31/01/2015
Nêu một vụ việc đình công xảy ra vào năm 2013 và bình luận về tính hợp pháp của cuộc đình công đó - Bài tập học kỳ Luật Lao động
Nêu một vụ việc đình công xảy ra vào năm 2013 và bình luận về tính hợp pháp của cuộc đình công đó.

a. Vụ việc đình công thực tế xảy ra vào năm 2013.

Vụ việc đình công tại Công ty TNHH Phú Xuân - VMC (100% vốn đầu tư của Đài Loan (TQ) - thuê nhà xưởng của Cty Hoàng Gia Cát Tường để hoạt động sản xuất) đóng tại đường Yesin, thành phố Thủ Dầu Một (tỉnh Bình Dương) ngày 10/10/2013.

Nội dung vụ việc:

Ngày 10/10/2013, hơn 2.600 Công nhân (sau đây viết tắt là CN) trong tổng số 3.400 công nhân may giày da của Công ty Phú Xuân sau khi nhận lương tháng 9 qua thẻ ATM phát hiện tiền lương thấp hơn so với các tháng trước. Nhiều CN ngỡ ngàng về tiền lương nhận được bị giảm đi từ 1 - 2 triệu đồng. Ngay sau đó, CN đồng loạt phản ứng bỏ ngang công việc, kéo đến bao vây đòi hỏi Ban giám đốc về quyền lợi và yêu cầu giải quyết, phản đối việc Công ty đã tự ý trừ tiền lương của CN. Nhiều CN còn đưa ra con số cụ thể để so sánh: Trước đây CN làm theo sản phẩm có mức thu nhập bình quân từ 4,5 - 5 triệu đồng/tháng. Sau đó, Cty chuyển sang làm lương tháng theo thời gian. Ban giám đốc Cty đề ra định mức sản phẩm may giày da trên từng dây chuyền nên chúng tôi lao đầu làm, quên cả ăn, tăng ca thường xuyên vào buổi tối và cứ tưởng sẽ nhận lương như những tháng trước. “Thật sốc và bất ngờ, tiền lương Cty trả chỉ có vẻn vẹn 3 triệu đồng/tháng, giảm đứt 1,5 - 2 triệu đồng/người” - một công nhân nữ phản ánh.

Trước tình hình trên, ông Huỳnh Văn Nhị - Phó Chủ tịch UBND tỉnh Bình Dương - đã chỉ đạo Sở LĐTBXH, Liên Đoàn Lao Động Tỉnh và LĐLĐ TP.Thủ Dầu Một phối hợp với lực lượng chức năng khẩn trương làm việc để ổn định tình hình tại Công ty Phú Xuân, đảm bảo đời sống cho NLĐ an tâm làm việc.

Bắt đầu từ ngày 10/10/2013 thì 2600 CN của công ty đã ngừng việc và tập trung đình công tại nhà máy phản đối việc giảm lương của Công ty Phú Xuân, đồng thời CN cũng yêu cầu công ty Phú Xuân tăng mức lương hàng tháng lên cho CN vì mức lương như vậy là quá thấp, tăng các khoản phụ cấp, tiền thưởng, cải thiện chất lượng bữa ăn..v.v

Kết quả: Sau 4 ngày đình công, ngày 14.10, 2.600 công nhân (CN) của Cty TNHH Phú Xuân (100% vốn đầu tư nước ngoài, chuyên sản xuất da giày, đóng trên đường Yesin, TP.Thủ Dầu Một) tham gia đình công đã đạt được thỏa thuận về chế độ tiền lương được điều chỉnh tăng mới, cộng thêm các khoản phụ cấp khác…

Trao đổi với phóng viên,  bà Nguyễn Thị Gái - Chủ tịch LĐLĐ TP.Thủ Dầu Một - cho biết: Sau 4 ngày đình công, đến sáng 14.10, Ban giám đốc Cty Phú Xuân đã cam kết điều chỉnh tiền lương... Theo biên bản làm việc của Ban giám đốc Cty Phú Xuân với các cơ quan chức năng cùng tổ chức CĐ tại Cty, tất cả CN được điều chỉnh cộng thêm 350.000 đồng/tháng vào tiền lương cơ bản hàng tháng. Cộng thêm đó, các loại tiền phụ cấp cũ vẫn không thay đổi (chỉ áp dụng cho CN có hợp đồng chính thức).

Cụ thể: Đối với CN hiện có mức lương 2.714.000 đồng thì mức mới vừa điều chỉnh thêm 350.000 đồng, tổng cộng 3.064.000 đồng/tháng. Cty có sự điều chỉnh thay đổi về mức thưởng như sau: Làm đủ một năm trước đây thưởng 30.000 đồng thì nay tăng lên 60.000 đồng/người/tháng. Về mong muốn cải thiện chất lượng bữa ăn, Cty Phú Xuân đã chấp thuận kể từ ngày 1.11, điều chỉnh mức tiền ăn giữa ca 12.000 đồng/suất ăn. Trước thắc mắc của CN về việc trừ tiền chuyên cần, ban giám đốc Cty giải thích rằng: Cty có thiết lập chế độ tiền thưởng cho NLĐ nhằm để khuyến khích CN đi làm đủ trong tháng. Vì vậy ngày nào CN không đi làm thì không được hưởng chứ không gọi là trừ.

Trước đề nghị của CN về việc trả lương, ban giám đốc Cty Phú Xuân cho rằng: Trước đây, do hưởng lương theo sản phẩm nhưng thường xuyên không đạt mục tiêu nên phải bù công, nhưng khi bù công dựa vào mức lương cơ bản để bù công vì vậy khi lãnh lương sản phẩm mà bù công, thì như lãnh lương cơ bản. Cty đưa ra dẫn chứng tiền khoán 100.000 đồng/ngày nhưng trong quá trình sản xuất CN không đạt tiền lương khoán nên phải buộc bù công. Do vậy, Cty quyết định chuyển từ lương khoán sang lương cơ bản; đồng thời thiết lập chế độ tiền thưởng sản lượng để khuyến khích CN nâng cao chất lượng sản xuất. Theo Cty Phú Xuân: Hiện nay Cty không áp dụng tính mức lương khoán cho bất kỳ đơn vị nào trong nhà máy mà áp dụng một hình thức duy nhất là tính lương theo thời gian. CN còn phản ánh: Vì sao không có hàng làm, Cty cho CN nghỉ việc nhưng không trả lương? Ban giám đốc Cty cam kết về sau sẽ không có trường hợp này, và nếu có thì thông qua sự đồng ý của CN.... Sau ngày 14/10/2013 thì CN đã quay trở lại làm việc bình thường.

b. Bình luận về tính hợp pháp của cuộc đình công trên.

Trước hết, Căn cứ vào các quy định của pháp luật về đình công thì đình công được chia thành hai loại: Đình công bất hợp pháp và đình công hợp pháp.

Đình công bất hợp pháp: là đình công không thực hiện đầy đủ, không thực hiện đúng các quy định của pháp luật. Hiện nay, theo Điều 215 - Bộ Luật Lao Động 2012 quy định thì đình công thuộc một trong các trường hợp sau là đình công bất hợp pháp:

1. Không phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích.

2. Tổ chức cho những người lao động không cùng làm việc cho một người sử dụng lao động đình công.

3. Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này.

4. Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình công thuộc danh mục do Chính phủ quy định.

5. Khi đã có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

Về trường hợp đình công thuộc trường hợp (4) Tiến hành tại doanh nghiệp không được đình thuộc danh mục do Chính phủ quy định, thì danh mục các doanh nghiệp này được quy định kèm theo Nghị định số 41/2013/NĐ-CP - Quy định chi tiết thi hành Điều 220 của Bộ luật Lao động về Danh mục đơn vị sử dụng lao động không được đình công và giải quyết yêu cầu của tập thể lao động ở đơn vị sử dụng lao động không được đình công.

Theo quy định tại Điều 215- BLLĐ 2012 thì những cuộc đình công thuộc một trong 5 trường hợp nêu trên tại điều này là đình công bất hợp pháp.

Đình công hợp pháp: Được hiểu một cách chung nhất là đình công tuân thủ đầy đủ các quy định của pháp luật về đình công. Mục đích cơ bản của các quy định này là để nhà nước kiểm soát đình công, hạn chế những cuộc đình công không cần thiết; hoặc ảnh hưởng lớn đến kinh tế quốc dân, an ninh quốc phòng..v.v. Những hạn chế này có thể có phạm vi rộng hẹp khác nhau tùy thuộc vào quan điểm từng quốc gia, tuy nhiên nó phải đảm bảo cho đình công hợp pháp hoàn toàn có điều kiện thực hiện được, nhà nước không thể dùng những quy định hạn chế này nhằm mục đích triệt tiêu quyền đình công của NLĐ.

Theo pháp luật lao động Việt Nam hiện hành thì đình công nếu không thuộc một trong các trường hợp đình công bất hợp pháp (Các trường hợp thuộc quy định tại Điều 215- BLLĐ 2012 đã nêu ở phần trên) thì là đình công hợp pháp.

Bình luận tính hợp pháp về vụ việc đình công tại Công ty TNHH Phú Xuân – VMC:

Để được coi là một cuộc đình công hợp pháp thì cuộc đình công đó không thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 215- BLLĐ 2012 hay cũng có thể hiểu một cuộc đình công hợp pháp đảm bảo đầy đủ những điều kiện sau:

Đình công phải phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích

Những người tham gia đình công phải là người cùng làm việc cho 1 NSDLĐ.

Sau thời hạn 05 ngày, kể từ ngày Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải thành mà một bên không thực hiện thỏa thuận đã đạt được hoặc sau thời hạn 03 ngày mà Hội đồng trọng tài lao động lập biên bản hòa giải không thành thì tập thể lao động tiến hành đình công.

Chỉ được tiến hành đình công tại những doanh nghiệp được đình công thuộc danh mục do chính phủ quy định.

Khi chưa có quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

Vụ đình công trên xuất phát từ việc công ty TNNHH Phú Xuân đột ngột giảm tiền lương của công nhân, và CN đã tổ chức đình công để đòi quyền lợi của mình, yêu cầu công ty Phú Xuân giải thích về việc giảm tiền lương, đồng thời với việc yêu cẩu công ty Phú Xuân tăng tiền lương hàng tháng, tăng các khoản phụ cấp, tiền thưởng, tăng chất lượng bữa ăn cho công nhân.

- Vụ việc đình công trên phát sinh từ tranh chấp lao động tập thể về lợi ích, lợi ích của NLĐ không được đảm bảo (tiền lương bị giảm, phụ cấp, tiền thưởng, chất lượng bữa ăn trưa), NLĐ cụ thể là công nhân muốn công ty Phú Xuân tăng các khoản trên.

- Những công nhân tham gia đình công đều là những công nhân làm việc tại Công Ty Phú Xuân (họ đều làm việc cho cùng một người sử dụng lao động).

- Công ty Phú Xuân không nằm trong danh mục các doanh nghiệp mà NLĐ không được phép đình công (Nghị định 41/2013/NĐ-CP).

- Ủy ban nhân dân cấp Tỉnh (Bình Dương) chưa ra quyết định hoãn hoặc ngừng đình công.

- Tuy nhiên khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể về lợi ích (giữa công nhân và công ty Phú Xuân) chưa được cơ quan có thẩm quyền, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của pháp luật Luật Lao Động thì Công nhân trong Công Ty Phú Xuân đã tiến hành đình công.

Vậy nên trường hợp đình công của Công nhân tại Công ty TNHH Phú Xuân thuộc một trường hợp quy định tại Khoản 3 – Điều 215. (Những trường hợp đình công bất hợp pháp): “Khi vụ việc tranh chấp lao động tập thể chưa được hoặc đang được cơ quan, tổ chức, cá nhân giải quyết theo quy định của Bộ luật này”

Nhận xét chung: Thực tế, dù không thừa nhận thì đình công bất hợp pháp vẫn tồn tại, nhất là khi nhà nước còn quy định chặt chẽ về đình công. Hiện nay, tại Việt Nam đã có rất nhiều cuộc đình công diễn ra nhưng chưa có một cuộc đình công nào là hợp pháp. Việc nhà nước quy định chặt chẽ là nhằm mục đích hạn chế các cuộc đình công diễn ra bừa bãi, khó kiểm soát. Tuy nhiên, trong những hoàn cảnh cụ thể nào đó, NLĐ nhận thức được rằng họ phải lựa chọn sự vi phạm pháp luật vì đó là yếu tố quyết định thắng lợi của đình công (Ví dụ: Như cuộc đình công tại Công ty TNHH Phú Xuân ở trên; hoặc nhiều cuộc đình công khác như: Đình công tại Công ty TNHH Ivory Việt Nam trụ sở Vũ Thư- Tỉnh Thái Bình năm 2013.. v.v.)

No comments:

Post a Comment