21/05/2014
Nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam có ý nghĩa gì trong việc lý giải các khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết lý sống của người Việt Nam - Bài tập học kỳ Đại cương văn hóa Việt Nam - 9 điểm
MỞ ĐẦU

Văn hóa là một trong bốn lĩnh vực rộng lớn có quan hệ mật thiết với kinh tế, chính trị và xã hội; có vai trò là nền tảng tinh thần của xã hội, vừa là mục tiêu vừa là động lực thúc đẩy sự phát triển kinh tế - xã hội. Vì vậy, văn hóa là đối tượng được nhiều bộ môn khoa học nghiên cứu trong đó có bộ môn khoa học tương đối mới là “văn hóa học”. Việc nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam có ý nghĩa rất quan trọng giúp trang bị năng lực phản tư văn hóa, có tác dụng lớn trong giáo dục và bồi dưỡng nhân cách con người; đặc biệt quan trọng nghiên cứu đã giúp lý giải khuynh hướng lựa chọn,  cách ứng xử, cách hành động, triết lý sống của con người Việt Nam. Để hiểu thêm ý nghĩa quan trọng trên em xin lựa chọn đề 20: “Nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam có ý nghĩa gì trong việc lý giải các khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết lý sống của người Việt Nam. Liên hệ đời sống văn hóa sinh viên luật hiện nay”.

NỘI DUNG

I. Cơ sở lí luận

Văn hóa học là bộ môn khoa học tương đối mới, một văn hóa tích hợp, vừa nghiên cứu văn hóa nói chung, vừa nghiên cứu các hiện tượng văn hóa riêng biệt và nghiên cứu văn hóa như một chỉnh thể tự biến đổi và phát triển. Mục đích của Văn hóa học là phát hiện và phân tích quy luật của những biến đổi văn hóa xã hội.


Có nhiều định nghĩa khác nhau về văn hóa, gần đây UNESCO cũng đưa ra một định nghĩa chính thức như sau: "Văn hóa phản ánh và thể hiện một cách tổng quát sống động mọi mặt của cuộc sống diễn ra trong quá khứ, cũng như đang diễn ra trong hiện tại, qua bao thế kỷ, nó đã cấu thành nên một hệ thống giá trị truyền thống thẩm mỹ và lối sống mà dựa trên đó từng dân tộc tự khẳng định bản sắc riêng của mình".


Có thể có nhiều cách tiếp cận khác nhau về văn hóa song nhìn chung với tư cách là một chỉnh thể, văn hóa có những đặc trưng cố hữu sau:

Thứ nhất, văn hóa là cái phân biệt con người với động vật. Văn hóa là đặc trưng riêng của xã hội loài người.

Thứ hai, văn hóa không được kế thừa về mặt sinh học mà qua học tập, giao tiếp.

Thứ ba, văn hóa là cách ứng xử đã được mẫu thức hóa.

II. Ý nghĩa của việc nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam trong việc lý giải các khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết lý sống của người Việt.

1. Khái quát về tình hình nghiên cứa văn hóa học và văn hóa Việt Nam.

Ở nước ta việc nghiên cứu và giảng dạy văn hóa học với tư cách một môn khoa học, mới chỉ bắt đầu. Cách đây hơn 60 năm, Đào Duy Anh đã  đặt viên gạch đầu tiên cho văn hóa học, khi cuốn "Việt Nam văn hóa sử cương" của ông được Quan Hải Tùng Thư ấn hành (năm 1938).

Cùng thời với Đào Duy Anh có tiễn sĩ Nguyễn Văn Huyên - người đã đi đầu trong việc khai phá xã hội học văn hóa và nhân học văn hóa ở Việt Nam. Rất tiếc rằng, những hướng nghiên cứu về văn hóa mà các ông mở ra đã không được tiếp tục trong một thời gian dài.

Gần đây có các công trình nghiên cứu của Phan Ngọc về "Văn hóa Việt Nam. Cách tiếp cận mới" (1994) và " Bản sắc văn hóa Việt Nam" (1998). Năm 1993 Trung tâm khoa học xã hội và Nhân văn Quốc gia đã cho xuất bản hai công trình tập thể về "Văn hóa và phát triển" nhân thập kỷ quốc tế về văn hóa. Gần đây nhất là công trình " Văn hóa Việt Nam: Những vấn đề lý luận và thực tiễn". Một số công trình về "Văn hóa học" và " Xã hội học văn hóa" của Đoàn Văn Chúc, "Cơ sở văn hóa" của Trần Ngọc Thêm cũng được xuất bản. Những xuất bản phẩm đó đã đáp ứng được phần nào nhu cầu và giảng dạy văn hóa Việt Nam trong tình hình hiện nay. Tuy nhiên trên thực tế có ít tài liệu lưu hành trong nước đề cập một cách có hệ thống các khái niệm và phương pháp của văn hóa học; nhiều ấn phẩm viết về văn hóa Việt Nam hiện nay vẫn mang tính dàn trải và nặng nề chất liệu lịch sử. Bởi vậy việc ứng dụng hệ thống và phương pháp của văn hóa Việt Nam đang là nhu cầu cấp bách hiện nay đối với giới nghiên cứu văn hóa trong nước. Chỉ trên cơ sở vận dụng văn hóa học vào văn hóa Việt Nam, mới có thể tạo dựng được nền móng của bộ môn Đại cương văn hóa Việt Nam.

2. Ý nghĩa của việc nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam trong việc lý giải các khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết lý sống của người Việt.

Nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam không chỉ trang bị năng lực phản tư văn hóa, giáo dục, bồi dưỡng nhân cách con người mà còn giúp lý giải các khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết lý sống của con người Việt Nam. 

a. Việc nghiên cứu đã cung cấp những kiến thức cần thiết giúp chúng ta hiểu biết về các nền văn hóa thế giới và văn hóa dân tộc, từ đó có cái nhìn đối sánh, giúp lý giải từ giác độ văn hóa, vì sao lại có sự khác biệt trong cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề, cách lựa chọn triết lý sống của những cộng đồng khi đứng trước những tình huống (được giả định) là giống nhau.

Ví dụ như từ sự hiểu biết sâu sắc về bản chất văn hóa phương Đông và văn hóa phương Tây giúp chúng ta có cái nhìn đối sánh và lý giải vì sao có sự khác nhau trong cách ứng xử, cách giải quyết vấn đề cách lựa chọn triết lý sống của phương Đông và phương Tây lại có sự khác nhau.

Sự khác nhau bắt đầu từ quan niệm con người. châu Âu chịu ảnh hưởng của Cơ đốc giáo coi con người là sản phẩm hoàn chỉnh nhất của Chúa, còn tự nhiên thì man rợ, con người phải sắp xếp lại. Do đó, châu Âu coi con người là trung tâm. Còn phương Đông gắn con người với tự nhiên, coi con người là một thành viên của vũ trụ. Về tự nhiên, Phương Đông sống hài hòa với thiên nhiên, kém phát triển khoa học kỹ thuật còn phương Tây thích nghi phát triển khoa học kỹ thuật, mất cân bằng môi trường. Về xã hội, phương Đông tính cộng đồng, tập thể cao, kém giải phóng cá nhân còn phương Tây cộng đồng lỏng lẻo, nhưng lại giải phóng cá nhân. Về tư duy, phương Đông tư duy biện chứng, kém phân tích, ít khoa học ngược lại phương Tây tư duy khoa học duy lý, phân tích theo lối tư duy cơ giới. Về lối sống, phương Đông coi trọng đời sống tinh thần ít thực dụng, nghèo; còn phương Tây  coi trọng kinh tế, giàu có và ít quan tâm đến đời sống tinh thần. 

Việc nghiên cứu đã chỉ ra rằng trong ứng xử với tự nhiên và xã hội, con người dù phương Đông hay phương Tây đều có ứng xử hai mặt cân bằng, nhưng tùy theo sự lựa chọn nghiêng về một phía nào đó mà mỗi nền văn hóa khác nhau có những mặt mạnh và mặt yếu riêng, rất đa dạng, phong phú. Giữa hai nền văn hóa có một sự tương ứng theo trật tự: cái gì phương Tây mạnh thì phương Đông yếu, ngược lại cái gì phương Đông mạnh thì phương Tây yếu. Do vậy trong quá trình hội nhập hai nền văn hóa phải bổ sung cho nhau, chứ không loại trừ nhau hay thay thế lẫn nhau. Vì vậy cần có sự hội nhập Đông - Tây và phải được tiến hành theo phương châm: mỗi bên đều phải giữ cái bản thể của mình và trên cơ sở đó mà tiếp nhận cái mới, cái tinh hoa của người khác với mục đích làm tăng thêm sức sống chứ không để mất đi bản sắc của mình.

Theo GS.TS Lê Văn Quán (2007), văn hóa truyền thống Việt Nam mang những đặc điểm cơ bản của văn hóa truyền thống phương Đông. Cội nguồn văn hóa là nền văn hóa gốc nông nghiệp. Việt Nam là một quốc gia có truyền thống văn hóa lâu đời. Việt Nam là xứ nóng (nhiều mưa), đồng bằng (ẩm thấp), có lối sống chủ yếu là trồng trọt, định cư, trọng tĩnh, hướng nội, khép kín; tư duy nhận thức là tổng hợp, biện chứng (trọng quan hệ), chủ quan, duy linh. Người Việt Nam ứng xử với môi trường tự nhiên theo cách thuận theo tự nhiên, hòa hợp với tự nhiên. Về xã hội, người Việt Nam  nặng về cộng đồng, đề cao nghĩa vụ, trách nhiệm mềm dẻo, hiếu hòa, trọng tình, trọng đức, trọng phụ nữ. Tổ chức cộng đồng Việt Nam thì linh hoạt, trọng tập thể, ý thức cộng đồng cao. Người Việt Nam sống khiêm tốn và nhường nhịn. Cái lý cao nhất của văn hóa cộng đồng hay văn hóa làng là lấy tiêu chí đoàn kết, thống nhất, tinh thần đùm bọc, “thương người như thể thương thân”. Lối suy nghĩ của người Việt Nam phần lớn chịu ảnh hưởng của phương thức sản xuất nông nghiệp. Nét văn hóa cộng đồng - huyết thống, vùng miền, văn hóa làng đã tạo nên ý thức cộng đồng cao, trọng tập thể, cái tôi cá nhân ít được chú trọng. Trong quá trình phát triển, văn hóa Việt Nam đã có sự giao thoa, tiếp biến với những nền văn hóa bên ngoài Văn hóa Việt Nam đã tiếp thu những giá trị tiến bộ từ bên ngoài, đồng thời vẫn giữ gìn và phát huy được bản sắc văn hóa của mình.

Về cách ứng xử: Việc nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam chỉ ra rằng văn hóa làm nền và định hướng cho cách ứng xử của con người Việt Nam hướng tới cái đúng, cái tốt, cái đẹp trong quan hệ với người khác, với xã hội, với tự nhiên và với chính bản thân. Văn hóa làm cho con người biết cách ứng xử phù hợp với đạo lý truyền thống hướng tới một cộng đồng ngày một đổi mới, tiến bộ và văn minh hơn.

Về tiềm năng sáng tạo và mối quan hệ với môi trường tự nhiên: Văn hóa còn khơi dậy tiềm năng sáng tạo vô tận của nguồn lực con người. Tiềm năng sáng tạo này nằm trong văn hóa, nghĩa là trong sự hiểu biết, trong tâm hồn, đạo lý sống, thẩm mỹ và hành vi của mỗi cá nhân và cả cộng đồng dân tộc. Từ đó con người biết khai thác tài nguyên thiên nhiên của đất nước, đồng thời biết tiếp thu và vận dụng có hiệu quả các nguồn lực từ bên ngoài phục vụ cho sự phát triển. Từ những kiến thức của văn hóa con người biết tránh lối sống vị kỷ, biết phê phán những ham muốn quá mức của “xã hội tiêu thụ” dẫn đến làm cạn kiệt nguồn tài nguyên, ô nhiễm môi trường sinh thái, đe dọa của bản thân nền văn minh nhân loại. Từ đó con người biết sử dụng hợp lý nguồn tài nguyên thiên nhiên tái sinh, đồng thời xây dựng lối sống chừng mực hơn, tạo nên sự cân bằng giữa ước muốn của con người với tài sản sinh thái của hành tinh chúng ta. Tính nhân văn và nền tảng đạo đức phải trở thành yếu tố xuyên suốt trong bảo vệ môi trường vì sự phát triển an toàn và bền vững của thế hệ nay và thế hệ mai sau.

Về đạo đức và lối sống là những giá trị cốt lõi của văn hóa. Thực tế, nước ta dù mức sống chưa cao nhưng có lẽ sống đẹp lành mạnh như câu tục ngữ “Lá lành đùm lá rách, đói cho sạch rách cho thơm”.

Như vậy từ sự hiểu biết về văn hóa qua nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam giúp chúng ta có cái nhìn đối sánh văn hóa Việt Nam với văn hóa khu vực và cả trên thế giới; qua đó cũng lý giải được vì sao có khác biệt với các nước về văn hóa, cách ứng xử với tự nhiên và xã hội, đạo đức, lối sống. 

b. Nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam còn là những kiến thức hết sức hữu ích cho việc hình thành nên triết lý kinh doanh, xây dựng ý thức pháp luật, định hướng tâm lý tiêu dùng, và biết tạo lập phong cách làm việc sao cho có hiểu quả cho con người Việt Nam.

Hình thành triết lý kinh doanh: Việc nghiên cứu văn hóa cung cấp những kiến thức hữu ích cho việc hình thành nên triết lý kinh doanh. Trong nền kinh tế thị trường do tác động của quy luật giá trị, cung- cầu, cạnh tranh… bên cạnh những mặt tích cực thì mặt trái của chế độ thị trường cũng nảy sinh và phát triển trong một bộ phận dân cư có tâm lý sùng bái hàng hóa, sùng bái tiền tệ chạy theo các giá trị vật chất, xem thường giá trị nhân văn. Do đó bên cạnh việc quản lý và điều tiêt vĩ mô bằng luật pháp và các chính sách khác của nhà nước, văn hóa đã điều tiết tinh thần cho sự phát triển của nền kinh tế thị trường, làm cho nó phát triển thành một nền kinh tế thị trường văn minh bằng việc người kinh doanh vận dụng  kiến thức về văn hóa mà hình thành nên triết lý kinh doanh phù hợp với giá trị nhân văn. Người kinh doanh lấy chữ tín và chữ tài làm trọng chứ không phải dựa trên sự gian dối và lừa đảo để đạt lợi nhuận cao nhất và trong thời gian ngắn nhất. 

Mặc dù vốn là một nước chưa có truyền thống kinh doanh phát triển nhưng từ lâu người Việt Nam đã khuyên bảo nhau làm theo châm ngôn: "Thứ nhất tu tại gia, thứ nhì tu chợ, thứ ba tu chùa". Tu tại chợ là quan hệ đạo đức ngoài xã hội - vấn đề được đặt ra ở vị trí trung tâm vì đây là thử thách gay go nhất, các nhà kinh doanh Việt Nam muốn hướng tới tính trung thực, vượt lên sự giả dối, để cái thiện thắng cái bất lương trong trao đổi giữa tiền và hàng. Nhiều giới hạn mà đồng tiền không thể vươn tới được đó chính là hạnh phúc và niềm vui chân chính của con người. Vì vậy triết lý kinh doanh người Việt Nam là kiếm lời phải văn minh không chỉ dựa trên pháp luật mà còn cả lương tri của con người. Mở mang kinh doanh buôn bán làm giàu cho đất nước đồng thời phải biết tôn trọng những giá trị đạo đức tốt đẹp của dân tộc. Các nhà kinh doanh phấn đấu kết hợp làm giàu với việc làm điều nhân, giữa cái lợi và cái đẹp trong kinh doanh vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ văn minh đây là một xu hướng tiến bộ vừa phù hợp với truyền thống dân tộc vừa phù hợp với thời đại. Tóm lại, triết lý kinh doanh của những con người có lý tưởng đều mang nội dung nhân bản sâu sắc, vì nó được dựa trên một quan niệm đúng đắn vì hạnh phúc cá nhân không tách rời mà gắn bó mật thiết với hạnh phúc của cộng đồng. Đó chính là sự kết tinh những giá trị văn hóa vào trong kinh doanh.

Xây dựng ý thức pháp luật: Xã hội nào cũng cần pháp luật như một công cụ điều chỉnh hành vi của con người trong các lĩnh vực khác nhau của cuộc sống nhưng trên thực tế, con người chịu sự điều chỉnh của văn hóa nhiều hơn là pháp luật vì con người luôn hành động theo tập quán, theo thói quen... Pháp luật là công cụ để nhà nước quản lý xã hội một cách thống nhất nên nó rất rành mạch. Vì vậy truyền thống duy tình ở nước ta làm cho ứng xử của con người dễ theo cảm tính khi cho rằng “trăm cái lý chẳng bằng một tý cái tình”. Bản thân pháp luật phải vận động và biến đổi theo các điều kiện kinh tế - xã hội nên sự trì trệ trong tâm lý “trọng tình, duy tình”của người Việt vốn ưa sự ổn định sẽ không thể đáp ứng kịp. Người Việt không có thói quen tuân theo pháp luật và quan niệm pháp luật gần với hình phạt hơn là gần với công lý nên sợ pháp luật, không coi pháp luật như một phương tiện để bảo vệ mình, cho rằng pháp luật là để thống trị chứ không phải là công cụ để điều tiết xã hội và bảo vệ con người. Quan hệ quần cư bền vững có nhiều điểm tốt là tạo ra sức mạnh cho cộng đồng nhưng làm cho người ta dễ bao che cho nhau vì sợ điều tiếng hoặc bị tẩy chay. Do vậy, các hành vi tố giác tội phạm gần như không diễn ra mặc dù đó là hành vi phạm tội đã được luật hình sự quy định. Trong trường hợp này thì người ta còn sợ dư luận hơn cả hình phạt. Vì vậy Nhà nước ta phải xây dựng pháp luật phù hợp với phong tục tập quán với văn hóa, để cho người Việt tiếp nhận pháp luật một cách tự nguyện và tích cực.

Văn hóa có một ảnh hưởng không thể phủ nhận đối với pháp luật. Văn hóa chính là cuộc sống, do đó để pháp luật được thực hiện hiểu quả thì xây dựng ý thức pháp luật của người dân là chưa đủ mà phải xây dựng một hệ thống pháp luật phù hợp với thực tiễn. Kinh nghiệm văn hóa là nền tảng quan trọng nhất để xây dựng pháp luật chứ không phải chỉ là những kinh nghiệm pháp lý. Nếu pháp luật được xây dựng trên những kinh nghiệm văn hóa, tức là thừa nhận cuộc sống chứ không áp đặt lên cuộc sống, thì tốc độ thâm nhập của pháp luật vào trong cuộc sống sẽ nhanh hơn, khi đó việc tuân thủ pháp luật trở thành thói quen có chất lượng văn hóa của con người. Pháp luật càng gần với tập quán cũng như thói quen của con người, càng có chất lượng văn hóa bao nhiêu thì pháp luật càng dễ được chấp nhận bấy nhiêu.

Định hướng tâm lý tiêu dùng: Ngày nay với sự mở cửa và hội nhập, người tiêu dùng có rất nhiều sự lựa chọn. Xu hướng tiêu dùng, tâm lý tiêu dùng đã cao hơn. Tuy nhiên hiện nay người Việt có tâm lý sính ngoại hoặc chưa hiểu biết nhiều về hàng Việt. Từ việc nghiên cứu, chúng ta biết được nguyên nhân cũng như đưa ra các giải pháp khắc phục, đồng thời cũng định hướng tiêu dùng cho người Việt là “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt” để phù hợp văn hóa cũng như định hướng phát triển kinh tế của đất nước.

Các lý do chính làm người Việt thiếu lòng tin vào các sản phẩm trong nước là thông tin, quảng bá ít và không rõ ràng, minh bạch, thiếu đa dạng, chất lượng không ổn địn, không có quy định hoặc thực hiện bảo hành không nghiêm túc, không tận tình. Bên cạnh đó, chính sách khuyến mãi không rõ ràng, tính chuyên nghiệp thấp… Ngoài ra những rào cản để hàng Việt khó đến gần hơn với người tiêu dùng chính là tình trạng hàng ngoại nhập giá rẻ, hàng lậu diễn ra ngày càng phức tạp và gia tăng. Dù các doanh nghiệp trong nước đã tích cực đổi mới hoạt động, nâng cao chất lượng và đa dạng sản phẩm nhưng vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu ngày càng phong phú của người tiêu dùng. 

Vì vậy, chúng ta phải củng cố và tăng lòng tin của người tiêu dùng vào các sản phẩm Việt. Mấu chốt vẫn là chất lượng. Do vậy, doanh nghiệp cần nâng cao chất lượng hàng hóa, dịch vụ, đáp ứng thị hiếu người tiêu dùng với giá cả hợp lý, mở rộng kênh phân phối hàng hóa trên thị trường nội địa qua các kênh bán lẻ hiện đại và kênh bán lẻ truyền thống. Đồng thời, Nhà nước và doanh nghiệp cần phải cần phải có một chiến lược lâu dài và bền vững, cần phải có những chính sách, văn bản kịp thời rõ ràng, minh bạch nhằm cổ động cho việc ưu tiên dùng hàng Việt Nam. Từ đó tăng lòng tin của người tiêu dùng tin cậy, sử dụng hàng Việt, thực hiện thành công định hướng tiêu dùng “Người Việt ưu tiên dùng hàng Việt”  để vừa thúc đẩy nền kinh tế  cũng như duy trì, phát triển nền văn hóa Việt Nam. 

Tạo lập phong cách làm việc có hiểu quả: Trong bối cảnh công cuộc đổi mới, nhiều chuẩn mực và giá trị mới cũng đã được hình thành. Đặc biệt con người Việt Nam biết học hỏi từ nền văn hóa phương Tây biết tạo lập phong cách làm việc mới trên cơ sở phát huy những mặt mạnh vốn có và khắc phục những hạn chế để xây dựng tác phong công nghiệp thể hiện trước nhất ở việc tuân thủ và biết quý trọng thời gian để khắc phục có thói quen “giờ cao su". Đồng thời xây dựng tính chuyên nghiệp, để biết cách điều tiết công việc phù hợp với tiến độ và môi trường xung quanh để tạo nên hiệu quả tốt nhất. Phát triển khả năng độc lập và tự chủ trong công việc để cho phép chúng ta phát huy được tính sáng tạo của mình, sẽ giúp chúng ta tránh khỏi việc lúng túng và bối rối trước bất kỳ sự tình huống thay đổi những biến đổi bất ngờ từ môi trường làm việc năng động và hiện đại như ngày nay. Qua đó không ngừng học hỏi và nâng cao kiến thức chuyên môn trang bị cho mình những kiến thức phù hợp với thời đại để tránh khỏi việc bị đào thải. Con người Việt Nam còn tiến tới tăng cường ý thức trách nhiệm và tinh thần cầu tiến cho mỗi bản thân xem việc của công ty như là việc của chính mình và dốc hết sức để hoàn thành nó một cách hiệu quả nhất. Học hỏi cách giao tiếp hiệu quả đó là chiếc chìa khóa vàng đối với sự thành công; còn giúp chia sẻ, học tập được nhiều kinh nghiệm trong công việc, mở rộng các mối quan hệ xã hội và nắm bắt nhanh chóng các cơ hội để đi đến thành công. Từ đó tác phong công nghiệp, tính năng động xã hội của con người Việt Nam đã được khơi dậy thay cho thái độ ỷ lại, trông chờ. Đầu óc cải tiến, sáng tạo dần dần vượt lên thái độ bảo thủ, giáo điều. Sở trường năng lực tài giỏi được cộng đồng khuyến khích, công nhận. Ý thức cá nhân trong tập thể được xác định rõ ràng.

Qua việc nghiên cứu, hiểu biết về văn hóa, con người Việt Nam đã  khắc phục nhiều mặt hạn chế tiến tới tạo lập phong cách làm việc hiểu quả phù hợp với thời đại. Các giá trị văn hóa tinh thần truyền thống của dân tộc đã được kế thừa đổi mới và phát huy để làm động lực cho sự phát triển kinh tế- xã hội . 

c. Nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam, đặc biệt còn cung cấp những kiến thức giúp người học đánh giá đúng mức các cơ hội cũng như thách thức mà thời đại đang đặt ra đối với bản sắc văn hóa dân tộc.

Giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc là vấn đề sống còn của mỗi quốc gia. Bản sắc văn hóa dân tộc Việt Nam là tài sản vô giá, là linh hồn của dân tộc được hun đúc qua hàng ngàn năm dựng nước và giữ nước với bao biến cố thăng trầm của lịch sử được viết lên bằng máu, nước mắt và mồ hôi của cả dân tộc Việt Nam.Trong bối cảnh quốc tế đầy biến động như hiện nay, dân tộc Việt Nam với tư cách một chủ thể văn hóa càng phải thể hiện rõ cốt cách, tư chất, khí phách của mình để bảo vệ, giữ gìn bản sắc văn hóa Việt Nam trước những khó khăn, phức tạp mới trong xu thế giao lưu, hội nhập toàn cầu. Để thực hiện điều này, chúng ta cần đổi mới, nâng cao chất lượng giáo dục lịch sử, truyền thống yêu nước, lòng tự tôn, tự hào dân tộc… để hun đúc khí phách, cốt cách và tư chất con người Việt Nam trong thế ứng xử với xu thế giao lưu, hội nhập ngày càng sâu rộng. Đồng thời, nêu cao tính chủ động để sẵn sàng giao lưu, hội nhập, tiếp thu những giá trị văn hóa nhân loại với tư thế, tư chất và khí phách con người Việt Nam.

Giao lưu văn hóa là quy luật tồn tại và phát triển của mọi nền văn hóa và mọi xã hội từ xưa đến nay. Từ việc nghiên cứa văn hóa học và văn hóa Việt Nam còn giúp chúng ta hiểu vai trò của việc giao lưu văn hóa; đặc biệt còn giúp “đánh giá đúng mức các cơ hội cũng như thách thức mà thời đại đang đặt ra đối với bản sắc văn hóa dân tộc”.Qua đó cũng làm chúng ta suy nghĩ về biện pháp khắc phục. Việc mở rộng giao lưu quốc tế văn hóa đứng trước nhiều thách thức và cơ may.

Cơ may là khả năng mở rộng giao lưu trên thế giới, qua đó những giá trị ưu tú của văn hóa dân tộc có dịp tỏa sáng bên ngoài, đồng thời có thể tiếp thu những tinh hoa văn hóa nhân loại để làm giàu thêm bản sắc văn hóa Việt Nam. 

Thách thức là đó là sự khác biệt về dân tộc, sắc tộc, niềm tin… những tiền đề đó có thể là tiền đề giao lưu hợp tác thì nó cũng chứa đựng những nguy cơ biến thành mâu  thuẫn và xung đột, nếu chúng ta không biết cảnh giác ngăn ngừa, khắc phục thái độ kỳ thị văn hóa trong quan hệ giữa các  nước. Có lẽ nguy cơ và thách thức lớn nhất đối với nước ta là sự lan tràn những sản phẩm văn hóa phương Tây. Đó không phải là loại sản phẩm chứa đựng các giá trị nhân bản bắt nguồn từ những lý tưởng cao đẹp mà đó là sự xâm nhập ồ ạt những phim ảnh, sách báo, băng nhạc, băng hình,…cổ vũ những quan niệm cá nhân cực đoan, thái độ vô trách nhiệm với gia đình và xã hội. Gây ảnh hưởng đến khuynh hướng lựa chọn, cách ứng xử, cách hành động và triết lý sống của người Việt Nam đặc biệt là giới trẻ. Từ đó nguy cơ đánh mất bản sắc văn hóa dân tộc.

Do vậy chỉ có chấn hưng văn hóa dân tộc theo yêu cầu của thời đại thì bản thân văn hóa mới có khả năng  tự điều chỉnh vượt qua thách thức và nắm lấy cơ may vì sự phát triển nhanh lành mạnh của đất nước. Để phát huy những thuận lợi, tranh thủ thời cơ, khắc phục những khó khăn thì việc giao lưu văn hóa phải được thực hiện trên tinh thần khoan dung tích cực và đúng đắn, không phân biệt, đối xử trong quan hệ giữa các nền văn hóa, trái lại phải biết đánh giá một cách khách quan và biết cách tiếp nhận những giá trị tinh hoa của các nền văn hóa khác làm giàu thêm hương sắc của nền văn hóa Việt Nam trên cơ sở giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa riêng của mỗi dân tộc.

Việc giữ gìn và phát huy bản sắc văn hóa dân tộc và giao lưu quốc tế không chỉ là chức năng của nền văn hóa, mà là nhiệm vụ của tất cả các cấp, các nghành. Sự hiện diện nhân tố văn hóa ở mọi hoạt động , mọi cách ứng xự đối ngoại trong quá trình giao lưu hợp tác với các nước là biểu hiện của tự trọn, tự hào dân tộc, đồng thời sự tôn trọng các dân tộc khác. Vì vậy cần làm tốt việc mở rộng giao lưu văn hóa quốc tế, trên cơ sở giữu gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc.

III. Liên hệ với đời sống văn hóa của sinh viên luật hiện nay.

Văn hóa đời sống sinh viên trước hết phải được coi là một bộ phận không tách rời của văn hóa dân tộc. Vì vậy, đời sống văn hóa của sinh viên trước hết cũng phản ánh bản sắc văn hóa của dân tộc với những đặc điểm chung của văn hóa dân tộc. Đặc biệt là đời sống văn hóa sinh viên Luật vừa kế thừa văn hóa truyền thống của dân tộc ta vừa biết kết hợp văn hóa hiện đại để hình thành nên một phong cách sinh viên Luật riêng biệt có lối sống có mục đích, với tính năng động là nơi thể nghiệm những kiến thức nhận được từ thế hệ đi trước, tiếp thu được từ thế giới bên ngoài tạo ra những hệ giá trị mới, mô thức ứng xử mới, với những lựa chọn sống mới.

Nhiều phong trào tình nguyện mà sinh viên luật tham gia vì cộng đồng đã làm nên truyền thống và tạo nên dấu ấn rất riêng như: Chiến dịch Mùa hè xanh, Tiếp sức mùa thi… từ nhiều năm qua, đông đảo sinh viên còn quan tâm đến các hoạt động đền ơn đáp nghĩa, thể hiện truyền thống uống nước nhớ nguồn của dân tộc ta. Đời sống văn hóa sinh viên luật thể hiện ở những mặt sau:

Đối với các vấn đề chính trị - xã hội: sinh viên luật quan tâm nhiều đến các vấn đề chính trị - xã hội, có những quan điểm đúng đắn, có thái độ rõ ràng, dứt khoát với những hành vi sai lệch của các thế lực thù địch.

Về mục đích sống: Đa phần sinh viên luật đều có mục đích sống rõ ràng, luôn có ý thức xây dựng cho mình một nếp sống, giá trị sống có mục đích. Bên cạnh đó, các giá trị khác của cuộc sống mang những nét đặc trưng của tuổi trẻ cũng rất được sinh viên quan tâm, mong muốn thành đạt muốn có cuộc sống ý nghĩa để tự khẳng định được giá trị, khả năng của chính mình. 

Sinh viên luật ngày nay tham gia tích cực các phong trào xã hội, có nhu cầu giải trí lành mạnh, đã tham gia các phong trào “mùa hè xanh tình nguyện” và thu được nhiều  kết quả, góp phần làm cho thành phố xanh, sạch, đẹp. Chương trình “tiếp sức mùa thi” đã tư vấn và hỗ trợ thông tin cho các thí sinh và người nhà về giới thiệu chỗ ở giá rẻ, chỗ ở miễn phí, phát nhiều bản đồ...

Cùng với sự phát triển mạnh mẽ của kinh tế, mức sống, mức thu nhập của đại bộ phận người dân đang ngày càng nâng cao, các nhu cầu giải trí của thanh thiếu niên hiện nay trong các đô thị lớn ngày càng đa dạng. Ở lĩnh vực này, hầu hết sinh viên Luật cũng đã thể hiện được xu hướng tích cực, chủ động trong lựa chọn các nhu cầu giải trí của mình: đọc sách, báo, xem tivi, làm việc vặt trong nhà, đi chơi với bạn bè, chơi thể thao,...

Cách ứng xử và ăn mặc : Cách ứng xử, cách ăn mặc của thanh thiếu niên cũng là một khía cạnh trong đời sống văn hóa, lối sống văn hóa. Ở khía cạnh này, sinh viên Luật nói chung, phần đông có ứng xử tốt trong quan hệ gia đình, cộng đồng, ăn mặc phù hợp với phong cách của người Việt. 

Ứng xử trong các mối quan hệ xã hội, đặc biệt trong quan hệ gia đình và cộng đồng là một biểu hiện của đời sống văn hóa, lối sống văn hóa sinh viên Luật ngày càng nhận thức được những lối sống văn hóa cần được thể hiện trong cách ứng xử của mình. 

Ăn mặc góp phần tạo nên phong cách và đó cũng là một biểu hiện của đời sống văn hóa, lối sống văn hóa của con người nói riêng, một cộng đồng xã hội nói chung. Ở lĩnh vực này, sinh viên luật hầu hết ăn mặc phù hợp với truyền thống của người Việt, tất nhiên ở họ cũng có sự cách điệu cho phù hợp với phong cách của giới trẻ.

Về học tập: Học tập đóng vai trò quan trọng trong việc xây dựng đời sống văn hóa tốt, lối sống lành mạnh. Những biểu hiện trong học tập cũng là những nét cơ bản trong đời sống văn hóa, lối sống văn hóa. Ở khía cạnh này, hầu hết sinh viên luật thể hiện sự năng động, sáng tạo, ham học hỏi. Điều này được minh chứng ở các điểm sau: trình độ học vấn, ý chí tự lực tự cường, nỗ lực vươn lên trong cuộc sống...

Bên cạnh những mặt tích cực nêu trên, đời sống văn hóa, lối sống văn hóa của một số bộ ít phận sinh viên cũng bộc lộ những vấn đề cần quan tâm. Trước hết, quan niệm về cuộc sống của một bộ phận sinh viên còn lệch lạc, có lối sống thực dụng, không có lý tưởng, coi trọng giá trị vật chất hơn giá trị tinh thần. Một bộ phận sinh viên ăn mặc phản cảm,đua đòi, có cách ứng xử, lối sống xa lạ với đạo lý truyền thống và văn hóa dân tộc”. Một số sinh viên chưa có ý thức tự giác trong việc tham gia giao thông…Những hạn chế nêu trên là hệ quả của rất nhiều nguyên nhân, trong đó nguyên nhân sâu xa cần phải kể đến là trách nhiệm của gia đình, của các bậc phụ huynh ảnh hưởng không nhỏ đến việc hình thành nhân cách cũng như lối sống văn hoá cho thanh niên. Do đó hơn ai hết các bậc cha mẹ cần nhận thức đúng trách nhiệm của mình để giữ gìn hạnh phúc gia đình, xây dựng gia đình văn hóa: no ấm, bình đẳng, tiến bộ và hạnh phúc. Bên cạnh việc giáo dục của gia đình, sự cần thiết phải có sự quan tâm hơn nữa của nhà trường và xã hội.

Đối với mỗi người sinh viên Luật, không chỉ phải chấp hành các nội quy, quy chế nhà trường, phải học, hiểu luật, mà còn phải gương mẫu thực hiện luật, đồng thời biết tuyên truyền đến địa phương nơi đang sinh sống những tư tưởng của Đảng của Nhà nước ta. Phải có "phong cách sinh viên Luật” đưa ra những tiêu trí để hoàn thành như: Sinh viên Luật học tập nghiêm túc, chất lượng. Sinh viên Luật ứng xử văn hóa, văn minh. Sinh viên Luật đi đầu trong chấp hành và tuân thủ pháp luật. Tham gia tích cực vào những chương trình mang ý nghĩa lớn như: cùng chung tay bảo về môi trường, hiến máu nhân đạo, tiếp sức mùa thi,... nâng tầm hình ảnh Sinh viên Luật thiết thực trong các hoạt động chung tay vì cộng đồng.

KẾT LUẬN

Trong thời kì công nghiệp hóa, hiện đại hóa hiện nay, để xây dựng đất nước vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, văn minh vững bước đi lên chủ nghĩa xã hội, thì việc bồi dưỡng, khai thác và phát huy mọi tiềm năng trí tuệ, tiềm năng sáng tạo văn hóa của mỗi con người Việt Nam và cả cộng đồng dân tộc có một ý nghĩa đặc biệt quan trọng. Việc nghiên cứu văn hóa học và văn hóa Việt Nam cung cấp kiến thức về văn hóa cho mỗi con người Việt Nam, đặc biệt là học sinh sinh viên - thế hệ tương lai của đất nước, góp phần thành công trong cuộc xây dựng và phát triển nền văn hóa Việt Nam tiên tiến, đậm đà bản sắc dân tộc.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

I. Giáo trình
1. TS. Phạm Thái Việt, TS. Đào Tuấn Ngọc, Đại cương về văn hóa Việt Nam, NXB văn hóa – thông tin 2004
2. Trần Ngọc Thêm, cơ sở văn hóa Việt Nam, NXB giáo dục 2000
3. Hồ Sĩ Vịnh, Văn hóa Việt Nam trong tiến trình đổi mới, NXB chính trị quốc gia
4. Gs. Phạm Xuân Nam, Văn hóa vì phát triển, NXB chính trị quốc gia

II. Website
1. http://www.vanhoahoc.vn/
2.http://luatminhkhue.vn/bai-viet/anh-huong-cua-van-hoa-doi-voi-phap-luat.aspx
3.http://luanvan.net.vn/luan-van/tac-dong-cua-yeu-to-van-hoa-viet-nam-den-hoat-dong-kinh-doanh-quoc-te-cua-tap-doan-honda-tai-viet-nam-1822/

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Dương Nhung đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment