11/06/2014
Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng - Bài tập học kỳ Dân sự 2
Mục đích của Pháp luật khởi nguồn từ chính những nhu cầu thường ngày của mỗi con người, là công cụ phục vụ, bảo vệ lợi ích mọi thành viên trong xã hội của Nhà Nước , nảy sinh từ các nhu cầu sinh hoạt và nhu cầu sản xuất cũng như các nhu cầu khác trong cuộc sống hàng ngày, Những nhu cầu ngày càng tăng đó của con người đòi hỏi phải có những phương tiện pháp lý mới nhằm điều chỉnh và ổn định xã hội . Do vậy sự ra đời của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng với tư cách là một chế định dân sự độc lập, đảm bảo quyền và lợi ích của người bị thiệt hại là một điều tất yếu. Việc thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là nhằm khôi phục lại các quyền tài sản và các quyền và lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, tổ chức, pháp nhân, nhà nước. Để việc tiến hành bồi thường thiệt hại được diễn ra thuận lợi và bảo đảm quyền lợi cho chủ thể bị thiệt hại yêu cầu cần xác định được đúng người có trách nhiệm, có khả năng để thực hiện nghĩa vụ bồi. Do vậy, xác định năng lực bồi thường thiệt hại của cá nhân là một vấn đề quan trọng trong xác định đúng năng lực bồi thường thiệt hại của người gây ra thiệt hại và người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại để tạo ra tính khả quan cho công tác thực thi trách nhiệm bồi thường thiệt hại và đảm bảo được nguyên tắc của bồi thường thiệt hại là phải kịp thời và toàn bộ.

Nhận thức được tầm quan trọng của chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng như vấn đề xác định năng lực chủ thể trong trách nhiệm bồi thường đối với sự công bằng và phát triển của xã hội, em xin chọn đề tài : “Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng – một số vấn đề lý luận và thực tiễn”  để nghiên cứu trong bài tập lớn học kỳ lần này . 

Do hạn chế về kinh nghiệm thực tế cũng như thời gian nghiên cứu , bài làm của em còn nhiều thiếu sót, mong thầy cô nhìn nhận vào yếu tố cố gắng bên cạnh yếu tố chất lượng của bài viết mà nhẹ nhàng chỉ bảo . Em xin chân thành cám ơn !

Nội dung

I. Khái quát chung về trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng

1. Khái niệm và điều kiện phát sinh trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng :

1.1. Khái niệm :

Quyền nhân thân và quyền tài sản của cá nhân, pháp nhân, chủ thể khác luôn được pháp luật bảo vệ. Hệ thống pháp luật của nhà nước CHXHCN Việt Nam bao gồm nhiều ngành luật, mỗi ngành luật có vai trò khác nhau trong việc bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể. Khi một chủ thể có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại tới các quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể được pháp luật bảo v, chủ thể gây thiệt hại có thể phải gánh chịu hậu quả pháp lý bất lợi do hành vi của mình gây ra. Dưới góc độ pháp luật dân sự, hậu quả pháp lý đó là trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi của mình gây ra cho người bị thiệt hại.

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đề cập rất sớm trong hệ thống pháp luật nước ta. Tuy nhiên, chỉ đến khi BLDS 1995 ra đời thì các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại mới được quy định một cách chi tiết. Tiếp đó, BLDS 2005, hoàn thiện hơn nữ các quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. 

Điều 604, BLDS 2005 quy định :

“ 1. Người nào do lỗi cố ý hoặc lỗi vô ý xâm phạm tính mang, sức khoẻ , danh dự, nhân phẩm, uy tín, tài sản, quyền, lợi ích hợp pháp khác của cá nhân, xâm phạm danh dự, uy tín, tài sản của pháp nhân hoặc chủ thể khác mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

2. Trong trường hợp pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường cả trong trường hợp không có lỗi thì áp dụng quy định đó.”

Như vậy, theo quy định tại điều 604, BLDS 2005 thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi người có hành vi trái pháp luật có lỗi gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ. Ngoài ra, trong những trường hợp đặc biệt nếu pháp luật quy định người gây thiệt hại phải bồi thường thiệt hại kể cả khi không có lỗi thì trách nhiệm bồi thường thiệt hại cũng phát sinh kể cả khi không có lỗi của người gây thiệt hại. Dưới góc độ khoa học pháp lý, trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp này được gọi là trách nhiệm nâng cao.

Qua đó, có thể đưa ra khái niệm về trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng như sau:

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là một loại trách nhiệm pháp lý được phát sinh dựa trên các điều kiện do pháp luật quy định khi chủ thể có hành vi gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ.

1.2. Điều kiện phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Trong Bộ luật dân sự 2005 của nước ta không có một quy định nào quy định cụ thể về các điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng. Tuy nhiên, theo Nghị Quyết của Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao số 01/2004 NQ/- HĐTP ngày 28 tháng 4 năm 2004 hướng dẫn áp dụng một số quy định của Bộ luật dân sự về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng thì có bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng: (1) có thiệt hại xảy ra, (2) hành vi gây thiệt hại là hành vi trái pháp luật, (3) có lỗi của người gây thiệt hại, (4) có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật.

1.2.1. Có thiệt hại xảy ra  

Mục đích của việc bồi thường thiệt hại là khôi phục lại, bù đắp lại những tổn thất cho người bị thiệt hại cho nên nếu không có thiệt hại thì vấn đề bồi thường sẽ không được đặt ra kể cả trong trường hợp các điều kiện khác đã đáp ứng đầy đủ. Từ đây có thể thấy thiệt hại là điều kiện tiên quyết, bắt buộc phải có của trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng để quyết định xem có phát sinh trách nhiệm bồi thường hay không.

Thiệt hại theo luật dân sự Việt Nam được hiểu là :” những tổn thất thực  tế được tính thành tiền do việc xâm phạm đến tính mạng, sức khoẻ, danh dự, uy tín, tài sản của tổ chức, cá nhân, tổn thất thực tế ở đây chính là sự giảm sút, mất mát về lợi ích vật chất, tinh thần hay những chi phí bỏ ra để ngăn chặn, hạn chế, khắc phục thiệt hại mà người bị thiệt hại phải gánh chịu”

Như vậy, thiệt hại được xác định bao gồm thiệt hại về vật chất và thiệt hại về tinh thần. Việc xác định thiệt hại về vật chất tương đối cụ thể, rõ ràng nhưng xác định thiệt hại về tinh thần là vấn đề hết sức khó khăn trong nhiều trường hợp . 

Do đó cần phải tính toán thiệt hại một cách chi tiết dưa vào các căn cứ cụ thể , tránh việc suy diễn chủ quan , đánh giá thiếu khách quan .

1.2.2. Có hành vi trái pháp luật gây thiệt hại 

Hành vi trái pháp luật gây thiệt hại để phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại được hiểu là những hành vi mà pháp luật cấm, không cho phép thực hiện. Cơ sở để xác định hành vi trái pháp luật là căn cứ vào các quy định của pháp luật trong từng trường hợp cụ thể .

Hành vi gây thiệt hại có thể được thể hiện dưới dạng hành động hoặc không hành động. Đó đều là những xử sự của con người, có ý chí và được lý trí kiểm soát, gây thiệt hại cho các lợi ích được pháp luật bảo vệ. Hành động gây thiệt hại hoặc có thể là tác động trực tiếp của chủ thể vào đối tượng gây thiệt hại hoặc có thể là tác động gián tiếp của chủ thể vào đối tượng thông qua công cụ, phương tiện gây thiệt hại. Không hành động gây thiệt hại là một hình thức của hành vi gây thiệt hại cho khách thể bằng ciệc chủ thể không làm một việc pháp luật quy định bắt buộc phải làm trong khi bản thân chủ thể có đầy đủ điều kiện để làm việc đó .

1.2.3. Có mối quan hệ nhân quả giữa thiệt hại và hành vi trái pháp luật

Trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh khi thiệt hại xảy ra là do chính kết quả trực tiếp, tất yếu của hành vi trái pháp luật. Đây chính là mối quan hệ của sự vận động nội tại, trực tiếp và về nguyên tắc nguyên nhân phải xảy ra trước kết quả trong khoảng thời gian xác định. Theo Điều 604 của BLDS thì có thể thấy hành vi “xâm phạm” đến tính mạng, tài sản, sức khoẻ…là nguyên nhân và “thiệt hại” là hậu quả của hành vi đó.

Hành vi trái pháp luật là nguyên nhân làm phát sinh thiệt hại nên hành vi đó bao giờ cũng xuất hiện trước thiệt hại. Mối quan hệ nhân quả là một vấn đề phức tạp bởi lẽ một thiệt hại xảy ra có thể là do tác động của một hoặc của nhiều hành vi trái pháp luật và một hành vi trái pháp luật cũng có thể gây ra nhiều thiệt hại. Do đó khi xem xét mối quan hệ này cần hết sức thận trọng, phải thu thập đầy đủ các tài liệu và chứng cứ, đánh giá một cách toàn diện đối với vấn đề đang giải quyết để có thể đưa ra một kết luận chính xác, xác định đúng người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

1.2.4. Có lỗi của người gây thiệt hại 

Lỗi là trạng thái tâm lý của người có hành vi gây thiệt hại, phản ánh nhận thức của người đó đối với hành vi và hậu quả của hành vi mà họ đã thực hiện. Xét về bản chất, lỗi được các ngành luật xác định khác nhau. Trong luật dân sự, lỗi được xác định là một trong bốn điều kiện làm phát sinh trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồn nói riêng và trách nhiệm dân sự nói chung. Việc áp dụng lỗi làm căn cứ để xác định trách nhiệm được BLDS 2005 quy định tại điều 308 .Theo đó, lỗi được chia thành 2 loại là lỗi cố ý và lỗi vô ý

Trong luật dân sự Việt Nam, về nguyên tắc, trách nhiệm bồi thường thiệt hại phát sinh khi người gây thiệt hại có lỗi, bất kể đó là lỗi vô ý hay cố lý .

Bên cạnh đó, trong một số trường hợp, trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng phát sinh ngay cả khi người gây thiệt hại khôn có lỗi ( khoản 3 điều 623, 624 BLDS 2005) .

Tuy nhiên việc đánh giá hình thức, mức độ lỗi trong trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng vẫn là một công đoạn quan trọng , có ý nghĩa lớn trong việc xác định trách nhiệm bồi thường của các bên(Khoản 2 điều 615) hay giảm mức bồi thường ( Khoản 2, điều 605).

2. Cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

2.1. Khái niệm cá thể hóa trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng

Khi có thiệt hại xảy ra thì bên cạnh việc xác định mức độ thiệt hại, cùng các điều kiện cấu thành trách nhiệm của người gây thiệt hại thì việc xác định rõ ai là người phải đứng ra gánh vác trách nhiệm và thực hiện việc bồi thường để đảm bảo quyền lợi cho người bị hại là một vấn đề rất quan trọng. Theo cách hiểu chung và khái quát nhất thì ai là người gây ra thiệt hại thì người đó phải bồi thường. Tuy nhiên điều kiện để trở thành một chủ thể tham gia vào một quan hệ pháp luật thì người đó phải có đầy đủ năng lực chủ thể theo quy định của pháp luật.

Do vậy, khi thiệt hại xảy ra cần phải xác định trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai. Đây là một vấn đề rất quan trọng, bởi lẽ nếu không xác định được người phải bồi thường thì quyền lợi của người bị thiệt hại không được đảm bảo.  Chính vì vậy mà vấn đề cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại được đặt ra.

Vậy, cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là việc xác định người có trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong từng trường hợp gây thiệt hại cụ thể .

2.2. Điều kiện để cá thể hóa trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng

Để trở thành chủ thể của một quan hệ pháp luật dân sự thì người tham gia cần đáp ứng điều kiện về năng lực chủ thể theo quy định của pháp luật. Quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng cũng là một quan hệ pháp luật dân sự do vậy để trở thành chủ thể của quan hệ này thì người tham gia cũng cần phải có đầy đủ những điều kiện về năng lực chủ thể của quan hệ pháp luật nói chung. Bên cạnh đó, do đặc thù riêng của quan hệ pháp luật này mà cần có thêm một số điều kiện nhất định. Cụ thể, để cá thể hóa trách nhiệm dân sự ngoài hợp đồng cho một chủ thể cần phải đáp ứng các điều kiện sau :

Độ tuổi : Theo quy định của pháp luật thì năng lực chủ thể được cấu thành bởi hai yếu tố là năng lực pháp luật và năng lực hành vi. Trong đó, năng lực hành vi dân sự của cá nhân hình thành khi đáp ứng những điều kiện nhất định đó là về độ tuổi và nhận thức. Mặt khác, năng lực hành vi dân sự lại được chia thành các mức khác nhau, phụ thuộc vào độ tuổi của cá nhân. Điều 19 BLDS quy định : “Người thành niên có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, trừ trường hợp quy định tại Điều 22 và Điều 23 của BLDS”. Như vậy người thành niên – người từ đủ 18 tuổi trở lên là người có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, được phép tham gia vào quan hệ pháp luật dân sự và tự mình gánh chịu các nghĩa vụ dân sư.

Sự tương ứng giữa việc quy định độ tuổi để xác định năng lực hành vi dân sự và căn cứ vào độ tuổi để quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng ngay trong BLDS 2005 đã cho thấy việc quy định  độ tuổi là một yếu tố quan trọng trong vấn đề cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hoàn toàn hợp lý và chính xác .

- Nhận thức

Bên cạnh độ tuổi, khả năng nhận thức cũng là một yếu tố tạo nên năng lực hành vi dân sự của chủ thể. Khi phân tích về vấn đề này ta có thể thấy giữa khả năng nhận thức và độ tuổi có mối quan hệ với nhau, cụ thể, khả năng nhận thức của con người lại phụ thuộc vào chính độ tuổi. Con người chỉ có khả năng nhận thức đầy đủ khi đạt một độ tuổi nhất định, khi chưa đạt độ tuổi này thì con người hoặc chưa có khả năng nhận thức hoặc là khả năng nhận thức còn hạn chế. Tuy nhiên, cũng có trường hợp, người không có khả năng nhận thức nhưng không phải do chưa đạt một độ tuổi nhất định mà do bị mất khả năng nhận thức của mình .

Như vậy, để tham gia vào một quan hệ xã hội nhất định thì chủ thể phải có đầy đủ ý chí cũng như lý trí để điều khiển hành vi của mình, phải nhận thức được những gì mình đang làm cũng như hậu quả của hành vi đó. Người đứng ra chịu trách nhiệm chính trong quan hệ bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng có thể chính là người gây ra thiệt hại và cũng có thể không phải là người gây ra thiệt hại. Việc thực hiện bồi thường ảnh hưởng đến chính quyền lợi của họ do vậy họ phải nhận thức được việc mình đang làm và trách nhiệm bồi thường sẽ không đặt ra với người không có khả năng nhận thức. Từ những nhận định trên, có thể nói, việc đánh giá khả năng nhận thức của chủ thể trong vấn đề cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng là hết sức cần thiết.

- Mối quan hệ pháp lý giữa người gây thiệt hại và người phải bồi thường

Mối quan hệ giữa người gây thiệt hại và người phải bồi thường được đặt ra để cá thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại là để giải quyết các tình huống người gây thiệt hại không có khả năng bồi thường. Việc xem xét mối quan hệ pháp lý giữa người gây thiệt hại và người phải bồi thường có ý nghĩa trong việc xác định đúng người  đại diện cho người gây thiệt hại để thực hiện nghĩa vụ. Họ phải thực hiện việc bồi thường dù họ không gây ra thiệt hại nhưng họ lại có lỗi trong việc quản lý người gây thiệt hại. 

II.Năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại của cá nhân do gây thiệt hại ngoài hợp đồng :

1.Năng lực bồi thường thiệt hại của người từ đủ 18 tuổi :

Người tử đủ 18 tuổi trở lên theo quy định của Bộ luật dân sự Việt Nam 2005 là người thành niên (Điều 18),có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nếu không rơi vào các trường hợp bị Tòa án tuyên là mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị tuyên là hạn chế năng lực hành vi dân sự (Điều 23). Theo những quy định này thì khi một người đủ 18 tuổi họ có đầy đủ tư cách chủ thể để bằng hành vi của mình xác lập, thực hiện quyền và nghĩa vụ dân sự, có nghĩa là họ có toàn quyền tham gia các quan hệ dân sự với tư  cách là một chủ thể độc lập và tự chịu trách nhiệm về những hành vi do mình thực hiện.

Như vậy người từ đủ 18 tuổi nếu không bị mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự thì phải tự chịu trách nhiệm bồi thường những thiệt hại mà mình gây ra cho người khác . Điều này được ghi nhận tại khoản 1 điều 606: “Người từ đủ 18 tuổi trở lên gây thiệt hại thì phải tự bồi thường”.

Xét quy định trên , ta nhận thấy người từ đủ 18 tuổi là người đã thành niên và có đủ điều kiện tham gia vào các quan hệ pháp luật do vậy, họ hoàn toàn đủ năng lực để tham gia và trở thành chủ thể của quan hệ bồi thường thiệt hại và nếu là người gây ra thiệt hại thì họ hoàn toàn có đủ năng lực để thực hiện trách nhiệm bồi thường. Ở độ tuổi này họ đã có đầy đủ năng lực tham gia vào các quan hệ lao động nên xét trên một bình diện chung nhất thì những người này đã có thu nhập và cũng có khả năng tạo ra thu nhập để thực hiện nghĩa vụ của mình. Qua đó, có thể nói việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người từ đủ 18 tuổi gây ra thuộc về chính họ là hoàn toàn hợp lý và phù hợp với các quy định hiện hành của pháp luật. 

Tuy nhiên trong thực tiễn áp dụng quy định này, vẫn tồn đọng một số vấn đề đáng lưu tâm. Cụ thể, trong vụ án dân sự sơ thẩm số 55/2008 của tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh :

Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Vào khoảng 12 giờ ngày 20/9/2006 trên đường đi học, anh Toản (1987) điều khiển xe máy dream đi ngược chiều vào đường Nguyễn Khuyến, do không làm chủ được tốc độ đã đâm vào ô tô camry của chị Đặng Thu Nga đang đỗ trên lề đường. Vụ va chạm đã làm móp mui xe, hỏng đèn tai bèo, thiệt hại mà chị Nga phải chịu là 38 triệu đồng. 

11/10/2006 Anh Toản đã mang 10 triệu đồng đến bồi thường thiệt hại và trình bày hoản cảnh khó khăn của mình. Tuy nhiên chị Nga không đồng ý và yêu cầu anh bồi thường số tiền còn thiếu. Đến tháng 8/2007, do anh Toản vẫn chưa có khản năng bồi thường số tiền còn thiếu, chị Nga đã đâm đơn kiện lên tòa, yêu cầu gia đình anh Toản phải bồi thường cho mình số tiền còn thiếu là 28 triệu đồng. 

Tại bản án dân sự sơ thẩm số 55/2008/DSST ngày 31/5/2008 của tòa án nhân dân thành phố Hồ Chí Minh, tòa quyết định:  Buộc anh Toản phải trả cho chị Nga số tiền còn thiếu là 28.000.000đ với hình thức mỗi tháng trả 500.000đ cho đến khi hết số tiền nêu trên .

Bác yêu cầu của chị Nga yêu cầu gia đình anh Toản phải trả nợ thay bởi lý do, vào thời điểm gây thiệt hại, anh Toản đã đủ 18 tuổi, có đủ năng lực để trở thành chủ thể của quan hệ bồi thường thiệt hại .

Nhận xét : Theo quy định của pháp luật ,người từ đủ 18 tuổi phải tự chịu trách nhiệm bồi thường khi gây thiệt hại dù tình trạng tài sản của họ có như thế nào đi nữa. Tuy nhiên, có một thực tế là : Tại Việt Nam hiện nay, một bộ phận lớn thanh niên đạt độ tuổi từ 18 đến 22 vẫn tiếp tục theo học tại các trung tâm giáo dục khác nhau, chịu sự bao bọc, quản lý của người thân, do đó, khả năng tài chính hay nói cách khác thu nhập của những người này vẫn phải phụ thuộc phần nhiều vào người khác. Trong nhiều trường hợp, cụ thể như trường hợp nêu trên, sau khi gây thiệt hại, họ không có đủ khả năng để thực hiện nghĩa vụ, tuy nhiên đây là trách nhiệm của họ, không thể chuyển giao cho người khác và người khác cũng không có nghĩa vụ phải thực hiện thay cho họ (trừ trường hợp người nhà của họ hoặc có người khác tự nguyện thay họ thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại). Do vậy trong trường hợp này, tòa cần phải đưa ra một giải pháp mềm mỏng hơn. Cụ thể, tòa đã buộc anh Toản phải bồi thường dần số tiền theo từng tháng, dựa trên mức thu nhập trung bình của anh. Tuy quyết định này làm ảnh hưởng đến quyền lợi của chị Nga, chưa đảm bảo được các nguyên tắc bồi thường thiệt hại, nhưng đã phần nào đảm bảo được việc thực hiện nghĩa vụ của anh Toản, cũng như thỏa mãn yêu cầu đòi bồi thường của chị Nga. 

2.Năng lực bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên

Người chưa thành niên là người chưa đủ 18 tuổi theo quy định của pháp luật thì đây là những người chưa có năng lực hành vi dân sự (người dưới 6 tuổi) hoặc chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ hay nói cách khác là chỉ có năng lực hành vi dân sự một phần (người từ đủ 6 đến dưới 18 tuổi). Trong độ tuổi này các chủ thể chưa có khả năng nhận thức hoặc chưa nhận thức một cách đầy đủ và chính xác về những việc mình đã làm cũng như chưa nhận thức được một cách sâu sắc về những thiệt hại có thể xảy ra do hành vi của mình. Do vậy, nếu những người này gây ra thiệt hại thì phải có người đứng ra đại diện cho họ để thực hiện nghĩa vụ bồi thường. 

Mặc dù cùng nằm trong nhóm tuổi người chưa thành niên nhưng việc quy định về trách nhiệm bồi thường thiệt hại do người dưới 18 tuổi gây ra lại không giống nhau trong mọi trường hợp. Trong nhóm tuổi này việc quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại có sự phân biệt giữa hai độ tuổi khác nhau là người chưa thành niên dưới 15 tuổi và người chưa thành niên từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi.

2.1. Năng lực bồi thường thiệt hại của người dưới 15 tuổi

Người chưa thành niên dưới 15 tuổi là người chưa có năng lực hành vi dân sự (dưới 6 tuổi) hoặc năng lực hành vi dân sự chưa đầy đủ (từ đủ 6 tuổi đến chưa đủ 15 tuổi). Về nguyên tắc thì những người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây ra thiệt hại và người chưa thành niên đó còn cha mẹ thì cha mẹ buộc phải bồi thường toàn bộ thiệt hại và tham gia tố tụng dân sự với tư cách là bị đơn. Trong trường hợp này thì người có trách nhiệm chính và chủ yếu phải thực hiện nghĩa vụ bồi thường chính là cha, mẹ của người đã gây ra thiệt hại bởi lẽ, theo khoản 1 điều 20 BLDS 2005 :“Người chưa thành niên từ đủ 6 đến chưa đủ 18 tuổi khi xác lập, thực hiện giao dịch dân sự phải được người đại diện theo pháp luật đồng ý, trừ trường hợp giao dịch nhằm phục vụ nhu cầu sinh hoạt hàng ngày phù hợp với lứa tuổi hoặc pháp luật có quy định khác”,Điều 21 BLDS : “người chưa đủ 6 tuổi không có năng lực hành vi dân sự. Giao dịch dân sự của người chưa đủ 6 tuổi phải do người đại diện theo pháp luật xác lập, thực hiện”.Như vậy, những người chưa thành niên dưới 15 tuổi không những không có năng lực hành vi dân sự hay chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ mà còn chưa có năng lực lao động để tham gia vào các quan hệ lao động để độc lập về kinh tế ,tạo ra thu nhập và có tài sản riêng. Do đó khoản 2 điều 606 BLDS 2005 quy định : “Người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại mà còn cha mẹ thì cha mẹ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại”. Quy định này đã thể hiện được tính hợp lý và chính xác của mình trong thực tiễn xét xử của những cơ quan tòa án có thẩm quyền :

Cụ thể, trong vụ án hình sự xét xử các bị cáo Nguyễn Tuấn Anh sinh ngày 24/4/1992; Hoàng Văn Lê sinh năm 1987; Nguyễn Thế Trung sinh năm 1982; Nguyễn Văn Việt sinh năm 1988 về tội cướp giật tài sản và tội tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có của Tòa án nhân dân thị xã Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc.

Tóm tắt nội dung vụ án như sau: Khoảng 15 giờ ngày 05/12/2006 Hoàng Văn Lê sinh năm 1987 ở Sóc Sơn - Hà Nội đi xe máy Dream BKS 99H2 - 7863 trở Nguyễn Tuấn Anh sinh ngày 24/4/1992 cùng ở Sóc Sơn - Hà Nội, còn Nguyễn Thế Trung sinh năm 1982 ở Đông Anh - Hà Nội đi xe máy WAVE BKS 12F6 - 4436 trở Nguyễn Văn Việt sinh ngày 06/6/1988 ở Sóc Sơn - Hà Nội đi từ Đông Anh đến thị xã Phúc Yên với mục đích trộm cắp xe máy. Khoảng 16 giờ 30 phút cùng ngày cả bốn tên đi trên đoạn đường 301 từ trung tâm thị xã Phúc Yên đi phường Xuân Hòa - thị xã Phúc Yên. Quan sát thấy chiếc túi xách của chị Hà để trên yên xe giữa chị Hà và anh Cương, Tuấn Anh nảy sinh ra ý định cướp giật và bảo Lê điều khiển xe máy đi chậm lại phía sau xe anh Cương . Khi đến khu vực hồ Tam Giác phường Xuân Hòa, Tuấn Anh dùng tay giật chiếc túi xách của chị Hà, trong túi xách có một chiếc điện thoại Nokia 6110, 2.300.000 đồng, một đăng ký xe máy … và một số giấy tờ tuỳ thân khác. Giật được tài sản Lê cho xe chạy với tốc độ cao vào hồ Đại Lải, còn Trung điều khiển xe máy chạy theo. Sau đó, Tuấn Anh chia cho Nguyễn Thế Trung 500.000 đồng chia cho Việt và Lê mỗi người 300.000 đồng, còn lại Tuấn Anh tiêu hết. 

Đến ngày 7/12/2006 Tuấn Anh cùng Việt đem chiếc điện thoại bán cho một cửa hàng ở Đông Anh được 1.000.000 đồng Tuấn Anh và Việt tiêu hết. Ngày 15/6/2007 Hội đồng giám định thị xã Phúc Yên đã xác định trị giá chiếc điện thoại của chị Hà  là 2.000.000 đồng .Đối với chiếc xe máy BKS 99H2 - 7863 xác định là xe máy do Lê cùng Tuấn Anh trộm cắp mà có. Còn chiếc xe máy BKS 12F6 - 4436  là do Việt trộm cắp mà có.

Tại bản án hình sự sơ thẩm 57/2007/HSST ngày 31/8/2007 của Tòa án sơ thẩm đã quyết định và tuyên bố các bị cáo Tuấn Anh và Lê phạm tội “cướp tài sản” Thế Trung và Việt phạm tội “tiêu thụ tài sản do người khác phạm tội mà có” và áp dụng các quy định của Bộ luật hình sự để quyết định hình phạt cho các bị cáo. Bên cạnh trách nhiệm hình sự mà các bị cáo phải chịu Tòa án cũng quyết định mức bồi thường thiệt hại (ở phần bồi thường này chì nhắc đến vấn đề bồi thường thiệt hại của Nguyễn Tuấn Anh vì khi phạm tội Nguyễn Tuấn Anh mới chỉ có 14 tuổi, 7 tháng, 6 ngày - đang trong độ tuổi của người chưa thành niên dưới 15 tuổi).

Hội đồng xét xử đã áp dụng khoản 1 Điều 42 của Bộ luât hình sự, điểm b khoản 2 Điều 76 của Bộ luật tố tụng hình sự, khoản 1 Điều 605 và khoản 2 Điều 606 của Bộ luật Dân sự 2005 buộc ông Nguyễn Văn Lê - bố đẻ của Nguyễn Tuấn Anh, người đại diện hợp pháp cho bị cáo Nguyễn Tuấn Anh phải bồi thường thiệt hại về tài sản cho chị Đàm Thị Thu Hà 2.200.000 đồng.

Nhận xét : Trong tình huống này, người gây thiệt hại là Tuấn Anh, tuy nhiên em mới có 14 tuổi thuộc vào độ tuổi của người chưa thành niên dưới 15 tuổi, do đó, cha mẹ của Tuấn Anh là người có trách nhiệm thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại do con mình gây ra. Cụ thể ở đây tòa đã buộc ông Nguyễn Văn Lê – bố Tuấn Anh phải bồi thường thiệt hại thay cho bị cáo. Mặc dù ông Nguyễn Văn Lê không phải là người trực tiếp gây ra thiệt hại nhưng lại có lỗi trong việc để thiệt hại xảy ra. Lỗi của ông Lê ở đây là lỗi gián tiếp, lỗi suy đoán, do ông Lê đã không làm tròn bổn phận quản lý, giáo dục con cái .

Quyết định trên của Tòa án là hợp lý, đảm bảo được quyền lợi các bên cũng như cụ thể hóa được quy định về năng lực bồi thường thiệt hại tại khoản 2 Điều 606 của Bộ luật Dân sự. 

Khi nghiên cứu về năng lực bồi thường thiệt hại của người chưa thành niên dưới 15 tuổi, ngoài việc pháp luật quy định trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về cha mẹ thì khoản 2 điều 606 BLDS 2005 cũng quy định:“nếu tài sản của cha, mẹ không đủ để bồi thường mà con chưa thành niên có tài sản riêng thì lấy tài sản đó để bồi thường phần còn thiếu”. Việc pháp luật quy định cho phép cha, mẹ có thể dùng tài sản của con chưa thành niên để bồi thường phần còn thiếu là nhằm mục đích thực hiện nguyên tắc bồi thường thiệt hại phải “toàn bộ và kịp thời” để đảm bảo quyền lợi cho người bị thiệt hại, bởi trong nhiều trường hợp người chưa thành niên tuy chưa tự làm được ra tài sản nhưng lại được thừa kế, được tặng cho tài sản. Và việc cho phép cha, mẹ của người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại được phép lấy tài sản của con họ để bù vào phần bồi còn thiếu không có nghĩa người chưa thành niên phải “liên đới” cùng cha, mẹ để bồi thường thiệt hại.

Bên cạnh đó, cũng cần lưu ý không phải trong mọi trường hợp cha, mẹ của người gây ra thiệt hại đều phải chịu trách nhiệm bồi thường . Khoản 1 điều 621 BLDS có quy định : “người dưới 15 tuổi trong thời gian học tại trường mà gây thiệt hại thì trường học phải bồi thường thiệt hại xảy ra”. ). Thời gian mà người dưới 15 tuổi học tại trường học chính là thời gian mà theo quy định của nghề nghiệp trường học phải có trách nhiệm quản lý, giáo dục người chưa thành niên dưới 15 tuổi, do vậy trong thời gian người người dưới 15 tuổi học tại trường học mà gây ra thiệt hại thì nhà trường sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường vì nhà trường đã không hoàn thành nhiệm vụ của mình trong việc quản lý và giáo dục học sinh. Tuy nhiên, nếu trường học chứng minh được mình không có lỗi trong việc quản lý và trong việc để thiệt hại xảy ra thì trường học sẽ không phải bồi thường và trong trường hợp này thì cha, mẹ hoặc người giám hộ của người chưa thành niên sẽ phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại.

2.2. Năng lực bồi thường thiệt hại của người từ đủ 15 tuổi đến dưới 18 tuổi

Cùng thuộc độ tuổi chưa thành niên, tuy nhiên khác với người dưới 15 tuổi nếu gây thiệt hại thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về cha, mẹ của họ, ngược lại, người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi sẽ phải bồi thường bằng chính tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha mẹ phải bồi thường bằng tài sản của mình”. Như vậy, trong trường hợp này, trách nhiệm bồi thường chính thuộc về bản thân người gây thiệt hại chứ không phải là cha mẹ, người thân của họ.

Sở dĩ pháp luật quy định như vây là do, dù ở trong độ tuổi chưa thành niên chưa có năng lực hành vi dân sự đầy đủ nhưng so với người dưới 15 tuổi về mặt nhận thức họ đã phát triển hơn, mặt khác, người từ đủ 15 đến dưới 18 tuổi theo quy định tại điều 145 bộ luật Lao động 1994: “đã có khả năng lao động và có thể giao kết hợp đồng lao động”. Như người thuộc độ tuổi này đã có thể phát sinh thu nhập và có tài sản riêng, nên có thể thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại của mình.

Mặc dù quy định trách nhiệm chính thuộc về người gây thiệt hại, nhưng xét về mặt năng lực hành vi dân sự đầy đủ thì họ chưa có, nên họ cần phải có người đại diện cho mình trong việc xác lập và thực hiện các giao dịch dân sự. Do vậy, cha mẹ của người gây thiệt hại vẫn không thể loại trừ hoàn toàn trách nhiệm của mình. Họ có nghĩa vụ phải bồi thường thiệt hại cho con mình khi nó gây ra thiệt hại cho người khác mà không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường. Khẳng định này được ghi nhận tại khoản 2 điều 606 BLDS : Người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây thiệt hại thì phải bồi thường bằng tài sản của mình; nếu không đủ tài sản để bồi thường thì cha, mẹ phải bồi thường phần còn thiếu bằng tài sản của mình”.Có thể nói, quy định này là khá chặt chẽ và hợp lý, phù hợp với xã hội, do đó việc áp dụng trong thực tiễn của các cơ quan xét xử chưa xảy ra vấn đề nào đáng tranh cãi .

3.Năng lực bồi thường thiệt hại của người được giám hộ

Điều 58 của BLDS 2005 quy định “ Giám hộ là việc cá nhân, tổ chức (sau đây gọi là người giám hộ) được pháp luật quy định hoặc được cử để thực hiện việc chăm sóc và bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự (sau đây gọi chung là người được giám hộ)”. Như vậy, có thể nói giám hộ là một hình thức bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho người chưa thành niên và người mất năng lực hành vi dân sự. Người giám hộ có trách nhiệm thực hiện các quyền và nghĩa vụ theo luật định để bảo vệ quyền lợi cho người được giám hộ, đồng thời họ cũng có thể phải gánh chịu những hậu quả bất lợi về tài sản trong khi thực hiện việc giám hộ của mình trong đó có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do hành vi trái pháp luật của người mà mình giám hộ gây ra cho người khác. 

3.1. Người được giám hộ là người chưa thành niên gây thiệt hại

Theo quy định tại điểm a khoản 2 điều 58 BLDS : “người chưa thành niên mà không còn cha mẹ, không xác định được cha, mẹ hoặc cha mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự, bị hạn chế năng lực hành vi dân sự, bị Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ hoặc cha, mẹ không đủ điều kiện chăm sóc, giáo dục người chưa thành niên đó và nếu cha, mẹ có yêu cầu” thì cần có người giám hộ. Như vậy, với người chưa thành niên vẫn còn cha mẹ không bị mất hay hạn chế năng lực hành vi dân sự thì không thuộc phạm vi ảnh hưởng của điều luật nêu trên .

Trong các trường hợp còn lại, trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại sẽ thuộc về người giám hộ đương nhiên của họ. Cụ thể, trước hết là trách nhiệm của anh cả hoặc chị cả đã thành niên đủ điều kiện để làm người giám hộ. Nếu anh cả, chị cả không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì người tiếp theo đã thành niên phải làm người giám hộ. Trong trường hợp không có anh, chị hoặc anh, chị không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì ông, bà nội, ông, bà ngoại là người giám hộ. Nếu những người nêu trên không có hoặc không đủ điều kiện để làm người giám hộ thì bác, chú, cậu, cô, dì là người giám hộ. Trong trường hợp không có người làm giám hộ đương nhiên thì sẽ phải cử giám hộ. 

Về  tài sản bồi thường, khoản 3 điều 606 ghi nhận : “… người giám hộ được dùng tài sản của người được giám hộ để bồi thường; nếu người được giám hộ không có tài sản hoặc không đủ tài sản để bồi thường thì người giám hộ phải bồi thường bằng tài sản của mình; nều người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì không phải lấy tài sản của mình để bồi thường.” Như vậy, trong trường hợp này, người phải chịu trách nhiệm bồi thường chính là người gây thiệt hại chứ không phải người giám hộ. Bên cạnh đó, người giám hộ cũng có thể miễn trừ trách nhiệm bồi thường của mình nếu chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ. Quy định này tưởng chừng như hợp lý nhưng trong áp dụng thực tiễn, vẫn còn nổi lên một số bất cập. Cụ thể, trong trường hợp, người chưa thành niên không có hoặc không có đủ tài sản để bồi thường và người giám hộ chứng minh được mình không có lỗi trong việc giám hộ thì trách nhiệm bồi thường sẽ thuộc về ai ? Ai sẽ phải tiếp tục bồi thường khi có tài sản ? Trong thực tế, khi gặp tình huống này, các thẩm phán thường dựa vào nguyên tắc tương tự đối với người thành niên còn cha mẹ để xét xử, cụ thể : Nếu người được giám hộ là người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi thì trách nhiệm bồi thường thuộc về người được giám hộ, nếu người được giám hộ là người dưới 15 tuổi thì không ai phải bồi thường và người thiệt hại phải chịu rủi ro.

3.2. Trường hợp người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại cho người khác

Theo quy định của pháp luật: “Khi một người do bị bệnh tâm thần hoặc mắc bệnh khác mà không thể nhận thức, làm chủ được hành vi của mình thì theo yêu cầu của người có quyền, lợi ích liên quan, tòa án ra quyết định tuyên bố mất năng lực hành vi dân sự trên cơ sở kết luận của tổ chức giám định” (Điều 22 BLDS 2005). Căn cứ vào điểm b khoản 2 và khoản 3 Điều 58 của Bộ luật Dân sự thì người mất năng lực hành vi dân sự là người cần phải có người giám hộ, người giám hộ sẽ là người đại diện cho họ trong các giao dịch dân sự. Người mất năng lực hành vi dân sự có thể là bất kỳ ai và ở bất kỳ độ tuổi nào, do vậy mà tuỳ từng trường hợp khác nhau mà việc quy định bồi thường thiệt hại do người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự gây ra cũng khác nhau :

Nếu người mất năng lực hành vi dân sự là người chưa thành niên mà còn cha, mẹ thì cha, mẹ chính là người giám hộ của người mất năng lực hành vi dân sự, có trách nhiệm quản lý người mất năng lực hành vi dân sự. Trong trường hợp, nếu người mất năng lực hành vi dân sự mà để những người này gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì vấn đề trách nhiệm bồi thường được tiến hành như trong trường hợp người chưa thành niên gây thiệt hại mà con cha, mẹ.

Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự đã có vợ (hoặc có chồng) thì người vợ (hoặc chồng) có đủ điều kiện sẽ phải làm người giám hộ (khoản 1 Điều 62 BLDS 2005). Ở trong trường hợp này, người giám hộ được lấy tài sản của người được giám hộ để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại. Nếu như tài sản  của người được giám hộ không đủ để bồi thường thì phải phân định tài sản chung của vợ chồng sau đó mới xác định trách nhiệm bồi thường. Sau khi phân tài sản chung rồi mà tải sản của người được giám hộ vẫn không đủ để bồi thường thì người giám hộ mới phải lấy tài sản của mình để thực hiện nghĩa vụ bồi thường phần còn thiếu.

Trường hợp cả cha và mẹ đều mất năng lực hành vi dân sự thì người con cả phải là người giám hộ nếu người con cả không đủ điều kiện để là giám hộ thì người con tiếp theo có đủ điều kiện là người giám hộ. Nếu cha, mẹ mà gây thiệt hại cho người khác thì người con đang giám hộ cha, mẹ sẽ lấy chính tài sản của cha, mẹ để thực hiện nghĩa vụ bồi thường thiệt hại cho người bị tổn thất. Sau khi lấy tài sản của cha, mẹ để bồi thường mà còn thiếu thì người con với tư cách là người giám hộ sẽ phải lấy tài sản của mình để thực hiện nốt nghĩa vụ bồi thường.

Trường hợp người mất năng lực hành vi dân sự là người đã thành niên và đã có vợ, chồng, con nhưng vợ, chồng, con đều không đủ điều kiện làm người giám hộ thì cha, mẹ có đủ điều kiện phải làm người giám hộ cho họ. Nếu họ gây thiệt hại về tài sản cho người khác thì cha, mẹ sẽ lấy tài sản riêng của người được giám hộ để thực hiện trách nhiệm bồi thường thiệt hại và nếu tài sản đó không đủ để bồi thường thì người giám hộ mới phải lấy tài sản của mình để bồi thường. 

Cuối cùng, người mất năng lực hành vi dân sự nếu gây thiệt hại cho người khác trong thời gian bệnh viện hay tổ chức khác quản lý thì tổ chức, bệnh viện phải có trách nhiệm bồi thường thiệt hại mà không phải là người giám hộ (Điều 621 khoản 2 BLDS 2005). Bệnh viện và tổ chức có trách nhiệm phải bồi thường vì họ đã không thực hiện tốt chức năng quản lý của mình đã để người mất năng lực hành vi dân sự do mình đang quản lý gây thiệt hại .

Trong trường hợp, người bị mất năng lực hành vi dân sự không có người giám hộ đương nhiên thì sẽ phải cử giám hộ và trách nhiệm của họ trong việc người được giám hộ gây thiệt hại sẽ áp dụng tương tự như các trường hợp trên .

Tương tự như đối với trường hợp người được giám hộ là người chưa thành niên, trong trường hợp người được giám hộ là người mất năng lực hành vi dân sự, một câu hỏi được đặt ra là : Nếu người được giám hộ không có tài sản riêng để bồi thường và người giám hộ chứng minh được họ không có lỗi thì trách nhiệm thuộc về ai ? Mặc dù pháp luật không quy định nhưng trong thực tế khi gặp tình huống này, các cơ quan xét xử thường coi thiệt hại là rủi ro và người bị thiệt hại phải gánh chịu .

III .GIẢI PHÁP HOÀN THIỆN QUY ĐỊNH CỦA PHÁP LUẬT VỀ TRÁCH NHIỆM BỒI THƯỜNG THIỆT HẠI NGOÀI HỢP ĐỒNG CỦA CÁ NHÂN 

Các quy định về “trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng” cơ bản đã được các nhà làm luật quy định một cách khá rõ ràng và chi tiết. Tuy nhiên, song song với việc phát triển không ngừng của xã hỗi, các quy định này khó tránh khỏi việc bộc lộ các hạn chế thiếu sót khi áp dụng trong thực tiễn . 

Trong nhiều trường hợp, việc xác định mức độ lỗi, trách nhiệm bồi thường thiệt hại thuộc về ai đang là một vấn đề tương đối khó khăn. Cụ thể, khi người chưa thành niên dưới 15 tuổi gây thiệt hại trong thời gian học tại trường hay khi người được giám hộ gây thiệt hại, thì việc nhà trường, người giám hộ chứng minh không có lỗi để giải trừ trách nhiệm bồi thường là rất khó khăn, bởi thông thường lỗi trong các trường hợp này là lỗi suy đoán. Do đó, việc đánh giá xét xử của cơ quan tòa án trong các trường hợp này cũng là không dễ dàng chút nào, khó tránh khỏi các ý kiến, quan điểm trái chiều, gây ra tranh cãi.

Bên cạnh đó, một số vấn đề về năng lực bồi thường thiệt hại còn quy định chung chung , chưa rõ ràng nên khi giải quyết các vụ việc cụ thể vẫn còn gây ra nhiều vướng mắc . Điển hình như vấn đề trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người từ đủ 15 tuổi đến 18 tuổi đang được giám hộ gây thiệt hại. Mặc dù trong thực tiễn xét xử, các cơ quan tòa án thường áp dụng nguyên tắc tương tự đối với trường hợp người từ đủ 15 đến 18 tuổi còn cha mẹ như em đã trình bày ở trên. Điều này là hợp lý và phù hợp với các chừng mực xã hội, tuy nhiên, ở khía cạnh pháp lý, các quyết định này khó tránh khỏi những ý kiến phản đối do chưa có đầy đủ căn cứ pháp luật . 

Ngoài ra, cũng cần nói thêm về vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự gây thiệt hại. Mặc dù đây là tình huống dễ dàng bắt gặp trong thực tế nhưng vẫn chưa được nhắc tới trong các quy định pháp luật.

Bắt nguồn tư những hạn chế, thiếu sót đó, theo quan điểm cá nhân của em, các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cần phải có các quy định cụ thể hơn nữa về vấn đề xác định năng lực bồi thường thiệt hại nhằm tạo thuận lợi hơn nữa cho công tác áp dụng và thực thi pháp luật. Cụ thể :

1 . Việc quan trọng và cần thiết nhất đó là bổ sung thêm các quy định về vấn đề xác định trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người bị hạn chế năng lưc hành vi dân sự gây thiệt hại. Mặc dù hình thức và nội dung của quy định ra sao thuộc về trách nhiệm của các nhà làm luật, tuy nhiên em vẫn xin đưa ra quan điểm cá nhân của mình như một ý kiến đóng góp mang tính tham khảo : Hạn chế năng lực hành vi dân sự được hiểu là người do nghiện ma túy, nghiện các chất kích thích khác mà dẫn đến không có đủ khả năng nhận thức và điều khiển hành vi (điều 23 BLDS). Như vậy, có thể hiểu người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự là một người đã thành niên và có đầy đủ năng lực hành vi dân sự nhưng vì rơi vào trường hợp nêu trên nên bị hạn chế một phần năng lực hành vi dân sự của mình.

Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 của BLDS 2005 thì người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự cũng cần có người đại diện theo pháp luật và các giao dịch dân sự liên quan đến tài sản của người này phải được người đại diện theo pháp luật thông qua. Tuy nhiên, xét về bản chất, việc hạn chế năng lực hành vi dân sự dẫn đến gây thiệt hại đều có ý chí chủ thể, hay nói cách khác, đều do tự bản thân họ gây ra. Bởi vậy khi những người này gây thiệt hại thì phải tự lấy tài sản của mình để bồi thường, kể cả trong trường hợp không đủ tài sản để bồi thường thì người đại diện theo pháp luật cũng không có nghĩa vụ phải lấy tài sản của mình để bồi thường thay .

2. Các cơ quan nhà nước có thẩm quyền cũng cần ban hành các văn bản hướng dẫn thi hành chi tiết cách xác định trách nhiệm bồi thường thiệt hại trong trường hợp có lỗi trong quản lý. 

3. Cuối cùng, dù cho chỉ là 1 chi tiết nhỏ, tuy nhiên, các nhà làm luật cũng nên bổ sung ,quy định chi tiết hơn về vấn đề trách nhiệm bồi thường trong trường hợp người chưa thành niên, đang được giám hộ gây thiệt hại. Qua đó xác định rõ trách nhiệm của mỗi bên khi người được giám hộ gây thiệt hại mà không có lỗi của người giám hộ, tránh việc quyết định bất công cho người bị thiệt hại.

IV. Kết luận:

Khi xã hội ngày càng phát triển hiện đại thì song song đó nhu cầu phải hoàn thiện bổ sung những quy định của pháp luật nhằm đáp ứng tối ưu nhất đòi hỏi của xã hội cũng cần không ngừng được cải thiện, nâng cao. Hiện nay, xét riêng trong những quy định của pháp luật liên quan tới vấn đề năng lực chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng của cá nhân thì còn nhiều kẽ hở. Tuy nhiên so với các bộ luật trước thì BLDS 2005 đã có những bước cải thiện đáng kể, do vậy chúng ta hoàn toàn có thể tin tưởng trong tương lai , những quy định đó sẽ ngày càng hoàn thiện, phù hợp với sự phát triển của xã hội .

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1.Bộ luật Dân sự Việt Nam 2005
2.Trường Đại học luật Hà Nội, Giáo trình luật dân sự Việt Nam (Tập 2), Nxb CAND, Hà Nội, 2007.
3.Nguyễn Văn Cương – Chu Thị Hoa, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng (Tạp chí nghiên cứu lập pháp số 4/2005, tr 61-66).
4.Phùng Trung Tập, Bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng về tài sản, sức khỏe và tính mạng, Nxb Hà Nội, 2009.
5.Phùng Trung Tập, Cần hoàn thiện chế định bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng trong dự thảo BLDS (sửa đổi), (Tạp chí nhà nước và pháp luật số 4/2005, tr 28 - 55).
6.Phùng Trung Tập, Yếu tố lỗi trong trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, (Tạp chí luật học số 5/1997, tr 23).
7.Phùng Trung Tập, Lỗi và trách nhiệm bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng, (Tạp chí Tòa án nhân dân số 5/2004, số 10, tr 2 - 5).
8.Nguyễn Minh Tuấn, Trách nhiệm liên đới bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng do người từ đủ 15 tuổi đến chưa đủ 18 tuổi gây ra, (Tạp chí luật học số 3/2002, tr 53 - 59). 
9.Lê Đình Nghị, Giáo trình luật dân sự tập 2 ,Nhà xuất bản giáo dục Việt Nam 
10. http://Ledinhnghi.net
11. http://thongtinphapluatdansu.wordpress.com
12. Nghị quyết số 03/2006/NQ – HĐTP ngày 08 tháng 07 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 2005 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng
13.Nghị quyết số 01/2004/NQ – HĐTP ngày 28 tháng 04 của Hội đồng Thẩm phán Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn áp dụng một số quy định của BLDS 1995 về bồi thường thiệt hại ngoài hợp đồng

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Thu Ngân - ĐH Luật HN đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment