21/01/2015
Nguyên tắc đảm bảo quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan - Bài tập nhóm Tố tụng Hình sự
Những nguyên tắc cơ bản của luật tố tụng hình sự là kim chỉ nam cho mọi hoạt động trong tố tụng hình sự. Là một ngành luật trong hệ thống pháp luật Việt Nam, luật tố tụng hình sự chịu sự chi phối của các nguyên tắc pháp luật chung trong hệ thống pháp luật. Ngoài ra, với tư cách là một ngành luật độc lập, luật tố tụng hình sự cũng khi vận dụng vào các quan hệ tố tụng hình sự cũng có những biểu hiện đặc thù riêng thông qua nhóm các nguyên tắc đặc thù. Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự quyền lợi của người bị oan trong tố tụng hình sự là một trong các nguyên tắc đặc thù, quan trọng của tố tụng hình sự mới được quy định để phù hợp với thực tiễn hiện nay trong hoạt động tố tụng hình sự. Vì vậy, nhóm 3 chúng em xin chọn đề tài “Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự quyền lợi của người bị oan trong tố tụng hình sự

B – NỘI DUNG:

I, Lý luận chung về nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự quyền lợi của người bị oan trong tố tụng hình sự:

1. Cơ sở pháp lý của nguyên tắc:

Quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị  oan đã được ghi nhận trong Công ước quốc tế  về các quyền dân sự và chính trị ngày 16/12/1966: “Khi một người qua một quyết định chung thẩm bị kết án về một tội hình sự sau đó bản án bị hủy bỏ hoặc nếu người đó lại được tuyên vô tội…thì người đó theo luật có quyền yêu cầu được bồi thường…”. Trách nhiệm chứng minh tội phạm là nghĩa vụ của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng. Trong phạm vi chức năng, nhiệm vụ của mình, các chủ thể này phải xác định sự thật của vụ án một cách khách quan, toàn diện và đầy đủ. Trong quá trình tố tụng, cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng phải nghiêm chỉnh thực hiện những quy định của pháp luật và phải chịu trách nhiệm về những hành vi, quyết định của mình. Trong thực tiễn tố tụng, không loại trừ những trường hợp làm oan người vô tội.

Cùng với việc quy định trách nhiệm của cơ quan tiến hành tố tụng và người tiến hành tố tụng, cần phải quy định quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan. Vấn đề này cũng đã được đề cập đến trong Bộ luật tố tụng hình sự năm 1988 nhưng do điều kiện kinh tế xã hội chưa đầy đủ để đảm bảo cho quy định này được thực hiện.

Trong Bộ luật tố tụng hình sự  2003, việc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan đã được quy định là một trong những nguyên tắc. Tại Điều 29 quy định về bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự , quyền lợi của người bị oan có quy định:

“Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra cơ quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dư, quyền lợi.

Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật”

Nguyên tắc này cũng đã được bước đầu thực hiện theo những quy định của Luật bồi thường Nhà nước năm 2009, Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH 11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra kèm theo Công văn số 89/2003/KHXX của TANDTC ngày 5/8/2003 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388 và Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT–VKSNDTC–BCA–TANDTC–BTP–BQP–BTC ban hành ngày 25 tháng 3 năm 2004 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/ NQ – UBTVQH 11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra.

2. Nội dung cơ bản của nguyên tắc:

Người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra có quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi.

Người bị oan là người bị  tạm giữ, người bị khởi tố, truy tố, xét xử, thi hành án mà có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố  tụng hình sự xác định người đó không thực hiện hành vi phạm tội. Những hoạt động và quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã mang lại những hậu quả bất lợi đối với họ, các quyền công dân cơ bản của họ bị vi phạm, họ có quyền được bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự.

Cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã làm oan phải bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi cho người bị oan; người đã gây thiệt hại có trách nhiệm bồi hoàn cho cơ quan có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Cơ quan đã làm oan có trách nhiệm phải bồi thường, là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án. Ngoài ra, còn một số các cơ quan khác có quyền tiến hành các hoạt động tạm giữ  và khởi tố bị can khác như Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, lực lượng Cảnh sát biển…Những cơ quan này chủ động giải quyết bồi thường cho người bị oan, thân nhân của người bị oan theo quy định của pháp luật. Thiệt hại  được bồi thường bao gồm những thiệt hại về vật chất và tinh thần theo quy định của pháp luật như: thiệt hại do tổn thất về tinh thần; thiệt hại về  vật chất trong trường hợp người bị oan chết; thiệt hại về vật chất trong trường hợp người bị oan bị tổn thất về sức khỏe;…Việc bồi thường được tiến hành trên cơ  sở thương lượng hoặc Tòa án giải quyết. Người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự gây oan do lỗi của mình trong quá trình khởi tố, điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hình sự  có nghĩa vụ phải hoàn trả theo quy định của pháp luật.

3. Ý nghĩa của nguyên tắc:

Nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường của người bị thiệt hại và phục hồi danh dự, quyền lợi của người bị oan có ý nghĩa trong việc khôi phục các quyền và lợi ích của người bị oan trong tố tụng hình sự; nâng cao trách nhiệm của người có thẩm quyền trong các hoạt động tố tụng, làm cho việc giải quyết vụ án ngày càng đúng đắn và hợp pháp hơn. Nguyên tắc này thể hiện sự kiên quyết của Đảng và Nhà nước ta trong việc khắc phục các trường hợp làm oan người vô tội và xử lý những người có trách nhiệm, đảm bảo các quyền và lợi ích cơ bản của công dân, qua đó, nâng cao uy tín của các cơ quan tiến hành tố tụng, làm tăng lòng tin của nhân dân đối với Đảng, Nhà nước và các cơ quan tư pháp. Với ý nghĩa quan trọng như vậy, cần có những biện pháp thoả đáng, đủ mạnh để xây dựng và ngày càng hoàn thiện nguyên tắc. Có vậy, việc làm oan người vô tội mới có thể hạn chế ở mức tối đa, việc khắc phục hậu quả của việc làm oan người vô tội mới được nhanh chóng, công bằng.

II, Các giải pháp nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc:

1. Thực tiễn thực hiện các quy định của pháp luật về nguyên tắc:

Bên canh những mặt tích cực của việc thực hiện nguyên tắc cũng có nhiều mặt hạn chế. Trong thực tiễn của hoạt động tố tụng hiện nay những vụ án oan, sai đối với người vô tội cũng đang xảy ra ngày một nhiều và gây hậu quả nghiêm trọng. Oan sai trong hoạt động tố tụng hình sự dù ở mức độ nào cũng đều đem tới những hậu quả tiêu cực đối với cá nhân và gia đình của người bị oan, đối với nhà nước và toàn xã hội. Từ đó sẽ dần dần làm lệch đi cán cân công lý, chuẩn mực đạo đức, pháp luật.

Có không ít những trường hợp cơ quan tiến hành tố tụng, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng gây oan sai cho người vô tội lại không đáp ứng nghĩa vụ bồi thường. Cơ quan đã làm oan người vô tội có trách nhiệm phải bồi thường ở đây có thể là Cơ quan điều tra, Viện Kiểm Sát nhân dân, Tòa án nhân dân. Ngoài ra còn một số cơ quan khác có quyền tiến hành các hoạt động tạm giữ và khởi tố bị can khác như cơ quan Hải quan, Kiểm lâm, Bộ đội biên phòng, lực lượng cảnh sát biển… Những cơ quan này phải chủ động giải quyết bồi thường cho người bị oan, thân nhân của người bị oan theo quy định của pháp luật. Thiệt hại được bồi thường bao gồm những thiệt hại về vật chất và về tinh thần. Tại Nghị quyết số 338/2003/NQ – UBTVQH của Ủy Ban Thường vụ Quốc Hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền  trong hoạt động tố tụng hình sự gây ra cũng đã quy định rất rõ về trách nhiệm bồi thường thiệt hại, thẩm quyền và thủ tục giải quyết bồi thường thiệt hại, cụ thể tại Mục 2 (Điều 10, 11, 12) của Nghị quyết này. Trong Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT–VKSNDTC–BCA–TANDTC–BTP–BQP–BTC ban hành ngày 25 tháng 3 năm 2004 đã quy định cụ thể về xác định thiệt hại và mức bồi thường thiệt hại. Trong thực tế thì sau thời gian được giải oan, có một số người vô tội đã được các cơ quan có thẩm quyền tiến hành bồi thường thỏa đáng theo quy định của pháp luật, xin lỗi, cải chính công khai, phục hồi danh dự. Bên cạnh đó vẫn còn có có không ít trường hợp người vô tội vẫn trầy trật đợi chờ bồi thường oan sai theo quy định của pháp luật.

Ví dụ: Vụ án oan từ nghiện ma túy thành bán ma túy của anh Trần Quốc Sỹ (SN 1988, ngụ xã Nghĩa Trung, huyện Bù Đăng - Bình Phước; tạm trú thị xã Đồng Xoài)

Theo hồ sơ vụ án: Lúc 14 giờ ngày 14-12-2009, do nghiện, Sỹ cùng với Phan Hữu Quang (SN 1986, ngụ thị xã Đồng Xoài) hùn tiền mua ma túy để sử dụng.  Sỹ bị Công an thị xã Đồng Xoài bắt khi đang đứng trước cổng Bệnh viện Đa khoa tỉnh Bình Phước cùng 1 tép heroin trên người.

Ngày 15-6-2010, TAND thị xã Đồng Xoài xét xử  và tuyên phạt Sỹ 2 năm tù về tội “Mua bán trái phép chất ma túy”. Cho rằng mình  chỉ mua ma túy để sử dụng, Sỹ làm đơn kháng án.

Ngày 16-8-2010, TAND tỉnh Bình Phước tuyên hủy phần hình phạt đối với bị cáo Sỹ để điều tra lại. Sau khi điều tra lại, VKSND thị xã Đồng Xoài nhận thấy Sỹ là đối tượng nghiện và mua ma túy chỉ để sử dụng nên ngày 16-6-2011, VKSND thị xã Đồng Xoài ra quyết định đình chỉ vụ án.

Sỹ ra tù sau thời gian bị giam 11 tháng 16 ngày. Ngày 5-6-2012, gia đình Sỹ làm đơn gửi TAND thị xã Đồng Xoài yêu cầu bồi thường oan sai theo Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước. Tuy nhiên đến nay anh Sỹ vẫn chưa nhận được sự bồi thường thỏa đáng theo quy định của pháp luật.

Một vấn đề khác là việc xin lỗi, cải chính đăng trên báo của các cơ quan tiến hành tố tụng đối với những người bị oan sai cũng chưa được thực hiện triệt để. Tại Khoản 2 Điều 4, Nghị quyết 388 quy định: "...Việc xin lỗi, cải chính công khai được thực hiện bằng các hình thức: Trực tiếp xin lỗi, cải chính công khai tại nơi cư trú hoặc tại nơi làm việc của người bị oan, có sự tham gia của đại diện chính quyền địa phương nơi người bị oan cư trú, đại diện cơ quan nơi người bị can làm việc, đại diện một tổ chức chính trị, xã hội mà người bị oan là thành viên; đăng trên một tờ báo trung ương và một tờ báo địa phương trong ba số liên tiếp, trừ trường hợp người bị oan hoặc người đại diện hợp pháp của họ có yêu cầu không đăng báo...". Trong thời hạn 30 ngày kể từ ngày có bản án, quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự xác định người bị oan, cơ quan có trách nhiệm bồi thường thiệt hại phải thực hiện việc xin lỗi, cảnh chính công khai theo quy định. Tuy nhiên, có rất ít các vụ án mà người bị oan được các cơ quan tố tụng xin lỗi, cải chính công khai trên mặt báo.

Nghị quyết 388 chỉ áp dụng để bồi thường cho những trường hợp có bản án hoặc quyết định xác định bị oan kể từ 1/7/1996 (tức ngày Bộ Luật Dân sự có hiệu lực thi hành). Đối với những trường hợp bị oan trước thời điểm đó nhưng đã có đơn yêu cầu bồi thường mà chưa được giải quyết thì vẫn được bồi thường thiệt hại. Tuy nhiên, có những trường hợp người bị oan đã nộp đơn yêu cầu bồi thường nhưng lại "quên" mất giấy biên nhận nên phải chịu cảnh "tạm xếp lại" để chờ hướng dẫn. Cụ thể như trường hợp ông Nguyễn Trọng Long (ngụ quận Tân Bình), được trả tự do năm 1991 sau gần 3 năm bị giam oan về tội giết người, đã liên tiếp gửi hàng chục lá đơn qua đường bưu điện hoặc gửi trực tiếp đến công an và VKS để yêu cầu bồi thường nhưng tất cả đều không có biên nhận. Như vậy, theo Nghị quyết 388 thì ông Long phải chứng minh được việc mình đã gửi đơn trước 1/7/1996 nếu không phải chờ hướng dẫn cụ thể.

Người bị oan không thực hiện hành vi phạm tội nhưng hoạt động và quyết định của cơ quan có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự đã mang lại những hậu quả bất lợi đối với họ, các quyền công dân cơ bản của họ bị vi phạm, họ có quyền được bồi thường thiệt hại và khôi phục danh dự. Có những người phải chấp hành bản án oan sai hết cả cuộc đời, nỗi oan đó vẫn không được làm sáng tỏ. Và đây cũng chính là bản án lương tâm cho những người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng hình sự trong việc làm oan người vô tội. Tuy nhiên trong thực tiễn tố tụng, có một số vụ án oan sai đã được hóa giải, những người bị oan lại lợi dụng tình hình này để đòi mức bồi thường theo ý muốn cá nhân của mình, không phù hợp với quy định của pháp luật.

Ví dụ: Vụ án oan của ông Lê Duy Nam, chủ cơ sở sản suất rượu Duy Nam, số 224N đường Lý Thường Kiệt thành phố Cà Mau. Trước đây, ông Nam có mượn của bà Trương Thị Sẻ trên 300 triệu đồng nhưng chậm trả, đã được chính quyền hòa giải. Bà Sẻ tố cáo với Cơ quan CSĐT Công an TP Cà Mau, sau đó vụ việc được Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Cà Mau khởi tố vụ án. Ông Lê Duy Nam bị khởi tố bị can tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”, “Lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản” và bị bắt giam 7 tháng. Viện KSND tỉnh Cà Mau phê chuẩn lệnh bắt giam, ra cáo trạng đề nghị xử 7-8 năm tù. Nhưng ngày 9/11/2007, TAND tỉnh Cà Mau xét xử sơ thẩm, tuyên Lê Duy Nam không phạm tội. Viện KSND tỉnh Cà Mau kháng nghị, Tòa phúc thẩm TANDTC tại TP HCM ngày 28/4/2008 tuyên y án sơ thẩm, ông Lê Duy Nam vô tội.  Lúc 14 giờ ngày 2/7/2008, tại UBND phường 6 (TP Cà Mau), ông Phan Văn Lương, Phó Viện trưởng Viện KSND tỉnh Cà Mau tổ chức xin lỗi công khai ông Lê Duy Nam. Trước đó, Viện KSND tỉnh đã mời ông Lê Duy Nam đến cơ quan để thương lượng bồi thường, và ông Nam đã đề nghị được bồi thường hơn 8 tỷ đồng. Việc ông Lê Duy Nam đòi bồi thường 8 tỷ đồng được xem là khoản tiền đòi bồi thường oan sai lớn nhất Cà Mau thời điểm hiện tại. Và việc đòi bồi thường 8 tỷ đồng có phần vượt quá so với quy định của pháp luật.

Mặt khác, còn có những trường hợp người phạm tội đã cố tình sử dụng những lỗ hổng trong pháp luật để “lách luật”, dựa vào những “chiêu thức” để làm cho mình trở thành người vô tội hay bị oan. Họ không những gây khó dễ cho quá trình điều tra vụ án mà còn có quyền yêu cầu các cơ quan có thẩm quyền phải bồi thường thiệt hại (nếu có), phục hồi danh dự, nhân phẩm,…hoàn trả theo quy định của pháp luật. Do đó, các cơ quan có thẩm quyền, đặc biệt là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án,…phải điều tra một cách cụ thể chi tiết, nghiêm túc,.. để không xử oan cho bất kì ai cũng như không khoan dung đối với kẻ phạm tội.

2. Một số kiến nghị nhằm nâng cao hiệu quả thực hiện nguyên tắc:

Để thực hiện nguyên tắc này cần phải có những quy định pháp luật đầy đủ, cụ thể và hợp lý làm cơ sở cho việc giải quyết bồi thường, khôi phục danh dự cho người bị oan. Trong giới hạn bài tập nhóm tháng 1, xin được trình bày một số giải pháp sau:

- Hoàn thiện hệ thống pháp luật: Nghị quyết 388 của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về bồi thường oan sai trong hoạt động TTHS, và gần đây nhất là Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước với nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự cho người bị bắt giam, xét xử oan sai trong các vụ án hình sự là được coi là “cây gậy thần” không chỉ khẳng định về quyết tâm “chống oan, sai trong TTHS”, mà còn là lời nhắc nhở tinh thần trách nhiệm của những người tiến hành tố tụng khi định đoạt số phận pháp lý của con người. Vấn đề đặt ra là cần phải đảm bảo cho các quy định có thể phát huy tối đa vai trò của mình.

- Phân định rạch ròi vai trò của các cơ quan tiến hành tố tụng: chưa phân định rành mạch chức năng nhiệm vụ và thẩm quyền của các cơ quan tố tụng. Viện kiểm sát là cơ quan buộc tội nhưng vai trò trong giai đoạn điều tra chưa thể hiện rõ và còn thụ động. Nhiều quyết định, yêu cầu của viện kiểm sát chưa được cơ quan điều tra nghiêm túc thực hiện. Hoạt động của viện kiểm sát chủ yếu là trên cơ sở hồ sơ vụ án do cơ quan điều tra xây dựng. Nhiều vi phạm của cơ quan điều tra như lạm dụng bắt khẩn cấp, vi phạm thủ tục tố tụng chưa được khắc phục trong đó có trách nhiệm của viện kiểm sát với tư cách là cơ quan công tố và kiểm sát việc tuân theo pháp luật... Đến giai đoạn xét xử, cơ quan toà án còn thực hiện nhiều việc theo thẩm quyền nhưng không thuộc chức năng của mình. Để đảm bảo tính chuyên môn hóa, không bị chồng chéo trong vấn đề thẩm quyền, cần phải phân định rạch ròi vai rò, quyền hạn của từng cơ quan. Các cơ quan có thể hỗ trợ lần nhau chứ không được “lấn sân” sang lĩnh vực của nhau.

- Tăng vai trò của Luật sư:

+ Trong việc thu thập chứng cứ: Quy định chứng cứ trong vụ án hình sự phải do người tiến hành tố tụng thu thập và được cơ quan tiến hành tố tụng chấp nhận. Như thế tự nó đã có tính áp đặt không khách quan. Đây là có tồn tại lớn trong khái niệm chứng cứ và trong thực tiễn là quy định chứng cứ của một vụ án phải do cơ quan tiến hành tố tụng thu thập và cũng phải do cơ quan tố tụng chấp nhận. Quy định tại Điều 65 BLTTHS thì chỉ có cơ quan tiến hành tố tụng mới được trao quyền thu thập chứng cứ, có nghĩa là được chủ động thu thập các chứng cứ như triệu tập những người có liên quan, trưng cầu giám định, tiến hành khám xét,..Bên cạnh đó những người tham gia tố tụng trong đó có Luật sư chỉ được “đưa ra tài liệu, đồ vật và trình bày về những vấn đề có liên quan đến vụ án”. Đây là cách rất thụ động, làm giảm tính khách quan, là hạn chế, làm cho xã hội hiểu rằng việc quyết định tội lỗi như thế nào là do các cơ quan tiến hành tố tụng. Thiết nghĩ, trong một giới hạn nào đó, pháp luật nên trao cho Luật sư quyền thu thập chứng cứ để đảm bảo bình đẳng trong việc thu thập chứng cứ vì nòng cốt của tranh tụng là phải có sự đối trọng giữa chứng cứ của bên buộc tội và bên gỡ tội đưa ra. Mọi vụ án đều bắt đầu từ chứng cứ, thúc bằng chứng cứ.

+ Trong quá trình tranh tụng: Trong thực tế tố tụng hình sự ở Việt Nam không còn nguyên nghĩa tố tụng thẩm vấn truyền thống mà có sự giao thoa tích cực, chứa đựng nhiều yếu tố tranh tụng. Các phiên tòa so với trước đây được diễn ra dân chủ hơn, luật sư được tham gia nhiều hơn, sớm hơn ngay từ khi tạm giữ người phạm tội. Để góp phần hạn chế tới mức tối thiểu và khắc phục hoàn toàn tình trạng oan sai và bỏ lọt tội phạm, biện pháp hiệu quả là đảm bảo nguyên tắc tranh tụng tại phiên tòa, trong đó luật sư phải thực sự được coi là nhân tố “đối trọng” với cơ quan điều tra và kiểm sát trong hoạt động TTHS. Nhấn mạnh đến vai trò của luật sư trong phát huy hiệu quả tranh tụng – yếu tố quan trọng để phòng, chống oan sai, cần sửa đổi, bổ sung những bất cập hiện nay trong các quy định của Bộ luật TTHS theo hướng không nên quy định người đại diện hợp pháp của người bị tạm giữ, bị can, bị cáo; bào chữa viên nhân dân là người bào chữa tại các phiên tòa hình sự như hiện nay để nâng cao chất lượng tranh tụng tại các phiên tòa. Đồng thời, mở rộng nâng cao vai trò, quyền và nghĩa vụ của luật sư, có những quy định cụ thể mang tính bắt buộc để các luật sư được tham gia tố tụng ngay từ giai đoạn điều tra vụ án hình sự.

- Nâng cao trách nhiệm của cán bộ tư pháp: Bên cạnh việc nâng cao năng lực chuyên môn, nghề nghiệp, kiến thức pháp luật, bản lĩnh chính trị và đạo đức của những cán bộ tư pháp, đặc biệt là những người tiến hành tố tụng cần có biện pháp xử lý nghiêm minh và kịp thời mọi hành vi mua chuộc, gây ảnh hưởng phía đương sự, người bị xét xử đối với người tiến hành tố tụng, nghiêm trị những người tiến hành tố tụng sai phạm… trên thực tế đã có quy định cán bộ tư pháp làm sai phải bồi hoàn một phần thiệt hại do việc làm oan sai của mình gây ra nhưng trên thực tế chưa được thực thi vì chưa có hướng dẫn cụ thể.

- Nâng cao nhận thức của công dân: Đây là điều rất quan trọng bởi nếu hiểu biết về pháp luật công dân sẽ thực hiện tốt quyền yêu cầu khôi phục danh dự và bồi thường

thiệt hại.

C – KẾT LUẬN:

 Qua đây, chúng ta có thể thấy được vai trò quan trọng của nguyên tắc bảo đảm quyền được bồi thường thiệt hại và phục hồi danh dự quyền lợi của người bị oan trong tố tụng hình sự. Vì thế, cần hoàn thiện hơn nữa Bộ luật tố tụng hình sự và các văn bản hướng dẫn một cách cụ thể, chi tiết việc áp dụng nguyên tắc này. Có như vậy mới đảm bảo quyền và lợi ích của người bị oan trong hoạt động tố tụng hình sự, đảm bảo sự công bằng, nghiệm minh của pháp luật.

DANH MỤC TÀI LIỆU THAM KHẢO

Giáo trình Luật tố tụng hinh sự Việt Nam – Trường đại học Luật Hà Nội.

Bộ luật tố tụng hình sự 2003.

Luật bồi thường Nhà nước năm 2009

Nghị quyết số 388/2003/NQ-UBTVQH 11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban thường vụ Quốc hội về bồi thường thiệt hại cho người bị oan do người có thẩm quyền trong hoạt động tố tụng gây ra kèm theo Công văn số 89/2003/KHXX của TANDTC ngày 5/8/2003 về việc giải quyết bồi thường thiệt hại theo Nghị quyết 388

Thông tư liên tịch số 01/2004/TTLT–VKSNDTC–BCA–TANDTC–BTP–BQP–BTC ban hành ngày 25 tháng 3 năm 2004 hướng dẫn thi hành một số quy định của Nghị quyết số 388/ NQ – UBTVQH 11 ngày 17/03/2003 của Ủy ban thường vụ 

No comments:

Post a Comment