Nhà Tần (221TCN-206TCN) là triều đại kế tục nhà Chu và trước nhà Hán trong lịch sử Trung Quốc. Việc thống nhất Trung Quốc năm 221TCN dưới thời Tần Thủy Hoàng đã đánh dấu sự khởi đầu của đế quốc Trung Quốc. Đặc biệt hơn nhà Tần đã để lại một di sản trung ương tập quyền và hệ thống quan liêu sẽ được áp dụng vào những triều đại sau này. Chính vì vậy trong bài tập học kỳ lần này em đã chọn đề tài “Phân tích và đánh giá cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc dưới triều Tần”.
NỘI DUNG
I. Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc:
Nguyên tắc tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc đó là nguyên tắc: “ tôn – quân – quyền ”. Xuất phát từ mục đích cai trị đó là tập trung quyền lực vào chính quyền trung ương, cụ thể đó là vào tay Hoàng đế.
- Theo nho giáo để giữ gìn trật tự kỉ cương cần có một quyền lực của người tối cao ( quân quyền) và phải thuộc về một người ( vua ). Vua là con của trời. Quân quyền phải được mọi người tôn trọng, đề cao nghĩa quân – thần lên hàng đầu.
Biểu hiện của nguyên tắc:
- Vua là chủ nhân của sơn hà xã tắc và có quyền lực tối cao ở tất cả các lĩnh vực như: kinh tế, chính trị, tôn giáo. Được thiết lập bằng con đường thế tập – cha chuyền con nối hoặc thay thế bằng một dòng họ khác.
- Quan lại là những người giúp việc cho vua, tiến hành cai quản dân ở từng cấp.
- Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước được xây dựng trên cơ sở tập trung quyền lực theo hệ thống từ trên xuống dưới.
II. Cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc dưới triều Tần:
Tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc ngay từ ngày đầu và trong suốt quá trình tồn tại là chính thể quân chủ chuyên chế và ngày càng được hoàn thiện. Đặc biệt dưới triều Tần, Tần Thủy Hoàng đã xây dựng bộ máy nhà nước Trung ương tập quyền theo chính thể quân chủ chuyên chế.
1. Chính quyền trung ương.
Đứng đầu ở chính quyền trung ương là hoàng đế, là người nắm mọi quyền lực nhà nước, có quyền lực tối cao cả về “vương quyền” và “thần quyền”.
Vương quyền:
+ Kinh tế: nắm quyền sở hữu tối cao về đất đai trong phạm vi cả nước và có quyền thu thuế.
+ Chính trị: duy nhất ngôi vị Hoàng đế được thiết lập theo cách kế vị hay thế tập của chế độ tông pháp trước đây. Đặc biệt trong nhà nước không thiết lập cơ quan hành pháp, tư pháp mà tất cả các cơ quan chỉ có chức năng tư vấn giúp việc cho nhà vua.
Thần quyền:
Hoàng Đế có quyền lực sánh ngang trời và duy nhất Hoàng Đế có quyền tế trời, quan chỉ có quyền thờ tổ tiên của mình.
Ở chính quyền trung ương, Tần Thủy Hoàng tiếp tục duy trì chế độ “Tam Công và Cửu Khanh”, trao cho Tam Công nắm các cương vị quan trọng nhất trong bộ máy quyền lực nhà nước. Tam Công là 3 chức quan đầu triều gồm Thừa tướng, Thái úy và Ngự sử đại phu.
- Thừa tướng: là chức quan cao nhất của chính quyền trung ương, là người đứng đầu trong quan, chủ quyết công việc hành chính. Phục mệnh Hoàng đế, giúp hoàng đế cai trị dân, nắm thu chi của nhà nước, quản lý các công trình công cộng của toàn quốc và là người phụ trách chấp hành chính lệnh.
- Thái úy: phụ trách, quản lý các công việc trong lĩnh vực quân sự.
- Ngự sử đại phu: nắm quyền quản lý và giám sát các văn kiện của cả nước và giám sát các quan.
Dưới Tam Công là Cửu Khanh gồm 9 viên quan phụ trách các công việc khác như: Đình úy coi việc hình, Thiếu phủ coi việc thuế khóa và phụ trách sự việc trong cung đình, Lang trung lệnh cai quản quân túc vệ nhà vua, Vệ úy trông coi cung điện, Thái phó: phụ trách việc hoàng đế sử dụng ngựa và mã chính toàn quốc, Điển khách: phụ trách tiếp đãi các dân tộc ít người quy phục về với triều đình và đối ngoại, Trị túc nội sử: coi về thuế má, kho tiền và sự thu nhập quốc gia, Tổng chính: coi sóc tiền tài trong hoàng tộc và đồ đạc trong thất, Phụng thường: phụ trách chế độ lễ nghi và cúng tế.
2. Chính quyền địa phương.
Ở chính quyền địa phương, Tần Thủy Hoàng xóa bỏ chế độ phân phong và chia cả nước thành 36 quận huyện, thống nhất tập trung, quản lý, xây dựng hoàn chỉnh, đầy đủ nhất. Quận là cấp hành chính lớn nhất, mỗi quận quản lý 25 huyện, do Huyện lệnh cai trị. Theo Sử ký Tư Mã Thiên, trong 1 quận có Quan Thú coi việc chính trị, Quan Uy coi về quân sự. Trong một huyện có lệnh và dưới lệnh thì có thừa. Dưới huyện là Hương (xã), đứng đầu là xã trưởng, dưới hương là Đình và cuối cùng là Lý (thôn). Các quan ở quận và huyện đều do trung ương bổ nhiệm và miễn nhiệm, còn từ Hương trở xuống do dân bầu ra.
* (Sơ đồ: Tổ chức bộ máy nhà nước Triều Tần)
III. Đánh giá cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc dưới triều Tần.
Từ những phân tích trên có thể thấy bộ máy nhà nước của triều Tần được tổ chức một cách quy củ, chặt chẽ và đầy đủ, là cơ sở cho việc xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc suốt hơn 2000 năm và đặt nền móng cho sự hoàn thiện chính thể quân chủ chuyên chế của các triều đại sau. Nước Tần thống nhất Trung Quốc có đóng góp và ý nghĩa cực kỳ to lớn trong lịch sử Trung Quốc. Đặc biệt, về chính trị, hàng ngũ quan lại được tuyển chọn và bị chính quyền trung ương chi phối mạnh mẽ. Toàn quốc đặt dưới nền thống trị của một chính quyền trung ương tập quyền chuyên chế. Bộ máy nhà nước vừa là công cụ để giai cấp phong kiến áp bức, bóc lột quần chúng lao động, vừa là công cụ dùng để duy trì nền thống nhất của đất nước. Bộ máy nhà nước dưới triều Tần, hệ thống quan lại được tổ chức ở hai cấp là cấp trung ương và cấp địa phương với đẳng cấp phân minh, biên chế chặt chẽ cùng với thể chế quan liêu rất quy mô và đầy đủ, đã trở thành cơ sở cho việc xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc trong suốt hơn hai ngàn năm. Đặc biệt, mô hình Tam Công mà Tần Thủy Hoàng xây dựng đã trở thành xương sống, là trụ cột vững chắc của bộ máy nhà nước ở Trung ương. Bên cạnh đấy,Tần Thủy Hoàng đã bỏ chế độ phân phong, thi hành chế độ Quận Huyện, chia cả nước thành 36 quận, dưới quận là Huyện . Chế độ Quận Huyện do nhà Tần sáng lập đã trở thành chế định trong lịch sử phong kiến Trung Quốc cùng với tên gọi của rất nhiều Huyện ở Trung Quốc hiện nay đều là do nhà Tần đặt cho cách đây hơn 2 nghìn năm.
Cùng với nhà Tần, trước đây thời nhà Tây Chu cũng thiết lập mô hình Tam Công để giúp vua cai quản triều đình. Về sau nhà Tây Chu bỏ Tam Công và lập ra sáu chức quan cao cấp trong triều. Như vậy, so với nhà Tây Chu, bộ máy nhà Tần có phần quy mô và chặt chẽ hơn, xây dựng đồng thời mô hình “Tam Công, Cửu Khanh ”. Trong khi nhà Tây Chu xây dựng mô hình Tam Công trước rồi được thay bằng mô hình “Lục Khanh”. Mặt khác, cách thức thành lập Tam Công của nhà Tần cũng khác so với thời Tây Chu. Ở thời Tây Chu Tam Công được thiết lập theo nguyên tắc huyết thống, tùy thuộc vào huyết thống gần xa vua sẽ quyết định chức vụ cao hay thấp; còn nhà Tần Tam Công lại được thiết lập theo nguyên tắc bổ nhiệm của thuật pháp trị, tức là không chỉ căn cứ vào huyết thống mà còn phải căn cứ vào tài năng và công lao.
KẾT LUẬN
Trên đây là những phân tích cũng như đánh giá về cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc dưới triều Tần. Tần Thủy Hoàng – một trong những ông vua nổi tiếng của lịch sử Trung Quốc đã có đóng góp và ý nghĩa cực kỳ to lớn trong việc xây dựng cơ cấu tổ chức bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc thời bấy giờ. Có thể nói, bộ máy nhà nước của triều Tần được tổ chức một cách quy củ và chặt chẽ, là cơ sở cho việc xây dựng bộ máy nhà nước phong kiến Trung Quốc suốt hơn 2000 năm và đặt nền móng cho sự hoàn thiện chính thể quân chủ chuyên chế của các triều đại sau.
Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!
No comments:
Post a Comment