08/05/2014
Bài tập nhóm Tâm lý học đại cương - Đặc điểm của tư duy con người
I.MỞ ĐẦU

Muốn nhận thức và cải tạo thế giới khách quan có hiệu quả, con người không thể dừng lại ở các quá trình tâm ký như tri giác hay cảm giác mà phải  chuyển qua một mức độ cao hơn đó là sự tư duy. Khả năng tư duy giúp cho con người hiểu được các thuộc tính , các mối quan hệ bên trong để nắm bắt được bản chất, quy luật vận động và phát triển của sự vật, hiện tượng. Từ đó có phương hướng cũng như các biện pháp đúng đắn để cải tạo  thế giới vật chất. 


Đối với sinh viên thì tư duy không  quá mới mẻ nữa bởi nó xuất hiện thường xuyên trong học tập, trong các hoạt động nhóm… Tư duy giúp học sinh lĩnh hội tri thức, kiến thức và hoàn thiện nhân cách bản thân. Tuy nhiên các bạn sinh viên có thật sự hiểu cũng như biết cách ứng dụng tư duy trong hoạt động của mình hay không?  Để trả lời cho câu hỏi đó sau đây bài viết đã chọn đề tài số 9 : “Phân tích những đặc điểm của tư duy con người. Ứng dụng của nó trong hoạt động học tập của sinh viên”.


II. NỘI DUNG

1.Khái niệm về tư duy

Theo Từ điển Bách khoa toàn thư Việt Nam, tập 4 (NXB Từ điển bách khoa. Hà Nội. 2005); Tư duy là sản phẩm cao nhất của vật chất được tổ chức một cách đặc biệt -Bộ não người -. Tư duy phản ánh tích cực hiện thực khách quan dưới dạng các khái niệm, sự phán đoán, lý luận.v.v...

Giáo trình tâm lý học đại cương Nxb CAND, trường Đại học Luật Hà Nội định nghĩa : “Tư duy là một quá trình nhận thức phản ánh những thuộc tính bản chất, những mối liên hệ và quan hệ bên trong có tính quy luật của sự vật và hiện tượng trong hiện thực khách quan mà trước đó ta chưa biết”.

Theo đó, tư duy có các đặc điểm:Tính có vấn đề ; Tính gián tiếp; Tính trừu tượng và khái quát hoá; Tư duy quan hệ chặt chẽ với ngôn ngữ; Tư duy có mối quan hệ mật thiết với cảm tính.

2. Đặc điểm của tư duy

2.1 Tính có vấn đề của tư duy

- Thế nào là tính có vấn đề?

Vấn đề là những hoàn cảnh tình huống thực tế diễn ra mà những phương tiện, phương pháp hành động quen thuộc không đủ để giải quyết. Những hoàn cảnh (tình huống) như thế gọi là vấn đề.

Tư duy chỉ nảy sinh khi xuất hiện tình huống “có vấn đề”. Tình huống “ có vấn đề” là tình huống chưa có đáp số nhưng đáp số tiềm tang bên trong, tình huống có điều kiện giúp ta tìm ra đáp số.

Ví dụ: Một phú ông thuê một người nông dân làm công, mỗi ngày trải 1 chỉ vàng. Phú ông đó cho 1 thỏi vàng 6 chỉ. Hỏi làm thế nào để trả lương cho người nông dân trong ba ngày với chỉ ba nhát cắt?

- Yêu cầu của vấn đề đối với tư duy

Không phải bất cứ vấn đề nào cũng làm nảy sinh tư duy. Quá trình tư duy chỉ xảy ra khi có những tình huống có vấn đề thỏa mãn các điều kiện:

    +Vấn đề phải xuất phát và có liên hệ trực tiếp đối với người giải quyết vấn đề.
    +Cá nhân phải có nhu cầu giải quyết vấn đề.
    +Vấn đề phải phù hợp với khả năng của người giả quyết.   
    +Cá nhân phải có những tri thức cần thiết để giải quyết vấn đề đó.

Ví dụ: khi có một bài toán lớp 12 mà giao cho một học sinh lớp 1 thì học sinh đó không giải được bài toán đó, học sinh đó chưa có khả năng để giải được bài toán đó và vì mới đang học lớp 1 nên học sinh này không có đầy đủ kiến thức để giải một bài toán lớp 12. Do đó thì trong trường hợp này tư duy đã không xuất hiện.

- Ý nghĩa thực tiễn của tính có vấn đề của tư duy

Việc nhận ra được bản chất tính có vấn đề của tư duy giúp ta có cái nhìn khoa học và chính xác về khả năng hình thành tư duy, giải quyết vấn đề của chúng ta.

Là yếu tố quan trọng để chỉ ra rằng việc nâng cao khả năng tư duy của con người là hoàn toàn có thể chủ động, giúp con người ta có động lực đểhọc tập, tích lũy và hoàn thiện bản thân, hoạt động của chính mình.

2.2.Tính gián tiếp của tư duy

- Con người không thể nhận thức một số sự vật hiện tượng trong thế giới khách quan một cách trực tiếp bằng tri giác, cảm giác mà cần sử dụng các phương tiện, công cụ khác nhau. Phương tiện, công cụ có thể là ngôn ngữ, nhiệt kế, đồng hồ, thước đo…

  + Ví dụ : để giải một bài toán học sinh dựa trên việc các định được yêu cầu của đề bài thì còn phải nhớ lại và sử dụng các các công thức, các định lí…có liên quan đến bài toán mới có thể giải được dễ dàng, nhanh chóng.
  + Hay để biết được nhiệt độ sôi của nước con người không thể dùng tay chạm vào, dùng trí mũi để ngửi, dùng tai để nghe, mắt nhìn hay sự phán đoán mà cần sử dụng công cụ đó là nhiệt kế.

- Tính gián tiếp giúp mở rộng giới hạn khả năng nhận thức của con người, giúp con người không chỉ phản ánh những gì diễn ra ở hiện tại mà còn giúp tái tạo, phản ánh được cả trong quá khứ và tương lai. Ví dụ những bộ phim lịch sử giúp cho con người phản ánh được các triều đại, nếp sống, nền văn minh của con người trong từng thời kì, biết được sự phát triển của xã hội qua các giai đoạn của lịch sử. Hay dựa vào những nghiên cứu của các nhà khoa học người ta có thể dự đoán được thời tiết của ngày mai, dự đoán được lãnh thổ của một số nước ven biển sẽ chìm trong nước do trái đất nóng lên làm tan chảy băng tuyết…

2.3 Tính trừu Tượng- Tính khái quát hoá của tư duy

- Trừu tượng hóa là quá trình con người dùng trí óc để gạt bỏ những mặt những thuộc tính, những liên hệ, quan hệ thứ yếu, không cần thiết và chỉ giữ lại những yếu tố nào thật cần thiết để tư duy.

Ví dụ khi tiếp cận vấn đề là khái niệm “cái cây” để hiểu được nó thì ta bỏ qua những những thuộc tính, đặc điểm không cần thiết như chiều cao, màu là, nó sống ở đâu, hình dáng… chỉ giữ lại cái thuộc tính căn bản là có rễ, thân, cành, lá. Đó là trừu tượng hoá để hiểu vấn đề một cách khái quát nhất.

- Khái quát hóa là qúa trình con người dùng trí óc để hợp nhất nhiều đối tượng khác nhau nhưng có chung thuộc tính, liên hệ nhất định thành một nhóm một loại theo những thuộc tính, những mối liên hệ, quan hệ chung nhất định.

Ví dụ từ những đặc điểm, thuộc tính như động vật bậc cao; có tư duy; có xúc cảm, tình cảm; có ý thức; có ý chí; có nhân cách; biết nhận thức và cải tạo thế giới khách quan… khái quát chung lên thành khái niệm “con người”. Để khi nói đến khái niệm “con người” là người ta hiểu nó bao gồm những đặc điểm thuộc tính đó.

Trừu tượng và khái quát hoá có mối quan hệ mật thiết với nhau trong hoạt động tư duy của con người. Trừu tượng hóa  là cơ sở của khái quát hóa còn khái quát hóa diễn ra trên cơ sở của trừu tượng hóa.

2.4. Tư duy gắn liền với ngôn ngữ

Tư duy luôn gắn liền với ngôn ngữ, đây là đặc điểm cơ bản khác biệt giữa tâm lý con người và tâm lý động vật. Tâm lý động vật bao giờ cũng dừng lại ở tư duy trực quan. Ngôn ngữ đã làm cho tư duy con người mang tính trực quan, trừu tượng và khái quát. Mối quan hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là mối quan hệ biện chứng, tức là có sự liên kết, ràng buộc lẫn nhau. 

    + Ngôn ngữ vừa là công cụ vừa là cái vỏ vật chất của tư duy. Ngôn ngữ và tư duy là một thể thống nhất nhưng không đồng nhất. Ngôn ngữ là phương thức tồn tại duy nhất của tư duy, không có ngôn ngữ không có tư duy.
    + Tư duy con người lại tồn tại duy nhất dưới hình thức ngôn ngữ. Quá trình tư duy là hoạt động của mỗi con người, nếu nó không được thể hiện dưới những lời nói, hành động, kí hiệu, chữ viết thì chẳng ai biết được đó là gì, như vậy thì cũng chẳng có tư duy. Ví dụ việc các nhà toán học suy nghĩ ra công thức tính diện tích hình vuông nhưng không thể hiện được phát minh của mình thì chẳng ai biết đã có công thức tính diện tích hình vuông cả. Chỉ khi nhà toán học đó thể hiện bằng định nghĩa diện tích hình vuông được tính bằng cách nhân chiều dài 2 cạnh hình vuông với nhau và khái quát thành công thức S = a.a = a2 (đvdt) thì mọi người mới biết, công nhận và áp dụng công thức đó.  

Tóm lại, ngôn ngữ và tư duy thống nhất nhưng không đồng nhất. Mối liên hệ giữa tư duy và ngôn ngữ là mối liên hệ giữa nội dung và hình thức.  Chức năng của ngôn ngữ đối với tư duy là thể hiện tư tưởng và trực tiếp tham gia vào việc hình thành tư tưởng.

2.5.Tư duy liên hệ với hoạt động nhận thức cảm tính:

Tư duy bao giờ cúng liên hệ mật thiết với hoạt động nhận thức cảm tính tức là với cảm giác, tri giác, biểu tượng. Hoạt động nhận thức cảm tính là “cửa ngõ” là kênh duy nhất, qua đó tư duy liên hệ với thế giới ngoài. Tư duy thường bắt đầu từ nhận thức cảm tính, trên cơ sở nhận thức cảm tính mà nảy sinh tình huống “có vấn đề”. Nhận thức cảm tính là một khâu của mối liên hệ trực tiếp giữa tư duy và hiện thực, là cơ sở của những khái quát kinh nghiệm dưới dạng những khái niệm, quy luật..., là chất liệu của những khái quát hiện thực theo một nhóm, một lớp, một phạm trù mang tính quy luật trong tư duy. 

Có thể lấy ví dụ như khi đang đi trên đường thấy mọi người xúm lại rất đông , ta thấy tò mò lại xem, nghe mọi người nói rồi ta biết đó là một vụ tai nạn giao thông, từ  đó xuất hiện tư duy,  trong đầu ta sẽ đặt ra hàng loạt các câu hỏi như: tại sao lại xảy ra tai nạn, ai là người có lỗi, nạn nhân có bị thương nặng không? ..Như vậy từ  những nhận thức cảm tính như: nghe, nhìn, tư duy bắt đầu xuất hiện.

Ngược lại, tư duy cũng ảnh hưởng đển nhận thức cảm tính, đó là làm cho khả năng cảm giác của con người tinh vi, nhạy cảm hơn và làm cho tri giác của con người mang tính lựa chọn, tính ý nghĩa. Chẳng hạn, khi ta nhìn thấy những hiện tượng như gió to, lốc xoáy, mưa rào, sấm sét đùng đoàng thì hoạt động tư duy kết nối các sự kiện sẽ hình thành và nhận ra rằng đây là dấu hiệu của cơn mưa bão, kèm theo sấm sét có nguy hiểm nếu chúng ta ngoài trời từ đó ta bắt đầu có cảm giác “sợ”, chạy vào trong nhà, đóng cửa lại. 

Từ sự phân tích trên ta có thể thấy được mối liên hệ chặt chẽ giữa tư duy và hoạt động nhận thức cảm tính. Chúng có sự tác động qua lại, ảnh hưởng lẫn nhau và không thể tách rời trong hoạt động đời sống và học tập của con người.

3. Ứng dụng của tư duy trong học tập

Trong thời đại hiện nay, cùng với việc đổi mới và nâng cao chất lượng ngành giáo dục thì việc ứng dụng tư duy trong giảng dạy và học tập là điều hết sức cần thiết và quan trọng. 

   - Thứ nhất là ứng dụng tính có vấn đề của tư duy. Nghĩa là cần xử dụng nhiều hơn đến bộ não của mỗi cá nhân trong việc tiếp cận bài học. Mỗi sinh viên cần chủ động hơn trong việc xác định các vấn đề trong bài học, luôn đặt ra các câu hỏi, các tình huống có vấn đề để buộc mình phải tư duy. Ví dụ khi học vấn đề về “đồng phạm” trong môn luật hình sự 1 ngoài kiến thức trong giáo trình ta tự xây dựng cho mình các tình huống, câu hỏi như người tổ chức có phải chịu trách nhiệm hình sự cao hơn người thực hành, người xúi dục, người giúp sức không? Trong đồng phạm có tự ý nửa chừng chấm dứt phạm tội không?... Đến khi không thể hiểu được mới hỏi ý kiến của bạn bè, thầy cô. Khi đã xác định rõ vấn đề rồi thì tìm cách biểu đạt nó sao cho người khác dễ hiểu và dễ tiếp thu nhất.
   - Thứ hai là từ những vấn đề đã xác định được thì hướng tới giải quyết vấn đề theo các bước sau: luôn hình thành trong đầu những liên tưởng rồi sàng lọc liên tưởng và hình thành các giả thuyết sau đó kiểm tra các giả thuyết đó để chính xác hoá vấn đề, khẳng định vấn đề và bác bỏ những ý kiến phủ định vấn đề cuối cùng là giải quyết vấn đề. Ví dụ khi học môn Dân sự 1 có vấn đề đặt ra là : “Đất đai thuộc quyền sở hữu của những chủ thể nào?”. Khi tiếp cận vấn đề ta đặt ra các liên tưởng như đất đai gồm những loại đất nào? xây nhà rồi có gọi là đất đai không? Từ những kiến thức đã học thì ta sàng lọc liên tưởng đất đai gồm đất nông nghiệp, đất phi nông nghiệp, đất chưa sử dụng rồi hình thành lên các giả thuyết có thể đúng hoặc sai, có thể là một công dân nào đó, UBND xã, đoàn thành niên hoặc chính phủ hoặc nhà nước… Tiếp đó ta nghĩ ngay đến quy định của pháp luật về đất đai, về các hình thức sở hữu và tìm được điều 19 trong Hiến Pháp 1992 và Điều 200 BLDS 2005 đều quy định đất đai thuộc sở hữu nhà nước. Như vậy ta có thể loại bỏ tất cả các giả thuyết không phải là nhà nước và giải quyết vấn đề, khẳng định chỉ có Nhà nước là chủ thể duy nhất có quyền sở hữu đối với đất đai, các chủ thể khác chỉ có quyền sử dụng mà không có quyền sở hữu với tài sản đặc biệt này.
   - Thứ ba là ứng dụng các thao tác tư duy phân tích – tổng hợp; so sánh; trừu tượng hoá – khái quát hoá trong việc học tập. Từ vấn đề ta xem xét, phân tích nó ở các góc độ khác nhau từ xa tới gần, từ khái quát đến cụ thể, các quan điểm khác nhau về vấn đề đó. Việc so sánh các quan điểm cũng rất quan trọng nó giúp sinh viên tìm ra những ưu điểm cũng như hạn chế của từng quan điểm để có hướng phát triển cho phù hợp. Từ việc phân tích so sánh riêng lẻ từng khía cạnh đó chúng ta cần tổng hợp, liên kết các bộ phận tách rời thành một chỉnh thống nhất. Ví dụ khi làm bài tập này thì nhóm trưởng có tư duy lập dàn ý rồi phân cho mỗi thành viên làm một vấn đề: người làm mở bài, kết bài; người làm và cho ví dụ về tính có vấn đề; tính trừu tượng – khái quát… người làm phần ứng dụng. Trên cơ sở những phần đó, nhóm trưởng tiếp tục tổng hợp, liên kết các phần với nhau thành một bài hoàn chỉnh để nộp vào giờ seminar của tuần học thứ tư.
   - Thứ tư, ứng dụng tính gián tiếp của tư duy. Khi không thể nhận thức trực tiếp được sự vật, hiện tượng bằng tri giác chúng ta cần sử dụng các công cụ phương tiện khác nhau. Ví dụ sinh viên xây dựng không thể đo đạc bằng mắt, bằng tay mà cần sử dụng thước đo, các công thức tính khoảng cách,sử dụng kĩ xảo 3D…để làm đồ án, phác thảo các dự án công trình.
   - Thứ năm ứng dụng tính trừu tượng hoá và khái quát hoá của tư duy. Có nhiều vấn đề ví dụ như pháp luật là gì, nếu ta phức tạp hoá vấn đề làm cho nó cao siêu, khó hiểu nhưng bỏ qua các thuộc tính  như pháp luật có từ khi nào, nó quy định cái gì… chỉ cần hiểu ngắn gọn: pháp luật thể hiện ý chí giai cấp cầm quyền, công cụ quản lí mọi mặt xã hội hiệu quả, là những quy tắc mà hàng ngày ta vẫn gặp đó là đi đúng đường, không được trộm cắp, không giết người….đó là trừu tượng hoá. Còn khi học các phần riêng lẻ ví dụ như chủ thể, khách thể, mặt chủ quan, mặt khách quan của tội phạm thì ta khái quát nên thành một vấn đề chung đó là “các dấu hiệu của tội phạm”.
   - Thứ sáu, ứng dụng đặc điểm tư duy gắn liền với ngôn ngữ. Đó là việc thể hiện tư duy của mình dưới hình thức ngôn ngữ như ngôn ngữ viết, ngôn ngữ nói. Đối với vấn đề của một tuần học, mỗi sinh viên nên nắm được các phần, nội dung chính theo mục tiêu trong đề cương. Từ đó thể hiện việc tư duy qua việc vẽ sơ đồ tư duy, triển khai các ý chính ý phụ theo sơ đồ cành cây để hệ thống kiến thức khoa học và dễ nhớ nhất. 
   - Thứ bảy, ứng dụng đặc điểm tư duy liên hệ với hoạt động nhận thức cảm tính. Trong việc học, sinh viên luôn phải sử dụng cảm giác, tri giác để tạo ra những tình huống có vấn đề kích thích khả năng tư duy. Nghe giảng không chỉ dùng tai mà còn dùng mắt nhìn, tay ghi chép. Đôi khi cần sử dụng cả sự phán đoán, linh cảm trong học tập. 

III. KẾT LUẬN

Trong quá trình phát triển của mình, con người không chỉ sử dụng tư duy nhằm giải quyết các vấn đề do thực tiễn cuộc sống đặt ra mà con người còn tiến hành tư duy nhằm lĩnh hội nền văn hoá của xã hội để tích luỹ kiến thức, hình thành và phát triển nhân cách bản thân. Trên cơ sở những hiểu biết đó đóng góp phần quan trọng công sức của mình cho sự phát triển của cả thế giới, xây dựng nền văn minh loài người. 

Chúng em xin chân thành cảm ơn !
DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Tâm lý học đại cương, Nxb CAND – 2011, trường Đại học Luật Hà Nội.
2. Nguyễn Xuân Thức, Giáo trình tâm lý học đại cương, Nxb Đại học sư phạm – 2008
3. https://vn.answers.yahoo.com/question/index?qid=20090901191417AAyS8I3
4. http://www.khoahoctre.com.vn/th-vin/vn-m/1297-phan-tich-cac-c-im-ca-t-duy--.html

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Lam Chi đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment