08/05/2014
Bài tập học kỳ Đại cương văn hóa VN - Văn hóa là một bộ môn khoa học nghiên cứu về văn hóa như một chỉnh thể tự biến đổi và phát triển
LỜI MỞ ĐẦU.

Việt Nam là một đất nước đã được hình thành từ hơn bốn nghìn năm trong lịch sử, trong quá trình hình thành và phát triển của mình chúng ta đã tạo nên cho mình một nền văn hóa riêng biệt mang đậm nét Á Đông. Để hiểu hơn về sự biến đổi cũng như phát triển qua thời gian của văn hóa học em xin chọn đề bài: “Văn hóa là một bộ môn khoa học nghiên cứu về văn hóa như một chỉnh thể tự biến đổi và phát triển”, làm đề tài cho bài tiểu luận này!

NỘI DUNG

I. Văn hóa học- một bộ môn khoa học nghiên cứu về văn hóa.

Cho tới hiện nay người ta thống kê có tất cả hơn 400 định nghĩa về văn hóa, như vậy có thể thấy văn hóa là một khái niệm rất rộng, và để xác định được định nghĩa văn hóa một cách cụ thể thì không hề đơn giản, vì mỗi tác giả, mỗi nhà nghiên cứu lại đưa ra những quan điểm riêng của mình về định nghĩa văn hóa dựa trên vấn đề mà họ đã nghiên cứu.

Theo GS. Trần Ngọc Thêm :“Văn hóa là một hệ thống hữu cơ các giá trị vật chất và tinh thần do con người sáng tạo và tích lũy qua quá trình hoạt động thực tiễn, trong sự tương tác giữa con người với môi trường tự nhiên và xã hội của mình”.

Còn các học giả Mỹ thì lại cho rằng: “ văn hóa là tấm gương nhiều mặt phản chiếu đời sống và nếp sống của một cộng đồng dân tộc”. Và còn rất nhiều các định ngĩa khác về văn hóa.

Từ các định nghĩa trên có thể rút ra một khái niệm chung nhât về văn hóa đó là: “ văn hóa là những khuôn mẫu ứng xử chung cho con người và nó do con người sáng tạo ra trong hoạt động thực tiễn hoặc đã có từ trước và nay họ tiếp thu và phát triển hơn”.

Hoạt động nghiên cứu về văn hóa là văn hóa là văn hóa học, văn hóa rất đa dạng và phong phú do đó nghiên cứu về văn hóa là vô cùng khó khăn và phức tạp vì nó liên quan tới mọi lĩnh vực của đời sống xã hội.

Văn hóa học là một bộ môn khoa học tương đối mới, nó nghiên cứu văn hóa nói chung và các hiện tượng văn hóa riêng biệt như văn hóa gia đình, tôn giáo, nghệ thuật, lối sống, chính trị, kinh tế, giáo dục v.v… Mục đích của văn hóa học là nghiên cứu để tìm ra tính quy luật của những biến đổi văn hóa- xã hội.


Ví dụ như văn hóa làng nghề, văn học, ca hát, ăn mặc, ẩm thực…và nhiệm vụ của văn hóa học là nghiên cứu tìm ra những điểm chung, tạo thành 1 thể thống nhất cho văn hóa dân tộc.


II. Văn hóa là một chỉnh thể thống nhất.

Văn hóa có chủ thể và khách thể là con người nên vô cùng đa dạng và phông phú cho nên phải nhìn nhận văn hóa từ một chỉnh thể thống nhất ta mới có thể lí giải mối quan hệ giữa con người với tự nhiên và xã hội từ đó sẽ hiểu sâu hơn về văn hóa.

Văn hóa Việt Nam là cộng đồng văn hóa dân tộc/quốc gia, đây là nền văn hóa dân tộc thống nhất trên cơ sở đa dạng sắc thái văn hóa tộc người.Khái niệm dân tộc/quốc gia chỉ một quốc gia có chủ quyền, trong đó phần lớn công dân gắn bó với nhau bởi những yếu tố tạo nên một dân tộc.Quan niệm này hiện nay đang là quan niệm chiếm số đông bởi các nhà nghiên cứu, các nhà quản lý trong lĩnh vực văn hóa Việt Nam.

Văn hóa Việt Nam dưới quan niệm là văn hóa dân tộc thống nhất trên cơ sở đa sắc thái văn hóa tộc người được thể hiện ở ba đặc trưng chính:

Đặc trưng thứ nhất: Việt Nam có một nền văn hóa phong phú và đa dạng trên tất cả các khía cạnh, người Việt cùng cộng đồng 54 dân tộc anh em có những phong tục đúng đắn, tốt đẹp từ lâu đời, có những lễ hội nhiều ý nghĩa sinh hoạt cộng đồng, những niềm tin bền vững trong tín ngưỡng, sự khoan dung trong tư tưởng giáo lý khác nhau của tôn giáo, tính cặn kẽ và ẩn dụ trong giao tiếp truyền đạt của ngôn ngữ, từ truyền thống đến hiện đại của văn học, nghệ thuật.

Đặc trưng thứ hai: Sự khác biệt về cấu trúc địa hình, khí hậu và phân bố dân tộc, dân cư đã tạo ra những vùng văn hoá có những nét đặc trưng riêng tại Việt Nam. Từ cái nôi của văn hóa Việt Nam ở đồng bằng sông Hồng của người Việt chủ đạo với nền văn hóa làng xã và văn minh lúa nước, đến những sắc thái văn hóa các dân tộc miền núi tại Tây bắc và Đông bắc. Từ các vùng đất biên viễn của Việt Nam thời dựng nước ở Bắc Trung bộ đến sự pha trộn với văn hóa Chăm Pa của người Chăm ở Nam Trung Bộ. Từ những vùng đất mới ở Nam Bộ với sự kết hợp văn hóa các tộc người Hoa, người Khmer đến sự đa dạng trong văn hóa và tộc người ở Tây Nguyên.

Đặc trưng thứ ba: Với một lịch sử có từ hàng nghìn năm của người Việt cùng với những hội tụ về sau của các dân tộc khác, từ văn hóa bản địa của người Việt cổ từ thời Hồng Bàng đến những ảnh hưởng từ bên ngoài trong trong hàng nghìn năm nay. Với những ảnh hưởng từ xa xưa của Trung Quốc và Đông Nam Á đến những ảnh hưởng của Pháp từ thế kỷ 19, phương Tây trong thế kỷ 20 và toàn cầu hóa từ thế kỷ 21. Việt Nam đã có những thay đổi về văn hóa theo các thời kỳ lịch sử, có những khía cạnh mất đi nhưng cũng có những khía cạnh văn hóa khác bổ sung vào nền văn hóa Việt Nam hiện đại.

Ví dụ:4000 năm dựng nước và giữ nước của dân tộc Việt Nam gắn với bao thăng trầm của lịch sử, đất nước, bao cung điện, lầu son gác tía được xây dựng rồi bị tàn phá, mai một, quên lãng. Trong hoàn cảnh đó, một loại hình kiến trúc vẫn sống mãi với thời gian - ngôi nhà sàn mang vẻ bình dị, mộc mạc đã góp thêm nét độc đáo vào kiến trúc Việt Nam.

Từ thời vua Hùng khởi nghiệp, nhà sàn đã là nơi cư trú, che nắng, che mưa, ngăn thú dữ, là nơi sum họp gia đình. Ðây là ngôi nhà thích hợp với địa thế dốc và nền đất còn lầy lội. Có hai kiểu nhà sàn được sử dụng ở vùng đất của các vua Hùng (thuộc tỉnh Vĩnh Phú), đó là kiểu nhà có mái cong hình mui thuyền, sàn thấp, không có vách tường ngăn che, đuôi mái gối sát sàn nhà đảm đương nhiệm vụ của tường ngoài. Kiểu thứ hai có mái dốc đổ về hai phía, nghiêng thẳng xuống sàn, phần giữa của mái võng xuống và được trang trí hình chim, thú đẹp mắt.Hai đầu nóc nhà uốn cong, cửa được bố trí ở hai đầu.

Ngày nay, thói quen sinh sống trong nhà sàn của người dân miền núi vẫn không thay đổi, hầu như mọi hoạt động đều diễn ra ở đây: thờ cúng tổ tiên, tiếp khách, nấu nướng, ăn uống và đồng thời cũng là nơi thêu thùa, dệt vải, dệt chăn, dệt thổ cẩm... Ngay cả sân phơi cũng được bố trí trên sàn, nó là một phần của ngôi nhà và ở vị trí thấp hơn sàn nhà chính từ 1 đến 2 bậc lên xuống, nhằm cách biệt với không gian chính. Phía dưới nhà sàn thường để trống hoặc chỉ quây lại một phần nhỏ để nhốt gia súc, gia cầm.

Nhìn chung, vật liệu để xây cất nhà sàn rất đơn giản, thường là gỗ, song, mây, tre, bương, vầu... được khai thác trong các rừng nhiệt đới. Tuy được dựng từ những vật liệu đơn sơ như vậy, nhưng nhà sàn vẫn rất vững chãi nhờ sự hợp lý trong việc tạo tỉ lệ trong kết cấu khung gỗ. Mái của nhà sàn thường có độ dốc lớn, có dạng 2 mái, 3 mái hay 4 mái với vật liệu để lợp thường là lá gồi, tranh hay ngói âm dương... Việc tạo độ dốc lớn như vậy nhằm tạo điều kiện cho nước mưa thoát đi nhanh nhất, đồng thời tận dụng không gian trong bằng cách gác thêm các tấm ván để chứa ngô, khoai, thóc, lúa.Trong nhà sàn, một trong những bộ phận được coi là quan trọng nhất là bếp. Ngoài việc phục vụ cho đun nấu, bếp còn là nơi đốt lửa sưởi ấm cho toàn bộ ngôi nhà, giữ cho mọi thứ được khô ráo, tránh được ẩm thấp của khí hậu miền rừng núi. Thường trong nhà sàn, bếp được đặt ở chính giữa, đây cũng chính là nơi cả gia đình tụ họp sau một ngày lao động, bởi thế bếp trở nên thân thương gần gũi, song cũng vô cùng thiêng liêng đối với mỗi con người.

Nhà sàn của người Tày, Nùng ở Tây Bắc Việt Nam (Lạng Sơn, Cao Bằng) thường được làm tựa lưng vào đồi núi, mặt hướng ra phía ruộng đồng và cảnh trí thiên nhiên thoáng đãng, rộng rãi, tránh núi non, sông ngòi, bụi cây có hình thù kỳ bí. Ðiều này xuất phát từ quan niệm của người Tày, Nùng cho rằng, mỏm núi hình mũi tên hướng vào nhà thì mọi người trong nhà sẽ hay gặp phải tai nạn, thương vong; bụi cây có hình thù của thú dữ sẽ làm cho gia cầm chăn nuôi hay bị chết, bị bắt; còn một dòng suối chảy qua nhà sẽ làm gia đình bị mất của... Mặt bằng nhà sàn của người Tày, Nùng thường có bề ngang hẹp và lòng nhà sâu, trong nhà có từ 7 đến 9 hàng cột. Các ngôi nhà trong bản thường được dựng song song với nhau và chạy theo triền đồi.

Với người Việt, các ngôi nhà của họ lại dàn trải theo chiều ngang do được làm ở vùng đất bằng phẳng hơn. Nhà sàn của người Việt có thang chính lên sàn ở bên phải, và một thang phụ ở bên trái. Tường vách của nhà bằng ván mỏng hoặc phên nứa với kết cấu vì kèo có cột chống thẳng lên nóc, xen giữa 2 cột là 1 hay 2 trụ hình quả bầu, còn mái nhà phần lớn có dạng 4 mái. Việc phân định khu vực trong nhà sàn cũng rõ rệt, phần nhà ngoài bên phải là nơi đặt bàn thờ tổ tiên, nơi tiếp khách và là nơi ở của nam giới, còn nữ giới thường ở phần bên trái.

Nhà sàn của người Mường mang đặc điểm của cả 2 loại nhà sàn của người Việt và Tày, Nùng.Người Thái lại có kiểu nhà sàn riêng. Tất cả các ngôi nhà trong bản làng người Thái đều hướng về một ngọn núi vút cao, cây cối tươi xanh, thể hiện cho sức sống mãnh liệt, bất diệt, đồng thời rất kiêng ngôi nhà của mình hướng vào khoảng giữa của 2 quả núi. Cũng như các dân tộc khác nhà của người Thái cũng có hướng Bắc - Nam. Tuy nhiên, nét khác biệt là mặt bằng được chia làm 2 phần, phần trên là nơi khách lạ không bao giờ được đặt chân tới, đây là nơi thờ cúng tổ tiên và là nơi ngủ, nghỉ ngơi của tất cả các thành viên trong gia đình. Phần dưới là nơi tiếp khách, nấu nướng, ăn uống và làm các công việc khác: dệt vải, quay sợi...

Nhà sàn của người Thái thường có 2 cửa ra vào, được bố trí ở 2 đầu hồi, cửa ở đầu hồi bên trái được gọi là cửa "chán", còn cửa ở đầu hồi bên phải được gọi là cửa "quản". Người nhà thì được qua lại ở cả 2 cửa, nhưng với khách thì lại khác, nếu khách là nam thì qua lại bằng cửa "quản", còn nữ thì ở cửa "chán", rể mới đến ở thì được bố trí ngủ dưới mái đầu hồi phía phải được gọi là "táng quản". Ở đầu hồi còn lại, người Thái bố trí một sàn phơi ngô, sắn, quần áo gọi là "táng chán", xung quanh có lan can bằng gỗ chắc chắn. Nhà sàn của người Thái còn có hệ thống cửa sổ hay còn gọi là "tủ tang" rất đẹp mắt, được bố trí ngay sát sàn nhà, thường có kích thước 60cm x 100cm, có chấn song gỗ cao 60cm và có 2 cánh. Mái nhà sàn của Thái cũng được làm hết sức độc đáo, thường là 4 mái, 2 mái phẳng hình chữ nhất, đổ nghiêng sang hai bên và 2 mái cong hình quạt ở 2 đầu hồi.

Còn ở Tây Nguyên, các bản làng người Bana, Xêđăng, Giarai... có nhà Rông với mái vút cao, dốc tựa hình lưỡi rìu ngửa lên trời; bờ nóc hình cung có nhiều hình trang trí rất đẹp, là nơi tụ họp, sinh hoạt của cả buôn làng, tựa như ngôi đình làng của người Kinh ở đồng bằng Bắc Bộ. Trước nhà rông là một sàn gỗ dài và rộng không lợp mái, như một tiền sảnh của ngôi nhà. Người Êđê ở Ðắk Lắk lại không có nhà Rông, họ sống theo kiểu "mẫu hệ" trong các ngôi nhà sàn thường được gọi là nhà dài, với nhiều gia đình nhỏ. Người Êđê quan niệm phía Ðông là phía trên, là nơi bố trí các phòng ngủ, chỗ ngồi của chủ nhà... còn phía Tây là phía dưới. Nhà sàn của người Êđê không có vì kèo, chỉ có các hàng cột, 2 đầu mái nhô ra 1 - 1,5m, mái nhà hình thang cân, phần dài ở trên, phần ngắn ở dưới. Trong nhà của người Êđê, gian khách thường chiếm một không gian rất rộng, có 4 cây cột chính là cột chủ, cột khách, cột trống và cột chiêng, trong gian khách thường có các ghế khách làm bằng những cây đại thụ dài 27 - 30m được trang trí nhiều hoa văn đẹp.

Dù chỉ là những ngôi nhà ở dung dị, nhưng nhà sàn lại gắn kết với thiên nhiên, chở che con người và mang đến vẻ đẹp của sự bình yên giữa thiên nhiên hùng vĩ.

III. Văn hóa tự biến đổi và phát triển.

Văn hóa không thể tồn tại vĩnh cửu cùng thời gian mà nó luôn luôn có sự biến đổi. Như đã nói ở trên văn hóa trải qua các giai đoạn lịch sử khác nhau và cho tới hiện nay sản phẩm của thời gian là những nền văn hóa tiến bộ mà chúng ta đang tiếp thu, cũng không đồng nghĩa rằng chúng ta chỉ tiếp thu mà không sáng tạo, vì nói rộng ra thì văn hóa gắn liền với hoàn cảnh kinh tế và xã hội cho nên nó luôn biến đổi và phát triển.

Ta không thể mang nền văn hóa từ thời kì phong kiến vào đời sống hiện tại, ví dụ thời phong kiến phụ nữ nhuộm răng đen là một nét đẹp, nhưng ngày nay chúng ta không chấp nhận điều đó, bây giờ phải là răng trắng mới là đẹp.

Năm quan mua lấy miệng cười
Mười quan chẳng tiếc, tiếc người răng đen.

Xã hội biến đổi phát triển thì kéo theo một quy luật tất yếu là các sản phẩm tinh thần cũng biến đổi theo. Hiện nay trong thời kì giao lưu tiếp biến văn hóa, văn hóa Việt Nam đang đứng trước nhiều cơ hội như quảng bá văn hóa Việt Nam với bạn bè thế giới, tiếp thu những nền văn hóa tiến bộ…nhưng bên cạnh đó thì cũng có vô vàn khó khăn thử thách đó là sự sâm lăng của nền văn hóa dẫn tới mất dần đi bản sắc văn hóa dân tộc, hòa nhập mà không hòa tan!

KẾT LUẬN

Như vậy có thể thấy văn hóa Việt Nam là một chỉnh thể có tính thống nhất tương đối cao. Tuy mỗi vùng miền trên đất nước lại có những phong tục tập quán riêng, nhưng nó không phá vỡ đi tính thống nhất mà nó làm cho nền văn hóa của chúng ta càng đa dạng và phong phú hơn, và văn hóa sẽ biến đổi theo thời gian.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO.

1. Cơ sở văn hóa Việt Nam- Trần Quốc Vượng-nxb Giáo Dục năm 1997
2. Cơ sở văn hóa Việt Nam- Trần Ngọc Thêm-nxb Giáo Dục.
3. http://www.vanhoahoc.vn/nghien-cuu/ly-luan-van-hoa-hoc/van-hoa-va-phat-trien/2228-nguyen-ngoc-hoa-nhung-thach-thuc-trong-giao-luu-van-hoa-va-hoi-nhap-hien-nay.html
4. http://www.cuocsongviet.com.vn/index.asp?act=detail&mabv=5491
5. http://www.slideshare.net/phamvantam245/vn-ha-vit-nam-thng-nht-trong-a-dng

Nếu muốn download, xin vui lòng điền vào form tại đây và gửi tối thiểu 01 bài tập của 4 kì gần nhất đạt trên 7 điểm và chưa từng đăng tại blog này vào email baitapluat@gmail.com hoặc inbox facebook Diệp Hân Đặng. Những bạn nào không gửi bài tập, mình xin phép không gửi link download tài liệu lại. Cảm ơn đã ghé thăm blog và xin lỗi vì đã làm phiền các bạn!

Cảm ơn bạn Đắc Liễu đã chia sẻ tài liệu này!

No comments:

Post a Comment