15/06/2014
Vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân - Bài tập học kỳ Luật Hôn nhân và gia đình
Gia đình là tế bào của xã hội, sự ổn định và phát triển lành mạnh của gia đình sẽ góp phần vào sự phát triển chung của toàn bộ xã hội. Mỗi gia đình được xây dựng trên những sợi dây liên kết của hôn nhân, huyết thống, nuôi dưỡng, trong đó quan hệ hôn nhân có thể xem là quan hệ nền tảng của mỗi gia đình. 

Trong quan hệ hôn nhân giữa vợ và chồng, bên cạnh đời sống tình cảm, không thể không quan tâm đến đời sống vật chất. Quan hệ tài sản giữa vợ chồng là một vấn đề hết sức quan trọng, nó là một trong những tiền đề giúp cho vợ chồng xây dựng cuộc sống hạnh phúc, đáp ứng những nhu cầu về vật chất và tinh thần cho gia đình. Chính vì thế mà nội dung về tài sản chung của vợ chồng nói chung và phân chia tài sản chung đó trong thời kì hôn nhân nói riêng là một vấn đề không thể thiếu của pháp luật hôn nhân và gia đình Việt Nam.

Kể từ khi những quy định trong Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 ( trên cơ sở kế thừa luật Hôn nhân và gia đình năm 1986) về chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân có hiệu lực, chúng đã từng bước đi vào cuộc sống, góp phần củng cố chế độ hôn nhân và gia đình Việt Nam. Tuy nhiên, trên thực tế việc áp dụng những quy định trên đây gặp không ít vướng mắc, khó khăn khi giải quyết tranh chấp, đòi hỏi các nhà làm luật có những quy định cụ thể hơn. Thế nhưng việc hiểu rõ luật định cũng như hoàn thiện pháp luật không chỉ là trách nhiệm của những nhà làm luật mà còn là trách nhiệm của những sinh viên Luật như em.


Do đó em đã chọn đề tài “ Vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật” cho bài tập lớn, không chỉ với mong muốn làm rõ nội những vấn đề lý luận này mà còn mong muốn đóng góp một phần hiểu biết của mình vào việc hoàn thiện pháp luật.


Bài viết của em còn nhiều hạn chế, kính mong thầy cô giáo góp ý để bài viết của em được hoàn thiện hơn.

Em xin chân thành cảm ơn.

1.  Chế độ tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân

1.1. Căn cứ xác định tài sản chung của vợ chồng 

Tài sản chung của vợ chồng là toàn bộ những quy định của pháp luật về việc hình thành cũng như quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản chung. Điều 27 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định về tài sản chung của vợ chồng. 

Các nhà làm luật đã căn cứ vào nguồn gốc, thành phần các loại tài sản để xác định tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng (Khoản 1,2 Điều 27). Bên cạnh đó, nguyên tắc suy đoán cũng được các nhà làm luật áp dụng để xác định những tài sản thuộc sở hữu chung vợ chồng đang có tranh chấp, nhưng không đủ cơ sở để xác định tài sản riêng của vợ hay chồng thì coi là tài sản chung (Khoản 3 Điều 27).

Theo khoản 1 Điều 27, chỉ những tài sản mà vợ chồng có được “ trong thời kì hôn nhân” mới được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Chúng ta có thể thấy căn cứ pháp lý để xác định khối tài sản chung của vợ chồng chính là sự ra đời và tồn tại của quan hệ vợ chồng, hay gọi là “trong thời kỳ hôn nhân”. Thời kỳ hôn nhân được bắt đầu khi vợ chồng kết hôn và kết thúc khi một bên chết hoặc ly hôn.

Như vậy căn cứ vào điều 27 thì tài sản chung của vợ chồng có năm loại sau:

Thứ nhất: “tài sản do vợ, chồng tạo ra, thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh … trong thời kì hôn nhân”

Tài sản do vợ chồng tạo ra được thể hiện dưới dạng vật chất như nhà cửa, xe cộ, đồ gia dụng trong gia đình. Tài sản chung có thể do vợ chồng tham gia lao động và sản xuất kinh doanh hợp pháp mà có. Như thế có thể hiểu tài sản do vợ chồng tạo ra không chỉ là tài sản do tự tay vợ chồng làm ra mà còn là những tài sản mà họ góp công sức, tiền bạc vào mà có; không nhất thiết là tài sản do cả hai vợ chồng cùng tạo ra trong thời kì hôn nhân, mà chỉ cần vợ hoặc chồng tạo ra cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng. Đây chính là loại tài sản quan trọng và chủ yếu trong khối tài sản chung của vợ chồng, bởi bản chất của cuộc sống gia đình là cùng nhau chung tay gánh vác mọi công việc gia đình, tạo ra tài sản để đáp ứng mọi nhu cầu tinh thần, vật chất của gia đình mình. Do đó việc vợ chồng có thu nhập nhiều hay ít, có nhiều ngành nghề khác nhau với các mức thu nhập khác nhau cũng không phải căn cứ để luật phân định công sức đóng góp của các bên vợ chồng.

Thứ hai: “ các thu nhập hợp pháp khác trong thời kì hôn nhân”

Theo khoản 3 nghị quyết 02/2000/NĐ-CP thì “các thu nhập hợp pháp khác” của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân có thể là “tiền thưởng, tiền trợ cấp, tiền trúng thưởng xổ số” mà vợ chồng có được trong thời kì hôn nhân. 

“Các thu nhập hợp pháp khác trong thời kì hôn nhân” còn là tài sản mà vợ chồng được xác lập quyền sở hữu theo quy định của bộ luật Dân sự năm 2005 như: Xác lập quyền sở hữu đối với vật vô chủ, vật không xác định được ai là chủ sở hữu (Điều 239); xác lập quyền sở hữu đối với vật bị chôn giấu, bị chìm đắm được tìm thấy (Điều 240); xác lập quyền sở hữu đối với vậ do người khác đánh rơi, bỏ quên (Điều 241); xác lập quyền sở hữu đối với gia súc bị thất lạc (Điều 242); xác lập quyền sở hữu đối với gia cầm bị  thất lạc (Điều 243); xác lập quyền sở hữu đối với vật nuôi dưới nước (Điều 244).

Như vậy, những tài sản được xác lập trong thời kì hôn nhân cũng được xác định là tài sản chung của vợ chồng.

Thứ ba:“tài sản mà vợ chồng được thừa kế chung hoặc tặng cho chung”

Tài sản vợ chồng “được thừa kế chung” khác với tài sản thừa kế theo di chúc. Đối với tài sản thừa kế chung vợ chồng có quyền lợi ngang nhau, nghĩa là phần tài sản mỗi người được hưởng là bằng nhau và bằng một nửa khối tài sản thừa kế. Trong khi đó, thừa kế theo di chúc lại được xác định là tài sản riêng của người được thừa kế. Tài sản được thừa kế riêng có thể được nhập vào tài sản chung nếu có sự thỏa thuận của vợ chồng.

Tài sản vợ chồng “được tặng cho chung”  thường là tài sản dưới dạng hiện vật, như quà cưới, quà mừng tân gia, đồ gia dụng,…

Thứ tư: “ những tài sản khác mà vợ chồng thoả thuận”.

Vợ chồng có thể thỏa thuận tài sản chung, bao gồm tài sản chung và tài sản do vợ chồng nhập từ tài sản riêng vào tài sản chung. Việc nhập tài sản riêng vào tài sản chung nhằm trốn tránh nghĩa vụ của một bên thì vô hiệu. Đây là quy định rất mềm dẻo, nhằm đảm bảo quyền lợi của người thứ ba khi tham gia vào quan hệ tài sản đối với vợ hoặc chồng.

Thứ năm: “Trong trường hợp không có chứng cứ chứng minh tài sản mà vợ, chồng đang có tranh chấp là tài sản riêng của mỗi bên”.

Trong trường hợp này, các nhà làm luật đã áp dụng nguyên tắc suy đoán để xác định tài sản đang có tranh chấp của vợ chồng nhưng không có chứng minh là tài sản riêng của mỗi bên là tài sản chung.

Đồng thời, khoản 2 Điều 27 cũng quy định: “Những tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng mà cần đăng kí quyền sở hữu thì phải ghi tên của cả vợ và chồng” ( như nhà ở, quyền sử dụng đất,…). Điều này nhằm đảm bảo quyền bình đẳng của vợ chồng trong việc sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản chung.

1.2. Quyền sở hữu tài sản của vợ chồng trong thời kì hôn nhân

So với Luật hôn nhân và gia đình năm 1986, Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định đầy đủ hơn về quyền và nghĩa vụ của vợ chồng đối với khối tài sản chung. Theo điều 28 Luật năm 2000 thì “ Vợ, chồng có quyền ngang nhau trong việc sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản chung. Tài sản chung của vợ chồng được chi dùng để bảo đảm nhu cầu của gia đình, thực hiện các nghĩa vụ chung của vợ chồng”. Quy định này đã thể hiện sự bình đẳng giữa vợ và chồng trong quan hệ tài sản, đồng thời đảm bảo việc “ xác lập, thực hiện, chấm dứt các giao dịch liên quan đến tài sản chung có giá trị lớn hoặc là nguồn sống duy nhất của gia đình” phải được vợ chồng thỏa thuận, bàn bạc với nhau (Khoản 3 Điều 28, Điều 4 Nghị định 70/2000/NĐ-CP).

2. Khái niệm chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân

Có thể thấy chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân không phải là phân chia hiểu theo nghĩa thông thường. Phân chia tài sản theo nghĩa thông thường là việc chấm dứt tình trạng sở hữu chung bằng cách chia cho người này hay người nọ một hoặc nhiều tài sản vốn thuộc sở hữu chung. Việc chia tài sản thông thường phải đảm bảo phần tài sản mà người đó được nhận tương đường với giá trị phần quyền của người đó trong khối tài sản chung. 

Thế nhưng khi tiến hành phân chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân, vợ chồng có thể thỏa thuận rằng người này hoặc người kia nhận nhiều tài sản, dù trên thực tế, công sức đóng góp của vợ hoặc chồng vào việc tạo lập, phát triển khối tài sản chung không tương xứng với giá trị số tài sản nhận được. Trường hợp không thể tự thỏa thuận, vợ chồng có thê yêu cầu Tòa án giải quyết. 

Một số nước tư bản cũng quy định về việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân, tiêu biểu là Bộ luật Dân sự Cộng hòa Pháp tại điều 1397 (Luật số 65-570 ngày 13/7/1965, Luật số 89-18 ngày 13/01/1989) “Sau hai năm áp dụng chế độ tài sản trong hôn nhân theo thỏa thuận hoặc theo luật định, hai vợ chồng có thể, vì lợi ích của gia đình, xin sửa đổi hoặc thay đổi hoàn toàn chế độ tài sản trong hôn nhân bằng một chứng thư có chứng thực của công chứng viên và được Tòa án nơi cư trú phê chuẩn” ; Bộ luật Dân sự Nhật Bản không quy định cụ thể về vấn đề này, nhưng theo Điều 758, 759, tài sản thuộc sở hữu chung có thể được thay đổi hoặc phân chia trong trường hợp vợ,chồng quản lí tài sản của nhau, nhưng người đó thực hiện quản lý tài sản không tốt và người kia đã yêu cầu Tòa án hôn nhân và gia đình tước bỏ việc quản lí nói trên.

Như vậy, có thể tạm định nghĩa việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân là việc chuyển một hoặc nhiều tài sản vốn thuộc khối tài sản chung vào tài sản riêng của vợ hoặc của chồng do vợ chồng tự thỏa thuận hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết dựa trên những điều kiện nhất định, nhằm đảm bảo cho các bên có quyền sử dụng, định đoạt tài sản của mình trong khối tài sản chung.

Ngoài ra cũng cần thấy rằng, việc quy định về chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân không phải là gián tiếp quy định về chế độ ly thân. Ly thân theo các bộ luật dân sự cũ được hiểu là trường hợp vợ chồng sống cách biệt nhau lâu dài do mâu thuẫn trong tình cảm, tài sản được chia khi ly thân sẽ được thực hiện theo chế độ biệt sản. Trong khi đó chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân lại chủ yếu xuất phát từ những lý do về tài sản, vợ chồng cũng không nhất thiết phải sống xa nhau. Hiện nay, Luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam không quy định về vấn đề ly thân, do đó không nên hiểu chia tài sản trong thời kỳ hôn nhân là gián tiếp quy định về ly thân. 

* * * *

1. Mục đích quy định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Theo quy định của Luật hôn nhân gia đình Việt Nam, chế độ tài sản chung gắn liền với hôn nhân. Khi hôn nhân còn tồn tại thì tài sản chung vẫn còn, nó chỉ chấm dứt về mặt pháp lý khi hôn nhân chấm dứt ( vợ chồng ly hôn, một bên vợ hoặc chồng chết hoặc bị tòa tuyên bố đã chết). Tuy nhiên trong thực tế, có nhiều trường hợp vợ chồng dù có mâu thuẫn sâu sắc nhưng họ vẫn không yêu cầu ly hôn, chỉ chia tài sản chung của vợ chồng. Lý do có thể là vì họ không muốn gia đình mất hòa khí, sợ ảnh hưởng tới con cái, sợ ảnh hưởng đến danh dự, uy tín, sợ hàng xóm, họ hàng chê cười. 

Bên cạnh đó, việc quy định chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân còn thể hiện sự quan tâm của nhà nước tới lợi ích của từng cá nhân trong gia đình, đảm bảo cho họ được quyền tham gia vào các quan hệ xã hội khác ngoài gia đình như “đầu tư kinh doanh”, “thực hiện các nghĩa vụ dân sự” mà họ cần đến phần tài sản của mình trong khối tài sản chung vợ chồng.

Như vậy, có thể nói, việc đặt ra chế định chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân là hết sức cần thiết, phù hợp với cuộc sống và tâm lí nguyện vọng của nhân dân. Đây cũng là một quy định mới của Luật Hôn nhân và Gia đình năm 1986 và năm 2000 so với Luật Hôn nhân và gia đình năm 1959.

2. Các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân được pháp luật công nhận

Căn cứ vào quy định tại khoản 1, Điều 29 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 “ Khi hôn nhân tồn tại, trong trường hợp vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng, thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng hoặc có lí do chính đáng khác thì vợ chồng có thể thỏa thuận chia tài sản chung”.

Theo quy định trên thì chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân tồn tại chỉ được tiến hành trong ba trường hợp:

- Vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng;
- Vợ, chồng thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng;
- Vợ, chồng có lí do chính đáng khác.

Vợ, chồng đầu tư kinh doanh riêng

Việc ghi nhận quyền chia tài sản chung của vợ chồng để đầu tư kinh doanh riêng là sự cụ thể hóa một trong những quyền quan trọng của công dân được quy định tại điều 57 Hiến pháp năm 1992 “ công dân có quyền tự do kinh doanh theo pháp luật”.

Khái niệm “đầu tư kinh doanh riêng” khá rộng. Đó có thể là việc thành lập một doanh nghiệp tư nhân, tham gia thành lập một công ty với tư cách là một thành viên sáng lập hoặc tham gia vào một kế hoạch hợp tác kinh doanh. Đó cũng có thể là đầu tư vào thị trường tài chính, thông qua việc mua bảo hiểm hoặc cổ phiếu, trái phiếu. 

Tuy nhiên, dù đầu tư kinh doanh riêng theo hình thức nào thì cũng đòi hỏi người đầu tư phải có một khoản vốn ban đầu không nhỏ và đôi khi việc đầu tư đó gây ảnh hưởng không tốt tới các thành viên khác trong gia đình. Do đó, không phải trường hợp đầu tư kinh doanh nào cũng có được sự đồng thuận của cả hai vợ chồng. Nếu chỉ vợ hoặc chồng muốn đầu tư kinh doanh mà người kia không đồng ý thì họ phải sử dụng đến phần tài sản riêng của mình. Trong trường hợp tài sản riêng không đủ, pháp luật cho phép họ có thể thỏa thuận để lấy phần tài sản của mình trong khối tài sản chung. Bởi vì sự chủ động về vốn trong kinh doanh rất quan trọng, việc vợ hoặc chồng được phép sử dụng phần tài sản được chia trong khối tài sản chung để kinh doanh tạo điều kiện rất lớn cho họ phát triển việc kinh doanh và làm giàu chính đáng cho gia đình. Tuy nhiên, trong trường hợp vợ hoặc chồng có nhu cầu kinh doanh nhưng lại không có ý định đưa tài sản được chia vào đầu tư trực tiếp, mà chỉ muốn chứng tỏ với mọi người tiềm lực vật chất trong tay mình nhằm củng cố lòng tin với các đối tác có quan hệ làm ăn thì cũng có quyền được yêu cầu chia tài sản chung.

Như vậy, việc chia tài sản chung để đầu tư kinh doanh riêng đem lại cho vợ hoặc chồng cơ hội lớn để thành công. Ngoài ra, nó còn đơn giản hóa nhiều thủ tục khi người đầu tư kinh doanh muốn định đoạt tài sản hoặc xác lập các giao dịch có liên quan đến tài sản như cầm cố hay thế chấp. Nếu tài sản đó vẫn thuộc tài sản chung thì thủ tục sẽ phức tạp hơn rất nhiều. Mặt khác, quy định này còn bảo vệ các thành viên khác trong gia đình khỏi những ảnh hưởng tiêc cực, hạn chế những rủi ro do hoạt động đầu tư gây ra, đảm bảo cho họ có cuộc sống ổn định.

Vợ, chồng thực hiện nghĩa vụ dân sự riêng

“Nghĩa vụ dân sự riêng” là một khái niệm chung chung, không rõ ràng. Pháp luật hiện hành không chỉ rõ nghĩa vụ dân sự riêng bao gồm những nghĩa vụ nào. Tuy nhiên, ở góc độ chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân, chúng ta có thể hiểu nghĩa vụ dân sự riêng như là nghĩa vụ mà việc đảm bảo thực hiện bằng tài sản chung không thể được hoặc không chắc chắn được thực hiện. 

Theo khái niệm trên, nghĩa vụ của vợ hoặc chồng được xác lập trước khi kết hôn hoặc gắn liền với các tài sản được tặng cho riêng, thừa kế riêng trong thời kì hôn nhân được đảm bảo thực hiện bằng tài sản riêng; nghĩa vụ bồi thường hành vi trái pháp luật, nghĩa vụ cấp dưỡng, nghĩa vụ bảo lãnh của cá nhân vợ hoặc chồng đã được xác lập mà người còn lại không bị ràng trách nhiệm liên đới hoặc không đồng ý sử dụng tài sản chung; … được xác định là “ nghĩa vụ dân sự riêng”. 

Tuy nhiên, luật lại không quy định rõ nghĩa vụ liên quan đến tài sản riêng phải là nghĩa vụ được xác lập trước khi chia tài sản chung hay có thể xác lập sau thời điểm chia tài sản chung. Những trường hợp được liệt kê ở trên là những nghĩa vụ đã được xác lập trước khi việc chia tài sản chung diễn ra. Ngược lại, có những trường hợp nghĩa vụ được xác lập sau thời điểm việc chia tài sản chung, với điều kiện nghĩa vụ đó đã nằm trong dự tính của một trong 2 bên vợ chồng thì cũng có quyền yêu cầu chia tài sản chung.

Ví dụ:  Bà A muốn vay một khoản tiền lớn mà không có tài sản riêng để đảm bảo việc trả nợ, chồng bà A lại không đồng ý cùng đứng tên để vay. Trong trường hợp này, bà A có quyền yêu cầu chia tài sản chung để đảm bảo nghĩa vụ trả nợ bằng khối tài sản được chia. Nghĩa vụ trả nợ riêng đó cũng được xác định là “ nghĩa vụ dân sự riêng”, trong trường hợp này nghĩa vụ mới chỉ nằm trong dự tính của bà A tại thời điểm chia tài sản chung, nó chỉ được xác lập khi việc vay nợ diễn ra, do đó nó là nghĩa vụ dân sự riêng sẽ được xác lập trong tương lai. 

Như vậy, dù nghĩa vụ dân sự riêng đã hiện hữu hay sẽ được xác lập trong tương lai mà không thể hoặc không chắc chắn được thực hiện bằng tài sản chung thì vợ, chồng đều có quyền yêu cầu chia tài sản chung để thực hiện nghĩa vụ riêng đó. 

Một điều cần lưu ý là không phải đối với tất cả nghĩa vụ dân sự riêng, vợ chồng đều được phép yêu cầu chia tài sản chung để thực hiện. Nghĩa vụ dân sự riêng đó phải có tầm quan trọng nhất định, không thể vì cần trả một món nợ riêng rất nhỏ mà phải chia một khối tài sản chung rất lớn. Tính chất nhỏ hay lớn của món nợ có lẽ nên được xác định trên cơ sở mối quan hệ so sánh giữa giá trị món nợ với khối tài sản riêng hiện có của người mắc nợ: Nếu tài sản riêng hiện có quá nhỏ, không đủ để trả món nợ hoặc khối tài sản riêng tuy không nhỏ nhưng lại là tài sản có hoa lợi đem lại nguồn sống chủ yếu cho gia đình thì khi đó, việc chia tài sản chung mới được phép tiến hành. Điều này vừa nhằm đảm bảo cho vợ hoặc chồng thực hiện được nghĩa vụ riêng của mình lại vừa đảm bảo lợi ích hợp pháp của các thành viên còn lại trong gia đình.

Vợ, chồng có lý do chính đáng khác

Việc xác định đâu là “lý do chính đáng” để chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân là một việc làm không đơn giản bởi cho đến nay vẫn chưa có văn bản nào hướng dẫn cụ thể tiêu chí xác định “ lý do chính đáng” mà chủ yếu dựa vào cảm tính của thẩm phán khi xét xử. Điều này dẫn đến sự thiếu thống nhất trong cách thức giải quyết của Tòa án, bởi những quyết định của thầm phán đều mang đậm màu sắc chủ quan. Trong một trường hợp cụ thể, đối với thẩm phán này thì lý do đương sự đưa ra là “chính đáng” nhưng với một thẩm phán khác lại cho rằng lý do đó “không chính đáng” và do vậy việc giải quyết yêu cầu chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân gặp không ít vướng mắc.

Tuy nhiên, nếu căn cứ vào thực tiễn, chúng ta có thể đưa ra một số trường hợp cụ thể có thể coi là “ lý do chính đáng” để yêu cầu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân như: 

- Vợ chồng không còn sống chung với nhau nhưng chưa chấm dứt hôn nhân về mặt pháp lý; 

- Một bên vợ hoặc chồng bị tuyên bố mất tích hoặc vắng mặt lâu ngày tại nơi cư trú và người còn lại cần có tài sản riêng để chủ động trong các giao dịch; 

- Một bên vợ hoặc chồng thường xuyên có hành vi phá tán tài sản chung, ảnh hưởng đến kinh tế của gia đình; 

- Một bên vợ hoặc chồng đã từng có nhiều tài sản riêng nhưng phần lớn đã chuyển thành các tài sản chung vợ chồng, nay họ muốn khôi phục để chủ động trong các giao dịch; 

- Có mâu thuẫn trong gia đình giữa con chung, con riêng,…

Cần lưu ý việc xác định tính chất chính đáng hay không chính đáng của lý do chia tài sản chung chỉ được đặt ra khi giữa vợ và chồng không có sự nhất trí, đồng thuận về việc chia hay không chia tài sản chung. Khi đó, tranh chấp giữa vợ chồng sẽ xuất hiện và mới cần đến sự giải quyết của tòa án. Đối với các trường hợp vợ chồng có thể tự thỏa thuận thông qua một “ bản thỏa thuận” thì việc lý do chia tài sản chính đáng hay không chính đáng sẽ không được đặt ra và sư thỏa thuận đó sẽ không chịu sự giám sát của tòa án ( trừ trường hợp có người thứ ba có đơn yêu cầu xem xét việc hạn chế hoặc ngăn chặn việc chia tài sản chung). 

Như vậy vấn đề đặt ra là, liệu có phải tất cả những trường hợp vợ chồng tự thỏa thuận chia tài sản chung đều “chính đáng” hay không? Ví dụ: Một trong hai bên vợ chồng bị cưỡng ép, lừa đảo để chia tài sản nhưng bằng cách nào đó vẫn lập được một bản “thỏa thuận” chung khiến cho việc chia tài sản có vẻ hợp pháp ; Hai vợ chồng chia tài sản để trốn tránh nghĩa vụ trả nợ nhưng lại “núp” dưới một lí do chính đáng khác, …Những tình huống chia tài sản này rõ ràng không “chính đáng”, tuy nhiên lại được bọc bên dưới một lớp vỏ “chính đáng” mà cụ thể hóa của sự “chính đáng” đó là sự tồn tại của bản thỏa thuận chung.

Như thế không khác nào cho phép vợ chồng có thể thỏa thuận về việc phân chia tài sản chung mà không cần lí do “chính đáng”. Mà nếu đúng như vậy thì toàn bộ chế độ pháp định về tài sản sẽ chỉ mang tính chất bổ sung, nghĩa là chỉ được áp dụng nếu vợ chồng không thể thỏa thuận. Do đó, em thiết nghĩ cần phải có sự quản lí chặt chẽ hơn của pháp luật đối với trường hợp vợ chồng tự thỏa thuận việc chia tài sản chung, để tránh việc vợ chồng lợi dụng “kẽ hở” này để chia tài sản chung với lý do không chính đáng, mưu cầu lợi ích trái pháp luật.

3. Các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân bị vô hiệu

Nhằm tránh việc vợ chồng chia tài sản chung với những lý do “không chính đáng” như phần trên đã đề cập, luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 đã quy định tại khoản 2, Điều 29 như sau: “ Việc chia tài sản chung của vợ chồng nhằm trốn tránh thực hiện nghĩa vụ về tài sản không được pháp luật công nhận”.

Trước tiên chúng ta cần phải hiểu những trường hợp nào thì được coi là “ trốn tránh nghĩa vụ về tài sản”? Để trả lời cho câu hỏi này, Điều 11 nghị định 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 đã hướng dẫn các trường hợp được coi là “trốn tránh nghĩa vụ về tài sản” như sau: 

“1. Nghĩa vụ nuôi dưỡng, cấp dưỡng người khác theo quy đinh của pháp luật.
2. Nghĩa vụ bồi thường thiệt hại.
3. Nghĩa vụ thanh toán khi bị Tòa án tuyên bố phá sản doanh nghiệp.
4. Nghĩa vụ nộp thuế và nghĩa vụ tài chính khác đối với nhà nước.
5. Nghĩa vụ trả nợ cho người khác.
6. Các nghĩa vụ về tài sản khác theo quy định của pháp luật.”

Vậy dựa vào đâu để tòa án xác định việc chia tài sản chung đó là nhằm “trốn tránh nghĩa vụ về tài sản”? Chúng ta có thể dựa vào hai yếu tố: Thứ nhất, việc chia tài sản chung phải nhằm mục đích giảm khối lượng của tài sản đáng lẽ được dùng để thực hiện nghĩa vụ của vợ chồng. Thứ hai, có sự cố tình, toan tính việc trốn tránh nghĩa vụ đó của vợ chồng bằng việc chia tài sản chung. 

Tuy nhiên, để xác định một cách chính xác liệu việc chia tài sản chung có phải nhằm “trốn tránh nghĩa vụ tài sản” hay không, chúng ta có nên xét đến tính hợp pháp của nghĩa vụ tài sản mà đáng lẽ vợ chồng phải thực hiện? Nghĩa là, nghĩa vụ đó đã chắc chắn phải thực hiện hay vẫn còn đang trong vòng tranh chấp. Ví dụ như tranh chấp nghĩa vụ cấp dưỡng cho cha mẹ giữa hai anh em trai, tranh chấp nghĩa vụ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, tranh chấp nghĩa vụ trả nợ, …Nếu như những tranh chấp đó vẫn chưa được giải quyết thì liệu việc chia tài sản chung của vợ chồng tại thời điểm tranh chấp có bị coi là “trốn tránh” hay không, trong khi trên thực tế nghĩa vụ đó chưa chắc chắn tồn tại? 

Ví dụ: Anh A và anh B là hai anh em ruột, đều đã thành niên, có việc làm với mức thu nhập cao. Hai người tranh chấp nghĩa vụ cấp dưỡng đối với mẹ già là bà C. Trong thời gian Tòa án thụ lí vụ án, anh A thực hiện chia tài sản chung, chuyển phần lớn tài sản cho người vợ của mình đang có nhu cầu kinh doanh riêng. Việc chia tài sản chung của vợ chồng anh A được công nhận là hợp pháp hay bị tuyên bố vô hiệu do “trốn tránh nghĩa vụ”, cụ thể là nghĩa vụ cấp dưỡng? Rõ ràng các nhà làm luật nên quy định cụ thể hơn về điều kiện đối với nghĩa vụ tài sản trong những trường hợp trên.

Cũng theo quy định tại Điều 11 Nghị định 70, những trường hợp trốn tránh nghĩa vụ tài sản sẽ bị tòa án tuyên bố vô hiệu; những trường hợp Tòa đã công nhận việc phân chia tài sản chung của vợ chồng nhưng lại phát hiện việc phân chia tài sản chung đó nhằm trốn tránh nghĩa vụ về tài sản thì phán quyết của tòa phải bị hủy bỏ, hay nói cách khác việc chia tài sản chung đó “ không được pháp luật công nhận”. Như vậy việc phân chia tài sản của vợ chồng không thể đương nhiên bị vô hiệu mà cần có sự can thiệp của Tòa án. Tuy nhiên đối với trường hợp việc chia tài sản chung đã diễn ra rất lâu trước khi việc phân chia bị vô hiệu, có thể do nghĩa vụ mà vợ chồng phải thực hiện còn trong vòng tranh chấp tại thời điểm họ tiến hành phân chia, hoặc trong trường hợp vợ chồng đã tự thỏa thuận để tiến hành phân chia tài sản chung với mục đích “trốn tránh nghĩa vụ tài sản” nhưng thời điểm Tòa nhận được đơn yêu cầu xem xét lại việc phân chia đó thì vụ phân chia đã được thực hiện xong rất lâu trước đó, trong những trường hợp này, thẩm phán sẽ thụ lí vụ án như thế nào?

Như vậy, mặc dù đã được quy định tại Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình cũng như tại Điều 11 Nghị định 70, vấn đề chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân vẫn có không ít “lỗ hổng” cần phải được các nhà làm luật xem xét và quy định cụ thể hơn trong tương lai.

4. Phương thức tiến hành chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân

Theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, có hai phương thức tiến hành chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân. Đó là: vợ chồng tự thỏa thuận chia tài sản chung bằng văn bản hoặc yêu cầu Tòa án giải quyết ( Phân chia bằng con đường tư pháp).

Vợ chồng tự thỏa thuận

Căn cứ vào quy định tại điều 28 Luật năm 2000 “ Vợ, chồng có quyền ngang nhau trong việc sử dụng, chiếm hữu, định đoạt tài sản chung”, pháp luật đã cho phép vợ chồng có quyền tự thỏa thuận việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân. 

Việc phân chia tài sản chung theo thỏa thuận buộc phải tuân theo một số điều kiện nhất định về hình thức, nội dung như sau:

* Hình thức: Việc chia tài sản chung phải được lập thành văn bản (Khoản 1 Điều 29 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000). Mặt khác, chỉ khi vợ chồng có sự nhất trí với nhau về cách chia tài sản, việc lập văn bản thỏa thuận mới được phép áp dụng. Điều đó có nghĩa là, việc phân chia tài sản chung bằng cách lập văn bản thỏa thuận chỉ được áp dụng khi có sự tự nguyện của cả hai vợ chồng. Yếu tố tự nguyện trong trường hợp này đặc biệt quan trọng bởi luật pháp chỉ đòi hỏi việc thỏa thuận chia tài sản chung phải được lập thành văn bản, chứ không yêu cầu phải lập văn bản trước cơ quan công chứng, chứng thực. Tuy nhiên, trong trường hợp cần thiết, văn bản thỏa thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ hoặc chồng hoặc theo quy định của pháp luật ( Điều 6 Nghị định 70/2001/NĐ-CP). 

Văn bản thỏa thuận phải ghi rõ các nội dung sau: Lí do chia tài sản; Phần tài sản chia ( bao gồm bất động sản, động sản, các quyền tài sản), trong đó cần mô tả những tài sản được chia hoặc giá trị phần tài sản được chia; Phần tài sản còn lại không chia, nếu có; Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung; Các nội dung khác, nếu có.

* Nội dung:  Vợ chồng có thể tự do thỏa thuận với nhau về khối lượng tài sản chia là toàn bộ tài sản chung hiện hữu hay chỉ một phần tài sản chung.Vợ chồng cũng có thể thỏa thuận về hoa lợi, lợi tức phát sinh sau từ tài sản đã chia thuộc sở hữu riêng hay chung. Ngoài ra, vợ chồng cũng có thể thỏa thuận về thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ, chồng hay là tài sản chung (Điều 8, Nghị định 70/2001/NĐ-CP).

Như vậy, việc pháp luật thừa nhận cho vợ chồng được tự thỏa thuận phân chia tài sản chung đã thể hiện sự tôn trọng quyền tự do định đoạt tài sản chung của vợ chồng nhưng cũng đòi hỏi vợ chồng phải trung thực, tự nguyện, không cưỡng ép việc lập văn bản chia tài sản chung để đảm bảo quyền lợi của các bên vợ chồng.

4.2.     Yêu cầu tòa án giải quyết

Khi một bên vợ hoặc chồng có nhu cầu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân nhưng không đạt được sự thỏa thuận cần thiết giữa hai vợ chồng thì một bên vợ, chồng hoặc cả hai có quyền yêu cầu Tòa án giải quyết việc phân chia tài sản chung hay còn gọi là phân chia bằng con đường tư pháp.

Việc phân chia bằng con đường tư pháp được luật dự kiến cho trường hợp giữa vợ và chồng không thể thỏa thuận được việc chia tài sản, bao gồm các trường hợp như:

- Vợ chồng thỏa thuận được việc chia tài sản chung, thỏa thuận được khối tài sản chia nhưng không thỏa thuận được cách chia;

- Vợ chồng thỏa thuận được việc chia tài sản chung nhưng không thỏa thuận được khối tài sản chia;

- Vợ chồng không thỏa thuận được việc chia hay không chia tài sản chung;

- Vợ chồng không thể có sự thoả thuận do vợ hoặc chồng vắng mặt, bị tuyên bố mất tích hoặc ở trong tình trạng mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự;

Trường hợp thứ nhất: Giữa vợ và chồng đã có sự thoả thuận về việc sẽ chia tài sản chung, thỏa thuận được cả nội dung khối tài sản chia nhưng không có sự thoả thuận về cách chia. Đây được coi là trường hợp giải quyết đơn giản nhất bởi thẩm phán chỉ phải giải quyết cách chia tài sản chung như thế nào (chia hiện vật hay quy đổi ra tiền,…). 

Trường hợp thứ hai: Vợ và chồng thỏa thuận được việc chia tài sản nhưng lại không thoả thuận được về nội dung khối tài sản chia (người muốn chia toàn bộ tài sản, người chỉ muốn chia một phần; người muốn chia một số tài sản này, người muốn chia một số tài sản khác) thì thẩm phán sẽ gặp khó khăn trong việc xác định khối tài sản chia. 

Trường hợp thứ ba: Chỉ một bên vợ hoặc chồng muốn chia tài sản, người còn lại không muốn chia. Thẩm phán có thể giải quyết theo hướng là xác định xem bên muốn chia có lí do chính đáng hay không. Nếu như xác định được rằng người muốn chia hoàn toàn có lí do chính đáng, thì thẩm phán vẫn còn phải đứng trước vấn đề chia bao nhiêu thì vừa và chia những thứ nào. Nếu không giải quyết được bằng con đường thương lượng, thẩm phán có thể dựa vào công sức đóng góp của mỗi bên để tiến hành chia, tương tự như chia trong trường hợp ly hôn. Cách giải quyết này đã được quy định trong Luật hôn nhân và gia đình năm 1986: “Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân tồn tại như chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn” (Điều 18).

Trường hợp thứ tư: Vợ chồng không thể thỏa thuận do một trong hai bên vắng mặt, bị tuyên bố mất tích hoặc bị mất, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự. 

Trong trường hợp một bên chồng hoặc vợ vắng mặt hay bị tuyên bố mất tích, Tòa án có thể giải quyết việc chia tài sản chung theo yêu cầu chính đáng của bên kia.

Khi một trong hai bên vợ chồng bị mất năng lực hành vi dân sự thì sẽ có người giám hộ. Khi một trong hai bên vợ chồng bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì sẽ có người đại diên theo pháp luật. Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định rõ có cho phép thực hiện việc thỏa thuận giữa một bên vợ, chồng có năng lực hành vi dân sự đầy đủ với một bên là người giám hộ hoặc người đại diện theo pháp luật  hay không. Trong nhiều trường hợp, người giám hộ cho người bị mất năng lực hành vi dân sự, người đại diện theo pháp luật của người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự lại chính là vợ hoặc chồng của đương sự thì việc giải quyết sẽ càng trở nên phức tạp mà trong khung cảnh luật thực định chưa giải quyết triệt để được. Trong những trường hợp như vậy, việc giải quyết của Tòa án sẽ trở nên rất khó khăn. Nên chăng luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 cũng quy định như điều 18 Luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 “Việc chia tài sản chung của vợ chồng khi hôn nhân tồn tại như chia tài sản chung của vợ chồng khi ly hôn”.

5. Thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung

Căn cứ vào Nghị định 70/NĐ-CP của Chính phủ, thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản chung được xác định như sau:

* Trường hợp vợ chồng tự thỏa thuận:

Trong trường hợp vợ chồng tự thỏa thuận thì hiệu lực được tính từ ngày xác định cụ thể trong văn bản hỏa thuận. 

Trường hợp văn bản thỏa thuận không xác định rõ thời điểm có hiệu lực của việc chia tài sản thì được tính từ ngày, tháng, năm lập văn bản.

Trường hợp văn bản thỏa thuận được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng, thì hiệu lực được tính từ ngày xác định trong văn bản thỏa thuận; nếu văn bản không xác định rõ ngày có hiệu lực đó, thì hiệu lực được tính từ ngày văn bản đó được công chứng, chứng thực.

Trong trường hợp văn bản thỏa thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, thì hiệu lực được tính từ ngày văn bản đó được công chứng, chứng thực.

* Trường hợp yêu cầu tòa án giải quyết

Trong trường hợp vợ chồng yêu cầu tòa án giải quyết việc chia tài sản chung thì việc chia tài sản chung của vợ chồng có hiệu lực kể từ ngày quyết định cho chia tài sản chung của Tòa án có hiệu lực pháp luật.

Tuy nhiên, pháp luật lại không quy định thời điểm có hiệu lực trong trường hợp chia tài sản chung bị tòa tuyên bố vô hiệu. Đây là một thiếu sót của luật pháp hiện hành.

6. Hậu quả pháp lí của việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân

Hậu quả pháp lí về nhân thân

Chia tài sản trong thời kì hôn nhân khác với chia tài sản khi li hôn. Nếu như chia tài sản khi li hôn xảy ra khi hôn nhân đã chấm dứt về mặt pháp lí thì chia tài sản trong thời kì hôn nhân không làm thay đổi mối quan hệ vợ - chồng giữa hai bên đương sự. Họ vẫn là vợ chồng về mặt pháp lí, vì vậy họ vẫn phải thực hiện những quyền và nghĩa vụ vợ chồng đối với nhau, được quy định tại các điều 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25, 26 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000, đồng thời có các nghĩa vụ và quyền với con cái.

Trên thực tế có nhiều trường hợp vợ chồng sau khi chia tài sản chung thì cũng không sống chung với nhau nữa. Điều này không có nghĩa là họ không phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ vợ chồng với nhau, càng không có nghĩa là họ sống ly thân. Bởi:Thứ nhất, Điều 20 Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam quy định cho phép vợ, chồng được phép tự do lựa chọn nơi cư trú. Thứ hai, pháp luật Việt Nam hiện hành không quy định về chế định ly thân. Do đó không phải cứ là vợ chồng thì phải thực hiện nghĩa vụ đồng cư với nhau như quan điểm của cổ luật Việt Nam.

Tuy nhiên, trên thực tế có rất nhiều cặp vợ chồng sau khi chia tài sản chung thì họ chuyển ra ở riêng, đối với nhau không còn bất cứ trách nhiệm, nghĩa vụ gì. Một vấn đề được đặt ra nữa là, nếu vợ chồng yêu cầu chia toàn bộ tài sản chung thì việc chi dùng trong gia đình và các nghĩa vụ chung của vợ chồng sẽ được giải quyết thế nào? Ai sẽ chịu trách nhiệm trong việc duy trì sự ổn định và phát triển của gia đình? Việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân có thể làm ảnh hưởng tới gia đình khi mỗi người đều cố tình hoặc vô tình quên trách nhiệm của một người chồng, người vợ, người cha, người mẹ, người con,… trong việc “giữ lửa” cho tổ ấm của mình. Đây là mặt trái của quy định chia tài sản chung trong hôn nhân trong khi pháp luật thực định không có cơ chế gì ràng buộc vợ chồng phải có nghĩa vụ với nhau trên thực tế. Đây cũng là “lỗ hổng” có thể bị các đối tượng xấu lợi dụng hòng trốn tránh trách nhiệm đối với gia đình.

Hậu quả pháp lí về tài sản

6.2.1. Đối với khối tài sản chung của vợ chồng

Trong trường hợp vợ chồng chỉ chia một phần tài sản chung thì không phải tất cả tài sản chung đều được chuyển thành tài sản riêng, những tài sản chưa chia vẫn thuộc tài sản chung của vợ chồng. Do đó, chế độ tài sản chung trong thời kì hôn nhân vẫn tiếp tục tồn tại, việc chia tài sản chung không làm chấm dứt chế độ tài sản chung theo luật định. 

Trong trường hợp vợ chồng chia tất cả tài sản chung hiện hữu khiến cho khối tài sản chung trở nên “rỗng” về mặt vật chất thì cũng không có nghĩa là khối tài sản chung không còn . Nó sẽ tiếp tục được phát triển bởi những tài sản mới sau đó mà được xác định là tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân: tài sản được tạo ra trong thời kỳ hôn nhân (trừ hoa lợi, lợi tức từ tài sản được chia); thu nhập do lao động, hoa lợi, lợi tức từ tài sản (trừ tài sản được chia), lợi tức trúng thưởng; tài sản được tặng cho, thừa kế chung và những tài sản mà vợ chồng thỏa thuận là tài sản chung (Điều 27 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000).

6.2.2. Đối với tài sản riêng của vợ chồng

Theo Luật hôn nhân và gia đình năm 2000 Điều 30 quy định “ Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản đã được chia trong thời kỳ hôn nhân thuộc sở hữu riêng của mỗi người”. Nguyên tắc này đã làm thay đổi việc xác định hoa lợi, lợi tức phát sinh từ khối tài sản của vợ chồng trong hôn nhân bởi nếu giả sử vợ chồng không tiến hành chia tài sản chung, thì các hoa lợi, lợi tức từ tài sản riêng chỉ có thể là tài sản chung. 

Với giải pháp của Điều 30 Luật hôn nhân và gia đình năm 2000, sau khi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản riêng, trên nguyên tắc, tiếp tục là tài sản chung; tuy nhiên hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản trở thành của riêng do được chia trong thời kỳ hôn nhân lại trở thành tài sản riêng của mỗi người. Vậy có nghĩa rằng về vấn đề thụ hưởng hoa lợi, lợi tức, ta có đến hai khối tài sản riêng: 1. Khối tài sản riêng theo luật chung (Điều 27 khoản 1), có hoa lợi, lợi tức là của chung; 2. Khối tài sản riêng do phân chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân, có hoa lợi, lợi tức là của riêng (Điều 30). 

Ví dụ:Trước khi kết hôn, chị L được thừa kế một căn nhà trên đường Hai Bà Trưng, Hà Nội. Sau khi kết hôn với anh H, căn nhà trên chị L cho thuê, hằng tháng thu tiền thuê nhà (hoa lợi) và số hoa lợi từ tài sản riêng của chị (căn nhà) trở thành tài sản chung của vợ chồng. Sau một thời gian chung sống, chị L muốn đầu tư kinh doanh riêng nên vợ chồng chị quyết định chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Theo quy định tại điều 27, 30 Luật hôn nhân gia đình, chị L sau khi chia tài sản sẽ có 2 khối tài sản riêng:1. Căn nhà chị được thừa kế trên đường Hai Bà Trưng; 2. Tài sản được chia từ khối tài sản chung vợ chồng. Hoa lợi, lợi tức từ hai khối tài sản trên được xác định như sau: 1. Hoa lợi từ căn nhà thừa kế (tiền thuê nhà) tiếp tục là tài sản chung; 2. Hoa lợi từ tài sản được chia do chị đầu tư kinh doanh sẽ là tài sản riêng của chị.

Tuy nhiên, việc quy định như trên vẫn còn gặp vướng mắc, bởi tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ-CP ngày 3/10/2001 lại quy định “Thu nhập do lao động, hoạt động sản xuất kinh doanh và những thu nhập hợp pháp khác của mỗi bên sau khi chia tài sản chung là tài sản riêng của vợ chồng, trừ trường hợp vợ chồng có thỏa thuận khác”. Theo quy định này thì sau khi chia tài sản chung, mọi thu nhập mà mỗi bên có được chứ không phải chỉ thu nhập từ phần tài sản được chia được xác định là tài sản riêng của vợ chồng. Quy định này không chỉ mâu thuẫn với khoản 1 điều 27 Luật Hôn nhân gia đình 2000 xuất phát từ tính cộng động trong quan hệ hôn nhân “Tài sản được tạo ra trong thời kì hôn nhân là tài sản chung của vợ chồng” mà còn mâu thuẫn với điều khoản của chính nghị định đó, cụ thể là tại khoản 1 điều 8 các nhà làm luật đã quyết định rằng mọi “Hoa lợi, lợi tức phát sinh từ tài sản chung còn lại vẫn thuộc sở hữu chung vợ chồng” 

Ví dụ: Vợ chồng anh A, chị B thỏa thuận chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân để chị B thực hiện nghĩa vụ trả nợ. Nếu theo quy định tại khoản 2 Điều 8 Nghị định số 70/2001/NĐ – CP thì sau khi việc trả nợ được hoàn tất, tất cả tiền lương, thu nhập hợp pháp của cả anh A và chị B không còn là tài sản chung nữa, mà lại trở thành tài sản riêng của mỗi người. Có thể thấy quy định như thế là hết sức vô lí. Anh A chị B chia tài sản chung để trả nợ chứ không vì mục đích kinh doanh, do đó sẽ không tồn tại hoa lợi, lợi tức nào từ khối tài sản riêng, mà tất cả hoa lợi, lợi tức nếu có được đều là từ thu nhập hợp pháp do lao động của vợ chồng anh chị như trước khi chia tài sản chung, thế nhưng nay bỗng dưng số tài sản chung đó lại trở thành tài sản riêng của mỗi người do quy định của pháp luật.

Chắc chắn đây cũng không phải là giải pháp phù hợp với ý chí của người làm luật. Khi xây dựng Điều 8 Nghị định 70/2001/NĐ - CP, có thể người làm luật tập trung sự chú ý vào trường hợp vợ chồng chia toàn bộ tài sản chung, hai bên đã ở riêng và đoạn tuyệt về tình cảm hoặc việc chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân với mục đích đầu tư kinh doanh mà không còn nhớ đến các tài sản riêng thực sự, cũng như không giải quyết được việc vợ chồng chia tài sản chung để trả nợ, để thực hiện nghĩa vụ cấp dưỡng, v..v. 

Qua phân tích trên cho thấy, quy định về hậu quả pháp lý của việc chia tài sản chung trong  thời kì hôn nhân là chưa đầy đủ, chính xác và hợp lý. Các nhà làm luật nên quy định rõ hơn về vấn đề này để tránh những rủi ro cũng như tranh chấp không đáng có xảy ra sau khi chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân.

7. Khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng

Mặc dù Luật hôn nhân gia đình năm 2000 không quy định về việc khôi phục chế độ tài sản chung sau khi tiến hành chia tài sản, nhưng nghị định 70/2001/NĐ-CP lại chính thức đề cập đến khả năng của vợ chồng khôi phục lại chế độ tài sản chung sau một thời gian chia tài sản chung tại các điều 9 và 10 của Nghị định.

Về điều kiện để khôi phục chế độ tài sản chung, khoản 1 Điều 9 quy định “ vợ chồng phải thỏa thuận bằng văn bản” ,khoản 2 Điều 9 cũng quy định “Văn bản thỏa thuận […] phải có chữ kí của cả vợ và chồng”. Điều này đã chỉ ra sự khác biệt giữa việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và việc trở lại chế độ tài sản chung trong thời kì hôn nhân: Việc trở lại với chế độ tài sản chung chỉ có thể được thực hiện một khi có sự đồng ý của cả vợ và chồng. Trong trường hợp vợ hoặc chồng không đồng ý, người còn lại không có quyền kiện yêu cầu khôi phục chế độ tài sản chung bằng con đường tư pháp.

Về hình thức, việc khôi phục chế độ tài sản chung phải được lập thành văn bản thỏa thuận; văn bản thoả thuận có thể có người làm chứng hoặc được công chứng, chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng hoặc theo quy định của pháp luật (Khoản 2 điều 9)

Về nội dung, nội dung chủ yếu của văn bản thỏa thuận bao gồm:

“- Lý do khôi phục chế độ tài sản chung;

- Phần tài sản thuộc sở hữu riêng của mỗi bên;

- Phần tài sản thuộc sở hữu chung của vợ chồng, nếu có;

- Thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung;

- Các nội dung khác, nếu có.” (Điều 9 Khoản 1).

Theo đó, lý do để khôi phục chế độ tài sản chung có thể được xây dựng bằng cách đặt ngược các giả thiết được dự kiến trong các trường hợp chia tài sản chung như: trước đây vợ hoặc chồng cần đầu tư kinh doanh riêng, nay không cần nữa; trước đây vợ chồng có nghĩa vụ dân sự riêng nay đã thực hiện xong và không phát sinh nghĩa vụ mới; trước đây vợ hoặc chồng có nhu cầu trả nợ riêng, nay nợ riêng đã trả xong và không có nợ riêng mới;…

Về thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung, Điều 10 nghị định 70/ quy định thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung được xác định như sau:

1. Trong trường hợp văn bản thoả thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng không xác định rõ thời điểm có hiệu lực của việc khôi phục chế độ tài sản chung, thì hiệu lực được tính từ ngày, tháng, năm lập văn bản;

2. Trong trường hợp văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng được công chứng hoặc chứng thực theo yêu cầu của vợ chồng, thì văn bản thoả thuận khôi phục chế độ tài sản chung của vợ chồng cũng phải được công chứng hoặc chứng thực và việc khôi phục chế độ tài sản chung có hiệu lực kể từ ngày xác định trong văn bản thoả thuận; nếu văn bản không xác định ngày có hiệu lực đó, thì hiệu lực được tính từ ngày văn bản đó được công chứng, chứng thực.

3. Trong trường hợp văn bản thoả thuận chia tài sản chung của vợ chồng phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật, thì văn bản thoả thuận khôi phục chế độ tài sản chung cũng phải được công chứng, chứng thực theo quy định của pháp luật và có hiệu lực kể từ ngày được công chứng, chứng thực.

*  *  * *
1. Thực trạng việc áp dụng quy định chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân ở Việt Nam 

Hiện nay, chia tài sản chung của vợ chồng đang là một vấn đề phức tạp. Bởi trong quan hệ hôn nhân, quan hệ tài sản có ảnh hưởng trực tiếp đến lợi ích của các bên vợ chồng và rất dễ nảy sinh tranh chấp, đặc biệt là trong trường hợp chia tài sản chung khi hôn nhân còn đang tồn tại. Thực tiễn giải quyết các trường hợp chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kì hôn nhân trong thời gian qua gặp không ít khó khăn và phức tạp. Có nhiều vụ án phải qua nhiều cấp xét xử, làm ảnh hưởng đến quyền lợi chính đáng của các đương sự.

Có nhiều nguyên nhân dẫn đến có nhiều vụ án chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân phải qua nhiều cấp xét xử, trong đó đặc biệt phải nói đến sự thiếu sót trong quá trình giải quyết các vụ án của tòa án. Nếu như trước đây Luật hôn nhân và gia đình năm 1986 quy định việc giải quyết vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân tương tự như khi ly hôn thì Luật Hôn nhân và gia đình hiện hành lại quy định cụ thể hơn rất nhiều. Điều này một mặt tạo ra hành lang pháp lý cần thiết cho việc giải quyết các vụ án chia tài sản chung khi hôn nhân còn đang tồn tại, một mặt lại khiến cho những vụ án chia tài sản này trở nên phức tạp và khó xét xử hơn bởi quy định của pháp luật còn quá nhiều “lỗ hổng” . 

Dưới đây là một vụ án chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân mà Tòa án giải quyết chưa rõ ràng khiến cơ quan thi hành án khó khăn trong việc thi hành:

Bà T. và ông Th. kết hôn vào năm 1986. Năm 1992, do mâu thuẫn nên hai người xin ly hôn. Mặc dù đã có án tòa cho ly hôn nhưng ông Th. vẫn tiếp tục sống chung với bà T. Trong khoảng thời gian này, ông Th. mua 13 ha đất vườn tại xã Minh Thạnh, huyện Dầu Tiếng, tỉnh Bình Dương. Tháng 11-1993, hai người đăng ký kết hôn lại.

Sau đó, vợ chồng bà T. đã bỏ công khai phá, trồng cây cao su trên khu đất trên. Cuối năm 2001, sau khi bàn bạc, vợ chồng bà T. quyết định bán bớt 2 ha đất để lấy vốn chăm sóc và khai thác 11 ha đất còn lại. Cũng vào thời điểm này, vợ chồng bà T. đã được Uỷ ban nhân dân huyện Dầu Tiếng cấp “giấy đỏ” cho 11 ha đất. Năm 2003, nghe tin chồng mình có quan hệ với một người phụ nữ khác và có ý định bán vườn cao su, bà T. đã đến Uỷ ban nhân dân xã Minh Thạnh gửi đơn ngăn chặn không cho ông Th. tự ý bán vườn cao su.

Tưởng vậy là xong, bà T. yên tâm trở về TP.HCM sinh sống. Đến tháng sau quay lại, bà T. giật mình khi hay tin Uỷ ban nhân dân xã Minh Thạnh đã xác nhận cho ông Th. bán đất cho vợ chồng ông LBC. Hồ sơ bán đất của ông Th. gồm có: “giấy đỏ”, quyết định ly hôn năm 1992. Thế là bà T. đã khởi kiện ông Th. ra tòa để đòi lại 1/2 đất.

Tháng 4-2004, Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng mở phiên tòa sơ thẩm để xét xử vụ án. Cho rằng số đất vườn trên là tài sản chung của vợ chồng bà T, tòa này tuyên hủy hợp đồng mua bán đất giữa ông Th. với ông C. và cho phép bà T. được quyền sử dụng hơn 50 ngàn m2 đất và sở hữu hơn 2.500 cây cao su trên đất. Không đồng ý với bản án sơ thẩm, ông Th. đã kháng cáo.

Tháng 9-2004, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương mở phiên tòa xét xử phúc thẩm vụ án. Tòa này tiếp tục công nhận 11 ha đất vườn cao su là tài sản chung của vợ chồng bà T. Đồng thời, tòa này tuyên hủy hợp đồng mua bán đất giữa ông Th. với ông C. Bà T. được khởi kiện thành một vụ án khác để đòi chia tài sản chung trong thời kỳ hôn nhân.

Vụ tranh chấp trở nên phức tạp vì trước khi xử phúc thẩm, ông C. đã bán khu vườn cho người khác. Tháng 11-2004, vợ chồng ông C. gửi đơn khiếu nại yêu cầu được công nhận hợp đồng mua bán đất giữa ông với ông Th.

Tháng 3-2006, Tòa án nhân dân tối cao đã xem xét lại vụ án theo trình tự giám đốc thẩm. Quyết định giám đốc thẩm hủy cả hai bản án sơ thẩm và phúc thẩm nêu trên, giao hồ sơ cho Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng xét xử lại từ đầu.

Ngày 16-1-2007, tại phiên xử sơ thẩm lần hai, Tòa án nhân dân huyện Dầu Tiếng đã công nhận 11 ha đất vườn cao su thuộc quyền sử dụng chung của vợ chồng ông C. Do bà T. được quyền sử dụng 1/2 đất nên ông Th. phải hoàn trả cho bà T. gần một tỷ hai trăm triệu đồng là trị giá 1/2 đất. Bà T. kháng cáo đòi nhận đất, không chịu nhận tiền.

Ngày 16-5-2007, tại phiên xử phúc thẩm lần hai, Tòa án nhân dân tỉnh Bình Dương đã tuyên hủy một phần hợp đồng chuyển nhượng đất giữa ông Th. với ông C. Bà T. được quyền sử dụng 50 ngàn m2 đất vườn cao su. Ông C. sẽ được ông Th. hoàn trả giá trị 1/2 diện tích đất cao su (gần một tỷ hai trăm triệu đồng).

Bà T. đã rất nhiều lần liên hệ với cơ quan thi hành án huyện Dầu Tiếng để xin được thi hành án đối với 50 ngàn m2 đất trên nhưng đến giờ mọi thứ vẫn “án binh bất động”.

Ông Nguyễn Văn Lắm – Trưởng Thi hành án dân sự huyện Dầu Tiếng cho biết: Do vụ án có nhiều quan điểm khác nhau, bản án phúc thẩm không được sự đồng tình của chính quyền địa phương nên chúng tôi chưa thể tổ chức thi hành án. Hiện Uỷ ban nhân dân huyện Dầu Tiếng đã có công văn kiến nghị xem xét lại vụ án với lý do phần đất trên được ông Th. tạo lập trong thời gian đã ly hôn. Ngoài ra, Uỷ ban nhân dân huyện cấp “giấy đỏ” cho hộ ông Th., gồm có ông Th. và cha mẹ của ông, không liên quan gì đến bà T. Tháng 8-2007, Viện kiểm sát nhân dân tỉnh Bình Dương cũng gửi văn bản kiến nghị Viện kiểm sát nhân dân tối cao giám đốc thẩm bản án với lý do tòa tuyên bà T. được quyền sử dụng 1/2 diện tích đất nhưng lại không tuyên rõ ai phải giao đất cho bà T. Vì vậy, thi hành án huyện Dầu Tiếng phải chờ ý kiến chỉ đạo của cấp trên”.

Ngày 13-11-2007, Uỷ ban nhân dân tỉnh Bình Dương đã tổ chức cuộc họp với nhiều cơ quan chức năng để bàn việc thi hành án. Sau cuộc họp, các thành viên thống nhất phải chờ kết quả xử lý của VKSND tối cao. Cho đến nay, Viện kiểm sát nhân dân tối cao vẫn chưa có văn bản phản hồi.

Được biết, các lý lẽ trên của Uỷ ban nhân dân huyện Dầu Tiếng đã bị Viện kiểm sát nhân dân tỉnh bác bỏ vì thiếu cơ sở. Bởi lẽ huyện này đã chính thức cấp “giấy đỏ” cho ông Th. khi quan hệ hôn nhân giữa ông và bà T. đang tồn tại. Theo nguyên tắc, quyền sử dụng đất đó là tài sản chung của vợ chồng. Ngược lại, nội dung “bắt bẻ” của Viện kiểm sát nhân dân tỉnh hoàn toàn chính xác vì án phúc thẩm chỉ tuyên bà T. được hưởng 1/2 đất mà “quên” nói cách thức hưởng khiến cơ quan thi hành án chẳng biết đường nào lần.

2. Phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật về chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân

Thứ nhất: Điều 29 Luật hôn nhân gia đình năm 2000 không quy định quyền yêu cầu chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân cho người thứ ba. 

Theo Bộ luật dân sự 2005 Điều 224 khoản 2, trong trường hợp có người yêu cầu một người trong số các chủ sở hữu chung thực hiện nghĩa vụ thanh toán khi người đó không có tài sản riêng hoặc tài sản riêng không đủ để thanh toán thì người yêu cầu có quyền yêu cầu chia tài sản chung để nhận tiền thanh toán và được tham gia vào việc chia tài sản chung, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.Tuy nhiên điều luật lại không phân biệt sở hữu chung mang tính chất theo phần hay hợp nhất. Do đó, Luật hôn nhân gia đình cũng nên quy định cụ thể hơn trường hợp này bởi nó ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người thứ ba cũng như trách nhiệm trả nợ của vợ, chồng, nên cho phép chủ nợ riêng của vợ, chồng cũng có quyền yêu cầu phân chia khối tài sản chung của vợ chồng, nếu người mắc nợ không chủ động yêu cầu chia để có tài sản riêng mà trả nợ.

Thứ hai: Bộ luật không quy định rõ các nguyên tắc chia tài sản chung của vợ chồng khi yêu cầu tòa án giải quyết dẫn tới thực tế áp dụng còn gặp nhiều vướng mắc, gây trở ngại trong công việc xét xử của Tòa án. 

Bộ luật Hôn nhân và gia đình năm 1986 điều 18 đã quy định có thể giải quyết việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân như khi li hôn. Vậy nếu trong thực tế Tòa án không thể giải quyết vụ án chia tài sản chung cũng nên áp dụng quy tắc này của bộ luật năm 1986.

Thứ ba: Bộ luật không quy định rõ trách nhiệm của hai bên vợ chồng sau khi chia tài sản chung, vô hình chung đã tạo “khe hở” cho sự “vô trách nhiệm” của vợ chồng trong việc đảm bảo cuộc sống gia đình, ảnh hưởng tới lợi ích của các thành viên khác trong gia đình.

Do đó, Luật hôn nhân và gia đình nên quy định cụ thể nghĩa vụ của vợ chồng trong việc duy trì khối tài sản chung để đảm bảo cuộc sống ổn định cho các thành viên trong gia đình đồng thời quy định trách nhiệm của hai bên sau khi chia tài sản.

Thứ tư: Bộ luật không quy định rõ điều kiện  đối với số tài sản chia. Ngoài việc xác định đó là tài sản chung của vợ chồng cũng cần xác định thêm số tài sản đó không đang bị tranh chấp quyền sở hữu, số tài sản đó không là nguồn thu chủ yếu đảm bảo cuộc sống cho con cái và các thành viên còn lại như nhà ở, đồ đạc gia đình,… 

Các nhà làm luật cũng nên xem xét để quy định cụ thể hơn về vấn đề này.

Thứ năm: Khi cho phép vợ chồng có thể tự thỏa thuận việc chia tài sản chung, các nhà làm luật đã đảm bảo quyền tự do định đoạt tài sản của vợ chồng. Tuy nhiên, quy định này lại là “kẽ hở” để đương sự thỏa thuận chia tài sản chung nhằm mục đích sai trái, kinh doanh trái pháp luật hoặc cưỡng ép người kia phải chia tài sản chung… Mặc dù pháp luật đã quy định những trường hợp chia tài sản chung nhằm trốn tránh nghĩa vụ dân sự không được pháp luật thừa nhận  nhưng lại không quy định những trường hợp chia tài sản chung nhằm thực hiện hành vi trái pháp luật sẽ bị vô hiệu. 

Để giải quyết vấn đề này, chúng ta nên yêu cầu tất cả trường hợp chia tài sản chung bằng thỏa thuận phải có sự công chứng, chứng thực của cơ quan chức năng để đảm bảo việc chia tài sản diễn ra đúng pháp luật.

Thứ sáu: Bộ luật đã chỉ rõ những trường hợp việc chia tài sản chung bị tuyên bố là vô hiệu nhưng lại không quy định hậu quả pháp lý của việc tuyên bố đó. Trong trường hợp tuyên bố vô hiệu có hiệu lực ngay sau thời điểm vợ chồng tiến hành chia tài sản chung trái quy định pháp luật thì việc giải quyết sẽ dễ dàng hơn do khối lượng tài sản được chia có thể chưa bị đương sự sử dụng. Nhưng nếu trong trường hợp đương sự đã sử dụng số tài sản được chia đó với những mục đích trái pháp luật thì việc giải quyết là không đơn giản. 

Do đó chúng ta cần quy định rõ hậu quả pháp lí trong trường hợp này để tạo điều kiện cho Tòa án cũng như những người có liên quan giải quyết.

KẾT LUẬN 

Từ việc phân tích các quy định của Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000 về chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân cũng như đưa ra một số phương hướng giải pháp hoàn thiện pháp luật, em xin rút ra kết luận sau: 

Luật Hôn nhân gia đình năm 2000 đã quy định cụ thể, đầy đủ và sát sao hơn so với Luật năm 1986 về việc chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Các nhà làm luật đã hướng tới mục đích đảm bảo quyền lợi hợp pháp của vợ chồng đối với việc sử dụng, sở hữu và định đoạt tài sản chung, tạo điều kiện vật chất cho vợ, chồng thực hiện việc kinh doanh riêng, thực hiện các nghĩa vụ dân sự riêng mà không bị hạn chế bởi chế định tài sản chung trong thời kì hôn nhân. Tuy nhiên các nhà làm luật vẫn chưa dự liệu được hết các tình huống có thể xảy ra trong thực tế cũng như chưa quy định một cách triệt để vấn đề pháp lý liên quan đến chia tài sản chung, vai trò của các cơ quan hành pháp, tư pháp còn mờ nhạt,... Trong nhiều tình huống, việc chia tài sản chung của vợ chồng trở nên khó giải quyết do những quy định chưa rõ ràng, cụ thể của bộ Luật và cũng do vai trò của những người cầm “cán cân công lí” chưa được đề cao.

Qua việc nghiên cứu tài liệu và tích lũy kiến thức, em thấy rằng các chế định hôn nhân gia đình về chia tài sản chung trong hôn nhân cần phải được xem xét và sửa đổi cho phù hợp, đầy đủ và chính xác hơn so với thực tế.

Trên đây là bài viết của em về vấn đề chia tài sản chung trong thời kì hôn nhân và một số phương hướng giải pháp hoàn thiện. Trong khuôn khổ bài tập lớn cuối môn học, bài làm của em không tránh khỏi những sai sót. Em kính mong nhận được sự góp ý của thầy cô cho bài làm của em.

Em xin chân thành cảm ơn.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Trường đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam, Nxb. Công an nhân dân, 2009
2. Bộ Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 1986
3. Bộ Luật hôn nhân và gia đình Việt Nam năm 2000
4. Bộ Luật Dân sự Việt Nam năm 2005
5. Nghị định 70/2001/NĐ-CP của Chính phủ quy định chi tiết thi hành Luật Hôn nhân và gia đình ngày 3/10/2001
6. Nghị định số 02/2000/N Đ-CP ngày 13/12/2000 của Hội đồng thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của Luật hôn nhân và gia đình năm 2000.
7. Thạc sĩ Nguyễn Hồng Hải – Khoa Luật Dân sự - Đại học Luật Hà Nội, “Bàn thêm về chia tài sản chung của vợ chồng trong thời kỳ hôn nhân theo pháp luật hiện hành”.
8. Vĩnh Sơn – Hồng Tú, Báo pháp luật Thành phố Hồ Chí Minh, “Tranh chấp tài sản giữa vợ và chồng: Xử không rõ, án bị …chê”.
9. Tiến sĩ Nguyễn Văn Cừ, “Chế độ tài sản của vợ chồng theo pháp luật Hôn nhân và gia đình Việt Nam”, Nxb. Tư pháp, 2008

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Nguyễn Thùy Linh - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment