08/05/2014
Bài tập học kỳ Hôn nhân và Gia đình - Điều kiện và hậu quả pháp lý của việc nhận nuôi con nuôi - 8 điểm
LỜI MỞ ĐẦU

Nuôi con nuôi là một hiện tượng xã hội, một chế định pháp lí đã xuất hiện từ lâu trong lịch sử pháp luật Việt Nam. Việc nuôi con nuôi thể hiện tính nhân văn, nhân đạo sâu sắc, tinh thần tương thân, tương ái giúp đỡ lẫn nhau giữa con người với con người, đặc biệt là với trẻ em mồ côi, tật nguyền, không người chăm sóc...thì việc nhận nuôi con nuôi càng có ý nghĩa và cấp thiết hơn. Pháp luật Việt Nam cũng đã ban hành nhiều văn bản quy phạm về vấn đề nuôi con nuôi cũng như tham gia các công ước quốc tế về trẻ em. Chế định nuôi con nuôi đã được quy định tại luật Hôn nhân và gia đình từ năm 1959, nhưng cho tới luật Hôn nhân và gia đình năm 2000, thì vẫn còn nhiều hạn chế, bất cập làm cho việc nuôi con nuôi không còn đơn thuần là nghĩa cử nhân văn mà nó lại mang ngững mục đích vụ lợi khác.Luật Nuôi con nuôi ra đời năm 2010 ra đời đã xây dựng được một khung pháp lý thống nhất và tương đối ổn định, có giá trị áp dụng lâu dài với hiệu lực pháp lý điều chỉnh các quan hệ trong lĩnh vực nuôi con nuôi, vì vậy giữa chế định nuôi con nuôi trong luật Hôn nhân và gia đình năm 2010 và luật nuôi con nuôi năm 2010 sẽ có những điểm khác nhau. Chính vì vậy em xin chọn đề tài: “Nêu và lý giải những điểm khác nhau về điều kiện và hậu quả pháp lý của việc nhận nuôi con nuôi trong chương nuôi con nuôi theo Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 và Luật nuôi con nuôi năm 2010”.

NỘI DUNG

I. Khái niệm chung.

1. Khái niệm “con nuôi”.

Dưới góc độ xã hội: con nuôi là con của người khác nhưng được một người hoặc một cặp vợ chồng nhận làm con, và coi như con đẻ của mình, nhằm thỏa mãn một số nhu cầu và lợi ích nhất định của các bên.

Dưới góc độ pháp lí: con nuôi là người có đủ điều kiện do pháp luật quy định được một người hoặc một cặp vợ chồng nhận làm con thông qua những thủ tục pháp lí nhất định, mà giữa hai bên không tồn tại quan hệ huyết thống trực hệ, không sinh ra nhau và không là anh chị em ruột của nhau, và người nhận nuôi không vì mục đích trục lợi như làm lao động không công, bán dâm...

2. Khái niệm “ nuôi con nuôi”.

Theo khoản 1 Điều 67 Luật Hôn nhân và gia đình năm 2000 quy định: “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi con nuôi và người được nhận làm con nuôi, bảo đảm cho người được nhận làm con nuôi được trông nom, nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục phù hợp với đạo đức xã hội”.

Khoản 1 Điều 3 Luật Nuôi con nuôi năm 2010 cũng có quy định tương tự: “Nuôi con nuôi là việc xác lập quan hệ cha, mẹ và con giữa người nhận con nuôi và người được nhận làm con nuôi”.

Như vậy khi xác lập quan hệ cha mẹ và con giữa người nhận nuôi và người được nhận nuôi, các bên sẽ đối xử với nhau như cha mẹ đẻ với con đẻ, không có sự phân biệt và con thì cũng phải thực hiện đầy đủ nghĩa vụ với cha mẹ nuôi như với cha mẹ đẻ, nhưng giữa các bên không có quan hệ với nhau về mặt sinh học và huyết thống.

Trong xã hội việc nuôi con nuôi có thể tồn tại dưới nhiều hình thức khác nhau như: nuôi con nuôi trên danh nghĩa, nuôi con nuôi trên thực tế, nuôi con nuôi theo phong tục tập quán... Quan hệ nuôi con nuôi ở đây không đòi hỏi phải có các điều kiện chặt chẽ mà chủ yếu là để thỏa mãn một số lợi ích về cả vật chất và tinh thần giữa các bên. Trên thực tế thì quan hệ nuôi con nuôi không phải bao giờ cũng có sự thùa nhận của cơ quan nhà nước có thẩm quyền, trong các trường hợp như trên thì quan hệ nuôi con nuôi vẫn được xác lập nhưng không có sự tham gia điều chỉnh của cơ quan nhà nước có thẩm quyền.

Khái niệm nuôi con nuôi được xem xét dưới góc độ pháp lí:

- Sự thể hiện ý chí của người nhận nuôi con nuôi: Người nhận nuôi con nuôi phải thể hiện ý chí của mình về việc mong muốn nhận nuôi đứa trẻ và thiết lập quan hệ cha mẹ và con với đứa trẻ đó.
- Sự thể hiện ý chí của cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ em được cho làm con nuôi: Ý chí của những người này trong việc cho trẻ em làm con nuôi phải minh bạch, và xuất phát từ sự tự nguyện thật sự của bản thân họ mà không có bất cứ sự tác động hoặc một áp lực nào.
- Sự thể hiện ý chí của bản thân người con nuôi: Khoản 2 Điều 71 Luật HN&GĐ năm 2000 và khoản 1 Điều 21 Luật nuôi con nuôi có quy định: “Việc nhận trẻ em từ đủ 9 tuổi trở lên làm con nuôi phải được sự đồng ý của trẻ em đó”.Pháp luật quy định đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên có quyền thể hiện ý chí độc lập, quyết định vấn đề có liên quan trực tiếp đến cuộc sống của mình; sự đồng ý làm con nuôi của đứa trẻ từ đủ 9 tuổi trở lên là điều kiện bắt buộc để việc nuôi con nuôi có giá trị pháp lí.
- Sự thể hiện ý chí của Nhà nước. Ý chí của Nhà nước được thể hiện qua việc công nhận hay không công nhận việc nuôi con nuôi, thông qua thủ tục đăng kí việc nuôi con nuôi hay từ chối việc đăng kí nuôi con nuôi. Việc nuôi con nuôi được công nhận tại cơ quan nhà nước có thẩm quyền làm phát sinh hiệu lực pháp lí của việc nuôi con nuôi.

Ngoài ra thì việc nuôi con nuôi còn thể hiện tính nhân văn, nhân đạo rất sâu sắc, thể hiện tinh thần tương thân tương ái, cưu mang giúp đỡ cũng như quan tâm cảu toàn xã hội đối với những trẻ em mồ côi, không người chăm sóc hay tàn tật, đối với nhà nước thì việc khuyến khích nhận con nuôi có ý nghĩa rất lớn.

II. Sự khác nhau về điều kiện và hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi giữa luật nuôi con nuôi và chế định nuôi con nuôi trong luật Hôn nhân và gia đình 2000.

1. Điều kiện của việc nuôi con nuôi

a. Điều kiện đối với người được nhận làm con nuôi.

Trước hết, Luật NCN đã thống nhất các điều kiện của người được nhận làm con nuôi trong nước và nước và nước ngoài, vì vậy điều kiện của người được nhận làm con nuôi trong nước và ngoài nước như nhau. Theo quy định thì ngoài việc đáp ứng những điều kiện nuôi con nuôi trong nước, Điều 1 Nghị định 69/2006/ NĐ- CP còn quy định thêm các điều kiện cho trẻ được nhận làm con nuôi nước ngoài. Luật NCN đã quy định chung điều kiện của người được nhận làm con nuôi tại Điều 8, không phân biệt nuôi trong nước hay nuôi con nuôi có yếu tố nứơc ngoài. Vì vậy sự khác nhau cơ bản giữa Luật NCN và Luật HN&GĐ về vấn đề này ở một số điểm sau:

Thứ nhất, theo Khoản 1 Điều 68 Luật HN và GĐ năm 2000 quy định “ người được nhận làm con nuôi phải là người từ 15 tuổi trở xuống” còn Luật NCN lại quy định tại Khoản 1 Điều 8 về độ tuổi của ngươì được nhận làm con nuôi là “ Trẻ em dưới 16 tuổi”.

Có sự khác biệt này là bởi Luật NCN có quan hệ và gắn bó mật thiết với độ tuổi được coi là trẻ em trong Luật chăm sóc, giáo dục và bảo vệ trẻ em. Vì vậy, Luật NCN tăng độ tuổi của người được làm con nuôi thành “dưới 16 tuổi”( Điều 8 Khoản 1), nhằm phù hợp với độ tuổi của trẻ em được quy định trong Luật Chăm sóc, bảo vệ và giáo dục trẻ em năm 2005 (theo điều 1, trẻ em theo quy định của luật này là công dân Việt Nam từ 16 tuổi trở xuống). Như vậy, trừ các trường hợp ngoại lệ được quy định tại khoản 2 điều 8, đối tượng điều chỉnh chủ yếu của Luật này chính là trẻ em, quy định này phù hợp với mục đích nuôi con nuôi. Quy định này nhằm đảm bảo tính thống nhất của hệ thống pháp luật trong nước đồng thời vẫn đảm bảo thực hiện nghiêm chỉnh cam kết quốc tế với trường hợp người nước ngoài nhận nuôi.

Thứ hai, theo Khoản 1 Điều 68 Luật HN và GĐ năm 2000 quy định: “Người trên 15 tuổi có thể đựơc nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi người già yếu cô đơn”. Còn tại Khoản 2 Điều 8 Luật NCN lại quy định trường hợp ngoại lệ về độ tuổi người được nhận làm con nuôi là “người từ 16 tuổi đến dưới 18 tuổi, nếu được cha dượng, mẹ kế hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi”.

Ở đây có 2 sự khác nhau, đó là:
+ Luật NCN không quy định vấn đề “được nhận làm con nuôi nếu là thương binh, người tàn tật, người mất năng lực hành vi dân sự hoặc làm con nuôi người già yếu cô đơn”. Vì những trường hợp này chỉ là quan hệ vì mục đích chăm sóc, phụng dưỡng. Việc loại bỏ các trường hợp này phù hợp với mục đích và nguyên tắc nuôi con nuôi là để tìm mái ấm gia đình cho trẻ em, bảo đảm cho trẻ em được chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trong môi trường gia đình; còn công tác đảm bảo cuộc sống cho thương binh, người tàn tật, người già yếu cô đơn sẽ do pháp luật về an sinh xã hội điều chỉnh.
+ Phần lớn những người ở độ tuổi từ 16 đến 18 chưa thể tự nuôi sống bản thân, tâm sinh lí cũng chưa phát triển hoàn thiện. Vì vậy pháp luật quy định người ở độ tuổi này có thể được cha dượng, mẹ kế hoặc cô, cậu, dì, chú, bác ruột nhận làm con nuôi để đảm bảo tính nhân đạo của việc nuôi con nuôi. Hiện nay có tương đối nhiều hồ sơ xin nhận trẻ em là con riêng của vợ hoặc chồng làm con nuôi. Việc giải quyết cho trẻ em làm con nuôi của người cha dượng hoặc mẹ kế nhằm đảm bảo cho trẻ em được hưởng đầy đủ các quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ và con cái khi trẻ em có cha mẹ kết hôn với người nước ngoài và người cha, người mẹ kế của trẻ em muốn nhận trẻ em đó làm con nuôi.

Theo khoản 2 điều 68 Luật HN và GĐ năm 2000: “ Một người chỉ có thể làm con nuôi một người hoặc của cả hai vợ chồng” còn tại khoản 3 Điều 8, Luật NCN năm 2010 lại quy định: “ một người chỉ được làm con nuôi của một người độc thân hoặc của cả hai người là vợ chồng”. Quy định của luật HN và GĐ chưa làm rõ vấn đề một người đã có vợ hoặc chồng có được phép nhận con nuôi riêng hay không. Luật NCN đã có sự thay đổi, hiểu theo quy định của khoản 3 điều 8, luật chỉ cho phép một người độc thân hoặc cả hai vợ chồng nhận con nuôi. Như vậy, Luật NCN không cho phép người đã có vợ hoặc chồng nhận con nuôi riêng, việc nhận con nuôi cần có sự thống nhất của cả hai vợ chồng.

b. Điều kiện đối với người nhận nuôi con nuôi.

* Trường hợp nuôi con nuôi trong nước:

Cũng giống như quy định theo Luật HN và GĐ năm 2000, Luật NCN tiếp tục kế thừa một số điều kiện của người nhận con nuôi như: có năng lực hành vi dân sự đầy đủ, hơn con nuôi từ 20 tuổi trở lên, có tư cách đạo đức tốt…

Thứ nhất, “ điều kiện thực tế” để nuôi con nuôi trong Luật HN và GĐ được bổ sung trong quy định tại điểm c khoản 1 điều 14 Luật NCN năm 2010 là điều kiện về sức khoẻ, kinh tế, chỗ ở đảm bảo việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Như vậy, so với Luật HN và GĐ năm 2000 thì Luật NCN năm 2010 đã có quy định cụ thể rõ ràng hơn về vấn đề này. Quy định này tạo sự thuận lợi cho những người có thẩm quyền trong việc xem xét điều kiện của người nhận nuôi, từ đó đưa ra các quyết định hợp lí để công nhận hay không công nhận việc xác lập quan hệ nuôi con nuôi.

Theo khoản 3 điều 14 Luật NCN 2010, đối với trường hợp cha dượng nhận con riêng của vợ, mẹ kế nhận con riêng của chồng hoặc cô, cậu, dì, chú, bác nhận cháu làm con nuôi thì không áp dụng theo quy định điều kiện hơn con nuôi 20 tuổi trở lên và điều kiện về sức khoẻ, kinh tế, chỗ ở đảm bảo cho việc chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con nuôi. Sự điều chỉnh này của pháp luật là hợp lí, bởi nếu cha dượng, mẹ kế muốn nhận con riêng của vợ hoặc chồng mà không đáp ứng đủ điều kiện trên thì sẽ ngăn cản việc trẻ em có một gia đình trọn vẹn.

Thứ hai, Luật NCN năm 2010 quy định rõ cấm ông bà nhận cháu làm con nuôi, hoặc anh chị em nhận nhau làm con nuôi, tránh sự đảo lộn các thứ bậc trong gia đình (Điều 13). Ở đây cần phân biệt rõ việc nuôi con nuôi với việc nuôi dưỡng. Việc nuôi con nuôi phải làm phát sinh mối quan hệ cha mẹ và con; còn việc nuôi dưỡng chỉ là nghĩa vụ giữa các thành viên trong gia đình. Trường hợp cha mẹ chết thì ông bà (nội, ngoại) có nghĩa vụ nuôi dưỡng, chăm sóc cháu hoặc anh chị em có nghĩa vụ, chăm sóc em, đó là trách nhiệm nuôi dưỡng giữa các thành viên trong gia đình, không cần phải xác lập quan hệ nuôi con nuôi thì mới ràng buộc được trách nhiệm của các bên. Mặt khác, Luật NCN có quy định này để ngăn chặn việc thực hiện quan hệ nuôi con nuôi vì các mục đích khác không dựa trên chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ em.

*Trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài:

Trước hết, chế định nuôi con nuôi trong Luật HN và GĐ 2000 đã có sự mâu thuẫn khi quy định về vấn đề này. Khoản 1 Điều 105 Luật HN và GĐ năm 2000 xác định điều kiện của người nước ngoài xin nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi dựa trên quy định của pháp luật nơi người đó mang quốc tịch. Tuy nhiên, theo Khoản 1 điều 37 NĐ 68/2002/NĐ-CP thì việc xác định điều kiện của người xin nhận con nuôi lại dựa trên pháp luật Việt Nam và pháp luật nơi đó thường trú. Sở dĩ lại có quy định như vậy nhằm bảo đảm sự phù hợp giữa pháp luật trong nước và pháp luật quốc tế. Theo Khoản 1 Điều 29 Luật NCN 2010: “ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài nhận người Việt Nam làm con nuôi phải có đủ điều kiện theo quy định của pháp luật nơi người đó thường trú và quy định tại điều 14 của Luật này”.

Với điều kiện luật nói trên, một mặt luật NCN đã giải quyết tình trạng mẫu thuận giữa các quy định trước đây, mặt khác Luật NCN đã thể hiện sự kế thừa hợp lí trong NĐ 68/2002/NĐ- CP và NĐ 69/2006/ NĐ- CP, từ đó tạo ra khuôn khổ pháp lí thống nhất tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập công ước quốc tế.

Vấn đề điều kiện của người nhận con nuôi có yếu tố nước ngoài còn được quy định tại điều 28 Luật NCN 2010. Điều Luật này đưa ra 4 trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài. Theo khoản 1 Điều 28: “ Người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước cùng là thành viên của điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam làm con nuôi”

Khoản 2 Điều 28 quy định về các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài được nhận con nuôi đích danh. Vấn đề đặt ra từ các quy định này là:

Thứ nhất, những người nhận nuôi con nuôi đích danh theo quy định khoản 2 Đều 28 Luật NCN năm 2010 có nhất thiết phải là người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài thường trú tại quốc gia có kí kết điều ước quốc tế về nuôi con nuôi với Việt Nam hay không. Đối với vấn đề này, có thể nhận thấy người nhận nuôi con nuôi không nhất thiết phải đáp ứng điều kiện định cư hoặc thường trú tại quốc gia kí kết hợp tác về nuôi con nuôi với Việt Nam. Chỉ cần việc nuôi con nuôi thuộc một trong các trường hợp tại Khoản 2 Điều 28 thì người nhận nuôi con nuôi có thể nhận nuôi đích danh.

Thứ hai, khoản 2 Điều 28 nêu ra các trường hợp người Việt Nam định cư ở nước ngoài, người nước ngoài thường trú ở nước ngoài đựơc nhận nuôi con nuôi đích danh nhưng không quy định rõ là những người này có được nhận nuôi con nuôi không đích danh hay không. Ví dụ tại điểm đ) người nước ngoài đang làm việc, học tập ở Việt Nam trong thời gian ít nhất 1 năm có thể được nhận con nuôi không đích danh hay không. Các quy định tại Khoản 2 Điều 28 là chưa thực sự rõ ràng. Từ đó có thể gây ra những cách hiểu khác nhau đối với các trường hợp nhận nuôi con nuôi được quy định tại điều khoản này.

- Ngoài ra Luật NCN có sự điều chỉnh trong một số trường hợp nuôi con nuôi đích danh .

+ Điểm d Điều 28 Luật NCN: “ Người nước ngoài đang học tập , làm việc tại Việt Nam trong thời gian ít nhất là một năm”. So với quy định trước đây thì thời gian này được tăng thêm , theo mục 8 Nghị định 69/2006/NĐ- CP thì khoảng thời gian này chỉ là 6 tháng. Thay đổi này làm chặt chẽ hơn các điều kiện để người nước ngoài nhận trẻ em Việt Nam làm con nuôi.

+ Mục 8 Điều 1 Nghị định 69/2006/ NĐ- CP có quy định về người nhận con nuôi có “ quan hệ họ hàng, thân thích với trẻ em được nhận làm con nuôi”; Luật NCN quy định rõ ràng hơn về mối quan hệ này trong 2 trường hợp tại điểm a và điểm b khoản 2 điều 28: người nước ngoài nhận nuôi con nuôi là cha dượng, mẹ kế của người được nhận làm con nuôi; hoặc cô, dì, chú, bác của người được nhận làm con nuôi. Quy định này nhằm đáp ứng tình hình thực tế, tạo điều kiện cho người con được sống với cha, mẹ đẻ ở nước ngoài và tạo cơ hội để người đó được hưởng trọn vẹn quyền lợi của người con trong quan hệ với cha dượng mẹ kế theo pháp luật nước ngoài.

c. Điều kiện về ý chí của các bên chủ thể:

Theo Luật NCN, việc cho trẻ em làm con nuôi vẫn cần phải có dự đồng ý của cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ em từ 09 tuổi trở lên. Luật còn quy định rõ sự đồng ý này là phải hoàn toàn tự nguyện, trung thực không bị ép buộc, không bị đe doạ hay mua chuộc, không vụ lợi, không kèm theo yêu cầu trả tiền hoặc lợi ích vật chất khác (Điều 21).

Luật NCN đề cập vai trò của UBND trong việc tư vấn đối với cha mẹ đẻ hoặc người giám hộ của trẻ theo quy định của Khoản 2 Điều 21, nội dung tư vấn về các vấn đề như mục đích nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ giữa các bên liên quan sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập. Trong Nghị định 19/2011/NĐ- CP hướng dẫn thi hành Luật NCN, trước hết “ công chức tư pháp- hộ tịch phải tư vấn để trẻ em tiếp tục được chăm sóc, nuôi dưỡng giáo dục phù hợp với điều kiện và khả năng thực tế của gia đình, trường hợp cho trẻ cho trẻ em làm con nuôi là giải pháp cuối cùng vì lợi ích tốt nhất của trẻ em thì công chức tư pháp – hộ tịch phải tư vấn đầy đủ cho những người liên quan về mục đích nuôi con nuôi, quyền và nghĩa vụ giữa các bên sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập. Quy định này là cần thiết bởi sự tư vấn của UBND sẽ giúp chho cha mẹ đẻ, người giám hộ của trẻ hiểu rõ các vấn đề về nuôi con nuôi , đặc biệt là những hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi, từ đó cha mẹ đẻ có suy nghĩ kĩ lưỡng về việc có cho trẻ làm con nuôi hay không. Đối với trường hợp nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài , việc lấy ý kiến của các chủ thể được quy định tại điều 21 Luật NCN sẽ thuộc trách nhiệm của Sở Tư pháp, việc lấy ý kiến phải lập thành văn bản và có chữ kí hoặc điểm chỉ của người được lấy ý kiến . Đây là một quy định mới của Luật NCN 2010 so với Luật HN&GĐ 2000 đồng thời cũng tương thích với công ước quốc tế về bảo vệ trẻ em và hợp tác trong lĩnh vực nuôi con nuôi giữa các nước.

Như vậy về điều kiện nuôi con nuôi, Luật NCN có sự bổ sung trong các khía cạnh : Điều kiện của người được nhận làm con nuôi, điều kiện của người nhận nuôi con nuôi và điều kiện về ý chí của các bên chủ thể. Đối với vấn đề này, Luật NCN có sự kế thừa các quy định hợp lí của Luật HN&GĐ năm 2000, đồng thời có sự sửa đổi, bổ sung để các quy định cụ thểm rõ ràng hơn.

2. Hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi:

Hệ quả pháp lý của việc nuôi con nuôi là những vấn đề pháp lí phát sinh khi quan hệ nuôi con nuôi được pháp luật công nhận. Về vấn đề này Luật NCN có những điểm mới sau:

Luật HN&GĐ năm 2000 khi quy định về hệ quả pháp lí của việc nuôi con nuôi chỉ chú trọng điều chỉnh quan hệ giữa cha nuôi và con nuôi, có rất ít quy định về mối quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con nuôi, quan hệ giữa cha mẹ nuôi với cha mẹ đẻ. Luật NCN đã quy định cụ thể hơn về mối quan hệ 3 bên này, từ đó tạo ra cơ sở pháp lí để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của mỗi bên chủ thể trong quan hệ nuôi con nuôi:

- Đối với quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi, Khoản 1 Điều 24 Luật NCN quy định: “ kể từ ngày giao nhận con nuôi, giữa cha mẹ nuôi và con nuôi có đầy đủ các quyền, nghĩa vụ của cha mẹ và con; giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi cũng có quyền, nghĩa vụ đối với nhau theo quy định của pháp luật về hôn nhân và gia đình, pháp luật dân sự và các quy định khác của pháp luật có liên quan”. Trước hết, Điều luật này điều chỉnh mối quan hệ giữa chacon nuôi theo điều luật này có sự kế thừa Điều 74 của Luật HN & GĐ năm 2000. Theo đó kể từ thời điểm đăng kí nuôi con nuôi, cha mẹ nuôi sẽ có quyền và nghĩa vụ đối với con như chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục con , là người đại diện pháp luật cho con chưa thành niên, mất năng lực hành vi, con nuôi cũng có bổn phận phải yêu quý, kính trọng, chăm sóc; cha mẹ nuôi và con nuôi có quyền hưởng di sản thừa kế của nhau theo quy định của pháp luật thừa kế…Bên cạnh đó,Luật NCN quy định thêm về mối quan hệ pháp lí giữa con nuôi và các thành viên khác trong gia đình cha mẹ nuôi. Khi trở thành thành viên trong gia đình cha mẹ nuôi, con nuôi sẽ có mối quan hệ chặt chẽ, gắn bó, có quyền và nghĩa vụ với các thành viên khác trong gia đình như con đẻ. Có như vậy, con nuôi mới có thể hoà nhập một cách tốt nhất vào gia đình của cha mẹ nuôi, không có sự phân biệt đối xử giữa con nuôii và con đẻ. Như vậy mối quan hệ cha mẹ nuôi và con nuôi trong Luật NCN đã sửa đổi bổ sung theo chiều hướng con nuôi có sự gắn bó chặt chẽ hơn về quyền và nghĩa vụ với cha mẹ nuôi

- Đối với mối quan hệ giữa con nuôi và cha mẹ đẻ, Luật HN&GĐ 2000 quy định rất ít về vấn đề này. Đối với vấn đề nhân thân, Luật HN&GĐ năm 2000 chỉ quy định về quyền của con liệt sĩ, thương binh, con của người có công với Cách mạng. Về vấn đề tài sản, cha mẹ đẻ và con đã được cho làm con nuôi vẫn có quyền thừa kế di sản của nhau. Đối với quyền và nghĩa vụ khác, Luật không có quy định cụ thể, điều này gây ra khó khăn trong việc xác định quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và con nuôi trên thực tế. Để giải quyết vấn đề này , Luật NCN đã quy định “ Trừ trường hợp cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi có thoả thụân khác, kể từ ngày giao nhận con nuôi, cha mẹ đẻ không có quyền, nghĩa vụ chăm sóc, nuôi dữơng, cấp dưỡng, đại diện theo pháp luật, bồi thường thiệt hại, quản lí tài sản riêng đối với con cho làm con nuôi”(Khoản 2 Điều 4). Theo điều khoản trên, khi quan hệ nuôi con nuôi đựơc xác lập, trong quan hệ giữa cha mẹ đẻ và con nuôi có thể xảy ra các trường hợp:

Thứ nhất, giữa cha mẹ đẻ và con nuôi sẽ không còn quyền và nghĩa vụ được nêu trong khoản 4 điều 24, trường hợp này xảy ra khi cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi không có thoả thuận gì hoặc thoả thuận chấm dứt toàn bộ quyền và nghĩa vụ trên. Thứ hai, cha mẹ đẻ vẫn còn các nghĩa vụ nói trên đối với con đã cho làm con nuôi, điều này phải dựa trên thoả thuận giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Trường hợp này tuỳ theo sự thoả thuận với cha mẹ nuôi, cha mẹ đẻ vẫn còn toàn bộ quyền và nghĩa vụ nói trên với con nuôi hoặc chỉ một số quyền và nghĩa vụ nhất định. Ví dụ cha mẹ đẻ có thể không có quyền chăm sóc, nuôi dưõng con nuôi nhưng vẫn có quyền đại diện cho con theo pháp luật. Đây là một quy định mới của Luật NCN nhằm phù hợp với công ước Lahay 1993.

- Khoản 4 Điều 24 cũng thể hiện mối quan hệ cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Sau khi quan hệ nuôi con nuôi được xác lập, giữa cha mẹ đẻ với cha mẹ nuôi có thể hoặc không có mối liên hệ nào với nhau về quyền và nghĩa vụ. Ví dụ. nếu cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi cùng thoả thuận có trách nhiệm chu cấp cho con hoặc cùng có nghĩa vụ quản lí tài sản của con thì thoả thuận này sẽ là cơ sở để tạo nên mối liên hệ về quyền và nghĩa vụ giữa cha mẹ đẻ và cha mẹ nuôi. Ngược lại, nếu hai bên cha mẹ không có thoả thuận gì thì mối liên hệ trên cũng không tồn tại. Luật NCN không có quy định cụ thể về hình thức của sự thoả thuận.

Như vậy so với Luật HN&GĐ năm 2000 có thể thấy Luật NCN quy định cụ thể hơn về mối quan hệ pháp lí 3 bên sau khi việc nuôi con nuôi được xác lập. Theo điều 24 Luật NCN mối quan hệ này có chiều hướng mở tuỳ thuộc vào sự thoả thuận giữa cha mẹ đẻ với cha mẹ nuôi . Việc quy định vậy nhằm tạo ra cơ sở pháp lí để bảo vệ quyền và nghĩa vụ của các chủ thể trong quan hệ nuôi con nuôi.

KẾT BÀI

Qua sự phân tích một số điểm khác nhau cơ bản giữa Luật HN&GĐ năm 2000 và Luật NCN 2010 mà cụ thể là sự khác nhau giữa điều kiện và hậu quả pháp lý của việc nuôi con nuôi ta nhận thấy những hạn chế của Luật HN&GĐ năm 2000 về chế định nuôi con nuôi đồng thời thấy được sự điều chỉnh hợp lí, đúng mục đích và phù hợp hơn trong thực tiễn việc nuôi con nuôi được sửa đổi, bổ sung trong Luật NCN.Luật NCN quy định như vậy sẽ tạo ra sự thống nhất thể hiện sự pháp điển hoá đồng bộ giữa nuôi con nuôi trong nước và nuôi con nuôi có yếu tố nước ngoài, đồng thời cũng đảm bảo được sự bình đẳng giữa những trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Giáo trình Luật Hôn nhân và Gia đình Việt Nam-nxb Công An Nhân dân
2. Luật Hôn nhân và Gia đình năm 2000
3. Luật nuôi con nuôi năm 2010
4. http://ebook.ringring.vn/xem-tai-lieu/bai-tap-lon-luat-hon-nhan-va-gia-dinh-neu-va-ly-giai-nhung-diem-khac-nhau-ve-dieu-kien-va-hau-qua-p/34655.html
5. http://luanvan.co/luan-van/neu-va-li-giai-nhung-diem-khac-nhau-giua-che-dinh-nuoi-con-nuoi-trong-luat-hn-va-gd-nam-2000-va-luat-nuoi-con-nuoi-nam-9239/

Cảm ơn bạn Đắc Liễu đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment