17/06/2014
Tìm hiểu pháp luật về Quỹ đầu tư bất động sản - Bài tập học kỳ Luật Chứng khoán

Sự xuất hiện của các quỹ đầu tư chứng khoán trên thị trường chứng khoán là một trong những yếu tố góp phần cho sự ổn định của thị trường chứng khoán. Trong những năm gần đây, khi hoạt động kinh doanh bất động sản (BĐS) đang rất ảm đạm, giao dịch mua bán ít, lượng tồn kho BĐS nhiều. Tuy nhiên, không ít dự án vẫn rầm rập khởi công, có thể điều đó là dấu hiệu của việc thị trường BĐS đã qua giai đoạn khó khăn nhất và kỳ vọng về sự ấm lại của thị trường. Như vậy thì việc hình thành quỹ đầu tư bất động sản đang là một vấn đề nóng bỏng và thực sự cần thiết. Ngày 1/5/2012 Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ chính thức có hiệu lực, trong đó có quy định về tổ chức và hoạt động của quỹ đầu tư bất động sản (BĐS). Việc hình thành quỹ đầu tư bất động sản đang được kỳ vọng để giúp thị trường bất động sản vượt qua những khủng hoảng đồng thời việc kinh doanh bất động sản sẽ được thực hiện đơn giản và dễ dàng hơn nhiều; đó cũng là sự chờ đợi của các nhà đầu tư vào thời kỳ hoạt động kinh doanh chứng khoán và bất động sản đầy mới mẻ. Trong phạm vi bài viết này, em xin làm rõ vấn đề “ Tìm hiểu pháp luật về Quỹ đầu tư bất động sản, nhận xét và đề xuất pháp lý của người nghiên cứu”.


NỘI DUNG

I. Khái quát chung về quỹ đầu tư chứng khoán

Trước khi đi vào tìm hiểu quy định của pháp luật về quỹ đầu tư bất động sản, ta cần tìm hiểu về quỹ đầu tư chứng khoán. Bởi lẽ, quỹ đầu tư bất động sản chính là một dạng của quỹ đầu tư chứng khoán. 

1. Khái niệm: 

Quỹ đầu tư chứng khoán là một hình thức đầu tư tập thể, được hình thành thông qua việc huy động, tập hợp nhiều nguồn vốn nhỏ thành một nguồn vốn lớn và được ủy thác cho các nhà quản lý vốn chuyên nghiệp thực hiện việc đầu tư vào các loại chứng khoán là chủ yếu, nhằm mang lại lợi nhuận cao nhất cho những người góp vốn. Quỹ đầu tư bất động sản có đầy đủ những đặc điểm của quỹ đầu tư chứng khoán và cũng chịu sự điểu chỉnh của pháp luật theo quỹ đầu tư chứng khoán. 

2. Đặc điểm 

Quỹ đầu tư chứng khoán có một số đặc điểm từ đó có thể phân biệt nó với một số hình thức đầu tư tập thể khác. 

Thứ nhất, quỹ đầu tư chứng khoán không thể hoạt động nếu vắng bóng công ty quản lí quỹ, bởi lẽ, đầu tư tập thể thông qua quỹ đầu tư chứng khoán không hình thành nên một pháp nhân có tư cách độc lập, do đó, việc thành lập quỹ, quản lý tài sản quỹ cũng như việc thực hiện đầu tư của quỹ đều do một công ty quản lý quỹ tiến hành. Công ty quản lý quỹ là một quản lý chuyên nghiệp, đứng ra thành lập quỹ đầu tư chứng khoán bằng cách phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư, thu hút vốn của các nhà đầu tư trên thị trường. Sau khi phát hành chứng chỉ quỹ, công ty quản lý quỹ sẽ đại diện cho các nhà đầu tư, quản lý tài sản của quỹ đầu tư, tiến hành đầu tư vào các loại chứng khoán như cổ phiếu, trái phiếu và các loại tài sản khác theo mục tiêu ban đầu đã đề ra và được ghi trong điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán. Công ty quản lý quỹ phải bồi thường thiệt hại nếu công ty quản lý quỹ vi phạm điều lệ quỹ, vi phạm cam kết với nhà đầu tư hoặc vi phạm pháp luật. 

Thứ hai, quỹ đầu tư chứng khoán chỉ là một lượng vốn nhất định, do các nhà đầu tư đóng góp theo tính chất hùn vốn hoặc là một quỹ tiền mặt dùng vào đầu tư của một tổ chức tài chính, tổ chức xã hội (như vốn tiền mặt của một công ty bảo hiểm, quỹ tiền mặt của một tổ chức công đoàn). Đặc điểm này dẫn đến tư cách không độc lập như một pháp nhân của quỹ đầu tư chứng khoán. Mọi hoạt động của quỹ đầu tư chứng khoán do công ty quản lý quỹ đảm nhiệm. Công ty quản lý quỹ sẽ thu phí dịch vụ quản lý quỹ và tiền thưởng từ quỹ. Công ty quản lý quỹ lại chịu sự giám sát của một ngân hàng giám sát về tính phù hợp với điều lệ quỹ đầu tư chứng khoán và phù hợp với lợi ích của nhà đầu tư trong toàn bộ hoạt động quản lý quỹ. Ngoài nhiệm vụ giám sát công ty quản lý quỹ, báo cáo với người đại diện quỹ về hoạt động của công ty quản lý quỹ trái với điều lệ quỹ, ngân hàng giám sát còn có nhiệm vụ mở tài khoản quản lý vốn và toàn bộ tài sản của quỹ mà thực chất đây là nhiệm vụ bảo quản tài sản của quỹ đầu tư chứng khoán. 

Thứ ba, để thành lập quỹ đầu tư chứng khoán, công ty quản lý quỹ phải phát hành chứng chỉ quỹ đầu tư chứ không phải phát hành cổ phiếu. Chứng chỉ quỹ đầu tư là chứng chỉ hưởng lợi. Nhà đầu tư sở hữu chứng chỉ quỹ đầu tư vì thế chỉ là người hưởng lợi từ hoạt động của quỹ đầu tư. Công ty quản lý quỹ, ngân hàng giám sát có thể mua lại chứng chỉ quỹ của nhà đầu tư nếu nhà đầu tư có nhu cầu hối vốn hoặc không có nghĩa vụ mua lại chứng chỉ quỹ nếu nhà đầu tư yêu cầu. 

Thứ tư, nhà đầu tư khi góp vốn vào quỹ đầu tư chứng khoán chỉ là người thụ hưởng từ hoạt động đầu tư của quỹ đầu tư chứng khoán tương ứng với tỉ lệ vốn góp của họ vào quỹ đầu tư và hưởng các lợi ích và tài sản hợp pháp từ việc thanh lý tài sản quỹ đầu tư chứng khoán. Sau khi góp vốn, nhà đầu tư không có quyền kiểm soát trực tiếp việc đầu tư của quỹ, không chủ động trong việc thành lập và hoạt động đầu tư của quỹ, mà ủy thác cho một công ty quản lý quỹ thực hiện nhằm đem lại lợi nhuận cao nhất từ khoản đầu tư của họ. Những đặc điểm của quỹ đầu tư chứng khoán cho thấy nó có những hạn chế nhất định như không huy động được vốn để đầu tư chứng khoán do không có tư cách pháp nhân, nhà đầu tư khi góp vốn vào quỹ không có quyền chủ động từ khâu thành lập đến hoạt động đầu tư của quỹ.

Tuy vậy, quỹ đầu tư chứng khoán cũng có một số ưu điểm: quỹ đầu tư chứng khoán được quản lý một cách chuyên nghiệp bởi công ty quản lý quỹ; quỹ có cơ chế kiểm soát rõ ràng và hiệu quả thông qua đại hội nhà đầu tư, ban đại diện quỹ, ngân hàng giám sát. Chính những ưu điểm này góp phần đảm bảo cho vốn góp của nhà đầu tư được đầu tư một cách an toàn, hiệu quả và mang lại lợi nhuận cao nhất cho họ từ số vốn góp ấy. 

II. Tìm hiểu về quỹ đầu tư bất động sản 

1. Khái niệm 

Theo nghiên cứu hiện nay, chưa có một khái niệm hay định nghĩa chính thức nào về quỹ đầu tư bất động. Tuy nhiên, dựa theo khái niệm về quỹ đầu tư chứng khoán, ta có thể hiểu đơn giản: Quỹ đầu tư BĐS (gọi tắt là REIT) là quỹ hình thành từ vốn góp của người đầu tư thông qua việc mua chứng chỉ quỹ phát hành, sau đó ủy quyền quản lý cho Ban giám đốc quỹ.

2. Vấn đề quỹ đầu tư bất động sản trên thực tế và pháp luật hiện nay.

Trong thực tế, các quỹ đầu tư bất động sản hoạt động tại Việt Nam hiện nay đều là các quỹ nước ngoài, như VNL của Vinacapital, VPF của Dragon Capital, ILH- ILH2 và ILH3 của Indochina Capital, VPH của Saigon Asset Management.... Còn trong nước, dù hiện nay đã có nhiều quỹ đầu tư được hình thành và tham gia đầu tư trên thị trường chứng khoán, vào doanh nghiệp, nhưng chưa có quỹ nào chuyên sâu trong huy động vốn để đầu tư vào bất động sản. 

Theo quy định tại Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ có hiệu lực ngày 15/9/2012, thì quỹ đầu tư bất động sản (BĐS) được tổ chức và hoạt động dưới hình thức quỹ đầu tư chứng khoán đại chúng. Mới đây Bộ Tài chính ban hành Thông tư 228/2012/TT-BTC, hướng dẫn thành lập và quản lý quỹ đầu tư bất động sản, sẽ có hiệu lực thi hành từ 1/7/2013 *. Theo đó, quỹ đầu tư BĐS là quỹ đóng, thực hiện chào bán chứng chỉ quỹ ra công chúng và không được mua lại theo yêu cầu của NĐT, với mục đích kiếm lợi nhuận từ việc đầu tư tối thiểu 65% tài sản của quỹ vào BĐS để cho thuê.

Khi thành lập, tên của quỹ đầu tư BĐS phải phù hợp với các quy định pháp luật về DN, được viết bằng tiếng Việt (có thể kèm theo chữ số, ký hiệu, phát âm được) và có ít nhất hai thành tố là cụm từ “quỹ đầu tư bất động sản” và tên riêng.

Về cơ cấu đầu tư, theo quy định quỹ phải đầu tư tối thiểu 65% và tối đa 100% giá trị tài sản ròng của quỹ vào các BĐS. Công ty quản lý quỹ phải bảo đảm giá mua BĐS không được vượt quá 110% và giá bán BĐS không được thấp hơn 90% so với giá tham chiếu, do tổ chức thẩm định giá xác định trong thời hạn 6 tháng tính tới thời điểm thực hiện giao dịch.

Danh mục đầu tư của quỹ phải phù hợp với mục tiêu và chính sách đầu tư (đã được quy định tại điều lệ quỹ và công bố tại bản cáo bạch), gồm các loại tài sản: gửi tiền tại các NHTM theo quy định của pháp luật ngân hàng; công cụ thị trường tiền tệ bao gồm giấy tờ có giá, công cụ chuyển nhượng theo quy định trong lĩnh vực ngân hàng; trái phiếu Chính phủ, trái phiếu được Chính phủ bảo lãnh, trái phiếu chính quyền địa phương; cổ phiếu niêm yết, cổ phiếu đăng ký giao dịch, trái phiếu niêm yết trên Sở giao dịch chứng khoán của Việt Nam… Theo đó, về cơ cấu đầu tư, quỹ không được đầu tư quá 35% giá trị tài sản ròng vào tiền và các công cụ tương đương tiền, giấy tờ có giá, chứng khoán, trái phiếu chính phủ. Công cụ đầu tư này phải bảo đảm tỷ lệ không quá 5% tài sản vào chứng khoán phát hành bởi cùng một tổ chức, 10% chứng khoán phát hành của một nhóm công ty, không quá 10% tổng số chứng khoán đang lưu hành của một tổ chức. 

Tài sản của quỹ thuộc sở hữu của nhà đầu tư tham gia, nắm giữ chứng chỉ quỹ theo tỷ lệ vốn góp. Công ty quản lý quỹ chỉ được sử dụng tài sản của quỹ để thanh toán các nghĩa vụ tài chính của quỹ. Bên cạnh đó, quỹ không được cho vay, trừ trường hợp đầu tư tiền gửi; không được bảo lãnh cho bất kỳ khoản vay nào; không được giao dịch ký quỹ; không được vay quá 5% giá trị tài sản ròng của quỹ tại thời điểm thực hiện.

Đồng thời, Quỹ được đầu tư vào nhà, công trình xây dựng đã hoàn thành. Nếu là công trình đang xây dựng dở dang thì phải bảo đảm đã có hợp đồng giao dịch với khách hàng có thể bán được hoặc sử dụng được, dự án phải được thực hiện đúng tiến độ, không phải là đất chưa có công trình xây dựng...

Cơ quan Nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang nhân dân Việt Nam không được tham gia góp vốn lập quỹ, mua chứng chỉ quỹ đầu tư BĐS. Việc tham gia góp vốn lập quỹ, mua chứng chỉ quỹ đầu tư BĐS của các TCTD, DN bảo hiểm, tổ chức kinh doanh chứng khoán, công ty TNHH Nhà nước một thành viên, thực hiện theo quy định của pháp luật chuyên ngành có liên quan.

Quỹ đầu tư BĐS phải dành tối thiểu 90% lợi nhuận thực hiện trong năm để chi trả lợi tức cho NĐT. Lợi nhuận phân phối bằng tiền hoặc bằng đơn vị quỹ theo phương án đã được Đại hội NĐT phê duyệt. Sau khi chi trả, quỹ vẫn phải bảo đảm thanh toán đủ các khoản nợ, nghĩa vụ tài sản khác đến hạn và bảo đảm giá trị tài sản ròng không thấp hơn 50 tỷ đồng.

Quỹ đầu tư BĐS phải xây dựng sổ tay định giá, được ngân hàng giám sát và tổ chức thẩm định giá xác nhận, Ban đại diện quỹ phê duyệt; giá trị tài sản ròng (NAV) của quỹ phải được ngân hàng giám sát xác nhận.

Việc chào bán chứng chỉ quỹ đầu tư BĐS ra công chúng phải được công ty quản lý quỹ đăng ký với UBCK. Quỹ không đáp ứng điều kiện thành lập khi xảy ra một trong các trường hợp như có ít hơn 100 NĐT mua chứng chỉ quỹ, không tính NĐT chứng khoán chuyên nghiệp; tổng giá trị vốn huy động được thấp hơn 50 tỷ đồng hoặc thấp hơn giá trị vốn tối thiểu dự kiến huy động theo quy định tại điều lệ quỹ (nếu có).

3. Lợi ích và rủi ro của quỹ đầu tư bất động sản

Hình thức quỹ đầu tư bất động sản cho phép nhà đầu tư thay vì trực tiếp mua nhà đất, có thể mua chứng chỉ quỹ phát hành, sau đó ủy quyền quản lý cho ban giám đốc quỹ. Hoạt động chủ yếu của quỹ là mua bán, tham gia quản lý các sản phẩm bất động sản, góp vốn vào việc phát triển dự án, hoặc đầu tư vào các công ty bất động sản. 

a) Lợi ích: 

Với ý nghĩa là một nguồn cung vốn mới trong điều kiện nguồn vốn huy động từ ngân hàng và khách hàng bị thắt chặt, sự ra đời của các quỹ đầu tư bất động sản chắc chắn sẽ là tin vui đối với các doanh nghiệp bất  động sản. Tuy nhiên, đối với các nhà đầu tư thì còn có rất nhiều vấn đề cần phải bàn. Một nhà đầu tư muốn tham gia vào thị trường bất  động sản có khá nhiều lựa chọn: trực tiếp mua bán bất động sản, mua trái phiếu bất động sản, đầu tư vào cổ phiếu của công ty bất  động sản, hoặc mua chứng chỉ quỹ bất động sản. 

Trước đây, trái phiếu bất động sản có thể được phát hành kèm theo quyền mua căn hộ nên khá hấp dẫn, điển hình như  Sacomreal (SCR) đã hai lần phát hành thành công 850 tỷ đồng trái phiếu kèm quyền  ưu tiên mua căn hộ với chính sách giảm giá từ 5-8%. Nhưng từ sau Nghị định 71, hình thức này không còn hợp lệ: người mua trái phiếu bất động sản chỉ được nhận tiền lãi và gốc như trái phiếu thông thường.

Còn nếu so với việc đầu tư trực tiếp vào bất động sản, đầu tư vào quỹ đầu tư bất động sản có ưu điểm hơn ở chỗ quỹ đầu tư bất động sản có đội ngũ quản lí chuyên nghiệp, cấu trúc cho phép có thể huy động đủ vốn để đầu tư vào các dự án  có qui mô lớn, cũng như đầu tư đa dạng vào nhiều loại hình sản phẩm, nhiều vị trí khác nhau giúp giảm thiểu rủi ro. Nhà đầu tư nhỏ lẻ dù có số vốn không lớn vẫn có thể tham gia gián tiếp vào thị trường bất động sản. 

Điểm hấp dẫn nổi bật của quỹ đầu tư bất động sản so với các cổ phiếu bất động sản chính là ở tỉ lệ chi trả cổ tức cao. Các quỹ đầu tư bất động sản thường được ưu đãi về thuế (ở nước ngoài thông thường được miễn toàn bộ thuế thu nhập doanh nghiệp) nhưng lại phải trả phần lớn (khoảng 90%) lợi nhuận cho cổ đông dưới dạng cổ tức. Như vậy, nhà đầu tư vào quỹ đầu tư bất động sản sẽ có mức thu nhập theo sát với thực tế hoạt động của quỹ chứ không phải trông chờ vào quyết định phân phối lợi nhuận hàng năm của ban giám đốc các công ty bất động sản.

Ngoài ra, đầu tư vào quỹ đầu tư bất động sản cũng an toàn hơn so với đầu tư vào cổ phiếu bất động sản. 

Thứ nhất, do nguồn vốn huy động lớn, quỹ đầu tư bất động sản có thể đầu tư đa dạng hơn so với công ty bất động sản, đầu tư vào nhiều công ty khác nhau, nhiều công trình ở những địa điểm khác nhau. 

Thứ hai, ngay cả khi so với việc phân tán rủi ro bằng cách mua nhiều loại cổ phiếu bất động sản khác nhau, đầu tư vào quỹ đầu tư bất động sản vẫn an toàn hơn ở chỗ: do phải tuân theo quy định của luật điều chỉnh, quỹ đầu tư bất động sản chủ yếu đầu tư vào những sản phẩm hữu hình, đầu tư khi dự án đã có căn cứ pháp lý vững chắc. 

Thứ ba, chứng chỉ quỹ được giao dịch trên thị trường chứng khoán tập trung nên tính thanh khoản sẽ cao hơn rất nhiều so với các khoản đầu tư vào dự án. Điều này giúp nhà đầu tư có thể chủ động được nguồn tiền của mình.  Với tiềm lực vốn lớn, quỹ đầu tư bất động sản có thể đa dạng hóa đầu tư vào nhiều loại sản phẩm bất động sản, giúp giảm thiểu rủi ro biến động thị trường. 

Quỹ đầu tư bất động sản có những quy đinh ràng buộc chặt chẽ về điều kiện của các dự án để quỹ có thể tham gia góp vốn. Điều này giúp đảm bảo sự an toàn của các khoản đầu tư. Dù vậy, điều này có thể sẽ hạn chế một số cơ hội đem lại lợi nhuận cao. 

Tính minh bạch của quỹ bất động sản cũng cao hơn rất nhiều, do có bộ máy cơ cấu gọn nhẹ và được giám sát. 

Tính ổn định của quỹ được đánh gía cao do không sử dụng dòng vốn vay, nên áp lực đối với các khoản vay là không có. Điều này sẽ giúp tạo điều kiện cho quỹ có thể chủ động trong mọi tình huống và giữ được sự ổn định. 

Đội ngũ quản lý chuyên nghiệp sẽ giúp hạn chế những rủi ro tiềm tàng nếu nhà đầu tư trực tiếp tham gia đầu tư dự án, ví dụ như:  Các vấn đề thủ tục pháp lý, quản lý dự án … 

b) Rủi ro

Tuy nhiên, ở bất kỳ hình thức đầu tư nào trên thị trường chứng khoán đều có những rủi ro, quỹ đầu tư bất động sản cũng không nằm ngoài quy luật ấy. Khi đầu tư vào quỹ đầu tư bất động sản, các nhà đầu tư có thể gặp những rủi ro sau đây: 

Rủi ro lớn nhất là lợi nhuận mang lại không như mong đợi. Việc đầu tư thành công sẽ phụ thuộc rất nhiều vào năng lực của đội ngũ quản lý quỹ. Đây là yếu tố nằm ngoài tầm kiểm soát của nhà đầu tư. 

Để hạn chế điều này, việc xem lại tiểu sử hoạt động của quỹ cũng như ban điều hành là điều hết sức cần thiết. Việc định giá lại giá trị tài sản ròng của quỹ là không hề dễ dàng. Giá trị tài sản của quỹ được tính dựa trên việc định giá lại các dự án bất động sản, nhưng việc đánh giá đúng giá trị các dự án này thì rất khó khăn. 

4. Nhận xét và đề xuất một số ý kiến 

Có thể thấy, việc ra đời quỹ đầu tư bất động sản giúp thu hút dòng vốn còn nhiều tiềm năng từ các nhà đầu tư nhỏ lẻ hay các tổ chức muốn đầu tư bất động sản nhưng không có kinh nghiệm có thể tham gia trực tiếp vào thị trường bất động sản. 

Với dòng vốn dài hạn, quy mô lớn, các quỹ có thể mua lại các dự án của công ty bất động sản điều này, giúp cải thiện mạnh mẽ tính thanh khoản trên thị trường và cải thiện dòng tiền cho các công ty trong ngành. 

Bên cạnh đó, quỹ cũng có thể tham gia liên kết đầu tư vào các công ty bất động sản, mua lại nợ của các ngân hàng; giúp giảm thiểu sự phụ thuộc vào nguồn tín dụng từ ngân hàng. Hay việc cung cấp nguồn tín dụng cho những người có nhu cầu mua, thuê nhà giúp tạo thanh khoản cho thị trường. Quan trọng nhất là dòng vốn ổn định từ các quỹ dạng này giúp cho thị trường bất động sản không chịu nhiều biến động và bất ổn như việc sử dụng nguồn vốn vay từ ngân hàng.  

Việc chưa có khung pháp lý đầy đủ về quy đinh thành lập quỹ đầu tư bất động sản đã hạn chế sự phát triển mô hình này trong thời gian qua. Điều này đã vô tình làm mất đi một dòng tiền có thể sẽ hỗ trợ hiệu quả cho thị trường bất động sản. 

Tuy nhiên, việc thành lập quỹ sẽ còn gặp nhiều khó khãn khi mô hình quỹ đầu tư chưa được nhiều nhà đầu tư trong nước ưa thích. Bên cạnh đó, sự trầm lắng của thị trường bất động sản cũng như thị trường chứng khoán đang cản trở dòng vốn đầu tư vào quỹ. 

Chính từ những lợi ích của quỹ đầu tư bất động sản đã phân tích ở trên cho thấy việc xây dựng một hàng lang pháp lý hoàn chỉnh, quy định về quỹ đầu tư bất động sản là một điều hết sức cần thiết trong thời điểm hiện nay. Vừa để phát triển cũng giải cứu tình trạng khủng hoảng của thị trường bất động sản hiện nay, cũng để tránh những rủi ro sẽ gặp phải đối với các nhà đầu tư sẽ đầu tư vào quỹ đầu tư bất động sản. 

Do đó, điều đầu tiên phải có những quy định cụ thể về khái niệm, nguyên tắc thành lập, hoạt động của tổ chức này. Đồng thời với việc quy định rõ ràng về việc góp vốn, hưởng lợi tức, cũng như chặt chẽ trong việc quy định quyền hạn quản lý và thực hiện các hoạt động đầu tư của các công ty quản lý quỹ. Ngoài ra việc quy định chế tài xử phạt thật nghiêm khắc đối với các chủ thể vi phạm là điều rất cần thiết. Đây là một điểm rất quan trọng để việc sử dụng quỹ đầu tư bất động sản hợp lý và có hiệu quả, cũng như có được sự công khai minh bạch trong hoạt động của các công ty quản lý quỹ, nhà đầu tư cũng như các ngân hàng giám sát. 

Việc cho ra đời các quỹ đầu tư BĐS sẽ tạo một sân chơi mới cho các NĐT nhỏ lẻ, khi không đủ tiền mua một BĐS đầu tư thì có thể mua các chứng chỉ quỹ của công ty quản lý quỹ BĐS, góp phần đa dạng hóa mô hình đầu tư của các công ty quản lý quỹ. Các quỹ huy động vốn đầu tư vào bất động sản là công cụ hữu hiệu tạo sự linh hoạt, thanh khoản cao cho tín dụng bất động sản, hỗ trợ cho người mua nhà có điều kiện vay và sở hữu nhà ở, sở hữu bất động sản. Tuy nhiên, để cho mô hình này có thể phát triển, cần đổi mới đồng bộ hệ thống pháp luật về hành chính và đất đai, quyền sở hữu, kinh doanh bất động sản với định hướng bảo đảm các quyền sở hữu về bất động sản một cách chắc chắn nhất; việc giao dịch, định đoạt của chủ sở hữu về tất cả các loại hình bất động sản được thực hiện nhanh chóng nhất. 

KẾT LUẬN

Quỹ đầu tư chứng khoán hiện đang là giải pháp thông minh và tối ưu của nhiều nhà đầu tư trên thị trường chứng khoán. Chính vì vậy, việc ra đời quỹ đầu tư bất động sản và hàng lang pháp lý dành riêng cho nó đang là vấn đề nóng hiện nay. Với những quy định về quỹ đầu tư bất động sản sẽ giúp cho thị trường chứng khoán cũng như thị trường bất động sản có những biến đổi lớn trong hoạt động kinh doanh bất động sản cũng như chứng khoán. Điều này đòi hỏi rất nhiều ở sự cố gắng nỗ lực để xây dựng được những quy định đúng đắn, chặt chẽ của các nhà làm luật để thị trường chứng khoán cũng như bất động sản có thể hoạt động hiệu quả và hợp pháp. 

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình luật chứng khoán, Nxb. CAND, Hà Nội, 2012;
2. Luật chứng khoán năm 2006 sửa đổi, bổ sung năm 2010;
3. Nghị định số 58/2012/NĐ-CP của Chính phủ : Quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành một số điều của Luật chứng khoán và Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật chứng khoán
4. www.thongtinphapluatdansu.wordpress.com 
5. http://thuvienphapluat.vn/van-ban/Bat-dong-san/Thong-tu-228-2012-TT-BTC-huong-dan-thanh-lap-quan-ly-quy-dau-tu-bat-dong-san-174977.aspx?tab=7
6. http://www.baomoi.com/Quy-dau-tu-bat-dong-san-Loi-ich-va-rui ro/147/7648 071 .epi
7. http://www.baomoi.com/Tim-hieu-ve-Quy-dau-tu-bat-dong-san/147 /9379935 epi

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

No comments:

Post a Comment