Hiện nay tranh chấp về di sản thừa kề phát sinh ngày càng nhiều, một trong các vấn đề chú ý để bảo vệ quyền lợi của mình trong tranh chấp là thời hiệu khởi kiện.Việc xác định thời hiệu khởi kiện về vấn đề tranh chấp di sản thừa kế tưởng chừng như rất dễ xác định, nhưng hiện nay vẫn có nhiều người bị nhầm lẫn.
Theo khoản 1 Điều 645, Bộ luật dân sự 2005, thời hiệu khởi kiện về thừa kế:
“Thời hiệu khởi kiện để người thừa kế yêu cầu chia di sản, xác nhận quyền thừa kế của mình, hoặc bác bỏ quyền thừa kế của người khác là 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế”
Hết thời hạn này, người được thừa kế không có quyền khởi kiện nữa (Theo Khoản 1, Điều 159,Luật sửa đổi bổ sung một số điều Bộ luật Tố tụng Dân sự 2011). Song, thời gian 10 năm này không phải lúc nào cũng được tính liên tục.Tại Điều 161, Bộ luật dân sự 2005, quy định các khoản thời gian không tính vào thời hiệu khởi kiện vụ án dân sự, tức là khoảng thời gian xảy ra các sự kiện sau đây:
- “Sự kiện bất khả kháng hoặc trở ngại khách quan làm cho chủ thể có quyền khởi kiện, quyền yêu cầu không thể khởi kiện, yêu cầu trong phạm vi thời hiệu.”
Sự kiện bất khả kháng là sự kiện xảy ra một cách khách quan không thể lường trước được và không thể khắc phục được mặc dù đã áp dụng mọi biện pháp cần thiết trong khả năng cho phép, ví dụ như thiên tai, bệnh dịch, chiến tranh...
Trở ngại khách quan là những trở ngại do hoàn cảnh khách quan tác động làm cho người có quyền, nghĩa vụ dân sự không thể biết về việc quyền, lợi ích hợp pháp của mình bị xâm phạm hoặc không thể thực hiện được quyền hoặc nghĩa vụ dân sự của mình, ví dụ như tai nạn, ốm đau đến mức mất đi khả năng nhận thức...
- Chưa tìm được người đại diện, chưa có người đại diện khác thay thế hoặc vì lý do chính đáng khác mà không thể tiếp tục đại diện đượctrong trường hợp người có quyền khởi kiện, người có quyền yêu cầu là người chưa thành niên, mất năng lực hành vi dân sự hoặc bị hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Vậy, để xác định được thời hiệu, trước hết phải biết được khi nào là thời điểm mở thừa kế. Thời điểm mở thừa kế ở đây chính là thời điểm mà người để lại di sản qua đời, hoặc ngày mà Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tuyên bố người để lại di sản đã chết (Theo Khoản 1, Điều 633, Bộ luật dân sự 2005). Như vậy, chỉ được khởi kiện về thừa kế từ ngày mở thừa kế, bởi vì pháp luật chỉ công nhận quan hệ thừa kế bắt đầu từ lúc này. Bên cạnh đó, cần lưu ý một điều là khi yêu cầu Tòa án giải quyết các vấn đề liên quan đến thừa kế, cần phải xuất trình các giấy tờ chứng minh rằng người có tài sản này đã chết, như giấy chứng tử, quyết định của Toà án tuyên bố một người là đã chết...
Như đã nói ở trên, quyền khởi kiện về tranh chấp di sản thừa kế chỉ tồn tại trong 10 năm, kể từ ngày mở thừa kế, nhưng không phải trong mọi trường hợp đều áp dụng quy định trên. Tại Mục 2.4, Nghị quyết số 02/2004/NQ-HĐTP ngày 10/08/2004 của Hội đồng thẩm phán TANDTC hướng dẫn áp dụng pháp luật trong việc giải quyết các vụ án dân sự, hôn nhân và gia đình có quy định về hai trường hợp không tính thời hiệu khởi kiện về quyền thừa kế, đó là:
- Trường hợp có tài sản chung, tức là trong thời hạn 10 năm, kể từ thời điểm mở thừa kế mà những người được thừa kế không có tranh chấp về quyền thừa kế và có văn bản cùng xác nhận là đồng thừa kế; Hoặc sau khi kết thúc thời hạn 10 năm mà các đồng thừa kế không có tranh chấp về hàng thừa kế và đều thừa nhận di sản do người chết để lại chưa chia thì di sản đó chuyển thành tài sản chung của các thừa kế. Nếu có tranh chấp, hoặc có yêu cầu về việc chia thừa kế, Tòa án sẽ giải quyết như sau:
Nếu người chết có để lại di chúc, mà các đồng thừa kế không có tranh chấp gì về bản di chúc này, đồng thời cùng thoả thuận với nhau về việc tài sản sẽ được chia theo di chúc khi những người thừa kế có nhu cầu, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo di chúc, bất cứ lúc nào có yêu cầu từ phía người thừa kế.
Nếu không có di chúc, mà các đồng thừa kế tự thảo thuận với nhau về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì việc chia tài sản chung đó được thực hiện theo thoả thuận của họ, bất cứ lúc nào có yêu cầu từ phía người thừa kế.
Nếu không có di chúc và cũng không có thoả thuận giữa những người thừa kế về phần mỗi người được hưởng khi có nhu cầu chia tài sản, thì khi một trong những người thừa kế có yêu cầu về việc chia khối tài sản chung đó, việc chia này sẽ được thực hiện theo quy định của pháp luật về chia tài sản chung.
Trường hợp người chết có để lại di sản thừa kế, nhưng di sản đó không nằm trong sự quản lý của những người thừa kế, mà đang do một người khác chiếm hữu bất hợp pháp, hay đang thuê, mượn, quản lý tài sản theo ủy quyền của người để lại di sản..., mà không đồng ý trả lại khi có yêu cầu của những người thừa kế thì những người thừa kế có quyền khởi kiện đòi lại số tài sản đó. Bởi vì, thực tế sẽ có những người vì một số lý do khách quan, họ không thể biết được người chết có để lại tài sản hoặc vẫn còn tài sản chưa được chia, nên việc tính thời hiệu sẽ không áp dụng ở đây.
Việc xác định thời hiệu khởi kiện là rất quan trọng, bởi khi hết thời hiệu này, quyền khởi kiện của người thừa kế sẽ không còn tồn tại, điều đó đồng nghĩa với việc quyền và lợi ích hợp pháp củangười thừa kế sẽ không còn được bảo vệ. Chính vì thế, việc hiểu và nắm rõ nguyên tắc xác định thời hiệu là vô cùng cần thiết để tránh những tranh chấp và rủi ro không đáng có.
No comments:
Post a Comment