21/01/2015
Nguyên tắc xét xử công khai - Bài tập nhóm Tố tụng Hình sự
Công khai là một trong những thuộc tính quan trọng của xã hội dân chủ.Trong xã hội dân chủ công khai được xem như một tư tưởng xuyên suốt quá trình tổ chức và vận hành bộ máy nhà nước. Công khai trong hoạt động của bộ máy nhà nước ở cả ba nhánh quyền lực lập pháp, hành pháp và tư pháp là vấn đề được hầu hết các nước trên thế giới quan tâm nhất là nhà nước ta – nhà nước của dân, do dân, tất cả quyền lực nhà nước thuộc về nhân dân. Vấn đề đảm bảo tính công khai,minh bạch được quy định xuyên xuốt trong hệ thống pháp luật Việt Nam, và được cụ thể hóa trở thành một nguyên tắc quan trọng tại điều 18 Bộ luật Tố tụng hình sựnăm 2003. Vì vậy, nhóm em chọn đề tài này.

“Ý nghĩa của nguyên tắc xét xử công khai và giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc này”.

II. NỘI DUNG CỦA NGUYÊN TẮC

Cơ sở pháp lý của nguyên tắc

Nguyên tắc xét công khai là một trong những nguyên tắc cơ bản của luật Tố tụng hình sự. Đảm bảo tính công khai trong hoạt động tố tụng là vấn đề rất được Nhà nước quan tâm. Tư tưởng về tính công khai trong hoạt động tố tụng đã được ghi nhận trong tất cả các bản Hiến pháp. Hiến pháp 1946, Điều 67: “Các phiên tòa phải công khai, trừ trường hợp đặc biệt ”. Hiến pháp 1959, Điều 101: “Việc xét xử tại các tòa án nhân dân đều công khai, trừ trường hợp Luật định”. Hiến pháp1980, Điều 133: “Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp Luật định”.Hiến pháp 1992, Điều 131: “Tòa án nhân dân xét xử công khai, trừ trường hợp Luật định”. Luật tổ chức Tòa án năm 2002 và Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2003 đã cụ thể hóa tư tưởng này. Điều 7 của Luật Tổ chức Toà án nhân dân năm 2002 quy định:

“Toà án xét xử công khai, trừ trường hợp cần xét xử kín để giữ gìn bí mật Nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo  yêu cầu chính đáng của họ” . Tại Điều 18 Bộ Luật Tố Tụng Hình Sự năm 2003 quy định: Xét xử công khai “Việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi người đều có quyền tham dự, trừ trường hợp do Bộ luật này qui định. Trong trường hợp đặc biệt cần giữ bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc để giữ bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ thì Tòa án xét xử kín, nhưng phải tuyên án công khai”

Nội dung của nguyên tắc

Như vậy, từ Hiến pháp – đạo luật có giá trị pháp lý cao nhất cũng như các văn bản luật chuyên ngành đều quy định: việc xét xử của Tòa án được tiến hành công khai, mọi công dân từ 16 tuổi trở lên đều có thể tham dự và Tòa án phải công bố tất cả các quyết định được thông qua trong quá trình xét xử vụ án. Tòa án xét xử công khai ở trụ sở Tòa án nhưng trong trường hợp cần phát huy mạnh mẽ tác dụng giáo dục và phòng ngừa của công tác xét xử thì Tòa án có thể tiến hành các phiên tòa xét xử lưu động tại nơi xảy ra tội phạm. Nguyên tắc xét xử công khai không chỉ áp dụng đối với hoạt động xét xử sơ thẩm, mà đối với cả hoạt động xét xử phúc thẩm. Cụ thể hóa nguyên tắc xét xử công khai của tòa án thể hiện qua việc: Nội dung phiên tòa, thời gian, địa điểm mở phiên tòa phải được niêm yết công khai trước khi xét xử, kết quả xét xử tại phiên tòa có thể được công bố trên báo chí, đài phát thanh, đài truyền hình hoặc bằng các phương tiện thông tin đại chúng khác để cho mọi người được biết.

Tuy nhiên, đảm bảo nguyên tắc công khai không có nghĩa là trong tất cả mọi trường hợp, với mọi vụ án đều phải xét xử công khai, mà có những trường hợp đặc biệt cần giữ gìn bí mật nhà nước, thuần phong mỹ tục của dân tộc hoặc bí mật của đương sự thì Tòa án được phép xử kín. Xử kín là một chế định đã được quy định ngay từ Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 1988 đầu tiên của nước ta và được khẳng định lại tại điều 18 của Bộ luật Tố tụng Hình sự năm 2003. Việc quy định về xử kín là hoàn toàn hợp lý, vì lợi ích của xã hội, vì lợi ích của đương sự, thể hiện sự tôn trọng của pháp luật đối với nhân phẩm, danh dự của đương sự trong vụ án.

Quy định này cũng phù hợp với hầu hết luật tố tụng hình sự của các nước trên thế giới. Tuy nhiên, cho đến nay, hai khái niệm “thuần phong mỹ tục của dân tộc” và“bí mật của đương sự theo yêu cầu chính đáng của họ” vẫn chưa được các cơ quan có thẩm quyền giải thích một cách cụ thể, chi tiết để áp dụng được thống nhất. Do vậy, trên thực tế để coi một vụ án có thuộc các trường hợp phải xử kín hay không chủ yếu dựa vào đánh giá chủ quan của cơ quan xét xử.

Trên thực tế các vụ án hiếp dâm, tội phạm liên quan đến tình dục thường được xử kín. Bởi đối với các vụ án hiếp dâm, người bị hại phải kể tỉ mỉ các tình tiết của vụ án, người giám định cần phải đưa ra kết luận về người bị hại, người làm chứng cũng phải trình bày những tình tiết mà họ biết về vụ án. Nếu vụ án được xét xử công khai, với sự tham gia của nhiều người thì sẽ làm cho người bị hại không dám kể chi tiết về những tình tiết của vụ án xảy ra. Tâm trạng đó có thể xảy ra đối với bị cáo, người làm chứng,.. và như vậy việc xác định sự thật của vụ án sẽ gặp khó khăn. Trường hợp này, Tòa án có thể quyết định xử kín. Ví dụ, một vụ án điển hình làm xôn xao dư luận đó là vụ án xét xử Sầm Đức Xương, Tòa án đã quyết định xử kín. Vụ án này liên quan đến tình dục mà nạn nhân lại là các trẻ em gái chưa thành niên, những tình tiết của vụ án có thể sẽ rất nhạy cảm và riêng tư, thậm chí có thể phải tả lại cả những tình tiết tế nhị. Nếu xét xử công khai vụ việc này, liệu các tình tiết của vụ án có thể được kể ra một cách chi tiết, đầy đủ không, đó là chưa kể đến việc ảnh hưởng đến nhân phẩm, danh dự cũng như tương lai của họ. Vì vậy, theo yêu cầu lợi ích chính đáng của đương sự, cũng như để đảm bảo thuần phong mỹ tục của dân tộc, việc Tòa án nhân dân tỉnh Hà Giang quyết định xử kín là hoàn toàn đúng pháp luật.

Theo thông tư liên tịch 01/2011 TTLT-VKSTC-TANDTC-BCA-BTP-BLĐTBXH hướng dẫn thi hành một số quy định của bộ luật tố tụng hình sự đối với người tham gia tố tụng là người chưa thành niên, tại khoản 2 điều 11 có quy định: “Ngoài các trường hợp quy định tại Điều 18 BLTTHS, Tòa án có thể quyết định xét xử kín vụ án do người chưa thành niên phạm tội gây ra để tạo thuận lợi cho quá trình tái hòa nhập cộng đồng của họ”. Khoản 3 điều 16 cũng có quy định: “Để bảo vệ quyền riêng tư và danh dự, nhân phẩm của người bị hại là người chưa thành niên và làm giảm cảm giác sợ hãi của họ, trước khi tiến hành xét xử, Tòa án cần xem xét, cân nhắc các tình tiết liên quan đến vụ án để quyết định có xét xử kín hay không, đặc biệt là những vụ án xâm phạm tình dục trẻ em, mua bán trẻ em”. Như vậy, ngoài các trường hợp được quy định tại điều 18 BLTTHS thì đây là hai trường hợp có thể xử kín.

Vụ án được xử kín thì chỉ có Hội đồng xét xử (gồm thẩm phán, hội thẩm nhân dân), kiểm sát viên, bị cáo, người bào chữa, bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự, người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người làm chứng, người giám định, người phiên dịch được tham gia phiên tòa. Các chủ thể khác như người thân của bị cáo, bị hại… - người không có nhiệm vụ không được tham dự phiên tòa xét xử đối với toàn bộ hay một phần vụ án. Tuy nhiên trong mọi trường hợp, Tòa án đều phải tuyên án công khai. Tuyên án công khai được hiểu là việc tuyên án đó không được thực hiện kín mà được tuyên cho mọi người cùng nghe. Quy định này đảm bảo rằng phán quyết của tòa án phải được công khai, thể hiện sự nghiêm minh của pháp luật, đảm bảo được mục tiêu răn đe và phòng ngừa chung. Một điều quan trọng nữa của việc tuyên án công khai đó là bản án sẽ được nhân dân, xã hội giám sát nên việc phán xử không thể tùy tiện.

2.Ý nghĩa của nguyên tắc xét xử công khai.

a. Với cơ quan tiến hành tố tụng.

Theo điều 27 - BLTTHS năm 2003 thì cơ quan tiến hành tố tụng bao gồm:Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Các cơ quan này có những chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn riêng nhưng hoạt động trong mối liên hệ mật thiết, thống nhất của toàn bộ hoạt động tố tụng hình sự, có trách nhiệm áp dụng mọi biện pháp do pháp luật quy định để xác minh sự thật của vụ án, chứng minh tội phạm và xử lý người phạm tội. Việc xét xét xử công khai là một trong những bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn và nâng cao trách nhiệm của Thẩm phán,Kiểm sát viên, Luật sư bào chữa đối với việc thực hiện nghĩa vụ của mình và tuân thủ nghiêm chỉnh pháp luật. Toà án xét xử công khai góp phần đảm bảo rằng hoạt động xét xử của toà án nhân dân là thể hiện sự dân chủ và phản ánh giá trị của cộng đồng để tạo niềm tin cho người dân rằng trình tự cũng như kết quả của việc tố tụng là công bằng. Toà án xét xử công khai xúc tiến cảm thức chung của công dân rằng toà án hoạt động dựa trên cơ sở chính trực và sự hiện diện của nhân dân nâng cao chất lượng của quá trình thực thi công lí.

b. Với những người tham gia tố tụng.

Theo BLTTHS năm 2003 thì người tham gia tố tụng gồm có: Bị can, bị cáo,người bào chữa, người bị tạm giữ, người bị hại, nguyên đơn dân sự, bị đơn dân sự,người có quyền lợi và nghĩa vụ liên quan đến vụ án, người giám định, người làmchứng, người phiên dịch… Như đã nói ở trên, việc xét xử công khai là một trong nhưng bảo đảm cho hoạt động tố tụng diễn ra cách dân chủ và minh bạch. Toà án xét xử công khai có tác dụng duy trì tiến trình duyệt xét chứng cứ hiện hữu. Về mặt tâm lí chủ quan, sự có mặt của nhân dân sẽ giảm thiểu khả năng khai man và bóp méo sự thật của người làm chứng chững bằng cách khuyến khích tinh thần trách nhiệm trước dư luận công chúng. Đồng thời, sự có mặt của quần chúng nhân dân sẽ khiến nhân chứng e sợ rằng lời khai man của họ có thể bị những người biết rõ nội tình trong nhân dân vạch trần. Về mặt cơ hội khách quan, toà án xét xử công khai tạo điều kiện cho những người biết rõ nội tình tham gia quan sát việc xét xử và qua đó có thể đứng ra làm chứng, cung cấp thêm thong tin (mà trước đây nguyên cáo, bị cáo cũng như toà án chưa biết) để làm sáng tỏ vấn đề hoặc để đối chất với kẻ khai man trước toà.

c. Với các nguyên tắc cơ bản Luật tố tụng hình sự. 

Như vậy, có thể thấy việc xét xử công khai nhằm bảo đảm cơ chế kiểm tra và giám sát của dân đối với hoạt động xét xử. Sự kiểm tra giám sát của dân đối với hoạt động nhà nước nói chung và hoạt động xét xử nói riêng là đòi hỏi cấp bách của một xã hội dân chủ. Mọi hoạt động của Nhà nước không được công khai, triệt tiêu sự giám sát của dân đều có khả năng dẫn đến chuyên quyền, quan liêu và tệ hơn nữa là ở nơi đó “Quốc nạn tham nhũng” được hoành hành. Mặt khác, xét xử công khai là một trong bảo đảm cho hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn, nâng cao trách nhiệm và lương tâm của thẩm phán.Hoạt động xét xử được tiến hành đúng đắn thì bản án phán quyết của Tòa mới được chính xác và được mọi người tôn trọng.Một bản án “đúng người, đúng tội” làm cho những người tham dự phiên Tòa và công luận “Tâm phục, khẩu phục” thì có nghĩa rằng “Công lý đã được thực thi”,“Công lý được thực thi” thì tinh thần thượng tôn pháp luật được nâng cao.

d. Với nhân dân

Toà án xét xử công khai sẽ nâng cao công tác giáo dục ý thức pháp luật trong nhân dân , thu hút đông đảo nhân dân tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh chống tội phạm và các vi phạm pháp luật khác. Hình phạt của các bản án, quyết định hình sự không chỉ nhằm trừng phạt mà còn có mục đích răn đe, phòng ngừa, giáo dục. Ngoài ra, việc toà án xét xử công khai còn tạo điều kiện để người dân có cơ hội học hỏi về cơ chế vận hành của hệ thống tư pháp và thấu hiểu việc pháp luật ảnh hưởng đến cuộc sống hàng ngày của họ được áp dụng như thế nào tại toà án

3.Một số giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc xét xử công khai.

3.1 Những khó khăn khi áp dụng lại nguyên tắc này.

Thứ nhất, để nguyên tắc công khai được thực thi, điều Luật đã qui định “Xét xử công khai và mọi người (người trên 16 tuổi) có quyền tham dự”. Điều đó có nghĩa là không có sự hạn chế về cả số lượng lẫn đối tượng tham dự. Tuy nhiên, thời gian gần đây, có nhiều phiên Tòa thu hút được số lượng người tham dự rất đông như phiên xử Nguyễn Đức Nghĩa, Lê Văn Luyện, Cù Huy Hà Vũ… Thay vì khuyến khích và tạo điều kiện cho họ tham gia thì lực lượng cảnh sát bảo vệ phiên tòa và Tòa án cố tình ngăn cản không cho hoặc hạn chế người dân. Với lý do:Phòng xử án không đủ chỗ,tham gia đông không đảm bảo trật tự phiên tòa…Mỗi khi muốn vào tham dự họ phải xin, nhiều họ phải “nói khó” những người cán bộ bảo vệ tư pháp để được vào xem xét xử vụ án,điều này là hết sức vô lý,nhưng vẫn diễn ra cách thường ngày ở các cơ quan tòa án nước ta

Cá biệt có trường hợp để vào tòa án họ phải “đút lót”cho các cán bộ bảo vệ tư pháp để có thể vào phòng xử án.

Thứ ba, đây cũng là lý do khiến cán bộ tòa án và lực lượng bảo vệ tòa án hạn chế số lượng người tham dự là xuất phát từ cơ sở vật chất của các tòa án còn rất yếu kém.

Phòng xử án hẹp, quá tải với số lượng người muốn tham gia.Có nhưng vụ án số lượng luật sư tham gia đông,thì họ chen nhau ngồi.Cụ thể tại tòa án nhân dân thành phố một bàn luật sư giành cho hai người nhưng có khi phải đến bốn luật sư cùng ngồi vào chiếc bàn đó.

Với những phiên tòa đặc biệt số lượng phóng viên báo chí đông,cơ quan tòa án thường mở thêm những phòng để cho các phóng viên báo trí,người đến dự có thể xem trực tiếp tại phiên tòa,nhưng do cơ sở vật chất quá kém,(camera ghi hình thì không rõ nét,âm thanh phát ra từ loa thì rè không rõ tiếng) đã làm ảnh hưởng lớn đến sự tác nghiệp của phóng viên báo chí,người đến dự phiên tòa.

Hay tại các phòng xử án lớn thì do không sử dụng hệ thống loa nên khi thẩm phán và bị cáo trao đổi nhau thì nhiều khi đó là cuộc độc thoại hai người vì phòng xử án lớn như vây những người ngồi tham dự ngồi xa nên hầu như không nghe được gì.

Thứ ba, khó khăn xuất phát từ quy định của Luật Tố tụng hình sự hiện hành; Các nhà lập pháp tuy đã có sự nghiên cứu kỹ lưỡng, các nguyên tắc đề ra rất khách quan, rất nhân văn và đáng được lưu giữ.

Tuy nhiên, quy định của luật Tố tụng hình sự hiện hành chỉ dừng lại ở các nguyên tắc mà không đưa ra cách thức, biện pháp thực hiện các nguyên tắc đó cũng như các chế tài cần áp dụng nếu các biện pháp đó không được thực hiện hay thực hiện không triệt để.

3.2. Các giải pháp khắc phục khó khăn trên

Theo chúng tôi, dù với bất cứ lý do nào cũng đều không thể hạn chế số lượng người tham gia vì điều đó là vi phạm Bộ luật tố tụng hình sự và cao hơn nữa là những hành động “vi hiến”.

Để khắc phục tình trạng nêu trên và tránh tình trạng vi phạm “Nguyên tắc xét xử công khai” theo chúng tôi Tòa án có thể tiến hành một số giải pháp sau:

3.2.1. Các giải pháp hoàn thiện quy định luật.

Theo chúng tôi, việc rất cần thiết và quan trọng hiện nay là các nhà lập pháp cần đưa ra các văn bản hướng dẫn áp dụng quy định của luật tố tụng hình sự về các nguyên tắc áp dụng trong đó có nguyên tắc xét xử công khai. Như đã trình bày ở trên, các nhà làm luật tuy đã đề ra các nguyên tắc nhưng chưa có quy định cụ thể rõ ràng các biện pháp thực hiện nguyên tắc cũng như các chế tài cần được áp dụng. Đây cũng chính là những nội dung mà văn bản hướng dẫn thi hành cần quy định rõ ràng và cụ thể; tạo ra hành lang pháp lý để luật tiến gần hơn với cuộc sống.

3.2.2. Các giải pháp hoàn thiện các vấn đề trong thực tiễn khi áp dụng nguyên tắc

1/ Tạo điều kiện thuận lợi cho giới truyền thông tham gia, để những người dân không tham dự trực tiếp có thể xem qua các kênh này. Ví dụ như các biện pháp ghi hình chiếu lại hay truyền hình trực tiếp.

2/ Nâng cao cơ sở vật chất phòng xử án,với những phòng xử án lớn thì cần phải có hệ thống loa để người tham giự phiên tòa có thể xem và hiểu rõ vụ án đang xét xử.Về mùa hè cần lắp thêm các quạt hoặc (điều hòa) để người tham dự phiên tòa không bị nóng bức,ảnh hưởng đến quá trình xử án.

3/ Cần bổ xung thêm các phòng xử án phụ để các cơ quan báo trí có điều kiện tác nghiệp,và nâng cấp cách đồng bộ hệ thống camera,hệ thống loa phong thanh,để các phóng viên tham giự phản ánh các kịp thời và trung thực nhất các diễn biến vụ án.

4/Áp dụng thật nghiêm các quy định của pháp luật khi các cán bộ tư pháp hay người người tiến hành tố tụng vi phạm pháp luât vì là người thực thi pháp luật là người lắm quyền lực trong tay mà còn vi phạm thì nhất định phải bị xử lý nghiêm.

5/ Trong trường hợp cần thiết Tòa có thể xử lưu động (ngoài trụ sở Tòa án). Như vậy, Tòa có thể thuê, mượn những nơi có điều kiện hơn như sân vận động, nhà hát hay hội trường lớn. .v.v..

5/ Tòa án và lực lượng bảo vệ phiên Tòa phải có nghĩa vụ tạo mọi điếu kiện thuận lợi cho mọi người tham dự phiên Tòa. Cản trở hoặc hạn chế người dân tham dự các phiên Tòa, theo chúng tôi là hành động vi phạm pháp luật cần phải nghiêm trị.

Theo chúng tôi là để nhằm thu hút đông đảo nhân dân tham gia phiên tòa, bảo đảm sự giám sát của dân đối với hoạt động xét xử, cũng như bảo đảm tác dụng giáo dục và phòng ngừa của hoạt động xét xử. Nguyên tắc xét xử công khai cần phải được thực hiện nghiêm túc. Để thực hiện nghiêm túc nguyên tắc này, thiết nghĩ cần phải có sự thực hiện đồng bộ cả các biện pháp hoàn thiện luật cũng như các biện pháp thực tiễn.

III. KẾT LUẬN:

Nguyên tắc xét xử công khai là một nguyên tắc quan trọng trong các ngành luật tố tụng, trong đó có luật tố tụng hình sự. Chỉ khi đảm bảo được nguyên tắc xét xử công khai thì mới đảm bảo tính chất và ý nghĩa của hoạt động tố tụng. Với ý nghĩa quan trọng như trên, cùng với sự phối hợp đồng bộ của các cấp ngành lãnh đạo và nhân dân, hi vọng rằng hoạt động tố tụng sẽ thực hiện tốt được chức năng và nhiệm vụ của mình.

1 comment:

  1. Bán giàn giáo cũ – Thanh lý giàn giáo cũ giá tốt tại công ty giàn giáo chúng tôi. Công ty chúng tôi chuyên cung cấp giàn giáo cũ đã qua sử dụng với chất lượng còn mới đến 90%. Các sản phẩm công ty đang thanh lý bao gồm giàn giáo 1.7m, giàn giáo 1.5m, giàn giáo 0.9m, giàn giáo nêm, kích tăng, xà gồ, chéo giằng, coppha, thang giàn, mâm giàn và phụ kiện giàn giáo.

    Ngoài ra, công ty cung cấp các giải pháp cho thuê, lắp đặt giàn giáo và cung cấp giàn giáo theo đơn đặt hàng.

    ReplyDelete