Trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, pháp luật có qui định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân. Qui định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân là thật sự rất cần thiết vì cá nhân gây thiệt hại và việc xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai có ý nghĩa không những về mặt lý luận, mà còn có ý nghĩa về mặt thực tế quan trọng. Việc xác định ai là người phải bồi thường thiệt hại do cá nhân là người đã thành niên, người chưa thành niên hoặc là người mất năng lực hành vi dân sự khi họ gây thiệt hại là mục đích điều chỉnh của pháp luật. Một mặt, để xác định rõ chủ thể có trách nhiệm phải bồi thường thiệt hại để qui trách nhiệm cho người đó, mặt khác còn là căn cứ xác định tư cách chủ thể trong tố tụng dân sự; ai là bị đơn dân sự phải bồi thường theo trách nhiệm dân sự trước Toà án trong trường hợp cá nhân gây thiệt hại cho người khác? Hơn nữa, nó còn có ý nghĩa bảo vệ lợi ích của người bị thiệt hại hoặc thân nhân của người bị thiệt hại, để có căn cứ yêu cầu bồi thường thiệt hại, bảo đảm tính nghiêm minh của pháp luật.
Xuất phát từ nhận thức trên, với bài tập học kỳ môn Luật Dân sự Việt Nam 2, trên cơ sở kiến thức được học từ thầy cô, giáo trình và tài liệu tham khảo, em xin chọn đề tài: “Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng – Một số vấn đề lý luận và thực tiễn” với mong muốn được hiểu và làm rõ hơn về vấn đề này.
NỘI DUNG CHÍNH
I. LÝ LUẬN CHUNG VỀ NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG
1. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng còn gọi là trách nhiệm dân sự do gây thiệt hại. Theo quy định của BLDS 2005, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng được hiểu: “Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.” (Điều 604 BLDS 2005).
Như vậy, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một chế định pháp lí đặc biệt, trong đó chủ thể gây thiệt hại phải gánh chịu những hậu quả pháp lí bất lợi cho mình do hành vi gây thiệt hại của mình gây ra. Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng bao gồm các yếu tố:
- Có thiệt hại xảy ra.
- Có hành vi gây thiệt hại trái pháp luật.
- Người gây thiệt hại có lỗi.
- Mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.
Thiệt hại do hành vi trái pháp luật gây ra là căn cứ làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Trong trường hợp này, trách nhiệm được hiểu là bổn phận, nghĩa vụ của người gây ra thiệt hại phải bồi thường cho người bị thiệt hại. Các nhà làm luật quy định như vậy cũng đồng nghĩa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với “nghĩa vụ phát sinh do hành vi trái pháp luật”. Có thể nêu khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau: “Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại quan hệ dân sự trong đó người xâm phạm đến tính mạng, sức khỏe, danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, các quyền và lợi ích hợp pháp của người khác mà gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại”. Thiệt hại bao gồm những thiệt hại về vật chất và trong nhiều trường hợp là cả các thiệt hại về tinh thần. Khi thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng có những biện pháp như buộc chấm dứt hành vi vi phạm, xin lỗi, cải chính công khai nhưng biện pháp chủ yếu vẫn là bồi thường bằng tài sản.
2. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân
Hành vi gây thiệt hại có thể được thực hiện bởi bất cứ chủ thể nào. Tuy nhiên không phải chủ thể nào gây thiệt hại cũng có khả năng để thực hiện việc bồi thường. BLDS 2005 quy định trách nhiệm bồi thường trong nhiều trường hợp, tình huống cụ thể. Có trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do tài sản gây ra, có trường hợp trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh do hành vi của con người gây ra, có trường hợp người của pháp nhân, người của cơ quan nhà nước gây thiệt hại…
BLDS quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, không quy định năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của các chủ thể khác. Do vậy, có thể hiểu mặc nhiên các chủ thể khác gây thiệt hại sẽ được coi là có năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Điều 606, BLDS 2005 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt thiệt hại của cá nhân như sau:
Ðiều 606. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân
1. Người từ đủ mười tám tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường.
2. Người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại; nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên gây thiệt hại có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu, trừ trường hợp quy định tại Ðiều 621 của Bộ luật này.
Người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình.
3. Người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại mà có người giám hộ thì người giám hộ đó được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.
Người gây thiệt hại có thể là bất kỳ ai: cá nhân, pháp nhân, cơ quan nhà nước…nhưng việc bồi thường phải do người có “khả năng” bồi thường, mặc dù hành vi gây ra thịêt hại có thể không do chính họ thực hiện. Bộ lụât dân sự chỉ quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân mà không quy định về năng lực bồi thường của các chủ thể khác. Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường của cá nhân theo pháp luật hiện hành được quy định tại Điều 606 BLDS 2005 và hướng dẫn tại tiểu mục 3 mục I Nghị quyết 03/2006/HĐTP-TANDTC ngày 08/07/2006 của Hội đồng thẩm phán toà án nhân dân tối cao dựa trên mức độ năng lực hành vi, tình trạng tài sản, khả năng bồi thường của cá nhân và xác định cá nhân gây thiệt hại phải chịu trách nhiệm bồi thường cho người bị thiệt hại theo các mức độ năng lực hành vi dân sự khác nhau. Pháp luật căn cứ vào những điều kiện về độ tuổi và sự phát triển của trí tuệ, nhận thức; căn cứ vào khả năng tạo lập tài sản của cá nhân để có cơ sở xác định trong trường hợp cá nhân khi gây thiệt hại cho người khác, thì trách nhiệm bồi thường được thực hiện với những mức độ nào.
II. NĂNG LỰC CHỊU TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN THEO QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT
1. Năng lực bồi thường thiệt hại của người từ đủ 18 tuổi
Người tử đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 là người thành niên (Điều 18) và người thành niên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu không rơi vào các trường hợp bị Tòa án tuyên là mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên là hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23). Theo những quy định này thì khi một người đủ 18 tuổi họ có đầy đủ tư cách chủ thể để bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, có nghĩa là họ có toàn quyền tham gia các quan hệ dân sự với tư cách là một chủ thể độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do mình thực hiện. Như vậy, người từ đủ 18 tuổi nếu không bị mắc bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác có ảnh hưởng đến năng lực nhận thức và năng lực điều khiển hành vi của mình hoặc không bị tòa án tuyên là người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại về những thiệt hại mà mình đã gây ra cho người khác. Khẳng định này được ghi nhận tại khoản 1 Điều 606 “Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”. Theo quy định này khi gây ra thiệt hại thì trách nhiệm chính về việc bồi thường là của chính người đã gây ra thiệt hại.
Việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người từ đủ 18 tuổi gây ra là trách nhiệm của họ là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. Người từ đủ 18 tuổi là người đã thành niên và có đủ điều kiện tham gia vào các quan hệ pháp luật do vậy, họ hoàn toàn đủ năng lực để tham gia và trở thành chủ thể của quan hệ bồi thường thiệt hại và nếu là người gây ra thiệt hại thì họ hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện trách nhiệm bồi thường. Ở độ tuổi này họ đã có đầy đủ năng lực tham gia vào các quan hệ lao động nên xét trên một bình diện chung nhất thì những người này đã có thu nhập và cũng có khả năng tạo ra thu nhập để thực hiện nghĩa vụ của mình.
2. Năng lực bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên
Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật thì đây là những người hoặc chưa có năng lực hành vi dân sự (người dưới 6 tuổi) hoặc chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay nói cách khác là chỉ có năng lực hành vi dân sự một phần (người từ đủ 6 đến dưới 18 tuổi). Những người này không có hoặc không đủ năng lực để tham gia vào quan hệ bồi thường thiệt hại dù rằng thiệt hại đó là do bản thân họ gây. Trong độ tuổi này các chủ thể chưa có khả năng nhận thức hoặc chưa nhận thức một cách đầy đủ và chính xác về những việc mình đã làm cũng như chưa nhận thức được một cách sâu sắc về những thiệt hại có thể xảy ra do hành vi của mình. Do vậy, nếu những người này gây ra thiệt hại thì phải có người đứng ra đại diện cho họ để thực hiện nghĩa vụ bồi thường.
Mặc dù cùng nằm trong nhóm tuổi người chưa thành niên nhưng việc quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới 18 tuổi gây ra lại không giống nhau trong mọi trường hợp. Trong nhóm tuổi này việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại có sự phân biệt giữa hai độ tuổi khác nhau là người chưa thành niên dưới 15 tuổi và người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.
2.1. Năng lực bồi thường thiệt hại của người dưới 15 tuổi
Như đã nói ở trên, người chưa thành niên dưới 15 tuổi là người chưa có năng lực hành vi dân sự (dưới 6 tuổi) hoặc năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ (từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi). Về nguyên tắc thì những người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại và người chưa thành niên đó còn cha mẹ thì cha mẹ buộc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và tham gia tố tụng dân sự với tư cách là bị đơn. Trong trường hợp này thì người có trách nhiệm chính và chủ yếu phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường chính là cha, mẹ của người đã gây ra thiệt hại, vì theo quy định của pháp luật “người chưa thành niên từ đủ 6 đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ trường hợp giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác” (Điều 20 khoản 1 BLDS 2005) còn “người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”
(Điều 21 BLDS 2005). Những người chưa thành niên dưới 15 tuổi không những chưa có năng lực hành vi dân sự và năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ mà những người này còn chưa có năng lực hành vi lao động để tham gia vào các quan hệ lao động để tạo ra thu nhập và có tài sản riêng. Vì vậy, phần lớn những người nằm trong độ tuổi này không có tài sản và khả năng kinh tế độc lập để tự chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại do mình gây ra. Việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cha, mẹ của người gây ra thiệt hại được quy định rõ tại khoản 2 Điều 606 BLDS 2005 “Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại”.
Nghiên cứu về năng lực bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới 15 tuổi ngoài việc pháp luật quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cha mẹ của người gây thiệt hại thì tại khoản 2 Điều 606 Bộ luật Dân sự 2005 cũng quy định “nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”. Về nguyên tắc người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thuộc về cha, mẹ của người đã gây ra thiệt hại. Việc pháp luật quy định cho phép cha, mẹ có thể dùng tài sản của con chưa thành niên để bồi thường phần còn thiếu là nhằm mục đích thực hiện nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải “toàn bộ và kịp thời” để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại, bởi trong nhiều trường hợp người chưa thành niên tuy chưa tự làm được ra tài sản nhưng lại được thừa kế, được tặng cho tài sản. Và việc cho phép cha, mẹ của người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại được phép lấy tài sản của con họ để bù vào phần bồi thường còn thiếu không có nghĩa người chưa thành niên phải “liên đới” cùng cha, mẹ để bồi thường thiệt hại.
Việc người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì không phải trong mọi trường hợp cha, mẹ của người gây ra thiệt hại đều phải chịu trách nhiệm bồi thường, đó là trường hợp “người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra” (khoản 1 Điều 621). Thời gian mà ngươi dưới 15 tuổi học tại trường học chính là thời gian mà theo quy định của nghề nghiệp trường học phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục người chưa thành niên dưới 15 tuổi, do vậy trong thời gian người người dưới 15 tuổi học tại trường học mà gây ra thiệt hại thì nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường vì nhà trường đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc quản lý và giáo dục học sinh. Tuy nhiên, nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý và trong việc để thiệt hại xảy ra thì trường học sẽ không phải bồi thường và trong trường hợp này thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại..
2.2.Năng lực bồi thường thiệt hại của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi
Người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi cũng là người trong độ tuổi chưa thành niên, nhưng khi quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì đây lại là một trường hợp đặc biệt đối với người chưa thành niên. Sở dĩ như vậy là vì tuy trong cùng độ tuổi chưa thành niên nhưng việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người dưới 15 tuổi lại khác với người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi. Người dưới 15 tuổi nếu gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về cha, mẹ của họ, pháp luật quy định rõ ràng “Cha mẹ phải bồi thường thiệt hại” nhưng người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi mà gây thiệt hại thì pháp luật quy định “Phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường bằng tài sản của mình”. Như vậy, trong trường hợp này trách nhiệm chính lại thuộc về người gây thiệt hại mà không phải cha, mẹ của họ. Chỉ khi nào người gây thiệt hại không đủ tài sản để bồi thường thì mới làm phát sinh trách nhiệm của cha, mẹ họ.
Trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi dường như ngược hẳn với trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới 15 tuổi gây ra. Lý do để pháp luật quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi như vậy là vì: Mặc dù ở trong độ tuổi chưa thành niên chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng so với người dưới 15 tuổi về mặt nhận thức họ đã phát triển hơn, mặt khác, người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi theo quy định của luật Lao động đã có thể tham gia vào quan hệ pháp luật lao động. Chính vì vậy họ có thể phát sinh thu nhập và có tài sản riêng, nên có thể thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình.
Mặc dù quy định trách nhiệm chính thuộc về người gây thiệt hại, nhưng xét về mặt năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì họ chưa có, nên họ cần phải có người đại diện cho mình trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. Do vậy, cha mẹ của người gây thiệt hại vẫn không thể loại trừ hoàn toàn trách nhiệm của mình. Họ có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho con mình khi nó gây ra thiệt hại cho người khác mà không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường.
Việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây ra là trách nhiệm chính và chủ yếu của người gây ra thiệt hại và nếu người gây ra thiệt hại không đủ hoặc không có tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường bằng tài sản của mình (nghĩa vụ bắt buộc của cha, mẹ) sẽ xác định được một cách cụ thể trách nhiệm là của ai trong trường hợp khi tòa án quyết định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thì cả người gây thiệt hại và cha, mẹ của họ cũng không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ bồi thường. Nếu xảy ra trường hợp này thì chính người chưa thành niên từ đủ mười lăm tuổi đến chưa đủ mười tám tuổi gây ra thiệt hại phải có trách nhiệm bồi thường khi có tài sản vì trách nhiệm bồi thường đầu tiên thuộc về họ. Tuy nhiên theo quy định của Điều 606 khoản 2 vì nghĩa vụ bồi thường thiệt hại phần còn thiếu của người từ đủ 15 đến chưa đủ 18 của cha mẹ là nghĩa vụ bắt buộc nên nếu hiện tại cả con họ và họ không đủ tài sản để bồi thường thì sau này ai là người có tài sản trước thì sẽ lấy tài sản đó để bồi thường cho người bị thiệt hại để đảm bảo một cách tốt nhất quyền lợi cho người bị hại.
3. Năng lực bồi thường thiệt hại của người được giám hộ
Giám hộ là một vấn đề có ý nghĩa thiết thực trong đời sống xã hội. Bộ luật dân sự 2005 của nước ta quy định khá đầy đủ và chi tiết về: đối tượng được giám hộ, người giám hộ, quyền và nghĩa vụ của người giám hộ. Song một nghĩa vụ quan trọng của người giám hộ là trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản do hành vi trái pháp luật của người được giám hộ gây ra lại không được quy định trong phần này. Có phải trong mọi trường hợp người giám hộ cũng đều có trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản do người mà mình giám hộ gây ra không? Và cách thức bồi thường như thế nào?
Điều 58 của BLDS 2005 quy định “ Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”. Như vậy, giám hộ là một hình thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự. Người giám hộ phải đáp ứng đủ những điều kiện nhất định và phải thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo luật định để bảo vệ quyền lợi cho người được giám hộ, đồng thời họ cũng có thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về tài sản trong khi thực hiện việc giám hộ của mình trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người mà mình giám hộ gây ra cho người khác.
3.1. Trường hợp người được giám hộ là người chưa thành niên gây thiệt hại
Theo quy định của pháp luật thì “người chưa thành niên mà không còn cha mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu” (điểm a khoản 2 Điều 58 BLDS) thì cần có người giám hộ. Do vậy, với người chưa thành niên vẫn còn cha, mẹ và cha, mẹ của họ không rơi vào các trường hợp nêu trên thì đương nhiên họ là đại diện của con họ và thiệt hại do người chưa thành niên gây ra họ sẽ và phải bồi thường.
Trong trường hợp cha mẹ của người chưa thành niên rơi vào các trường hợp nêu ở điểm a khoản 2 điều 58 BLDS 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ được thực hiện như sau:
Trước hết là trách nhiệm của anh cả, chị cả đã thành niên đủ điều kiện để làm người giám hộ. Nếu anh cả, chị cả không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì người tiếp theo đã thành niên phải làm người giám hộ. Trong trường hợp không có anh, chị hoặc anh, chị không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì ông, bà nội, ông, bà ngoại là người giám hộ. Nếu những người nêu trên không có hoặc không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ. Tất cả những người nêu trên là người giám hộ đương nhiên của người chưa thành niên. Và nếu không có người làm giám hộ đương nhiên thì sẽ phải cử giám hộ. Tuy nhiên, dù là giám hộ đương nhiên hay là giám hộ cử thì đều có quyền dùng tài sản riêng của người được giám hộ để bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người được giám hộ gây ra, chỉ trong trường hợp người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Cho phép người giám hộ được sử dụng tài sản của người được giám hộ để bồi thường nếu người giám hộ gây ra thiệt hại phải chăng là nhằm khuyến khích hoạt động giám hộ, đặc biệt là đối với giám hộ cử. Và việc quy định cho người giám hộ trước tiên được sử dụng tài sản của người được giám hộ để bồi thường là một điểm khác biệt so với bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây ra mà còn cha mẹ, trường hợp này trách nhiệm đầu tiên và trách nhiệm chính là thuộc về cha, mẹ của người chưa thành niên dưới 15 tuổi. Bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên được giám hộ gây ra lại gần giống với trường hợp người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại nhưng khác một điểm là trong trường hợp người được giám hộ gây thiệt hại thì trách nhiệm thuộc về người giám hộ còn người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà gây thiệt hại thì trách nhiệm chính đầu tiên thuộc về họ, sau đó nếu họ không đủ tài sản để bồi thường thì mới lấy tài sản của cha, mẹ họ.
3.2.Trường hợp người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác
Mất năng lực hành vi dân sự là “khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, Tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định” (Điều 22 BLDS 2005). Theo quy định của điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Bộ luật Dân sự thì người mất năng lực hành vi dân sự là người cần phải có người giám hộ, người giám hộ sẽ là người đại diện cho họ trong các giao dịch dân sự. Người mất năng lực hành vi dân sự có thể là bất kỳ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào, do vậy mà tuỳ từng trường hợp khác nhau mà việc quy định bồi thường thiệt hại do người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự gây ra cũng khác nhau. Và việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người mất năng lực hành vi dân sự gây ra theo pháp luật dân sự Việt Nam được quy định như sau:
Nếu người mất năng lực hành vi dân sự là người chưa thành niên mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ chính là người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự, họ có trách nhiệm phải chăm sóc và quản lý người mất năng lực hành vi dân sự. Trong quá trình chăm sóc và quản lý người mất năng lực hành vi dân sự mà để những người này gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì họ phải có trách nhiệm bồi thường bằng tài sản của mình. Vì là cha, mẹ của người mất năng lực hành vi dân sự nên trách nhiệm bồi thường trong trường hợp này được tiến hành như trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà còn cha mẹ.
Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự đã có vợ (hoặc có chồng) thì người vợ (hoặc chồng) có đủ điều kiện sẽ phải làm người giám hộ (khoản 1 Điều 62 BLDS 2005). Ở trong trường hợp này, người giám hộ được lấy tài sản của người được giám hộ để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu như tài sản hiÖn cã của người được giám hộ không đủ để bồi thường thì phải phân định tài sản chung của vợ chồng sau đó mới xác định trách nhiệm bồi thường. Sau khi phân tài sản chung rồi mà tải sản của người được giám hộ vẫn không đủ để bồi thường thì người giám hộ mới phải lấy tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ bồi thường phần còn thiếu.
Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự là người đã thành niên và đã có vợ, chồng, con nhưng vợ, chồng, con đều không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ có đủ điều kiện phải làm người giám hộ cho họ. Nếu họ gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì cha, mẹ sẽ lấy tài sản riêng của người được giám hộ để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nếu tài sản đó không đủ để bồi thường thì người giám hộ mới phải lấy tài sản của mình để bồi thường. Xác định trách nhiệm bồi thường nốt phần còn thiếu do thiệt hại của người được giám hộ gây ra của người giám hộ ở đây cần phải phân làm hai trường hợp: Nếu cả cha cha, mẹ cùng là người giám hộ thì sẽ lấy tài sản chung vợ chồng của cha, mẹ để thực hiện nghĩa vụ bồi thường phần còn thiếu cho người được giám hộ; nếu chỉ có cha hoặc mẹ làm người giám hộ thì sẽ không lấy tài sản chung mà lấy phần tài sản riêng trong khối tài sản chung của vợ chồng để thực hiện nghĩa vụ bồi thường phần còn thiếu của người được giám hộ.
Người mất năng lực hành vi dân sự nếu gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện hay tổ chức khác quản lý thì tổ chức, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không phải là người giám hộ (Điều 621 khoản 2 BLDS 2005). Bệnh viện và tổ chức có trách nhiệm phải bồi thường vì họ đã không thực hiện tốt chức năng quản lý của mình đã để người mất năng lực hành vi dân sự do mình đang quản lý gây thiệt hại. Tuy nhiên cũng theo quy định của Điều 621 của BLDS 2005 tại khoản 3 bệnh viện và các tổ chức này chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý thì có thể giải trừ được trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình và cha, mẹ, người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự phải bồi thường thiệt hại.
III. NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN QUA THỰC TIỄN ÁP DỤNG
1. Những vấn đề thực tiễn
- Theo quy định tại điều 606 BLDS thì người từ đủ 18 tuổi trở lên, không tâm thần, không mắc các bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình khi gây thiệt hại cho người khác thì phải tự bồi thường bằng tài sản của mình. Xác định trách nhiệm chính thuộc về người gây thiệt hại (từ đủ 18 tuổi) có nghĩa là dù người gây thiệt hại bị rơi vào tình trạng tài sản như thế nào đi nữa thì cũng không thể loại trừ được nghĩa vụ của mình. Có rất nhiều trường hợp sau khi gây ra thiệt hại và phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường thì người gây ra thiệt hại lại không có tài sản để thực hiện nghĩa vụ của mình, nhưng đây là trách nhiệm của họ nên không thể chuyển giao cho người khác và người khác cũng không có nghĩa vụ phải thực hiện thay cho họ (trừ trường hợp người nhà của họ hoặc có người khác tự nguyện thay họ thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại). Nhưng xét về thực tế ở Việt Nam hiện nay, những cá nhân có đủ năng lực hành vi dân sự và tố tụng dân sự có một phần không nhỏ còn đang theo học tại các cấp đào tạo nghề, cao đẳng, đại học và trung cấp mà phần lớn trong số họ vẫn được bố mẹ chu cấp tiền ăn, học, ở và các chi phí khác phục vụ cho việc học tập. Những người ở độ tuổi từ đủ 18 tuổi trở lên, còn đi học, chưa có việc làm và chưa có thu nhập, do vậy nếu người gây thiệt hại tại thời điểm hiện tại không có khả năng về tài sản để thực thi nghĩa vụ của mình thì nghĩa vụ này sẽ phải tiếp tục thực hiện sau khi họ có tài sản. Nhưng một vấn đề được đặt ra là nguyên tắc của bồi thường thiệt hại là phải bồi thường kịp thời và toàn bộ, mục đích của nguyên tắc này là nhằm bảo đảm quyền lợi cho người bị thiệt hại, là nhằm làm sao để khắc phục một cách nhanh chóng và kịp thời thiệt hại đã xảy ra. Vậy nếu người gây ra thiệt hại không có đủ khả năng tài chính để bồi thường thì nguyên tắc này cũng khó mà thực hiện được. Và nếu như tình trạng này của người gây thiệt hại cứ kéo dài mãi thì đâu là giải pháp tốt nhất để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại. Khi quyết định trách nhiệm bồi thường đối với trường hợp này nên chăng hãy động viên người thân của những người này thay họ đứng ra thực hiện trách nhiệm bồi thường và sự bồi thường này phải dựa trên tinh thần tự nguyện của họ, cơ quan có thẩm quyền không được ép buộc người thân của người gây thiệt hại phải bồi thường vì đây không phải là trách nhiệm của họ.
- Pháp luật quy định “người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra” (khoản 1 Điều 621) và nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý và trong việc để thiệt hại xảy ra thì trường học sẽ không phải bồi thường và trong trường hợp này thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên trên thực tế, việc chứng minh không có lỗi để giải trừ trách nhiệm bồi thường là nghĩa vụ của nhà trường và việc chứng minh này không dễ chút nào vì thông thường lỗi trong các trường hợp này là lỗi suy đoán. Trong thời gian học tại trường mà người dưới 15 tuổi gây thiệt hại thì suy đoán là nhà trường đã không thực hiện tốt chức năng quan lý của họ.
Ngoài ra, nếu như người dưới 15 tuổi gây thiệt hại trên đường đi học về thì trách nhiệm thuộc về ai? Trong khoảng thời gian này, trường hợp không có trách nhiệm quản lý vì học sinh đã ra khỏi trường nên trách nhiệm không thuộc về họ, nhưng trong thời gian đó người gây thiệt hại cũng chưa về đến nhà, vậy cha mẹ có trách nhiệm gì trước thiệt hại mà con họ gây ra không? Khoản3 Điều 621 quy định “Nếu trường học … chứng minh được mình không có lỗi trong quản lý thì cha, mẹ, người giám hộ của người dưới 15 tuổi… phải bồi thường”. Theo cách hiểu của điều luật này thì, nếu trường học không có lỗi trong việc quản lý thì cha mẹ phải bồi thường. Từ đây có thể suy ra nếu người dưới 15 tuổi gây thiệt hại trên đường đi học về, thì trách nhiệm không thuộc về trường học mà cha mẹ của người gây thiệt hại phải bồi thường cho con họ. Mặc dù người dưới 15 tuổi chưa về đến nhà. Nhưng theo quy định của khoản 3 Điều 621 chỉ cần chứng minh được họ không có lỗi thì ngay cả khi người dưới 15 tuổi đang học ở trường mà gây thiệt hại thì cha mẹ họ cũng phải bồi thường.
- Thêm một giả thiết, giả sử người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi mà đang được giám hộ gây thiệt hại thì trách nhiệm chính thuộc về ai? Điều 606 khoản 3 BLDS quy định chung cho người chưa thành niên đang được giám hộ gây thiệt hại cho người khác mà không có sự phân biệt độ tuổi như trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà còn cha mẹ. Theo điều luật này thì trách nhiệm thuộc về người được giám hộ chỉ khác chỗ là đầu tiên họ được lấy tài sản của người gây thiệt hại để bồi thường nhưng nếu người này không có tài sản hoặc tài sản không đủ để bồi thường thì trách nhiệm lại thuộc về họ. Có gì đó không được thỏa đáng trong trường hợp bồi thường thiệt hại do người chưa thành từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây ra khi người này ở vào hai địa vị khác nhau: một là còn cha, mẹ, hai là họ đang được người khác giám hộ? Một điểm khác biệt nữa khi quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người chưa thành niên gây ra mà người gây thiệt hại còn cha, mẹ và người gây thiệt hại đang là người được giám hộ đó là: người giám hộ có thể giải trừ trách nhiệm của mình bằng cách chứng minh mình không có lỗi trong việc giám hộ, khoản 3 Điều 606 quy định rõ “nếu người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình ra để bồi thường” vậy trong trường hợp này trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai? Người được giám hộ sẽ phải tiếp tục bồi thường khi có tài sản hay không? Điều này pháp luật không có quy định cho nên phải áp dụng nguyên tắc chung là: Nếu người được giám hộ là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trách nhiệm bồi thường thuộc về người được giám hộ; Nếu người được giám hộ là người dưới 15 tuổi thì không ai phải bồi thường, vì vậy người bị thiệt hại phải chịu rủi ro. Ngược lại việc chứng mình rằng mình không có lỗi không đặt ra đối với cha, mẹ của người chưa thành niên gây thiệt hại, trong mọi trường hợp họ không thể loại trừ được trách nhiệm bồi thường của mình nếu con của họ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thiệt hại đã gây ra.
2. Một số ví dụ liên quan đến trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân trên thực tế
2.1 Ví dụ thứ nhất:
Cháu Bình học lớp 4, hàng ngày, sau giờ đi học, Bình chăn trâu giúp bố mẹ. Trên đường lùa trâu về, Bình bị bạn Tài học cùng lớp trêu nghịch, ném một hòn đá trúng con trâu nhà Bình. Con trâu lồng lên, chạy xuống phá nát một phần ruộng dưa sắp đến kỳ thu hoạch của nhà ông Bắc. Ông Bắc đã sang yêu cầu anh Nam là bố cháu Bình bồi thường thiệt hại cho ông nhưng anh Nam không đồng ý. Anh Nam cho rằng, người có lỗi và gây thiệt hại trong việc này là cháu Tài, ông Bắc gặp anh Tân (bố cháu Tài) yêu cầu bồi thường nhưng anh Tân không đồng ý. Ông Bắc không biết làm thế nào nên đã tìm đến tổ viên tổ hoà giải yêu cầu giải quyết. Vậy, tổ viên tổ hoà giải phải giải quyết như thế nào cho hợp lý?
Giải quyết:
Ruộng dưa nhà ông Bắc bị con trâu nhà anh Nam phá nát một phần là do cháu Tài ném đá vào con trâu khiến con trâu lồng lên rồi chạy xuống phá ruộng dưa nhà ông Bắc. Hai cháu Bình và Tài đều đang học lớp 4. Tình huống này có 2 vấn đề cần được xem xét như sau: trách nhiệm bồi thường thiệt hại về tài sản do súc vật gây ra; trách nhiệm bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên. Để xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Bắc, tổ viên tổ hoà giải cần căn cứ vào quy định của Bộ luật Dân sự năm 2005 về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân và quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra.
Xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại cho ông Bắc:
Theo quy định tại khoản 1 Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì chủ sở hữu súc vật phải bồi thường thiệt hại do súc vật gây ra cho người khác. Ở trường hợp này, anh Nam và cháu Bình đều không có lỗi trong việc để trâu phá nát một phần ruộng dưa nhà ông Bắc. Người có lỗi trong việc này là cháu Tài. Khoản 2 Điều 625 Bộ luật Dân sự năm 2005 quy định, trong trường hợp người thứ ba hoàn toàn có lỗi làm cho súc vật gây thiệt hại cho người khác thì người thứ ba phải bồi thường thiệt hại. Do đó, người phải bồi thường thiệt hại cho ông Bắc là cháu Tài mà không phải là gia đình anh Nam. Tuy nhiên, vì cháu Tài đang là học sinh lớp 4, là người chưa thành niên nên theo quy định tại khoản 2 Điều 606 Bộ luật Dân sự năm 2005 thì người chưa thành niên dưới mười lăm tuổi gây thiệt hại mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại.
Từ những phân tích trên cho thấy, người có trách nhiệm và nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho ông Bắc là anh chị Tân - cha, mẹ cháu Tài. Về mức bồi thường thì anh chị Tân có thể thoả thuận với ông Bắc, căn cứ vào mức độ thiệt hại của ruộng dưa.
2.2 Ví dụ thứ hai
Nam hiện đang học lớp 11 tại TPHCM. Cuối tuần trước, nhóm bạn cùng lớp Nam có tổ chức đi chơi Vũng Tàu, khi đi chơi, Nam có đem theo máy tính xách tay của mẹ là chị Dung để sử dụng. Tại Vũng Tàu, một người bạn trong nhóm tên An đã mượn máy tính xách tay để dùng trong lúc Nam và các bạn còn lại đi tắm biển. Trong khi sử dụng, bạn An đã bất cẩn làm rơi máy tính xuống đất khiến máy hư hỏng nặng không thể sử dụng được. Nam có bắt đền và yêu cầu An bồi thường nhưng An không đồng ý lấy lý do là không có tiền để trả. Chị Dung mẹ Nam bực quá có gọi điện cho mẹ cậu An yêu cầu bà bồi thường chiếc máy tính xách tay cho chị nhưng bà từ chối. Bà trả lời rằng máy tính tôi bị hư là do con trai bà làm hư chứ không phải do bà làm hư đâu mà bắt bà bồi thường.
Trong trường hợp trên chị Dung có được bồi thường chiếc máy tính xách tay không và trong trường hợp chị Dung được bồi thường thì ai phải bồi thường cho chị Dung?
Giải quyết:
Căn cứ vào Điều 606 Bộ luật Dân sự 2005 quy định về năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân và theo thông tin trên thì con trai chị Dung là cháu Nam đã học lớp 11 như vậy chúng ta có thể tính tuổi của con của chị và An cùng lớp đã lớn hơn 15 tuổi nhưng vẫn chưa đủ 18 tuổi do đó vẫn được tính là người chưa thành niên. Do vậy, căn cứ vào Khoản 2 Điều 606 BLDS 2005 đã đưa ra ở trên thì nếu An làm hư hỏng máy tính xách tay của chị Dung thì phải có trách nhiệm bồi thường bằng tài sản của An. Trong trường hợp An không có tài sản để bồi thường lại chiếc máy tính xách tay cho chị Dung thì cha mẹ của An phải bồi thường cho chị Dung
IV. GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ NĂNG LỰC TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN
Chương XXI của BLDS 2005 quy định về “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” đã được các nhà làm luật quy định một cách khá chi tiết về những vấn đề liên quan đến trách nhiệm bồ thường thiệt hại nói chung cũng như năng lực bồi thường thiệt hại nói riêng. Tuy nhiên khi đi nghiên cứu về năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngoài việc nghiên cứu các quy định tại chương XXI còn phải nghiên cứu các quy định khác của pháp luật dân sự như các quy định về năng lực hành vi dân sự của cá nhân, các quy định của pháp luật về giám hộ để đưa ra được những quyết định chính xác về trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Mặc dù pháp luật dân sự đã có những quy định về năng lực bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân nhưng một số vấn đề về năng lực bồi thường thiệt hại còn quy định chung chung và chưa rõ cho nên khi đi vào giải quyết các vụ việc cụ thể vẫn còn gây ra nhiều vướng mắc hoặc giải quyết chưa được thống nhất. Đó là trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi nếu đang được giám hộ mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại sẽ phải được giải quyết như thế nào? Sẽ áp dụng theo quy định của khoản 2 hay là khoản 3 Điều 606 của BLDS 2005; và trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự mà gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường như thế nào không thấy được quy định trong luật.
Tóm lại để đảm bảo hơn nữa quyền lợi cho những người bị thiệt hại cũng như xác định chính xác thiệt hại do ai bồi thường và trách nhiệm bồi thường như thế nào pháp luật cần có các quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề xác định năng lực bồi thường thiệt hại nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho công tác áp dụng và thực thi pháp luật.
Để có thể hoàn thiện được những quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân, theo những ý kiến của các nhà nghiên cứu luật học, cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải có những hướng dẫn cụ thể các vấn đề sau:
1. Người hạn chế năng lực hành vi dân sự khi gây ra thiệt hại thì ai sẽ là người có trách nhiệm bồi thường, là chính người đã gây ra thiệt hại hay là người đại diện trong các giao dịch liên quan đến tài sản của họ.
2. Người có hành vi xúi giục trẻ em dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại pháp luật chưa có quy định nào về vấn đề này trong việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
3. Người dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà không có người giám hộ thì cơ quan nào phải có trách nhiệm bồi thường. Vì theo quy định của pháp luật thì người dưới 15 tuổi phải có người giám hộ nhưng trên thực tế có rất nhiều trường hợp những người này vì những lý do nào đó mà không có người giám hộ.
KẾT LUẬN
Chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với tư cách là một chế định dân sự độc lập có một vai trò quan trọng trong toàn bộ hệ thống luật dân sự. Thông qua chế định này mà các nhà thực thi và áp dụng pháp luật đã có cơ sở để đảm bảo quyền lợi cho từng cá nhân trong xã hội cũng như cả cộng đồng trước nguy cơ xâm phạm của các hành vi gây thiệt hại trái pháp luật.
Việc thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nhằm khôi phục lại các quyền tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức, pháp nhân, nhà nước. Để việc tiến hành bồi thường thiệt hại được diễn ra thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho chủ thể bị thiệt hại yêu cầu cần xác định được đúng người có trách nhiệm, có khả năng để thực hiện nghĩa vụ bồi. Do vậy, xác định năng lực bồi thường thiệt hại của cá nhân là một vấn đề quan trọng trong xác định đúng năng lực bồi thường thiệt hại của người gây ra thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại để tạo ra tính khả quan cho công tác thực thi trách nhiệm bồi thường thiệt hại và đảm bảo được nguyên tắc của bồi thường thiệt hại là phải kịp thời và toàn bộ.
Trên đây là toàn bộ bài tập học kỳ môn Luật Dân sự Việt Nam 2 của em. Vì đây là một đề tài khá rộng, có thể tiếp xúc từ nhiều khía cạnh mà khuôn khổ bài tập học kỳ và kiến thức có hạn nên có thể bài làm của em không tránh khỏi những thiết sót. Em rất mong nhận được sự quan tâm, góp ý từ các thầy, các cô để bài làm được hoàn thiện hơn.
Em xin chân thành cảm ơn!
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO
1. Trường Đại Học Luật Hà Nội, TS.Lê Đình Nghị (chủ biên), Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam tập 2, NXB Giáo dục Việt Nam
2. Trường Đại học Luật Hà Nội, Giáo trình Luật Dân sự Việt Nam, tập 2, NXB CAND, Hà Nội 2009
3. Phùng Trung Tập, Cần hoàn thiện chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong dự thảo BLDS (sửa đổi), (Tạp chí nhà nước và pháp luật số 4/2005, tr 28 - 55)
4. Phùng Trung Tập, Yếu tố lỗi trong trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, (Tạp chí luật học số 5/1997, tr 23)
5. Phùng Trung Tập, Lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, (Tạp chí Tòa án nhân dân số 5/2004, số 10, tr 2 - 5)
6. Nguyễn Minh Tuấn, Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây ra, (Tạp chí luật học số 3/2002, tr 53 - 59)
7. Tưởng Duy Lượng, Pháp luật Dân sự và thực tiễn xét xử, NXB CTQG, Hà Nội 2009
8. Bộ luật Dân sự nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam 2005
Cảm ơn bạn Nguyễn Thu Hà - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!
No comments:
Post a Comment