếu kém trong việc am hiểu pháp luật của cán bộ đất đai, cũng có thể xuất phát từ ý chí chủ quan, cố tình làm sai lệch pháp luật để hưởng lợi riêng của một bộ phận không nhỏ cán bộ, người có quyền trong việc tổ chức thực hiện bồi thường, GPMB.
Việc cán bộ làm công tác GPMB không công khai kế hoạch, quy hoạch sử dụng đất, phương án bồi thường, hỗ trợ tái định cư cho người dân biết làm cho người bị thu hồi đất không có được những thông tin cần thiết, diễn ra khá phổ biến. Ở một số địa phương, còn diễn ra tình trạng cán bộ đất đai có tình làm sai pháp luật, không công bằng trong bồi thường, thậm chí “ăn chặn” của người dân gây ra nhiều bức xúc, dẫn đến việc khiếu kiện kéo dài.
2.4. Người sử dụng đất chưa chấp hành nghiêm chỉnh quyết định thu hồi đất của Nhà nước.
Pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất chưa được thực thi tốt có nguyên nhân từ ý thức chấp hành pháp luật chưa cao của người dân: Tình trạng lấn chiếm đất công, làm nhà trái phép, mau, bán, đổi, sang tên nhà đất theo hình thức trao tay…đã tạo ra sự lộn xộn trong quản lý và sử dụng đất đai.. Điều này gây ra áp lực lớn cho công tác bồi thường, GPMB khi Nhà nước thu hồi đất.
Bên cạnh đó, trong một thời gian dài, công tác tuyên truyền pháp luật nói chung và tuyên truyền pháp luật đất đai nói riêng chưa được chú trọng thực hiện nhằm nâng cao sự hiểu biết và ý thức chấp hành pháp luật cho người dân. Quy trình xây dựng pháp luật nói chung và pháp luật đất đai nói riêng dường như chưa chú trọng thích đáng đến việc lắng nghe, lấy ý kiến đóng góp của đông đảo quần chúng nhân dân và các chuyên gia pháp lý nên nhiều nội dung của pháp luật không phù hợp với thực tiễn và không được người dân chấp nhận.
2.5. Vấn đề tái định cư còn chậm và chưa được quan tâm đúng mức.
Tái định cư cũng là một vấn đề khá nóng bỏng tại các địa phương. Luật đất đai năm 2003 quy định đói với trường hợp thu hồi đất ở thì trước khi thu hồi đất UBND cấp tỉnh phải xây dựng khu tái định cư đối với người có đất bị thu hồi. Tuy nhiên, trên thực tế nhiều dự án ở địa phương lại thực hiện ngược lại. Các nhà đầu tư không thực hiện đúng cam kết hỗ trợ tiền thuê chỗ ở cho người dân trong thời gian tạm cư, tạm tái định cư.
Thực tế cho thất hầu hết các địa phương đều không có sẵn nguồn nhà đất để phục vụ tái định cư. Trong khi quỹ đất dôi dư, đất chưa có người sử dụng gần như không có. Điều này dẫn đến nhiều bất cập trong thực hiện các dự án cũng như ổn định đời sống cho bà con thuộc diện phải di chuyển.
Nếu tách riêng ở khâu GPMB thì cùng với việc bồi thường sai chính sách, bất hợp lý; những bất cập, vướng mắc về thủ tục hồ sơ nguồn gốc đất…còn có nguyên nhân tử công tác tổ chức tái định cư cho những người bị thu hồi đất chưa được quan tâm đúng mức gây khó khăn cho việc triển khai thực hiện các dự án. Từ những nguyên nhân này, người làm công tác xây dựng quy hoạch, xây dựng phương án bồi thường cần hêt sức lưu tâm, nghiên cứu chặt chẽ tận dụng các quỹ đất sẵn có cho việc tái định cư tại chỗ.
2.6. Công tác cấp Giấy chứng nhận quyền sử dụng đất (Giấy CNQSDĐ) còn nhiều bất cập, lộn xộn.
Có thể nói, công tác cấp Giấy CNQSDĐ hiện nay còn quá lộn xộn cũng là khó khăn trong việc bồi thường thiệt hại mà chúng ta phải đề cập. Một trong những điều kiện để được bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất là có Giấy CNQSDĐ, nhưng hiện nay nhiều hộ gia đình đang sử dụng đất nhưng lại chưa có Giấy CNQSDĐ hợp pháp.
Việc cấp Giấy CNQSDĐ ở tại đô thị thực hiện rất chậm do nhiều nguyên nhân. Trước hét phải kể đến nguyên nhân do việc tổ chức, kê khai, lập hồ sơ nhà đất để cấp Giấy CNQSDĐ liên quan tới nhiều ngành, nhiều cấp như xây dựng, địa chính, nhà đất, tài chính…; nhưng pháp luật chưa quy định cụ thể, chưa quy định rõ trách nhiệm của các ngành, các cấp. Hơn nữa, nguồn gốc sử dụng đất ở đô thị quá phức tạp và lại biến động qua các thời kỳ cũng là nguyên nhân ảnh hưởng đến tiến độ cấp Giấy CNQSDĐ. Công tác quy hoạch sử dụng đất chưa đi vào nề nếp; trình độ cán bộ địa chính ở địa phương còn rất hạn chế, thiếu hiểu biết pháp luật hoặc vận dung không đúng cung là nguyên nhân làm chậm tiến độ cấp Giấy CNQSDĐ. Mặt khác, nhiều đia phương đã cấp “sổ đỏ” nhưng chưa giao cho người dân do chính quyền quan liêu, tắc trách hoặc người dân ngại tốn kém tiền bạc chi phí cho việc lấy Giấy CNQSDĐ… cung là trở ngại không nhỏ ảnh hưởng đến công tác bồi thường thiệt hại khi Nha fnuwocs thu hồi đất.
3. Kiến nghị một số giải pháp khắc phục.
3.1. Tiếp tục xây dựng và hoàn thiện hệ thống pháp luật về bồi thường, GPMB.
Chính sách, pháp luật có thực sự đi vào cuộc sống hay không thì bản thân nó phải đáp ứng được các yêu cầu thực tiễn của đời sống. hệ thống văn bản pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất cần phải ổn định trong một thời gian dài, không nên thay đổi thường xuyên dẫn đến tình trạng các cơ quan có thẩm quyền và chủ đầu tư khó thực hiện. Hoàn thiện hệ thống pháp luật đất đai nói chung và pháp luật về bồi thường, GPMB nói riêng phải bảo đảm tính thống nhất, đồng bộ về nội dung các quy định. Pháp luật cần quy định cụ thể, rõ ràng (đặc biệt là các văn bản của Chính Phủ ban hành) càng cụ thể càng tốt, hạn chế tình trạng có quá nhiều có quan có thẩm quyền ban hành văn bản hướng dẫn thực hiện dễ phát sinh sự mâu thuẫn, chồng chéo về nội dung giữa các văn bản.
Để bảo đảm lợi ích của Nhà nước, quyền và lợi ích của người bị thu hồi đất thì cần có chính sách bồi thường hợp lý. Gắn chính sách bồi thường với chính sách tái định cư cho người bị thu hồi đất, giải quyết hài hòa lợi ích của người bị thu hồi đất, của chủ đầu tư và của Nhà nước.
3.2. Xây dựng khung giá đất chuẩn, sát giá thị trường.
Khung giá đất theo quy định của Chính phủ cần tạo ra mặt bằng thống nhất về cơ chế thực hiện việc xác định giá đất giữa các địa phương. Đối với các khu vực đất liền kề giữa các tỉnh, thành phố phải được tuân thủ đung quy định của Luật Đất đai năm 2003 là xác định giá đất như nhau. Tránh tình trạng, mỗi địa phương lại xác định một loại giá đất khác nhau đối với khu vực này. Dẫn đến tình trạng khi áp giá thực hiện bồi thường cho người bị thu hồi đất ở khu vực giáp ranh giữa các địa phương không thống nhất gây nên sự bức xúc, bất bình từ phía người dân.
Khung giá đất do Chính phủ quy định làm cơ sở để các UBND cấp tỉnh xác định giá đất phù hợp với điều kiện thực tế của địa phương mình. Vì vậy, cần tránh tình trạng các địa phương vì lợi ích cục bộ mà đẩy giá đất lên quá cao hoặc hạ thấp giá làm ảnh hưởng đến chủ trương, đường lối của Đảng, Nhà nước gây xáo trộn về giá đất.
Trên thực tế khung giá đất quy định không sát với giá thị trường đã tạp điều kiện cho tệ tham nhũng, quan liêu trong quản lý đất đai, là nguyên nhân dẫn đến việc mua bán, đầu cơ đất đai bất hợp pháp, gây bất bình trong xã hội. Cũng từ đây, nguồn vốn từ tiền sử dụng đất của Nhà nước bị thất thoát vào túi của cá nhân hoặc chủ đầu tư. Do đó, việc xây dựng một khung giá đất chuẩn, sát giá thị trường giúp khắc phục các hiện tượng tiêu cực, làm tăng cho Ngân sách nhà nước, giúp người có đất bị thu hồi sớm khắc phục khó khăn, bảo đảm ổn định cuộc sống.
3.3. Nâng cao chất lượng đội ngũ cán bộ làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB.
Cán bộ cơ sở yếu kém, thực hiện không đúng pháp luật đất đai…là một trong nhưng nguyên nhân dẫn đến khiếu kiện làm mất lòng tin của nhân dân. Công tác bồi thường, GPMB trong thời gian qua đạt hiệu quả thấp có nguyên nhân chủ yếu từ cơ chế thực thi về bồi thường thiệt hại. Đi sâu tìm hiểu cho thấy một bộ phận cán bộ làm nhiệm vụ bồi thường, GPMB đã không thực hiện đúng pháp luật, không công khai phương án bồi thường, vi phạm nguyên tắc công bằng, dân chủ…Điều này có nguyên nhân chủ yếu từ đội ngũ cán bộ làm công tác bồi thường, GPMB có năng lực, trình độ yếu kém chưa đáp ứng được nhiệm vụ được giao hoặc có thái độ thiếu công tâm, khách quan trong việc giải quyết nhằm bảo vệ quyền và lợi ích cho người dân.
Vì vậy, cần nâng cao trình độ, bồi dưỡng chuyên môn, nghiệp vụ cũng như đạo đức nghề nghiệp cho đội ngũ cán bộ làm công tác thực thi pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất để họ am hiểu và thực hiện đúng các quy định của pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất.
3.4. Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra phát hiện và xử lý kịp thời mọi vi phạm pháp luật về bồi thường, GPMB.
Để bảo đảm việc thi hành pháp luật về bồi thường, GPMB được công bằng, dân chủ và minh bạch thì công tác thanh tra, kiểm tra có ý nghĩa rất quan trọng. Qua thanh tra, kiểm tra kịp thời phát hiện, uốn nắn những sai lầm, lệch lạc; đồng thời, phát hiện và xử lý nghiêm minh các hành vi vi phạm. Để nâng cao hiệu quả công tác này, cần thực hiện một số biện pháp sau:
- Đẩy mạnh công tác thanh tra, kiểm tra việc thực thi pháp luật về bồi thường, GPMB một cách thường xuyên, liên tục.
- Phát hiện kịp thời và kiên quyết xử lý rốt ráo, nghiêm minh, đúng pháp luật các hành vi vi phạm pháp luật về bồi thường thiệt hại khi Nhà nước thu hồi đất của vất cứ cá nhân, tổ chức nào nhằm lập lại trật tự, kỷ cương trong lĩnh vực này.
- Củng cố và kiện toàn về mặt đôi ngũ cán bộ làm công tác thanh tra, kiểm tra đất đai nói chung và thanh tra, kiểm tra pháp luật về bồi thường, GPMB nói riêng.
- Giải quyết dứt điểm, triệt để và đúng thời hạn các khiếu nại, tranh chấp liên quan đến công tác bồi thường, GPMB; kiên quyết chống lại mọi hình thức, thái độ “thờ ơ” trước những nguyện vọng, bức xúc của người dân liên quan.
- Thường xuyên rà soát, sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện các quy định về bồi thường thiệt hại về đất, các quy định về thanh tra, kiểm tra đất đai.
3.5. Một số giải pháp khác
Ngoài những giải pháp chủ yếu trên, để góp phần hoàn thiện pháp luật bồi thường, GPMB khi thu hồi đất cần:
- Sửa đổi, bổ sung, hoàn thiện chính sách thu hồi, bồi thường đất và tài sản trên đất, tái định cư, hỗ trợ đào tạo việc làm mới đối với người bị thu hồi đất theo nguyên tắc bảo đảm tối đa quyền lợi của người bị thu hồi đất và giải quyết thấu tình, đạt lý các mối quan hệ giữa Nhà nước, địa phương, người bị thu hồi đất và các chủ đầu tư.
- Nâng cao chất lượng công tác quy hoạch sử dụng đất, khắc phục các hiện tượng: quy hoạch treo, thu hồi đất sau đó bỏ hoang phí không sử dụng, không gắn với quy hoạch đào tạo việc làm mới cho dân cư.
- Huy động toàn bộ hệ thống chính trị vào việc thực hiện tuyên truyền, phổ biến pháp luật đất đai nói chung và pháp luật bồi thường, GPMB nói riêng cho người dân hiểu và chấp hành các chủ trương, chính sách, pháp luật của Nhà nước về thu hồi đất phục vụ cho sự nghiệp Công nghiệp hóa – hiện đại hóa đất nước.
III. KẾT LUẬN
Công tác bồi thường, GPMB là một trong những vấn đề then chốt để đẩy nhanh việc thực hiện các công trình, dự án đầu tư, góp phần nâng cao điều kiện sống cho người dân khu vực có đất bị thu hồi. Trong những năm qua, với sự cố gắng của các bên có liên quan, công tác này đã được đẩy mạnh thực hiện một cách có hiệu quả, đáp ứng yêu cầu phát triển, kinh tế xã hội của đất nước. Tuy nhiên bên cạch nhưng thành tựu đã đạt được, vấn đề bồi thường, GPMB còn một số vướng mắc nổi cộm, gây bức xúc trong quần chúng, một số vụ khiếu kiện kéo dài năm này qua năm khác.
Trong thời gian tới, mong rằng với sự cố gắng của các cấp các nghành có liên quan, cũng như sự đóng góp ý kiến của nhân dân, những trình tự, thủ tục trong công tác bồi thường, GPMB sẽ ngày càng được bổ sung, hoàn thiện, đổi mới theo hướng nhanh gọn, linh hoạt và bảo đảm được quyền và lợi ích chính đáng cho người bị thu hồi đất, cho Nhà nước cũng như các nhà đầu tư, hướng đến một môi trường thuận lợi, vì sự phát triển toàn diện của đất nước.
Danh mục tài liệu tham khảo
- Luật đất đai năm 2003
- Nghị định 197/2004/NĐ – CP ngày 3/12/2004 vè bồi thường, hỗ trợ và tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất.
- Giáo trình luật đất đai – Trường Đại học Luật Hà Nội, Nxb. Tư pháp.
- Nghị định 69/2009/NĐ – CP năm 2009 ngày 13/8/2009 quy định về quy hoạch sử dụng đất, giá đất, thu hồi đất, bồi thường, hỗ trợ và tái định cư
- Nguyễn Văn Chiến – Thực trạng áp dụng pháp luật về bồi thường, hỗ trợ, tái định cư khi Nhà nước thu hồi đất trên địa bàn Hà Nội.
- Nguyễn Thị Bích Anh – Các vấn đề pháp lý về bồi thường thiệt hại về đất khi Nhà nước thu hồi đất.
- Đỗ Thị Ngọc Hương – Pháp luật về bồi thường thiệt hại về đất và tài sản gắn liền với đất khi Nhà nước thu hồi đất.
- Trần Thị Quỳnh Trang – Các vấn đề pháp lý về hỗ trợ khi Nhà nước thu hồi đất của hộ gia đình, cá nhân.
- Một số trang Web:
http://www.google.com
http://www.tailieu.vn
http://www.sinhvienluat.vn
http://www.thuvienphapluat.com.vn
Cảm ơn bạn Lý Tầm Hoan - K35 ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment