16/06/2014
Nhận thức chung về Tư pháp quốc tế
1.    Khái niệm về Tư pháp quốc tế.

1.1. Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. 

1.1.1. Định nghĩa: Đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là những quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài.

- Quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) là thuật ngữ pháp lý chỉ về những quan hệ xảy ra trong các lĩnh vực dân sự, hôn nhân và gia đình, lao động, thương mại và tố tụng dân sự. Những quan hệ này liên quan đến lợi ích tài sản  và lợi ích nhân thân, chủ yếu phát sinh giữa cá nhân, tổ chức, pháp nhân với nhau.

+ Đây là khái niệm bao quát các lĩnh vực quan hệ do Tư pháp quốc tế điều chỉnh. Thuật ngữ này được lý giải bởi kỹ thuật lập pháp của các nước có sự khác nhau. 


+ Khái niệm quan hệ dân sự ở các nước được hiểu dưới những khía cạnh khác nhau. Ở Việt Nam, quan hệ dân sự được hiểu là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản phát sinh giữa các cá nhân, tổ chức khác nhau, các quan hệ này chủ yếu nhằm thoả mãn nhu cầu sinh hoạt của các chủ thể tham gia, được các quy phạm Luật dân sự điều chỉnh  . Ở CH Pháp, quan hệ dân sự còn được hiểu bao gồm cả quan hệ hôn nhân và gia đình; ở Ca na đa, khái niệm này được hiểu bao gồm cả quan hệ tố tụng dân sự; ở Thái lan, quan hệ dân sự còn được hiểu bao gồm quan hệ thương mại, quan hệ hôn nhân và gia đình...


- Yếu tố nước ngoài:

+ Có ít nhất chủ thể tham gia quan hệ này là nước ngoài. Chủ thể nước ngoài có thể là người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài, nhà nước nước ngoài (ví dụ một quan hệ hôn nhân giữa công dân Việt Nam với công dân Pháp, chủ thể nước ngoài là công dân Pháp).

+ Khách thể của quan hệ này liên quan đến tài sản, công việc ở nước ngoài (ví dụ: một quan hệ thừa kế tài sản giữa công dân Việt Nam với công dân Mỹ, tài sản thừa kế đang tồn tại trên lãnh thổ Mỹ; việc gửi giữ tài sản giữa một công dân Việt Nam tại một đại lý ở nước ngoài thì trách nhiệm bảo quản tài sản là khách thể của quan hệ đó…).

+ Sự kiện pháp lý làm phát sinh, thay đổi hay chấm dứt quan hệ này xảy ra ở nước ngoài (ví dụ: pháp nhân Việt Nam ký hợp đồng mua bán hàng hoá với pháp nhân Nhật bản tại Tokyo, việc ký kết hợp đồng là một sự kiện pháp lý).

1.1.2. So sánh lý luận đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế với quy định của luật thực định.

Tại điều 826 Bộ luật Dân sự Việt Nam (BLDS) 1995 quy định: “ Trong Bộ luật này quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được hiểu là các quan hệ dân sự có người nước ngoài, pháp nhân nước ngoài tham gia hoặc căn cứ để xác lập, thay đổi, chấm dứt quan hệ đó phát sinh ở nước ngoài hoặc tài sản liên quan đến quan hệ đó ở nước ngoài”.

Dựa vào lý luận và thực tiễn Tư pháp quốc tế cho thấy, điều luật trên quy định về quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài có những điểm khác sau đây:

    + Về chủ thể: điều luật chỉ quy định chủ thể của quan hệ dân sự này là người nước ngoài và pháp nhân nước ngoài. Trong thực tiễn, chủ thể này còn có thể là Nhà nước nước ngoài (chẳng hạn trong quan hệ thừa kế tài sản giữa công dân Việt Nam và nhà nước nước ngoài).

    + Về khách thể: điều luật chỉ quy định khách thể của quan hệ này là tài sản tồn tại ở nước ngoài. Trong thực tiễn, khách thể của quan hệ này còn có thể là công việc phải làm hoặc không được làm ở nước ngoài (chẳng hạn quan hệ về gửi giữ tài sản giữa công dân Việt Nam và đại lý nước ngoài trong ví dụ đã nêu).

Vì vậy,  trong công tác xây dựng và hoàn thiện pháp luật, sự cần thiết đặt ra là phải quy định chặt chẽ, chính xác về các khái niệm pháp lý, trên cơ sở đó nâng cao hiệu quả điều chỉnh của pháp luật đối với các quan hệ xã hội.

1.1.3. Phân biệt đối tượng điều chỉnh của  Tư pháp quốc tế với đối tượng đièu chỉnh của các ngành luật, hệ thống pháp luật có liên quan:

Đối tượng điều chỉnh của pháp luật nói chung và của các ngành luật nói riêng đều là các quan hệ xã hội được pháp luật điều chỉnh. Tuy nhiên không phải quan hệ xã hội nào cũng thuộc đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế, của Luật dân sự và của Công pháp quốc tế.

  - Sự khác nhau giữa đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế và Luật dân sự:

+ Khác nhau về phạm vi các quan hệ xã hội do hai ngành luật này điều chỉnh: Tư pháp quốc tế không những điều chỉnh các quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản thuộc lĩnh vực dân sự (như quan hệ mua bán, thuê mướn, gửi giữ hàng hoá, bảo vệ quyền nhân thân của cá nhân, tổ chức…) mà còn điều chỉnh các quan hệ hôn nhân và gia đình, lao động, kinh tế và tố tụng dân sự.

    + Các quan hệ dân sự do Tư pháp quốc tế điều chỉnh là quan hệ nhân thân và quan hệ tài sản có yếu tố nước ngoài.

    - Sự khác nhau giữa đối tượng điều chỉnh của Tư pháp quốc tế và đối tượng điều chỉnh của Công pháp quốc tế được biểu hiện ở tính chất các quan hệ xã hội thuộc phạm vi điều chỉnh của chúng. Tư pháp quốc tế chỉ điều chỉnh các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài; Công pháp quốc tế chỉ điều chỉnh các quan hệ chính trị và các quan hệ có liên quan đến chính trị được phát sinh giữa các quốc gia và các chủ thể khác của Công pháp quốc tế.

    Từ những phân tích trên đây, có thể khẳng định đối tượng điều chỉnh của tư pháp quốc tế mang tính độc lập, riêng biệt so với đối tượng điều chỉnh của các ngành luật khác. Đây là một tiêu chí (cùng với phương pháp điều chỉnh riêng biệt) để có thể khẳng định Tư pháp quốc tế là một hệ thống pháp luật độc lập.

1.2. Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế. 

1.2.1. Định nghĩa: Phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế là tổng hợp các biện pháp, cách thức mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài (gọi là quan hệ Tư pháp quốc tế) làm cho các quan hệ này phát triển theo hướng có lợi cho giai cấp thống trị.

Các biện pháp cách thức mà Nhà nước sử dụng để tác động lên các quan hệ Tư pháp quốc tế được biểu hiện ở hai phương pháp cụ thể là (gọi là phương pháp điều chỉnh trực tiếp và phương pháp điều chỉnh gián tiếp).

1.2.2. Phương pháp điều chỉnh trực tiếp (còn gọi là phương pháp thực chất): là phương pháp sử dụng các quy phạm pháp luật thực chất để tác động trực tiếp lên quan hệ Tư pháp quốc tế.

Sự tác động của nhà nước lên quan hệ Tư pháp quốc tế được thực hiện thông qua quy phạm thực chất. Quy phạm thực chất là quy phạm quy định sẵn các quyền, nghĩa vụ, biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế. Khi quan hệ Tư pháp quốc tế xảy ra, nếu có sẵn quy phạm thực chất để áp dụng thì các bên chủ thể cũng như cơ quan có thẩm quyền (toà án, trọng tài…) căn cứ ngay vào đó để xác định vấn đề họ đang quan tâm (chẳng hạn: việc xác định các quyền và nghĩa vụ của chủ thể quan hệ, trách nhiệm pháp lý…).

    Trong thực tiễn, việc điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế được áp dụng bởi các quy phạm thực chất thống nhất (là quy phạm thực chất được xây dựng bằng cách các quốc gia ký kết, tham gia các Điều ước quốc tế hoặc chấp nhận và sử dụng các Tập quán quốc tế). Tuy nhiên, trong một số lĩnh vực nhất định, như xác định địa vị pháp lý của người nước ngoài, điều chỉnh quan hệ về sở hữu trí tuệ có yếu tố nước ngoài, các quốc gia cũng ban hành trong hệ thống pháp luật nước mình những quy phạm pháp luật thực chất, trực tiếp điều chỉnh những quan hệ phát sinh trong các lĩnh vực này.

- Tính ưu việt của việc áp dụng phương pháp điều chỉnh này: làm cho mối quan hệ Tư pháp quốc tế được điều chỉnh nhanh chóng, các vấn đề cần quan tâm được xác định ngay, các chủ thể của quan hệ đó và các cơ quan có thẩm quyền khi giải quyết tranh chấp sẽ tiết kiệm được thời gian, tránh được việc phải tìm hiểu pháp luật nước ngoài là vấn đề rất phức tạp. 

- Mặt hạn chế của phương pháp này: do quy phạm thực chất thống nhất có số lượng không nhiều (vì mỗi nước có những lợi ích khác nhau nên khó cùng nhau thoả thuận ký kết hoặc tham gia các Điều ước quốc tế, hoặc cùng sử dụng các Tập quán quốc tế; một số lĩnh vực hiện nay hầu như rất ít quy phạm thực chất thống nhất, như  lĩnh vực thừa kế, hôn nhân và gia đình...), không đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh hết quan hệ Tư pháp quốc tế diễn ra rất đa dạng, phức tạp. Bởi vậy, khi không có quy phạm thực chất thống nhất thì phải có phương pháp khác để điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế. 

1.2.2. Phương pháp điều chỉnh gián tiếp (còn gọi là phương pháp xung đột): là phương pháp sử dụng quy phạm xung đột nhằm xác định hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng trong việc điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế cụ thể đang xem xét.

- Quy phạm xung đột là quy phạm pháp luật không quy định sẵn quyền, nghĩa vụ, các biện pháp chế tài đối với các chủ thể tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế mà nó chỉ có vai trò xác định hệ thống pháp luật nào sẽ được áp dụng. Quy phạm xung đột được xây dựng bằng cách các quốc gia tự ban hành trong hệ thống pháp luật của nước mình (gọi là quy phạm xung đột nội địa), ngoài ra nó còn được xây dựng bằng cách các quốc gia thoả thuận ký kết các Điều ước quốc tế (gọi là quy phạm xung đột thống nhất).

- Tính chất phức tạp của phương pháp điều chỉnh này thể hiện: do phải thông qua khâu trung gian  “chọn luật” áp dụng nên việc điều chỉnh quan hệ Tư pháp quốc tế mất nhiều thời gian. Nhiều trường hợp quy phạm xung đột dẫn chiếu đến pháp luật nước ngoài, việc tìm hiểu nội dung pháp luật nước ngoài là rất khó khăn đối với các bên đương sự và cơ quan có thẩm quyền vì do các nước có các điều kiện kinh tế, chính trị - xã hội khác nhau nên việc xây dựng pháp luật cũng có những điểm khác nhau như đã trình bày.

- Tuy nhiên, do việc xây dựng quy phạm thực chất thống nhất rất phức tạp, số lượng các quy phạm này không đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế, trong khi đó số lượng các quy phạm xung đột lại nhiều hơn và tham gia điều chỉnh hầu hết các quan hệ Tư pháp quốc tế; bởi vậy phương pháp điều chỉnh trực tiếp là phương pháp chủ yếu hiện nay.

1.2.3. Phương pháp điều chỉnh gián tiếp là đặc trưng và cơ bản của Tư pháp quốc tế vì những lý do sau đây:

- Đây là phương pháp điều chỉnh chỉ được áp dụng trong ngành luật Tư pháp quốc tế mà không được áp dụng trong các ngành luật và hệ thống pháp luật  khác.

- Qua việc nghiên cứu các ngành luật khác cho thấy, không ngành luật nào áp dụng phương pháp điều chỉnh này. Việc điều chỉnh các quan hệ xã hội của các ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam và ngay cả Luật quốc tế thực hiện bằng cách sử dụng quy phạm pháp luật trong các văn bản pháp luật là nguồn của chúng, mà không cần phải thông qua khâu trung gian là “chọn luật”. 

- Trong thực tiễn Tư pháp quốc tế, do các quy phạm thực chất thống nhất có số lượng ít, không đáp ứng được yêu cầu điều chỉnh các quan hệ Tư pháp quốc tế  phát sinh ngày càng đa dạng; trong khi đó quy phạm xung đột được xây dựng một cách đơn giản hơn, nhanh hơn nên có số lượng nhiều hơn. Do đó quy phạm xung đột đã điều chỉnh hầu hết các quan hệ Tư pháp quốc tế. Vì vậy phương pháp điều chỉnh gián tiếp được coi là phương pháp cơ bản trong giai đoạn hiện nay. Tuy nhiên, trong những giai đoạn tiếp theo, để tránh sự phức tạp, các quốc gia trên thế giới sẽ cố gắng ký kết ngày càng nhiều Điều ước quốc tế để từ đó xây dựng nên càng nhiều quy phạm thực chất thống nhất, hoặc ít nhất là xây dựng nên các quy phạm xung đột thống nhất. Đây chính là xu hướng phát triển tất yếu của Tư pháp quốc tế trong tương lai.

1.3. Định nghĩa về Tư pháp quốc tế.

Từ những điểm trình bày trên đây về đối tượng điều chỉnh và phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế, cho thấy vai trò của Tư pháp quốc tế  rất quan trọng trong quá trình giao lưu quốc tế hiện nay. Một mặt nó củng cố và thúc đẩy sự hợp tác giữa các quốc gia, các tổ chức quốc tế và các thực thể khác trong đời sống sinh hoạt quốc tế trên cơ sở phù hợp với những nguyên tắc cơ bản của Luật quốc tế; mặt khác Tư pháp quốc tế cũng xác định và bảo vệ lợi ích của các cá nhân, tổ chức và các chủ thể khác tham gia vào các mối quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài. Sự kết hợp hai yếu tố trên đây chúng tỏ sự cần thiết của việc không ngừng xây dựng và hoàn thiện Tư pháp quốc tế trong các giai đoạn tiếp theo và cũng khẳng định Tư pháp quốc tế có vị trí tương đối độc lập.

Cũng từ việc phân tích đối tượng và phương pháp điều chỉnh của Tư pháp quốc tế, có thể rít ra định nghĩa chung về Tư pháp quốc tế như sau:

"Tư pháp quốc tế là hệ thống những nguyên tắc và quy phạm pháp luật được xây dựng bằng những cách thức khác nhau nhằm điều chỉnh quan hệ dân sự (theo nghĩa rộng) có yếu tố nước ngoài, góp phần thúc đẩy đời sống sinh hoạt quốc tế và bảo vệ quyền lợi chính đáng của các chủ thể tham gia quan hệ Tư pháp quốc tế".     

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment